13/07/2025
71
Suy niệm hằng ngày_ Tuần XV Thường Niên







 

 

 


 

CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN - Thánh vịnh tuần III

Lc 10, 25-37
 


Tôma Lê Duy Khang

Bài đọc 1 trích sách Đệ Nhị Luật có nói về việc tuân giữ luật của Chúa, tuân giữ lời của Chúa như thế này: “Quả thế, mệnh lệnh tôi truyền cho anh (em) hôm nay đây, không vượt quá sức lực hay ngoài tầm tay anh (em). Mệnh lệnh đó không ở trên trời, khiến anh (em) phải nói: "Ai sẽ lên trời lấy xuống cho chúng tôi và nói cho chúng tôi nghe, để chúng tôi đem ra thực hành? Mệnh lệnh đó cũng không ở bên kia biển, khiến anh (em) phải nói: "Ai sẽ sang bên kia biển lấy về cho chúng tôi và nói cho chúng tôi nghe, để chúng tôi đem ra thực hành? Thật vậy, lời đó ở rất gần anh (em), ngay trong miệng, trong lòng anh (em), để anh (em) đem ra thực hành.”

Tại sao lại có lời dạy này, thưa vì con người tưởng rằng lời dạy của Chúa rất xa, khó mà đạt tới.

Nhưng có nguyên nhân nữa đó là vì con người muốn chối bỏ không thực hiện lời Chúa dạy, chỉ muốn thực hiện điều mình muốn, nên dù lời Chúa rất gần ngay trong miệng, ngay trong lòng mà không thực hiện được.

Cụ thể trong bài tin mừng chúng ta vừa nghe, ông thông luật hỏi Chúa Giêsu làm gì để có được sự sống đời đời, thì được cho biết là muốn có sự sống đời đời thì phải có lòng yêu mến Chúa, và yêu mến người thân cận như chính mình.

Ông ta tiếp tục hỏi Chúa Giêsu ai là người thân cận của tôi, nghĩa là ông ta muốn thoái thác trách nhiệm, nếu những người không thân cận thì mình không có bổn phận phải yêu thương, nghĩa là muốn chối bỏ trách nhiệm của mình.

Chính vì thế mà Chúa Giêsu đã kể câu chuyện dụ ngôn người Samari nhân hậu, để cho thấy rằng trong đời sống con người không phải chỉ thực hiện bổn phận của mình, thầy lêvi, thầy tư tế không chỉ biết có thực thi bổn phận của mình, mà còn phải làm hơn bổn phận đó nữa là cứu giúp người bị nạn, hoặc mẫu gương của người Samari anh đâu có bổn phận phải cứu giúp người bị nạn nếu như theo lý luận của ông thông luật, nhưng ông đã làm hơn bổn phận của mình, không chỉ cứu giúp người bị nạn, mà còn ân cần săn sóc, đưa về quán trọ, gởi tiền cho chủ quán trọ: Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém bao nhiêu, thì khi trở về, tôi sẽ hoàn lại bác”.

Áp dụng vào đời sống thực tế của chúng ta đó là có nhiều người giữ đạo rất tốt lành, có thể nói là có thể hy sinh để bảo vệ đức tin, thế nhưng khi xích mích với anh chị em mình thì dù chết cũng không chịu nói chuyện, không chịu bỏ qua.

Hay có những cặp vợ chồng rất yêu thương con cái, sẵn sàng hy sinh mọi thứ cho con cái, thế mà trong đời sống vợ chồng lại không biết nhượng bộ với nhau.

Trong đời sống đạo của chúng ta cũng vậy, có những người đi xưng tội khi hỏi lý do thì nói vì con cái sắp được lãnh bí tích nên đi xưng tội, nhưng hãy nhớ rằng đó chỉ là cái bề ngoài, vì nếu con không lãnh bí tích chắc sẽ không đi xưng tội, nhưng khi người ta ý thức được việc tội vậy là tốt, và đó xem như là cơ hội để sửa mình.

Hay nói cách khác là chỉ sống có một mặt mà thôi, trước mặt Chúa là như vậy thôi, nhưng đối với nhau, đối với người đời thì lại khác, chỉ thích đến với ai mà mình thích mà thôi, theo cảm tính cá nhân riêng tư của mình, như vậy việc bổn phận của mình mình làm chưa xong nữa thì lấy đâu ra làm hơn bổn phận của mình.

Chúng ta hãy nhìn lại đời sống của mình xem, mình có rơi vào trường hợp đó bao giờ chưa, chắc chắn ai trong chúng ta cũng có, nếu vậy thì chúng ta chỉ giữ luật Chúa trên môi miệng của chúng ta mà thôi, chứ chưa đem ra thực hành.

Xin cho mỗi người chúng ta biết giữ luật Chúa và đem ra thực hành trong đời sống của chúng ta, đừng viện lý do này hay lý do kia, vì luật Chúa rất gần ai cũng có thể thực hiện được, nếu chúng ta muốn, thì chúng ta sẽ thực hiện được không chỉ là việc bổn phận của mình, mà còn hơn bổn phận của mình nữa. Amen.




Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Đnl 30,10-14: Lời ở sát bên các ngươi, để các ngươi thực thi.

Tv 69,33: Các bạn khiêm cung, các bạn tìm kiếm Chúa, lòng các bạn hãy hồi sinh.

