23/02/2025
35
Suy niệm hằng ngày_ Tuần VII Thường Niên







 

 

 


 

CHÚA NHẬT VII THƯỜNG NIÊN - C

(1Sm 26,2.7-9.12-13.22-231Cr 15,45-49Lc 6,27-38)

Tôma Lê Duy Khang 

Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho nhứng kẻ ghét mình….. đây là một giáo huấn cao cấp, vì sao lại cao cấp?

Vì theo Chúa Giêsu thì: “Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì có gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng yêu thương kẻ yêu thương họ. Và nếu anh em làm ơn cho kẻ làm ơn cho mình, thì còn gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng làm như thế. Nếu anh em cho vay mà hy vọng đòi lại được, thì còn gì là ân với nghĩa? Cả người tội lỗi cũng cho kẻ tội lỗi vay mượn để được trả lại sòng phẳng. Trái lại, anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả. Như vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Đấng Tối Cao, vì Người vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác.”

Và bài đọc 1 cho chúng ta thấy một mẫu gương đã thực hiện được điều mà Chúa Giêsu dạy, mặc dầu trước đó Chúa Giêsu chưa dạy về điều này, đó là mẫu gương của Vua Đavit.

Mặc dầu bị Saun thù ghét, thậm chí muốn lấy luôn mạng sống của mình, nhưng khi có cơ hội thì Đavit lại không giết chết Saun.

Chúng ta thử suy nghĩ nếu như Đavit giết chết Saun có tội gì hay không? Nếu xét theo luân lý chẳng có tội gì, vì ông tự vệ, vì ông muốn bảo vệ mạng sống của mình, nhưng ông đã không làm điều đó, vì sao vậy?

Thưa vì ông có lòng kính sợ Chúa, ông nói với người đầy tớ: “Chớ giết ngài, vì có ai đưa tay phạm đến đấng Chúa xức dầu mà vô tội đâu?”.

Hay nói cách khác đó là Đavit ý thức mình thuộc về Chúa chính vì thế mà ông đã không làm điều dữ trái mắt Đức Chúa.

Chúng ta hãy nhớ lại câu chuyện khi Philato hỏi Chúa Giêsu: “Ông có phải là vua dân Do-thái không? " Đức Giê-su đáp: "Ngài tự ý nói điều ấy, hay những người khác đã nói với ngài về tôi? " Ông Phi-la-tô trả lời: "Tôi là người Do-thái sao? Chính dân của ông và các thượng tế đã nộp ông cho tôi. Ông đã làm gì? " Đức Giê-su trả lời: "Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do-thái. Nhưng thật ra Nước tôi không thuộc chốn này." (Ga 18, 33-36). Nghĩa là nếu nước của Chúa thuộc về thế gian này, nước của Chúa sẽ bênh vực Chúa, ý thức thuộc về, và không thuộc về.

Hay câu chuyện Chúa Giêsu trừ quỷ, thì các kinh sư nói Chúa Giêsu dùng thế quỷ vương mà trừ quỷ, thì Chúa Giêsu nói: “Xa-tan làm sao trừ Xa-tan được? Nước nào tự chia rẽ, nước ấy không thể bền; nhà nào tự chia rẽ, nhà ấy không thể vững. Vậy Xa-tan mà chống Xa-tan, Xa-tan mà tự chia rẽ, thì không thể tồn tại, nhưng đã tận số. Không ai vào nhà một người mạnh mà có thể cướp của được, nếu không trói người mạnh ấy trước đã, rồi mới cướp sạch nhà nó.” (Mc 3, 24-27). Mình thuộc về ai, thì mình sẽ sống theo người đó.

Điều này rất đúng với lời của thánh phaolo đã nói trong bài đọc 2, chúng ta thuộc về ai, chúng ta sẽ sống chết cho người đó: “Những kẻ thuộc về đất thì giống như kẻ bởi đất mà ra; còn những kẻ thuộc về trời thì giống như Đấng từ trời mà đến. Vì thế, cũng như chúng ta đã mang hình ảnh người bởi đất mà ra, thì chúng ta cũng sẽ được mang hình ảnh Đấng từ trời mà đến.”

Và Đavit là như vậy, ý thức mình thuộc về Chúa, nên sống chết vì Chúa, mặc dầu sau này ông có sa ngã phạm tội mất lòng Chúa, nhưng ông cũng đã biết sám hối ăn năn, đó là bản tính yếu đuối của con người.

Hiểu được như vậy, chúng ta thấy để chúng ta có thể sống điều Chúa dạy, chúng ta hãy ý thức mình thuộc về Chúa, mà cách cụ thể là hãy có lòng kính sợ Chúa, có như thế chúng ta mới có thể mang hình ảnh của Đấng từ trời mà xuống như thánh Phaolo nói, nếu  không thì chúng ta chỉ là những người mang hình ảnh bởi đất mà ra mà thôi. Amen.




Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

1 Sm 26,2.7-9.12-13.22-23: Chúa trao đức vua trong tay tôi mà tôi không nỡ ra tay.

Tv 103,8: Chúa là Đấng từ bi và hay thương xót.

1 Cr 15,45-49: Như chúng ta đã mang hình ảnh của người thuộc địa giới, thì chúng ta cũng sẽ mang hình ảnh người thiên quốc như vậy.

Lc 6,27-38: Các con hãy tỏ lòng thương xót như Cha các con hay thương xót.

Chúa Giêsu hướng dẫn các môn đệ từ bỏ một thế giới quan mà nhiều người cho là thiết thực và hợp lý, thay vào đó áp dụng cách mà xã hội coi là hoàn toàn phi thực tế và ngu ngốc. Hãy tưởng tượng bạn đang lắng nghe Chúa Giêsu khi Ngài nói với các môn đệ và những người đang có mặt về việc yêu thương kẻ thù, tiếp theo là một số hướng dẫn khác và những khái niệm mang tính thách thức.

Nếu ta chú ý rằng Chúa Giêsu chỉ đưa ra một loạt hướng dẫn về cách hành động trong các tình huống khác nhau, thì danh sách các hướng dẫn đó có thể gây choáng ngợp. Về bản chất, Chúa Giêsu đang nói, “Đừng để những tiêu chuẩn xã hội thế tục quyết định giá trị của bạn và cách bạn tiếp cận cuộc sống. Hãy nhìn mọi thứ theo quan điểm của Ta”. Để nhìn theo quan điểm của Ngài, chúng ta cần sử dụng ánh nhìn của Chúa. Chúng ta cần yêu thương như Đức Kitô đã yêu thương ta. Làm điều tốt cho những người chưa thể ưa, cầu nguyện cho những người ngược đãi, và thay đổi suy nghĩ theo hướng tích cực và ta sẽ trở thành những người tốt hơn. Tốt đạo đẹp đời!




Thứ Hai - Tuần VII Thường Niên

Mc 9,14-29

Tôma Lê Duy Khang 

Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy việc Chúa Giêsu chữa lành cho một đứa trẻ bị quỷ ám.

Nhưng chúng ta biết trước đó cha của đứa bé đã đưa em đến cho các môn đệ, nhưng các ông không chữa được, bởi theo Chúa Giêsu thì giống quỷ này muốn trừ được thì phải cầu nguyện.

Điều này cho chúng ta thấy các môn đệ của Chúa thiếu đời sống cầu nguyện, chính vì thế mà sau này trong vườn cây dầu, Chúa Giêsu đã nhắc nhở các ông: “Anh em hãy canh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng hái, nhưng thể xác lại yếu đuối." (Mc 14,38).

Bên cạnh đó, chúng ta thấy chính các môn đệ cũng không biết cầu nguyện, nên có lúc các ông đã xin Chúa Giêsu dạy cho các ông cầu nguyện: “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gio-an đã dạy môn đệ của ông." (Lc 11,1), và Chúa Giêsu đã dạy các ông cầu nguyện bằng kinh Lạy Cha.

Nên chúng ta thấy cầu nguyện không chỉ có thể giúp người khác xua trừ ma quỷ, còn giúp cho chính mình khỏi sa chước cám dỗ, để trung thành với Chúa, để thực thi thánh ý của Chúa trong cuộc đời.

Nhưng chúng ta cầu nguyện cho đến bao giờ? Tại sao không cầu nguyện một lần cho tất cả?

Trong một ngôi chùa nọ có một tiểu hoà thượng. Công việc của cậu là quét sạch lá rụng trong sân chùa vào mỗi buổi sáng. Chỉ mỗi việc đó nhưng cũng mất rất nhiều thời gian, đặc biệt là vào mùa thu và mùa đông. Chính vì thế, cậu luôn tìm cách để công việc của mình bớt vất vả. Thậm chí cậu còn tìm đến các huynh đệ trong chùa để xin lời khuyên.

Biết được việc này, sư trụ trì liền gọi tiểu hoà thượng đến nói chuyện. Sau khi nghe tiểu hoà thượng trình bày, sư trụ trì mới lên tiếng:

Ngày mai, trước khi quét sân, con hãy rung cây thật mạnh để toàn bộ lá cây rụng xuống. Và ngày hôm sau, con không cần phải quét lá rụng nữa. Tiểu hoà thượng vừa nghe xong, liền nghĩ thầm trong bụng: “Đúng là thầy thông minh hơn người. Mình đến đây đã lâu, cũng nghĩ ra rất nhiều cách, vậy mà vẫn không bằng một câu nói của thầy”.

Thế là hôm sau, cậu dậy thật sớm, chạy một mạch ra sân và dùng hết sức để rung cây. Sau đó, cậu quét sạch lá rụng trong sân. Sau khi mọi ngóc ngách đều đã sạch sẽ thì cậu mới yên tâm quay về ăn cơm. Suốt cả ngày hôm đó, tiểu hoà thượng vô cùng vui vẻ.

