18/05/2025
20
Suy niệm hằng ngày_ Tuần V Phục Sinh







 

 

 


 

CHÚA NHẬT V PHỤC SINH

Ga 13,31-33a.34-35
 

Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau."

Yêu thương nhau là yêu thương ai, có phải chỉ là yêu thương người thân cận của mình hay không?

Thưa không phải chỉ yêu thương người thân cận như chính mình, mà chúng ta hãy yêu thương mọi người để trong mắt họ chúng ta trở thành người thân cận của họ, chúng ta hãy nhớ lại câu chuyện dụ ngôn người Samari nhân hậu là một minh họa cho chúng ta: “Một người kia từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi. Rồi cũng thế, một thầy Lê-vi đi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi. Nhưng một người Sa-ma-ri kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương. Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: "Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác." Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp? " Người thông luật trả lời: "Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy." Đức Giê-su bảo ông ta: "Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy." (Lc 10, 30-37), chúng ta phải yêu thương tất cả mọi người trước, chứ không phải yêu thương người đã yêu thương mình, để chính mình trong mắt của họ, mình trở thành người thân cận của họ.

Nhưng Chúa không chỉ muốn dừng lại ở việc là để cho người khác thấy ta là người thân cận của họ khi chúng ta yêu thương họ, mà Chúa còn muốn điều gì nữa? thưa Chúa muốn: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau." Nghĩa là phải qua đó giúp cho người khác được biết Chúa mới là điều quan trọng, để họ được cứu độ.

Chính Chúa Giêsu đã từng nói: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao? Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.” (Mt 5, 44-48).

Nếu mở rộng ra, chúng ta thấy nếu chúng ta chỉ yêu thương, chỉ ăn ngày ở lành, thì ai mà chẳng làm được, chẳng hạn như dụ ngôn người Samari nhân hậu ông ta là người ngoại, ông ta vẫn làm được, còn làm tốt hơn người có đạo nữa, nên yêu thương là điều răn mới, nhưng điểm cốt lỗi của yêu thương đó là phải làm cho người ta biết Chúa.

Chúng ta nhớ trong sách Đệ nhị luật có nói: “Vậy hôm nay, anh (em) phải biết và để tâm suy niệm điều này: trên trời cao cũng như dưới đất thấp, chính ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa, chứ không có thần nào khác nữa.” (Đnl 4,39). Nên không phải chỉ yêu thương là được, mà còn phải tin vào Thiên CHÚA duy nhất.

Và Thiên Chúa này không ai thấy được thì hiện diện hữu hình qua Chúa Giêsu, Đấng Cứu Chuộc con người Đấng mà Thiên Chúa Cha hứa ban cho con người, chính vì thế chúng ta phải thực hiện nhiệm vụ yêu thương nhau, để qua chúng ta là phương tiện, người ta được biết Chúa, để được cứu độ, đó là đức tin, đó là cùng đích mà chúng ta cần phải hướng tới, chứ không phải chỉ có yêu thương. Amen.




Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Cv 14,20b-26: Các ngài thuật lại những gì Thiên Chúa đã làm với các ngài.

Tv 144,1: Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa, con sẽ chúc tụng danh Chúa đến muôn đời.

Kh 21,1-5a: Thiên Chúa sẽ lau khô mọi giọt lệ ở mắt họ.

Ga 13,31-33a.34-35: Thầy ban cho các con điều răn mới, là các con hãy yêu thương nhau.

Sách Công vụ Tông đồ mô tả phần cuối của cuộc hành trình truyền giáo đầu tiên của Phaolô và Barnaba. Đoạn trong sách Khải huyền tập trung vào trời mới và đất mới. Tin Mừng là lời dạy của Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly để yêu thương nhau.

Ba bài đọc kéo dài từ cuộc Khổ nạn của Chúa Giêsu cho đến một thời gian sau kinh nghiệm Lễ Ngũ Tuần. Trong bài đọc thứ nhất, Phaolô và Barnaba cảm nghiệm được sự kêu gọi của Thánh Thần. Họ bắt đầu một chuyến đi truyền giáo đã dẫn đến nền tảng cho các cộng đồng Kitô hữu mới. Tuy nhiên, đồng thời, nó cho thấy sự thù địch nghiêm trọng của các cộng đồng Do Thái cụ thể và sự hiểu sai về vị trí của họ bởi những người theo các tôn giáo La Mã.

