28/07/2024
837
Suy niệm hằng ngày_ Tuần XVII Thường Niên







 

 

 


 


 

Chúa Nhật XVII Thường Niên

2V 4,42-44; Ep 4,1-6; Ga 6,1-15


Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

2 V 4,42-44: Họ ăn xong mà vẫn còn dư.

Tv 145,16: Lạy Chúa, Chúa mở rộng bàn tay ra, và thi ân cho chúng con được no nê.

Ep 4,1-6: Chỉ có một thân thể, một Chúa, một đức tin và một phép rửa.

Ga 6,1-15: Người phân phát cho các kẻ ngồi ăn, ai muốn bao nhiêu tùy thích.

ĐGH Phanxicô đã tuyên bố Chúa nhật thứ tư của tháng Bảy là ngày đặc biệt để tôn vinh ông bà và những người cao tuổi. ĐGH Phanxicô nói, “Ngày nay Chúa Thánh Thần còn khơi dậy những suy nghĩ và lời nói khôn ngoan ở người già”. Ngài tiếp, tiếng nói của người già “thật là quý giá”, bởi vì họ ngợi khen Chúa và gìn giữ cội nguồn của các dân tộc.” Người cao tuổi “nhắc nhở rằng tuổi già là một món quà và ông bà là sợi dây liên kết giữa các thế hệ khác nhau, để truyền lại kinh nghiệm sống cho lớp trẻ”. Tuy nhiên, “ông bà thường bị lãng quên” bởi chính những người thân thuộc.

Tin Mừng nói về việc hóa bánh ra nhiều. Chúa Giêsu biết là cần phải cho đám đông ăn. Hành động này thể hiện “tình thương”, “sự tôn trọng và quan tâm” của Chúa. Với sự soi sáng này, ta nhận ra người cao tuổi cũng cần sự quan tâm. Tình yêu nhân loại và Thiên Chúa có thể được hâm nóng khi ta mến Chúa và chăm lo người già. Ông bà đã từng chăm lo cho cha mẹ ta và cả ta nữa với tất cả tình yêu, khoan dung, và khôn ngoan. Ta hãy tạ ơn Chúa và cảm ơn ông bà, tiếp tục cầu nguyện cho các ngài.




Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay trình bày Chúa Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi đám đông dân chúng. Chúng ta thấy, theo như lời của Philiphe thì việc cho một số đông người ăn như thế là điều không thể, nhưng vì yêu thương Chúa đã có sáng kiến của Chúa. Nên khi chúng ta yêu thương nhau, chúng ta sẽ có những sáng kiến mới để giúp cho người mà chúng ta yêu.

Chúng ta hãy nhớ lại câu chuyện Chúa Giêsu chữa lành cho một người bất toại được bốn người khiêng. Ở đây chúng ta thấy một điều đó là những người khiêng người bất toại đến với Chúa Giêsu đã làm điều khác thường ngoài sức tưởng tượng của những người khác. Khi họ khiêng bệnh nhân đến, vì dân chúng quá đông, nên họ không có cách nào đưa bệnh nhân đến được với Chúa Giêsu, thế là họ đã có sáng kiến, là leo lên mái nhà, dỡ mái nhà chỗ Chúa Giêsu ngồi một lỗ to, rồi thòng chiếc võng với người bất toại xuống. Thấy lòng tin của họ như vậy, Chúa Giêsu chữa lành người bất toại.

Chúng ta đào sâu thêm một chút nữa, đó là ngày nay chúng ta được dạy phải có sáng kiến trong tình yêu, phải thấy được nhu cầu của anh chị em mình, nghĩa là chúng ta được dạy, chứ không phải tự chúng ta nghĩ ra, thậm chí là chúng ta bị ép buộc làm một điều gì đó, mà chúng ta không muốn, chúng ta gượng ép để làm, nếu chúng ta làm như vậy có đem lại lợi ích không?

Mưa bão lớn, gây lũ lụt và lở đất tại nhiều vùng của Brazil. Giữa đêm, một phụ nữ trở dạ, sắp sinh, đúng lúc chồng vắng nhà, chỉ có đứa con trai 5 tuổi đang ở bên cạnh cô.

Người phụ nữ đã gọi điện cầu cứu cảnh sát. Tuy nhiên, toàn bộ xe và nhân viên công lực đã được điều động đi giải cứu người dân bị thiên tai. Cảnh sát đành phải gọi điện cho một chức sắc địa phương, nhờ giúp đỡ.

Vị này đồng ý ngay, ông nhanh chóng đưa người sản phụ đến bệnh viện. Xong việc, vị chức sắc mới nhớ đến cậu bé 5 tuổi đang phải ở lại nhà một mình. Chưa yên tâm rời bệnh viện cho đến khi sản phụ mẹ tròn con vuông, ông đành gọi điện cho một người quen, nói rằng phải lập tức đưa chú bé đến nơi an toàn, vì bão lũ ngày càng dữ dội.