Sáng ngày hôm sau, tiểu hoà thượng dậy sớm chạy ra sân xem thử. Cậu không khỏi ngạc nhiên khi mà mọi công sức của cậu ngày hôm qua đều đã trở nên vô ích, bởi sân chùa vẫn ngập lá như mọi hôm. Lúc đó, sư trụ trì mới bước đến nói với tiểu hoà thượng: – Con có biết tại sao ta đưa ra ý kiến đó không? Đó là vì ta muốn để con hiểu rằng: bất kể hôm nay con cố gắng như thế nào thì ngày mai lá vẫn cứ rụng xuống.

Tiểu hoà thượng chợt hiểu ra rằng có rất nhiều việc không thể nào làm trước, mà chỉ có thể học cách đón nhận nó với thái độ tích cực nhất mà thôi.

Cầu nguyện cũng vậy, phải cầu nguyện mỗi ngày, vì mỗi ngày sống của chúng ta đều khác nhau, và thái độ sống mỗi ngày của chúng ta cũng khác nhau, nên chúng ta cần xầu xin Chúa mỗi ngày, cùng với những thay đổi của mỗi ngày sống của chúng ta, để cuộc đời của chúng ta luôn gắn bó với Chúa. Amen.




Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Hc 1,1-9: Sự khôn ngoan được tác tạo trước mọi loài.

Tv 93,1a: Chúa làm vua, Ngài đã mặc thiên oai.

Mc 9,14-29: Lạy Thầy, tôi tin, xin Thầy trợ giúp đức tin hèn kém của tôi.

Lời Chúa cho biết “Sự khôn ngoan được tác tạo trước mọi loài.” Cội nguồn của sự khôn ngoan là Thiên Chúa. Nhân loại đang tìm kiếm và học hỏi sự khôn ngoan được thiết lập từ muôn ngàn đời. Dù cho cố gắng thế nào thì con người cũng không thể biết được những gì có trong trời đất này. Những gì nhân loại biết thì quá bé nhỏ, còn những điều chưa biết thì quá bao la. Sách Huấn Ca cho biết “mọi sự khôn ngoan đều bởi Thiên Chúa, và luôn luôn đã ở với Người.” Điều này nhắc nhở rằng tất cả tạo vật là một lời cầu nguyện sống động của Thần Khí Khôn Ngoan cư ngụ nơi Thiên Chúa. Tin Mừng có ý bảo ta hãy nhớ điều này. Mọi sự con người hiểu biết đều có giới hạn, và khả năng hoạt động cũng bị giới hạn. Do đó, muốn biết thêm, hành động mạnh mẽ hơn thì phải cậy nhờ đến sự khôn ngoan của Thiên Chúa.

Nài xin sự trợ giúp của Chúa bằng cách cầu nguyện. Cầu xin Đấng là nguồn mạch khôn ngoan và là cội nguồn của sức mạnh thì Đấng đó sẽ giải quyết cho. Do vậy, ta phải liên lạc với Đức Khôn Ngoan là Thánh Thần, và khẩn cầu với Chúa Giêsu. Đối với những thế lực xấu và mạnh mẽ như ma quỷ thì con người phải cậy đến ơn Chúa giúp. Lạy Chúa, xin trợ giúp đức tin còn non kém của con.




Thứ Ba - Tuần VII Thường Niên

Mc 9,30-37


Tôma Lê Duy Khang 

Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy việc Chúa Giêsu loan báo cuộc khổ nạn lần thứ 2 cho các môn đệ, và tin mừng nói rõ là Chúa Giêsu chỉ nói riêng với các môn đệ mà thôi, Ngài không muốn cho ai biết chuyện này.

Điều này cho chúng ta thấy, chỉ có những người thân tín người ta mới dám tiết lộ những bí mật mà đối với người khác thì người ta lại không tiết lộ.

Thế nhưng các môn đệ lại không hiểu được tâm tình của Chúa Giêsu bởi vì các ông đang tranh giành với nhau xem ai là người lớn nhất, chính vì thế Chúa Giêsu mới dạy cho các ông bài học: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người phục vụ mọi người”.

Nếu đào sâu thêm chúng ta thấy lời dạy của Chúa Giêsu, không chỉ đơn thuần là dạy các môn đệ khi các ông tranh giành xem ai là người lớn nhất, mà lời dạy đó cũng muốn nói cho các môn đệ biết một điều như thế này, đó là để có thể hiểu được người khác, để có thể cảm nhận được tâm tư tình cảm của người khác dành cho mình, mà cụ thể là tâm tư tình cảm của Chúa Giêsu khi loan báo cuộc khổ nạn, thì phải là người có thái độ đơn sơ khiêm nhường, còn ngược nếu mang tâm tình háo thắng, kiêu ngạo, thì sẽ bị sự háo thắng kiêu ngạo đó che mất lý trí của mình thì sẽ không bao giờ hiểu được người khác.

