07/07/2024
1061
Suy niệm hằng ngày_ Tuần XIV Thường Niên







 

 

 


 


 

Chúa Nhật XIV Thường Niên

Ed 2,2-5; 2Cr 12,7-10; Mc 6,1-6

 


Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Ed 2,2-5: Đây là nhà phản loạn, và họ sẽ biết rằng giữa họ vẫn có một tiên tri.

Tv 123,2: Mắt chúng con nhìn vào Chúa, cho tới khi Người thương xót chúng con.

2 Cr 12,7-10: Tôi rất vui sướng khoe mình về những sự yếu hèn của tôi, để sức mạnh của Đức Kitô ngự trong tôi.

Mc 6,1-6: Không một tiên tri nào mà không bị khinh bỉ ở quê hương.

Tiên tri Êdêkiel biết rõ dân Cựu ước không thích nghe Thiên Chúa khi mọi việc trở nên khó khăn, hoặc khi mọi việc đang đi theo hướng của họ. Ông nghiêm khắc nhắc nhở rằng Chúa sẽ cứu thoát và vẫn là Thiên Chúa của họ. Chúa nói, cho dù họ chú ý hay chống lại, đã có một tiên tri ở giữa họ. Một số đã để tâm, và một số đã phản kháng.

Và rồi Chúa Giêsu biết rõ những vấn đề mà các tiên tri gặp phải, đặc biệt là giữa dân tộc của họ. Ngài đã trải qua điều tương tự. Bất chấp những gì Chúa Giêsu có thể chứng tỏ về quyền năng của Thiên Chúa hoặc những lời Ngài nói bởi Chúa Thánh Thần, nếu dân chúng không thích nghe, họ sẽ đuổi Ngài hoặc xua Ngài ra khỏi thành.

Chúa Giêsu ngạc nhiên trước thái độ của dân Ngài, nhưng Ngài cho thấy một tấm lòng tự hiến để mưu cầu điều tốt đẹp cho ta. Hãy tưởng tượng cuộc sống của những người Nazaret sẽ thay đổi như thế nào nếu họ đến với Chúa bằng lòng tin. Hãy ghi nhớ điều này để ta ngày càng cởi mở hơn và để tình yêu của Chúa hoạt động trong chúng ta.

 


Thứ Hai - Tuần XIV Thường Niên
(Hs 2,16.17b-18.21-22; Mt 9,18-26)


Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Hs 2,16.17c-18.21-22: Ta sẽ đính hôn với ngươi đến muôn đời.

Tv 145,8: Chúa nhân ái và từ bi.

Mt 9,18-26: Con gái tôi vừa mới chết, nhưng xin Ngài đến, nó sẽ sống lại.

Mátthêu đưa ra một bức tranh miêu tả ngắn gọn về hai cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu. Cuộc sống của con gái một kỳ mục được phục hồi và một người phụ nữ đau khổ vì loạn huyết trong nhiều năm được chữa lành. Cả hai đều đến gặp Chúa Giêsu với hy vọng rằng Ngài sẽ hành động quảng đại theo yêu cầu của họ, ngụ ý rằng họ biết điều gì đó về quyền năng của Ngài. Họ tin tưởng rằng Ngài sẽ khôi phục lại những gì quan trọng nhất đối với họ bằng cách thực hiện “những phép lạ lớn”.

Những câu chuyện về kỳ mục và người phụ nữ rất quan trọng đối với khán giả của Mátthêu, có lẽ không phải vì chúng độc đáo mà vì chúng là những ví dụ về cách Thiên Chúa hành động với lòng quảng đại và tình yêu thương đối với tạo vật của Ngài. Mátthêu có lẽ đã bỏ qua những gì tiếp theo để giải phóng chúng ta tưởng tượng cuộc sống được thay đổi như thế nào khi chúng ta gặp Chúa Giêsu và nhận ra rằng “Chúa nhân từ và giàu lòng thương xót” (Tv 145,8).

Chúng ta là những người theo Chúa Giêsu. Chúng ta cần sự hỗ trợ của Ngài để hoàn thành sứ mạng của mình. Tương tự như vậy, cuộc sống của chúng ta cần phải thay đổi để phù hợp với tình yêu thương và lòng trắc ẩn vô điều kiện của Chúa Giêsu dành cho.




Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay chúng ta chú ý đến từ “trỗi dậy”, cụ thể đó là khi có một vị kỳ mục đến thưa với Chúa Giêsu rằng: “Lạy ngài, con gái tôi vừa mới chết, nhưng xin Thầy đến đặt tay trên nói, thì nó sẽ sống lại”. Tin mừng thuật lại là: “Chúa Giêsu trỗi dậy, và cùng với các môn đệ, đi theo người ấy”. Và khi Chúa Giêsu trỗi dậy như thế kéo theo sự trổi dậy của nhiều người, cụ thể đó là có một người đàn bà bị loạn huyết suốt 12 năm cũng trỗi dậy, tiến đến gần Chúa, chạm vào tua áo của Chúa, để rồi bà được chữa lành. Sau cùng trong trình thuật này, đó là khi Chúa Giêsu đến với đứa con gái của vị kỳ mục, Chúa Giêsu cầm lấy tay của đứa bé, và nó liền trỗi dậy.

Chúng ta thấy, chỉ có một sự trỗi dậy của Chúa, đã kéo theo biết bao nhiêu sự trỗi dậy khác để kéo họ ra khỏi bệnh tật, để kéo họ ra khỏi sự chết. Áp dụng vào đời sống, để ta có được sự sống đời đời, để chúng ta sống tốt lành thánh thiện, chính chúng ta cũng phải biết trỗi dậy.

Chúng ta hãy nhớ câu chuyện người Samaria nhân hậu là một minh họa cho chúng ta. Trong câu chuyện này có hai lần Chúa Giêsu mời gọi ông thông luật hãy trỗi dậy, hãy đứng dậy, hãy đi và làm như vậy, lần thứ nhất là người thông luật hỏi Chúa Giêsu điều răn nào là trọng nhất, người đó trả lời: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình.” Chúa bảo ông ta: “Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống.” Lần thứ hai là vì muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Chúa Giêsu: “Nhưng ai là người thân cận của tôi?” Chúa Giêsu mới kể cho ông ta dụ ngôn người Samaria nhân hậu. Khi kể xong thì Chúa Giêsu hỏi: “Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?” Người thông luật trả lời: “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy.” Chúa Giêsu bảo ông ta: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy” (x. Lc 10, 25-37).

Hay trong dụ ngôn người cha nhân hậu, kể về câu chuyện người con thứ, đòi cha mình phải chia gia tài. Và người cha đã chia của cải cho hai con. Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình. “Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch, thì lại xảy ra trong vùng ấy một nạn đói khủng khiếp. Và anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu, nên phải đi ở đợ cho một người dân trong vùng; người này sai anh ta ra đồng chăn heo. Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho. Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ: “Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói! Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy.” Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha. Bấy giờ người con nói rằng: “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. ..  Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng: “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng! Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy. Và họ bắt đầu ăn mừng” (Lc 15, 12-24).

Hiểu được như vậy, chúng ta được mời gọi hãy trỗi dậy để từ bỏ tội lỗi, chạy đến với Chúa, sống tốt lành thánh thiện, chắc chắn Chúa sẽ ban ơn và chúc lành cho chúng ta. Amen.


 


Thứ Ba Tuần XIV Thường Niên

(Hs 8,4-7.11-13; Mt 9,32-38)


Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Hs 8,4-7.11-13: Chúng gieo gió thì sẽ gặt bão.

Tv 115,9a: Nhà Israel! cậy tin vào Chúa.

Mt 9,32-38: Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít.

Chúa Giêsu tiếp tục công bố Tin Mừng về Nước Trời trong khi thực hiện nhiều phép lạ, và trong Phúc âm hôm nay, Chúa Giêsu đã có thể ‘đuổi quỷ ra khỏi một người câm để anh ta có thể nói được’. Cuối cùng, Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt thì ít. Các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đi gặt lúa”. Chúa Giêsu cảm thấy tiếc cho những đám đông mệt mỏi và chán nản mà không có một người mục tử thật sự để chăm sóc họ. Đám đông biết ơn sự lãnh đạo gương mẫu và khao khát điều đó.

