Chúa Nhật XVIII Thường Niên
Xh 16,2-4.12-15; Ep 4,17.20-24; Ga 6,24-35
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Xh 16,2-4,12-15: Ta sẽ cho bánh từ trời rơi xuống như mưa.
Tv 78,24: Chúa đã ban cho họ được bánh bởi trời.
Ep 4,17.20-24: Hãy mặc lấy người mới đã được tác thành theo thánh ý Chúa.
Ga 6,24-35: Ai đến với Ta sẽ không hề đói, ai tin vào Ta sẽ không hề khát bao giờ.
Phaolô quan tâm đến tiến trình tâm linh. Ngài phác thảo chính xác tình huống xảy ra đối với một người cải đạo và cho tất cả những ai muốn phát triển thành một con người hoàn chỉnh, đặc biệt là với các Kitô hữu. Phaolô kêu gọi giáo đoàn Êphêsô cân nhắc lựa chọn một “sự sống mới trong Đức Kitô.”
Ta phải tìm thấy sự tái sinh trong “con người mới được tạo ra theo hình ảnh của Chúa” và đó là chính Đức Kitô. Nơi Ngài và qua Ngài, ta sẽ khám phá ra sự thánh thiện đó, một lòng ham muốn và hành động cởi mở, một đời sống với lòng khiêm nhường, nhẫn nại và tình yêu đích thực làm trung tâm - và tình yêu đó là chính Chúa Kitô. Vào cuối bài đọc Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói: “Ta là bánh hằng sống; Ai đến với Ta sẽ không hề đói, ai tin vào Ta sẽ không hề khát bao giờ.”
Giáo hội dạy rằng Bí tích Thánh Thể là “bí tích tình yêu, dấu chỉ hiệp nhất, mối dây bác ái, bữa tiệc phục sinh, trong đó khi lãnh nhận Chúa Kitô, tâm hồn ta được tràn đầy ân sủng và bảo chứng cho ta một vinh quang tương lai” (Sacrosanctum Concilium 47). Ước gì ta biết khao khát và đón nhận ân sủng bởi trời Thiên Chúa dành sẵn cho để ta có thể lớn lên trong tin yêu và no ấm.
Thứ Hai - Tuần XVIII Thường Niên
(Gr 28,1-17; Mt 14,13-21)
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Gr 28:1-17: Đức Chúa chẳng hề sai ông, thế mà ông lại làm cho dân này tin vào điều dối trá.
Tv 119,68b: Lạy Chúa, thánh chỉ Ngài, xin dạy cho con.
Mt 14,13-21: Ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra, trao cho môn đệ. Và môn đệ trao cho dân chúng.
Thiên Chúa là Đấng giàu lòng xót thương. Thiên Chúa mong muốn nhân loại được sống trong an bình, ấm no, hạnh phúc để từ đó có thời gian để sống trong mối liên hệ tốt đẹp với Người. Vậy mà con người đã phạm tội và đánh mất tương quan mật thiết đó. Vì thế, Chúa động lòng trắc ẩn mà ra tay cứu độ. Trên hành trình dương thế, Chúa Giêsu thi hành ý của Chúa Cha, và Ngài tiếp tục thể hiện lòng thương cảm khi dân của Ngài có vẻ đói khát cả vật chất lẫn tinh thần. Chúa Giêsu đã chúc lành, dâng lời tạ ơn với năm chiếc bánh và hai con cá của các tông đồ, và từ nguồn mạch thiêng liêng đó, dân chúng đã được ăn và ăn no nê.
Các môn đệ thậm chí còn không nghĩ rằng một ít lương thực của họ sẽ đủ để nuôi sống đoàn dân. Và chúng ta tự nhắc nhở mình làm thế nào Chúa có thể sử dụng những lễ vật / tài năng nhỏ bé của ta để làm nên những điều lớn lao, mặc dù chúng có vẻ không đáng kể. Dù ta đang sống trong những thời khắc khó khăn, thì sự bảo đảm về việc Chúa động lòng thương xót và mong muốn giúp ta đối mặt với thử thách này, đó là niềm an ủi lớn lao.
Lm. Tôma Lê Duy Khang
Bối cảnh Tin mừng hôm nay là sau khi Chúa Giêsu nghe biết về việc tiểu vương Hêrode chú ý đến mình, nên đã lánh khỏi nơi đó, tại sao phải đi? Nếu đọc Tin mừng theo thánh Luca thì chúng ta sẽ tìm thấy được hai lý do.
