
Chúa Nhật XV Thường Niên
Am 7,12-15; Ep 1,3-14; Mc 6,7-13
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Am 7,12-15: Hãy đi nói tiên tri cho dân Ta.
Tv 85,8: Lạy Chúa, xin tỏ lòng từ bi Chúa cho chúng con, và ban ơn cứu rỗi cho chúng con.
Ep 1,3-14: Ngài đã chọn chúng ta trong Người trước khi tạo thành thế gian.
Mc 6,7-13: Người bắt đầu sai các ông đi.
Amos là một người chăn bò khi Chúa gọi ông rời công việc để đi nói tiên tri cho dân của Chúa. Phaolô ở Êphêsô nói về việc những môn đệ của Đức Kitô được chọn, được tiền định, v.v ...Trong Phúc âm, mười hai tông đồ được Chúa Giêsu kêu gọi và sai đi. Không có nghi ngờ gì về việc Ngài kêu họ làm gì. Ngài triệu tập và sau đó Ngài sai họ đi, từng hai người một. Ngài hướng dẫn cụ thể về những gì họ phải làm và cách thực hiện. “khi đi đường đừng mang gì, ngoài cây gậy, không mang bị mang bánh, không mang tiền trong túi, nhưng chân đi dép, và đừng mặc hai áo…”
Hiệu quả của việc rao giảng phúc âm sẽ không phụ thuộc vào ảnh hưởng của con người hay vật chất mà là quyền năng của Thiên Chúa và lòng thành, đức tin và chứng tá của người đang rao giảng. Nguồn lực của những người loan báo Tin Mừng đến từ tình yêu của Chúa qua ơn ban của Chúa Thánh Thần. Chúa Giêsu mở đầu cho sứ vụ với lời rao giảng: “hãy ăn năn sám hối.” Do đó, sự hoán cải, các phương thế chiến đấu với những thế lực sự dữ phải được rao giảng. Ta hãy xem mình như người được Chúa chọn, sai đi rao giảng bằng lời nói và gương lành.
Lm. Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay trình bày việc Chúa Giêsu gọi các tông đồ và sai đi từng hai người một, ban cho các ông có quyền trên các thần ô uế, để tiếp nối, để kế thừa, để thay Chúa gánh vác sứ vụ sau này, khi Chúa về trời. Và các tông đồ đã thật sự gánh vác sứ vụ Chúa trao phó: “Các ông ra đi rao giảng sự thống hối. Các ông trừ nhiều quỷ, xức dầu nhiều bệnh nhân”, đến nỗi các ông đã hy sinh mạng sống của mình để hoàn thành sứ vụ.
Chính Chúa Giêsu cũng đã gánh lấy sứ vụ Chúa Cha trao phó, Chúa gánh lấy tội lỗi trần gian, gánh lấy những con người đau khổ, nên phần con người cũng phải cùng gánh với Chúa. Chúng ta hãy nhớ lại, cuối tin mừng Macco kể câu chuyện Chúa Giêsu vác thập giá lên đồi Golgotha, lúc đó, có một người từ miền quê lên, đi ngang qua đó, tên là Si-môn, gốc Ky-rê-nê. Ông là thân phụ hai ông A-lê-xan-đê và Ru-phô. Quân lính bắt ông vác thập giá đỡ Đức Giê-su (x.Mc 15, 21). Chúa Giêsu vác lấy thập giá, nhưng thập giá đó là tội của con người chứ không phải là tội của Chúa, còn ông Simon thì vác đỡ thánh giá Chúa, nhưng thật ra là ông vác lấy tội của ông.
Áp dụng vào đời sống, nếu chúng ta biết gánh vác công việc cho nhau, biết chịu trách nhiệm cho nhau trong công việc, trong sai lỗi, thì điều đó chứng tỏ chúng ta là người trưởng thành thật sự, vì chỉ có người trưởng thành mới có thể gánh vác công việc, còn trẻ con thì không thể nào gánh vác công việc được. Khi tạo dựng nên Adam, Thiên Chúa thấy Adam ở một mình không tốt, nên tạo dựng nên người đàn bà, và chúng ta thấy phản ứng của Adam thế nào, rất là vui sướng: “này là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi.” Thế nhưng, khi hai ông bà ăn trái cấm sa ngã phạm tội, thái độ của hai ông bà thế nào?
