![Suy niệm hằng ngày_ Tuần V Thường Niên](/Image/Picture/2022/2022-08/HinhNen_SuyNiem.jpg)
CHÚA NHẬT V THƯỜNG NIÊN - C
(Is 6,1-2a.3-8; 1 Cr 15,1-11; Lc 5,1-11)
Tôma Lê Duy Khang
Các bài đọc lời Chúa hôm nay trình bày cho chúng ta thấy việc Thiên Chúa đến và gọi con người đến với Chúa để làm công việc của Chúa, Thiên Chúa gọi Isaia, Chúa Giêsu gọi 4 môn đệ đầu tiên, Chúa Giêsu gọi Phaolo làm tông đồ của Chúa.
Nhưng tất cả chúng ta thấy có một điểm chung đó là Thiên Chúa ngài là Đấng Thánh, không phải một lần thánh mà là 3 lần thánh đã đến để gọi những con người tội lỗi, hay nói cách khác Chúa yêu thương người tội lỗi.
Nếu nói như vậy, người công chính thì sao, vì có lần Chúa nói: “Ta đến để kêu gọi người tội lỗi chứ không phải kêu gọi người công chính”, thưa kêu gọi người tội lỗi để giúp họ trở nên công chính, và người tội lỗi mà Chúa kêu gọi để làm việc của Chúa, vì Chúa biết trước họ sẽ biến đổi trở thành công chính để phục vụ công việc của Chúa, nên nếu để ý thì sau đó, Chúa Giêsu đã nói: “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau yếu mới cần”.
Nói như vậy, để chúng ta thấy Chúa yêu thương người tội lỗi chứ không phải chỉ yêu thương người công chính, nhưng tình yêu này chúng ta phải hiểu như thế nào cho đúng?
Hay nhiều khi chúng ta lý luận nếu người tội lỗi mà Chúa còn thương, thì huống chi nếu chúng ta sống tốt lành thánh thiện, thì chắc chắn Chúa càng thương hơn nữa.
Như vậy phải hiểu như thế nào, phải giải thích như thế nào, về tình yêu của Chúa giữa người tội lỗi và người công chính.
Chúng ta hãy nhớ sau khi Chúa Giêsu sống lại, Chúa Giêsu đã hiện ra với các tông đồ, lúc đó không có Tôma ở đó với các ông, nên khi Tôma trở về các môn đệ khác nói: “Chúng tôi đã được thấy Chúa!" Ông Tô-ma đáp: "Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin." Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: "Bình an cho anh em." Rồi Người bảo ông Tô-ma: "Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin." Ông Tô-ma thưa Người: "Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con! " Đức Giê-su bảo: "Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin! "
Chúng ta để ý câu nói của Chúa: “Phúc cho ai không thấy mà tin”, nghĩa là làm sao, nghĩa là đó là những con người đón nhận Chúa thật sự, mặc dầu không thấy Chúa, thì đáng là người có phúc, còn những người đã biết Chúa, đã thấy Chúa, mà không tin Chúa thì làm sao mà có phúc được.
Hay nói cách khác đó là Chúa vẫn ban ơn của Chúa đến cho con người, nhưng con người không đón nhận thì làm sao được gọi là người có phúc: “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta.” (Kh 3,20), hay “Người đã đến nhà mình,nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận. Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa.” (Ga 1,11-12).
Như vậy, Chúa thương chúng ta là vì chúng ta biết đón nhận tình thương của Chúa, biết đáp lại tình thương đó trong cuộc đời, chứ không phải thương theo kiểu thiên vị của con người chúng ta, do con người làm điều này, làm điều kia cho Chúa, ăn chay bao nhiêu lần, giữ bao nhiêu luật, đóng góp bao nhiêu tiền…. không phải điều đó, mà là con người có đón nhận Chúa,, có thay đổi chính mình, để chính mình trở nên hoàn thiện hay không, nghĩa là mọi sự đều phụ thuộc nơi con người, còn đối với Chúa thì Ngài thương tất cả.
