Chúa Nhật XIX Thường Niên
1V 19,4-8; Ep 4,30-5,2; Ga 6,41-51
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
1 V 19,4-8: Nhờ sức của nuôi ấy, ông mới đi tới núi của Thiên Chúa.
Tv 34,9: Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi, cho biết Chúa thiện hảo nhường bao.
Ep 4,30-5,2: Anh em hãy sống trong tình thương, như Đức Kitô đã sống.
Ga 6,41-51: Ta là bánh hằng sống bởi trời mà xuống.
Theo Phúc âm thánh Gioan, Chúa Giêsu đã có một số tuyên bố táo bạo. “Ta là bánh hằng sống bởi trời mà xuống,” “Ai tin vào Ta thì có sự sống đời đời.” Chúa Giêsu phải đối mặt với sự hoài nghi và chỉ trích từ các nhà lãnh đạo Do thái. Cả Êlia và Chúa Giêsu đều đang ở trong những lúc giao thời. Êlia chán nản và lo sợ cho cuộc sống của mình cho đến khi một sứ giả của Chúa định hướng ông lên đường hành hương đến núi thánh. Chúa Giêsu lấy sức mạnh từ Chúa Cha và củng cố sứ điệp của Ngài.
Đôi khi, những bất trắc hoặc những biến cố bất ngờ có thể xảy ra, ta cầu xin Chúa đồng hành với ta, cũng như Ngài đã đồng hành và nuôi dưỡng Dân tuyển chọn và Tiên tri Êlia trong suốt cuộc hành trình của họ qua sa mạc.
Trong cuộc lữ hành trần gian, Chúa bày tỏ sự quan tâm của Người đối với sự an toàn và nuôi dưỡng ta qua sự hiện diện của Chúa Giêsu, người bạn đồng hành và Bánh Hằng Sống của chúng ta. Xin Lời ban sự sống của Ngài hướng dẫn ta. Xin Ngài, Bánh từ trời xuống, nâng đỡ và thêm sức cho chúng ta trong việc cử hành Thánh Thể và trong cuộc sống hằng ngày.
Thứ Hai - Tuần XIX Thường Niên
(Ed 1,2-5.24-28c; Mt 17,22-27)
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Ed 1,2-5.24-28c: Đây là hình lạ trông giống vinh quang của Chúa.
Tv 148: Trời đất đầy vinh quang của Người.
Mt 17,22-27: Họ sẽ giết Người, nhưng Người sẽ sống lại. Con cái thì được miễn thuế.
Bài đọc thứ nhất trình bày một bức tranh về vinh quang của Thiên Chúa. Đó là hình ảnh của ánh sáng và ngọn lửa. Bài thánh vịnh đáp ca vang vọng những suy nghĩ về sự vinh hiển của Chúa khi chúng ta đọc lại đoạn quen thuộc của Trời và Đất đầy Vinh quang Chúa! Trong Phúc âm, Chúa Giêsu nhắc nhở rằng chúng ta là một phần của vương quốc Người. Khi suy xét vai trò của mình, chúng ta có thể thoải mái khi biết rằng nhà vua bảo vệ thần dân của mình và muốn ta phát triển mạnh mẽ. Chúng ta không phải chỉ sống để tận hưởng vinh quang Thiên Chúa, nhưng ta còn những nhiệm vụ lớn lao hơn nhiều. Đó là giúp nhau nên thánh để góp phần cho danh Chúa cả sáng hơn.
Ý tưởng hiệp hành gần đây được chú trọng và bàn thảo để rồi đem áp dụng vào đời sống thực tế. Quả thật, lời nói thì đánh động còn gương lành thì lôi kéo. Do đó, để danh Chúa được rạng ngời thì cần có sự kết nối với mọi người qua gương sáng của từng người. Tin và sống đạo với những biểu hiện và thực hành như là cầu nguyện và làm việc bác ái là những nguyên tắc và nền tảng để các Kitô hữu tôn vinh Thiên Chúa và là phương thế dẫn ta đến với Chúa.
Lm. Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy về vấn đề nộp thuế cho đền thờ, và Chúa Giêsu cũng nộp thuế cho đền thờ, mặc dầu Chúa Giêsu không có bổn phận phải nộp thuế, nhưng Chúa Giêsu nộp để không gây thắc mắc cho người khác.
Chúng ta hãy nhớ khi Chúa Giêsu xin ông Gioan làm phép rửa, ông Gioan đã nói: "Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi! " Nhưng Đức Giê-su trả lời: "Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính." Bấy giờ ông Gio-an mới chiều theo ý Người.” (Mt 3,14-15).
Nên chúng ta thấy, Chúa Giêsu không bao giờ làm cớ cho người khác vấp phạm, mặc dầu có những điều Chúa Giêsu không có bổn phận phải thực hiện, nhưng Chúa vẫn thực hiện.
Trong cuộc sống của chúng ta, chúng ta thấy một điều ngược lại, và chính chúng ta sống điều ngược lại đó, đó là có những điều chúng ta được miễn thì chúng ta cho miễn luôn, không thực hiện, mặc dầu chúng ta vẫn có khả năng thực hiện, và chúng ta lấy làm tự hào vì điều đó nữa.
Chẳng hạn như luật buộc giữ chay và kiêng thịt, tuổi giữ chay theo giáo luật điều 1252 thì: “Mọi người từ tuổi thành niên cho đến khi bắt đầu 60 tuổi thì phải giữ chay”, và tuổi thành niên là 18 tuổi trọn.
Còn luật kiêng thịt thì buộc những người từ 14 tuổi trọn.
