
CHÚA NHẬT XVI THƯỜNG NIÊN
Lc 10, 38-42
Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu khen ngợi cô Maria đã chọn phần tốt nhất khi cô Matta than phiền: “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bỏa nó giúp con một tay”.
Như vậy phần tốt nhất mà Maria chọn có phải là việc lắng nghe lời Chúa? Thưa có thể đúng như vậy, vì chúng ta hãy nhớ lại câu chuyện khi có mẹ và anh em Chúa Giêsu đến thăm, người ta báo cho Chúa biết: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, muốn gặp Thầy." Người đáp lại: "Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành." (Lc 8,20-21).
Nhưng nếu đào sâu đó là thái độ lắng nghe lời Chúa, giống như Chúa Giêsu đã nói, mẹ tôi và anh em tôi là những ai lắng nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành, nghĩa là phải có thái độ nghe tốt lành, không sao lãng.
Nói như vậy, để chúng ta thấy việc phục vụ của cô Matta không phải là không tốt, nhưng vì thái độ phục vụ của cô bị xao lãng, đang phục vụ mà lại không lo phục vụ, nhưng lại đi ghen tỵ với người em mình, trong khi đó cô Maria thì không có ghen tỵ gì cả.
Nên điều tốt nhất mà chúng ta thấy đó là mỗi người phải biết chu toàn bổn phận của mình đừng xao lãng, có thể nói đó là điều tốt nhất, vì nếu không chu toàn bổn phận của mình thì làm sao là tốt nhất được.
Con trai của Giáo Chủ đạo Bà Hai bên Ấn Ðộ. Một hôm, nhân lúc đi đường ông được mời nghỉ chân tại một gia đình rất khá giả, bà chủ nhà vốn có lòng hiếu khách, nên muốn trổ tài nấu ăn để làm vui lòng khách quí. Tiếc thay, khi dọn mâm cơm lên bàn bà đã phải khiêm tốn xin lỗi khách quí vì cái mùi khen khét của các món ăn. Bà phân trần: vì muốn bữa cơm thành công tốt đẹp, nên trong khi nấu nướng, bà đã cầu nguyện nhiều nên quên chú tâm vào công việc bà đang làm. Vị khách quí mĩm cười vui vẻ trả lời:
Việc cầu nguyện là điều rất tốt đẹp, nhưng lần sau, khi bà làm bếp, bà hãy cầu nguyện với quyển sách dạy nấu ăn thay vì quyển Kinh Thánh.
Hiểu được như vậy, chúng ta thấy trong đời sống của chúng ta khi chúng ta biết chu toàn bổn phận của mình với một thái độ tốt lành, với một thái độ nhiệt tâm tận tụy, thì lúc đó chúng ta đã chọn phần tốt nhất rồi, vì khi biết chu toàn bổn phận như vậy, là chúng ta đã thực hành lời dạy của Chúa trong chính bổn phận của chúng ta. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
St 18,1-10a: Lạy Chúa, nếu con được đẹp lòng Chúa, xin đừng bỏ đi qua.
Tv 15,1a: Lạy Chúa, ai được cư ngụ trên núi thánh của Chúa?
Cl 1,24-28: Mầu nhiệm ẩn giấu từ muôn thuở, nhưng nay đã được tỏ bày cho các thánh.
Lc 10,38-42: Martha rước Người vào nhà mình. Maria đã chọn phần tốt nhất.
Các bài đọc hôm nay, đặc biệt là phúc âm Luca, cho ta những cách thức mới để trưởng thành trong đức tin. Chúa Giêsu bước vào nhà của chị em Martha và Maria. Họ ngay lập tức nhận ra đặc ân có Chúa Giêsu trong nhà của họ và bắt đầu làm việc để hoàn thành nghĩa vụ thiêng liêng là hiếu khách.
Trong Sáng thế, Chúa đến thăm Abraham dưới hình dạng ba hành khách, Abraham và Sarah dừng tất cả mọi việc và lo thết đãi khách, điều này tốt. Trong Tin mừng, phản ứng của Martha có thể ghi nhận. Maria đã dành cho Chúa sự quan tâm trọn vẹn của mình. Chúa Giêsu đã đến nhà để dưỡng nuôi, soi sáng và biến đổi cô. Martha đã làm việc không ngơi. Sự tập trung của Maria vào Chúa Giêsu cực kỳ năng động. Đó là lý do tại sao đời sống chiêm niệm, đan tu luôn được coi trọng cao nhất trong Giáo hội Công giáo.
Ta đang sống trong một xã hội quay cuồng, mất tập trung. Chúa Giêsu không thể chỉ là một phần mà phải là trung tâm của cuộc sống mỗi người. Nó không có nghĩa là ta phải dừng lại mọi hoạt động, nhưng ta nên dành thời gian yên tĩnh hàng ngày để ngồi dưới chân Chúa như Maria để củng cố đức tin của mình.
Thứ Hai - Tuần XVI Thường Niên
Mt 12, 38-42
Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy có những người luật sĩ và biệt phái đến thưa với Chúa Giêsu: “Lạy Thầy, chúng tôi muốn Thầy làm một dấu lạ”, nhưng Chúa Giêsu trả lời: “Thế hệ gian ác và ngoại tình này đòi dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ngôn sứ Giôna.”
Khi nghe câu chuyện tin mừng hôm nay, có làm chúng ta nhớ lại câu chuyện nào khác trong tin mừng mà cũng tương tự như câu chuyện tin mừng hôm nay không?