Nơi con người của chúng ta thường có tình trạng như vậy, thương ghét theo cái nhìn của mình, tình thương theo cảm tính chứ không phải tình thương theo lý trí, ai nịnh bợ, ai hay tặng quà cáp, ai hay vuốt đuôi lươn… thì thương, còn ai nói sự thật, ai hay chống đối, ai không nịnh bợ thì ghét, không cần biết người đó tốt hay xấu, nên thường dẫn đến tình trạng bất công, nhưng đối với Chúa thì không có chuyện bất công như vậy.
Xin cho mỗi người chúng ta hiểu được rằng Chúa đến kêu gọi những người tội lỗi, Chúa yêu thương người tội lỗi, trong đó có cả mỗi người chúng ta nữa để kéo chúng ta trở về tình trạng công chính, chính vì thế mỗi người chúng ta được mời gọi hãy theo đổi đời sống của mình, để đón nhận tình yêu của Chúa, có như thế mới xứng đáng với ơn gọi của Chúa. Amen.
Thứ Hai Tuần V Thường Niên
Mc 6,53-56
Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta câu chuyện Chúa Giêsu và các môn đệ tới miền Gienesaret, khi các ngài ra khỏi thuyền, thì người ta nhận ra Chúa Giêsu và đổ xô đến với Chúa Giêsu: “Họ rảo khắp vùng ấy và nghe tin Người ở đâu, thì bắt đầu cáng bệnh nhân đến đó. Người đi tới đâu, vào làng mạc, thành thị hay thôn xóm nào, người ta cũng đặt kẻ ốm đau ở ngoài đường ngoài chợ, và xin Người cho họ ít là được chạm đến tua áo choàng của Người; và bất cứ ai chạm đến, thì đều được khỏi.”
Như vậy chúng ta thấy là người ta đến với Chúa Giêsu hay đến với các môn đệ? Thưa đến với Chúa Giêsu, chứ họ không đến với các môn đệ, mặc dầu lúc đó có các môn đệ đi cùng với Chúa Giêsu.
Một con chuột bị mèo đuổi, vô tình chui vào trong tượng Phật trên chùa và làm tổ ở đó…
Từ ngày chui vào trong tượng Phật, cuộc sống của chuột ta vô cùng no đủ. Nó luôn được ăn thỏa thích những đồ lễ vật mà người dân mang đến cúng bái. Thêm nữa, người nào đến trước tượng Phật cũng phủ phục, nên con chuột tự thấy mình cũng oai lắm. Nó thoải mái ăn ở, thậm chí còn tự do phóng uế lung tung…
Mỗi khi người dân đến thắp hương khấu đầu, con chuột kia nhìn khói hương nghi ngút từ từ bay lên, nó cười thầm: “Đúng là những kẻ ngu ngốc, chẳng ai bắt mà cũng qùy cũng lạy! Bây giờ ta mới biết mình cũng oai thế, đến loài người còn bái lạy ta, mà bấy lâu nay sao ta cứ phải sợ mèo nhỉ.
Lâu ngày, sống cùng tượng Phật ở trên cao, thấy người nào đến thắp hương cũng chắp tay thành kính và qùy lạy như thế, chuột cũng ngộ nhận và tự cho mình là cao quý và tôn kính như… Phật.
Bỗng một hôm, có người cắm bó hương to, sơ ý để bùng cháy… Nóng và khói quá, con chuột bò vội ra ngoài, thì bị con mèo đói vồ được. Chuột ta bèn vênh váo kêu lên: “Này mèo! Nhà ngươi không thể ăn thịt ta được, hãy qùy xuống thành kính bái lạy đi, rồi mang thức ăn lại đây… Ta là Phật đấy!”
Mèo cười to: Những người qùy lạy mày là vì vị trí mà mày đang chiếm đoạt, chứ không phải vì bản thân mày cao quý, quyền cao chức trọng gì đâu. Giờ thì mày tới số rồi, con chuột ngu ngốc!