Chúng ta thấy Đức mẹ là một mẫu gương tuyệt vời cho chúng ta.

Chúng ta hãy nhớ lại 2 câu chuyện trong tin mừng nói về việc Mẹ Maria sống và thực hành lời Chúa.

Câu chuyện thứ nhất, khi Chúa Giêsu đang giảng dạy thì: “Có kẻ nói với Người rằng: "Thưa Thầy, có mẹ và anh em chị em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy! " Nhưng Người đáp lại: "Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi? " Rồi Người rảo mắt nhìn những kẻ ngồi chung quanh và nói: "Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi." (Mc 3, 32-35)

Câu chuyện thứ hai: “Khi Đức Giê-su đang giảng dạy, thì giữa đám đông có một người phụ nữ lên tiếng thưa với Người: "Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm! " Nhưng Người đáp lại: "Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11,27-28).

Hai câu chuyện đó đều quy hướng về Đức Mẹ là người đã biết lắng nghe và thực hành lời Chúa.

Nhưng tại sao Mẹ Maria lại có thể lắng nghe và thực hành lời Chúa? Thưa vì mẹ có sự hiền lành và khiêm nhường, không nóng nảy.

Nếu đọc lại tin mừng chúng ta sẽ thấy được đức tính đó của mẹ, chẳng hạn như khi Chúa Giêsu được sinh ra ở Bêlem có những người chăn chiên đến họ liền kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi này. Nghe các người chăn chiên thuật chuyện, ai cũng ngạc nhiên. Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng. (Lc 2, 18-19)

Hay khi lạc mất Chúa Giêsu trong đền thờ, thánh Giuse và Mẹ đi tìm Chúa Giêsu, khi tìm gặp rồi thì mẹ nói: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con! " Người đáp: "Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao? " Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói. Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng.” (Lc 2, 48-51).

Chúng ta thấy Đức Mẹ không có gì là vội vã, chỉ biết suy đi nghĩ lại trong lòng, chính vì thế mà đã nghe được tiếng Chúa, và thực thi thánh ý Chúa trong cuộc đời của mẹ.

Chúng ta cũng được mời gọi như thế, để có thể lắng nghe và thực hành thánh ý Chúa trong cuộc đời của mình. Amen.




Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Hc 2,1-13: Hãy chuẩn bị tâm hồn để chịu cám dỗ.

Tv 37,5: Bạn hãy phó thác đường lối mình cho Chúa, và để chính Người hành động.

Mc 9,30-37: Con Người sẽ bị nộp. Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết.

Lời Chúa trong sách Huấn ca kêu gọi chúng ta giữ gìn những tiêu chuẩn cần thiết trong đời sống tương quan với Chúa. Đó là hãy sống công chính và kính sợ, và chuẩn bị tâm hồn để chịu thử thách. Hãy lắng tai nghe và nhận lấy lời dạy của lương tri; và đừng vội vã trong lúc cùng quẫn. Hãy nương tựa vào sự nâng đỡ của Thiên Chúa và hãy liên kết với Người, và kiên nhẫn. Hãy chấp nhận tất cả những gì xảy đến và hãy kiên trì trong đau khổ, hãy nhẫn nại trong hoàn cảnh thấp hèn. Hãy tin vào Thiên Chúa, cứ thẳng đường và hy vọng vào Người.

Nhờ sự kính sợ Thiên Chúa, con người được Chúa ban thưởng khỏi phải sa ngã, được hân hoan, được soi trí mở lòng. Kinh nghiệm cho biết không ai trông cậy vào Chúa mà phải hổ thẹn. Vì Chúa không chê bỏ bất kỳ lời nào hay người nào kêu xin đến Người. Trông cậy vào Thiên Chúa thì Người sẽ bênh vực cho. Vì vậy, ta học từ Thánh vịnh: hãy ký thác đường đời cho Chúa. Sự phó thác này dõi theo sự vâng phục thánh ý Chúa Cha của Chúa Giêsu. Ngài biết bản thân phải trải qua những gì vào những giờ cuối cùng nhưng Ngài đã chọn phó thác và trông cậy vào sự quan phòng của Chúa Cha. Xin Lời Hằng Sống giúp chúng con.



Thứ Tư - Tuần VII Thường Niên

Mc 9,38-40

Tôma Lê Duy Khang 

Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta câu chuyện Gioan nói với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta."  Chúa Giêsu bảo: "Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy. Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.

Nếu nhìn với cái nhìn bình thường, thì chúng ta thấy câu trả lời Chúa Chúa Giêsu đúng là câu trả lời của của Đấng Thánh, một câu trả lời, một cái nhìn bao dung rộng lượng, còn ngược lại lời của Gioan đó là lời của người phàm nhân, nhưng lời lẽ hẹp hòi, không rộng lượng.