Thế nhưng có những người khi bắt đầu tuổi 60 nghĩa là không buộc phải giữ chay kiêng thịt, nhưng có khả năng vẫn giữ chay kiêng thịt, vậy mà không giữ chay kiêng thịt, trong ngày người ta giữ chay kiêng thịt thay vì chúng ta cũng âm thầm khiêm tốn, thì lại bày ra điều này điều kia, như là một cách thức lấy làm tự hào rằng mình không phải giữ chay nữa, thì đó là một sự thách thức, đó là một cái cớ cho người khác vấp phạm, điều đó là không nên.
Nói một cách khác là chúng ta thấy cái gì được miễn là chúng ta thích thôi, thí dụ miễn một lời rao hôn phối, đơn xin miễn chuẩn hôn nhân khác đạo, miễn chuẩn học giáo lý, chúng ta đi săn những hàng Sale, những hàng đại hạ giá, tết thì đợi đến 29, 30 tết mới mua hoa kiểng vì người ta sẽ đại hạ giá để về quê, hay người ta bỏ chúng ta lượm đem về….
Nhưng chúng ta thấy, cái gì rẻ thì cũng phải có cái giá của nó, vì tiền nào của đó, cuộc sống của chúng ta cũng vậy, nếu miễn chuẩn nhiều quá, nếu thích miễn phí nhiều quá, thì cuộc sống không còn giá trị, con người sẽ không ý thức được giá trị của những gì mà mình có được, để mà trân trọng, để mà giữ gìn, để mà phát triển.
Xin cho mỗi người chúng ta biết thi hành bổn phận của mình, và ngay cả những gì mặc dầu mình không có bổn phận, nhưng mình làm được điều gì thì mình cứ làm, để mình biết trân trọng những gì mình có, những gì mình làm ra, lúc đó cuộc đời của chúng ta mới có giá trị, và chúng ta để lại giá trị đó cho thế hệ mai sau. Amen.
Thứ Ba - Tuần XIX Thường Niên
(Ed 2,8-3,4; Mt 18,1-5.10.12-14)
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Ed 2,8-3,4: Người ban cho tôi cuốn sách ấy làm lương thực: nó trở nên ngọt ngào như mật trong miệng tôi.
Tv 119,103a: Các lời sấm của Chúa ngọt ngào trong cổ họng con là dường nào.
Mt 18,1-5.10.12-14: Các con hãy coi chừng, đừng khinh rẻ một ai trong những kẻ bé mọn này.
Tiên tri Êdêkien cảm nếm lề luật của Chúa ngọt ngào như mật ong trong miệng. Thánh vịnh cũng cho biết kinh nghiệm tương tự. Cho dẫu là lời yêu thương hay lời tiên báo những gì sắp xảy đến, thì ẩn ý bên trong và sâu xa nhất vẫn là tình yêu nồng nàn của Thiên Chúa dành cho con người. Thiên Chúa không muốn đánh mất bất kỳ ai. Ai cũng có phẩm giá và cần được tôn trọng như là người con của Chúa. Trong Tin mừng, Chúa Giêsu dạy không được khinh rẻ ai, kể cả trẻ nhỏ. Trẻ em vốn được xem là ít được chú ý mà Chúa còn dành cho sự quan tâm cách đặc biệt, thì ai ai cũng có chỗ trong tâm hồn bao la của Ngài.
Chúa Giêsu kêu gọi ta yêu những người lân cận như chính mình và hãy hạ mình xuống và trở nên giống như trẻ nhỏ. Chúa đánh giá cao những ai có tâm hồn trong trẻo, đáng tin cậy và vui tươi của một đứa trẻ. Chúa cũng nói ta đừng bao giờ ghét bỏ những người xung quanh. Chúa không muốn bất cứ ai bị hư mất, và ta phải luôn hy vọng, tin cậy và vui vẻ trong đức tin của mình để truyền cảm hứng cho người khác và tìm thấy vị trí của mình trong Nước Trời.
Lm. Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy việc Chúa Giêsu dạy các môn đệ đừng khinh thường một ai cả qua sự kiện các ông hỏi Chúa Giêsu: “Chớ gì trong Nước trời ai là kẻ lớn nhất?”
Chúng ta biết khi có tư tưởng phân cấp như vậy nghĩa là điều đó sẽ hình thành tư tưởng phân biệt khinh rẻ người khác, bên trọng bên khinh, đối với Chúa Giêsu thì không có chuyện đó.
Nên chúng ta thấy câu trả lời của Chúa Giêsu đã đánh vào tâm tưởng của các môn đệ, để các ông bỏ đi sự phân biệt như thế, bên trọng bên khinh như thế.
Đào sâu thêm một chút nữa đó là chúng ta cần phân biệt, đó là mặc dầu không có sự phân biệt trong cộng đoàn, nhưng có sự phân biệt trong bổn phận, có sự phân biệt trong chức vụ.
Thánh Augustino nói: “Cùng với anh em tôi là Kito hữu, nhưng cho anh em tôi là giám mục”, tại sao thánh nhân lại nói câu này, bởi khi có sự phân biệt như vậy thì sẽ dễ thi hành bổn phận và chức vụ của mình một cách có hiệu quả, nếu không phân biệt như vậy thì khó mà làm việc.
Chúng ta hãy nhớ câu chuyện tin mừng khi Chúa Giêsu về quê hương để giảng dạy, thì những người cùng quê của Chúa Giêsu đã nói: “Bởi đâu ông ta được khôn ngoan và làm được những phép lạ như thế? Ông không phải là con bác thợ sao? Mẹ của ông không phải là bà Ma-ri-a; anh em của ông không phải là các ông Gia-cô-bê, Giô-xếp, Si-môn và Giu-đa sao? Và chị em của ông không phải đều là bà con lối xóm với chúng ta sao? Vậy bởi đâu ông ta được như thế? " Và họ vấp ngã vì Người. Nhưng Đức Giê-su bảo họ: "Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình và trong gia đình mình mà thôi." (Mt 13, 54-57).
