
CHÚA NHẬT VI THƯỜNG NIÊN - C
(Gr 17,5-8; 1 Cr 15,12.16-20; Lc 6,17.20-26)
Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta câu chuyện Chúa Giêsu nói về 4 mối phúc và 4 mối không phúc.
Nhưng chúng ta cần để ý đó là nghèo khó, đói khát, khóc lóc, bị phỉ báng chỉ là phương tiện chứ không phải cùng đích, và không đương nhiên là người người khó, khóc lóc, đói khát, bị phỉ báng là có phúc.
Còn ngược lại giàu có, vui cười, no đủ, được ca tụng thì đương nhiên là vô phúc, nhưng ý Chúa muốn nói là những điều đó dễ làm cho con người có khuynh hướng để nghiêng chiều về điều tốt, dễ hướng về Chúa, hay dễ có khuynh hướng nghiêng chiều về điều không tốt, dễ đi xa Chúa , hay nói cách khác là phúc hay không phúc là cuộc đời có gắn bó với Chúa hay không không gắn bó với Chúa, nên những thứ bên ngoài chỉ là phương tiện.
Trong bài đọc 1 trích sách ngôn sứ Giêremia, có nói: “Đáng nguyền rủa thay kẻ tin ở người đời, lấy sức phàm nhân làm nơi nương tựa, và lòng dạ xa rời ĐỨC CHÚA! Người đó sẽ như bụi cây trong hoang địa chẳng được thấy hạnh phúc bao giờ, hạnh phúc có đến cũng chẳng nhìn ra, nhưng sẽ ở mãi nơi đồng khô cỏ cháy, trong vùng đất mặn không một bóng người. Phúc thay kẻ đặt niềm tin vào ĐỨC CHÚA, và có ĐỨC CHÚA làm chỗ nương thân. Người ấy như cây trồng bên dòng nước, đâm rễ sâu vào mạch suối trong, mùa nóng có đến cũng chẳng sợ gì, lá trên cành vẫn cứ xanh tươi, gặp năm hạn hán cũng chẳng ngại, và không ngừng trổ sinh hoa trái.”
Nhưng vấn đề đặt ra với mỗi người chúng ta đó là phải chăng cuộc đời của chúng ta chỉ dừng lại ở phúc ở đời này? Thưa không, mà phải có hạnh phúc ở đời sau.
Bài đọc hai thánh Phaolo nói: “Nhưng nếu chúng tôi rao giảng rằng Đức Ki-tô đã từ cõi chết trỗi dậy, thì sao trong anh em có người lại nói: không có chuyện kẻ chết sống lại? Vì nếu kẻ chết không trỗi dậy, thì Đức Ki-tô cũng đã không trỗi dậy. Mà nếu Đức Ki-tô đã không trỗi dậy, thì lòng tin của anh em thật hão huyền, và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của anh em. Hơn nữa, cả những người đã an nghỉ trong Đức Ki-tô cũng bị tiêu vong. Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Ki-tô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người.
Nhưng không phải thế! Đức Ki-tô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu.”
Nếu chúng ta chỉ tin Chúa ở đời này thì theo thánh Phaolo thì chúng ta chỉ là những kẻ đáng thương nhất mà thôi.
Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ: “Thầy nói cho anh em là bạn hữu của Thầy được biết: Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác, mà sau đó không làm gì hơn được nữa. Thầy sẽ chỉ cho anh em biết phải sợ ai: hãy sợ Đấng đã giết rồi, lại có quyền ném vào hoả ngục. Thật vậy, Thầy nói cho anh em biết: anh em hãy sợ Đấng ấy.” (Lc 12, 4-5).
Con người của chúng ta thường bị ngộ nhận về điều này, để rồi dẫn đến sai lầm.
Câu chuyện anh thanh niên có nhiều của cải, anh đã ngộ nhận rằng chỉ có hạnh phúc ở đời này, nên đã anh không dám mạo hiểm để làm theo lời của Chúa Giêsu là bán tất cả mọi sự để chia cho người nghèo.
Thánh Phêrô cũng bị ngộ nhận sau sự kiện đó, nên hỏi Chúa Giêsu: “"Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ những gì là của mình mà theo Thầy." Người đáp: "Thầy bảo thật anh em: chẳng hề có ai bỏ nhà, bỏ vợ, anh em, cha mẹ hay con cái vì Nước Thiên Chúa, mà lại không được gấp bội ở đời này và sự sống vĩnh cửu ở đời sau." (Lc 18, 28-30) Chúa Giêsu đã chỉ cho ông thấy không chỉ có sự sống ở đời này, mà còn có sự sống vĩnh cửu ở đời sau.
Nhưng ông không nhận ra được điều này, chính vì thế, mà sau này khi mà Chúa Giêsu bị bắt ông đã trối Chúa, để rồi đến khi Chúa Giêsu sống lại thật sự hiện ra củng cố đức tin cho các ông, thì ông và các môn đệ mới tin vào Chúa, mới sẵn sàng hy sinh mạng sống làm chứng cho Chúa.
Hay nhiều khi có người không tin Chúa ở đời này và ở đời sau để rồi thách thức Chúa.