Lý do thứ nhất Luca nói: “Cũng vào giờ ấy, có mấy người Pha-ri-sêu đến thưa Đức Giê-su rằng: “Xin ông đi ra khỏi đây, vì vua Hê-rô-đê đang muốn giết ông!” Người bảo họ: “Các ông hãy đi nói với con cáo ấy thế này: “Hôm nay và ngày mai tôi trừ quỷ và chữa lành bệnh tật, ngày thứ ba tôi hoàn tất. Tuy nhiên, hôm nay, ngày mai và ngày mốt, tôi phải tiếp tục đi, vì một ngôn sứ mà chết ngoài thành Giê-ru-sa-lem thì không được” (Lc 13, 31-33), lý do này cho thấy vì giờ Chúa Giêsu chịu chết chưa đến, chứ không phải là Ngài sợ Hêrode.
Thứ hai, Hêrođe thắc mắc về Chúa Giêsu, muốn được thấy phép lạ của Chúa, trong cuộc thương khó Luca ghi lại: “Vua Hê-rô-đê thấy Đức Giê-su thì mừng rỡ lắm, vì từ lâu vua muốn được gặp Người bởi đã từng nghe nói về Người. Vả lại, vua cũng mong được xem Người làm một hai phép lạ. Nhà vua hỏi Người nhiều điều, nhưng Người không trả lời gì cả. Các thượng tế và kinh sư đứng đó, tố cáo Người dữ dội. Vua Hê-rô-đê cũng như thị vệ đều khinh dể Người ra mặt nên khoác cho Người một chiếc áo rực rỡ mà chế giễu, rồi cho giải Người lại cho ông Phi-la-tô. Ngày hôm ấy, vua Hê-rô-đê và tổng trấn Phi-la-tô bắt đầu thân thiện với nhau, chứ trước kia hai bên vẫn hiềm thù” (Lc 23, 8-12). Như vậy, Chúa bỏ đi vì giờ của Chúa chưa đến, bằng chứng là sau đó Chúa vẫn lên Giêrusalem, rồi khi Hêrode muốn Chúa làm phép lạ thì Chúa cũng làm phép lạ, bằng chứng là Hêrode và Philato bắt đầu thân thiện với nhau, chứ không còn hiềm thù nữa, đó là phép lạ mà Hêrode và Philato không nhận ra.
Như vậy, lời Chúa hôm nay dạy chúng ta bài học gì? Thưa bài học đó là hãy sống theo ý muốn của Chúa, chứ đừng bắt Chúa phải sống theo ý muốn của mình, vì chỉ có Chúa biết được khi nào cần, khi nào tốt, cũng như điều nào cần, điều nào tốt cho con người. còn điều mà con người chúng ta muốn thì khi trúng khi trật, khi hay khi dở, nên không thể lấy làm chuẩn mực hành động được. Hêrode muốn tìm giết Chúa nhưng giờ của Chúa chưa đến, Chúa còn phải đi rao giảng. Hêrode muốn gặp Chúa để nhìn thấy phép lạ, nhưng giờ Chúa chưa đến Chúa không làm phép lạ lúc ông muốn.
Còn hôm nay, Chúa muốn làm phép lạ để nuôi đám đông dân chúng, nên Chúa đã làm, đó là quyền của Chúa, vì Chúa biết được dân chúng cần Chúa lúc này, đó là điều tốt cho dân chúng. Nên chúng ta thấy điều Chúa muốn thì luôn tốt. Tốt vì Chúa muốn. Không phải Chúa muốn vì chính điều đó là điều tốt đâu.
Như vậy nếu chúng ta muốn điều tốt, thì chúng ta hãy muốn điều Chúa muốn, thì đó là điều tốt nhất cho cuộc đời của mỗi người chúng ta, và đó là chọn lựa khôn ngoan mà Chúa muốn mỗi người chúng ta hãy chọn lựa. Amen.
Thứ Ba - Tuần XVIII Thường Niên
Chúa Hiển Dung
(Đn 7,9-10.13-14; Mc 9,2-10)
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Đn 7,9-10.13-14: Áo Người trắng như tuyết.
Tv 97,1a và 9a: Chúa hiển trị, Chúa là Đấng tối cao trên toàn cõi đất.
2 Pr 1,16-19: Chúng tôi đã nghe tiếng ấy từ trời phán xuống.
Lc 9,2-10: Đây là con yêu dấu của Ta.
Lễ Chúa Hiển Dung tuyên xưng Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật. Khoảnh khắc thần linh khi Chúa Giêsu tỏ hiện một dung mạo phi thường, uy nghi diễn ra trong phút chốc nhưng đã phủ kín toàn bộ tâm trí các môn đệ chứng kiến. Cuộc biến đổi chưa từng có này diễn ra trước một cuộc biến đổi còn khó tin hơn: “Con Người từ cõi chết sống lại.” Các môn đệ thân cận đã thấy, đã nghe nhưng vẫn chưa hiểu được những gì Chúa Giêsu làm và căn dặn. Vì tai nghe, mắt thấy vẫn còn những giới hạn. Thêm vào đó cần phải có lòng tin, mến, và cậy trông nữa.