Trong tin mừng theo thánh Luca có kể câu chuyện dụ ngôn ông nhà giàu và anh Ladarô nghèo khó, ông nhà giàu, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình, còn anh ladarô nghèo khổ, thì ngồi ở trước cửa ông nhà giàu thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta. Thế rồi người nghèo này chết, và được thiên thần đem vào lòng ông Ápraham. Ông nhà giàu cũng chết, và người ta đem chôn.
Ông nhà giàu phải chịụ cực hình nơi hỏa ngục, ông ngước lên thấy Ladarô trong lòng tổ phụ, thì xin tổ phụ sai anh Ladarô nhúng ngón tay vào nước để nhỏ vào lưỡi ông cho mát, nhưng không được.
Sau sự kiện đó, ông nhà giàu nói: "Lạy tổ phụ, vậy thì con xin tổ phụ sai anh Ladarô đến nhà cha con, vì con hiện còn năm người anh em nữa. Xin sai anh đến cảnh cáo họ, kẻo họ lại cũng sa vào chốn cực hình này! Ông Ápraham đáp: "Chúng đã có Môsê và các Ngôn Sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó. Ông nhà giàu nói: "Thưa tổ phụ Ápraham, họ không chịu nghe đâu, nhưng nếu có người từ cõi chết đến với họ, thì họ sẽ ăn năn sám hối. Ông Ápraham đáp: "Môsê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin."
Ta thấy, hai câu chuyện tin mừng tương tự nhau, một câu chuyện Chúa Giêsu không làm dấu lạ, vì đã có dấu lạ của ngôn sứ Giôna, một câu chuyện nói về việc không cho người chết sống lại về báo tin vì đã có Môsê và các ngôn sứ, như là một dấu lạ để người khác ăn năn sám hối, để khỏi bị hình phạt hỏa ngục.
Điều này cho chúng ta thấy được gì? thưa cho chúng ta thấy được Chúa đã cho con người biết bao nhiêu cơ hội để sửa sai, nếu con người không biết tận dụng cơ hội Chúa ban để sửa sai, để thay đổi con người của mình, để sống tốt lành thánh thiện trước mặt Chúa, để rồi khi giờ của Chúa đến, thì chẳng còn cơ hội nào khác để mà sửa sai.
Bên cạnh đó, con người chúng ta thường bị cơn cám dỗ đó là lợi dụng lòng thương xót của Chúa, nhưng chúng ta cũng nhớ rằng Chúa không phải chỉ là Đấng hay thương xót, mà Ngài còn là Đấng thưởng phạt công mình.
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta hiểu được điều đó, để biết tận dụng cơ hội Chúa ban, để thay đổi chính mình, cũng như khi chúng ta thay đổi chính mình, thì đó cũng là dấu lạ để giúp cho người khác thay đổi. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Xh 14,5-18: Các ngươi biết rằng Ta là Chúa, khi Ta tỏ vinh quang cho Pharaon.
Đc: Chúng ta hãy ca tụng Chúa, vì Người uy linh cao cả (Xh 15,1).
Mt 12,38-42: Nữ hoàng phương nam sẽ chỗi dậy lên án thế hệ này.
Người Do Thái không tin cậy Chúa. Họ muốn những dấu hiệu về quyền năng của Chúa. Trong Phúc âm, các kinh sư và người Pharisêu đòi các dấu hiệu. Người Do Thái đã không nhìn thấy dấu hiệu của Chúa trong thực tế là Ngài đã lặng lẽ dẫn họ đến tự do và biến họ thành một dân tộc tuyển chọn. Các luật sĩ không nhận ra Chúa trong sứ điệp và con người của Chúa Giêsu, trong sự phục vụ, lòng trung thành và tình yêu của Ngài. Chúa không phải là Đấng của sự công khai. Sự hiện diện của Ngài kín đáo.
Ngày nay, Lời Chúa mời gọi ta khiêm tốn hiểu rằng chỉ có một trái tim hoán cải hướng về Chúa mới có thể tiếp nhận, giải thích và nhìn thấy dấu hiệu nơi Chúa Giêsu. Chúa Giêsu là dấu chỉ vĩ đại nhất. Các ‘dấu chỉ’ là mối tương quan và tình yêu giữa Thiên Chúa và loài người. Để có thể đến với Chúa và anh chị em, ta cần có lòng khiêm nhường. Qua sự khiêm nhường, ta thừa nhận những hạn chế và đức tính của mình, nhưng chủ yếu ta xem những người lân cận như anh em và Chúa là Cha của ta. Chúa Giêsu nói, dấu hiệu để nhận biết các môn đệ của Chúa là tình yêu. Ta hãy tin tưởng vào tình yêu của Thiên Chúa. Tình yêu dẫn ta đến sự cậy trông nơi Ngài.
Thứ Ba - Tuần XVI Thường Niên
Thánh nữ Maria Magđalêna. Lễ kính.
Ga 20, 1-2.11-18
Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy việc bà Maria ra thăm mộ và thấy ngôi mộ trống, nên bà đã về báo cho các môn đệ biết.
Tiếp theo đó tin mừng trình bày việc Chúa Giêsu tỏ mình ra cho bà, và tin mừng nói, sau khi Chúa tỏ cho bà biết thì bà đã tin, không những tin mà bà con loan báo cho các môn đệ: "Tôi đã thấy Chúa", và bà kể lại những điều Người đã nói với bà.