Còn ngược lại, nếu có sự phân biệt giữa tương quan bình thường với chức vụ thì rất dễ để thực thi bổn phận, rất dễ để thực thi trách nhiệm.
Chúng ta hãy nhớ lại câu chuyện trong sách công vụ tông đồ, sách công vụ tông đồ thuật lại: “Thời đó, khi số môn đệ thêm đông, thì các tín hữu Do-thái theo văn hoá Hy-lạp kêu trách những tín hữu Do-thái bản xứ, vì trong việc phân phát lương thực hằng ngày, các bà goá trong nhóm họ bị bỏ quên. Bởi thế, Nhóm Mười Hai triệu tập toàn thể các môn đệ và nói: "Chúng tôi mà bỏ việc rao giảng Lời Thiên Chúa để lo việc ăn uống, là điều không phải. Vậy, thưa anh em, anh em hãy tìm trong cộng đoàn bảy người được tiếng tốt, đầy Thần Khí và khôn ngoan, rồi chúng tôi sẽ cắt đặt họ làm công việc đó. Còn chúng tôi, chúng tôi sẽ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ Lời Thiên Chúa." Đề nghị trên được mọi người tán thành. Họ chọn ông Tê-pha-nô, một người đầy lòng tin và đầy Thánh Thần, cùng với các ông Phi-líp-phê, Pơ-rô-khô-rô, Ni-ca-no, Ti-môn, Pác-mê-na và ông Ni-cô-la, một người ngoại quê An-ti-ô-khi-a đã theo đạo Do-thái. Họ đưa các ông ra trước mặt các Tông Đồ. Sau khi cầu nguyện, các Tông Đồ đặt tay trên các ông. Lời Thiên Chúa vẫn lan tràn, và tại Giê-ru-sa-lem, số các môn đệ tăng thêm rất nhiều, lại cũng có một đám rất đông các tư tế đón nhận đức tin.” (Cv 6,1-7).
Hiểu được như thế, chúng ta với nhau đều bình đẳng, đều là Kito hữu, trong mỗi người có một chức vụ, một bổn phận khác nhau, chúng ta cần phân biệt điều đó, để có sự tôn trọng đúng nghĩa, để giúp cho người khác thi hành bổn phận và trách nhiệm của mình một cách hiệu quả nhất. Amen.
Thứ Tư - Tuần XIX Thường Niên
Thánh Maximilianô Maria Kolbê, linh mục, tử đạo.
(Ed 9,1-7;10,18-22; Mt 18,15-20)
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Ed 9,1-7;10,18-22: Hãy ghi chữ thập trên trán những người rên rỉ khóc than các việc ghê tởm của thành Giêrusalem.
Tv 113,41: Trên muôn cõi trời, là vinh quang của Chúa.
Mt 18,15-20: Nếu nó nghe ngươi, thì ngươi đã lợi được người anh em.
Những người có lòng kính sợ, xót thương và biết ghê tởm những việc xấu xa thì được Thiên Chúa sai người ‘đánh dấu’. Những ai có dấu ‘chữ thập’ nhận biết ở trên trán thì sẽ không bị tiêu diệt. Ezekiel nhấn mạnh trách nhiệm cá nhân; những cư dân vô tội của Giêrusalem được tha trong khi những kẻ thờ ngẫu tượng bị trừng phạt. Thiên Chúa trong Cựu Ước là Đấng thưởng phạt công minh và ‘nhãn tiền’. Có biết bao người lo sợ, nhưng đâu đã hết tội phạm và phạm tội.
Ta thấy Thiên Chúa nhân lành nơi Đức Giêsu. Ngài dạy ‘sửa lỗi’ bằng tình yêu và lời cầu nguyện. Thực tế là ‘người được đánh dấu’ không tập trung một nơi, họ lẫn lộn trong đám đông. Bên cạnh những người chưa tốt thì vẫn còn đó những người thanh sạch. Người phạm sai lầm có thể được hoán cải nếu họ được khuyên bảo đúng đắn với tình thương. Người ta nói rằng “thương nhau mới sửa cho nhau.” Không thương thì không sửa dạy. Chính tình yêu này sẽ là cốt lõi của các mối quan hệ của ta với người khác để chúng ta có thể cùng nhau bước đi trên hành trình thiêng liêng này, với tinh thần tha thứ, giống như Chúa muốn. Hy vọng rằng chúng ta cùng nhau tiến lên trên con đường hiệp thông và yêu thương.
Lm. Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu chúng ta bài học là sửa lỗi anh em.
Nhưng nếu đào sâu thêm thì chúng ta thấy lời dạy của Chúa Giêsu không chỉ có thể sửa lỗi cho người khác, mà còn sửa lỗi cho chính mình nữa, tại sao vậy?
Vì khi chúng ta áp dụng cách thức của Chúa Giêsu dạy, chúng ta sẽ học được bài học về sự kiên trì, nhẫn nại, vì cách thức mà Chúa Giêsu dạy đó là làm từng bước một, chứ không vội vã hấp tấp, nghĩa là sẽ hạn chế làm theo cảm tính, làm theo bản năng mà làm theo lý trí, làm theo sự suy biết, để biết đâu là nặng đâu là nhẹ.
Chúng ta biết con người của chúng ta rất hay nóng giận, mà khi đã nóng giận thì không cần phải theo một nguyên tắc nào cả, để rồi làm theo cảm tính cá nhân của mình, đến khi làm rồi mới phát hiện điều mình làm đã sai, để rồi có người thì nhờ chính cái sai đó họ còn có cơ hội để sửa sai, để họ tiến bộ, có người thì không còn có cơ hội để sửa sai nữa.