Một người vô thần ngày nọ đứng giữa công trường, ngửa mặt thách Chúa trong 5 phút xem có dám giết ông không.
5 phút trôi qua, chẳng có chuyện gì xảy ra. Anh ngạo nghễ ăn nói xúc phạm đến Chúa. Chợt một bà già hỏi :
- Này ông, ông có đứa con nào không ?
- Ồ, sao bà lại hỏi thế ?
- Nếu một đứa con anh cầm con dao đưa cho anh bảo anh giết nó, anh có làm không ?
- Không, tôi thương chúng lắm.
- Chúa cũng vậy, Ngài thương anh lắm, đâu nỡ giết anh.
Xin cho mỗi người chúng ta biết tin Chúa ở đời này và ở đời sau. Amen.
Thứ Hai - Tuần VI Thường Niên
Mc 8,11-13
Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy việc những người biệt phái đòi Chúa Giêsu làm điềm lạ, và kinh thánh nói là để thử Chúa Giêsu, nghĩa là họ không có nói là xin dấu lạ để thử Chúa Giêsu, mà kinh thánh nói, nhưng Chúa Giêsu đã không làm dấu lạ theo như họ yêu cầu, mà Chúa Giêsu đã bỏ họ ở đó, mà xuống thuyền đi sang bờ bên kia.
Chi tiết đó cho chúng ta biết được những người do thái tuy rằng họ không nói xin dấu lạ để thử Chúa, nhưng mà kinh thánh nói điều đó, để cho chúng ta thấy được rằng mục đích của họ xin Chúa Giêsu điềm lạ là để làm gì?
Nếu chúng ta đào sâu thêm, chúng ta sẽ thấy được điều này, đó là việc người biệt phái xin điềm lạ, nói theo cái nhìn của kinh thánh là để thử Chúa Giêsu, thì việc này cho thấy họ không biết họ đang suy nghĩ điều gì, họ không biết họ nói điều gì, họ không biết họ làm điều gì, họ không biết họ xin điều gì? Chính vì thế, mà Chúa Giêsu đã không làm theo như lời họ yêu cầu.
Chúng ta hãy nhớ lại câu chuyện bà mẹ của các con ông Dê-bê-đê đến gặp Chúa Giêsu, có các con bà đi theo; bà bái lạy và kêu xin Người một điều. Người hỏi bà: "Bà muốn gì?" Bà thưa: "Xin Thầy truyền cho hai con tôi đây, một người ngồi bên hữu, một người bên tả Thầy trong Nước Thầy." Chúa Giêsu bảo: "Các người không biết các người xin gì! Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không? " (Mt 20, 20-22).
Hay câu chuyện Chúa Giêsu biến hình trên núi, khi thấy Chúa Giêsu biến hình trên núi thì thánh Phêrô nói với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a." (Mc 9,5), và kinh thánh ghi lại một chi tiết như thế này, đó là: “Thực ra, ông không biết phải nói gì, vì các ông kinh hoàng.” (Mc 9, 6).
Nên chúng ta thấy, khi một người không biết mình xin gì, không biết mình nói gì, thì đó là một người bị bệnh liệu, muốn nói gì thì nói, thì lời nói đó không có giá trị, chính vì thế, mà Chúa Giêsu không thể đáp ứng những lời cầu xin đó.
Trong cuộc đời của mỗi người chúng ta cũng vậy, khi suy nghĩ điều gì, khi nói điều gì, khi làm điều gì, hoặc khi xin điều gì phải biết mình mình nghĩ điều gì, phải biết mình nói điều gì, phải biết mình làm điều gì, phải biết mình xin điều gì?
Nghĩa là những điều đó người khác có làm được cho chúng ta hay không, điều đó có ích lợi cho chúng ta hay không, nếu người ta làm được cho chúng ta mà không ích lợi cho chúng ta thì đừng nghĩ, đừng nói, đừng xin, còn nếu người ta làm được, mà lại ích lợi cho chúng ta, ích lợi cho người khác, thì chúng ta cứ nghĩ, cứ nói, cứ xin, thì chắc chắn sẽ được đáp ứng, chắc chắn sẽ được giúp đỡ. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
St 4,1-15.25: Cain xông vào giết Abel em mình.
Tv 50,14a: Hãy hiến dâng Thiên Chúa lời khen ngợi.
Mc 8,11-13: Tại sao thế hệ này lại xin điềm lạ?
Lời Chúa hôm nay dạy chúng ta phải biết tin tưởng vào Thiên Chúa trong mọi sự. Thiên Chúa đã làm nên bao việc lạ lùng đến nỗi con người không thể giải thích được. Chúa Giêsu đã hóa bánh ra nhiều để nuôi dân chúng. Có ai làm được như thế? Chúa Giêsu chữa lành mọi loại bệnh tật. Thầy thuốc nào làm được như Ngài? Vậy mà người ta vẫn cứ muốn thử thách Chúa chứ không phải chỉ muốn thêm một điềm lạ. Bao điềm thiêng dấu lạ đã xảy ra mà tâm trí người ta có thôi ngừng tìm kiếm. Nếu để tâm hồn lắng đọng lại và tập trung suy nghĩ về một dấu lạ trong các điềm lạ thôi thì đã đủ làm cho người ta cảm mến, ngợi khen Thiên Chúa.