Điều đó cho chúng ta thấy được điều gì? Có phải vì bà Madalena thành tâm thiện chí đi bước trước nên được Chúa đáp lại hay không? Nếu nói không đúng là sai, mà nói đúng là trật, bởi vì chúng ta biết chính Chúa mới là Đấng đi bước trước đến với con người, và con người chỉ đáp lại Thiên Chúa mà thôi.
Hay nói cách khác đó là Chúa luôn luôn tin tưởng vào con người, hình ảnh Chúa Giêsu giống như người làm vườn, là hình ảnh Chúa chờ đợi con người, Chúa tin tưởng vào con người sẽ đến tìm Chúa, và Chúa đã thành công.
Có một câu truyện ngụ ngôn rất hay về vấn đề giới thiệu Chúa cho người khác.
Chuyện kể rằng: sau khi chịu nạn chịu chết trên thập giá, Chúa Giêsu đã phục sinh trở về Thiên đàng trong uy nghi hiển vinh.
Dầu đã được vinh quang nhưng tay chân Ngài vẫn còn mang thương tích.
Các thiên sứ hân hoan đón chào Chúa.
Quang cảnh đang nhộn nhịp vui tươi bỗng có một thiên sứ đặt vấn đề: Chắc là Chúa đã phải chịu thống khổ vô cùng vì loài người dưới đó?
Chúa đáp: Đúng vậy.
Thiên sứ hỏi tiếp: Có phải tất cả mọi người đều đã biết những gì Chúa làm cho họ không?
Chúa Giêsu trả lời: Chưa, chỉ mới có một số ít người biết mà thôi.
Thiên sứ hỏi tiếp: Thế thì Chúa làm gì để giúp cho mọi người được biết?
Chúa Giêsu đáp: Ta đã trao cho Phêrô, Giacôbê, Gioan và các đồ đệ của Ta trách nhiệm đi nói với những người khác, rồi những người khác lại nói cho những người khác nữa, rồi cho những người này lại nói cho những người kia, cho đến lúc những người ở nơi xa xôi nhất trên địa cầu cũng đều được nghe.
Thiên sứ nhìn Chúa với vẻ nghi ngờ.
Vị này đã quá hiểu rõ lòng dạ con người như thế nào nên nói tiếp: Vâng, nhưng nếu như Phêrô, Giacôbê, Gioan và các môn đệ của Chúa quên đi thì sao?
Hoặc nếu họ mệt mỏi không còn tha thiết gì đến việc loan báo nữa thì sao?
Hay như những người ở thế kỷ 21 này không chịu thực hiện trọng trách việc thuật lại câu chuyện tình yêu của Chúa cho những người khác nữa thì sao?
Liệu Ngài có lập một chương trình nào khác không
Chúa Giêsu trả lời: Không! Ta không sắp đặt một chương trình nào khác. Ta đặt tin tưởng nơi họ. Chúa vẫn tin tưởng những ai tin Chúa.
Và hình ảnh của Madalena mà chúng ta mừng lễ là một trong những người đã đáp lại lòng tin của Chúa.
Xin cho chúng ta là những người kito hữu là những người có Chúa kito, biết đáp lại lòng tin của Chúa dành cho mình, biết đến với Chúa, biết giới thiệu Chúa cho người khác được biết. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Dc 3,1-4: Tôi đã gặp người tôi yêu.
Tv 63,2: Lạy Chúa là Thiên Chúa con, linh hồn con khao khát Chúa.
Ga 20,1.11-18: Bà kia, sao mà khóc? Bà tìm ai?
Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nâng lễ thánh Maria Madalena lên bậc lễ kính vào năm 2016. Maria Madalena là người đầu tiên nhìn thấy Chúa Giêsu sau khi Ngài bị đóng đinh. Bà là người đã ở gần Chúa Giêsu trong cuộc khổ nạn của Ngài. Trong khi nhiều môn đệ khác sợ hãi và ở trong những ngôi nhà đóng kín, Maria Madalena đã mạo hiểm ra ngoài vào buổi sáng sớm để thăm mộ Chúa Giêsu. Mặc dù bà không nhận ra Chúa Giêsu, nhưng câu chuyện của bà vẫn tràn đầy hy vọng. Cơn đau và nỗi buồn làm bà mù quáng khi nhìn thấy Chúa Giêsu nhưng bà vẫn có thể nhận ra giọng nói khi Ngài gọi tên bà là “Maria” và bà đáp lại “Lạy Thầy.”
Trong những giây phút đau đớn và buồn bã, ta có thể không nhìn thấy Chúa trong cuộc đời mình. Nhưng giống như Maria Madalena, ta cần tiếp tục kiên trì trong đức tin, không bao giờ từ bỏ việc tìm kiếm Chúa. Và giống như Maria Madalena nhận ra giọng nói quen thuộc của người đã gọi tên mình, ta cũng nên ý thức về Thiên Chúa, Đấng đang ở với ta qua niềm đau và nỗi buồn. Hơn nữa, Thiên Chúa vui mừng trong niềm vui của ta và gia tăng sức mạnh cho sự yếu đuối của ta. Cuối cùng, ta có thể nói “Tôi đã trông thấy Chúa” giống như Maria Madalena. Bởi vì bà tin và tìm thấy Chúa Giêsu, Người mà lòng bà yêu mến.