Nên chúng ta phải hiểu đúng giá trị của mình đừng tưởng là tự mình có giá trị nhưng nhờ có Chúa mà chúng ta có giá trị.
Nếu mở rộng ra chúng ta thấy được điều này đó là đôi khi chúng ta đang sống trong vinh quang, đang sống trong giá trị mà chúng ta đang sống, chẳng hạn như làm chức vụ này chức vụ kia thì chúng ta sống tốt lành, khi mình không còn chức vụ nữa, thì mình lại sống bê tha, không còn sống tốt lành nữa, thì lúc đó, chính chúng ta sẽ đánh mất giá trị mà chúng ta đang sống.
Xin Chúa cho chúng ta hiểu được điều đó, để dù có như thế nào đi chăng nữa, cũng sống đúng giá trị của mình, sống một cuộc đời luôn luôn có Chúa. Amen.
Thứ Ba Tuần V Thường Niên
Mc 7,1-13
Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy Chúa Giêsu lên án thái độ giả hình của những người biệt phái, vì họ chỉ lo nắm giữ tập tục của tiền nhân mà bỏ không giữ điều luật của Thiên Chúa.
Nhưng tại sao lại như vậy, tại sao họ không giữ luật Chúa, mà lại lại giữ tập tục của tiền nhân?
Nếu để ý trong tin mừng hôm nay, thì chúng ta sẽ tìm được câu trả lời, qua lời của Chúa Giêsu, Chúa nói: “Thật vậy, ông Môsê đã dạy rằng: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ và kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử! Còn các ông, các ông lại bảo: "Người nào nói với cha với mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ đều là "co-ban" nghĩa là lễ phẩm đã dâng cho Chúa" rồi, và các ông không để cho người ấy làm gì để giúp cha mẹ nữa. Thế là các ông lấy truyền thống các ông đã truyền lại cho nhau mà huỷ bỏ lời Thiên Chúa.”
Nghĩa là sở dĩ họ không giữ luật của Thiên Chúa mà giữ tập tục tiền nhân, là vì giữ tập tục của tiền nhân sẽ mang lại nhiều lợi ích cho họ, còn ngược lại khi giữ luật Chúa sẽ mất đi rất nhiều quyền lợi, sẽ phải cho đi rất nhiều thứ.
Ở đây chúng ta tìm hiểu một chút về từ co-ban như tin mừng nói co-ban nghĩa là lễ phẫm đã dâng cho Chúa, nhưng từ này bị lạm dụng.
Chẳng hạn như một ông chủ nợ có một con nợ không chịu trả, hoặc không sẵn lòng trả. Bấy giờ, người chủ nợ có thể nói: món nợ anh thiếu tôi đó là Co-ban, nghĩa là món nợ anh thiếu tôi đã dâng cho Chúa rồi, từ đó trở đi món nợ không còn là của cá nhân nữa, mà là món nợ đối với Chúa, nó sẽ nghiêm trọng hơn. Có thể người chủ nợ đã giải quyết vấn đề về phần mình cho Chúa rồi bằng cách chi trả cho đền thờ một số tiền nhỏ tượng trưng, và số còn lại thì họ giữ lấy cho riêng mình.
Rồi ý tưởng co- ban còn bị lạm dụng trong việc là để những người thân của mình không thể đến mượn tiền của mình, vì đã dâng cho Chúa hết rồi, chẳng có gì để giúp, mà thực sự có dâng hay không thì chúng ta không biết, nên chúng ta thấy họ giữ tập tục tiền nhân chỉ vì quyền lợi cá nhân của mình mà thôi.
Chúng ta thử đặt ngược vấn đề, nếu như giữ luật Chúa được nhiều quyền lợi hơn giữ tập tập tiền nhân chắc chắn họ sẽ giữ luật Chúa.
Hiểu được như vậy, chúng ta thấy những người biệt phái thời Chúa Giêsu, nói là họ giữ tập tục tiền nhân mà không giữ luật Chúa, nhưng thật ra cái họ giữ cũng chẳng phải là giữ tập tục của tiền nhân, mà cái họ giữ là họ đang giữ lấy quyền lợi của họ.