Trong sứ mệnh của mình, Chúa Giêsu quan tâm đến nhu cầu của con người. Chúa Giêsu đi khắp các thành thị và làng mạc, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng về Nước Trời, và chữa khỏi mọi bệnh tật. Chúa Giêsu có tình yêu thương nhân hậu vô cùng. Tuy nhiên, Ngài cũng cần mỗi chúng ta. Ngài cần chúng ta với tư cách cá nhân và như một phần của cộng đồng quan tâm lẫn nhau, tha thứ, và đặt Chúa lên trên hết, và sau đó là những người khác trong cuộc sống của chúng ta. Khi chúng ta làm điều đó, chúng ta thực hành lời dạy của Chúa Giêsu. Trong cùng một thể thức, chúng ta đóng góp khả năng của mình và cộng tác với Hội Thánh của chúng ta để thu hoạch hoa trái cho vương quốc của Thiên Chúa.




Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay trình bày Chúa Giêsu chữa lành một người bị quỷ câm ám. Khi Chúa Giêsu chữa lành như vậy, thì có hai phản ứng, thứ nhất đó là của dân chúng, dân chúng kinh ngạc và nói rằng: “Chưa bao giờ thấy xảy ra như vậy trong dân Israen”. Thứ hai đó là phản ứng của những người Pha-ri-sêu, họ nói: “Ông ấy dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ.” Nên chúng ta thấy miệng lưỡi con người không thể lường trước được như người ta thường hay nói: “cái lưỡi không xương nhiều đường lắt léo”.

Có một câu chuyện Ngụ ngôn cổ đại kể rằng, ông chủ sai Êdôp chạy ra chợ mua một món gì ngon nhất. Êdôp mang về cái lưỡi. Hôm sau, ông chủ lại sai Ê dốp tìm một món gì dở nhất. Êdôp lại mang về cái lưỡi. Ông chủ nổi giận: “Cớ sao món ngon nhất là lưỡi mà dở nhất cũng là lưỡi?” Êdôp từ tốn: “Thưa ông chủ! Lưỡi mềm uyển chuyển có thể biến xấu thành đẹp, già thành trẻ..., không phải lưỡi là thứ tốt nhất còn gì? Ngược lại, lưỡi biến hóa khôn lường, có thành không, trắng nhuộm ra đen, anh hùng thành tướng cướp..., trên thế gian có vật nào tệ hơn cái lưỡi?” Chính vì thế, Chúa dạy mỗi người chúng ta là: “Có thì nói có không thì nói không, thêm thắt điều gì là do ma quỷ”.

Áp dụng vào đời sống, chúng ta đừng nên buồn phiền để ý đến những lời nói không đúng sự thật, những lời nói chua cay gắt gỏng, vì đó là lời của ma quỷ, mà lời của ma quỷ thì không có giá trị. Nên chúng ta đừng để ý đến những lời nói đó, không tranh cãi, nếu chúng ta tranh cãi thì đồng nghĩa với việc chúng ta rơi vào cam bẫy của kẻ thù (đừng cãi với người ngu). Nhưng chúng ta có bổn phận giúp cho họ nhận ra được những lời của họ là những lời sai lầm, để họ sửa đổi, khi đó lời nói của chúng ta mới là lời nói đúng đắn, mới là lời chân thật, mới là lời có giá trị.

Chúng ta biết, tin mừng hôm nay không nói chi tiết về việc Chúa Giêsu trả lời những người đã nói với Chúa là dùng thế quỷ vương mà trừ quỷ, nhưng tin mừng Macco, hay Luca thì có nói, để giúp người Do thái nhận ra sai lầm của mình, Chúa nói: “Xa-tan làm sao trừ Xa-tan được? Nước nào tự chia rẽ, nước ấy không thể bền; nhà nào tự chia rẽ, nhà ấy không thể vững. Vậy Xa-tan mà chống Xa-tan, Xa-tan mà tự chia rẽ, thì không thể tồn tại, nhưng đã tận số. Không ai vào nhà một người mạnh mà có thể cướp của được, nếu không trói người mạnh ấy trước đã, rồi mới cướp sạch nhà nó” (Mc 3, 24-27)

Xin cho chúng ta đừng bận lòng về những lời gian dối, để chúng ta có được bình an, và xin cho chúng ta biết giúp người khác nhận ra sai lầm của mình, để họ đừng gieo rắc sự bất an cho người khác, nhưng gieo rắc sự bình an. Amen.