Thứ Tư - Tuần XVI Thường Niên
Mt 13,1-9
Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm này trình bày cho chúng ta thấy việc Chúa Giêsu kể cho đám đông dân chúng nghe dụ ngôn người gieo giống.
Trong dụ ngôn này chúng ta thấy dù lại đất nào đi chăng nữa, thì hạt giống cũng được gieo xuống, nhưng hiệu quả thì chỉ có hạt được gieo vào đất tốt mới sinh hoa quả tốt đẹp.
Như vậy, vấn đề không phải ở hạt giống, mà là ở nơi loại đất, vậy là phải cải tạo đất.
Vậy, Chúa Giêsu có kêu gọi cải tạo đất tâm hồn trước khi gieo hạt giống lời Chúa không?
Chúng ta hãy nhớ lại khi Chúa Giêsu 12 môn đệ làm tông đồ và Chúa sai các ông đi rao giảng Chúa Giêsu đã dặn các ông: “Tốt hơn là hãy đến với các con chiên lạc nhà Ít-ra-en. Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần. Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong hủi được sạch bệnh, và khử trừ ma quỷ. Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy. Đừng kiếm vàng bạc hay tiền giắt lưng. Đi đường, đừng mang bao bị, đừng mặc hai áo, đừng đi dép hay cầm gậy. Vì thợ thì đáng được nuôi ăn. "Khi anh em vào bất cứ thành nào hay làng nào, thì hãy dò hỏi xem ở đó ai là người xứng đáng, và hãy ở lại đó cho đến lúc ra đi. Vào nhà nào, anh em hãy chào chúc bình an cho nhà ấy. Nếu nhà ấy xứng đáng, thì -bình an của anh em sẽ đến với họ; còn nếu nhà ấy không xứng đáng, thì bình an của anh em sẽ trở về với anh em. Nếu người ta không đón tiếp và nghe lời anh em, thì khi ra khỏi nhà hay thành ấy, anh em hãy giũ bụi chân lại.” (Mt 10, 6- 14).
Chúng ta thấy, những dặn dò của Chúa Giêsu dành cho các tông đồ, không chỉ là cho các ông, mà còn muốn chính khi các ông rao giảng, chính các ông sống gương mẫu, thì đó là một cách thức để dọn đường tâm hồn để người ta đón nhận hạt giống lời của Chúa.
Hay trong lệnh truyền truyền giáo, Chúa Giêsu nói: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28, 19).
Chúng ta thấy trong lệnh truyền này, Chúa Giêsu muốn các tông đồ hãy làm cho người ta tin Chúa, làm cho người ta trở thành môn đệ trước đã rồi mới rửa tội cho họ, nghĩa là hãy giúp họ dọn dẹp mảnh đất tâm hồn của họ trước đã, rồi mới rửa tội cho họ, nếu không thì làm sao rửa tội, nếu rửa tội, thì ơn sủng của Chúa cũng chẳng sinh hoa kết quả.
Nếu để ý trong nghi thức rửa tội trẻ em hay tân tòng đều có phần từ bỏ tà thần và tuyên xưng đức tin:
Chủ lễ: Để sống trong tự do của con cái Thiên Chúa ông (bà, anh, chị, em, con) có từ bỏ tội lỗi không?
Thỉnh nhân: Thưa từ bỏ.
Chủ lễ: Để khỏi làm nô lệ tội lỗi, ông (bà, anh, chị, em, con) có từ bỏ những quyến rũ bất chính không?
Thỉnh nhân: Thưa từ bỏ.
Chủ lễ: Ông (bà, anh, chị, em, con) có từ bỏ ma quỷ là kẻ gây ra và cầm đầu tội lỗi không?
Thỉnh nhân: Thưa từ bỏ.
Chủ lễ: T… ông (bà, anh, chị, em, con) có tin kính Thiên Chúa là Cha toàn năng, Đấng tạo thành trời đất không?
Thỉnh nhân: Thưa tin.
Chủ lễ: Ông (bà, anh, chị, em, con) có tin kính Đức Chúa Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa, Chúa chúng ta, sinh bởi Đức Trinh Nữ Maria, đã chịu khổ hình và mai táng, đã sống lại từ cõi chết và đang ngự bên hữu Đức Chúa Cha không?
Thỉnh nhân: Thưa tin.
Chủ lễ: Ông (bà, anh, chị, em, con) có tin kính Đức Chúa Thánh Thần, tin Hội Thánh Công giáo, tin các Thánh thông công, tin phép tha tội, tin xác sống lại và sự sống vĩnh cửu không?
Thỉnh nhân: Thưa tin.
Đó là những cách thức giúp người ta dọn dẹp đời sống tâm hồn để đón nhận ơn của Chúa.
Như vậy, Chúa cũng mời gọi chúng ta dọn dẹp tâm hồn đón nhận hạt giống lời Chúa, đón nhận ơn Chúa.
Xin cho chúng ta biết dọn dẹp tâm hồn, cũng như giúp người khác dọn dẹp tâm hồn để đón nhận hạt giống lời Chúa, đón nhận ơn Chúa, để ơn Chúa sinh hoa kết quả dồi dào trong đời sống chúng ta. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Xh 16,1-5.9-15: Ta sẽ cho mưa bánh trời rơi xuống.
Tv 78,24: Chúa đã ban cho họ được bánh bởi trời.
Mt 13,1-9: Nó sinh hoa kết quả gấp trăm.