Cl 1,15-20: Mọi vật đã được tạo thành nhờ Người và trong Người.

Lc 10,25-37: Ai là anh em của tôi?

Môsê nói rằng lời của Chúa không có gì huyền bí hay xa vời. Nó đã ở trong miệng và trái tim của chúng ta. Chúng ta chỉ phải thực hiện nó. Trong Phúc âm, dụ ngôn Người Samaritanô nhân hậu dạy về lòng nhân từ, từ bi, bác ái và yêu thương người lân cận.

Dụ ngôn này do Chúa Giêsu kể lại để minh họa lòng nhân từ. Nhưng nó phản ánh một hiện tượng hiếu kỳ có thể thấy được ở mọi thời đại. Những người tốt, tôn giáo, những người mà người ta cho là có khả năng sẽ giúp đỡ nhất, thường lấy lòng mộ đạo và nghĩa vụ gia đình như một cái cớ để lẩn tránh. Mặt khác, những người mà ít ai mong đợi nhất lại giúp đỡ.

Cứu người như cứu hỏa, nhất là trường hợp nguy tử. Do đó, tính mạng con người là trên hết những luật lệ thông thường. Thử hỏi xem người đang cần sự giúp đỡ là anh chị em của ta thì ta sẽ phản ứng ra sao? Chỉ có ai không xem người khác như là anh chị em của mình hay là người thân cận với mình thì mới thờ ơ lướt qua trước nỗi khổ đau của đồng loại. Chúng ta không thể đáp ứng mọi nhu cầu của những người đau khổ, nhưng chúng ta có thể làm công việc bác ái bằng khả năng của mình.




Thứ Hai - Tuần XV Thường Niên

Mt 10,34-11,1

Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy việc Chúa Giêsu nói: “Anh em đừng tưởng Thầy đến đem bình an cho trái đất; Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo. Quả vậy, Thầy đến để gây chia rẽ giữa con trai với cha, giữa con gái với mẹ, giữa con dâu với mẹ chồng. Kẻ thù của mình chính là người nhà.”

Chúng ta để ý đến hai từ “đừng tưởng”, nghĩa là Chúa muốn con người của chúng ta hiểu đúng về việc Chúa đến để đem bình an như thế nào cho con người, chứ không phải mang thứ bình an như con người tưởng tượng ra.

Chúng ta hãy nhớ lại, khi Chúa Giêsu giáng trần thì các Thiên Thần hát: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm”, nghĩa là để có bình an, chúng ta phải xem lại mình có thiện tâm chưa, nếu không có thiện tâm thì làm sao có bình an của Chúa.

Nên Chúa đến mang gươm giáo, để xua đi tội lỗi, xua đi những ganh tỵ, xua đi những tham lam… để từ đó con người có thiện tâm, để khi có thiện tâm, con người mới có bình an đích thực.

Chính vì thế, mà chúng ta hiểu vì sao mà Chúa lại đến với những người tội lỗi, những người thu thuế… và Chúa khẳng định: “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau yếu mới cần”; hay “tôi đến để kêu gọi người tội lỗi, chứ không phải để kêu gọi người công chính” (Mt. 9, 12-13).

Còn con người chỉ nghĩ đơn giản là Chúa đến đem bình an, thì đương nhiên mình sẽ có bình an của Chúa, không phải như thế, để rồi con người tìm mọi cách để có bình an, nhưng có thể bình an mà con người tưởng mình có được thì ra đó là sự thỏa hiệp với sự dữ, với các ác, thì đó không phải là bình an đích thực.

Chính vì thế, mà con người chống đối Chúa, chúng ta biết, không phải trong xã hội của người Do Thái vào thời Chúa Giêsu còn tại thế, mà ngay giữa xã hội chúng ta, người ta khó lòng chấp nhận chuyện người "đàng hoàng" lại giao du với lớp người được đánh giá là không "đàng hoàng".

Xin cho mỗi người chúng ta hiểu được bình an đích thực mà Chúa mang đến cho chúng ta, để chúng ta chạy đến với Chúa, để chúng ta biết từ bỏ tội lỗi, từ bỏ những thói xấu để ta có được bình an của Chúa ban tặng. Amen.




Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Xh 1,8-14.22: Chúng ta hãy đàn áp Israel, kẻo nó sinh sản ra nhiều.

Tv 124,8: Ơn phù trợ chúng tôi ở nơi danh Chúa.

Mt 10,34-11,1: Thầy không đến để đem hòa bình, nhưng đem gươm giáo.

Sách Xuất hành cho thấy tình trạng nô lệ và áp bức của người Do Thái, nòng cốt của Dân Thiên Chúa, tại Ai Cập. Trong Phúc âm, Chúa Giêsu hướng dẫn ta hãy tránh xa những ảo tưởng của mình, và hãy nhớ rằng việc trở thành một môn đệ có thể khó khăn và ngược dòng đời. Theo Chúa Giêsu bao gồm những lựa chọn về lòng trung thành, tiêu chuẩn, hành động, đôi khi có thể mâu thuẫn với những gì thế giới yêu cầu hoặc những gì thế gian kéo ta đến. Chúa Giêsu cảnh báo rằng ta phải đấu tranh để đặt Đức Kitô lên hàng đầu trong số các giá trị, mối quan hệ và lòng trung thành khác của mình: về cơ bản, không đặt bất cứ điều gì khác lên trên mối quan hệ của ta với Ngài.