Thứ Tư - Tuần XIV Thường Niên

(Hs 10,1-3.7-8.12; Mt 10,1-7)


Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Hs 10,1-3.7-8.12: Đây là lúc phải tìm kiếm Chúa.

Tv 105,4b: Hãy tìm kiếm thiên nhan Chúa luôn luôn.

Mt 10,1-7: Các con hãy đến cùng chiên lạc nhà Israel.

Chúa Giêsu triệu tập Mười Hai môn đệ và ban cho các ông quyền hành trên các thần ô uế để các ông xua đuổi chúng và chữa lành mọi bệnh hoạn, tật nguyền. Với những sứ mệnh cụ thể đó, Chúa Giêsu đã gọi đích danh các môn đệ. Ngài kêu tên của từng người mà Ngài muốn sai đi, do đó khiến họ cảm thấy có trách nhiệm với những gì Ngài muốn họ hoàn thành. Nhiệm vụ của họ là tìm kiếm những con chiên lạc, mang chúng về nhà và rao giảng nước trời đã gần đến.

Đó là những thử thách. Tuy nhiên, Chúa có quyền năng để chữa lành mọi tan vỡ ở trên trái đất. Chúa Giêsu thể hiện tình yêu thương đối với người khác bằng cách làm gương. Ngài cũng yêu cầu các môn đệ làm như vậy. Chúng ta tin rằng Chúa cũng ban những ân sủng để cộng tác với Ngài. Là Kitô hữu, chúng ta có thể làm gì để hoàn thành sứ mệnh của mình? Một cách cụ thể, ta có thể làm điều này bằng lãnh nhận ơn huệ của Chúa và sau đó đưa ra lời khuyên hoặc đồng cảm bước đi với những chiên lạc, tìm đường và đưa chúng về nhà. Chúa luôn đi bước trước và hướng dẫn ta làm theo. Đó là cách tình yêu của Chúa tỏa sáng. Xin Chúa giúp ta có sức mạnh để quên mình phục vụ và không đánh mất chính mình trong quá trình thực hiện lời dạy của Chúa.




Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay trình bày việc Chúa Giêsu chọn 12 môn đệ làm tông đồ, người ban năng quyền trừ quỷ, chữa lành các bệnh hoạn tật nguyền cho các ông. Và Người sai các ông lên đường đi về phía dân ngoại, và đừng vào thành của người Samaria. Tốt hơn là hãy đến với các con chiên lạc nhà Ít-ra-en. Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần.

Đọc Tin mừng, chúng ta thấy Chúa như đang giới hạn phạm vi hoạt động của các tông đồ: “Tốt hơn là hãy đến với những con chiên lạc nhà Israen”. Thế nhưng, trước khi Chúa Giêsu về trời, phạm vi hoạt động này được mở ra, Chúa nói: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28,19-20). Tại sao lại có một sự thay đổi như vậy? Chúng ta có thể trả lời đó là vì Chúa muốn các tông đồ phải làm theo thánh ý Chúa, vì có làm theo thánh ý Chúa, công việc mới có kết quả lâu bền được, nếu không sẽ không có được kết quả như ý Chúa muốn.

Chúng ta hãy nhớ có lần Chúa Giêsu đã nói: “Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: “Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao? “ Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ: Ta không hề biết các ngươi; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác!” (Mt 7, 22-23). Nhưng câu hỏi đặt ra là ý Chúa ở đâu? Thưa trong Kinh thánh, mà cụ thể là trong sách luật Môse và các ngôn sứ.