Sách Xuất hành nhắc nhở dân rằng “Hãy biết Chúa là Thiên Chúa” của họ. Chúa lắng nghe và thấu hiểu mọi nỗi ưu phiền cùng những tiếng phàn nàn than trách nhưng “Chúa đã ban cho họ được bánh bởi trời.” Khi lương thực khan hiếm và lúc nào cũng vậy, khi người Do Thái kêu cầu Người vì sự bắt bớ, đe dọa của người Ai Cập, thì mỗi ngày có đủ manna từ trời đổ xuống cho nhu cầu trong ngày. Do đó, người Do Thái kinh nghiệm rằng Thiên Chúa quan tâm và dưỡng nuôi họ. Thiên Chúa nâng đỡ họ trên con đường gian khổ để đến với tự do. Chúa ban cho dân Chúa còn dồi dào hơn lòng họ ước mong.
Với niềm tin vào Chúa, ta tin rằng Chúa ban cho những gì ta cần mỗi ngày. Phần chúng ta, ta cần chuẩn bị tinh thần để đón nhận quà tặng Thiên Chúa ban. Như hình ảnh hạt lúa được vãi gieo và trổ sinh bông hạt trong Tin mừng, Chúa là Đấng gieo hạt, mảnh đất là thế gian và trong đó có chúng ta. Nếu ta là mảnh đất tốt thì hạt giống mà Chúa gieo sẽ có cơ hội phát triển cách tốt tươi. Từ một hạt giống bé nhỏ ban đầu, với điều kiện thích hợp và sự chăm sóc cần mẫn thì kết quả có thể được gấp trăm. Vì thế, ta cùng gieo mầm tin yêu để cuộc sống và tình yêu thương của Thiên Chúa nơi mỗi người ngày càng phong phú.
Thứ Năm - Tuần XVI Thường Niên
Ga 13, 10-17
Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm qua trình bày cho chúng ta thấy việc Chúa Giêsu kể cho dân chúng nghe dụ ngôn người gieo giống, và chúng ta đã chia sẻ với nhau về chủ để là Chúa Giêsu muốn con người thay đổi, để chuẩn bị mảnh đất tâm hồn của mình là mảnh đất tốt để đón nhận ơn của Chúa, để đón nhận lời Chúa, có như thế ơn Chúa, lời Chúa được gieo xuống mới sinh hoa kết quả.
Tin mừng hôm nay dường như đi ngược lại với lý luận ngày hôm qua mà chúng ta đã chia sẻ, đó là khi các môn đệ đến hỏi Chúa Giêsu: “Sao Thầy lại dùng dụ ngôn mà nói với họ? " Người đáp: "Bởi vì anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không. Ai đã có thì được cho thêm, và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy mất. Bởi thế, nếu Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ, là vì họ nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe không hiểu. Thế là đối với họ đã ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ I-sai-a, rằng: Các ngươi có lắng tai nghe cũng chẳng hiểu, có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy; vì lòng dân này đã ra chai đá: chúng đã bịt tai nhắm mắt, kẻo mắt chúng thấy, tai chúng nghe, và lòng hiểu được mà hoán cải, và rồi Ta sẽ chữa chúng cho lành. "Còn anh em, mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc, vì được nghe. Quả thế, Thầy bảo thật anh em, nhiều ngôn sứ và nhiều người công chính đã mong mỏi thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe.”
Qua câu trả lời của Chúa Giêsu, chúng ta thấy, dường như Chúa không muốn những người do thái thời bấy giờ được cải tạo mảnh đất tâm hồn, nên mới kể dụ ngôn để che dấu không cho họ được biết về các mấu nhiệm nước trời.
Nhưng nếu chúng ta đào sâu, chúng ta thấy không phải thế, bởi khi Chúa Giêsu kể dụ ngôn, là đang giúp họ cải tạo mảnh đất tâm hồn của họ, bởi vì nếu nói một cách chi tiết, họ cũng chẳng hiểu, thậm chí còn hiểu sai, giống như một người không biết gì về đạo, không biết gì về giáo lý thì làm sao có thể rửa tội được, nếu rửa tội, mà không giữ thì còn có tội hơn nữa, thà không biết thì không có tội, nên Chúa mới nói: “Ai đã có thì được cho thêm, và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy mất.” hay chúng ta hãy nhớ lại lời Chúa đã từng nói: “Của thánh, đừng quăng cho chó; ngọc trai, chớ liệng cho heo, kẻo chúng giày đạp dưới chân, rồi còn quay lại cắn xé anh em.” (Mt 7,6)
Chính vì thế mà Chúa mới kể dụ ngôn, để họ hiểu được gì thì họ hiểu, có thể đó như là một phương thế giúp họ tò mò, để rồi từ đó họ tìm hiểu để họ hiểu hơn về các mầu nhiệm Nước Trời, lúc đó họ mới nhớ.
Tôi thấy có một cha dạy giáo lý giúp cho các em huynh trưởng dự trưởng cũng rất hay, đó là cho một vài câu hỏi cho các em, để các em về tìm hiểu, sai đúng không cần biết, nhưng phải tự tìm hiểu, điều đó giúp các em sẽ nhớ được những gì mình học, còn nếu chỉ giảng dạy một chiều, thì không thể nào nhớ được.
Bản thân tôi cũng vậy, tôi nhớ khi học Latin, khi kiểm tra trong câu hỏi có chữ Domo là cái nhà, mà không biết nó là giống đực hay giống cái, chia đại giống đực, nhưng sai, nhờ đó mà nhớ đến giờ không bao giờ quên.