Đọc lại cựu ước chúng ta thấy, khi hai ông bà sa ngã phạm tội thì: “ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa gọi con người và hỏi: “Ngươi ở đâu?”Con người thưa: “Con nghe thấy tiếng Ngài trong vườn, con sợ hãi vì con trần truồng, nên con lẩn trốn.” ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa hỏi: “Ai đã cho ngươi biết là ngươi trần truồng? Có phải ngươi đã ăn trái cây mà Ta đã cấm ngươi ăn không?” Con người thưa: “Người đàn bà Ngài cho ở với con, đã cho con trái cây ấy, nên con ăn.” ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa hỏi người đàn bà: “Ngươi đã làm gì thế?” Người đàn bà thưa: “Con rắn đã lừa dối con, nên con ăn.” ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa phán với con rắn: “Mi đã làm điều đó, nên mi đáng bị nguyền rủa nhất trong mọi loài súc vật và mọi loài dã thú. Mi phải bò bằng bụng, phải ăn bụi đất mọi ngày trong đời mi. Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó.” Với người đàn bà, Chúa phán: “Ta sẽ làm cho ngươi phải cực nhọc thật nhiều khi thai nghén; ngươi sẽ phải cực nhọc lúc sinh con. Ngươi sẽ thèm muốn chồng ngươi, và nó sẽ thống trị ngươi.” Với con người, Chúa phán: “Vì ngươi đã nghe lời vợ và ăn trái cây mà Ta đã truyền cho ngươi rằng: “Ngươi đừng ăn nó”, nên đất đai bị nguyền rủa vì ngươi; ngươi sẽ phải cực nhọc mọi ngày trong đời ngươi, mới kiếm được miếng ăn từ đất mà ra. Đất đai sẽ trổ sinh gai góc cho ngươi, ngươi sẽ ăn cỏ ngoài đồng. Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn, cho đến khi trở về với đất, vì từ đất, ngươi đã được lấy ra. Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất.”
Chúng ta thử đặt vấn đề nếu như ông bà nguyên tổ biết nhận lỗi của mình, không đổ lỗi cho người khác, có thể Thiên Chúa sẽ tha thứ cho hai ông bà, như lời Chúa Giêsu đã nói: “Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất” (Mt 18, 14).
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta dám gánh vác, dám lãnh trách nhiệm, để làm một công việc gì đó, hay dám gánh vác, dám lãnh trách nhiệm trong những sai lỗi, có như thế, chúng ta mới có thể trưởng thành, mới có thể lãnh nhận những trách nhiệm lớn lao khác. Amen.
Thứ Hai - Tuần XV Thường Niên
Thánh Bônaventura, giám mục.
(Is 1,10-17; Mt 10,34-11,1)
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Is 1,10-17: Các ngươi hãy tắm rửa, hãy dẹp khỏi mắt Ta các tư tưởng xấu xa.
Tv 50,23: Ai đi đường ngay thẳng, Ta chỉ cho thấy ơn Thiên Chúa cứu độ.
Mt 10,34–11,1: Thầy không đến để đem hòa bình, nhưng đem gươm giáo.
Bài Tin Mừng hôm nay là phần cuối cùng của bài hướng dẫn mà Chúa Giêsu dạy các môn đệ như một phần trong quá trình bổ nhiệm và giao nhiệm vụ cho họ. Chúa Giêsu không kiêu ngạo và tự cho mình là trung tâm. Ngài đã không ngừng cho đi bản thân. Nếu họ yêu gia đình hơn yêu Chúa, họ sẽ không hiệu quả trong việc rao giảng về Chúa cho người khác.
Và khi Ngài nói, “Kẻ nào cố tìm mạng sống mình thì sẽ mất, và kẻ nào đành mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm lại được nó”, Ngài một lần nữa nhấn mạnh rằng việc theo đuổi mục tiêu của chính mình trong cuộc sống mà không phù hợp với ý muốn của Chúa dành cho họ, thì họ sẽ không xứng đáng.
Thánh vịnh dạy rằng: “Ai đi đường ngay thẳng, Ta chỉ cho thấy ơn Thiên Chúa cứu độ.” Con đường trung thành rao truyền sự thật và tình yêu của Thiên Chúa là con đường ngắn nhất để giao tiếp với Chúa và đi tới người khác. Yêu mến Chúa là điều trước hết và cần phải có của người môn đệ Chúa Kitô, để rồi từ đó yêu mến người thân cận như chính mình. Chúa không muốn mình là trung tâm nhưng Ngài muốn ta biết sắp xếp các giá trị cốt lõi của đời sống để có thể vững bước theo Ngài.
Lm. Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu nói: “Anh em đừng tưởng Thầy đến đem bình an cho trái đất; Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo. Quả vậy, Thầy đến để gây chia rẽ giữa con trai với cha, giữa con gái với mẹ, giữa con dâu với mẹ chồng. Kẻ thù của mình chính là người nhà.” Chúng ta để ý đến hai từ “đừng tưởng”, nghĩa là Chúa muốn chúng ta hiểu đúng việc Chúa đến là để đem bình an như thế nào cho con người, chứ không phải mang thứ bình an như con người tưởng tượng ra.
Chúng ta hãy nhớ lại, khi Chúa Giêsu giáng trần thì các Thiên Thần hát: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm”, nghĩa là để có bình an, chúng ta phải xem lại mình có thiện tâm chưa, nếu không có thiện tâm thì làm sao có bình an của Chúa. Nên Chúa đến mang gươm giáo, để xua đi tội lỗi, xua đi những ganh tỵ, xua đi những tham lam… để từ đó con người có thiện tâm, để khi có thiện tâm, con người mới có bình an đích thực. Chính vì thế, chúng ta hiểu tại sao Chúa lại đến với những người tội lỗi, những người thu thuế… và Chúa khẳng định: “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau yếu mới cần”; hay “tôi đến để kêu gọi người tội lỗi, chứ không phải để kêu gọi người công chính” (Mt. 9, 12-13). Chính vì thế, con người chống đối Chúa, không chỉ vào thời Chúa Giêsu còn tại thế, mà ngay giữa xã hội chúng ta, người ta khó lòng chấp nhận chuyện người “đàng hoàng” lại giao du với lớp người được đánh giá là không “đàng hoàng”.