Biến hình được coi là một trong năm sự kiện lớn trong hành trình dương gian của Chúa Giêsu: Rửa tội, Hiển dung, Đóng đinh, Phục Sinh, và Thăng Thiên. Sự kiện Hiển dung có năm nhân chứng: Môsê, Êlia, Phêrô, Giacôbê, Gioan. Đó là các đại diện của lề luật: Môsê, đại diện các tiên tri: Êlia; và các chứng nhân sống động, gần gũi, uy tín: Phêrô, Giacôbê, Gioan. Các môn đệ đã nhìn thấy sức mạnh và vinh quang của Chúa Giêsu và dành cả cuộc đời của họ để tuyên bố thông điệp hòa bình và công lý của Chúa cho tất cả mọi người. Ta cũng được mời gọi khám phá vẻ đẹp rạng ngời của Chúa qua những gì quen thuộc nhất. Chúa hiển trị, chúng ta cùng hân hoan đón Ngài.
Lm. Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay trình bày sự kiện Chúa Giêsu biến hình trên núi Tabor để cho các ông thấy vinh quang của Chúa. Khi được thấy vinh quang của Chúa thì ông Phêrô đã nói: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a.” Tại sao ông Phêro lại nói với Chúa Giêsu điều đó? Đọc tiếp Tin mừng: “Thực ra, ông không biết phải nói gì, vì các ông kinh hoàng”, nếu kinh hoàng sợ hãi không biết nói gì, tại sao lại nếu điều đó, mà không nói điều khác? Thưa giống như Chúa Giêsu đã nói: “Kho tàng của anh em ở đâu thì lòng trí anh em ở đó” (Mt 6,21); hay: “Người tốt thì rút cái tốt từ kho tàng tốt của mình; kẻ xấu thì rút cái xấu từ kho tàng xấu của mình” (Mt 12,35). Và thật sự Phêro là con người như vậy, ông chỉ mong muốn có vinh quang chứ không mong muốn có thập giá.
Khi người thanh niên hỏi Chúa Giêsu phải làm gì để có được sự sống đời đời, thì Chúa nói hãy về bán tất cả tài sản mình có mà cho người nghèo, người thanh niên buồn rầu bỏ đi vì anh ta có nhiều của cải, Chúa Giêsu mới nói: “Thầy bảo thật anh em, người giàu có khó vào Nước Trời. Thầy còn nói cho anh em biết: con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa.” Bấy giờ Phêro mới hỏi Chúa Giêsu: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy. Vậy chúng con sẽ được gì?” (Mt 19, 16-27). Chính vì lòng trí chỉ nghĩ theo Chúa để được gì, chứ không phải để mất gì, nên trong cơn kinh hoàng sợ hãi khi không biết nói gì, Phêro đã nói những điều mình đã suy nghĩ trước đó, đã nói theo thói quen, như một phản xạ.
Thánh Tôma More có một người bạn sang trọng, nhưng đạo đức lơ là. Thánh nhân khuyên ông ăn năn trở về với Chúa, nhưng ông cứ nói: “Khi sắp chết, tôi sẽ nói: “Lạy Chúa, xin tha cho con” và tôi sẽ được tha thứ.”
Ngày kia, khi hai người cưỡi hai con ngựa đi ngang qua cầu Luân Đôn, thánh Tôma More thấy con ngựa của ông bạn hất ông vào thành cầu, làm cho đầu ông bị dập. Lúc đó, thánh Tôma More nghe ông bạn thốt ra lời: “Đồ quỷ!”, và chết tươi ngay.
Áp dụng vào cuộc sống, chúng ta được mời gọi thay đổi suy nghĩ đó là theo Chúa không phải để được gì theo nghĩa thế gian, mà để mất đi những gì thuộc về thế gian là hận thù, là tham lam, là ích kỷ, là đố kỵ…. để được những điều tốt lành theo nghĩa thiêng liêng, đó là điều mà Chúa muốn hiển dung cho các môn đệ ngày xưa, cũng như cho mỗi người chúng ta ngày nay. Amen.
Thứ Tư - Tuần XVIII Thường Niên
(Gr 31,1-7; Mt 15,21-28)
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Gr 31,1-7: Ta đã yêu ngươi bằng mối tình muôn thuở.
Đc: Chúa sẽ gìn giữ chúng ta như mục tử chăn dắt đoàn chiên mình (Gr 31,10d).
Mt 15,21-28: Này bà, bà có lòng mạnh tin.
Trong bài đọc thứ nhất, Israel trở về sau thời kỳ lưu đày thứ hai, lần này là từ tay những người Assyria. Chúng ta thấy niềm vui và sự ca ngợi trong cuộc giải phóng này. Đoạn trích trong sách Giêrêmia mô tả tình yêu thương lâu dài của Thiên Chúa dành cho dân tuyển chọn. “Ta đã yêu ngươi bằng mối tình muôn thuở.” Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu nói rõ mối quan hệ đặc biệt của Ngài với dân tộc Do Thái. Vùng Tyre và Sidon không phải là vùng có nhiều người Do Thái định cư. Một người phụ nữ Canaan, kẻ thù truyền kiếp của người Do Thái, kêu cầu Chúa Giêsu. Bà kiên trì tìm cách chữa trị cho con gái mình.