Nhưng nếu đào sâu thêm, chúng ta thấy cái nhìn của Chúa Giêsu không phải chỉ dừng lại ở cái nhìn bao dung quảng đại, bởi bao dung quảng đại với ai đó, có thể là do người đó làm điều sai trái không đúng, nhưng cái nhìn của Chúa Giêsu đó còn là cái nhìn đúng đắn nữa.

Tại sao lại đúng đắn?

Chúng ta hãy nhớ câu chuyện tin mừng ngày thứ hai Chúa Giêsu chữa lành đứa bé bị quỷ câm ám, nhưng các môn đệ của Chúa Giêsu thì không chữa được, Chúa mới Giêsu mới cho biết lý do là: “Giống quỷ này, chỉ có cầu nguyện mới trừ được mà thôi”. (x. Mc 9,14-29).

Hay trong lệnh truyền truyền giáo Chúa Giêsu có nói: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án. Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ." (Mc 16, 15-18).

Như vậy, chúng ta thấy những người nhân danh Chúa mà trừ quỷ mà họ lại trừ quỷ được vì họ tin vào Chúa, nhưng có điều là họ chưa theo Chúa mà thôi.

Nên trong cuộc sống của chúng ta để có cái nhìn đúng đắn thì điều đầu tiên chúng ta được mời gọi phải có cái nhìn bao dung, từ cái nhìn bao dung đó chúng ta mới không đánh giá theo cảm tính của mình, mà nhờ đó chúng ta mới tìm hiểu và thấy được những điều đúng đăn xung quanh chúng ta.

Và nếu chúng ta có cái nhìn bao dung, cho dầu anh chị em của chúng ta có làm điều gì khôn đúng đắn, chúng ta sẽ giúp cho họ sửa đổi để họ sống đúng đắn hơn.

Chúng ta thấy Gioan ngay từ đầu đã không có cái nhìn bao dung nên đã đánh giá theo cảm tính, đã đánh gia theo thói quen, đã đánh giá theo phe nhóm, nên không có cái nhìn đúng đắn để nhận ra được vì sao mà những người không thuộc nhóm của mình lại có thể trừ quỷ. Và nếu không có cái nhìn bao dung như Gioan, sở dĩ người anh em của chúng ta không có việc làm đúng đắng thì vô tình chúng ta đẩy anh em của mình ra xa thêm nưa.

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta hiểu được như vậy để có cái nhìn bao dung và có cái nhìn đúng đắn, để nâng đỡ anh chị em của mình. Amen.




Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Hc 4,11-19: Ai yêu mến khôn ngoan, thì được Đức Chúa mến yêu.

Tv 119,165: Lạy Chúa, kẻ yêu luật Chúa hưởng an bình thư thái.

Mc 9,38-40: Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.

Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta về tình yêu đối với sự khôn ngoan, sự hiệp nhất trong đức tin và bình an khi sống theo luật Chúa.

Sách Huấn Ca khẳng định rằng khôn ngoan dẫn dắt những ai yêu mến nó đến với tình yêu của Thiên Chúa. Người biết tìm kiếm khôn ngoan sẽ không lầm đường lạc lối. Khôn ngoan không chỉ là hiểu biết mà còn là sống theo sự thật của Chúa, biết nhận ra thánh ý Ngài trong cuộc sống hằng ngày.

Thánh Vịnh 119 tiếp tục khẳng định: “Lạy Chúa, kẻ yêu luật Chúa hưởng an bình thư thái.” Bình an không đến từ của cải hay quyền lực, mà từ việc sống theo Lời Chúa. Người tuân giữ luật Ngài sẽ không còn lo sợ, vì biết rằng mình đang đi đúng con đường Chúa muốn.

Tin Mừng Máccô dạy chúng ta về tinh thần hiệp nhất trong sứ vụ. Khi các môn đệ thấy người ngoài nhóm làm phép lạ nhân danh Chúa Giêsu, họ muốn ngăn cản. Nhưng Chúa khẳng định: “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.” Điều này mời gọi chúng ta biết mở lòng, tránh thái độ chia rẽ, và cùng nhau xây dựng Nước Trời.

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con biết yêu mến khôn ngoan, trung thành với luật Ngài và sống tinh thần hiệp nhất trong yêu thương. Amen.


 


Thứ Năm - Tuần VII Thường Niên

Mc 9, 41-50

Tôma Lê Duy Khang 

Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Kitô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu."Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn.”

Chúng ta hãy nhớ trong tin mừng Luca Chúa Giêsu cũng nói một điều tương tự như thế đó là: “Không thể không có những cớ làm cho người ta vấp ngã; nhưng khốn cho kẻ làm cớ cho người ta vấp ngã! Thà buộc cối đá lớn vào cổ nó và xô xuống biển, còn lợi cho nó hơn là để nó làm cớ cho một trong những kẻ bé nhỏ này vấp ngã. Anh em hãy đề phòng!” (Lc 17,1-3).

Rồi đọc tiếp tin mừng thì Chúa nói: “Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một tay mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa hoả ngục, phải vào lửa không hề tắt. Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một chân mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai chân mà bị ném vào hoả ngục. Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì móc nó đi; thà chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào hoả ngục, nơi giòi bọ không hề chết và lửa không hề tắt.”