Chúng ta hãy nhớ lại câu chuyện của thánh Phêro khi Chúa Giêsu biến hình trên núi Tabo, tin mừng ghi lại khi Chúa biến hình như vậy các ông hoảng sợ không biết nói gì, nhưng Phêro lại mở miệng để xin Chúa cho mình được dựng 3 cái lều một cho Chúa, một cho ông Môse, một cho ông Êlia, nói theo cảm tính làm theo cảm tính.
Hay khi Chúa Giêsu tiên báo: "Tất cả anh em sẽ vấp ngã, vì Kinh Thánh đã chép: Ta sẽ đánh người chăn chiên, và chiên sẽ tan tác. Nhưng sau khi trỗi dậy, Thầy sẽ đến Ga-li-lê trước anh em." Ông Phê-rô liền thưa: "Dầu tất cả có vấp ngã đi nữa, thì con cũng nhất định là không." Đức Giê-su nói với ông: "Thầy bảo thật anh: hôm nay, nội đêm nay, gà chưa kịp gáy hai lần, thì chính anh, anh đã chối Thầy đến ba lần." Nhưng ông Phê-rô lại nói quả quyết hơn: "Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy." Tất cả các môn đệ cũng đều nói như vậy.” (Mc 14, 27-31). Các môn đệ cũng nói theo cảm tính, chính vì thế mà sau đó người thì chối Chúa, người thì bỏ Chúa.
Hay câu chuyện của thánh Gioan và Giacobe được sai đến Samari nhưng ở đây không ai đón tiếp Chúa Giêsu, hai ông này mới nói với Chúa: “Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng nó không? " Nhưng Đức Giê-su quay lại quở mắng các ông. Rồi Thầy trò đi sang làng khác.” (Lc 9, 55-56).
Nên lời Chúa hôm nay dạy mỗi người chúng ta cách thức sửa sai cho người khác, nhưng cũng là cách thức giúp mỗi người chúng ta sửa sai, nếu chúng ta biết áp dụng cách thức sửa sai mà Chúa Giêsu dạy.
Xin cho mỗi người chúng ta biết áp dụng cách thức sửa sai mà Chúa Giêsu dạy để sửa sai cho người khác, và cũng để chính mình được sửa sai. Amen.
Thứ Năm - Tuần XIX Thường Niên
Lễ Đức Mẹ Lên Trời. Lễ họ. Lễ cầu cho giáo dân
(Kh 11,19a;12,1-6a,10ab; 1Cr 15,20-27; Lc 1,39-56)
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Kh 12,1-6a,10ab: Một người nữ mặc áo mặt trời, chân đạp mặt trăng.
Tv 45,10bc: Hoàng Hậu đứng bên hữu Đức Vua, mặc đồ trang điểm vàng ròng.
1 Cr 15,20-26: Hoa quả đầu mùa là Đức Kitô, đoạn đến những kẻ thuộc về Chúa.
Lc 1,39-56: Đấng toàn năng đã làm cho tôi những sự trọng đại: Người nâng cao những người phận nhỏ.
Chúng ta cử hành trọng thể Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Được về trời, Đức Trinh Nữ Maria sẽ ban tặng những món quà của mình cho tất cả mọi người. Món quà đầu tiên mà Mẹ ban cho ta là Lời Chúa. Mẹ biết cách giữ lòng trung thành bằng cách làm cho nó đơm hoa kết trái từ sự thinh lặng sâu sắc và ấm áp. Với Lời Chúa trong tâm và hồn cùng với Chúa Giêsu trong lòng, “Maria chỗi dậy, vội vã ra đi lên miền núi, đến một thành xứ Giuđêa. Bà vào nhà ông Dacaria và chào bà Elisabeth”. Sự hiện diện của Mẹ mang lại niềm vui.
Một món quà khác là tâm tình khen ngợi của Mẹ. Niềm vui của Mẹ đã khiến Mẹ cất lên bài ca Magnificat: “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, và thần trí tôi hoan hỉ trong Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ tôi…” Cả cuộc đời của Mẹ là một bài thánh ca đẹp để tôn thờ Chúa. Thiên Chúa rất vui khi nghe Mẹ và gửi Mẹ trở lại với ta với một gương sáng tuyệt hảo. Ta tìm thấy những dấu chỉ của việc học cách con người và Thiên Chúa, trần gian và thiên hà hòa quyện nhau. Theo gương của Maria đi trước trong sự vinh hiển, ta dõi bước theo Mẹ.
Lm. Tôma Lê Duy Khang
Lễ Vọng
Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy khi Chúa Giêsu đang giảng dạy, thì có một người phụ nữ lên tiếng thưa với Người: “Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm! " Nhưng Người đáp lại: "Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa."
Câu lời Chúa này cho chúng ta thấy được điều gì? Thưa chúng ta thấy được giá trị của việc lắng nghe và thực hành lời Chúa, mà Mẹ Maria là người đã lắng nghe và thực hành lời Chúa cách triệt để trong cuộc đời của mình, nên Mẹ là người có phúc.
Như vậy cuộc đời của Mẹ Maria có phúc một là vì có Chúa ở cùng, khi thiên thần truyền tin cho Đức Mẹ, thiên thần đã nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” (Lc 1,28).
Thứ hai nữa là mẹ có phúc vì mẹ đã lắng nghe và thực hành lời của Chúa, chứ không phải có phúc vì đã cho Chúa Giêsu bú mớm.