Đức Kitô có thể mang lại sự sống và ban ơn cho ta bởi vì Ngài đã chịu đau khổ vì ta. Không có cuộc sống dễ dàng nào được hứa với các môn đệ của Ngài. Đau khổ và thập giá cũng là những chia sẻ của họ. Trong kế hoạch của Thiên Chúa, đây là đường dẫn tới sự sống. Nó không phải là quá thoải mái, nhưng đây là yêu cầu của Chúa. Mong sao ta lắng nghe Đức Kitô khi Ngài hướng dẫn, ngay cả khi lời Ngài ngược lại văn hóa thế gian, hoặc gây căng thẳng, phá vỡ lối sống dễ dàng, thoải mái.




Thứ Ba - Tuần XV Thường Niên
Thánh Bônaventura, giám mục, tiến sĩ Hội thánh. Lễ nhớ.

Mt 11, 20-24

Tôma Lê Duy Khang

Đọc tin mừng hôm nay làm cho chúng ta nhớ lại những điều Chúa Giêsu tiên báo về những cuộc bách hại trước đó dành cho các môn đệ, khi các ông đi theo Chúa, khi các ông ra đi rao giảng tin mừng.

Cụ thể, Chúa Giêsu nói: “Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết. Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì: thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em. "Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét.”

Sau khi tiên báo thì Chúa Giêsu, tiếp tục nói với các ông hai điều nữa, đó là: “Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát. Và: "Khi người ta bách hại anh em trong thành này, thì hãy trốn sang thành khác. Thầy bảo thật anh em: anh em chưa đi hết các thành của Ít-ra-en, thì Con Người đã đến.” (Mt 10, 17-23).

Chúng ta để ý đến câu nói của Chúa Giêsu: “Khi người ta bách hại anh em trong thành này, thì hãy trốn sang thành khác. Thầy bảo thật anh em: anh em chưa đi hết các thành của Ít-ra-en, thì Con Người đã đến.”

Câu nói này rất ứng nghiệm với lời của Chúa Giêsu hôm nay, đó là: “Khốn cho ngươi, hỡi Kho-ra-din! Khốn cho ngươi, hỡi Bết-xai-đa! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Xi-đôn, thì họ đã mặc áo vải thô, rắc tro lên đầu tỏ lòng sám hối.”

Nghĩa là đừng bao giờ thất vọng về việc người ta không đón tiếp mình, đừng thất vọng khi thấy con người tội lỗi không biết ăn năn thống hối khi mình đến để rao giảng, để mời gọi họ ăn năn sám hối, nhưng hãy tin rằng không phải tất cả mọi người đều không biết ăn năn thống hối, không phải tất cả mọi người đều là xấu, mà có người tốt có người xấu, giống như hình ảnh của dụ ngôn chiếc lưới quăng xuống biển, mà Chúa Giêsu đã dùng để nói về nước trời, chiếc lưới quăng xuống biển kéo lên, trong lưới đó có cá tốt và cá xấu, con người của chúng ta cũng vậy, cũng có người tốt và người xấu.

Chính vì thế, chúng ta không được thất vọng, không được tuyệt vọng, mà hãy hy vọng, mà hãy tin, vì ở những nơi khác, có những con người khác, họ đang cần chúng ta, họ đang cần người đến để đánh thức, để kêu gọi lòng sám hối của họ, mà nếu được kêu gọi họ sẽ sám hối.

Nếu mở rộng ra, là chúng ta được mời gọi đừng thất vọng về chính mình, có thể ở nơi này chúng ta vô dụng, nhưng ở nơi khác chúng ta lại hữu dụng, quan trọng là chúng ta biết đặt mình đúng chỗ, thì sẽ hữu dụng, nên có người nói: “Tài là một vật quý nên không ai toàn tài, tài là một vật cần nên không ai là không có tài”.

Xin cho mỗi người chúng ta hiểu được như vậy, để thấy được rằng, có thể mình vô dụng ở chỗ này, nhưng ở nơi khác mình sẽ hữu dụng, cũng như thấy rằng ở nơi này có người không tốt, nhưng ở nơi khác sẽ có những người tốt, sẵn sàng đón nhận lời mời gọi của Chúa. Chúng ta phải hiểu, phải thấy được như vậy, vì đó sẽ là nguồn động lực giúp chúng ta chu toàn sứ vụ mà Chúa trao phó cho chúng ta. Amen.




Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Xh 2,1-15: Bà đặt tên cho trẻ là Môsê, vì vớt nó dưới nước lên; và khi đã khôn lớn Môsê đi thăm anh em.

Tv 69,33: Các bạn khiêm cung, các bạn tìm kiếm Chúa, lòng các bạn hãy hồi sinh.

Mt 11,20-24: Trong ngày phán xét, Tyrô và Siđon sẽ được xử khoan dung hơn các ngươi.