Sự biến đổi do Chúa Giêsu mang lại được trình bày một cách hình tượng trong bản văn của sách Khải Huyền. Có hy vọng cho những khởi đầu mới, những thay đổi sẽ không cho phép trời và đất bao giờ trở lại như cũ. Tin Mừng kêu gọi ta yêu thương nhau. Có người nói, “Người ta sẽ biết ta là Kitô hữu bởi tình yêu của chúng ta”. Vì vậy, ta hãy củng cố căn tính của mình bằng tình yêu của Chúa Kitô.




Thứ Hai - Tuần V Phục Sinh

Ga 14,21-26

Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu nói: “Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy."

Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy tương quan giữa chúng ta với Chúa khi chúng ta biết giữ luật của Chúa, một tương quan có trật tự.

Chúng ta được mời gọi suy tư thêm, đó là khi chúng ta biết giữ luật của Chúa, thì Chúa sẽ hướng dẫn sắp xếp cuộc đời của chúng ta theo như trật tự của Chúa, nghĩa là có thể Chúa đảo lộn trật tự lộn xộn của chúng ta đang sống, nhưng nếu chúng ta biết theo Chúa, thì đó là một trật tự mới tốt lành.

Đọc sách Sáng Thế, chúng ta thấy từ chương đầu của sách Sáng Thế, khi vũ trụ chưa thành hình. Chúa phân rẽ ánh sáng và tối tăm. Ngài phân rẽ trời và đất. Ngài phân rẽ biển và đất liền. Ngài dựng nên muôn loài và đặt vào đó để cho chúng sống. Và Ngài đặt vào đó con người để tiếp tục công trình tạo dựng, làm cho trật tự ấy vốn tốt đẹp trở nên tốt đẹp hơn. Rồi sa ngã, rồi xáo trộn lại xen vào. Thế giới trở nên hỗn mang như thủa ban đầu.

Ngài lại gửi Con Ngài là Đức Giêsu Kitô đến để tiếp tục công trình tạo dựng. Ngài là ánh sáng đẩy lui bóng tối. Ngài hoà giải những mối bất hoà và hiệp nhất người với người. Ngài dạy chúng ta, hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn hầu thoát khỏi những gì sắp xảy đến và đứng vững trước mặt con người.

Chúng ta hãy nhớ lại, có lần Chúa Giêsu đã nói: "Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hoà bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ. Vì từ nay, năm người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba chống lại hai, hai chống lại ba. Họ sẽ chia rẽ nhau: cha chống lại con trai, con trai chống lại cha; mẹ chống lại con gái, con gái chống lại mẹ; mẹ chồng chống lại nàng dâu, nàng dâu chống lại mẹ chồng." (Lc 12, 51-53).

Nên khi chúng ta theo Chúa Giêsu, chúng ta thì vẫn phải đối diện với những xáo trộn trong căn nhà vật chất hay tinh thần của mình nhưng với một tinh thần mới, một cách thế mới. Cách của Chúa và cách của Con Ngài là Đức Giêsu Kitô. Không làm cho thế giới đã xáo trộn nên xáo trộn hơn nhưng làm cho sự xáo trộn nên có trật tự, và từ trật tự tốt đẹp trở nên tốt đẹp hơn mỗi ngày.

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết yêu mến Chúa, biết giữ luật Chúa truyền, để Chúa sắp xếp cuộc đời của chúng ta lại một cách có trật tự. Amen.




Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Cv 14,5-18: Chúng tôi rao giảng cho các người bỏ các thần này mà trở về với Thiên Chúa hằng sống.

Tv 115,1: Lạy Chúa, không phải cho chúng con, nhưng xin cho danh Ngài rạng sáng.

Ga 14,21-26: Ðấng Phù Trợ mà Cha sẽ sai đến, Người sẽ dạy các con mọi điều.