Câu chuyện ông nhà giàu và anh Ladaro cũng là một minh họa. Chúng ta thấy khi ông nhà giàu chết xuống hỏa ngục chịu cực hình muôn kiếp, ông ngước lên thấy Ladaro trong lòng tổ phụ Apraham, mới xin tổ phụ sai anh Ladaro nhúng đầu ngón tay vào nước để vào lưỡi ông cho mát nhưng không được. Sau đó ông xin tổ phụ sai anh Ladaro về báo cho 5 người anh em của ông biết để họ khỏi sa vào chốn cực hình này, nhưng tổ phụ nói: “Chúng đã có Mô-sê và các Ngôn Sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó”. Ông nhà giàu nói: “Thưa tổ phụ Áp-ra-ham, họ không chịu nghe đâu, nhưng nếu có người từ cõi chết đến với họ, thì họ sẽ ăn năn sám hối. Ông Áp-ra-ham đáp: “Mô-sê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin” (Lc 16,29-31). Nghĩa là cứ sống theo ý muốn của Chúa, cứ sống đúng luật đi, đừng có chế ra điều này điều kia, có chế ra cũng chẳng được, vì đó không phải là ý Chúa.

Xin cho chúng ta hiểu được điều đó, để sống theo luật Chúa dạy, Hội thánh dạy, vì đó là ý muốn của Chúa, nếu chúng ta sống như vậy, mọi sự tốt đẹp sẽ đến với chúng ta. Amen.



 

Thứ Năm Tuần XIV Thường Niên
Thánh Bênêđictô, viện phụ.

(Hs 11,1-4.8c-9; Mt 10,7-15)

Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Hs 11:1-4,8e-9: Quả tim Ta thổn thức trong Ta và ruột gan Ta bồi hồi.

Tv 79,4b: Lạy Chúa, xin tỏ thiên nhan hiền từ Chúa ra, hầu cho chúng con được ơn cứu sống.

Mt 10,7-15: Các con đã lãnh nhận nhưng không, thì hãy cho nhưng không.

Đoạn văn hôm nay của Hôsê sử dụng phép ví von về một đứa trẻ ương ngạnh. Vì vậy, trái tim của Chúa bị thổn thức và bồi hồi. Tin Mừng là việc các tông đồ được ủy thác ra đi. Chúa Giêsu căn dặn các môn đệ cách thực hành sứ vụ. Chia sẻ thông điệp của Chúa không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Ngài nhận ra rằng những cuộc trò chuyện với những người ngoan cố sẽ chẳng đi đến đâu. Ngài nhận ra tầm quan trọng của tấm lòng rộng mở trong việc tiếp nhận thông điệp của môn đệ. Chúa ban cho các môn đệ những công cụ để sử dụng trong quá trình này và những dấu hiệu để giúp tạo ra sự mở đầu đó. “Các con đã lãnh nhận nhưng không thì hãy cho nhưng không…”

Đối với các môn đệ, quá trình này đòi hỏi sự sẵn sàng bỏ qua những phần thưởng của thế gian và sự phán xét để biết khi nào nên tiếp tục. Các tông đồ đối mặt với một thế giới cần được cải cách. Thông điệp của họ gặp nhiều phản ứng trái chiều. Tuy nhiên, bằng cách tìm thấy những trái tim rộng mở để thay đổi, thông điệp của họ đã lan rộng. Xin Chúa ban cho chúng ta cái nhìn sâu sắc để biết nơi nào và làm thế nào cho trái tim rộng mở thay đổi vì Chúa.




Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay trình bày việc Chúa Giêsu dạy các môn đệ khi ra đi phải rao giảng điều gì. Đó là phải rao giảng Nước trời đã đến gần. Và lời rao giảng này, Chúa Giêsu muốn cho dân chúng biết được tính cấp bách của Nước trời để sám hối, để chuẩn bị. Chúng ta hãy nhớ đó cũng là lời rao giảng đầu tiên của Chúa Giêsu “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần.”

Rồi nếu đọc ngược lại Tin mừng, chúng ta thấy đó cũng là lời rao giảng đầu tiên của Gioan tẩy giả để dọn đường cho Chúa, ông giảng: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 3,2). Nhưng vấn đề đặt ra là nếu chỉ sám hối không thì đủ chưa? Thưa chưa đủ, khi Gioan rao giảng: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” thì bấy giờ người ta từ Giê-ru-sa-lem và khắp miền Giu-đê, cùng khắp vùng ven sông Gio-đan, kéo đến với ông. Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ trong sông Gio-đan.