Xin cho mỗi người chúng ta hiểu được tâm ý của Chúa dành cho con người của chúng ta, để dù thế nào đi chăng nữa, chúng ta phải biết nhìn thấy được ý nghĩa của những biến cố mà Chúa gởi đến để dọn tâm hồn của mình, trở thành những mảnh đất tốt. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Xh 19,1-2.9-11.16-20b: Chúa ngự xuống trên núi Sinai trước mặt toàn dân.
Đc: Chúa đáng ca ngợi và tôn vinh muôn đời (Đn 3,52b).
Mt 13,10-17: Về phần các con, đã cho biết những mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không cho biết.
Trong Cựu Ước, chúng ta thấy dân của Thiên Chúa luôn được Người phù trợ. Trong biến cố Xuất hành ra khỏi Ai Cập, lòng dân nhiều phen xôn xao, náo động, và thậm chí là đối nghịch với Chúa. Thiên Chúa đã chọn Môsê làm người đại diện cho dân, và Chúa đến ngự xuống trên núi Sinai trước mặt toàn dân trong tiếng sấm sét, ngọn lửa bốc cao. Thiên Chúa quyền năng luôn ở cùng dân của Người.
Trong Tân Ước, Chúa Giêsu cũng ngự giữa dân của Ngài bằng những bài giảng dạy ngắn gọn, súc tích, các dụ ngôn, các bí tích...Vì vậy, ta hãy biết ơn niềm tin Kitô giáo của chúng ta, hãy vui mừng. Chúng ta hãy cố gắng làm cho mối liên hệ của chúng ta với Chúa Giêsu không xa cách, mà càng gần gũi càng tốt, như mối liên hệ với các môn đệ, những người đã ở bên cạnh Ngài, đã nhìn thấy và nghe thấy Ngài, đã học hỏi, ăn uống với Ngài. Bắt chước các môn đệ, chúng ta thực sự chia sẻ thời gian của Ngài, một thời gian không bao giờ kết thúc. Ngày nay, Lời Chúa vẫn mời gọi ta khám phá và thực hành, bởi mầu nhiệm Nước Trời dành cho những ai yêu mến, tin tưởng vào Thiên Chúa. Với tất cả những gì Chúa làm, ta cùng dâng lời tạ ơn. Vì quả thật, “Chúa đáng ca ngợi và tôn vinh muôn đời.”
Thứ Sáu - Tuần XVI Thường Niên
Thánh Giacôbê Tông đồ. Lễ kính.
Mt 20, 20-28
Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy việc các môn đệ tranh giành nhau ai là người lớn nhất, nhân cơ hội này Chúa Giêsu dạy có các ông muốn làm lớn thì phải làm gì, đó là muốn làm lớn thì phải làm đầy tớ, làm người phục vụ anh em của mình, chính cái phục vụ mới làm nên giá trị, chứ không phải chức vụ làm nên giá trị con người.
Có người nói như thế này, người ta kính chúng ta vì điều gì? Người ta kính chúng ta phải vì chức vụ địa vị, có phải vì lời chúng ta nói hấp dẫn hay không? Thưa cũng có, nhưng nếu khi chức vụ không còn, thì lời của chúng ta cũng chẳng có giá trị, nhưng người ta kính trọng chúng ta là vì cuộc sống của chúng ta, và vì chính chúng ta, để khi những cái khác không còn nữa, người ta vẫn kính chúng ta.
Cha Phêrô Nguyễn Văn Mễn, GP Long Xuyên kể về việc rao giảng Tin Mừng trong đời sống hàng ngày của một chị y tá:
Cha Phêrô thường hay mang Mình Thánh Chúa và xức dầu cho bệnh nhân trong bệnh viện, đồng thời cha thăm hỏi các bệnh nhân đang nằm điều trị, nhất là những người neo đơn không có người chăm sóc.
Một hôm khi cha vào bệnh viện thì có một người đàn ông chặn cha lại và tự giới thiệu là giáo dân của cha, anh ấy biết cha vì cũng thường hay đi lễ nhà thờ.
Anh là một người đạo mới.
Trong gia đình chỉ có anh theo đạo Chúa.
5 năm trước, anh bị bệnh lao phổi rất nặng, gia đình đã đưa anh vào bệnh viện điều trị.
Bệnh anh có thuyên giảm, nhưng vì phải điều trị lâu dài nên gia đình mệt mỏi, hơn nữa lại phải lo làm ăn kiếm sống nên việc thăm nuôi chăm sóc anh ngày càng thưa thớt.
Khi bệnh anh tạm ổn định thì gia đình như phó mặc anh cho bệnh viện.
Anh kể với cha Phêrô: “Trong hoàn cảnh đó, bỗng có một cô y tá rất tốt bụng, thường xuyên đến chăm sóc con, chăm sóc rất tận tình, chăm sóc thật hết mình, chăm sóc rất chu đáo, chăm sóc, mà không hề cầu mong, hay yêu cầu nơi con bất cứ điều gì. Và con lại thấy cô ấy cũng chăm sóc những bệnh nhân khác, cũng một cách tận tình giống như vậy”.
Anh thấy lạ và cũng có chút thắc mắc vì thấy cô y tá này không giống các cô y tá khác.
Nhưng riết rối cũng quen, anh không thắc mắc nữa, chẳng cần quan tâm làm chi cho mệt xác.