Nhìn lại đời sống của chúng ta, chúng ta thử đặt câu hỏi xem mình giữ luật Chúa vì điều gì, có phải vì quyền lợi của chúng ta cá nhân hiểu theo kiểu vật chất, để mình có được điều này, có được điều kia hay không, nếu chúng ta giữ luật Chúa với mục đích vụ lợi như thế, thì chúng ta không phải là giữ luật mà là đang giữ lấy quyền lợi của mình, và như thế đức tin của chúng ta chưa phải là đức tin trưởng thành mà là đức tin hời hợt, đức tin quyền lợi, bởi khi không còn quền lợi nữa thì sẽ bỏ Chúa.
Nên chúng ta được mời gọi giữ luật với ý hướng tốt lành, giữ luật để luật gìn giữ tôi, để luật giúp tôi thăng tiến, để luật giúp tôi nên trọn lành, giữ luật vì lòng yêu mến Chúa… nếu chúng ta giữ luật với ý hướng tốt lành như thế, thì chắc chắn Chúa sẽ ban ơn và chúc lành cho mỗi người chúng ta. Amen.
Thứ Tư Tuần V Thường Niên
Mc 7,14-23
Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu nói: “Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế.”
Câu nói này của Chúa Giêsu có ý nghĩa gì? Thưa câu nói này của Chúa Giêsu đầu tiên chúng ta phải hiểu điều Chúa nói: “Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người có thể làm cho con người ra ô uế”, là Chúa Giêsu đang nói về của ăn thức uống.
Còn những cái từ bên trong làm cho con người ra ô uế đó chính là: “Tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế."
Nếu đào sâu, chúng ta thấy được điều này, nếu chúng ta không biết sống đời sống nội tâm bên trong tốt lành, thì chính những những thứ bên ngoài như là những điều sẽ cám dỗ chúng ta, làm cho chúng ta ra ô uế.
Nghĩa là tuy rằng những thứ bên ngoài không làm cho chúng ta ra ô uế, nhưng nếu chúng ta không biết kiềm chế những tư tưởng bên trong của chúng ta, thì đôi khi chính những thứ bên ngoài đó, nó tác động đến chúng ta, nó sẽ làm cho chúng ta ra ô uế.
Chẳng hạn như đồ ăn thức uống, những là những thức uống có chất kích thích nếu chúng ta không biết kiềm chế bản thân uống quá nhiều sẽ dẫn đến tình trạng mất kiểm soát, sẽ làm cho chúng ta sống không đúng với tư cách của mình.
Một hôm satan ra lệnh cho một người kia phải thi hành một trong ba điều nó yêu cầu nếu không nó sẽ đoạt linh hồn người đó.
Ba điều đó là: một là giết cha, hai là hành hạ người em, ba là uống rượu.
Người đó ngẫm nghĩ: giết cha, đánh đập em là điều trái với đạo lý, anh không thể nào làm được. Còn uống rượu thì dễ quá, ai mà không làm được. Sau khi cân nhắc mọi hơn thiệt, người đó bèn đi mua rượu về uống.
Lúc đầu anh ta còn làm chủ được. Nhưng về sau, không còn làm chủ được mình nữa, anh đã say lúy túy và kết quả đã diễn ra đúng như quỉ satan mong đợi. Anh ta đã giết cha, hành hạ người em, và còn làm nhiều điều tệ hại tội lỗi khác nữa.
Câu chuyện trên đây có lẽ không chỉ là chuyện ngụ ngôn mà là thực tế xảy ra từng ngày trước mắt chúng ta. Tội ác nằm trong máu của con người. Rơi vào một hoàn cảnh nào đó, ai cũng có thể là một tên sát nhân.
Nên mặc dầu những thứ bên ngoài không làm cho con người ra ô uế, nhưng nếu không biết kiềm chế, để rồi lạm dụng quá mức, thì những điều đó sẽ làm cho con người nên ô uế.