Thấy nhiều người thuộc phái Pha-ri-sêu và phái Xa-đốc đến chịu phép rửa, ông nói với họ rằng: “Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy? Các anh hãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối. Đừng tưởng có thể bảo mình rằng: “Chúng ta đã có tổ phụ Áp-ra-ham.” Vì, tôi nói cho các anh hay, Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá này trở nên con cháu ông Áp-ra-ham. Cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa. Tôi, tôi làm phép rửa cho các anh trong nước để giục lòng các anh sám hối. Còn Đấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho các anh trong Thánh Thần và lửa. Tay Người cầm nia, Người sẽ rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi” (Mt 3, 5-12). Như vậy, nếu chỉ sám hối không thì chưa đủ, mà còn phải sinh hoa quả cho xứng với lòng sám hối, nghĩa là phải thay đổi đời sống của mình.

Hiểu được như vậy, chúng ta mới hiểu được tại sao khi Chúa Giêsu sai các môn đệ đi rao giảng, ngài lại dạy cho ông cách sống phải như thế nào, nào là chữa bệnh, trừ quỷ, nào là đừng mang theo bàng bạc, tiền nong, khi đi đường chứ mang hai áo… vì Chúa muốn các ông lời nói phải đi đôi với việc làm, kêu người ta ăn năn sám hối, kêu người ta từ bỏ, còn chính mình thì lại không từ bỏ thì điều đó không được.

Xin cho chúng ta biết ăn năn sám hối, nhưng cũng biết thay đổi đời sống của mình, biết nói, nhưng cũng biết làm, biết sống để lời nói và việc làm của chúng ta ăn khớp với nhau, có như thế mới làm chứng cho Chúa, có như thế mới có thể kêu gọi người ta ăn năn sám hối được. Amen.




Thứ Sáu Tuần XIV Thường Niên

(Hs 14,2-10; Mt 10,16-23)


Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Hs 14,2-10: Chúng tôi sẽ không còn nói rằng: Thần minh chúng tôi là sản phẩm do tay chúng tôi làm ra.

Tv 51,17: Miệng con sẽ loan truyền lời ca khen Chúa.

Mt 10,16-23: Không phải chính các con nói, nhưng là Thánh Thần của Cha các con.

Chúa Giêsu bảo các môn đệ ra đi rao truyền lời Chúa, nhưng Ngài cũng cảnh báo họ: các ngươi sẽ giống như bầy cừu giữa bầy sói, sẽ bị nộp cho tòa án vì những gì mình nói và làm và sẽ bị vạ lây, bị ghét bỏ, sẽ chạy trốn từ thành này sang thành khác, v.v. Các môn đệ truyền giáo thực hiện sứ mệnh của Chúa. Những gì họ đã nhận được từ Chúa, họ sẽ công bố. Mối liên hệ của họ với Chúa Giêsu rất chặt chẽ. Vì vậy, họ không những không lùi bước mà còn ra đi với một sự nhiệt tình có ảnh hưởng đến chúng ta ngày nay.

Với lòng biết ơn, ta cảm ơn các Tông đồ đã can đảm rao giảng vì nó cung cấp hy vọng và mục đích thực sự. Xin cho mỗi người cố gắng hết sức để chạm đến Chúa Thánh Thần và vững vàng khi đương đầu với những tình huống khó khăn. Như các Tông đồ, Chúa Giêsu cũng sai chúng ta ra đi để loan truyền lời ca khen Chúa. Thiên Chúa muốn ta sống thông điệp của Chúa thông qua các tương tác với các thành viên trong gia đình, đồng nghiệp, bạn bè và những người khác. Và mặc dù điều này đôi khi có thể gây ra xung đột, nhưng chính nhờ đức tin, lời nói và hành động mà ta rao giảng Chúa Giêsu.




Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay trình bày việc Chúa Giêsu nói với tông đồ rằng khi đi rao giảng Tin mừng chắc chắn sẽ bị bắt bớ bách hại, không chỉ là bị bách hại bên ngoài: “Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết.” Mà còn chịu bách hại bên trong nữa: “Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét.”