Thật là đáng tiếc cho những ai chỉ muốn biết dấu lạ để tìm hiểu và kiểm soát nó mà quên đi Đấng đã tạo nên điều lạ đó. Chúa Giêsu là Đấng làm nên bao việc lạ lùng, thế mà họ không quý trọng. Họ chỉ chăm chăm đi tìm những gì Ngài làm ra. Khi chúng ta có Đấng toàn năng ở cùng thì lo gì những điều tốt đẹp không xảy ra. Chúa Giêsu có những đường lối riêng của Ngài mà chúng ta thường thấy khó hiểu. Thiên Chúa cho phép chúng ta tìm thấy Ngài khi chúng ta thực sự tìm kiếm Ngài. Xin Chúa giúp chúng ta hiểu đâu là đường lối của Ngài và làm thế nào chúng ta có thể phân biệt các dấu lạ của Ngài ngày nay.
Thứ Ba - Tuần VI Thường Niên
Mc 8,14-21
Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy việc các môn đệ quên mang theo bánh và chỉ còn có một cái bánh trên thuyền, nhân cơ hội này Chúa Giêsu đã dạy các ông một bài học là hãy coi chừng men biệt phái và men Hêrode.
Nếu đọc tin mừng này dưới ánh sáng của câu chuyện Chúa Giêsu dạy các môn đệ về việc sửa lỗi anh em, thì một cách nào đó, lời Chúa dạy hôm nay cũng là một cách Chúa sửa dạy các môn đệ của Chúa.
Tại sao vậy? nếu đọc tiếp tin mừng chúng ta sẽ thấy sau khi Chúa Giêsu dạy các ông là hãy coi chừng men biệt phái và men Hêrode, thì các ông không hiểu, và chỉ nói về chuyện không có bánh mà thôi.
Nhưng chúng ta biết trước đó Chúa Giêsu đã làm phép lạ hóa bánh ra nhiều, thế mà các môn đệ lại không tin vào quyền năng của Chúa, hình ảnh đó giống như hình ảnh của những người biệt phái không tin vào Chúa Giêsu khi đã chứng kiến Chúa Giêsu làm nhiều dấu lạ.
Chính vì thế, mà nhận cơ hội không các môn đệ đang bàn tán về việc không có bánh, mà Chúa Giêsu đã sửa lỗi các ông trong tinh thần huynh đệ.
Noi gương của Chúa Giêsu mỗi người chúng ta được mời gọi sửa lỗi nhau trong tình huynh đệ, khéo léo dừng miệng lưỡi, dùng hành động tốt lành của mình để giúp người anh em của chúng ta nhận ra lầm lỗi để sửa sai.
Nhưng điều quan trọng hơn là chúng ta được mời gọi hãy dùng chính tình thương của mình để cảm hóa người khác.
Năm 1868, tại Aquisgrana, trong một tuần đại phúc, linh mục kể câu chuyện sau đây làm xúc động mọi người nghe.
“Cách đây không lâu, có một người mẹ nghèo sắp chết, nằm trên giường. Các con của bà tựu lại quanh giường, trừ ra một đứa con không có mặt. Nó đang bị giam tù năm năm vì một tội phạm. Mẹ nó, vì thế, đau khổ và mau chết. Nhiều người đã từng khuyên bảo nó hãy ăn năn hối cải, nhưng vô hiệu.
Bà mẹ đạo đức nầy đang nằm trên giường chết, muốn khuyên nó một lần cuối cùng. Bà xin quan cai tù cho mình gặp được đứa con tù nhân trước khi chết. Quan cai tù bằng lòng, cho quân lính dẫn nó đến giường mẹ nó sắp chết. Mẹ nó không còn sức để nói ra lời nào với con, chỉ còn đủ sức nhìn con một cách sâu lắng rồi chết. Và liếc nhìn của người mẹ đã làm phép lạ!
Đứa con bị dẫn đưa về lại nhà tù. Về đến nhà tù, nó quỳ gối xuống, nức nở khóc. Nó hết lòng ăn năn và xin xưng tội.
Ơn Chúa làm cho nó nhiều hơn nữa: khi mãn tù, nó xin đi tu làm linh mục. Và đứa con đó, chính là tôi đây!”
Và linh mục nầy khuyên thêm:
- “Anh chị em thân mến, hãy can đảm, hãy cậy trông! Tội ta có lớn đến đâu mặc lòng, nhưng lòng tốt lành và lòng thương xót của Chúa còn lớn hơn tội của ta nhiều.”
Mọi người nghe đều bồi hồi xúc động. Trong số nầy, có nhiều kẻ thêm lòng trông cậy vào lượng từ bi của Chúa, và có nhiều kẻ ăn năn trở về với Chúa.