Chẳng hạn như lấy vợ lấy chồng là điều tốt, nhưng đừng lạm dụng lấy nhiều vợ, lấy nhiều chồng, là điều không tốt.
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết chế ngự đời sống tư tưởng của chúng ta, để mọi sự đều phải biết điều độ, đừng để mình sa đà quá mức để rồi sa ngã phạm tội. Amen.
Thứ Năm Tuần V Thường Niên
Mc 7, 24-30
Tin mừng hôm qua trình bày cho chúng ta thấy câu nói của Chúa Giêsu: “Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế.”
Thế nhưng, nếu chúng ta lạm dụng những điều bên ngoài, thì nó có thể làm cho chúng ta ra ô uế.
Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy đức tin của người phụ nữ có đứa con bị quỷ ám, câu chuyện này cho chúng ta thấy được điều gì? Thưa cho chúng ta thấy được sở dĩ người phụ nữ có đức tin mạnh mẽ vào Chúa là vì bà thương đứa con gái của bà, nghĩa là do động lực bên ngoài, nhưng động lực bên ngoài này nó phát xuất từ tình yêu bên trong mà người phụ nữ dành cho đứa con của bà.
Một tín đồ người Ấn Độ đi bộ đến chùa ở Hymalaya. Đường đi thì xa xôi, đường núi vô cùng khó đi, không khí thì loãng. Ông ta tuy mang theo đồ đạt rất ít, nhưng vẫn cất bước không nổi, vừa đi vừa thở hổn hển.
Ông ta đi rồi nghỉ, nghỉ rồi lại đi… không ngừng nhìn về phía trước, hy vọng mục tiêu đi đến sẽ sớm xuất hiện. Thình lình ông thấy phía trước có một bé gái chưa đầy 10 tuổi, trên lưng cõng một em bé đang từ bước từ bước… từng bước về phía trước. Cô bé thở hổn hển, mồ hôi đầm đìa nhưng hai tay vẫn ôm cứng đứa trẻ trên lưng.
Tín đồ người Ấn Độ đi đến bên cô bé, rất đồng cảm nói: Cháu của ta, cháu cũng giống như ta, cháu nhất định mệt rồi, cháu cõng nặng quá !
Cô bé nghe xong, không vui, trả lời: Cái ông cõng là sức nặng, nhưng cái cháu cõng không phải là sức nặng, nó là em trai của cháu. Người cảm thấy nặng vì không có tình yêu.
Nên chúng ta thấy chính tình yêu bên trong làm ra động lực bên ngoài giúp con người có thể làm được mọi việc, hay nói cách khác, thì đó cũng là do cái bên ngoài nó tác động, làm nên động lực bên trong.
Nói như vậy để chúng ta thấy, khi con người lạm dụng những điều tốt đẹp mà Chúa ban cho, đôi khi nó sinh ra sự dữ, sinh ra điều xấu xa.
Nhưng qua trang tin mừng hôm nay, giúp chúng ta hiểu thêm một điều nữa, đó là không phải mọi trường hợp lạm dụng đều là xấu, giống người người phụ nữ vì động lực bên ngoài là đứa con của mình, vì tình yêu của một người mẹ thúc đẩy, đã làm phát sinh một đức tin mãnh liệt nơi con người của bà, chính nhờ vậy, mà Chúa Giêsu đã chữa lành cho đứa con gái của bà.
Hiểu được như vậy, chúng ta được mời gọi đừng làm dụng những điều tốt lành để thỏa mãn nhu cầu cá nhân, thỏa mãn sở thích của mình sẽ dễ sinh ra sự dữ, nhưng hãy biết sử dụng những điều tốt lành, để hướng đến những điều tốt lành, thì những điều tốt lành sẽ xảy ra trong cuộc đời của mình, sẽ đem lại ích lợi cho nhiều người khác. Amen.
Thứ Sáu Tuần V Thường Niên
Mc 7,31-37
Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy việc Chúa Giêsu chữa lành cho một người bị câm điếc.