Chúa Ba Ngôi là một trong những mầu nhiệm trong truyền thống Kitô giáo. Chúa có thể là một và ba là một mầu nhiệm, nhưng huyền nhiệm này cũng mang lại niềm an ủi lớn lao. Hôm nay, Phúc âm nói về sự năng động của Tình yêu của Chúa Ba Ngôi này và sự tham gia của chúng ta. Ta yêu Chúa Giêsu, và Chúa yêu ta. Chúa Giêsu yêu ta. Chúa Thánh Thần đang được gửi đến để yêu ta. Đó là rất nhiều tình yêu di chuyển linh hoạt trong một mối quan hệ.

Chúa Giêsu cho ta sự yên tâm tuyệt vời và kêu gọi trong Tin Mừng. Chúa yêu và sẽ luôn ở bên ta. Hãy tưởng tượng, đối với những người bạn đồng hành thân thiết nhất của Chúa Giêsu, niềm an ủi khi biết rằng tình yêu của Chúa sẽ luôn ở với họ trong Chúa Thánh Thần, ngay cả khi Chúa Giêsu không thể ở với họ mãi mãi. Chúa Giêsu nhắc nhở rằng ta được mời gọi để yêu theo cách Chúa Giêsu yêu. Vì vậy, khi ta sống Mùa Phục sinh, đây là lời mời gọi cầu nguyện và suy ngẫm - ta cộng tác với tình yêu của Chúa Giêsu trong thế giới ngày nay như thế nào? Ta đón nhận tình yêu này như thế nào? Làm thế nào trao ban cách quảng đại tình yêu này cho người khác?


 


Thứ Ba - Tuần V Phục Sinh

Ga 14,27-30a

Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi.”

Nhưng chúng ta biết bình an mà Chúa Giêsu ban cho các môn đệ không phải bình an như thế gian ban tặng, nghĩa là để có bình an này, Chúa Giêsu phải chiến đấu mới có được.

Chúng ta hãy nhớ lại, sau khi sống lại, hiện ra Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ, Chúa Giêsu cũng nói: “Bình an cho anh em! " Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa.” (Ga 20,19-20). Nên bình an này phải chiến đấu mới có được.

Mà chiến đấu này là chiến đấu với sự dữ, chiến đấu với sự xấu mới có được, còn nếu chúng ta chiến đấu, với sự tốt lành thì làm sao có bình an.

Đọc lại tin mừng Gioan chúng ta thấy, khi Chúa Giêsu phục sinh Ladaro, thì có những người đi gặp nhóm Pha-ri-sêu và kể cho họ những gì Đức Giê-su đã làm. Vậy các thượng tế và các người Pha-ri-sêu triệu tập Thượng Hội Đồng và nói: "Chúng ta phải làm gì đây? Người này làm nhiều dấu lạ. Nếu chúng ta cứ để ông ấy tiếp tục, mọi người sẽ tin vào ông ấy, rồi người Rô-ma sẽ đến phá huỷ cả nơi thánh của ta lẫn dân tộc ta." Một người trong Thượng Hội Đồng tên là Cai-pha, làm thượng tế năm ấy, nói rằng: "Các ông không hiểu gì cả, các ông cũng chẳng nghĩ đến điều lợi cho các ông là: thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt."

Chúng ta thấy khi họ giết Chúa Giêsu rồi thì họ có bình an thật sự hay không? Có giữ được đất nước khỏi bình an không? Thưa không, bằng chứng là năm 70, tướng Tito đã sang bằng thành thánh Giêrusalem thành bình địa, đúng như lời tiên báo của Chúa Giêsu: “Khi đến gần Giê-ru-sa-lem và trông thấy thành, Đức Giê-su khóc thương mà nói: "Phải chi ngày hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi! Nhưng hiện giờ, điều ấy còn bị che khuất, mắt ngươi không thấy được. Thật vậy, sẽ tới những ngày quân thù đắp luỹ chung quanh, bao vây và công hãm ngươi tư bề. Chúng sẽ đè bẹp ngươi và con cái đang ở giữa ngươi, và sẽ không để hòn đá nào trên hòn đá nào, vì ngươi đã không nhận biết thời giờ ngươi được Thiên Chúa viếng thăm." (Lc 19,41- 44).