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta hiểu được điều đó để nâng đỡ anh chị em của chúng ta trong đời sống thường ngày, cũng như trong đời sống đức tin. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
St 6,5-8;7,1-5.10: Ta sẽ huỷ diệt khỏi mặt đất loài người mà Ta đã dựng nên.
Tv 29,11b: Chúa sẽ chúc phúc cho dân Người trong cảnh thái bình.
Mc 8,14-21: Các con hãy ý tứ giữ mình khỏi men biệt phái và men Hêrôđê.
Lời Chúa hôm nay nói Chúa muốn con người phải tốt hơn xuyên qua sự hỗn độn của cuộc sống. Con người luôn luôn có nguy cơ bị sa vào tội lỗi. “Thiên Chúa thấy tội ác loài người lan tràn trên mặt đất, mọi tư tưởng trong lòng đều luôn luôn hướng về đàng xấu”. Con người quá xấu xa đến nỗi Chúa sẵn sàng ném đá tất cả. Nhưng vì một người (Noe) và gia đình của ông là công chính, nhân loại và các sinh vật trên thế giới có cơ hội sống tiếp.
Tin mừng Maccô cho chúng ta biết về việc các môn đệ của Ngài đang ở trên thuyền và lo lắng về bữa ăn tiếp theo của họ đến từ đâu, ai quên mang bánh, tại sao họ quên mang bánh. Chúa Giêsu đã sống ở đó ngay với họ. Ngài đã dạy và mở trí cho họ khi nhắc lại những lần Ngài hóa bánh ra nhiều để nuôi dân chúng. Chúng ta có thể thấy sự khôn ngoan của Chúa Giêsu. Hành động của Ngài thật đáng kinh ngạc. Ngài đã cảnh cáo họ: “Anh em hãy coi chừng, phải đề phòng men Pharisêu và men Hêrôđê” (Mc 8,15), vì những người Pharisêu và Hêrôđê không muốn người ta biết đến ân huệ của Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã kéo các môn đệ trở lại đường ngay nẻo chính. Tin rằng “Chúa sẽ chúc phúc cho dân Người trong cảnh thái bình.”
Thứ Tư - Tuần VI Thường Niên
Mc 8,22-26
Hôm nay chúng ta chia sẻ với nhau một điểm đó là khi Chúa Giêsu và các môn đệ đến Bêtsaida, người ta dẫn đến cho Chúa Giêsu một người mù và xin Chúa Giêsu đặt tay trên người ấy, và sau đó là Chúa Giêsu đã chữa lành cho người mù.
Hình ảnh người ta dẫn người mù đến với Chúa Giêsu cho chúng ta biết được là họ đã biết được Chúa Giêsu là ai, nên họ mới dẫn người mù đến với Chúa Giêsu, nếu không họ sẽ dẫn người mù đến với các môn đệ.
Nên trong đời sống đức tin của mỗi người chúng ta, để có thể dẫn ai đến với Chúa Giêsu hay nói cách khác để có thể giới thiệu Chúa cho người khác được biết, thì chính mỗi người chúng ta phải là người biết Chúa Giêsu trước đã, có biết Chúa chúng ta mới mạnh dạng nói về Chúa cho người khác biết được.
Còn ngược lại, nếu chúng ta không biết mà lại đi nói về Chúa Giêsu cho người khác biết thì điều ta nói chỉ là điều sai lạc, và những điều giả dối mà thôi.
Hay nói cách khác, nếu không biết về Chúa, chúng ta sẽ khó trả lời cho người khác biết về những chất vấn về niềm hy vọng của chúng ta.
Nhiều năm trước, có một học giả người Nga cổ xúy thuyết vô thần. Một ngày, trong một hội nghị lớn, ông đã có một bài phát biểu thuyết phục thính giả rằng Thượng Đế là tuyệt đối không thể tồn tại. Khi tới chỗ lập luận để thuyết phục người nghe, ông ngửa mặt lên trời và cao giọng thách thức Thượng Đế: “Thượng Đế, nếu ông tồn tại, hãy xuống đây và giết chết tôi giữa đám đông này. Có vậy chúng tôi mới tin rằng ông tồn tại!” Và rồi, ông ngưng một vài phút như thể đang thực sự chờ đợi điều gì đó xảy ra. Tất nhiên, Thượng Đế đã không đi xuống và giết ông ta. Ông ta nhìn quanh rồi kết luận: “Thấy chưa? Thượng Đế làm gì tồn tại!”
Lúc đó, có một người phụ nữ quàng khăn trên đầu đứng dậy và đáp lời: “Thưa ông, lý thuyết của ông rất sâu sắc và ông quả là một học giả uyên bác. So với ông, tôi chỉ là một phụ nữ quê mùa. Tôi không đủ khả năng bác lại lý thuyết của ông. Tuy nhiên, tôi chỉ mong ông trả lời giúp tôi một câu hỏi. Tôi đã thờ phụng Thiên Chúa trong nhiều năm. Tôi cảm thấy an lành trong tâm khi tôi nghĩ rằng THiên Chúa là Đấng cứu rỗi chúng ta. Tôi thích đọc Kinh Thánh. Càng đọc Kinh Thánh, tôi càng cảm thấy an lành. Bởi vì tôi tin vào Thiên Chúa, tôi có được niềm vui lớn nhất trong cuộc đời. Xin hỏi sau khi chết, tôi phát hiện rằng Chúa không hề tồn tạ, rằng những gì nói trong Kinh Thánh là không đúng, thì tôi đã đánh mất điều gì nếu tôi tin vào Thiên Chúa trong suốt cuộc đời?”