Thế nhưng vấn đề đặt ra với mỗi người chúng ta đó là có phải việc Chúa Giêsu chữa lành cho người câm điếc này chỉ dừng lại ở nơi người câm điếc này hay không?
Thưa không, việc Chúa Giêsu chữa lành người câm điếc không chỉ dừng lại ở nơi người câm điếc này, mà còn mở ra cho những người do thái thời bấy giờ nữa, nghĩa là cũng làm cho người do thái thời bấy giờ nghe được, cũng như nói được.
Nghe được và nói được chúng ta phải hiểu là nghe được và nói được những điều tốt lành, chứ không phải nghe được và nói được những điều không tốt lành, nếu chỉ nghe được và nói được những điều không tốt lành, thì cũng giống như là người bị câm và bị điếc vậy, nghĩa là vẫn còn bị khiếm khuyết, bởi vì sao vậy bởi vì khi Thiên Chúa tạo dựng mọi sự thì kinh thánh nói: “Thiên Chúa tạo dựng mọi sự đều tốt đẹp”.
Bằng chứng đó là sau khi Chúa Giêsu chữa lành cho người câm điếc xong thì dân chúng lòng đầy thán phục mà nói rằng: “Người làm mọi sự tốt đẹp, Người làm cho kẻ điếc được nghe và người câm nói được”. Nghĩa là họ đang nói những điều tốt đẹp để tôn vinh Chúa.
Như vậy có một câu hỏi đặt ra với mỗi người chúng ta đó là có ai trong chúng ta muốn mình bị khiếm khuyết, có muốn mình bị khuyết tật hay không? Thưa không ai muốn cả, chúng ta thấy có những người bị khiếm khuyết về mặt thể lý nhưng người ta vẫn cố gắng khắc phục ví dụ như đi chân giả, trồng răng giả, đội tóc giả, đeo máy trợ thính… nghĩa là người ta sẽ làm mọi thứ để mình có thể trở nên những con người bình thường.
Thế nhưng tại sao chúng ta là những con người bình thường, Chúa tạo dựng ra chúng ta mọi sự đều tốt đẹp, tại sao chúng ta lại tự mình làm cho mình bị khiếm khuyết, khi chúng ta chạy theo những điều xấu, khi chúng ta nói những điều xấu, khi chúng ta làm những điều xấu, khi chúng ta xúi dục những người khác làm những điều xấu.
Hiểu được như thế, chúng ta được mời gọi phải hoàn thiện bản thân của mình mỗi ngày, nếu chúng ta có lỡ bị khiếm khuyết vì tội lỗi, thì ngay lập tức sửa đổi, ngay lập tức xin lỗi Chúa, ngay lập tức chạy đến với Chúa khi có cơ hội, để xin Chúa thứ tha, để Chúa bổ khuyết cho chúng ta mỗi ngày, để chúng ta mỗi ngày mỗi hoàn thiện như lời mời gọi của Chúa: “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện”. Amen.
Thứ Bảy Tuần V Thường Niên
Mc 8,1-10
Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy việc các môn đệ muốn thoái thác trách nhiệm khi Chúa Giêsu muốn cho dân chúng đi theo ngài ăn uống, nhưng tại sao các môn đệ lại muốn thoái thác?
Đọc lại tin mừng, chúng ta thấy khi Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi mà không có gì ăn! Nếu Thầy giải tán, để họ nhịn đói mà về nhà, thì họ sẽ bị xỉu dọc đường. Trong số đó, lại có những người ở xa đến."
Thì các môn đệ nói với Chúa Giêsu: “Ở đây, trong nơi hoang vắng này, lấy đâu ra bánh cho họ ăn no?"
Chúng ta thấy lời các môn đệ nói rất đúng chớ không có gì sai cả, nghĩa là đối với các ông, các ông cũng bó tay, các ông cũng bế tắc, chính vì thế nên các ông không dám lãnh lấy trách nhiệm.