Xin cho mỗi người chúng ta hiểu được bình an đích thực mà Chúa mang đến, để chúng ta chạy đến với Chúa, biết từ bỏ tội lỗi, thói xấu để có được bình an của Chúa. Amen.
Thứ Ba - Tuần XV Thường Niên
(Is 7,1-9; Mt 11,20-24)
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Is 7,1-9: Nếu các ngươi không tin, các ngươi sẽ không còn tồn tại nữa.
Tv 48,9d: Thiên Chúa kiên thủ thành trì của Người tới muôn đời.
Mt 11,20-24: Trong ngày phán xét, Tyro và Siđon sẽ được xét xử khoan dung hơn các ngươi.
Chúa Giêsu Kitô đã quở trách hai thành phố Corozain và Bethsaida, vì sự hoài nghi của họ: “Hỡi Corozain, khốn cho ngươi! Hỡi Bethsaiđa, khốn cho ngươi! Vì nếu đã xảy ra tại Tyrô và Siđon các phép lạ diễn ra nơi các ngươi, thì họ đã mặc áo nhặm, rắc tro mà ăn năn hối cải từ lâu rồi” (Mt 11,21). Chính Chúa Kitô đã làm chứng rằng các thành phố đó sẽ thực hiện việc sám hối một cách vô cùng khiêm nhường nếu những điều kỳ diệu của quyền năng thiêng liêng được thực hiện.
Chúa Giêsu muốn ta tuân theo các giới răn, đặc biệt là yêu thương nhau như Ngài đã yêu thương. Thông điệp có thể rơi vào tai rằng, ta quá bận tâm đến những thứ của mình, với vị trí của ta trên thế giới, trong việc cạnh tranh với chính những người mà chúng ta yêu thương. Chúng ta cũng nhận thấy rằng Đức Kitô đã đặt cử toạ của mình đối diện với sự thật. Ta cũng phải ghi nhớ cách ta nói với người khác về Đức Kitô. Mỗi ngày ta suy xét về những điều chắc chắn sẽ xảy đến, đó là sự chết và phán xét, để mà có thái độ sống phù hợp. Ta phải cầu xin ơn Chúa ban cho ta sự khiêm nhường để đặt mỗi người đối diện với sự thật thiêng liêng và quy hướng mọi sự về Chúa.
Lm. Tôma Lê Duy Khang
Đoc Tin mừng hôm nay làm cho chúng ta nhớ lại những điều Chúa Giêsu tiên báo về những cuộc bách hại trước đó dành cho các môn đệ, khi các ông đi theo Chúa, khi các ông ra đi rao giảng Tin mừng. Cụ thể, Chúa Giêsu nói: “Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết. Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì: thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em. “Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét.” Sau khi tiên báo, Chúa Giêsu tiếp tục nói với các ông hai điều nữa: “Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát. Và: “Khi người ta bách hại anh em trong thành này, thì hãy trốn sang thành khác. Thầy bảo thật anh em: anh em chưa đi hết các thành của Ít-ra-en, thì Con Người đã đến” (Mt 10, 17-23).
Chúng ta để ý đến câu nói: “Khi người ta bách hại anh em trong thành này, thì hãy trốn sang thành khác. Thầy bảo thật anh em: anh em chưa đi hết các thành của Ít-ra-en, thì Con Người đã đến.” Câu nói này rất ứng nghiệm với lời Chúa Giêsu hôm nay: “Khốn cho ngươi, hỡi Kho-ra-din! Khốn cho ngươi, hỡi Bết-xai-đa! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Xi-đôn, thì họ đã mặc áo vải thô, rắc tro lên đầu tỏ lòng sám hối.” Nghĩa là đừng bao giờ thất vọng về việc người ta không đón tiếp mình, đừng thất vọng khi thấy người tội lỗi không biết ăn năn thống hối khi mình đến để rao giảng, mời gọi họ ăn năn sám hối, nhưng hãy tin rằng không phải tất cả mọi người đều thế, không phải tất cả mọi người đều xấu, mà là có người tốt có người xấu, giống như hình ảnh chiếc lưới quăng xuống biển, trong lưới có cá tốt và cá xấu. Chính vì thế, chúng ta không được thất vọng, không được tuyệt vọng, mà hãy hy vọng, mà hãy tin, vì ở những nơi khác, có những con người khác đang cần chúng ta, họ đang cần người đến để đánh thức, để kêu gọi lòng sám hối của họ, mà nếu được kêu gọi họ sẽ sám hối. Mở rộng ra, chúng ta được mời gọi đừng thất vọng về chính mình, có thể ở nơi này chúng ta vô dụng, nhưng ở nơi khác lại hữu dụng, quan trọng là biết đặt mình đúng chỗ, thì sẽ hữu dụng, nên có người nói: “Tài là một vật quý nên không ai toàn tài, tài là một vật cần nên không ai là không có tài”.