Vị học giả cổ xúy thuyết vô thần ngẫm nghĩ về câu hỏi này một lúc. Toàn bộ hội trường yên lặng như tờ. Họ đồng ý với lý lẽ của người phụ nữ. Ngay cả học giả vô thần kia cũng kinh ngạc trước lô-gíc đơn giản và thuần khiết của người phụ nữ. Ông hạ giọng đáp: “Tôi không nghĩ bà sẽ mất mát điều gì”.
Người phụ nữ nói: “Cám ơn ông đã cho tôi một câu trả lời hay. Trong tâm tôi còn một câu hỏi khác. Nếu, sau khi chết, ông phát hiện Chúa quả đúng là tồn tại, rằng những gì viết trong Kinh Thánh là tuyệt đối đúng, rằng Thiên Chúa đúng và rằng Thiên Đàng và địa ngục là có tồn tại, thì xin hỏi ông, ông đã đánh mất điều gì?” Vị học giả im lặng thời gian lâu và không biết phải trả lời ra sao trước câu hỏi thứ hai này.
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết tìm hiểu về Chúa, để sẵn sàng trả lời cho những chất vấn của người khác về niềm hy vọng của chúng ta. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
St 8, 6-13.20-22: Ông nhìn thấy mặt đất đã khô ráo.
Tv 116,17a: Lạy Chúa, con sẽ hiến dâng Chúa lời ca ngợi làm sinh lễ.
Mc 8,22-26: Người mù khỏi hẳn và thấy được mọi vật rõ ràng.
Tin mừng thuật lại việc Chúa Giêsu chữa anh mù ở Bethsaida bằng hai lần chạm vào mắt anh. Đây là một hành trình đức tin. Chữa người mù trong hai giai đoạn cho chúng ta biết rằng đức tin không phải lúc nào cũng là ánh sáng tức thời chiếu xuống chúng ta mà là một hành trình cụ thể đưa chúng ta đến ánh sáng và cho phép chúng ta nhìn thấy rõ ràng.
Chúa Giêsu dắt anh ta ra khỏi làng. Hành động diễn tả sự tách anh ra khỏi sự quen thuộc cũ kỹ của môi trường sống. Trước hết, Ngài “phun nước miếng vào mắt anh, đặt tay trên anh và hỏi: ‘Anh có thấy gì không?’” (Mc 8,23). Cử chỉ đó nhắc chúng ta nhớ đến Bí tích Rửa tội. Đã rửa tội thì chỉ mới thấy mờ mờ. Anh ta thấy “người ta như cây cối đang đi.” Kế đến, “Người đặt tay trên mắt anh lần thứ hai, anh thấy rõ” (Mc 8,25). Lần thứ hai này nhắc chúng ta đến Bí tích Thêm sức khi chúng ta được ban cho Chúa Thánh Thần dồi dào để đạt tới mức trưởng thành của đức tin và thấy rõ ràng hơn. Hành trình đức tin Thiên Chúa dẫn dắt con người luôn cần thời gian. Khi Noe ở trong tàu, ông cũng không biết gì xung quanh. Sau nhiều lần nhiều cách thì ông đã thấy mặt đất khô ráo. Vậy chúng ta vững tâm tin cậy và phó thác vào Chúa.
Thứ Năm - Tuần VI Thường Niên
Mc 8, 27-33
Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta một chi tiết đối nghịch nhau đó là thánh Phêro vừa tuyên xưng Chúa Giêsu: “Thầy là Đấng Kito”, thì sau đó ông lại ngăn cản sứ vụ của Chúa Giêsu, khi Chúa Giêsu tiên báo cuộc khổ nạn lần thứ nhất.
Tại sao ông lại ngăn cản Chúa Giêsu vậy? vì ông không hiểu điều ông đang nói là gì, vì ông không hiểu Đấng Kito là Đấng như thế nào?
Chúng ta biết Đấng Kitô có nghĩa là Đấng được xức dầu, Chúa Giêsu được Chúa cha xức dầu Thánh Thần, Chúa Giêsu đã xác nhận điều này khi nói: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.” (Lc 4,18-19).
Chính vì không hiểu Đấng Kitô là Đấng như thế nào nên Phêro đã ngăn cản Chúa Giêsu, nếu ông hiểu ông sẽ không ngăn cản Chúa.
Nếu đọc tin mừng trong tính tổng thể chúng ta thấy một trường hợp vì không hiểu Chúa nên đã bán Chúa, đó là trường hợp của Giuđa, chúng ta biết có nhiều nhà chú giải cho rằng Giuda bán Chúa, không phải chỉ vì tiền bởi vì y là người giữ túi tiền, mà bán Chúa với giá 30 đồng bạc như vậy là cái giá quá ít.