Thế rồi, trong một đêm kia, đêm thì đã rất khuya, anh có việc phải đi ngang qua phòng trực của các y bác sĩ.
Tình cờ, anh bắt gặp cô y tá đang ngồi ở bàn làm việc, mà trên tay cô cầm một xâu chuỗi, miệng thì râm râm cầu kinh thật sốt sắng.
Sáng hôm sau, như thói quen khi ra ca trực, cô y tá ghé qua các phòng bệnh nhân hỏi han sức khoẻ vài người, trong đó có anh.
Anh cho cô biết tối hôm qua anh thấy cô lần chuỗi trong phòng trực.
Cô y tá ngỡ anh có đạo nhưng anh trả lời cô rằng anh chỉ theo đạo ông bà.
Nhưng tôn giáo nào anh cũng quý trọng hết.
Anh hỏi cô: “Khi cô cầm chuỗi, thì cô đọc những kinh gì vậy?”
Cô ta trả lời thật đơn giản, gọn ghẽ: “Đó là những lời kinh tôi dâng lên Thiên Chúa để cầu nguyện cho các bệnh nhân mà tôi chăm sóc được mau sớm bình phục, và tất nhiên là trong đó có ông. Bởi tôi thấy ông nằm ở đây đã khá lâu, cho nên chắc là ông mong về nhà lắm phải không?”
Nghe cô trả lời, anh thật sự xúc động mạnh.
Thì ra cô y tá là một người Công giáo.
Sau khi khỏi bệnh được xuất viện về nhà, anh không quên được sự tận tâm nhiệt tình phục vụ của cô ý tá người Công giáo.
Những ấn tượng đó đã thôi thúc anh tìm hiểu về đạo, rồi đi học giáo lý và chịu bí tích Rửa tội gia nhập đạo đã được gần một năm.
Anh nói rằng anh rất chịu khó đi lễ, không phải chỉ lễ ngày Chúa nhật, mà anh cố gắng thu xếp để đi lễ cả ngày thường nữa.
Anh đi lễ là để cám ơn Chúa, vì đã cho anh gặp được cô y tá tốt bụng, để nhờ đó, mà nay anh đã được ơn nhận biết Chúa và đã trở thành con Chúa.
Anh nói với cha Phêrô: “Bởi những lúc con gặp đau khổ về thể xác, và thiếu thốn về tinh thần, thì sự chăm sóc đầy tình thương, cũng như sự phục vụ đầy tình người của cô ấy, nhất là cô biết dùng lời cầu nguyện, để hổ trợ cho việc trị bệnh, đã làm cho con được an ủi biết chừng nào.”
“Nói thật, cách phục vụ và những lời cầu nguyện của cô ấy đã làm cho con cảm thấy được ấm lòng vô cùng trong những ngày nằm bệnh viện thật cô đơn.”
“Từ đó, con đã tìm được niềm vui để sống, đã lấy lại được sự thăng bằng trong cuộc sống, và đã tìm lại được ý nghĩa của cuộc đời, nhờ đã được tiếp cận với một người cao thượng đó: Một con người luôn tận tuỵ với công việc, hết mình với bổn phận, quảng đại cầu nguyện cho mọi người. Đúng là một con người luôn nghĩ đến người khác và hết mình sống cho người khác.”
Xin cho mỗi người chúng ta hiểu được như vậy, để biết dùng đời sống của mình phục vụ người khác đó mới làm nên giá trị con người chúng ta. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
2 Cr 4,7-15: Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại, cũng sẽ làm cho chúng tôi được sống lại với Đức Giêsu và sẽ đặt chúng tôi bên Người làm một với anh em.
Tv 126,5: Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan.
Mt 20,20-28: Các con sẽ uống chén của Ta.
Mừng lễ thánh Giacôbê Tông đồ, ta được sống những tâm tình rất bình thường của nhân loại, và từ những gì rất quen thuộc đó ta có thể sửa đổi mà trở nên thánh trong mỗi ngày sống. Tâm tình của những người theo Chúa vẫn mang nặng tư tưởng quyền lực và đầy tham vọng. Họ mong muốn được ‘cai trị’ người khác. Chẳng những người trong cuộc như là các môn đệ, nhưng mẹ của Giacôbê và Gioan cũng nài xin ân huệ từ Chúa Giêsu – để các con được ‘làm quan’ trong nước trời. Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã cho biết, quyền năng lớn nhất chính là phục vụ - phục vụ trong yêu thương. Yêu thương để phục vụ và phục vụ để loan tỏa tình thương.
Chúa Giêsu yêu thương đến độ hy sinh cả tính mạng mình để phục vụ cho những ai cần: người tội lỗi, bệnh tật, nghèo khó, bị áp bức…Vì thế Ngài được tôn vinh. Ngày nay, ta cũng học nơi Chúa Giêsu qua cuộc đời của thánh Giacôbê để nhằm giúp người khác bớt khổ đau chứ không nhằm lãnh lương cao, bổng lộc, vinh hoa. Chúa Giêsu đã dạy môn đệ những bài học quý giá để tránh những hẹp hòi, nhỏ nhen, bất nhất; đồng thời can đảm làm chứng cho Chúa. Ta cũng nên nhiệt thành theo Chúa như vậy.
Thứ Bảy - Tuần XVI Thường Niên
Thánh Joachim và thánh Anna, song thân Đức Maria. Lễ nhớ.