Bị đánh thức giữa đêm, người này miễn cưỡng ra khỏi chiếc giường êm ái và ấm áp, uể oải lái xe đến nhà cậu bé, vừa đi vừa nguyền rủa thời tiết. Sau một hồi tìm kiếm, cuối cùng anh cũng tìm được nhà của cậu bé, đưa cậu lên xe.

Sau khi lên xe, cậu bé cứ nhìn chằm chằm vào người đến đón mình. Hồi lâu, cậu bé rụt rè hỏi: “Thưa ông, ông có phải là Thượng đế không?”

Người đàn ông giật mình: “Bé con, sao lại gọi chú là Thượng đế?”

Cậu bé trả lời rất nghiêm túc: “Khi mẹ đi bệnh viện, mẹ bảo con phải dũng cảm ở nhà. Mẹ nói: “Con ơi, lúc này chỉ có Thượng đế mới cứu được chúng ta thôi!”

Khuôn mặt người đàn ông đỏ ửng lên. Anh hổ thẹn vì mới đó vẫn bực bội nghĩ mình bị làm phiền… Anh lúng túng xoa đầu chú bé và nói: “Con à, chú không phải là Thượng đế; chú chỉ là một người bạn của con thôi!”

Chúng ta thấy đôi khi chúng ta làm một việc gì đó không phải là sáng kiến của chúng ta, không phải là điều mà chúng ta thích, mà chúng ta bị ép buộc phải làm việc đó, thì chúng ta hãy cố gắng làm cho xong nhiệm vụ, biết đâu đó là thánh ý của Chúa muốn chúng ta làm, để giúp biến đổi chúng ta, để qua đó giúp người khác nhận ra Chúa, nên chúng ta hãy tâm niệm một câu như thế này, đó là khi không có cái mình thích, thì hãy tập thích cái mình có, và xem đó như món quà Chúa ban cho mình. Amen.




Thứ Hai - Tuần XVII Thường Niên
Thánh nữ Martha Maria, Lazarô.

(1Ga 4,7-16; Ga 11,19-27)


Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

1 Ga 4,7-16: Nếu chúng ta yêu thương nhau, thì Thiên Chúa ở lại trong chúng ta.

Tv 34,2: Hãy nghiệm xem Chúa tốt lành biết mấy.

Ga 11,19-27: Con đã tin Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.

Câu chuyện của Luca về Martha và Maria là một câu chuyện dụ ngôn vượt thời gian ta đã nghe vào Chúa nhật XVI thường niên năm C. Martha là một người yêu thích công việc. Bà đã càm ràm Chúa Giêsu vì đã để em gái bà ngồi dưới chân Ngài hơn là dọn bàn ăn. Nhưng Phúc âm của Gioan hôm nay giúp ta hiểu hơn về lý do tại sao Giáo hội đã tôn vinh Martha từ những ngày đầu tiên. Từ hai đoạn Tin mừng trên, ta biết Martha không chỉ là một người bận rộn, mà còn đầy niềm tin!

Có hai cá tính trong gia đình thánh thiện này. Trong khi Maria ở nhà để chiêm ngắm mầu nhiệm cuộc đời, thì Martha tích cực đi tìm Chúa Giêsu. Martha đối diện với Chúa Giêsu với vẻ buồn sầu than thở. Bà thổ lộ hy vọng sống lại và sau đó nói lên một trong những tuyên tín Kitô học cao nhất trong tất cả các Phúc âm: “vâng, con đã tin Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống đã đến trong thế gian.” Giáo hội và mỗi người chúng ta cảm ơn đức tin của họ. Niềm tin của chúng ta được củng cố qua đời sống mật thiết với Chúa của các thánh nhân. Qua đức tin của Martha, sự im lặng chiêm niệm của Maria, và cuộc sống mới của Ladarô, ta khao khát được chứng kiến tình yêu của Chúa trong tình bạn với Chúa Giêsu.




Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay trình bày Chúa Giêsu đến để cứu sống Ladaro, nhưng cô Matta không hiểu được điều này, cô nói với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết. Nhưng bây giờ con biết: Bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Người cũng sẽ ban cho Thầy.” Chúa Giêsu nói: “Em chị sẽ sống lại!” Cô Matta thưa: “Con biết em con sẽ sống lại, khi kẻ chết sống lại trong ngày sau hết.” Chúa Giêsu lại nói: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết. Chị có tin thế không?” Cô Matta đáp: “Thưa Thầy, có. Con vẫn tin Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian.” Nghĩa là Matta chỉ hiểu được rằng Chúa Giêsu sẽ cứu sống được Ladaro trong ngày sau hết, chứ chưa tin rằng Chúa Giêsu có thể cứu chữa cho Ladaro sống lại ngay giây phút này. Nếu đọc tiếp, húng ta sẽ thấy rõ đó là khi Chúa Giêsu ra thăm mộ, Chúa Giêsu kêu hãy lăn tảng đá ra khỏi mộ thì Matta thưa với Chúa: “Thưa Thầy, nặng mùi rồi, vì em con ở trong mồ đã được bốn ngày”, nhưng Chúa Giêsu nói: “Nào Thầy đã chẳng nói với chị rằng nếu chị tin, chị sẽ được thấy vinh quang của Thiên Chúa sao?”