Vậy phải làm sao để có thể trung thành với Chúa, làm sao có thể trung thành với sứ mạng được trao phó? Thưa Chúa Giêsu đã chỉ cho các tông đồ hai cách, thứ nhất đó là: “Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát.” Và cách thứ hai đó là: “Khi người ta bách hại anh em trong thành này, thì hãy trốn sang thành khác. Thầy bảo thật anh em: anh em chưa đi hết các thành của Ít-ra-en, thì Con Người đã đến.”

Chúng ta thấy hai cách thức mà Chúa Giêsu chỉ cho các tông đồ, có thể hiểu là Chúa muốn các tông đồ của Chúa cần phải khôn ngoan như con rắn và đơn sơ như bồ câu.

Nghĩa là khi bị bách hại, hay bị từ chối, mà thấy mình còn có cơ hội có thể hoạt động ở những nơi khác, thì hãy đi những nơi khác để hoạt động, chúng ta thấy Chúa Giêsu khi giảng dạy, khi làm phép lạ mà dân chúng ùn ùn kéo đến để tôn Chúa làm vua, hay khi người ta không đón nhận Chúa, thì Chúa bỏ đi nơi khác.

Hay sau này khi thánh Phaolo và Banaba rao giảng cho dân do thái, nhưng họ không đón nhận, lúc này Phaolo và ông Ba-na-ba mạnh dạn lên tiếng: “Anh em phải là những người đầu tiên được nghe công bố lời Thiên Chúa, nhưng vì anh em khước từ lời ấy, và tự coi mình không xứng đáng hưởng sự sống đời đời, thì đây chúng tôi quay về phía dân ngoại” (Cv 13,46).

Nhưng đến khi biết mình sắp hoàn tất sứ mạng ở trần gian, Chúa cương quyết lên Giêrusalem để chịu chết, chứ không trốn tránh, nghĩa là Chúa kiên trì cho đến cùng, đến nỗi thánh Phêrô ngăn cản Chúa: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!” Nhưng Đức Giê-su quay lại bảo ông Phê-rô: “Xa-tan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (Mt 16,22-23), và chúng ta thấy nhờ kiên trì cho đến cùng, mà Chúa Giêsu đã hoàn tất công trình cứu độ.

Xin cho mỗi người chúng ta là những sứ giả loan báo tin mừng cứu độ của Chúa, biết bền đỗ cho đến cùng, và biết đơn sơ như bồ câu, khôn ngoan như con rắn, để có thể trung thành với sứ vụ mà Chúa trao ban cho mỗi người chúng ta, cũng như là trung thành với Chúa. Amen.




Thứ Bảy Tuần XIV Thường Niên

(Is 6,1-8; Mt 10,24-33)



Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Is 6, 1-8: Lưỡi tôi nhơ bẩn, mắt tôi trông thấy Đức Vua, Người là Chúa các đạo binh.

Tv 93,1a: Chúa làm Vua, Ngài đã mặc thiên oai.

Mt 10,24-33: Các con đừng sợ những kẻ giết được thân xác.

Trong Kinh Thánh, việc loan báo những chương trình của Chúa mang ý nghĩa quan trọng. Nhưng ai là người thi hành công việc này? Đó là những người được Thiên Chúa tuyển chọn. Tiên tri Isaia đã mạnh dạn đón nhận sứ mệnh Chúa trao: “Này con đây, xin hãy sai con”. Để giới thiệu ý Chúa cho người khác thì Thánh vịnh xác tín rằng người loan báo phải có đời sống quen thân với Chúa bằng cầu nguyện. Đặc biêt là xin Chúa cho hiểu đường lối những huấn lệnh của Chúa, và suy gẫm các điều lạ lùng của Chúa.