Ý định Thiên Chúa nhiệm mầu. Môsê phải được cứu khỏi nước để ông có thể chia sẻ kinh nghiệm giống như dân của mình khi họ được cứu bằng cách đi qua nước. Chúa Giêsu được coi là Môsê mới. Trong Phúc âm, Chúa Giêsu đang nhắc nhở dân Corozain, Bethsaida và Capharnaum về những thành phố tội lỗi lịch sử trong quá khứ của người Do Thái, chẳng hạn như Sôđôma và Tyrô. Matthêu biết rằng những độc giả của ông đã quen thuộc với lịch sử Kinh thánh và họ cũng nhận thức được phẩm giá của mình. Tuy nhiên, họ vẫn tiếp tục hoài nghi hoặc tôn thờ các vị thần khác.

Chúa Giêsu kêu gọi một số nhóm lãnh đạo Do Thái quay trở lại với vòng tay thiêng liêng của Chúa và từ bỏ sự theo đuổi các thần linh và thực hành giả hiệu. Chúa Giêsu Kitô tin rằng các thành phố Tyrô và Siđon sẽ sám hối một cách vô cùng khiêm nhường nếu những điều kỳ diệu của Thiên Chúa được thể hiện nơi họ. Ngài đặt người nghe đối mặt với sự thật. Thực tế là người nghèo và những người bị áp bức thường cởi mở với ơn cứu độ hơn là những cư dân thành thị tự mãn và sành điệu. “Các bạn khiêm cung, các bạn tìm kiếm Chúa, lòng các bạn hãy hồi sinh.”



Thứ Tư - Tuần XV Thường Niên

Mt 11,25-27

Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy việc Chúa Giêsu đề cao tinh thần đơn sơ bé mọn.

Chúng ta phải hiểu là người đơn sơ bé mọn, hay là người khôn ngoan thông thái, muốn được Chúa mạc khải phải có tinh thần đơn sơ bé mọn, chứ không phải người nghèo, người đơn sơ bé mọn thì đương nhiên được mạc khải, hay ngược lại người khôn ngoan thông thái đương nhiên là không được mạc khải, nhưng được mạc khải hay không là do ý muốn của Chúa, là do có tinh thần đơn sơ bé mọn.

Nên sự lòng đơn sơ bé mọn rất quan trọng.

Trong đời sống đức tin, Chúa đã nói: “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: "Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc", nó cũng sẽ vâng lời anh em.” (Lc 17,16)

Hoặc Chúa nói với Tôma sau sự kiện Tôma tuyên xưng Chúa: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con”, Chúa nói: “Phúc cho ai không thấy mà tin”.

Rồi khi nhìn vào giáo hội của chúng ta khi Chúa Giêsu xuống thế làm người, Chúa xuống thế làm người được sinh ra bởi một người phụ nữ nhà quê, là một em bé có thể nói là thua các em bé khác, được sinh ra đặt nằm trong máng cỏ, đến khi rao giảng tin mừng thì Chúa nói: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu”, đến khi chịu chết cũng trần trụi, khi được an táng trong mồ đá cũng là ngôi mộ của người khác, rồi hình ảnh của ngôi mộ trống sau đó, thế nhưng từ những điều đơn sơ bé nhỏ đó, mà giáo hội dần dần hình thành và phát triển cho đến hôm nay, và có thể nói là cho đến ngày tận thế.

Chúng ta biết thánh nữ Têresa hài đồng Giêsu ngài chỉ học hết lớp 3 lớp 4, ngài có để lại cuốn sách nhật ký Một Linh Hồn, trong cuốn sách này ngài viết sai chính tả, sai văn phạm, rồi ngữ vựng viết đánh vần cũng không đúng, nhưng ngài là tiến sĩ của giáo hội bởi vì ngài đã tái khám phá ra con đường nên thánh, mà giáo hội đặt tên đó là con đường thơ ấu thiêng liêng, một con đường thiêng liêng hết sức đơn sơ, nên thánh từ những việc nhỏ, và ngài đã nên thánh bằng những công việc nhỏ, làm những công việc nhỏ với tình yêu lớn.

Đó là khi chúng ta dùng những cái đơn sơ bé mọn vào những điều tích cực, thì sẽ đem lại hiệu quả tích cực.

Còn ngược lại, nếu chúng ta áp dụng điều đơn sơ bé nhỏ vào những điều không tích cực thì sẽ gây ra hậu quả không tích cực.

Ở châu phi có những con chim nó làm một cái ổ tập thể trên ngọn cây, có thể ổ chim này nặng vài tấn, chứa khoảng hàng ngàn, con chim, nhưng chúng ta biết cái tổ chim này sẽ bị hủy diệt chỉ vì một giọt sương mà thôi, tại sao một giọt sương bé nhỏ lại hủy diệt được ổ chim? Thưa vì khi ánh nắng chiếu vào giọt sương, nó sẽ gây ra một tác động khúc xạ, chính tác động khúc xạ này đã tạo ra lửa mà đốt cháy ổ chim khổng lồ nặng hàng mấy tấn.

Xin cho mỗi người chúng ta biết sống đơn sơ bé mọn, biết dùng những cái đơn sơ bé nhỏ để hướng về Chúa, hướng về điều tích cực, chắc chắn những điều thiện hảo tích cực sẽ đến với mỗi người chúng ta. Amen.




Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Xh 3,1-6.9-12: Chúa hiện ra trong ngọn lửa cháy từ giữa bụi gai.

Tv 103,8: Chúa là Đấng từ bi và hay thương xót.