Chúng ta thấy hình ảnh của Matta cũng là hình ảnh của chúng ta, Matta chỉ tin Chúa có một phần, chính chúng ta cũng vậy, đôi khi chỉ tin Chúa có một phần, mà không tin Chúa một cách toàn diện, rằng Chúa có quyền không chỉ sau cái chết, mà còn có quyền đối với chúng ta khi còn sống. Chúng ta hãy nhớ lại có lần Chúa Giêsu đã nói: “Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hoả ngục” (Mt 10,28). Chúa có quyền ngay cả trên sự sống đời này, cũng như sự sống đời sau. Hay bí tích xức dầu bệnh nhân cũng vậy, cũng mang lại hai hiệu quả, chứ không phải chỉ có một hiệu quả là chữa lành thân xác, hay chỉ là ơn tha tội, mà là cả hai: “Nhờ vào việc xức dầu thánh này, và nhờ vào lòng từ bi nhân hậu của Chúa, xin Chúa dùng ơn Chúa Thánh Thần để giải thoát con khỏi mọi tội lỗi, cứu chữa cho con và làm cho con thuyên giảm.” Rồi nhiều khi chúng ta còn hiểu sai về bí tích xức dầu bệnh nhân là bí tích sau cùng, xức dầu để chết, chúng ta nên nhớ bí tích xức dầu bệnh nhân là bí tích chữa lành, chứ không phải là bí tích để hủy diệt sự sống, vì Chúa là Chúa của người sống chứ đâu phải Chúa của kẻ chết. Vì đối với Người, tất cả đều đang sống (x. Lc 20,38).

Xin cho mỗi người chúng ta hiểu được như vậy, để tin vào Chúa một cách toàn diện, tin Chúa là Chúa của sự sống, Chúa có quyền trên cả người sống và người chết. Amen.



Thứ Ba Tuần XVII Thường Niên

(Gr 14,17-22; Mt 13,36-43)

Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Gr 14,17-22: Lạy Chúa, xin nhớ lại, đừng hủy bỏ giao ước giữa Ngài với chúng con.

Tv 79,9: Lạy Chúa, để danh Ngài rạng rỡ, xin giải thoát chúng con.

Mt 13,36-43: Cũng như người ta thu lấy cỏ lùng, rồi thiêu đốt trong lửa thế nào, thì ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy.

Sách tiên tri Giêrêmia có một bài học tuyệt đẹp về lời cầu xin trong lúc gian truân. Với muôn vàn thử thách đau thương, tác giả tự hỏi về sự hiện diện, hành động của Thiên Chúa cũng như những tâm tình của dân Chúa với Đấng Tối Cao. Trong Phúc âm, Chúa Giêsu giải thích dụ ngôn về lúa mì và cỏ lùng. Điều thiện và điều ác sẽ luôn tồn tại trong Giáo hội và thế giới. Thiện và ác hiện diện trong tâm hồn ta hay nơi người khác. Thiện và ác có thể nhìn thấy khắp nơi và xung quanh ta. Người xấu chống lại người tốt là chuyện chẳng mới. Hầu hết mọi người đều tự nhận mình là “hạt giống tốt”. Hạt tốt sẽ giúp cây sinh trưởng tốt và có kết quả tốt.

Hơn nữa, Chúa Giêsu mời gọi ta hướng lòng về Thiên Đàng. Và Chúa nói rằng vào thời cuối cùng, sẽ có một cuộc chọn lọc. Ta sẽ gặt hái những gì ta đã gieo. Vì vậy, khi ta được mời gọi đến trước tôn nhan Chúa, ta có thể trình bày với Người đầy đủ các hành động tin, cậy, mến. Hy vọng Lời Chúa sẽ giúp ta kiên nhẫn và hiểu biết về các khía cạnh con người của Giáo Hội ngày xưa và nay. Tốt và xấu luôn tồn tại như hai mặt của đồng xu. Nhưng cuối cùng người tốt sẽ chiến thắng.




Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay trình bày các môn đệ xin Chúa Giêsu giải thích dụ ngôn cỏ lùng và lúa, và Chúa Giêsu đã giải thích, để cho các môn đệ thấy, nếu con người sống tốt lành, sống theo lời Chúa dạy, thì sẽ được hưởng sự sống đời đời.

Trong đời sống thực tế, chúng ta thường chú ý đến những giá trị bên ngoài, những giá trị đem lại sự sống cho chúng ta một cách cấp thời, chứ chúng ta ít chú ý đến sự sống đời sau, vì sự sống đời sau đâu có ai thấy, chỉ được nghe dạy, chỉ dùng đức tin mà bù lại thôi, để rồi chừng nào tới mới hay.

Có một vị giáo sư lên đò để qua sông. Khi đã ngồi trên đò, ông bèn trò chuyện với người lái đò, ông mở lời: “Ông có biết gì về tên lửa không?”

Người lái đò trả lời: “Tôi không biết.”

Ông giáo sư ngạo ngễ: “Thế thì ông đã đánh mấᴛ 1/3 cuộc đời rồi. Vậy ông có biết gì về vũ trụ và các hành tinh không?”