Xin cho mỗi người chúng ta hiểu được như vậy, để thấy được rằng, có thể mình vô dụng ở chỗ này, nhưng ở nơi khác mình sẽ hữu dụng, cũng như thấy rằng ở nơi này có người không tốt, nhưng ở nơi khác sẽ có những người tốt, sẵn sàng đón nhận lời mời gọi của Chúa. Chúng ta phải hiểu, phải thấy được như vậy, vì đó sẽ là nguồn động lực giúp chúng ta chu toàn sứ vụ mà Chúa trao phó cho chúng ta. Amen.
Thứ Tư - Tuần XV Thường Niên
(Is 10,5-7.13-16; Mt 11,25-27)
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Is 10,5-7.13-16: Cái cưa có thể tự cao tự đại đối với thợ cưa sao?
Tv 94,14a: Chúa sẽ không loại trừ dân tộc của Chúa.
Mt 11,25-27: Chúa đã giấu không cho những người khôn ngoan biết những điều ấy, mà lại mạc khải cho những kẻ bé mọn.
Trong bài đọc đầu tiên, ta thấy các hành động và sự can thiệp của Chúa không phải lúc nào cũng trực tiếp. Nhiều lần, có những sứ giả hoặc những người can thiệp vào cuộc sống của ta, cho ta biết ý định của Chúa. Lắm khi thông tin loan truyền của tiên tri mang đến cho người nghe những trải nghiệm không mấy tích cực, thậm chí là những thông điệp cảnh cáo, tai ương và sự trừng phạt. Tuy nhiên, thánh vịnh đáp ca hôm nay cho biết: “Chúa sẽ không loại trừ dân tộc của Chúa”. Sự hiện diện của Chúa thật sự có thể sờ thấy được và mang lại sự thoải mái. Đôi khi, những sứ giả hoặc những người lãnh nhận ý Chúa tiếp cận ta bằng một lời nói, một cái chạm hay một cái ôm để ta biết rằng ta không đơn độc.
Kế hoạch của Thiên Chúa thì ta không rõ. Chỉ có một điều chắc chắn là ta sẽ không bao giờ đơn độc. Không có chuyện ta bị bỏ rơi. Chúa tỏ bày những điều này cho ta mỗi ngày. Như vậy, thái độ sống phải tích cực vì Chúa ban phúc cho ta từng giây phút trong cuộc đời.
Khi hạnh phúc, HÃY NGỢI KHEN CHÚA.
Khi khó khăn, HÃY TÌM KIẾM CHÚA.
Khi lặng yên, HÃY THỜ PHƯỢNG CHÚA.
Khi đau đớn, HÃY TIN TƯỞNG CHÚA.
Mỗi giây phút, HÃY TẠ ƠN CHÚA.
Lm. Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay trình bày Chúa Giêsu đề cao tinh thần đơn sơ bé mọn. Chúng ta phải hiểu là người đơn sơ bé mọn, hay là người khôn ngoan thông thái, muốn được Chúa mạc khải phải có tinh thần đơn sơ bé mọn, chứ không phải người nghèo, người đơn sơ bé mọn thì đương nhiên được mạc khải, hay ngược lại người khôn ngoan thông thái đương nhiên là không được mạc khải, nhưng được mạc khải hay không là do ý muốn của Chúa, là do có tinh thần đơn sơ bé mọn. Nên sự lòng đơn sơ bé mọn rất quan trọng.
Trong đời sống đức tin, Chúa đã nói: “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: “Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc”, nó cũng sẽ vâng lời anh em” (Lc 17,16). Hoặc sau sự kiện Tôma tuyên xưng: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con”, Chúa nói: “Phúc cho ai không thấy mà tin”. Rồi khi nhìn vào Giáo hội: Chúa xuống thế làm người được sinh ra bởi một người phụ nữ nhà quê, là một em bé có thể nói là thua các em bé khác, được sinh ra đặt nằm trong máng cỏ, đến khi rao giảng Tin mừng thì Chúa nói: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu”, đến khi chịu chết cũng trần trụi, khi được an táng trong mồ đá cũng là ngôi mộ của người khác, rồi hình ảnh của ngôi mộ trống sau đó, thế nhưng từ những điều đơn sơ bé nhỏ đó, Giáo hội dần dần hình thành và phát triển cho đến hôm nay, và có thể nói là cho đến ngày tận thế.
Chúng ta biết, thánh nữ Têresa Hài Đồng Giêsu chỉ học hết lớp 3 lớp 4, ngài có để lại cuốn sách nhật ký Một Linh Hồn, trong cuốn sách này ngài viết sai chính tả, sai văn phạm, rồi ngữ vựng viết đánh vần cũng không đúng, nhưng ngài là tiến sĩ của Giáo hội bởi vì ngài đã tái khám phá ra con đường nên thánh, mà Giáo hội đặt tên đó là con đường thơ ấu thiêng liêng, một con đường thiêng liêng hết sức đơn sơ, nên thánh từ những việc nhỏ, và ngài đã nên thánh bằng những việc nhỏ, việc nhỏ với tình yêu lớn.