Mt 13, 24-30
Tôma Lê Duy Khang
Bối cảnh của tin mừng hôm nay bắt nguồn từ việc các môn đệ hỏi Chúa Giêsu lại tại sao lại dùng dụ ngôn để nói với dân chúng.
Chúng ta thấy Chúa Giêsu đang dùng lối so sánh để cho thấy những dân chúng thời của Chúa Giêsu đáng lý ra họ là người có phúc vì được nghe được thấy Chúa, nhưng họ lại không chịu nghe lời của Chúa Giêsu, không chịu thấy Chúa Giêsu, nên trở nên vô phúc, thấy mà không chịu tin, trong khi đó nhiều ngôn sứ ngày xưa thì mong mỏi thấy thì không được thấy, mong mỏi nghe mà không được nghe, nhưng họ lại có phúc, vì họ là những người không thấy mà tin.
Hình ảnh của những người do thái thời của Chúa Giêsu cũng là hình ảnh của mỗi người chúng ta ngày nay.
Chúng ta để ý khi đi tham dự thánh lễ, chủ tế mời gọi chúng ta: “Chúa ở cùng anh chị em”, câu này không chỉ cho chúng ta thấy là ở đâu có hai ba người họp nhau lại nhân danh Chúa thì có Chúa ở giữa họ, nghĩa là mời gọi chúng ta ý thức sự hiện diện của Chúa.
Nhưng câu này còn nhắc chúng ta về cái tội lớn nhất mà chúng ta thường phạm đó là gần chùa gọi bụt bằng anh, có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe, là gần gũi giữa vợ chồng, giữa cha mẹ với con cái, giữa anh chị em trong cộng đoàn, mà không nhận ra Thiên Chúa trong nhau.
Thi sĩ Hàn Mạc Tử khi ông ta nhìn lên tượng Mẹ Maria và trên đầu mẹ đội vương miệng, trang điểm với 12 ngôi sao ông đã thốt lên: “Ngọc như ý vô tri còn biết cả, huống chi tôi là Thánh Thể kết tinh, tôi ưa nhìn bắc đẩu rạng bình minh, chiếu cùng hết khắp ba ngàn thế giới”.
Hình ảnh đó cho chúng ta thấy, thật vô phúc cho chúng ta là một con người đầy tâm trí thức cứ ưa tham điều lạ, ưa nhìn bắc đẩu rạng bình minh, ưa đi tìm khắp ba ngàn thế giới mà quên cái trước mắt cái bên cạnh mình, mà không nhận ra được Đấng Thánh đang đứng trước mặt mình, trong khi những viên ngọc vô tri được trang điểm trên vương miện của mẹ, nó nhận biết Thiên Chúa đang ở cùng Mẹ.
Nên chúng ta được mời gọi, đừng là gỗ đá vô tri, mà mở mắt ra để nhận Thiên Chúa ở trong chúng ta, ở trong gia đình chúng ta, ở trong cộng đoàn chúng ta vì ngọc như ý vô tri còn biết cả, huống chi tôi là thánh thể kể tinh.
Nói như thế, để chúng ta thấy lời chúc Chúa ở cùng anh chị em, nó không còn là một lời sáo ngữ mà nó là hành động của đức tin Emmanuel Thiên Chúa ở cùng chúng ta, và nói như lời thánh Phaolo: “Tôi sống nhưng không phải là tôi sống, mà là Đức Kito sống trong tôi”, và nếu có Thiên Chúa trong ta, thì chúng ta hiểu rằng với Thiên Chúa không việc gì là không thể làm được, và điều đó thật là phúc lành cho chúng ta. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Xh 24,3-8: Đây là máu giao ước Thiên Chúa đã cam kết với các ngươi.
Tv 50,14: Hãy hiến dâng Thiên Chúa lời khen ngợi.
Mt 13,24-30: Hãy cứ để cả hai mọc lên cho đến mùa gặt.
Khi Môsê đến thuật lại cho dân chúng nghe tất cả những lời và lề luật của Chúa và toàn dân đồng thanh thưa rằng: “chúng tôi xin thi hành mọi lời Chúa đã phán.” Theo giao ước, Israel trở thành dân được Chúa chọn. Chúa đã ký kết giao ước bằng máu nên họ trở thành liên hệ huyết thống của Người. Môsê nói với dân Thiên Chúa: “Đây là máu giao ước Thiên Chúa đã cam kết với các ngươi.” Khi chấp nhận rủi ro để ở với chúng ta, Người buộc chúng ta phải mạo hiểm với đức tin để tìm kiếm Người và ở gần Người.
Trong Tân Ước, Chúa Giêsu Kitô sẽ nâng giao ước này lên một mức độ sâu sắc hơn và làm cho giao ước này vĩnh cửu. Khi cử hành Bí tích Thánh Thể, trong lời truyền phép, Ngài nói với chúng ta: “Tất cả các con hãy nhận lấy mà uống: Vì này là chén Máu Thầy, Máu giao ước mới và vĩnh cửu.” Chúng ta đang sống dưới sự quan phòng của Thiên Chúa. Vì vậy, ta được kêu gọi “Hãy hiến dâng Thiên Chúa lời khen ngợi.” Nhưng hết lần này đến lần khác, chúng ta phớt lờ giao ước bằng máu của Chúa. Cuộc sống là như vậy, và nó không dễ dàng để thực hiện. Khiêm tốn đón nhận lời giao ước đã được gieo trồng trong tâm hồn, Lời Chúa và giới răn yêu thương của Người có thể cứu rỗi linh hồn ta.