Mt 11,25-27: Chúa đã giấu không cho những người khôn ngoan biết những điều ấy, mà lại mạc khải cho những kẻ bé mọn.

“Chúa hiện ra trong ngọn lửa cháy từ giữa bụi gai.” Môsê không hiểu vì sao lửa cháy mà bụi gai không bị thiêu rụi. Chúa đã thu phục và dùng Môsê, một người hèn mọn để giúp dân Thiên Chúa ra khỏi Ai Cập. Môsê tự biết sức mình là không thể làm việc lớn lao, nhưng tin là Chúa ở cùng ông. Sự khôn ngoan của Chúa được tỏ bày cách nhiệm mầu.

Chúa Giêsu nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho những người khôn ngoan biết những điều ấy, mà lại mạc khải cho những kẻ bé mọn.” Thật vậy, bởi vì không ai có thể giả vờ biết những điều này hoặc những mầu nhiệm tương tự. Kể cả những người có bộ óc vĩ đại cũng không thể có câu trả lời khoa học về Thiên Chúa. Một cụ bà chưa từng được học ở trường, thường cảm nghiệm những mầu nhiệm sâu xa của cuộc sống bằng mối liên hệ gắn bó với Chúa. Bà không hỏi Chúa tại sao. Bà tin, sống, và nguyện cầu cùng Chúa mỗi ngày. Tâm tình của người tìm Chúa thường đơn sơ, mến tin và trông cậy. Tìm gặp Chúa là con đường của trái tim chứ không phải thực nghiệm khoa học. Đó là cung đường yêu thương. Những người có tấm lòng rộng mở sẽ hiểu Chúa Giêsu và đáp lại Ngài.




Thứ Năm - Tuần XV Thường Niên

Mt 11, 28-30


Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu nói: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.”

Theo như lời của Chúa Giêsu thì đến với Chúa để được nghỉ ngơi bồi dưỡng, chứ không phải đến với Chúa là một sự nặng nhọc, là một sự căng thẳng.

Nhưng đến với Chúa với thái độ nào mới có được sự nghỉ ngơi bồi dưỡng.

Chúng ta hãy nhớ khi Chúa Giáng sinh, các Thiên thần đã hát: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm”, vậy Chúa đã giáng sinh cách đây hơn 2000 năm tại sao chúng ta vẫn chưa có bình an? Thưa chúng ta để ý là bình an dưới thế cho người thiện tâm, nếu chúng ta có thiện tâm thì chúng ta sẽ có bình an, nếu không có thiện tâm thì làm sao mà có được bình an.

Cũng vậy khi đến với Chúa cần đến với thái độ thiện tâm, đến vì yêu mến Chúa, chứ không phải đến vì sợ, nếu đến với thái độ thiện tâm, chúng ta sẽ tham dự thánh lễ một cách hoàn toàn khác và chắc chắn chúng ta sẽ có bình an.

Chúng ta hãy nhớ câu chuyện hai người lên đền thờ cầu nguyện là một minh họa cho chúng ta: “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pha-ri-sêu, còn người kia làm nghề thu thuế. Người Pha-ri-sêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng: "Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con. Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: "Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi. Tôi nói cho các ông biết: người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không.” (Lc 18, 10-14).

Chúng ta đào sâu thêm một chút nữa, có thể con người đến với Chúa không có chút thiện tâm nào, nhưng có thể Chúa sẽ dùng cách này hay cách khác để giúp họ có được thiện tâm, giúp họ thay đổi.

Chuyện có thật được nghe Linh Mục Kể Lại: Cha chạy xe máy đi giảng phòng Lễ chiều về gần 20 giờ tối, qua đoạn đường vắng Ngài bất chợt nhìn thấy một thanh niên bặm trợn đứng giữa đường, giang hai tay cản xe bắt phải dừng. Cha giật thót mình … định quay xe lùi lại, nhưng Cha không còn kịp trốn chạy đâu nữa rồi, vội nghĩ “ Thôi kệ, cùng lắm là hắn cướp chiếc xe đành mất vậy!”. Khi Cha phanh xe dừng lại ngay người hắn, đột ngột hắn quỳ xuống giữa đường chắp hai tay, nói to:

- Cha ơi! Xin giải tội cho con ngay lúc này, kẻo lỡ đêm nay con phải chết sa hỏa ngục sợ lắm Cha ơi!

Phà một hơi thở nhẹ nhõm, Linh Mục lên tiếng:

- Sao anh biết đêm nay mình chết mà hoảng lên vậy?

Hắn lắp bắp kể lể:

- Thì hồi nãy trong Nhà Thờ con biết mình nhiều tội lỗi nên không dám ngồi chung hàng ghế với giáo dân, con đứng dự Lễ đằng sau cây cột to trong nhà thờ, nhưng con thấy rõ và nghe rất rõ lời Cha giảng, rồi Cha còn chỉ tay ngay cây cột con đứng mà nói: “ Nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy”. (Lc 13,1-5). Con nghe mà lo sợ vì con quá nhiều tội lỗi đã từ lâu không đi xưng tội, nên giờ con phải đón đường để xin Cha giải tội liền, giúp con Cha nhé.

Cha mỉm cười nói:

- Tôi đâu biết có ai đó đứng sau cây cột to trong nhà thờ ,tôi chỉ tay theo thói quen khi giảng vào một nơi không có ai thôi mà, đây đúng là chuyện vô tình.