Nhưng chúng ta thấy một điều này qua hai ơn phúc mà mẹ có được đó là mặc dầu ơn phúc đến từ Chúa, nhưng mẹ đã đón nhận, để ơn đó chuyển hóa, để ơn đó biến đổi cuộc đời của mẹ, để mẹ trở thành người hoàn toàn thuộc về Chúa, vì nếu mẹ không đón nhận, không lắng nghe, không thực hành lời Chúa, thì cuộc đời của mẹ cũng chẳng có phúc.
Nên chúng ta thấy Đức Mẹ được đặc ân hồn xác lên trời cũng là ơn của Chúa dành cho Mẹ, chứ tự sức mẹ không thể nào có được đặc ân này. Nghĩa là ơn phúc của mẹ đều đến từ Chúa, nếu đứng trên tư cách một mình mẹ, thì mẹ cũng như bao nhiêu người phụ nữ khác mà thôi.
Áp dụng vào đời sống của chúng ta để cuộc đời của chúng ta có phúc, chúng ta hãy biết lắng nghe và thực hành lời Chúa, hay nói cách khác là chúng ta hãy biết đặt mình trong tay của Chúa.
Đào sâu thêm một chút nữa đó là khi chúng ta đặt mình trong tay Chúa, Chúa sẽ biến đổi cuộc đời của chúng ta, để chúng ta cảm nhận được cuộc đời mình có phúc, chứ không phải chỉ đơn thuần là Chúa đem đến cho chúng ta, rồi chúng ta ngồi đó chờ đợi, thì điều đó không phải là phúc thật sự, nghĩa là chính chúng ta phải cảm nhận, chứ không phải người ta nhìn thấy như vậy, nhưng thật ra chẳng có phúc gì cả, có nhiều người theo đạo để được điều này điều kia, nhưng thử hỏi họ có phúc hay không? Thưa không vì đó là vụ lợi, đó là sự ép buộc.
Người ta nói tu là cõi phúc, tình là dây oan, có phúc là sống hết mình với đời tu, tìm thấy được niềm vui trong đời tu, còn nếu không thì tu là cõi khổ, đứng ở trong dòng tu mà nhìn, mà thèm thuồng dòng đời, thì đâu phải là phúc.
Trong mọi bậc sống khác cũng vậy, chúng ta phải sống hết mình về bậc đời sống của mình thì khi đó mới có niềm vui, niềm hạnh phúc thật sự, bởi nếu ai đó đem niềm vui, đem hạnh phúc đến cho chúng ta, mà chúng ta không đón nhận, không hưởng được niềm vui, niềm hạnh phúc đó thì đó cũng là vô ích mà thôi.
Xin cho mỗi người chúng ta biết chạy đến với Chúa, biết hứng lấy ơn phúc của Chúa, để ơn phúc của Chúa tuôn đổ trên cuộc đời của chúng ta, chứ không phải chỉ là ở bên ngoài để chúng ta là người hạnh phúc thật sự như Mẹ Maria mà chúng ta mừng lễ hôm nay. Amen.
Lễ chính ngày
Tin mừng hôm nay kể cho chúng ta nghe câu chuyện Đức Mẹ đi thăm viếng người chị họ của mình là bà Êlisabet.
Hình ảnh đó cho thấy mẹ đến để mang niềm vui cho gia đình Dacaria, bằng chứng là bà Êlisabet vui mừng, và đứa con trong bụng bà cũng vui mừng: “Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng và nói rằng: "Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em."
Hôm nay lễ Mẹ lên trời, cũng nhắc nhở chúng ta về niềm vui, niềm vui vì mẹ được Chúa ban cho đặc ân hồn xác lên trời, chúng ta tạ ơn Chúa với Mẹ vì Chúa đã ưu ái cách đặc biệt nơi Mẹ.
Nhưng bên cạnh đó qua sự kiện này mời gọi mỗi người chúng ta ngày càng xác tín hơn về lời của Chúa, dành cho mỗi người chúng ta khi chúng ta kết thúc hành trình trần thế.
Chúng ta hãy nhớ Chúa Giêsu đã nói: “Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó.” (Ga 14,3).
Hay “Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương con trước khi thế gian được tạo thành.” (Ga 17, 24).
Đó là điểm tựa cho đời sống đức tin của chúng ta, nếu chúng ta biết bám vào Chúa, biết đánh vào lời hứa đầy yêu thương của Chúa, chắc chắn chúng ta sẽ không phải thất vọng bao giờ.
Chúng ta hãy nhớ câu chuyện khi Môse lên núi cầu nguyện với Đức Chúa 40 ngày 40 đêm, dân chúng chịu không nổi nên đòi ông Aharon làm cho họ một con bò vàng để họ thờ, Aharon làm theo, đức Chúa muốn giáng phạt dân, nhưng ông Mô-sê cố làm cho nét mặt ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ông, dịu lại. Ông thưa: "Lạy ĐỨC CHÚA, tại sao Ngài lại bừng bừng nổi giận với dân Ngài, dân mà Ngài đã giơ cánh tay mạnh mẽ uy quyền đưa ra khỏi đất Ai-cập? Tại sao người Ai-cập lại có thể rêu rao: Chính vì ác tâm mà Người đã đưa chúng ra, để giết chúng trong miền núi và tiêu diệt chúng khỏi mặt đất? Xin Ngài nguôi cơn thịnh nộ và xin Ngài thương đừng hại dân Ngài. Xin Ngài nhớ đến các tôi tớ Ngài là Áp-ra-ham, I-xa-ác và Ít-ra-en; Ngài đã lấy chính danh Ngài mà thề với các vị ấy rằng: Ta sẽ làm cho dòng dõi các ngươi đông đúc như sao trên trời, và sẽ ban cho dòng dõi các ngươi tất cả miền đất ấy, là miền đất Ta đã hứa; chúng sẽ được thừa hưởng miền đất ấy đến muôn đời." ĐỨC CHÚA đã thương, không giáng phạt dân Người như Người đã đe.”