Như vậy, lời Chúa hôm nay, Chúa nói: Ngài ban cho chúng ta bình an của Ngài, nhưng để thật sự để hưởng được bình an của Chúa, chúng ta được mời gọi phải chiến đấu với sự dữ, chiến đấu với những sự xấu xa, và khi chúng ta biết chiến đấu chống lại sự dữ, chống lại sự xấu xa, là chúng ta đang có bình an của Chúa, bởi vì khi có bình an của Chúa, chúng ta mới có thể đường đầu mà chiến đấu đến cùng được. Amen.




Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Cv 14,18-27: Các ngài thuật cho giáo đoàn nghe những gì Thiên Chúa đã làm với các ngài.

Tv 145,12: Lạy Chúa, các bạn hữu Chúa nhận biết vinh quang nước Chúa.

Ga 14,27-31a: Thầy ban bình an của Thầy cho các con.

Chúa Giêsu cho ta những suy nghĩ an ủi về hiện tại và tương lai. Với cái chết trên Thập giá, Chúa Giêsu đã đánh bại cả cái chết và sự sợ hãi. Ngài ban cho ta sự bình an. “Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con. Thầy ban cho các con không như thế gian ban tặng”.

Sự bình an mà Chúa Giêsu để lại không phải là sự bình an trong tâm hồn, sự an bình và yên lặng, để nghỉ ngơi trong sự bình an hay giữ sự bình an. Không, nó sâu sắc hơn nhiều. Vì sự bình an mà Chúa Giêsu đã ban cho các môn đệ và tương tự như vậy cho mỗi người, là sự bình an vượt qua mọi sự hiểu biết. Một sự bình an cho phép ta chiến thắng tất cả những nỗi sợ hãi, lo lắng và thống khổ bởi vì tình yêu của Chúa luôn ở bên ta. Bình an, khi biết rằng bàn tay của Thiên Chúa luôn ở trên vai, giúp đỡ, hướng dẫn và nâng đỡ bất cứ khi nào ta cảm thấy cần phải kêu cầu Ngài. Vì vậy, trong những lúc muộn phiền, căng thẳng và hỗn loạn, hãy nhớ đến di sản mà Đức Kitô đã để lại qua những lời này, “Thầy ban bình an của Thầy cho các con. Lòng các con đừng xao xuyến và đừng sợ hãi.”


 


Thứ Tư - Tuần V Phục Sinh

Ga 15,1-8

Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Thầy là cây nho, Cha Thầy là người trồng nho. Cành nào trong Thầy không sinh hoa trái thì Người chặt đi, còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái”.

Và sau đó, Chúa Giêsu nói thêm: “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được. Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi. Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý. Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy.”

Nói như vậy, để chúng ta thấy đi theo Chúa chắn chắc sẽ được Chúa cắt tỉa, chứ không phải đi theo Chúa để tìm sự an nhàn thư thái, tìm sự bình an theo kiểu người đời.

Chúng ta hãy nhớ lại có lần Chúa Giêsu đã nói: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy. Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình?” (Mt 16,24-26).

Hay Chúa Giêsu cũng từng nói: “Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hoà bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ. Vì từ nay, năm người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba chống lại hai, hai chống lại ba. Họ sẽ chia rẽ nhau: cha chống lại con trai, con trai chống lại cha; mẹ chống lại con gái, con gái chống lại mẹ; mẹ chồng chống lại nàng dâu, nàng dâu chống lại mẹ chồng." (Lc 12, 51-53).

Nhưng dù có đi theo Chúa, dù Chúa có cắt tỉa chúng ta như thế nào đi chăng nữa, thì chúng ta hãy nhớ một điều là Chúa luôn luôn muốn điều tốt lành cho chúng ta, để chúng ta sinh nhiều hoa trái.