Người đàn bà gọi Chúa Giêsu là Con vua Đavít. Dường như bà tiến thêm một bước vì sự kiên trì. Câu trả lời của Chúa: “không nên lấy bánh của con cái mà vứt cho chó,” không thể khiến bà thất vọng. Câu trả lời khiêm tốn của bà lại khiến Chúa Giêsu đánh giá cao. Vì vậy, Chúa Giêsu khen thái độ và lòng tin của bà. “Này bà, bà có lòng mạnh tin!”
Từ các bài đọc hôm nay, chúng ta nhận ra mối liên hệ lịch sử của Thiên Chúa với nhân loại. Theo dòng thời gian, Chúa đã yêu, đang yêu và mãi yêu dân của Người. Ta tin rằng Chúa sẽ gìn giữ chúng ta như mục tử chăn dắt đoàn chiên mình cách tốt nhất.
Lm. Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay không chỉ trình bày cho chúng ta thấy đức tin của người phụ nữ Canaan mà còn cho thấy tình thương của bà dành cho con cái của mình. Và tình thương của người mẹ này là hình ảnh tình thương của Thiên Chúa dành cho con người, trong sách Isaia có nói: “Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ” (Is 49, 15).
Chúng ta thấy người mẹ này vì thương con mà làm tất cả vì con, nơi Chúa cũng vậy, vì thương con người nên đã làm tất cả vì con người. Ngược lại, nếu con người biết yêu mến Chúa có thể làm tất cả vì Chúa không? Thưa có.
Trong Kinh thánh có câu chuyện Đavit, vì yêu mến Chúa, vì kính sợ Chúa, mà ông đã hai lần không giết Saun, ông nói với Avisai người đầy tớ khi có cơ hội giết vua: “Đừng giết vua! Có ai tra tay hại đấng ĐỨC CHÚA đã xức dầu tấn phong mà vô sự đâu?” Ông Đa-vít nói: “Có ĐỨC CHÚA hằng sống! Chính ĐỨC CHÚA sẽ đánh phạt vua, hoặc khi ngày của vua đến mà vua phải chết, hoặc khi vua xuống giao chiến mà vua thiệt mạng. Nhưng xin ĐỨC CHÚA đừng bao giờ để tôi tra tay hại đấng ĐỨC CHÚA đã xức dầu tấn phong!” (1Sm 26,9-11).
Hay câu chuyện khi Đavit rước hòm bia về Giêrusalem, vua Đavit đã nhảy múa trước nhảy múa hết sức mình trước nhan ĐỨC CHÚA. Vua Đa-vít và toàn thể nhà Ít-ra-en rước Hòm Bia ĐỨC CHÚA lên giữa tiếng hò reo với tiếng tù và. Khi Hòm Bia ĐỨC CHÚA vào Thành vua Đa-vít, bà Mi-khan, con gái vua Sa-un, từ cửa sổ nhìn xuống thấy vua Đa-vít nhảy múa quay cuồng trước nhan ĐỨC CHÚA, thì sinh lòng khinh dể. Người ta đưa Hòm Bia ĐỨC CHÚA đặt vào chỗ đã dọn giữa lều vua Đa-vít đã dựng sẵn. Vua Đa-vít dâng lên trước nhan ĐỨC CHÚA những lễ toàn thiêu và những lễ kỳ an. Khi đã hoàn tất việc dâng các lễ toàn thiêu và lễ kỳ an, vua Đa-vít nhân danh ĐỨC CHÚA các đạo binh chúc phúc cho dân. Rồi vua phân phát cho toàn dân, cho tất cả đám đông Ít-ra-en, đàn ông cũng như đàn bà, mỗi người một cái bánh ngọt, một phần thịt và một cái bánh nho. Rồi toàn dân ai nấy về nhà mình. Khi vua Đa-vít trở về để chúc phúc cho nhà mình, bà Mi-khan, con gái vua Sa-un, ra đón vua và nói: “Vua Ít-ra-en hôm nay thật là danh giá, khi để hở hang trước mắt các nữ tỳ của tôi tớ mình, như một đứa vô danh tiểu tốt để hở hang!” Vua Đa-vít nói với bà Mi-khan: “Trước nhan ĐỨC CHÚA, Đấng đã chọn tôi thay vì thân phụ bà và cả nhà thân phụ bà, để đặt tôi làm người lãnh đạo dân ĐỨC CHÚA là Ít-ra-en, trước nhan ĐỨC CHÚA tôi sẽ vui đùa. Tôi sẽ còn hạ mình hơn thế nữa, tôi sẽ coi mình là thấp hèn; nhưng đối với các nữ tỳ mà bà nói, đối với chúng, tôi sẽ được danh giá.” Và bà Mi-khan, con gái vua Sa-un, không có con cho đến ngày chết” (2Sm 6, 14-23).