Chúng ta để ý ở trên Chúa nói: “Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn.” Thế thì tại sao ở đoạn tiếp theo Chúa Giêsu lại chỉ cách dứt khoát với tội lỗi?

Thưa vì Chúa muốn cho con người cơ hội để sửa sai.

Và nếu đào sâu hơn chúng ta thấy Chúa muốn dạy chúng ta bài học làm cớ cho người ta vấp phạm không phải là mình làm điều này điều kia theo kiểu là làm điều xấu để làm gương xấu, mà khi chúng ta không cho nhau cơ hội để tha thứ, chúng ta không biết sửa lỗi cho nhau,… thì chúng ta cũng đang làm cớ cho người khác vấp phạm, và người khác này có thể chính là đương sự đó với chúng ta, và người khác này có thể là những người xung quanh chúng ta, họ nhìn vào đời sống của chúng ta, thì đó là cớ cho họ vấp phạm.

Chúng ta thấy Chúa Giêsu mặc dầu bị người do thái đóng đinh trên thập giá, nhưng trước khi trút hơi thở cuối cùng trên thập giá, Chúa Giêsu đã nói với Chúa Cha: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm”.

Xin cho mỗi người chúng ta hiểu được điều đó, để biết cho nhau cơ hội, để biết nâng đỡ lẫn nhau… để đừng làm cớ cho người khác vấp phạm vì chúng ta, để khỏi bị buộc cối đá vào cổ mà quăng xuống biển. Amen.




Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Hc 5,1-8: Đừng trì hoãn, hãy trở về với Chúa đi.

Tv 1: Phúc thay người đặt tin tưởng nơi Chúa (Tv 40,5).

Mc 9,41-50: Thà cụt một tay mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa hoả ngục.

Lời Chúa hôm nay là một lời cảnh tỉnh mạnh mẽ, mời gọi chúng ta sống trung tín với Chúa và loại bỏ mọi cản trở trên con đường nên thánh.

Sách Huấn Ca khuyến cáo chúng ta đừng trì hoãn việc trở về với Chúa. Nhiều người có xu hướng ỷ lại vào sự giàu có, sức khỏe hay thành công, nghĩ rằng còn nhiều thời gian để hoán cải. Nhưng không ai biết trước tương lai, và cái chết có thể đến bất cứ lúc nào. Vì thế, hôm nay chính là thời điểm tốt nhất để trở về với Chúa.

Thánh Vịnh 40 nhắc nhở: “Phúc thay người đặt tin tưởng nơi Chúa.” Thay vì dựa vào những thứ chóng qua, người khôn ngoan đặt niềm tin vào Thiên Chúa, vì Ngài là Đấng duy nhất có thể ban cho chúng ta hạnh phúc đích thực và sự sống đời đời.

Tin Mừng Máccô tiếp tục nhấn mạnh rằng: cần loại bỏ mọi cản trở có thể khiến ta xa Chúa. Chúa Giêsu dùng hình ảnh quyết liệt: “Thà cụt một tay mà được vào cõi sống còn hơn có đủ hai tay mà sa hỏa ngục.” Điều này không có nghĩa là cắt bỏ thân thể, nhưng mời gọi chúng ta can đảm từ bỏ tội lỗi, thói quen xấu, và những gì làm tổn thương mối tương quan với Chúa.

Sự thánh thiện đòi hỏi hy sinh. Chúng ta có dám loại bỏ những điều cản trở mình sống đẹp lòng Chúa không? Hôm nay, chúng ta hãy quyết tâm trở về với Ngài, đừng trì hoãn thêm nữa!



Thứ Sáu - Tuần VII Thường Niên

Mc 10,1-12

Tôma Lê Duy Khang 

Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy câu hỏi của những người biệt phái dành cho Chúa Giêsu đó là có được phép ly dị hay không vì luật Môse cho cấp giấy lý dị và cho ly dị, nhưng Chúa Giêsu nói: "Chính vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Mô-sê mới viết điều răn đó cho các ông. Còn lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ; vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly."

Nghĩa là không được phép ly dị vì đó là Thiên Luật là luật của Thiên Chúa.

Nhưng nếu nhìn dưới cái nhìn của thánh Phaolo, thì thánh Phaolo nói như thế này: “Vì lòng kính sợ Đức Ki-tô, anh em hãy tùng phục lẫn nhau. Người làm vợ hãy tùng phục chồng như tùng phục Chúa, vì chồng là đầu của vợ cũng như Đức Ki-tô là đầu của Hội Thánh, chính Người là Đấng cứu chuộc Hội Thánh, thân thể của Người. Và như Hội Thánh tùng phục Đức Ki-tô thế nào, thì vợ cũng phải tùng phục chồng trong mọi sự như vậy. Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Ki-tô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh” (Ep 5, 21-25) nghĩa là hình ảnh của người vợ và người chồng trong đời sống hôn nhân gia đình, đó là hình ảnh của Đức Kito và Hội Thánh, Đức Kito yêu thương hội thánh.