Xin cho mỗi người chúng ta biết tin tưởng phó thác cuộc đời của mình cho Chúa, và biết nhìn những mẫu gương, những hình ảnh đi trước đã được Chúa ân thưởng nước trời, để chúng ta cố gắng vươn tới hạnh phúc đó, nói như thánh Phaolo đã nói: “Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin.” (1Tm 4,7) hay “Tôi chạy thẳng tới đích, để chiếm được phần thưởng từ trời cao Thiên Chúa dành cho kẻ được Người kêu gọi trong Đức Ki-tô Giê-su.” (Pl 3,14), cũng ta cũng hãy phấn đâu như vậy. Amen.
Lm Trầm Phúc
Hôm nay Giáo Hội vui mừng tôn vinh Mẹ Maria hồn xác lên trời. Chúng ta cũng vui mừng tôn vinh Mẹ chúng ta. Ngài là mẹ chúng ta vì Ngài là Mẹ Chúa Giêsu, Anh Cả của chúng ta. Chúng ta cảm tạ Chúa vì đã ban cho chúng ta một bà mẹ tuyệt vời, một bà mẹ khiêm tốn và đầy yêu thương.
Giáo Hội mừng Mẹ vì Mẹ là mẹ của Giáo Hội. Giáo Hội tôn vinh Mẹ để nhắc cho chúng ta bước theo Mẹ, sống như Mẹ, yêu mến Mẹ. Mẹ Maria thật đáng yêu! Mẹ luôn tự xem mình như nữ tỳ của Thiên Chúa. Thiên thần đã đến báo tin vui cho Mẹ, nhưng Mẹ vẫn xưng mình là nữ tỳ của Chúa, Mẹ vâng phục ý Chúa trọn vẹn. Mẹ hoàn toàn tin tưởng vào Chúa, dù phải gặp gian nan. Cuộc đời của Mẹ như cuộc đời chúng ta, cũng không dễ dàng. Mẹ cũng đau khổ, nhưng Mẹ luôn phó thác, chờ đợi kiên nhẫn khi gặp gian nan.
Mẹ được gọi là Đấng đầy ơn phước, được Chúa chú ý đến và mời gọi làm Mẹ Thiên Chúa là Chúa Giêsu, nhưng cuộc đời của Mẹ đầy gian nan khốn khó y như chúng ta.
Gian nan đầu tiên là khi thấy Giuse ngờ vực sau khi đi thăm bà Êlisabet. Ánh mắt đầy nghi nan của Giuse làm Mẹ đau đớn, nhưng Mẹ vẫn một lòng tin vững. Mẹ im lặng, và Chúa đã can thiệp. Khi sinh con, Mẹ phải sinh con nơi hang đá, không có một mái nhà. Đau đớn biết bao cho một bà mẹ phải sinh con trong cảnh bần cùng như thế! Đứa con chưa biết đi, phải chạy trốn sang Ai-Cập, tránh bàn tay độc ác của vua Hêrôđê. Sau một thời gian mới trở về quê Nadaret. Nhưng khi Chúa Giêsu lên mười hai tuổi, Mẹ phải gặp một cơn thử thách nặng nề là mất con trong một dịp lễ Vượt Qua. Ba ngày đau đớn tìm con.
Khi Chúa phải ra đi thi hành ý Cha trên trời, Mẹ sống cô đơn ở Nadaret. Mẹ nghe thấy tất cả những việc xảy ra với con mình. Và một ngày kia, Mẹ nghe tin Con mình bị bắt và xử tại toà án Philatô. Và khi Mẹ đến nơi, chỉ thấy Con yêu dấu vác thập giá trên đường Canvê. Và Mẹ đã theo Con Mẹ đến tận trên núi, chứng kiến tất cả cuộc khổ hình và nhìn Con chịu treo trên thập giá. Mẹ đứng dưới chân thập giá cho đến giây phút cuối cùng, để lãnh nhận nhiệm vụ làm mẹ của đoàn con sau nầy.
Ngày nào đó, Mẹ hát lên bài ca vui mừng: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa”, Mẹ đi thăm và giúp đỡ bà Êlisabet, mang ơn Chúa cho con bà trong dạ mẹ. Nhưng Mẹ vẫn nghĩ rằng Mẹ chỉ là nữ tỳ hèn mọn. Chính Chúa đã làm nơi Mẹ mọi việc hiển hách cao trọng.
Chúng ta vui mừng vì là con của Mẹ, chúng ta hãy can đảm noi gương khiêm nhường của Mẹ, yêu mến Chúa với Mẹ, vâng theo ý Chúa như Mẹ. Đó là con đường hạnh phúc mà Mẹ đã đi. Hôm nay, Mẹ từ nơi thiên cung hạnh phúc, Mẹ không bỏ quên đoàn con nhỏ bé của Mẹ ở trần gian. Nhưng chính chúng ta lơ là với Mẹ. Chúng ta chạy theo trần gian, lo những việc trần thế, tiền bạc, thành công, hưởng thụ, chúng ta quên đi nguồn hạnh phúc thật của chúng ta, chúng ta quên Mẹ của chúng ta, một bà mẹ ân cần lo lắng cho đàn con.
Hạnh phúc trần gian chỉ chóng qua chóng hết, chỉ có hạnh phúc thiên đàng mới thực sự là hạnh phúc. Mẹ đang chờ chúng ta. Mẹ mong chúng ta yêu mến Chúa Giêsu, Con Mẹ, vì chỉ có Ngài mới ban cho chúng ta hạnh phúc thật, như Ngài đã ban cho Mẹ được hồn xác lên trời. Chúng ta cũng sẽ được hồn xác lên trời như Mẹ, khi chúng ta yêu mến Chúa như Mẹ, khiêm nhường và trung thành như Mẹ. Chỉ có một con đường để đạt được hạnh phúc mà chúng ta ai cũng mơ ước, đó là sống cho Chúa Giêsu.