Nên chúng ta thấy khi con người có lòng yêu mến, có lòng kính sợ Chúa, thì sẽ vì Chúa mà làm tất cả, không sợ xấu hổ trước mặt người đời, mà chỉ muốn làm đẹp lòng Chúa. Xin cho chúng ta biết yêu mến Chúa, để tin vào Chúa, sống đẹp lòng Chúa mỗi ngày. Amen.
Thứ Năm - Tuần XVIII Thường Niên
Thánh Đaminh, linh mục, lễ nhớ.
(Gr 31,31-34; Mt 16,13-23)
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Gr 31,31-34: Ta sẽ ký kết giao ước mới và Ta sẽ không còn nhớ tội lỗi nữa.
Tv 51,12a: Ôi lạy Chúa, xin tạo cho tôi quả tim trong sạch.
Mt 15,13-23: Con là Đá, Thầy sẽ ban cho con chìa khoá nước trời.
Giáo hội tôn kính Thánh Đaminh cách đặc biệt để ghi nhớ tình yêu của Thiên Chúa qua tràng chuỗi Mân Côi. Bài đọc đầu tiên đề cập đến lòng trắc ẩn của Thiên Chúa. Chúa hứa với dân Israel rằng Người sẽ lập một giao ước mới và sẽ không nhớ đến tội lỗi của họ nữa. Trong Tân Ước, Phêrô được trao chìa khóa để tha thứ tội lỗi. Matthêu ghi lại lời Chúa Giêsu. “Con là Đá, Thầy sẽ ban cho con chìa khoá nước trời.” Lời mời gọi hoán cải bắt đầu từ lòng thương xót của Chúa, và món quà đó chuyển giao cho các linh mục. Cách riêng, Đaminh là người thực thi sứ mệnh của mình rất tốt với tư cách là một cha giảng thuyết với lòng sùng kính Đức Maria cách thẳm sâu qua những lời Kinh Thánh rút gọn trong chuỗi Mân Côi.
Thánh Đaminh dùng năng quyền và sức mạnh của những lời rao giảng để làm thức tỉnh tâm hồn con người. Tạo ra một tâm hồn trong sạch là một lời cầu nguyện tuyệt đẹp từ Thánh vịnh. Khi lòng người trong sạch, họ sẽ thấy Thiên Chúa. Chúa luôn sẵn sàng tha thứ, nhưng ta quyết định việc hòa giải sẽ diễn ra thế nào. Chúa Giêsu là một thông điệp sâu sắc về tình yêu. Xin cho ta có đức tin để nhìn và biết Chúa Giêsu và có thể can đảm để chấp nhận những gì xảy ra cùng với việc theo Ngài và được yêu thương.
Lm. Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta có những con người muốn đi theo Chúa, cũng có những con người được Chúa gọi theo Chúa, nhưng dường như không ai theo được, bởi vì những đòi buộc phải có để đi theo Chúa, có người thì Chúa nói: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng con người không có chỗ tựa đầu”, có người thì Chúa nói: “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh hãy đi loan báo triều đạo thiên Chúa”, có người thì Chúa nói: “Ai đã tra tay cầm cày mà con ngoái lại đằng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa”. Những đòi hỏi của Chúa Giêsu không phải là không muốn để cho con người trở thành môn đệ của mình, nhưng là để cho thấy mỗi người có một điểm yếu riêng, chính vì thế mà Chúa đã đánh vào điểm yếu đó để giúp người môn đệ khắc phục điểm yếu của mình, để có thể vững vàng hơn trên hành trình theo Chúa.
Nghĩa là yếu điểm nào Chúa đánh vào điểm đó, không ai giống ai cả, chúng ta hãy nhớ trong lệnh truyền truyền giáo, Chúa Giêsu đã dạy: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28,19-20). Chúng ta thấy, điều đầu tiên của lệnh truyền truyền giáo là làm sao để cho người ta trở thành môn đệ, nghĩa là phải tin vào Chúa trước đã rồi mới rửa tội, vì điểm yếu của người dự tòng đó là chưa tin vào Chúa, nên phải làm cho người ta tin trước đã. Nên chúng ta thấy những đòi hỏi của Chúa tùy theo từng người, tùy theo từng đối tượng, không ai giống ai, để giúp cho mỗi người hướng lòng về Chúa.
Hiểu được như thế, chúng ta được mời gọi cám ơn Chúa luôn luôn vì những ơn lành mà Chúa đã ban cho chúng ta, Chúa ban cho chúng ta không thiếu, Chúa ban cho chúng ta cũng không thừa, nếu Chúa có ban cho chúng ta có thừa đi chăng nữa thì cũng là vì để chúng ta thay mặt Chúa để san sẻ với những anh chị em túng thiếu hơn chúng ta, thế nhưng thú thật có mấy ai làm được điều này, rất ít.