Nhưng người ta cho rằng Giuda bán Chúa là vì Giuđa là một người thuộc trường phái Zêlốt, đó là những người nhiệt thành về đạo. Nhóm này rất khao khát sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế. Như vậy, có lẽ ngay từ đầu, động cơ đi theo Chúa của Giuđa là vì ông nghĩ Ngài sẽ là Đấng đến để lập lại trật tự xã hội; để giải phóng con người theo nghĩa chính trị, bởi vì, lúc này đất nước Do Thái đang bị đế quốc Rôma thống trị. Và đây có thể là động cơ phía sau mà Giuđa bán Thầy, vì ông muốn dồn Thầy vào chân tường, để buộc Thầy phải đứng lên khởi nghĩa.
Đừng nói tới Giuda, chúng ta nói đến hai môn đệ thân tín của Chúa Giêsu là hai anh em Giacobe và Gioan cũng như vậy: “Bấy giờ bà mẹ của các con ông Dêbêđê đến gặp Chúa Giêsu, có các con bà đi theo; bà bái lạy và kêu xin Người một điều. Người hỏi bà: "Bà muốn gì? " Bà thưa: "Xin Thầy truyền cho hai con tôi đây, một người ngồi bên hữu, một người bên tả Thầy trong Nước Thầy." Chúa Giêsu bảo: "Các người không biết các người xin gì! Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không? " (Mt 20, 20-22).
Nên chúng ta thấy, nếu con người không có sự hiểu biết về Chúa, hay nếu mở rộng ra khi con người không hiểu biết về một điều gì đó, thì con người sẽ làm theo cảm tính của mình, và việc làm theo cảm tính của mình rất dễ dẫn đến sai lầm, chính vì thế mà thánh Phaolo đã nhắc nhở các tín hữu Rôma: “Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo.” (Rm 12, 2).
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta biến cả biến con người của chúng ta để tìm hiểu về Chúa, tìm hiểu những điều xung quanh của chúng ta, để chúng ta biết việc chúng ta phải làm, để công việc của chúng ta làm được đẹp lòng Chúa, và sinh nhiều kết quả. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
St 9,1-13: Ta sẽ đặt trên trời một cái mống, và nó sẽ là dấu chỉ giao ước giữa Ta với trái đất.
Tv 102,20: Từ trời cao Chúa đã nhìn xuống trần thế.
Mc 8,27-33: Thầy là Đấng Kitô. Con Người sẽ phải chịu khổ nhiều.
Sau một chuỗi những sứ vụ công khai như là giảng dạy, hóa bánh ra nhiều, trừ quỷ, chữa lành nhiều loại bệnh cho dân chúng thì Chúa Giêsu muốn biết người ta nghĩ gì về Ngài. Trước hết là Ngài hỏi về “dư luận”: “Người ta bảo Thầy là ai?” Sau đó là hỏi các môn đệ: “Còn các con, các con bảo Thầy là ai?” Dư luận thì nói Chúa Giêsu giống như những vị ngôn sứ nổi danh trong quá khứ. Còn Phêrô đại diện các môn đệ thân tín của Chúa Giêsu, trả lời: “Thầy là Đấng Kitô.”
Khi tương quan với Chúa đã được xác định thì câu chuyện trở nên cởi mở hơn, có chiều sâu hơn. Phêrô biết Đức Giêsu là ai, và Đức Giêsu cũng biết được các môn đệ hiểu về Ngài. Từ đó, Ngài mới giảng dạy các ngài điều sẽ xảy ra: “Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều, sẽ bị các kỳ lão, các trưởng tế, các luật sĩ chối bỏ và giết đi, rồi sau ba ngày sẽ sống lại.” Thông tin Chúa loan báo có tính thử thách cao độ nhưng cũng có thể là cách tuyệt đẹp cho thấy sự tôn trọng sự thật. Chúa không giấu kín những bí mật của cuộc đời mà lắm lúc người đời vẫn không nhận ra Chúa. Xin cho mỗi người biết gẫm suy lời của Chúa để có thể nhận biết và chấp nhận sự thật.
Thứ Sáu - Tuần VI Thường Niên
Mc 8,34-9,1
Tin mừng hôm nay ngoài việc trình bày cho chúng ta thấy điều kiện cần phải có khi theo Chúa Giêsu đó là phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo.
Tin mừng hôm nay còn trình bày cho chúng ta một điều này nữa để giúp mỗi người chúng ta có được niềm xác tín 100 phần 100 khi đi theo Chúa, đó là: “Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Vì được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì người ta nào có lợi gì? Quả thật, người ta lấy gì mà đổi lại mạng sống mình? Giữa thế hệ ngoại tình và tội lỗi này, ai hổ thẹn vì tôi và những lời tôi dạy, thì Con Người cũng sẽ hổ thẹn vì kẻ ấy, khi Người ngự đến cùng với các thánh thiên thần, trong vinh quang của Cha Người."
Chúng ta biết có những người tin Chúa nửa với, tin Chúa theo kiểu 50, 50, tin Chúa mà vẫn còn thủ riêng cho mình, nếu Chúa không đến giúp mình, thì mình chạy theo những điều khác.