Và đây, Chúa Giêsu không bao giờ để chúng ta mồ côi, Ngài đến với chúng ta hằng ngày, dưới một hình thức hết sức khiêm tốn là một tấm bánh để chúng ta có thể nuốt Ngài vào trong chúng ta, sống với Ngài trong suốt cuộc đời trần thế của chúng ta, và như thế, khi chúng ta được Chúa gọi về, chúng ta sẽ cảm nghiệm được tình yêu của Chúa ngọt ngào như thế nào. Hãy luôn cảm tạ Chúa vì hồng ân Chúa ban là Mẹ Maria, Đấng hôm nay chúng ta đang mừng kính. Mẹ là nguồn vui bất tận và là lời hứa vinh quang cho chúng ta.
Thứ Sáu - Tuần XIX Thường Niên
(Ed 16,1-15.60.63 hay Ed 16,59-63; Mt 19,3-12)
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Ed 16,1-15.60.63: Ngươi tuyệt hảo nhờ sự huy hoàng Ta đã mặc cho ngươi, thế mà ngươi đã mãi dâm truỵ lạc.
Đc: Chúa đã bỏ cơn giận của Chúa và đã an ủi tôi (Is 12,1c).
Mt 19,3-12: Vì lòng chai đá của các ngươi mà Môsê đã cho phép các ngươi rẫy vợ; nhưng từ ban đầu thì không có như vậy.
Người ta nói rằng, “Nhân chi sơ, tính bản thiện”. Con người vốn dĩ được tạo dựng nên rất tốt đẹp. Đẹp từ cốt cách tinh thần đến dung mạo. Tuy nhiên, khi tham gia vào đời sống xã hội, biết bao thói hư nết xấu đã nhập vào tâm trí và hủy hoại thân xác. Tiên tri Êdêkien đã gióng lên tiếng chuông cảnh báo cho nhân loại khi tuyên cáo lời của Chúa: “Ngươi tuyệt hảo nhờ sự huy hoàng Ta đã mặc cho ngươi, thế mà ngươi đã mãi dâm truỵ lạc.” Sự tốt đẹp thuở ban đầu là do chính Chúa trang hoàng cho ta. Vẻ đẹp ban sơ của ta chính là hình ảnh của Chúa. Thiên Chúa mong muốn ta giữ mãi nét đẹp trinh nguyên đó như Thiên Chúa là Đấng Chân Thiện Mỹ. Nơi Người chẳng có một vết nhơ nào có thể làm hoen ố hay thay đổi căn tính của Người.
Tuy con người đã vương lầm lỗi, nhưng Chúa đã bỏ cơn giận mà an ủi, thứ tha, và cứu chuộc. Tình yêu của Chúa vẫn vẹn nguyên như thuở ban đầu. Ước gì ta đừng có sinh ra những điều xấu xa bởi lòng chai dạ đá, mà thay vào đó là quả tim trong sạch và giữ mãi hình ảnh huy hoàng rực rỡ mà chính Chúa đã mặc cho.
Lm. Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy việc các người biệt phái hỏi Chúa Giêsu có được phép rẫy vợ mình vì bất cứ lý do gì không? Vì họ dựa vào luật của Mose vì Môse cho phép cấp giấy ly dị.
Và Chúa Giêsu trả lời là không, vì ngay từ ban đầu không có chuyện đó, mà sở dĩ có chuyện đó vì dân chúng lòng chai dạ đá, nên Môse mới truyền cho cấp giấy ly dị.
Chi tiết đó cho chúng ta thấy dân chúng luôn luôn thích sự dễ dãi, cứ tìm kiếm sự dễ dãi cho chính mình.
Nhưng chúng ta thấy có một sự nghịch lý đó là mỗi người đều muốn tìm sự dễ dãi cho chính mình, và nếu ai cũng muốn sự dễ dãi thì sự gian khổ sẽ thuộc về ai, chính vì thế mới có câu nói: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ thuộc về ai”, nghĩa là mình thì muốn việc nhẹ nhàng cho mình, nhưng lại không muốn việc nhẹ nhàng cho người khác.
Chính vì thế, mà mới có những sự bất hòa, mới có những vấn đề ly dị, nếu ai cũng cùng gánh vác công việc với nhau, thì làm sao có chuyện ly dị.
Mẹ tôi luôn nấu đồ ăn ngon. Nhưng hôm nay mẹ đặt một cái bánh cháy trước mặt bố. Không chỉ hơi cháy thôi mà đen như than đá.
Chờ xem bố tôi sẽ nói gì.
Nhưng bố tôi vừa ăn bánh và hỏi "ngày hôm nay của em thế nào."
Vậy là tôi nghe mẹ tôi xin lỗi bố vì chiếc bánh đó .
Tôi sẽ không bao giờ quên câu trả lời của bố rằng:
- Không sao cả, anh thích bánh của em.
Sau đó tôi đã hỏi liệu bố tôi có nói sự thật hay không.
Bố đặt tay lên vai tôi và nói:
- Mẹ con hôm nay đã có một ngày khó khăn ở chỗ làm, bà ấy đã rất mệt mỏi. Chiếc bánh cháy không làm tổn thương bố được, nhưng một lời nói của bố có thể sẽ làm tổn thương mẹ con
Tất cả chúng ta đều mắc sai lầm. Chúng ta không nên tập trung vào sai lầm, mà hãy nhẹ nhàng với những người chúng ta yêu thương.
Đây là bí quyết của những mối quan hệ lâu dài và hạnh phúc.