“Tôi cũng không biết.” – Người lái đò trả lời.

Giáo sư lắc đầu: “Thế ông lại đánh mất hơn nửa đời rồi. Cuộc sống thật vô nghĩa khi ta không biết quanh ta có biết bao điều thú vị.”

Người lái đò lặng lẽ chèo. Bất chợt một cơn gió to nổi lên, làm lật con đò, hai người ngã xuống sông.

Người lái đò hỏi: “Thế ông có biết bơi không?”

Vị giáo sư hét lên run rẫy: “Không. Tôi không biết, cứu tôi với.”

Ông lái đò cười to: “Thế thì ông đã đánh mất cả cuộc đời rồi.”

Đó là cái nhìn của con người, nhưng lời Chúa Giêsu dạy hôm nay như là một cách thức Chúa chỉ cho chúng ta thấy được sự sống đời sau là như thế nào để chúng ta biết đầu tư vào đó, chứ không phải chỉ đầu tư vào những gì chóng qua, nếu không chúng ta sẽ mất cả một cuộc đời.

Có người nói vẽ ma vẽ quỷ thì dễ vẽ, chứ vẽ người thì khó, tại sao vậy? Vì ma quỷ chúng ta không thấy, chúng ta muốn vẽ gì thì chúng ta vẽ không ai nói được, không ai chê được, vì không thấy lấy gì biết mà chê, còn con người khó vẽ vì ai cũng biết con người, nếu vẽ sai vẽ trật người ta sẽ biết liền.

Hiểu được như vậy, chúng ta phải xác tín vào lời Chúa dạy, rằng sự sống đời sau không phải là do con người vẽ ra, mà do chính Chúa đã cho biết, chúng ta phải tin vào điều Chúa dạy, vì Chúa là đường là sự thật và là sự sống, có tin chúng ta mới sống được, mới đầu tư cho cuộc đời của mình được, nếu không chúng ta sẽ đầu tư lộn chỗ, thì thật là vô phúc cho chúng ta. Amen.




Thứ Tư - Tuần XVII Thường Niên
Thánh Ignatiô Loyôla, linh mục. Lễ nhớ.

(Gr 15,10.16-21; Mt 13,44-46)



Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Gr 15,10.16-21: Tại sao con cứ phải đau khổ hoài? – Nếu ngươi chịu trở về, thì ngươi sẽ được đứng trước nhan Ta.

Tv 59,17d: Chúa là chốn con nương mình trong buổi gian truân.

Mt 13,44-46: Anh bán tất cả những gì anh có mà mua thửa ruộng đó.

Trong khi hồi phục vết thương, Inhaxiô đã đọc hạnh các thánh, và bắt đầu một hành trình mới. Ngài suy nghĩ sâu hơn về mục đích của cuộc đời mình, đi hành hương và quyết định phụng sự Chúa. “Cộng đoàn” mà ngài thành lập là do Đức Giáo hoàng sử dụng để phục vụ những nhu cầu cấp thiết nhất của Giáo hội. Vào thời đó, các tu sĩ Dòng Tên đã có công trong việc chống lại dị giáo, cải tổ Giáo hội và bắt đầu truyền giáo ở nước ngoài. Đối với ngài, hành động luôn dựa trên sự suy tư và cầu nguyện. Đây cũng là lời khuyên hữu ích cho ta ngày nay.

Matthêu có hai dụ ngôn về Nước Chúa để ta suy ngẫm. Việc loan báo Nước Trời là điều cốt yếu trong lời rao giảng của Chúa Giêsu và niềm hy vọng của dân được tuyển chọn. Nhưng bản chất của Vương quốc này không được đa số hiểu rõ. Hai câu chuyện ngụ ngôn có sắc thái riêng, nhưng điểm chung là người ta nên biết cái gì là quý giá để mà đầu tư.

Để được sống với Chúa, ta cần biết hy sinh bản thân để phục vụ trong yêu thương với sự công bằng, lòng trắc ẩn và tha thứ. Qua đó ta cùng sống mầu nhiệm sự chết và phục sinh của Đức Kitô mỗi ngày trong hoàn cảnh của mình. Đó là một nhiệm vụ liên tục, không bao giờ đạt được hoàn toàn. Nhưng ta hy vọng sẽ có sự phát triển và tiến bộ. Điều cần là ta phải có lòng tin, bởi vì điều gì tưởng chừng không thể đối với con người lại có thể đối với Chúa.




Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy điều kiện để có thể làm môn đệ của Chúa. Vấn đề đặt ra là Chúa Giêsu chỉ cho thấy điều kiện đi theo Chúa để làm gì? Đọc tiếp Tin mừng chúng ta sẽ thấy câu trả lời, Chúa nói: “ai trong anh em muốn xây một cây tháp, mà trước tiên lại không ngồi xuống tính toán phí tổn, xem mình có đủ để hoàn thành không? Kẻo lỡ ra, đặt móng rồi mà không có khả năng làm xong, thì mọi người thấy vậy sẽ lên tiếng chê cười mà bảo: “Anh ta đã khởi công xây, mà chẳng có sức làm cho xong việc. Hoặc có vua nào đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên lại không ngồi xuống bàn tính xem mình có thể đem một vạn quân ra, đương đầu với đối phương dẫn hai vạn quân tiến đánh mình chăng? Nếu không đủ sức, thì khi đối phương còn ở xa, ắt nhà vua đã phải sai sứ đi cầu hoà. Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được.” Nghĩa là Chúa cho các môn đệ thấy trước, để các ông không bị sốc, theo Chúa phải đương đầu với những khó khăn thử thách.

Áp dụng vào đời sống, khi làm bất cứ điều gì, chúng ta phải có sự tiên liệu, tính toán trước, để không bị sốc khi chính mình gặp những điều không như mong muốn xảy ra. Chúng ta đào sâu thêm một chút nữa đó là mặc dầu con người tính toán thì tính toán, nhưng phải biết là: “Nhân tính không bằng thiên tính”, nghĩa là nếu chúng ta chỉ biết tính toán theo cá nhân mình, thì chỉ là cái nhìn của con người, cái nhìn tầm thường, nên chúng ta được mời gọi cao hơn đó là khi tính toán, cần phó thác mọi sự trong tay Chúa, phải tin rằng đối với con người thì không thể nhưng đối với Chúa thì mọi sự đều có thể.

Ngày xưa có một ông lão sống ở biên giới phía Bắc Trung Quốc giáp với nước Hồ (tái ông). Ông có nuôi một con ngựa. Một hôm, ngựa của ông bỏ chạy sang địa phận nước Hồ, mọi người xung quanh đều đến chia buồn với ông, nhưng ông lại bảo:

- Biết đâu lại có chuyện tốt đến.

Không lâu sau con ngựa của ông trở về và còn dẫn theo một con ngựa cao lớn, mạnh mẽ của nước Hồ. Mọi người đến chúc mừng ông, nhưng ông lại nói:

- Có lẽ nó sẽ dẫn đến tai họa cũng nên.

Quả nhiên, con trai ông lão vốn rất thích cưỡi ngựa nên đã cưỡi con ngựa to khỏe nước Hồ, cuối cùng bị ngã gãy xương và bị què chân. Lúc này hàng xóm lại rối rít đến thăm nom, nhưng ông lại nói rằng:

- Biết đâu nhờ họa mà lại được phúc.

Một năm sau, quân Hồ tràn sang gây chiến tranh và những người trẻ tuổi trong vùng hầu như đều chết trận. Thế nhưng con trai ông lão vì què chân nên được miễn đi lính và cuối cùng may mắn thoát chết.

Xin cho mỗi người chúng ta luôn tin tưởng phó thác cuộc đời mình cho Chúa, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào của cuộc đời, đó là cách thức tính toán tốt nhất mà mỗi người chúng ta cần phải có. Amen.




Thứ Năm đầu tháng
Thánh Alphongsô Maria Liguori, giám mục, TsHT. Lễ nhớ

(Gr 18,1-6; Mt 13,47-53)


Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Gr 18,1-6: Như hòn đất nơi tay thợ gốm thế nào, thì các ngươi ở trong tay Ta cũng như vậy.

Tv 146,5a: Phúc thay người được Thiên Chúa nhà Giacóp phù trợ.

Mt 13,47-53: Người ta lựa cá tốt bỏ vào giỏ, còn cá xấu thì ném ra ngoài.

Sự ví von của Giêrêmia về người thợ gốm và đất sét là một lời trình bày tuyệt đẹp về việc dâng chính mình cho Đấng Tạo Hóa để được làm thành một chiếc bình chứa đầy Thánh Thần dùng theo ý định của Thiên Chúa. Người thợ gốm nhìn vào hình thù cục đất sét và hình dung ra một thành phẩm đẹp và hữu ích. Chúa nhìn mỗi người bằng con mắt của người thợ gốm và nhìn thấy tiềm năng trong đó. Biết rằng ta là mẫu vật không hoàn hảo và thường bị hư hỏng, nhưng Người Thợ Gốm sửa chữa và nâng cao phẩm chất để ta có ích trở lại.

Tất cả mọi người đều trong tiến trình tạo dựng của Chúa. Với việc Chúa sử dụng và sửa chữa ta, không ai là vô dụng trong tay của Người. Nếu ta vẫn còn sống, đó là bởi vì Chúa vẫn còn dùng ta. Thiên Chúa sử dụng ta cho đến khi ta còn ở trong tay Ngài. Cũng cần nhớ rằng đôi khi ta là đất sét, và đôi khi ta là đôi tay của Người Thợ Gốm được dùng để tạo hình những cục đất sét khác. Một cách tiếp cận giống như Đức Kitô hơn là thể hiện tình yêu và lòng thương xót, tập trung vào tiềm năng tích cực của mỗi người, và hy vọng rằng Thiên Chúa sửa lại mọi sự trong ngoài của ta.




Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ cũng như mỗi người chúng ta: “Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi. Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được.” Nhưng để muối trở thành muối, để ánh sáng trở thành ánh sáng thì cần phải làm gì?