Đó là khi chúng ta dùng những cái đơn sơ bé mọn vào những điều tích cực, thì sẽ đem lại hiệu quả tích cực. Còn ngược lại, nếu chúng ta áp dụng điều đơn sơ bé nhỏ vào những điều không tích cực thì sẽ gây ra hậu quả không tích cực. Ở châu phi có những con chim làm một cái ổ tập thể trên ngọn cây, có thể ổ chim này nặng vài tấn, chứa khoảng hàng ngàn con chim, nhưng chúng ta biết cái tổ chim này sẽ bị hủy diệt chỉ vì một giọt sương mà thôi, tại sao một giọt sương bé nhỏ lại hủy diệt được ổ chim? Thưa vì khi ánh nắng chiếu vào giọt sương, nó sẽ gây ra một tác động khúc xạ, chính tác động khúc xạ này đã tạo ra lửa mà đốt cháy ổ chim khổng lồ nặng hàng mấy tấn.
Xin cho mỗi người chúng ta biết sống đơn sơ bé mọn, biết dùng những cái đơn sơ bé nhỏ để hướng về Chúa, hướng về điều tích cực, chắc chắn những điều thiện hảo tích cực sẽ đến với mỗi người chúng ta. Amen.
Thứ Năm - Tuần XV Thường Niên
(Is 26,7-9.12.16-19; Mt 11,28-30)
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Is 26,7-9.12.16-19: Hỡi những kẻ nằm trong tro bụi, hãy thức dậy và hãy nhảy mừng.
Tv 102,20b: Từ trời cao xanh Chúa đã quan sát địa cầu.
Mt 11,28-30: Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng.
Chúa Giêsu phán rằng, “Ta sẽ cho ngươi nghỉ ngơi ... và ngươi sẽ học từ Ta ... vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng.” Chúa Giêsu cho ta thấy tính cách của Ngài. Nhờ Ngài, với Ngài và trong Ngài, ta sẽ tìm thấy mọi nhu cầu của ta ở hiện tại và trong cuộc sống mai sau. Lý do là trong Đức Kitô, ta có các yếu tố quan trọng giống nhau để đi đến các mục tiêu giống nhau. Nhờ sự đồng hành của Ngài, ta biết cách yêu thương Chúa và những người lân cận như chính chúng ta.
Khi ta tìm được một không gian yên tĩnh để suy ngẫm về Tin Mừng của ngày hôm nay và tập trung vào sự hiện diện chở che của Chúa trong cuộc sống của mình, hãy dành thời gian để xem và tận hưởng thế giới mà Ngài đã tạo ra cho ta. Hãy cảm nhận Chúa Thánh Thần thúc giục ta làm nhiều hơn với cuộc sống của mình, để nhận ra rằng Chúa Kitô đang ở đó, từng bước một, khi chúng ta lao động để làm điều gì là đúng và điều gì là công bình. Hãy ghi nhớ một thực tế đơn giản rằng mỗi người đều đã đưa ra quyết định cho phần của mình, và nếu ta sẵn sàng làm phần việc của mình, thì mọi chuyện sẽ trở nên dễ dàng và gánh nặng của ta sẽ nhẹ đi, phần còn lại dâng cho Chúa.
Lm. Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu nói: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.” Theo lời của Chúa Giêsu thì đến với Chúa để được nghỉ ngơi bồi dưỡng, chứ không phải là một sự nặng nhọc, căng thẳng. Nhưng đến với Chúa với thái độ nào mới có được sự nghỉ ngơi bồi dưỡng? Chúng ta hãy nhớ khi Chúa Giáng sinh, các Thiên thần đã hát: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm”, vậy Chúa đã giáng sinh cách đây hơn 2000 năm tại sao chúng ta vẫn chưa có bình an? Thưa chúng ta để ý là bình an dưới thế cho người thiện tâm, nếu chúng ta có thiện tâm thì chúng ta sẽ có bình an, nếu không có thiện tâm thì làm sao mà có được bình an. Cũng vậy, khi đến với Chúa cần đến với thái độ thiện tâm, đến vì yêu mến Chúa, chứ không phải đến vì sợ, nếu đến với thái độ thiện tâm, chúng ta sẽ tham dự thánh lễ một cách hoàn toàn khác và chắc chắn chúng ta sẽ có bình an.
Chúng ta hãy nhớ câu chuyện hai người lên đền thờ cầu nguyện là một minh họa cho chúng ta: “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pha-ri-sêu, còn người kia làm nghề thu thuế. Người Pha-ri-sêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con. Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi. Tôi nói cho các ông biết: người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không” (Lc 18, 10-14).