Nên lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta một điểm như thế này đó là chúng ta được mời gọi phải biết được giới hạn của mình, để cậy dựa vào Chúa, cậy dựa vào những dụng cụ mà Chúa gởi đến để giúp đỡ chúng ta.
Chúng ta biết có nhiều người không biết được giới hạn của mình, nên đã làm một cuộc phiêu lưu, thế là chính mình gánh lấy thất bại, không chỉ ảnh hưởng đến mình, mà nhiều khi còn làm ảnh hưởng đến người khác nữa.
Chúng ta hãy nhớ lại trong tin mừng Macco có kể lại cho chúng ta câu chuyện như thế này, đó là: “Khi ấy, Chúa Giêsu (từ trên núi xuống) và đến cùng các môn đệ, Người thấy một đám đông vây quanh các ông và những luật sĩ đang tranh luận với các ông.
Vừa thấy Người, tất cả đám đông kinh ngạc, họ sợ hãi và chạy đến chào Người. Và Người hỏi họ rằng: "Các ngươi tranh luận gì với nhau đó?" Một người trong đám đông trả lời rằng: "Lạy Thầy, tôi đem đến cùng Thầy đứa con trai tôi đang bị quỷ câm ám. Quỷ đột nhập vào nó bất kỳ ở đâu thì vật nó ngã xuống đất và nó xùi bọt mép, nghiến răng, cứng đờ ra. Tôi đã xin các môn đệ Thầy trừ quỷ, nhưng họ bất lực". Người đáp lại: "Hỡi thế hệ cứng lòng tin, Ta còn ở giữa các ngươi đến bao giờ? Ta phải chịu đựng các ngươi đến bao giờ nữa? Ðem nó lại đây cho Ta". Và người ta đem nó đến.
Vừa thấy Chúa Giêsu, quỷ liền dằn vặt đứa bé dữ dội, đứa bé ngã ra, xùi bọt mép, lăn lộn trên đất. Chúa Giêsu hỏi cha nó rằng: "Nó bị như thế từ bao giờ?" Ông ta đáp: "Thưa từ lúc bé! Quỷ thường xô nó vào lửa, vào nước để giết nó. Nhưng nếu Thầy có thể làm được gì thì xin Thầy thương giúp chúng tôi". Chúa Giêsu nói với ông: "Sao lại nói: Nếu Thầy có thể? Với kẻ nào tin, thì mọi sự đều có thể được". Tức thì cha đứa bé khóc lóc kêu lên: "Thưa Thầy tôi tin, xin Thầy trợ giúp lòng tin yếu kém của tôi". Chúa Giêsu thấy đám đông tuôn đến, Người nạt thần ô uế rằng: "Hỡi thần câm điếc, Ta truyền cho mi: hãy xuất ra khỏi nó và không được nhập vào nó nữa". Sau khi kêu thét và dằn vật đứa trẻ dữ dội, quỷ xuất khỏi nó và đứa trẻ ra như chết, khiến đám đông nói: "Nó chết rồi". Nhưng Chúa Giêsu cầm tay nó nâng dậy và nó đứng lên.
Khi Chúa vào trong nhà, các môn đệ hỏi riêng Người: "Tại sao chúng con lại không thể trừ được nó?" Người đáp: "Loại đó không thể trừ được, nếu không cầu nguyện và ăn chay". (Mc 9,13-29).
Chúng ta thấy, người cha trong câu chuyện đã biết đức tin của mình yếu kém, nên đã xin Chúa Giêsu trợ giúp đức tin yếu kém của ông, còn các môn đệ tưởng mình có năng lực trừ quỷ, nhưng rốt cuộc không thể trừ quỷ được vì thiếu đức tin, vì không cầu nguyện và ăn chay.
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết được mình là ai, biết được mình như thế nào để nỗ lực hết khả năng của mình thực thi điều Chúa dạy, và biết chạy đến với Chúa, để xin Chúa ban ơn giúp sức cho chúng ta. Amen.