Chúng ta biết, được trở thành muối thì trước tiên muối này phải là nước biển lắng đọng lại mới tạo thành muối, nếu không nó chỉ là nước biển chứ không phải muối, cũng vậy để có ánh sáng thì đầu tiên chỉ là nhen nhúm một vài ánh lửa, nghĩa là phải có lửa, mới có ánh sáng, nếu không có lửa thì làm sao có ánh sáng. Như vậy, để là muối đất, để là ánh sáng cho đời thì cuộc đời của mỗi người chúng ta phải được biến đổi như nước biển để trở thành những hạt muối, như ngọn lửa để cung cấp ánh sáng, nếu không chỉ là nước biển, nếu không chỉ là ngọn lửa bình thường mà thôi. Vậy làm thể nào để chúng ta có thể trở nên muối đất và ánh sáng trần gian?

Một sinh viên phàn nàn với thầy giáo về những khó khăn mà anh ta phải chịu đựng trong cuộc đời mình. Anh ta xuất thân từ một gia đình rất nghèo và phải chăm sóc ngôi nhà của mình và hỗ trợ cha mẹ già và anh chị em của mình bằng cách làm việc chăm chỉ mỗi ngày sau giờ học ở trường, trong khi các bạn lớp giàu có thì chơi đùa mà không có lo nghĩ gì về tài chính. Anh ta đã gần như kiệt sức và thậm chí đã nghĩ đến việc tự tử.

Người thầy khôn ngoan đưa cho anh một củ cà rốt và trứng để kiểm tra. Anh ta được yêu cầu nhận xét về độ cứng của chúng. Anh ta nói rằng cà rốt đủ mạnh để nó không thể bị nghiền nát bằng tay. Trứng có thể dễ dàng nứt và các chất lỏng sẽ rò rỉ ra dễ dàng.

Sau đó, thầy giáo đặt cà rốt và trứng vào trong xoong, đổ nước sau đó đun sôi trên ngọn lửa. Sau một thời gian, thầy giáo lấy trứng và cà-rốt ra và hỏi chàng sinh viên. Anh ta quan sát thấy rằng củ cà rốt, vốn đã rất cứng, đã trở nên mềm sau khi đun sôi. Mặt khác, trứng đã trở nên rất cứng sau khi đun sôi.

Thầy giáo nói với cậu sinh viên: “Trước đây, trò giống như cà rốt. Sự dũng cảm và sức mạnh tâm trí của trò bị mất khi trò tiếp xúc với những thực tế khó khăn của cuộc sống. Chính vì thế mà trò trở nên yếu đuối và có thể bị đánh gục dễ dàng.

Tiếp theo, thầy giáo cầm quả quả trứng và nói: “Giống như trứng. Trò mềm yếu, nhưng những nghịch cảnh của cuộc sống sẽ làm trò mạnh mẽ và mạnh mẽ hơn. Sau đó, trò có thể có được sự can đảm để đối mặt với bất kỳ khoảnh khắc khắc nghiệt với sự tự tin.

Sau đó, thầy giáo kể lại tiểu sử của những người thành công đã vượt qua được giai đoạn khó khăn của cuộc sống sớm với sự tự tin và nỗ lực nghiêm túc.

Và thầy giáo sắp xếp một số hỗ trợ tài chính cho chàng sinh viên. Anh ta ngày càng thành thạo, trung thực và chăm chỉ. Với sự hỗ trợ và hướng dẫn không ngừng của người thầy yêu thương và tận tụy của mình, anh ta tạo ra một sự nghiệp thành công trong cuộc sống.

Câu chuyện này cho chúng ta thấy, để có thể trở nên muối đất và ánh sáng trần gian, chúng ta cần phải tự nỗ lực, cũng như cần sự giúp đỡ của Chúa, cần sự giúp đỡ của những dụng cụ mà Chúa gởi đến cho chúng ta, như người thầy giáo đã giúp cho chàng sinh viên.

Xin cho chúng ta hiểu được như vậy, để biết cậy dựa vào Chúa, vào những dụng cụ mà Chúa gởi đến, cũng như biết nỗ lực, để chính chúng ta là muối đất, là ánh sáng trần gian. Amen.




Thứ Sáu đầu tháng

(Gr 26,1-9; Mt 13,54-58)


Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Gr 26,1-9: Toàn thể dân chúng tập họp trước Thiên Chúa.

Tv 69,14: Lạy Chúa, xin nhậm lời con theo lượng cả đức từ bi.

Mt 13,54-58: Nào ông chẳng phải là con bác thợ mộc ư? Vậy bởi đâu ông được những sự ấy?

Lời tường thuật trong sách tiên tri Giêrêmia “Toàn thể dân chúng tập họp trước Thiên Chúa,” làm chúng ta nhớ đến hình ảnh các thành phần dân Chúa hiệp dâng thánh lễ. Tuy nhiên, Lời Chúa hôm nay mang màu sắc cảnh báo dân Chúa về những sai lỗi họ đã làm. Chúa rất nhân từ và giàu lòng thương xót cho nên Người luôn gửi đến những thông điệp cho người ta hoán cải trước khi những hình phạt có thể xảy đến. Thánh vịnh diễn tả tâm tình cầu nguyện thiết tha xin Chúa thương dùng đức từ bi mà nhận lời khẩn khoản nài xin của dân Chúa.