Chúng ta đào sâu thêm một chút nữa, mặc dầu con người có thể không có thiện tâm nhưng chúng ta tin chắc với ơn Chúa, cách này hay cách khác Chúa cũng sẽ biến đổi họ, có thể Chúa dùng chính mỗi người chúng ta để giúp họ có thiện tâm. Đức cha Fulton Sheen thuật lại một ơn lạ do lòng thương xót của Chúa: Một người đàn ông đang chờ chết trong bệnh viện. Ông đã bỏ đạo 30 năm. Chẳng những thế, ông còn dùng sách vở, báo chí xấu đầu độc nhiều người nhất là giới trẻ, cố ý cho họ mất lòng tin như ông. Đã có 20 linh mục đến thăm và mời ông trở về với Chúa, nhưng đều bị ông đuổi khéo.
Đức Cha là người sau cùng đến thăm ông, nhưng không phải chỉ đến thăm một lần mà 40 lần. Và đến lần 40, ngài mới đem việc linh hồn ra bàn với ông:
– Này ông bạn, có lẽ đêm nay ông sẽ vĩnh viễn ra đi…
– Vâng, tôi biết.
– Tôi tin chắc ông muốn làm hoà lại với Chúa.
– Tôi không bao giờ làm hoà với Chúa. Ông hãy cút đi.
– Xin ông thông cảm, tôi không đến đây một mình.
– Vậy ông đến với ai?
– Tôi mang Chúa đến cho ông. Tôi tin chắc, ông không đuổi Chúa đi.
Ông ta làm thinh. Đức Cha liền quỳ xuống bên giường ông, thầm thĩ cầu nguyện một lúc rồi nài nỉ :
– Tôi tin chắc ông muốn làm hoà lại với Chúa.
Vẫn bị từ khước. Đức Cha lại năn nỉ:
– Tôi chỉ xin ông một điều: Ông hãy hứa với tôi: đêm nay ông hãy nói với Chúa: “Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót con”.
– Ông hãy cút đi. Tôi không bao giờ nói câu đó.
Vị Giám Mục lủi thủi bước ra. Nhưng trước khi ra về, ngài dặn cô y tá:
– Bất cứ lúc nào ông ta cần, cô làm ơn báo cho tôi biết.
Khoảng 4 giờ sáng, cô y tá gọi điện thoại cho Đức Cha biết ông ta vừa qua đời. Trước khi chết, ông ta cứ lặp đi lặp lại câu: “Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót con”.
Chính ơn Chúa mới là sức mạnh cải hoá tâm hồn con người. Chính Chúa mới là Đấng thực hiện phép lạ. Nhưng Ngài cần sự hiện diện, đôi tay, môi miệng và bất cứ sự đóng góp nào của chúng ta để Ngài thông ban tình thương bao la của Ngài.
Xin cho mỗi người chúng ta biết đến với Chúa với tâm hồn thiện tâm, và biết giúp người khác để họ cũng có được tâm hồn thiện tâm để nhận được sự nghỉ ngơi bên Chúa. Amen.
Thứ Sáu - Tuần XV Thường Niên
(Is 38,1-6.21-22.7-8; Mt 12,1-8)
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Is 38,1-6.21-22.7-8: Ta đã nghe lời ngươi cầu nguyện, và Ta đã lau sạch nước mắt của ngươi.
Đc: Lạy Chúa, xin cứu mạng sống con, ngõ hầu con khỏi phải chết (Is 38,17).
Mt 12,1-8: Con Người cũng là chủ ngày Sabbat.
Vua Hezekiah bị ốm nặng do một vết ung độc. Tiên tri Isaia chuyển lời của Thiên Chúa cho nhà Vua: “Ngươi hãy sắp xếp công việc nhà cửa của ngươi, vì ngươi sắp chết, không sống được nữa.” Hezekiah đã cầu nguyện và khóc than. Chúa nghe tiếng ông van nài và sai Isaia đến nói với Vua rằng ông ta sẽ được tha và Giêrusalem sẽ được cứu khỏi người Assyria. Thiên Chúa không chỉ cứu mạng sống của Hezekiah mà còn cho ông sống thêm mười lăm năm nữa. Qua Kinh Thánh, ta mượn lời để cầu nguyện: “Chúa đã ban cho tôi sức khỏe và sự sống. Lạy Chúa, xin cứu mạng sống con, ngõ hầu con khỏi phải chết”.
Thiên Chúa ban sự sống cho những ai tin cậy nơi Ngài. Với sự dịu dàng và lòng thương xót, Chúa yêu thương và ban cho mọi nhu cầu của dân Ngài. Thiên Chúa không dựa quá nghiêm ngặt vào câu chữ của lề luật mà dựa vào tinh thần của nó. Điều đó được thể hiện nơi bài Tin mừng hôm nay, bởi ý tưởng chủ đạo nhắm đến một chủ đề: “Con Người cũng là chủ ngày Sabbat.” Chúa khuyên ta làm việc với động lực yêu thương và lòng thương xót chứ không phải bởi văn bản lề luật. Thiên Chúa đã làm gương cho ta, hãy thực hiện như Ngài đã làm trước đây, bây giờ và mãi mãi.
Lm. Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay trình bày những người Do thái cứng ngắt trong việc giữ luật, có chết thì chịu, chứ không được vi phạm luật ngày Sabat, và việc Chúa Giêsu uyển chuyển trong việc giữ luật để nâng cao giá trị của con người, bảo vệ mạng sống của con người, và chúng ta biết ý nghĩa của việc giữ luật là vì con người, chứ không phải vì giữ luật để bảo vệ luật.