Và khi Chúa cắt tỉa chúng ta, thì Chúa luôn luôn ban bình an của Chúa cho chúng ta, để khi bị đau đớn vì sự cắt tỉa, chúng ta cũng có đủ sức, đủ bình an để vượt qua đau đớn đó, để có được bình an đích thực.

Nói thì nói như vậy, nhưng trong đời sống thường ngày thì lại khác, nhất là khi chính mình đối diện với sự cắt tỉa của Chúa.

Chúng ta biết chiêm bao là không có thật, nhưng nhiều khi mình nằm mơ, mình thấy điều này, thấy điều kia, thức dậy cũng đổ mồ hôi hột, cũng sợ hãi, vì mặt dầu chiêm bao là không có thật, nhưng khi chính mình ở trong chiêm bao thì là thật.

Nên khi Chúa cắt tỉa chúng ta, mặc dầu biết rằng đó là điều tốt cho chúng ta, biết rằng Chúa ban bình an cho chúng ta, nhưng khi đối diện với điều đó, chúng ta cũng sợ phải sợ hãi, vậy khi đối diện với những cắt tỉa của Chúa, chúng ta hãy cầu xin Chúa luôn luôn, để chúng ta giữ được đức tin của mình vào Chúa, để chúng ta giữ được sự bình an của Chúa, và chúng ta cũng phải biết nâng đỡ nhau trong đức tin, để chùng nhau vượt qua được những khó khăn thử thách trong cuộc đời, để cuộc đời mình sinh nhiều hoa trái. Amen.




Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Cv 15,1-6: Người ta quyết định là các ngài lên Giêrusalem xin các Tông đồ và niên trưởng giải quyết vấn đề này.

Tv 122,1: Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi: “Chúng ta sẽ tiến vào nhà Chúa”.

Ga 15,1-8: Ai ở trong Thầy, và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái.

Hình ảnh mà Chúa Giêsu sử dụng cho chính mình trong bài đọc hôm nay từ Gioan nhấn mạnh bản chất của sự phát triển thích hợp và lành mạnh: ta phải bám rễ chắc chắn và trọn vẹn trong Đức Kitô để sinh hoa kết quả tốt lành. Hãy nhớ rằng Chúa Kitô đã nói: “Cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai” (Mt 7,16). Dưới ánh sáng đó, ta hiểu rằng cành cây không sống để thưởng thức trái cây; nó chỉ là phương tiện chuyển tải để quả được no đầy. Điều này cũng tương tự với ta: ta sống để đem Chúa cho thế giới và thay đổi thế giới thành vương quốc của Chúa.

Chúa ban cho ta những gì cần thiết để có đời sống ích lợi cho bản thân và cho người khác. Điều đó tuỳ thuộc vào sự kết nối với Chúa của mỗi người. Ta chỉ có thể khám phá ra ơn huệ Chúa ban bằng lời cầu nguyện hàng ngày, bắt đầu bằng những lời nguyện dâng ngày với sự suy ngẫm về tình yêu của Chúa dành cho và kết thúc bằng sự biết ơn lắng nghe và kiểm xét cá nhân để nhận ra ý muốn của Ngài. Vậy, hãy cùng đón nhận ơn Chúa qua thánh lễ và rồi ta mang Chúa đi đến cho anh chị em mình.




Thứ Năm - Tuần V Phục Sinh

Ga 15,9-11


Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Như Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến anh em”. Và Chúa mời gọi thêm: “Anh em hãy ở lại trong tình yêu của Thầy”.

Đó là lời mời gọi của Chúa Giêsu dành cho mỗi người chúng ta, nhưng nếu chúng ta suy tư ngược lên, chúng ta sẽ thấy khi kêu gọi chúng ta hãy ở lại trong tình yêu của Chúa, vì Chúa yêu mến chúng ta, thì chính Chúa Giêsu ngài đã ở trong tình yêu của Chúa Cha, vì Chúa Cha đã yêu mến Ngài.