Trong bài Phúc Âm, người dân quê hương của Chúa Giêsu không thể tin rằng con trai của một người thợ mộc bình thường có thể khôn ngoan và làm những việc phi thường như vậy. Có lẽ họ đã nhìn thấy Chúa Giêsu lớn lên, quen thuộc với gia đình của mình. Họ bị mắc kẹt trong các quan niệm định sẵn của người đời.

Lời Chúa soi sáng tâm tư của con người và đường lối của Thiên Chúa. Nhân loại vẫn cứ bám vào những sự hiểu biết của mình mà quên rằng chính tình thương của Chúa mới làm nên những điều kỳ diệu. Do đó, ta hãy tìm kiếm Chúa trong những khoảnh khắc bình thường, trong những công việc thường ngày, những mối quan hệ chúng ta có, vì Ngài chẳng xa lạ với ta.




Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay trình bày Chúa Giêsu trở về quê hương để giảng dạy, nhưng không ai tin vào lời của Chúa, vì họ biết gốc tích của Chúa, họ nói: “Bởi đâu ông ta được khôn ngoan và làm được những phép lạ như thế? Ông không phải là con bác thợ sao? Mẹ của ông không phải là bà Ma-ri-a; anh em của ông không phải là các ông Gia-cô-bê, Giô-xếp, Si-môn và Giu-đa sao? Và chị em của ông không phải đều là bà con lối xóm với chúng ta sao? Vậy bởi đâu ông ta được như thế?” Và họ vấp ngã vì Người. Và cuối trang Tin mừng có nói: “Người không làm nhiều phép lạ tại đó, vì họ không tin”, nghĩa là nếu họ tin, thì chắc chắn phép lạ sẽ xảy ra.

Chúng ta thử đặt vấn đề nếu Chúa Giêsu làm phép lạ trước họ có tin không? Thưa chắc chắn họ sẽ tin, còn đằng này họ không tin, nên không có phép lạ. Áp dụng vào đời sống, vậy chúng ta giữ đạo để làm gì, giữ đạo vì phép lạ, hay là tin vào Chúa.

Có một bài viết mang tên GIỮ ĐẠO ĐỂ LÀM GÌ? Sẽ cho chúng ta câu trả lời.

Trong một lần nói chuyện, một người lương dân hỏi người bạn Công Giáo của mình rằng: “Tôi biết anh tin vào Chúa ở trên cao. Hằng ngày anh đến nhà thờ đi lễ, đọc kinh, cầu nguyện. Anh chẳng có nhiều thời gian để nghỉ ngơi hoặc đi chơi đây đó như tôi. Nhưng cuộc sống của anh chẳng đỡ vất vả hơn chút nào. Chúa cũng chẳng ban cho gia đình anh một cuộc sống đầy đủ, giàu có như người ta. Vợ con anh cũng chẳng tránh khỏi bệnh tật, tai nạn, khổ đau. Tôi không thể hiểu nổi tại sao anh vẫn tin vào Chúa? Tôi chẳng thấy niềm tin vào Chúa giúp cho cuộc sống của anh khá hơn được chút nào.”

Người bạn Công Giáo bình thản trả lời: “Có lẽ anh đã không biết rằng: Nếu không tin vào Chúa thì cuộc sống của tôi cũng vẫn vất vả, khó khăn vậy thôi, cũng chẳng khá hơn được. Hơn nữa, có thể tôi đã buông xuôi cuộc sống này từ lâu. Chính niềm tin vào Chúa đã cho tôi thêm sức mạnh, nghị lực để sống một cách hiên ngang, kiên cường. Nhờ tin vào Chúa, tôi luôn mang trong mình niềm hy vọng chắc chắn vào hạnh phúc thiên đàng mai sau để sống tốt, sống thiện trong mọi hoàn cảnh. Điều này giúp tôi luôn cảm thấy thanh thản và bình an để đối chọi với mọi nỗi vất vả gian lao trong cuộc đời.”

Hiểu được như thế, chúng ta thấy khi tin vào Chúa, thì đó đã là phép lạ, chứ không phải tin vào Chúa mới có phép lạ, và khi chúng ta tin vào Chúa, thì tự nhiên cuộc đời của chúng ta sẽ thay đổi, chúng ta sẽ không cần những thứ bên ngoài, mà chỉ cần có Chúa. Nên xin cho mỗi người chúng ta biết tin vào Chúa, để dù trong bất cứ hoàn cảnh nào của cuộc đời, chúng ta vẫn có bình an, vẫn có hạnh phúc thì đó là phép lạ, chứ không phải phép lạ là làm điều này làm làm điều kia bên ngoài. Amen.


 


Thứ Bảy đầu tháng

(Gr 26,11-16.24; Mt 14,1-12)


Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Gr 26,11-16.24: Thật Chúa đã sai tôi đến nói với các ngươi những lời đó.