Áp dụng vào đời sống, chúng ta thấy nói dối là điều xấu, nhưng đôi lúc cũng có những điều nói dối được cho là ngọt ngào, không có tội, để bảo vệ con người, để giúp tăng trưởng một con người.
Ở một thị trấn nhỏ của nước Anh đã xảy ra một vụ cướp ngân hàng, tên cướp không cướp được tiền mà lại bị bao vây chặt bên trong. Hắn ta bắt một em bé 5 tuổi và yêu cầu cảnh sát phải chuẩn bị cho mình một khoản tiền lớn cùng một chiếc ô tô, nếu không hắn sẽ nổ súng giết con tin. Phía cảnh sát cử một chuyên gia đến đàm phán, tuy nhiên tên cướp vẫn ngoan cố không chịu đầu hàng. Khi thấy tên cướp có ý định giết con tin, phía cảnh sát đã nổ súng bắn tỉa, tên cướp kêu lên một tiếng rồi ngã lăn xuống đất. Cậu bé nhìn thấy những vết máu và nghe thấy tiếng súng nên sợ hãi khóc thất thanh. Người đàn ông tranh thủ cơ hội chạy lại ôm cậu bé vào lòng.
Các hãng thông tin truyền thông vừa kịp kéo đến ùn ùn, đúng lúc đó, mọi người chợt nghe tiếng người đàn ông hô to: “Tốt lắm, diễn tập đến đây là kết thúc!”
Cậu bé nghe xong liền ngừng khóc và hỏi mẹ có phải như thế không. Mẹ cậu bé kìm nén nước mắt và gật đầu. Một viên cảnh sát khác cũng đi đến bên cạnh cậu bé và an ủi: “Cháu diễn tốt lắm, cháu xứng đáng được khen thưởng”. Những ngày sau đó, giới truyền thông đều im lặng, không ai nói một lời về vụ cướp bởi họ tự hiểu rằng, đó là cách tốt nhất để bảo vệ tâm hồn cậu bé!
Nhiều năm sau, có một người đàn ông trung niên đến tìm gặp và hỏi người đàn ông năm xưa cứu cậu bé: “Tại sao trong lúc ấy, ông lại hô lên như vậy ạ?”
Ông cười và trả lời: “Khi tiếng súng vang lên, tôi nghĩ rất có thể cậu bé sẽ bị ám ảnh cả đời vì chuyện đáng sợ như thế này. Nhưng khi tôi tới gần cậu bé hơn thì dường như Thượng đế đã gợi ý cho tôi và thế là tôi thốt lên câu “Diễn tập kết thúc!”
Lúc này, người đàn ông trung niên bật khóc và ôm chầm lấy ông: “Con chính là đứa trẻ năm xưa đây ạ, con đã bị nói dối suốt 30 năm qua, mãi cho tới gần đây, mẹ của con mới nói rõ sự thật cho con biết. Con cảm ơn bác, cảm ơn bác đã cho con một cuộc đời lành mạnh!”
Ông nhìn người đàn ông trung niên rồi cười nói: “Con đừng cảm ơn ta! Nếu con muốn cảm ơn thì hãy cảm ơn tất cả những người đã biết chuyện nhưng vẫn sẵn lòng “lừa gạt” con ấy!”
Hành động của người cảnh sát đó thật đáng kính, ông đã đem lại điều tuyệt vời cho cuộc đời của một đứa trẻ, bảo vệ tâm hồn non nớt của cậu bé.
Xin cho mỗi người chúng ta biết giữ luật không phải vì đó là luật, không phải để bảo vệ luật, mà giữ luật để luật bảo vệ con người, để thăng tiến con người, để đem con người lại gần Chúa, giúp con người mỗi ngày nên hoàn thiện, đó là mục đích của việc giữ luật đích thực mà mỗi người chúng ta cần phải giữ. Amen.
Thứ Bảy - Tuần XV Thường Niên
(Mk 2,1-5; Mt 12,14-21)
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Mk 2,1-5: Chúng tham lam ruộng đất và chiếm lấy nhà cửa.
Tv 10,12b: Lạy Chúa, xin đừng quên những kẻ cơ bần.
Mt 12,14-21: Người cấm họ đừng cho ai biết Người, để ứng nghiệm lời đã phán.
Các bài đọc hôm nay nói lên một sự thật phũ phàng trong đời sống. Đó là kẻ gian ác thường phè phỡn ngạo mạn với đời bởi những toan tính trong bóng đêm của chúng. Tuy nhiên, những kẻ lộng ngôn, hung hiểm đó sẽ không thoát khỏi công lý ngàn đời, cho dù họ có thể dùng thủ đoạn hay sức mạnh để ức hiếp người khác một quãng đời. Có người hỏi kẻ ác như vậy sao mà họ vẫn ung dung tồn tại, còn người hiền lành cứ mãi thiệt thân? Câu trả lời thì có thể dựa trên nhiều góc độ, nhưng một điều chắc chắn là Thiên Chúa sẽ không quên những kẻ cơ hàn.