Trong bài đọc kinh sách bài đọc 2, được đọc vào ngày thứ 5 tuần 32 thường niên của một tác giả thế kỷ thứ hai có viết như thế này: “Hội Thánh sống động là thân thể Đức Ki-tô. Thật vậy, Kinh Thánh nói : Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ. Người nam là Đức Ki-tô, người nữ là Hội Thánh. Cả Sách Thánh lẫn các Tông Đồ đều nói: Chắc chắn Hội Thánh không phải chỉ mới có trong thời gian, nhưng đã có từ nguyên thuỷ. Thật vậy, cũng như Đức Giê-su của chúng ta, Hội Thánh vốn thiêng liêng, nhưng vào thời sau hết, đã xuất hiện để cứu độ chúng ta.

Hội Thánh vốn thiêng liêng, nhưng đã xuất hiện nơi con người Đức Ki-tô, để tỏ cho chúng ta biết rằng : nếu chúng ta trung thành với Hội Thánh hữu hình, thì chúng ta sẽ thuộc về Hội Thánh vô hình. Quả vậy, thân thể này là hình ảnh của thần khí ; ai đã làm hỏng hình ảnh, thì không cảm nhận được nguyên mẫu. Vì thế, thưa anh em, có lời rằng : hãy trung thành với thân thể để được thông phần thần khí. Nếu chúng ta nói Hội Thánh là thân xác và Đức Ki-tô là thần khí, thì phải kết luận rằng ai lăng mạ thân xác là lăng mạ Hội Thánh. Và như thế là không thông phần với thần khí là Đức Ki-tô. Một khi được Thánh Thần trợ giúp, thân xác có thể nhận được sự sống cao cả và bất hoại như thế. Không ai có thể diễn tả hoặc nói hết được những gì Chúa đã dành sẵn cho những kẻ được Người tuyển chọn.

Như vậy, nếu người nam và người nữ là hình ảnh của Đức Kito và Hội Thánh, mà Chúa Kito được ví như người nam, còn Hội Thánh thì được ví như người nữ, nếu người nam và người nữ ly di nhau tách rời nhau, thì cũng giống như việc Đức Kito sẽ tách rời hội thánh, mà nếu Chúa tách rời Hội Thánh, thì thật nguy hại cho con người, bởi nếu không có Chúa thì không có giáo hội, vì Chúa là đầu của Hội Thánh.

Nên chúng ta sống đời sống hôn nhân, sống chung thủy với nhau là chúng ta đang sống mầu nhiệm giữa Đức Kito và hội thánh, và khi sống như vậy, chúng ta đang hưởng nếm trước hạnh phúc trong ngày sum họp thiêng liêng giữa Đức Kito và Hội Thánh. Amen.




Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Hc 6,5-17: Không có gì đổi lấy được một người bạn trung thành.

Tv 119,35a: Lạy Chúa, trên đường mệnh lệnh Chúa, xin dẫn con đi.

Mc 10,1-12: Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.

Lời Chúa hôm nay nhấn mạnh đến hai mối quan hệ quan trọng trong đời sống: tình bạn trung thành và hôn nhân bền vững.

Sách Huấn Ca ca ngợi giá trị của tình bạn chân thành. Một người bạn trung tín là một kho báu quý giá, không gì có thể đánh đổi được. Nhưng để có được tình bạn ấy, trước hết chúng ta phải là một người bạn trung thành, biết yêu thương, tha thứ và nâng đỡ nhau trong đức tin.

Thánh Vịnh 119 bày tỏ tâm tình của người tín hữu: “Lạy Chúa, trên đường mệnh lệnh Chúa, xin dẫn con đi.” Khi để Chúa hướng dẫn, chúng ta sẽ biết cách xây dựng các mối quan hệ trong tình yêu và sự trung tín.

Tin Mừng Máccô nhắc nhở chúng ta về sự thánh thiện và bất khả phân ly của hôn nhân. Khi bị thử thách về việc ly dị, Chúa Giêsu khẳng định: “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.” Hôn nhân không chỉ là một cam kết giữa hai người, mà còn là một giao ước thiêng liêng có sự hiện diện của Thiên Chúa. Để bảo vệ hôn nhân, vợ chồng cần trung thành, yêu thương và tha thứ cho nhau mỗi ngày.

Trung thành trong tình bạn và hôn nhân là một lời chứng sống động về tình yêu của Thiên Chúa. Xin Chúa giúp chúng ta biết sống trung tín với Ngài và với nhau, để mọi tương quan đều trở thành nguồn ơn phúc.


Thứ Bảy - Tuần VII Thường Niên

Mc 10,13-16

Tôma Lê Duy Khang 

Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy việc người ta đưa trẻ nhỏ đến với Chúa Giêsu, để Người đặt tay trên chúng. Nhưng các môn đệ la rầy chúng.