Nên trong cuộc sống, để có thể thấy được những hoàn cảnh xung quanh mình, chúng ta cần phải xin ơn Chúa, nhất là xin ơn vừa đủ, có vừa đủ, chúng ta mới biết quý trọng nhưng gì chúng ta có, nếu không chúng ta thấy những gì ta có là thường thôi, và mất đi lòng thương xót. Để kết thúc xin được chia sẻ một bài thơ hay nói đúng hơn là một lời cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin cho con vừa đủ giàu, để con có thể lo cho nhu cầu cần thiết, vừa đủ nghèo, để con học biết bài học cảm thông, vừa đủ ơn để con biết Chúa thương con nhiều, vừa đủ đau khổ để con biết bám vào Chúa, vừa đủ thử thách để con có thể lớn lên trong niềm tin, vừa đủ hy vọng để con tìm thấy niềm vui khi đời bế tắc, vừa đủ nỗi buồn để con nhớ rằng phận người là thế đấy và lạy Chúa xin hãy nhắc nhở con luôn, con được ngày hôm nay là hồng ân Chúa ban cho, nhưng con sẽ như thế nào trong tương lai, đó có thể là món quà con có thể dâng lại cho Chúa.” Amen.
Thứ Sáu - Tuần XVIII Thường Niên
(Nk 2,1.3;3,1-3.6-7; Mt 16,24-28)
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Na 2:1.3; 3,1-3.6-7: Khốn cho thành khát máu.
Đc: Ta sẽ giết chết và sẽ làm cho sống lại (Đnl 32,39c).
Mt 15,24-28: Người ta sẽ lấy gì mà đổi được sự sống mình?
Suy gẫm các bài đọc hôm nay, ta biết Thiên Chúa là Đấng quyền năng tối cao trên trời và dưới đất. Người là Đấng có quyền làm cho chết và ban sự sống. Thế giới từ lâu đã phải vật lộn với việc nhân loại mâu thuẫn với nhau. Ngày nay, mọi người phải di dời lánh nạn, bị bắt bớ, đói khát, đức tin của họ bị thử thách, và tinh thần của họ bị suy sụp. Họ cảm thấy thất vọng và bất lực. Tuy nhiên, Phúc âm nhắc nhở rằng ta không bất lực. Chúa Giêsu yêu cầu thi hành các bước cụ thể nếu ta muốn theo Ngài, chẳng hạn như “từ chối chính mình, vác thập giá của mình và theo Ngài.” Ý niệm về việc ‘đánh mất’ bản thân để ‘cứu’ cuộc sống là một nghịch lý mời gọi chúng ta hành động hàng ngày nhân danh Ngài.
Một cuộc sống có ý nghĩa là một cuộc sống với toàn bộ thành quả tốt đẹp. Chúa sẽ trả công theo những gì chúng ta đã làm. Do đó, dành tình yêu thương trong lời nói và việc làm cho người khác mang lại cho ta cơ hội may mắn để trải nghiệm sự thể hiện đầy đủ nhất của bản thân. Theo cách đó, chúng ta sống trong Đức Kitô, và Ngài sống trong chúng ta. Đừng để cái chết chiến thắng ta! Chúng ta hãy đáp ứng lời kêu gọi của Đức Kitô để ‘đánh mất’ mạng sống mình vì lợi ích của Ngài.
Lm. Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Ai muốn theo tôi thì phải từ bỏ chính mình, và vác thập giá mình mà theo tôi”. Vậy phải làm sao để có thể vác thập giá mà theo Chúa, vì trong cuộc đời có ai muốn vác thập giá bao giờ đâu? Chúng ta thấy Chúa Giêsu kêu gọi người môn đệ đi theo Chúa vác thập giá, vậy Chúa có vác thập giá không? Thưa có, Chúa Giêsu cũng vác thập giá, nhưng thập giá này là thập giá của con người chứ không phải là thập giá của Chúa.
Trong kinh Lạy Chiên Thiên Chúa chúng ta đọc: Lạy chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian, xin thương xót chúng con, lạy chiên thiên chúa đấng xóa tội trần gian, xin thương xót chúng con, lạy chiên thiên chúa, đấng xóa tội trần gian, xin ban bình an cho chúng con. Hay khi dâng lễ linh mục đọc lời truyền phép trên bánh và rượu: Trong đêm bị trao nộp Người cầm lấy bánh tạ ơn bẻ ra trao cho các môn đệ mà nói: Tất cả các con hãy nhận lấy mà ăn, vì này là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con. Cùng một thể thức ấy sau bữa ăn tối Người cầm lấy chén tạ ơn trao cho các môn đệ mà nói: Tất cả các con hãy nhận lấy mà uống vì này là chén Máu Thầy, máu giao ước mới và vĩnh cữu sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội, các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy.