Tv 69,14c: Ôi Thiên Chúa, đây là lúc biểu lộ tình thương, xin nhậm lời con.

Mt 14,1-12: Hêrôđê sai người đi chặt đầu Gioan, và các môn đệ của Gioan đi báo tin cho Chúa Giêsu.

Các bài đọc hôm nay cho ta thấy một sự thật phũ phàng dành cho những người dám nói lên sự thật. Tiên tri Giêrêmia đã công bố cho Israel ý định của Thiên Chúa, nhưng người ta đón nhận bằng cách lên án và tìm cách giết ông. Gioan Tẩy Giả đã nói về việc sai quấy của nhà vua, và kết quả là ngài bị chém đầu. Tuy nhiên, những ai chạm đến sinh mạng của người vô tội thì đời họ nắm chắc là tai ương. Hậu quả chỉ đến sớm hay muộn mà thôi.

May mắn thay, không phải trong đám đông quyền lực thì ai ai cũng đều bất nhân hay mù quáng. Vẫn còn đó những người hiểu được lẽ phải và biết kính sợ Thiên Chúa. Mà người kính sợ Chúa thì được Chúa khoan dung. Chính lòng nhân và công lý của Chúa giúp cho người tội lỗi biết ăn năn trở lại, và người rao truyền Lời Chúa mạnh mẽ tiến lên trong hành trình đầy gian nan thử thách. Dù cho thế gian có chối bỏ hay không muốn nghe sự thật, thì những người thực thi Lời Chúa cũng phải vẹn toàn cho bản thân bằng đời sống chứng nhân trong yêu thương và sự thật.




Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay trình bày câu chuyện vua Hêrode vì đã trót thề, nên đã ra lệnh giết Gioan tẩy giả. Khi Hêrode ra lệnh giết Gioan tẩy giả, Tin mừng nói ông cũng lo buồn, nhưng vì đã trót thề rồi, và vì các người đang dự tiệc, nên đã truyền làm như vậy. Nghĩa là ra lệnh giết, ông ta buồn phiền.

Trước đó, khi Gioan tẩy giả khuyên ông không được lấy vợ của anh mình, muốn giết Gioan, nhưng sợ dân chúng, vì họ coi Gioan như một vị tiên tri, nghĩa là Hêrode cũng quý mến Gioan tẩy Giả. Còn nếu đọc Tin mừng Macco thì: “Vua Hê-rô-đê biết ông Gio-an là người công chính thánh thiện, nên sợ ông, và còn che chở ông. Nghe ông nói, nhà vua rất phân vân, nhưng lại cứ thích nghe” (Mc 6, 20). Như vậy, việc giết Gioan tẩy giả, mặc dầu nhổ đi được cái gai trong mắt nhưng Hêrode không vui, không hạnh phúc, nếu ông biết thay đổi suy nghĩ của mình, đừng để mình sa ngã phạm tội chắc chắn ông sẽ có hạnh phúc.

Có một người đàn ông rất giàu có. Ông ta khoác lên mình những bộ quần áo đắt tiền, đeo những món trang sức quý hiếm mà ít ai có được. Một ngày nọ, ông ta đi đến gặp một nhà hiền triết và hai người có cuộc trò chuyện như sau:

- Tôi rất giàu có, nhưng tôi phải làm sao thì mới có thể hạnh phúc được, tôi vẫn cảm thấy mình đang thiếu một điều gì đó?

- Anh phải từ bỏ một thứ!

- Đây là tất cả những thứ mà tôi đang có, tôi phải từ bỏ những gì thì tôi mới có thể hạnh phúc thật sự? Nhà, xe hay là tiền bạc?

- Thực sự tôi có một tin tốt và một tin xấu cho anh. Tin tốt là anh không phải từ bỏ những điều mà anh vừa mới nói. Nhưng mà tin xấu là thay vào đó thì anh cần phải làm một việc mà tôi nghĩ sẽ rất là khó đấy!

- Có điều gì mà tôi không thể làm chứ?

- Đó là anh cần phải từ bỏ cách suy nghĩ của bản thân mình!

Người đàn ông lúc này sửng sốt bởi vì ông ta không tin đây chính là câu trả lời thật sự. Ông ta nói với vị hiền triết: “Cái gì cơ? Ông nói tôi phải từ bỏ cách suy nghĩ của mình ư? Làm sao tôi có thể làm được như thế, vậy chẳng khác nào ông lại bảo tôi ngừng thở sao?”

Nên trong cuộc sống, muốn có hạnh phúc chúng ta phải biết thay đổi tư tưởng của mình, biết điều đó sai thì đừng có cố chấp trong cái sai, mà phải thay đổi liền, còn ngược lại biết điều đó là đúng thì phải cố gắng thực hiện, có như thế mới có được bình an và hạnh phúc thật sự, nếu không thì chỉ có bình an và hạnh phúc nhất thời mà thôi, giống như vua Hêrode giết Hêrode xong, thì ông cũng đâu có được niềm vui. Amen.