Thấy vậy, Người bực mình nói với các ông: "Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng. Thầy bảo thật anh em: Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào." Rồi Người ôm lấy các trẻ em và đặt tay chúc lành cho chúng.

Chi tiết này cho chúng ta thấy được điều gì? Thưa chi tiết đó cho chúng ta thấy được Chúa Giêsu không chỉ đến với người ta: “Ta còn phải đi đến những nơi khác để chữa bệnh và trừ quỷ”, hoặc Chúa Giêsu sai các môn đệ đi: “Hãy đến với những con chiên lạc nhà Israen”.

Nhưng Chúa còn muốn con người phải đến với Chúa nữa.

Chúng ta hãy nhớ trong tin mừng có nhiều điểm đã nói về điều này.

Chẳng hạn như khi kêu gọi các môn đệ đầu tiên: “Người đang đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê, thì thấy ông Si-môn với người anh là ông An-rê, đang quăng lưới xuống biển, vì họ làm nghề đánh cá. Người bảo họ: "Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá." Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người.

Đi xa hơn một chút, Người thấy ông Gia-cô-bê, con ông Dê-bê-đê, và người em là ông Gio-an. Hai ông này đang vá lưới ở trong thuyền. Người liền gọi các ông. Và các ông bỏ cha mình là ông Dê-bê-đê ở lại trên thuyền với những người làm công, mà đi theo Người.” (Mc 1, 16-20).

Hay Chúa Giêsu nói: "Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng." (Mt 11,28-30).

Đến với Chúa, có nghĩa là chúng ta ý thức có Chúa trong cuộc đời của mình, nếu như vậy dù trong bất cứ hoàn cảnh nào thì cuộc đời của chúng ta cũng sẽ có Chúa, mà có Chúa thì cuộc đời của ta sẽ có bình an và hạnh phúc.

Một nhà truyền giáo đến thăm viếng một cậu bé da đen trong lúc cậu sắp sửa lìa đời. Cậu bé liền nói với nhà truyền giáo này về niềm hạnh phúc mà cậu cảm thấy và niềm ao ước được về với Chúa Giêsu.

Cậu bé nói: Chẳng bao lâu, con sẽ được lên Thiên đàng, con sẽ nhìn thấy Đức Giêsu và ở với Ngài mãi mãi.

  Nhà truyền giáo đáp: Nhưng nếu Đức Giêsu phải rời khỏi Thiên đàng, con sẽ làm gì ? Con sẽ đi theo Người.

  Nhà truyền giáo lại nói: Nhưng giả thử Đức Giêsu đi xuống hỏa ngục, con sẽ làm gì ?

Trong giây lát, với một cái nhìn thông minh và một nụ cười trên nét mặt, cậu bé đáp: Ồ, ở đâu có Chúa Giêsu, thì ở đó không thể có hoả ngục. Chúa Giêsu ở đâu, ở đó là Thiên đàng.

Xin cho mỗi người chúng ta có tâm tình như thế, để cuộc đời của chúng ta có Chúa Giêsu để dù ở đâu, trong hoàn cảnh nào thì nơi đó là Thiên đàng danh cho chúng ta. Amen.




Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Hc 17,1-5: Thiên Chúa tạo ra con người theo hình ảnh Người..

Tv 103:17: Ân tình Chúa thiên thu vạn đại, Chúa dành cho ai kính sợ Người.

Mc 10,13-16: Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào.

Các bài đọc hôm nay mời gọi chúng ta suy ngẫm về con người của mình trước mặt Chúa và cách ta đáp lại tình yêu của Người.

Trong sách Huấn Ca, ta được nhắc nhở rằng con người được tạo dựng theo hình ảnh của Chúa. Người đã ban cho ta sự khôn ngoan, ý chí tự do và khả năng biết và yêu Người. Tuy nhiên, chúng ta có thực sự phản ánh hình ảnh của Người trong cách chúng ta sống không?

Thánh vịnh 103 trấn an ta về lòng nhân từ vĩnh cửu của Chúa đối với những ai kính sợ Người. Tình yêu của Người là bất biến, nhưng ta có tin tưởng Người là Cha yêu thương của mình không? Hay chúng ta chỉ dựa vào chính mình?

Trong Phúc âm Máccô, Chúa Giêsu nói: “Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào.” Một đứa trẻ hoàn toàn tin tưởng, phụ thuộc vào tình yêu của cha mẹ và luôn sẵn sàng học hỏi và tiếp nhận. Chúa Giêsu kêu gọi ta có cùng đức tin như trẻ thơ - một trái tim tin tưởng, yêu thương và quy phục Chúa.

Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho ta ân sủng để trở nên giống như trẻ nhỏ - tin tưởng, yêu thương và mở lòng đón nhận ý muốn của Người. Xin cho mỗi người phản ánh hình ảnh của Chúa trong cuộc sống của mình và bước đi trong lòng nhân từ của Chúa.