Nên chúng ta muốn tìm sự dễ dãi cho chính mình, thì hãy dễ dãi với người khác, còn ngược lại, nếu chúng ta tìm sự dễ dễ cho chính mình, mà không muốn dễ dãi với người khác thì không sớm thì muộn đời sống của chúng ta sẽ tan vỡ.
Hay ngược lại, nếu chúng ta có nghiêm khắc với chính mình đi chăng nữa vì lý do gì chúng ta ta cũng không thể nghiêm khắc với người khác, mà hãy dễ dãi với người khác, nghĩa là không quá đáng, có như thế đời sống mới hạnh phúc được, vì không ai giống ai cả, nên phải thông cảm cho nhau. Amen.
Thứ Bảy - Tuần XIX Thường Niên
(Ed 18,1-10.13b.30-32; Mt 19,13-15)
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Ed 18,1-10.13b.30.32: Ta sẽ xét xử mỗi người theo cách nó sống.
Tv 51,12a: Ôi lạy Chúa, xin tạo cho con quả tim trong sạch.
Mt 19,13-15: Đừng ngăn cấm các trẻ nhỏ đến với Ta, vì Nước Trời là của những người giống như chúng.
Lời Chúa qua miệng ngôn sứ Êdêkien: “Ai phạm tội, người ấy sẽ chết.” Điều này đã được Chúa phán ngay sau khi bà Evà và Adong phạm tội. Cái chết là một phần tất yếu của cuộc sống. Vì tội mà con người phải chết. Tuy nhiên, Chúa cũng an ủi: “Ta sẽ xét xử mỗi người theo cách nó sống. Các ngươi hãy trở lại và hãy hối cải tất cả những điều gian ác, thì sự gian ác sẽ không huỷ diệt các ngươi.” Chúa chỉ cho cách phục hồi lại tình trạng tốt đẹp thuở ban đầu: “Hãy dứt bỏ hết mọi tội lỗi các ngươi đã phạm, và hãy tạo cho các ngươi một tâm hồn và một tinh thần mới.”
Chính tác giả Thánh vịnh cũng đã từng nài van Chúa: “Ôi lạy Chúa, xin tạo cho con quả tim trong sạch.” Một trái tim vẹn sạch được thể hiện qua đôi mắt trong veo của một tâm hồn trẻ thơ. Chính Chúa Giêsu đã mở lối cho con người bằng những lời dạy rất gần và rất thực tế, dễ hiểu để kêu mời người người trở nên đáng yêu đáng quý trước mặt người đời và sẵn sàng bước theo Chúa với hành trang tinh sạch và đơn sơ như trẻ thơ. Trẻ em là mẫu mực của sự “khiêm tốn”. Hãy đến với Chúa với tâm tình khiêm tốn đó và đừng phạm tội để khỏi phải chết muôn đời.
Lm. Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay trình bày cho việc người ta đem những trẻ nhỏ đến với Chúa Giêsu để xin Chúa Giêsu đặt tay và chúc lên trên chúng, thế nhưng các môn đệ lại ngăn cấm, Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Cứ để trẻ em đến với Thầy đừng ngăn cấm chúng, vì nước trời là của những ai giống như chúng”.
Chúng ta hãy nhớ trước đó khi các môn đệ tranh nhau ai là người lớn nhất, thì Chúa Giêsu cũng nói với các ông: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. "Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời.” (Mt 18,3-4).
Như vậy, chúng ta phải sống như trẻ con, nhưng trẻ con này phải hiểu như thế nào, nếu chúng ta hiểu sai thì sẽ không được vào Nước Trời.
Chúng ta biết trong khảo luận của thánh Hilario, giám mục, về thánh vịnh được trích đọc trong bài đọc 2, giờ kinh sách, ngày thứ 2 tuần 4 thường niên có đoạn như thế này: “Quả thật, trong Đức Ki-tô, chúng ta không được làm trẻ con, chỉ trừ ở điểm này như có lời nói: về mặt ác ý, sống như trẻ con thì được, nhưng về mặt cảm nghĩ thì không. Thánh Phao-lô bảo: mọi người không có đức tin đều là trẻ con, vì họ yếu không dùng được thức ăn đặc, nhưng còn phải cần đến sữa. Thật vậy, người nói: Tôi đã cho anh em uống sữa chứ không cho dùng thức ăn, vì anh em chưa chịu nổi. Nhưng bây giờ anh em cũng vẫn còn không chịu nổi.”
Như vậy, sống như trẻ con không phải sống như trẻ con về mặt cảm nghĩ là không biết gì cả, là không có đức tin, là yếu đức tin, hay nói cách khác là giả vờ, chẳng hạn như mở miệng ra là nói không biết gì cả, mặt dầu là biết tất cả, nhưng sợ vất vả, chọn việc nhẹ nhàng, để đẩy phần gian khổ cho người khác, đó không phải là trẻ con nữa, mà đó là tư tưởng của người trưởng thành, tư tưởng khôn lanh theo kiểu người đời.
Nhưng sống như trẻ con là ở sự đơn sơ khiêm nhường, biết cậy dựa vào Chúa, nói cách khác đó là tâm tình của trẻ thơ trước mặt cha mẹ của mình, biết việc phải làm, biết tránh những điều không nên làm, biết mình tin vào ai, trẻ thơ là như vậy.
Xin cho mỗi người chúng ta biết sống tâm tình của trẻ thơ thật thật, chứ không phải là tâm tình của trẻ thơ về mặt cảm nghĩ, để chúng ta không chỉ làm vinh danh Chúa, giúp cho người khác nhận biết Chúa qua đời sống của chúng ta, mà chúng ta còn đạt được Nước Trời như lời Chúa Giêsu đã nói. Amen.