Chính Thiên Chúa làm người trong trần gian mà còn bị người ta hãm hại thì con dân của Người làm sao tránh khỏi. Với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, Chúa Giêsu đã thực hiện những điều mà tiên tri Isaia loan báo. Ngài thi ân giáng phúc bằng cách rao giảng Tin mừng, chữa lành những kẻ yếu đau. Ngài không cãi cọ hay la lối nơi công cộng, cư xử khoan dung, nhân hậu với mọi người cho đến khi sự công minh được toàn thắng.
Là những người con của Chúa, ta học cách vượt qua sự thật phũ phàng của xã hội mà vững bước theo lối của Chúa. Bởi Chúa chính là đường, là sự thật và là sự sống không chỉ ở đời này mà còn cả đời sau.
Lm. Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy các biệt phái bàn cách chống đối Chúa Giêsu, biết thế Chúa Giêsu đã ra đi, và khi Chúa Giêsu ra đi thì có nhiều người đã đi theo. Chúng ta thấy hình ảnh này rất đúng với lời tiên báo của Chúa Giêsu trước đó khi sai các môn đệ đi thực tập mục vụ, trong khi tiên báo, Chúa có chỉ dẫn các môn đệ: “Khi người ta bách hại anh em trong thành này, thì hãy trốn sang thành khác. Thầy bảo thật anh em: anh em chưa đi hết các thành của Ít-ra-en, thì Con Người đã đến” (x. Mt 10, 17-23). Và hôm nay, chính Chúa đã thực hiện lời của Ngài đã tiên báo, là bỏ nơi mà người ta bắt bớ giết hại để đi nơi khác, nơi mà mình có thể hoạt động được, nơi mà người ta đón tiếp mình.
Nếu đào sâu, chúng ta sẽ thấy lời của Chúa dạy rất thấm thía, đó là khi người ta đóng cánh cửa này, thì Chúa sẽ mở ra một cánh cửa khác, Chúa Giêsu mặc dầu bị chống đối, nhưng vẫn có người đón tiếp Chúa, vẫn có người thương Chúa, vẫn có người cần đến tình thương của Chúa.
Đó là cái nhìn khi chúng ta còn sống ở trần gian này, còn nếu nhìn dưới cái nhìn của ngày cánh chung, ngày kết thúc cuộc đời của chúng ta cũng vậy, có thể cuộc đời của chúng ta sẽ chấm dứt khi chúng ta không còn thở, khi máu chúng ta không còn lưu thông trong huyết quản nữa, nhưng khi đó, chúng ta sẽ có được sự sống mới bên Chúa, đó là đức tin của chúng ta. Nhưng để có được điều đó, để có thể được Chúa mở ra cho chúng ta một cánh cửa mới ngay khi gặp bế tắc ở đời này, hoặc để không bị bế tắc ở đời sau, chúng ta cần phải làm gì?
Thánh Charles Borrômê sống ở Italia trên 400 năm trước đây (1538-1584). Khi còn trẻ, Borrômê đầy những tước vị, danh vọng. Nhưng một lúc Borrômê đã nhận ra ngày nào đó, ngài sẽ phải bỏ lại tất cả. Ngài muốn ghi khắc điều đó, nên nhờ một họa sĩ nổi tiếng vẽ bức bích họa trong tư thất để diễn tả cái chết. Bức họa hoàn thành: họa sĩ trình bày thần chết theo lối cổ điển: một bộ xương người nắm chặt lưỡi hái trong tay.
Borrômê ngạc nhiên: “Tại sao họa sĩ hình dung cái chết bằng chiếc lưỡi hái?”
Họa sĩ đáp: “Vì thần chết cắt hái mọi cuộc sống. Cái chết hủy hoại mọi cuộc đời”.
“Đồng ý”, Borromê nói, “nhưng thần chết cũng mở cửa Nước Trời nữa chứ. Cái chết là cổng ngõ vào đời sống tốt đẹp hơn. Vì thế, tôi đề nghị họa sĩ xóa chiếc lưỡi hái đi và đặt vào tay thần chết chiếc chìa khóa vàng”.
- Phải, Chúa Kitô đã chết và đã sống lại. Thập giá là chìa khóa Nước Trời. Thần chết đã buông lưỡi hái và cầm lấy chiếc chìa khóa vàng. Cổng Trời đã mở ra cho con người vào Nhà Cha.
Câu chuyện này cho chúng ta thấy, để có thể bước vào sự sống đời đời thì chúng ta phải có chìa khóa vàng, chìa khóa vàng đó chính là đức tin, tin vào Chúa.
Xin cho mỗi người chúng ta luôn tin tưởng vào Chúa, dù chính bản thân của mình, hay khi người thân của mình đang đứng trong hoàn cảnh khó khăn bế tắc của cuộc đời, thì chắc chắn với đức tin, chúng ta sẽ nhìn thấy được cánh cửa mới mà Chúa mở ra cho chúng ta, mở ra cho người thân của chúng ta. Amen.