Nhờ ở trong tình yêu của Chúa Cha, nên Chúa Giêsu luôn luôn tin tưởng phó thác cuộc đời mình cho Chúa Cha, luôn thi hành thánh ý Chúa Cha trong cuộc đời, hay nói cách khác, nhờ sống trong tình yêu của Chúa cha, mà Chúa Giêsu để cho ý muốn Chúa Cha cắt tỉa đi những ý riêng trong cuộc đời trần thế của Chúa Giêsu: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà làm theo ý Cha." (Lc 22,42).

Cắt tỉa đi những cám dỗ của ma quỷ, và tất cả những cám dỗ khác đến từ các môn đệ của Chúa: “Satan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người." (Mt 16,23), nhờ đó mà Chúa Giêsu đã hoàn tất sứ mạng mà Chúa Cha đã trao phó cho mình.

Như thế, khi mời gọi mỗi người chúng ta hãy ở lại trong tình yêu của Chúa, Chúa Giêsu cũng muốn mỗi người chúng ta nhờ đó mà được Chúa Cha cắt tỉa. Và khi chúng ta yêu mến ai, thì người đó có cắt tỉa chúng ta như thế nào đi chăng nữa, chúng ta cũng không cảm thấy bình an, và sự cắt tỉa đó mới mang lại hiệu quả.

Chẳng hạn như bây giờ, có người mà chúng ta yêu mến, cụ thể như cha mẹ của chúng ta, chúng ta yêu thương cha mẹ chúng ta vô cùng, bất cứ cái gì chúng ta đều có thể hy sinh cho cha mẹ của chúng ta hết, có thể chết thay cho cha mẹ cũng được.

Còn bầy giờ có một người thù, mà ta thấy mặt là ta không ưa, và nó thấy mặt mình nó cũng không ư, hai người gặp mặt là chỏn nhau, có thể đánh lộn.

Bây giờ cha mẹ của chúng ta bữa đó giận tán chúng ta một cái thật đau, in 5 dấu tay trên mặt chúng ta có giận người đó không? Thưa không giận, mà còn thương cha mẹ nữa, vì cha mẹ còn sức đánh mình đau.

Nhưng một người mà chúng ta ghét cay ghét đắng lại tát chúng ta một cái, một cái nhẹ thôi, chúng ta có giận không? Thưa không chỉ giận, mà còn ăn thua đủ với người đó nữa.

Nên Chúa muốn chúng ta ở trong tình yêu của Chúa để Chúa sửa dạy chúng ta, và nếu chúng ta yêu mến Chúa thật sự, thì sự sửa dạy của Chúa mới có thể tác động trên cuộc đời của chúng ta được, nếu không thì chúng ta giận Chúa, chúng ta oán trách Chúa.

Và cụ thể là Chúa sửa dạy chúng ta bằng luật của Chúa, nên Chúa nói: “Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người. Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn.”

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết ở lại trong tình yêu của Chúa, để Chúa sửa dạy, để Chúa cắt tỉa chúng ta, có như thế chúng ta mới có thể hưởng được niềm vui của Chúa, có như thế niềm vui của chúng ta mới nên trọn vẹn. Amen.




Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Cv 15,7-21: Tôi xét là không nên làm khó dễ các người dân ngoại trở về với Thiên Chúa.

Tv 96,3: Hãy tường thuật phép lạ Chúa giữa chư dân.

Ga 15,9-11: Các con hãy ở trong tình yêu của Thầy, để niềm vui của các con được trọn vẹn.

Sách Công vụ kêu gọi chấp nhận dân ngoại nếu họ hướng về Chúa. Đừng ngăn cản họ. Trở về với Chúa không chỉ một lần và mãi mãi. Đây là một quá trình, và thậm chí còn được coi là một cuộc hoán cải lặp đi lặp lại trong đời sống. Phúc âm nhắc nhở rằng Thiên Chúa muốn ta ở lại trong tình yêu của Ngài. Như vậy, ta có thể tận hưởng cuộc sống tràn đầy niềm vui của Ngài. Nhưng ta yếu đuối, bất nhất, hèn nhát,..; do đó, ta không thể tuân theo các lệnh truyền của Chúa mà thôi. Chúng ta luôn cần ơn ban và lòng thương xót của Chúa.