Mình Chúa bị nộp vì con người, máu Chúa đổ ra vì con người, và Chúa vác thập giá cũng của con người, chúng ta biết khi Chúa Giêsu vác thánh giá lên núi sọ, Tin mừng Macco thuật lại: “Lúc ấy, có một người từ miền quê lên, đi ngang qua đó, tên là Si-môn, gốc Ky-rê-nê. Ông là thân phụ hai ông A-lê-xan-đê và Ru-phô. Chúng bắt ông vác thập giá đỡ Đức Giê-su”, thật ra nếu dịch sát nghĩa là họ bắt ông Simon vác thập giá của ông, chứ không phải của Chúa.
Hiểu được như vậy, chúng ta thấy Chúa vác thập giá của con người chứ không phải vác thập giá của Chúa, chính vì thế, khi con người đi theo Chúa, thì con người vác thập giá là vác thập giá của mình, chứ đâu phải vác thập giá của Chúa.
Như vậy, để có thể vác thập giá theo Chúa, thì phải ý thức đó chính là thập giá của mình chứ không phải của Chúa, không phải Chúa bắt chúng ta vác, mà chúng ta phải biết là của mình để tự mình vác, có như thế chúng ta mới có thể vác được, còn nếu chúng ta nghĩ đó là của người khác, mà bắt chúng ta vác, thì chúng ta khó mà chịu vác, vì không phải là của mình, nhưng thật ra đó chính là của mình, chứ không phải của Chúa hay của người khác, vì người khác có thánh giá của người khác.
Có một ông nhà giàu nọ, một hôm đi tản bộ chung quanh ngôi biệt thự rất sang trọng của mình, bất chợt ông thấy có rất nhiều người ăn xin, ngồi lê lếch trước của nhà của ông, rất đáng thương. Thế là ông nhà giàu tỏ vẻ buồn bực, ông ngước mắt lên trời và nói với Chúa rằng: Lạy Chúa, Chúa nói Chúa thương con người, nhưng sao Chúa lại để nhiều người phải chịu cảnh nghèo đói khốn cực thế này, Chúa nói xạo quá. Nói xong như vậy, ông nhà giàu mất cả hứng thú đi dạo, ông bỏ vào nhà và đánh một giấc. Đêm hôm ấy, Chúa Giêsu hiện ra với ông trong giấc mơ và bảo, này con Ta đã giúp họ rồi, nói xong Chúa liền biến mất. Sáng hôm sau khi vừa thức dậy ông nhà giàu chạy vội ra ngoài, kiểm chứng xem hôm qua Chúa nói có thiệt không, thế nhưng khi nhìn ra bên ngoài thì những con người nghèo vẫn còn y nguyên. Ông ta lại một lần nữa bực mình và nói: Chúa nói Chúa giúp mà con chẳng thấy Chúa giúp gì cả, người nghèo vẫn còn y nguyên, Chúa xạo quá, lần này có một tiếng nói xoáy vào lòng ông: Ta đã giúp họ rồi, khi Ta đã sinh ra con, Ta đã cho con có tiền của dư vật, để con có thể chia sẻ với những người túng thiếu.
Người nghèo đó là thập giá mà ông nhà giàu phải cứu giúp, chứ đâu phải của Chúa, vì Chúa ban cho chúng ta để chúng ta vác thập giá của mình. Xin cho chúng ta hiểu được điều đó để đừng phàn nàn khi phải vác thập giá của mình mà theo Chúa. Amen.
Thứ Bảy - Tuần XVIII Thường Niên
Thánh Laurensô, phó tế, tử đạo.
(2Cr 9,6-10; Ga 12,24-26)
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
2 Cr 9,6-10: Thiên Chúa yêu thương kẻ cho cách vui lòng.
Tv 112,5a: Phúc đức cho người biết xót thương và cho vay.
Ga 12,24-26: Ai phụng sự Ta thì Cha Ta sẽ tôn vinh nó.
Hôm nay chúng ta cử hành Lễ Thánh Lôrensô. Thánh nhân chịu trách nhiệm phục vụ người nghèo mà ngài đã trở thành vị thánh bảo trợ. Vào thời của ngài, không có vị thánh nào được yêu mến hơn Lôrensô. Ngài rất hào phóng và tốt bụng.
Tất cả các bài đọc hôm nay rất thích hợp để mô tả thánh Lôrensô. Thánh Phaolô nói rằng Thiên Chúa yêu thương kẻ cho cách vui lòng, nghĩa là không cho đi với tâm trạng buồn bã hay cảm giác bị ép buộc. Thánh Phaolô nói rằng nếu ta gieo ít thì gặt ít, nhưng nếu gieo nhiều thì ta sẽ gặt nhiều. Lôrensô có thể đã có thể tự gieo và gặt hồng phúc cuộc đời. Ngài không nao núng khi hạ mình xuống. Mượn lời của Thánh Phaolô, việc thu hoạch sự công chính của ngài không dừng lại ngay cả khi đã chết.