   Thế đấy! chúng ta thường “ Có tật giật mình”. Cha giảng thì vô tư, dựa vào Lời Chúa để thuyết trình, diễn giải bằng những lời lẽ cụ thể cho dễ hiểu, và cả những cái vung tay to tiếng cho sinh động, để giáo dân hết ngủ gục trong khi nghe bài giảng vây thôi.

Nói như vậy, để chúng ta cầu nguyện cho các linh mục, biết siêng năng giảng dạy lời của Chúa, để giúp cho người ta hiểu lời Chúa, để lời Chúa biến đổi tâm hồn của những con người nguội lạnh bỏ Chúa.

Xin cho mỗi người chúng ta biết đến với Chúa với tâm hồn thiện tâm, và biết giúp người khác để họ cũng có được tâm hồn thiện tâm để nhận được sự nghỉ ngơi bên Chúa. Amen.




Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Xh 3,13-20: Ta là Đấng tự hữu. Đấng tự hữu sai tôi đến với anh em.

Tv 105,8: Tới muôn đời Chúa vẫn nhớ lời minh ước.

Mt 11,28-30: Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng.

Thiên Chúa mạc khải danh Người cho Môsê. Người là Đấng Tự Hữu. Người có trước mọi thứ khác, và sẽ tồn tại lâu hơn bất kỳ điều gì hay ai khác. Danh Người vượt trên tất cả, nhưng cũng sẽ được biết đến bởi những gì Người làm cho dân tộc mình. Thiên Chúa nói với Môsê: “Ta sẽ dẫn dân ta thoát khỏi cảnh khốn cùng mà đem đến một vùng đất chảy đầy sữa và mật.” Người là Thiên Chúa giải thoát, ách của Người là gánh nặng yêu thương. Thiên Chúa của ta không phải là một vị thần ngoại giáo. Người sẽ hành động theo điều kiện và theo thời gian của Người.

Thiên Chúa quan tâm sâu sắc đến dân của Người, trong đó có ta. Tuy nhiên, ta không kiểm soát Thiên Chúa, cũng như không kiểm soát tương lai của mình. Trong Phúc âm hôm nay, Chúa Giêsu cho ta một cơ hội để buông bỏ ảo tưởng về sự kiểm soát của mình, học sự hiền lành và khiêm nhường cùng Chúa thì tâm hồn ta sẽ gặp được bình an. Ta không giao phó mình cho một tương lai nào đó, mà là một Thiên Chúa yêu thương và giải thoát, Đấng sẽ ghi nhớ giao ước của Ngài tới muôn đời. Phúc âm đảm bảo với ta rằng Chúa Giêsu ở với ta và ta có thể đến với Ngài cùng những gánh nặng và trăn trở, ưu tư. Đến với Chúa, Ngài nâng đỡ và bổ sức cho.

 



Thứ Sáu - Tuần XV Thường Niên

Mt 12, 1-8

Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy việc các người biệt phái chỉ trích các môn đệ của Chúa Giêsu bứt lúa ăn trong ngày Sabat, và Chúa Giêsu đã giải thích cho họ về trường hợp của Vua Đavit đã ăn bánh tiến trong đền thờ, thứ bánh mà chỉ có tư tế mới được ăn.

Và nếu để ý thì kết thúc trang tin mừng Chúa Giêsu nói: Con Người làm chủ ngày Sabat, nghĩa là cho dù không có tiền lệ nào trước đó đi chăng nữa, giả dụ như không có trường hợp trong cựu ước là trường hợp của Vua Đavit và các thuộc hạ ăn bánh tiến trong đền thờ đi chăng nữa, nhưng Chúa có quyền, Chúa cho phép các môn đệ của Chúa được bứt lúa ăn vào ngày Sabat vẫn được như thường, không có vấn đề gì cả.

Chúng ta hãy nhớ lại trong sách công vụ tông đồ có kể về thị kiến của thánh Phêrô, là một minh họa cho chúng ta: “Hôm sau, đang khi họ đi đường và đến gần Gia-phô, thì ông Phê-rô lên sân thượng cầu nguyện; lúc đó, vào khoảng giờ thứ sáu. Ông thấy đói và muốn ăn. Đang khi người ta dọn bữa thì ông xuất thần. Ông thấy trời mở ra và một vật gì sà xuống, trông như một tấm khăn lớn buộc bốn góc, đang được thả xuống đất. Trong đó có mọi giống vật bốn chân và rắn rết sống trên đất, cùng mọi thứ chim trời. Có tiếng phán bảo ông: "Phê-rô, đứng dậy, làm thịt mà ăn! " Ông Phê-rô thưa: "Lạy Chúa, không thể được, vì không bao giờ con ăn những gì ô uế và không thanh sạch." Lại có tiếng phán bảo ông lần thứ hai: "Những gì Thiên Chúa đã tuyên bố là thanh sạch, thì ngươi chớ gọi là ô uế." Việc ấy xảy ra đến ba lần, và lập tức vật ấy được đưa lên trời.” (Cv 10, 9-16).