Chính vì thế mà tội lỗi xảy ra chẳng hạn như mê tín dị đoan, bệnh đi bác sĩ, bác sĩ trị không hết, đến với Chúa cũng không thấy tiến triển hơn, thế là chạy sang thầy bùa, thầy pháp, thế mà lại có tiến triển tốt, thế là kết luận đôi khi Chúa không nhận lời, chúng ta phải chạy đến với những điều đó, có thể đó là dụng cụ Chúa dùng.
Chúng ta thấy lý luận như vậy có đúng hay không? Thưa không đúng. Chúng ta hãy nhớ lại câu chuyện của vua Saun là một minh họa cho chúng ta.
Chúng ta biết, Vua Saun, từng là tín hữu trung thành của Chúa, được Thiên Chúa sai ngôn sứ Samuel đến xức dầu để làm vua trên dân Israel là dân của Chúa. Nhưng buồn thay, khi gặp thử thách (thấy quân Philitinh quá đông đảo, ông đâm ra sợ hãi và mất lòng tin tưởng nơi Chúa), ông đã buông xuôi ngay và càng ngày đi vào con đường tội lỗi. Thay vì ông chạy đến Chúa, nhưng không, ông đã cậy dựa sức riêng của mình, cùng với việc dùng quyền lực đang có trong tay, ông đã phục vụ cho chính địa vị và bản thân mình. Ông đã làm mọi cách để làm sao đánh bại quân Phititinh. Ông đã tìm đến quyền lực khác ngoài Chúa là bóng tối để trợ giúp bản thân ông: Đi tìm đồng bóng. Càng ngày, ông càng dấn sâu thêm vào con đường tội lỗi: Mất niềm tin, xem bói (thờ ngẫu tượng, tin vào thế lực đen tối), kiêu ngạo, gian dối (thề gian, làm chứng dối)...
Còn việc Thiên Chúa lại cho phép hồn của ngôn sứ Samuel hiện về muốn nói với chúng ta điều gì? Chúng ta biết đó chỉ là ý nghĩa biểu tượng của Kinh Thánh, "Samuel hiện về" để báo cho vua Saun biết, để ám chỉ cho người đọc Kinh Thánh biết rằng những hành vi tội lỗi, như của vua Saun chẳng hạn, là một trọng tội và đáng bị trừng phạt, nhất là khi con người trở nên chai cứng và bất tuân phục Thiên Chúa một cách có ý thức, và chúng ta thấy sau đó Saun đã bị trừng phạt, ngai báu được trao cho Vua Đavit, vì Đavit luôn sống theo thánh ý của Thiên Chúa. (X. 1Sm 28,3-25; và 31,1-13.)
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta xác tín vào lời Chúa dạy để vững tin vào Chúa 100 phần 100, có như thế tội lỗi mới không xâm nhập vào cuộc đời của mỗi người chúng ta được. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
St 11,1-9: Ta hãy xuống coi và tại đó Ta làm cho ngôn ngữ chúng lộn xộn.
Tv 33,12: Phúc thay dân tộc mà Chúa chọn làm cơ nghiệp riêng mình.
Mc 8,34-9,1: Ai chịu mất mạng sống mình vì Ta và vì Phúc Âm thì sẽ cứu được mạng sống mình.
Đời sống thiêng liêng có những đòi hỏi riêng. “Ai chịu mất mạng sống mình vì Ta và vì Phúc Âm thì sẽ cứu được mạng sống mình.” Để có được sự sống đời đời thì phải bớt sống cho sự sống ở đời này. Chúa Giêsu nói rất chí lý. “Được lời lãi cả thế gian mà mất mạng sống mình, thì nào được ích gì?” (Mc 8,36). Mạng sống mà Chúa Giêsu nói đến ở đây chính là đời sống trong ân sủng của Thiên Chúa.
Giáo hội có những vị thánh ít sống cho bản thân mà dâng hiến cuộc đời cho Chúa, cho anh chị em, và cho các linh hồn. Thánh Augustinô đã từng có quãng thời gian sống vì chính bản thân ngài. Nhưng rồi ngài đã hoán cải và phục vụ Chúa và Hội Thánh với tất cả tâm huyết, tài năng. Thánh Augustinô kinh nghiệm: “Ai nhiệt thành hiến mình cho việc cứu rỗi các linh hồn thì có lý do chính đáng để hy vọng vào cuộc sống vĩnh cửu.” Thánh Inhaxiô Loyola từng dạy thánh Phanxicô Xaviê câu Tin mừng Maccô 8,36. Kết quả là thánh Phanxicô Xaviê hoạt động truyền giáo hăng say và tận tâm cho các linh hồn. Thánh Gioan Vianney cứu rỗi các linh hồn qua bí tích giải tội đến nỗi chẳng nghĩ gì đến bản thân. Thánh Têrêsa Calcutta đã làm công tác bác ái cho đến cuối đời.