Khi có được mối dây thân tình với Chúa và sự soi sáng của Người thì người rao giảng mạnh dạn công bố Thiên Chúa và công trình cứu độ của Ngài bằng chính niềm xác tín và mến yêu của mình. Qua đó Chúa cũng cho thấy mối liên hệ mật thiết trong việc làm tông đồ của Ngài. Chúa Giêsu khẳng định rằng ai can đảm dấn bước theo Chúa và làm chứng về Ngài sẽ chẳng bao giờ hư mất: “Ai tuyên xưng Thầy trước mặt người đời, thì Thầy sẽ tuyên xưng nó trước mặt Cha Thầy là Đấng ngự trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt người đời, thì Thầy sẽ chối nó trước mặt Cha Thầy là Đấng ngự trên trời”. Những việc làm của ta sẽ được Chúa ghi nhận. Chúa chẳng bao giờ chịu thua lòng quảng đại của chúng ta.




Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu tiếp tục chỉ thêm cho chúng ta một cách nữa để có thể trung thành với Chúa, đó là đừng sợ. Chúng ta đừng sợ vì không phải chỉ vì ngay cả Chúa mà họ còn bách hại, mà chúng ta đừng sợ là vì cho dù họ có bách hại chúng ta về phần thân xác này mà thôi, còn phần linh hồn thì không làm gì được.

Nếu họ thắng chúng ta, thì chỉ thắng theo kiểu thế gian, thắng vì bạo lực, còn chúng ta mặc dầu là thua, nhưng khi chúng ta thua là chúng ta đang để cho Chúa chiến thắng, đó mới là điều quan trọng.

Còn một điểm nữa đó là để chúng ta có thể trung thành với Chúa, thì ngoài việc chúng ta đừng sợ thế gian, nhưng hãy biết kính sợ Chúa, hay nói cách khác thì hãy để lòng kính sợ Chúa lớn hơn lòng kính sợ thế gian.

Chúng ta hãy nhớ lại, có lần Chúa Giêsu đã dạy: “Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được” (Mt 6,24).

Vậy, để không làm tôi tiền của, không để tiền của làm ông chủ mình, thì phải có một ông chủ khác, phải đặt một ông chủ khác mạnh hơn tiền của, và ông chủ này chính là Chúa, chỉ có Chúa mới có thể đủ sức lôi chúng ta về với Chúa. Ngược lại nếu chúng ta không dứt khoát chọn Chúa, không dứt khoát có lòng kính sợ Chúa, thì khi gặp những khó khăn thử thách trong cuộc đời, chúng ta dễ sa ngã, dễ có lòng kính sợ thế gian.

Mẫu gương của thánh Phêrô là một minh họa cho chúng ta, theo Chúa không dứt khoát, theo Chúa để được cái này được cái kia, chứ không phải để được có Chúa, ông nói với Chúa: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy. Vậy chúng con sẽ được gì?” (Mt 19,27)

Chính vì thế, sau khi Chúa Giêsu bị bắt ông đã trối Chúa, không chỉ trối một lần, mà là trối Chúa đến 3 lần, mà người làm cho ông lên tiếng trối Chúa không phải là một người cao sang quyền thế, chức vụ, địa vị, mà chỉ là một đứa đầy tớ gái mà thôi, một đứa thấp hèn trong xã hội Do thái, mà cũng làm cho Phêrô sa ngã trối Chúa.

Thế nhưng sau đó, khi đã quyết tâm chọn Chúa vì đó là Chúa, ông đã nhân danh Chúa mà chữa bệnh: “Vàng bạc thì tôi không có; nhưng cái tôi có, tôi cho anh đây: nhân danh Đức Giê-su Ki-tô người Na-da-rét, anh đứng dậy mà đi!” (Cv 3,6), rồi khi ra trước thượng hội đồng, thượng hội đồng cấm ông rao giảng về danh Chúa Giêsu, thì ông mạnh dạng tuyên bố: “Nghe lời các ông hơn là nghe lời Thiên Chúa, xin hỏi: trước mặt Thiên Chúa, điều ấy có phải lẽ không? Các ông thử xét xem!” (Cv 4,19), và sách Công vụ kể lại là mọi người ngạc nhiên về lời đối đáp của Phêrô.

Xin cho mỗi người chúng ta có lòng kính sợ Chúa, để mỗi người chúng ta có thể trung thành với Chúa suốt cả cuộc đời của chúng ta. Amen.