Chúng ta thấy, đối với thánh Phêrô nói riêng hay đối với những người do thái nói chung, thì những con vật trong thị kiến mà Phêrô thấy, đó toàn là những con vật ô uế và không thanh sạch, mà theo luật do thái, thì không được ăn những con vật ô uế và không thanh sạch, nhưng đối với Chúa thì không, đối với Chúa đó là những con vật thanh sạch, Chúa tuyên bố đó là thạnh sạch, thì đó là thanh sạch, nên chúng ta thấy cái nhìn của Chúa khác với con người, con người chỉ thấy được điều mình thấy, còn Chúa thấy tận tâm can, và Chúa có quyền của Chúa, nên chúng ta phải tin vào những gì mà Chúa đã dạy.

Chính vì thế trong đời sống đức tin của chúng ta chúng ta được mời gọi sống theo những gì Chúa dạy, sống theo giáo huấn của hội thánh đã dạy chúng ta, đó là hai nguồn nền tảng vững chắc để giúp mỗi người chúng ta được nên hoàn thiện mỗi ngày, nếu không sống điều Chúa dạy, nếu không làm điều hội thánh đã làm, mà làm theo ý mình, thì sẽ có sự lộn xộn, sẽ có sự xáo trọn trong giáo hội.

Bé hỏi mẹ: Thiên Chúa có mười điều răn. Giáo Hội có mấy điều răn, hả mẹ?

Mẹ cười: Con học giáo lý rồi, sao lại hỏi mẹ chứ?

– Vì con thấy rắc rối nên thắc mắc.

– Rắc rối gì, thắc mắc gì?

Bé đăm chiêu và trầm giọng: Khi đọc kinh mỗi Chúa Nhật, con thấy giáo phận này đọc “Hội Thánh có NĂM điều răn,” mà giáo phận khác đọc “Hội Thánh có SÁU điều răn.” Như vậy là thiếu tính duy nhất, vì mỗi giáo phận giữ luật khác nhau.

Mẹ cười: Không phải vậy đâu. Kinh đó sửa lâu rồi, là NĂM điều răn chứ không là SÁU, con à!

– Mẹ thấy đó. Nơi thì có NĂM điều luật, nơi thì có SÁU điều luật. Vậy không phải là không duy nhất sao?

Mẹ gãi đầu, vừa lắc đầu vừa nói: Mẹ cũng… “bó toàn thân” luôn, con ơi!

Xin cho chúng ta sống điều Chúa dạy, sống điều hội thánh dạy trong cuộc đời của mình. Amen.




Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Xh 11,10-12,14: Các ngươi hãy giết con chiên con vào chiều tối. Hễ nhìn thấy máu, Ta sẽ vượt qua các ngươi.

Tv 116,13: Con sẽ lãnh chén cứu độ, và con sẽ kêu cầu danh Chúa.

Mt 12,1-8: Con Người cũng là chủ ngày sabbat.

Thiên Chúa mang đến những tai vạ trừng phạt người Ai Cập vì đã áp bức dân tộc của mình. Ngài đã cứu các gia đình người Do Thái bằng cách dặn họ ăn chiên vượt qua và bôi máu nó lên ngưỡng cửa. Thiên Chúa luôn bảo vệ những ai tin cậy nơi Ngài. Trong Phúc âm, Chúa Giêsu cho thấy sự nhân từ khi những người Pharisêu cố gắng lên án các môn đệ của Ngài. “Kìa, các môn đệ của Ngài làm điều không được phép làm trong ngày Sabbat!” Chúa Giêsu cho người Pharisêu biết: “Con Người cũng là chủ ngày sabbat.” Luật pháp không đặt trên sự phục vụ con người, vì phụng sự Thiên Chúa không mâu thuẫn với tình yêu và lòng thương xót được bày tỏ cho con người. Luật pháp, giới răn dựa trên sự tự do mà Thiên Chúa đã mang đến cho ta trong Đức Kitô.

Chúa Kitô ban ơn cứu độ của Ngài trong Bí tích Thánh Thể, bữa tiệc mới của Lễ Vượt Qua. Nơi Thánh Thể, Ngài là Chiên Vượt Qua. Ngài đã cứu ta khỏi ách nô lệ của tội lỗi bằng máu châu báu của Ngài. Chiên Thiên Chúa là lương thực dưỡng nuôi đời sống ta. Học nơi Chúa Giêsu, ta cũng nhân từ và tử tế, đối xử với nhau bằng tâm tình yêu thương. Vì luật yêu thương vượt trên tất cả, và yêu thương là chu toàn lề luật.




Thứ Bảy - Tuần XV Thường Niên

Mt 12, 14-21

Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy các biệt phái bàn cách chống đối Chúa Giêsu, biết thế Chúa Giêsu đã ra đi, và khi Chúa Giêsu ra đi thì có nhiều người đã đi theo Chúa.

Chúng ta thấy hình ảnh này rất đúng với lời tiên báo của Chúa Giêsu trước đó khi sai các môn đệ đi thực tập mục vụ, trong khi tiên báo, thì Chúa có chỉ dẫn các môn đệ: "Khi người ta bách hại anh em trong thành này, thì hãy trốn sang thành khác. Thầy bảo thật anh em: anh em chưa đi hết các thành của Ít-ra-en, thì Con Người đã đến.” (x. Mt 10, 17-23).