Thứ Bảy - Tuần VI Thường Niên
LẬP TÔNG TÒA THÁNH PHÊRÔ
Mt 16,13-19
Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy sau khi Phêrô tuyên xưng Chúa Giêsu: "Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống."
Thì Chúa Giêsu nói với ông: "Này anh Simôn con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy."
Hình ảnh này cho chúng ta thấy được điều gì? Có phải chỉ vì Phêrô tuyên xưng Chúa Giêsu như vậy nên được thưởng không? Nói cách khác là có công được thưởng?
Chắc không phải như vậy, nếu theo lập luận có công được thưởng, có tội thì bị phạt thì sau đó tại sao Phêrô chối Chúa, Chúa lại không phạt rút lại điều mà Chúa Giêsu đã thưởng.
Nếu không phải như vậy, thì có phải là do ngẫu hứng Chúa Giêsu mới ban thưởng cho Phêrô điều đó, nên không thể rút lại lời mình đã nói.
Chúng ta hãy nhớ lại trong tin mừng có kể câu chuyện vua Hêrôđê, nhân ngày sinh nhật của ông, con gái bà Hê-rô-đi-a đã biểu diễn một điệu vũ trước mặt quan khách, làm cho nhà vua vui thích. Bởi đó, vua thề là hễ cô xin gì, vua cũng ban cho. Nghe lời mẹ xui bảo, cô thưa rằng: "Xin ngài ban cho con, ngay tại chỗ, cái đầu ông Gio-an Tẩy Giả đặt trên mâm." Nhà vua lấy làm buồn, nhưng vì đã trót thề, lại thề trước khách dự tiệc, nên truyền lệnh ban cho cô. Vua sai người vào ngục chặt đầu ông Gio-an. (x. Mt 14, 6-10).
Như vậy, có phải Chúa Giêsu ngẫu hứng như Hêrode?
Thưa không, chúng ta hãy nhớ trước khi chọn 12 tông đồ thì Chúa Giêsu đã làm gì? Thưa Chúa Giêsu đã cầu nguyện suốt đêm với Thiên Chúa Cha, và ngày hôm sau Ngài kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ.
Như vậy, việc trao phó chìa khóa Nước Trời cho Phêrô không phải là ngẫu hứng, cũng không phải vì Phêrô tuyên xưng điều đó mà được thưởng, mà là ý muốn nhiệm mầu của Chúa, là tình yêu mà Chúa ban cho Phêrô.
Nên mừng lễ thiết lập tông tòa thánh Phêrô chúng ta được mời gọi tạ ơn Chúa cùng vời thánh Phêrô vì yêu mà Chúa đã chọn Phêro để cai quản Hội Thánh Chúa ở trần gian.
Bên cạnh đó, khi mừng lễ hôm nay, chúng ta được mời gọi cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng, cầu nguyện cho các giám mục, cho các linh mục, cho tất cả mọi người đã giúp đỡ chúng ta cách này hay cách khác, bởi vì qua họ mà có chúng ta ngày hôm nay, chúng ta được hưởng biết bao ơn lành của Chúa.
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta luôn mang tâm tình biết ơn Chúa, và tâm tình biết ơn nhau, đó là điều mà Chúa muốn chúng ta thực hiện trong cuộc đời của mình, xin thánh Phêrô cầu bàu cùng Chúa cho chúng ta. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
1 Pr 5,1-4: Là kỳ lão và nhân chứng cuộc khổ hình của Chúa Kitô.
Tv 23,1: Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi.
Mt 16,13-19: Con là Đá, Cha sẽ trao cho con chìa khóa nước trời.
Lễ ngai tòa Thánh Phêrô nhắc ta thẩm quyền của Giáo hoàng. Thư thánh Phêrô và Thánh vịnh về Chúa Chiên Lành nhắc nhở ta rằng uy quyền của Chúa luôn là về tình yêu sáng tạo. Người thi hành quyền đó phải làm như vậy trong bối cảnh tình thương mà Thiên Chúa bày tỏ cho mỗi loài thụ tạo. Thất bại quyền hành là lạm dụng thẩm quyền của Chúa. Lưu ý điều rất quan trọng này, quyền đại diện cho Chúa có giá trị ngay cả khi được thực thi không tốt.
Phúc âm bày tỏ quyền mà Chúa ban cho Hội thánh để nói và hành động nhân danh Chúa. Phêrô, tảng đá của sự hợp nhất, có quyền năng kết nối các chi thể của Hội Thánh lại với nhau nhân danh Đức Kitô. Vì ông biết rằng Chúa Giêsu là tiếng của Chúa trên trần gian, rằng Chúa Giêsu là nguồn ơn cứu độ, và Phêrô phải hành động theo cách của Chúa Giêsu. Vì vậy, ta cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng luôn sống trung thành với Đức Kitô và có lòng biết ơn về ơn cứu độ của Chúa đối với tất cả mọi người. Niềm vui, niềm hy vọng và sự thành toàn của mỗi người nằm trong việc sống trong Triều đại của Chúa ở đây và bây giờ - và ngai tòa của Phêrô là biểu tượng cho quyền lực của Chúa trong việc đoàn kết mọi người trong một cộng đồng yêu thương.