Thánh vịnh chúc phúc cho người biết xót thương và cho vay. Chúa hứa rằng những ai bố thí cho người nghèo sẽ được hưởng một lòng quảng đại không bao giờ hết. Cuộc sống của Lôrensô giống như một hạt lúa mì. Hạt lúa rơi xuống đất, chết đi rồi sinh nhiều bông hạt. Lôrensô đã có hồng phúc tử đạo; do đó, ngài đã bảo toàn sự sống đời đời. Ngài đã phục vụ và đi theo Chúa Giêsu. Trong Phúc âm, Chúa Giêsu nói, “Ai phụng sự Ta thì Cha Ta sẽ tôn vinh nó.” Chúng ta có thể làm như vậy.
Lm. Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Nếu hạt lúa mì gieo xuống đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình, còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác”
Từ hình ảnh hạt lúa Chúa Giêsu đưa lên hình ảnh cao hơn đó là hình ảnh của con người, đặc biệt là của người môn đệ Chúa: “Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời. Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha của Thầy sẽ quý trọng người ấy.”
Những hình ảnh đó cho chúng ta thấy khi chúng ta đi theo Chúa, thì chúng ta luôn luôn bị thua thiệt theo cái nhìn của người đời, và thật sự là như vậy, nhưng sự thua thiệt này là thua thiệt vì Chúa, thua thiệt vì anh chị em của mình là những con người mang hình ảnh của Chúa, nghĩa là khi mình chịu thua thiệt, thì khi đó mình đã để cho Chúa chiến thắng, thì chính sự thua thiệt đó có mục đích, nhưng mục đích này không phải là mục đích hiểu theo nghĩa vụ lợi, mà là mục đích của tình thương, thua thiệt vì tình thương, chính khi bị chịu thua thiệt vì tình yêu, thì sự thua thiệt đó mới có giá trị trước mắt Chúa.
Chúng ta thấy, Chúa Giêsu đã chịu thua thiệt vì con người: “Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Ep 2,6-8), đó là sự thua thiệt vì tình yêu, vì lòng yêu mến Thiên Chúa Cha, vì lòng yêu mến con người.
Thánh Phaolo chịu thua thiệt vì các tín hữu Côrinto: “Thiên Chúa đã đặt chúng tôi làm Tông Đồ hạng chót như những kẻ bị án tử hình, bởi vì chúng tôi đã nên trò cười cho thế gian, cho thiên thần và loài người! Chúng tôi điên dại vì Đức Ki-tô, còn anh em thì khôn ngoan trong Đức Ki-tô; chúng tôi yếu đuối, còn anh em thì mạnh mẽ; anh em được kính trọng, còn chúng tôi thì bị khinh khi. Cho đến giờ này, chúng tôi vẫn chịu đói khát, trần truồng, bị hành hạ và lang thang phiêu bạt; chúng tôi phải vất vả tự tay làm lụng. Bị nguyền rủa, chúng tôi chúc lành; bị bắt bớ, chúng tôi cam chịu; bị vu khống, chúng tôi đem lời an ủi. Cho đến bây giờ, chúng tôi đã nên như rác rưởi của thế gian, như phế vật đối với mọi người.” (1Cr 4, 9-13).
Hay thánh Lorenso mà chúng ta mừng lễ hôm nay đã chịu thua thiệt vì tài sản của Giáo hội đó là những người nghèo. Chúng ta biết, ngày 7.8 Đức Giáo Hoàng Sixtus II chịu tử đạo trong hang toại đạo đang khi dâng thánh lễ, và cùng phúc tử đạo với ngài là 4 thầy phó tế đang vây quanh ngài, trừ Lô-ren-xô. Bởi vì, thầy phó tế này là người quản lý tài sản của Giáo Hội Rôma (Ai làm quản gia chúng ta thấy cũng có lợi). Người ta cho ngài thời hạn 4 ngày để đem nộp tất cả tài sản cho nhà nước. Theo truyền thuyết, sau thời hạn 4 ngày, Lôrenxô đến toà án cùng với một đám đông dân nghèo của thành phố La Mã, ngài nói với quan toà: “Này, đây là tài sản của Hội Thánh. Hãy nói với hoàng đế, ráng gìn giữ cho cẩn thận, vì chúng tôi không còn có mặt ở đây để gìn giữ nữa”. Sau đó thánh nhân được phúc tử đạo trên giàn lửa thiêu.
Xin cho mỗi người chúng ta biết noi gương Chúa Giêsu, noi gương các thánh sống đẹp lòng Chúa mỗi ngày bằng việc chịu thua thiệt vì Chúa, thua thiệt vì anh chị em của mình, và sự thua thiệt này với một mục đích duy nhất là vì tình yêu. Amen.