Và hôm nay, chính Chúa đã thực hiện lời của Ngài đã tiên báo, là bỏ nơi mà người ta bắt bớ giết hại để đi nơi khác, nơi mà mình có thể hoạt động được, nơi mà người ta đón tiếp mình.

Nếu đào sâu, chúng ta sẽ thấy lời của Chúa dạy rất thấm thía, đó là khi người ta đóng cánh cửa này, thì Chúa sẽ mở ra một cánh cửa khác, Chúa Giêsu mặc dầu bị chống đối, nhưng vẫn có người đón tiếp Chúa, vẫn có người thương Chúa, vẫn có người cần đến tình thương của Chúa.

Đó là cái nhìn khi chúng ta còn sống ở trần gian này, còn nếu nhìn dưới cái nhìn của ngày cánh chung, ngày kết thúc cuộc đời của chúng ta cũng vậy, có thể cuộc đời của chúng ta sẽ chấm dứt khi chúng ta không còn thở, khi máu chúng ta không còn lưu thông trong huyết quản nữa, nhưng khi đó, chúng ta sẽ có được sự sống mới bên Chúa, đó là đức tin của chúng ta.

Nhưng để có được điều đó, để có thể được Chúa mở ra cho chúng ta một cánh cửa mới ngay khi gặp bế tắc ở đời này, hoặc để không bị bế tắc ở đời sau, chúng ta cần phải làm gì?

Thánh Charles Borrômê sống ở Italia trên 400 năm trước đây (1538-1584). Khi còn trẻ, Borrômê đầy những tước vị, danh vọng. Nhưng một lúc Borrômê đã nhận ra ngày nào đó, ngài sẽ phải bỏ lại tất cả. Ngài muốn ghi khắc điều đó, nên nhờ một họa sĩ nổi tiếng vẽ bức bích họa trong tư thất để diễn tả cái chết. Bức họa hoàn thành: họa sĩ trình bày thần chết theo lối cổ điển: một bộ xương người nắm chặt lưỡi hái trong tay.

Borrômê ngạc nhiên: "Tại sao họa sĩ hình dung cái chết bằng chiếc lưỡi hái?"

Họa sĩ đáp: "Vì thần chết cắt hái mọi cuộc sống. Cái chết hủy hoại mọi cuộc đời".

"Đồng ý ", Borromê nói, "nhưng thần chết cũng mở cửa Nước Trời nữa chứ. Cái chết là cổng ngõ vào đời sống tốt đẹp hơn. Vì thế, tôi đề nghị họa sĩ xóa chiếc lưỡi hái đi và đặt vào tay thần chết chiếc chìa khóa vàng".

- Phải, Chúa Kitô đã chết và đã sống lại. Thập giá là chìa khóa Nước Trời. Thần chết đã buông lưỡi hái và cầm lấy chiếc chìa khóa vàng. Cổng Trời đã mở ra cho con người vào Nhà Cha.

Câu chuyện này cho chúng ta thấy, để có thể bước vào sự sống đời đời thì chúng ta phải có chìa khó vàng, chìa khóa vàng đó chính là đức tin, tin vào Chúa.

Xin cho mỗi người chúng ta luôn tin tưởng vào Chúa, dù chính bản thân của mình, hay khi người thân của mình đang đứng trong hoàn cảnh khó khăn bế tắc của cuộc đời, thì chắc chắn với đức tin, chúng ta sẽ nhìn thấy được cánh cửa mới mà Chúa mở ra cho chúng ta, mở ra cho người thân của chúng ta. Amen.




Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Xh 12,37-42: Đêm đó, Chúa dẫn dắt Israel ra khỏi đất Ai Cập.

Tv 136: Bởi đức từ bi Người muôn thuở.

Mt 12,14-21: Người cấm họ đừng cho ai biết Người, để ứng nghiệm lời đã phán.

Dân Thiên Chúa bắt đầu cuộc xuất hành đến một vùng đất của riêng họ, nơi họ có thể tự do phụng sự Thiên Chúa và là vương quốc sống động của Người. Nhưng cuộc hành trình sẽ dài, mất nhiều thời gian, kèm theo đó là những đau khổ, bối rối và do dự, những cuộc nổi dậy nhất thời và những phản bội. Nhưng Chúa ở với họ. Người không ngủ. Đối với người Do Thái và ta ngày nay, Thiên Chúa canh gác xuyên đêm dài tăm tối.

Thánh Vịnh 136 có 26 câu, và mỗi câu đều có cụm từ “đức từ bi Người muôn thuở.” Đáp ca lặp lại lời này để tôn vinh lòng thương xót của Thiên Chúa. Lòng nhân từ của Chúa kéo dài từ đời nọ đến đời kia. Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu được trình bày như là tôi tớ của Thiên Chúa, Đấng chữa lành cho dân chúng mà không màng chi đến bản thân. Chúa Giêsu chữa lành những ai bệnh tật. Ngài biết ta đang gánh nặng và mệt mỏi vì sự trì trệ của tinh thần và sự yếu đuối về thể xác của ta ... và vì thập giá không mong đợi mà đến thăm với những sân hận, bất đồng, thất vọng, đau buồn, bệnh dịch. Chúa Giêsu giải thoát ta khỏi tất cả những gì làm ta choáng ngợp. Ngài mang đến sự chăm sóc dịu dàng. Ngài tôn trọng và hàn gắn những gì mong manh và dễ vỡ.