Hơn nữa, Thánh vịnh khuyên rằng hãy “Hãy tường thuật phép lạ Chúa giữa chư dân”. Lời mời gọi này dành cho tất cả. Nó không có giới hạn hoặc ranh giới. Nhưng nói cho ai? Tất cả quốc gia - dân tộc – toàn thể nhân loại, ngay cả đối với những người không tin, bằng cách tôn vinh Chúa và chúc tụng danh Ngài. Là những người phục vụ của Chúa, ta thi hành các điều răn của Ngài. Sau đó, ta hướng về muôn dân và loan báo ơn cứu độ và kể về vinh quang của Người. Ta không thể phục vụ mọi người cho đến khi nhìn thấy vẻ đẹp và sự uy nghi của Chúa. Phục vụ Thiên Chúa đi trước phục vụ con người.


 


Thứ Sáu - Tuần V Phục Sinh

Ga 15,12-17

Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Đây là lệnh truyền của Thầy, đó là các con hay yêu mến nhau, như Thầy đã yêu mến các con”.

Chúng ta hãy nhớ lại câu chuyện sau khi Chúa Giêsu làm cho phái Sadoc phải câm miệng khi họ hỏi Chúa Giêsu về vấn đề kẻ chết sống lại, qua câu chuyện giả tưởng về một người phụ nữ có 7 đời chồng đều là anh em ruột, và khi bà này chết thì bà này sẽ là vợ của ai.

Thì sau đó có một ông thông luật thuộc nhóm biệt phái đến hỏi Chúa Giêsu về điều răn nào là điều răn trọng nhất, thì Chúa Giêsu đã trả lời: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả Luật Mô-sê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy." (Mt 22, 37-40).

Nhưng hôm nay Chúa Giêsu mở ra cho chúng ta thấy, không phải là yêu người thân cận, yêu người anh em của mình như mình yêu mình, mà là như Chúa đã yêu mình, đó là điều răn mới mà Chúa ban cho con người: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” (Ga 13,34).

Chúng ta để ý khi mình yêu mình thì điều gì sẽ xảy ra? Thưa thì mình chỉ thu góp cho mình, mình chỉ muốn điều tốt cho mình, thậm chí đó là còn ghen ghét với người anh em của mình nữa, vì muốn điều tốt cho mình mà hy sinh người anh em của mình.

Chúng ta hãy nhớ lại câu chuyện của các thượng tế và các người Pha-ri-sêu triệu tập Thượng Hội Đồng để bàn về việc phải đối phó với Chúa Giêsu và họ nói: "Chúng ta phải làm gì đây? Người này làm nhiều dấu lạ. Nếu chúng ta cứ để ông ấy tiếp tục, mọi người sẽ tin vào ông ấy, rồi người Rô-ma sẽ đến phá huỷ cả nơi thánh của ta lẫn dân tộc ta." Một người trong Thượng Hội Đồng tên là Cai-pha, làm thượng tế năm ấy, nói rằng: "Các ông không hiểu gì cả, các ông cũng chẳng nghĩ đến điều lợi cho các ông là: thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt." (Ga 11, 47-50).

Còn Chúa Giêsu yêu mình thì sao? Như lời Chúa Giêsu đã nói đó là: Không có tình yêu nào cao trọng hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình, nghĩa là tình yêu của Chúa là tình yêu cho đi, cho đi tất cả, không so đo tính toán gì cả, thậm chí là cho đi cả mạng sống của của mình: “Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.” (Pl 2,6-8).

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết sống điều răn mới của Chúa, đó là yêu thương anh em như Chúa yêu thương chúng ta, nghĩa là yêu thương là biết cho đi không so đo tính toán hơn thiệt, nếu lỡ có thua sút người khác đôi chúng ta cũng sao, vì khi sống được như vậy, là chúng ta đã sống được như điều Chúa dạy, nghĩa là chúng ta đã thành công, còn chúng ta so đo tính toán, thì chứng tỏ chúng ta chưa thành công trogn việc sống lời Chúa dạy, khi Chúa chịu chết, sống lại, cũng có người tin, người không tin, nhưng Chúa vẫn thực hiện điều đó, chứ không phải vì những người không tin mà Chúa bỏ. Amen.




Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Cv 15,22-31: Thánh Thần và chúng tôi xét rằng không nên buộc thêm cho anh em gánh nặng nào khác.

Tv 57,10: Lạy Chúa, con sẽ ngợi khen Chúa giữa chư dân.

Ga 15,12-17: Ðây là lệnh truyền của Thầy: Các con hãy yêu mến nhau.

“Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu anh em.” Đó là những gì Chúa Giêsu nói với các môn đệ trong Phúc âm thánh Gioan. Đơn giản nhưng kinh thiên động địa. Không ai có tình yêu lớn hơn tình yêu này, để hy sinh cuộc đời của mình cho người khác. Mệnh lệnh của Chúa: Yêu nhau như Chúa Giêsu đã yêu chúng ta là một thử thách khó khăn.

Hãy nghĩ về thời điểm Chúa Giêsu mệt mỏi, đói khát và quá tải. Ngài vẫn đáp ứng những nhu cầu về tinh thần và vật chất của những người xung quanh. Bí mật đằng sau đó là tình yêu. Ngài có mặt ở đó vì nhu cầu của người khác. Ngài cho kẻ đói ăn; chữa lành; khuyến khích những người sợ hãi và gặp khó khăn. Chúa Giêsu chăm lo cho ai đói khát vật chất và tinh thần. Là môn đệ của Đức Kitô, chúng ta có thể thi hành phận sự của mình để giúp cho những người xung quanh chúng ta. Bên cạnh đó, ta phải dành thời gian để cầu nguyện cho những người cần. Ta thực hành lời cầu nguyện trong Kinh Lạy Cha để tha thứ cho những người đã làm hại hoặc mắc lỗi với ta. Như Thánh Inhaxiô nói, ta có thể tìm thấy Chúa trong mọi sự. Như vậy, Chúa sẽ giúp ta tìm thấy điều tốt đẹp để yêu bằng suy nghĩ tích cực của mình.



 

Thứ Bảy - Tuần V Phục Sinh

Ga 15,18-21

Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước. Giả như anh em thuộc về thế gian, thì thế gian đã yêu thích cái gì là của nó. Nhưng vì anh em không thuộc về thế gian và Thầy đã chọn, đã tách anh em khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em.”

Tôi nhớ khi học về gia phả Chúa Giêsu, thì có nói về: “Ông Áp-ra-ham sinh I-xa-ác; I-xa-ác sinh Gia-cóp; Gia-cóp sinh Giu-đa và các anh em ông này…”

Nhưng đến gần đời của Chúa Giêsu thì lại có sự thay đổi: “Gia-cóp sinh Giu-se, chồng của bà Ma-ri-a, bà là mẹ Đức Giê-su cũng gọi là Đấng Ki-tô.” (x. Mt 1, 1-17).

Chúng ta thấy tin mừng nói người cha tên gì đó, sinh người con tên gì đó, nghĩa là như vậy mới chắc chắn là con của người đó.

Còn đối với Chúa Giêsu thì không nói thánh Giuse sinh Chúa Giêsu mà chỉ nói Giacop sinh Giuse, chồng bà Maria, bà là mẹ Đức Giêsu cũng gọi là Đấng Kitô, nên Chúa Giêsu không phải là con ruột của thánh Giuse.

Hay tin mừng Luca cũng nói: “Khi Đức Giê-su khởi sự rao giảng, Người trạc ba mươi tuổi. Thiên hạ vẫn coi Người là con ông Giu-se. Giu-se là con Ê-li”, như vậy cha mẹ sinh ra con cái, thì có thể nói chắc chắn đó là con của mình, nhưng con cái nó là con của mình thì chưa chắc là mình đã sinh ra nó.

Nói như vậy để chúng ta hiểu lời của Chúa Giêsu đó là sở dĩ thế gian ghét chúng ta là vì thế gian đã ghét Chúa trước, nghĩa là khi chúng ta bị thế gian ghét điều này chứng tỏ là chúng ta đã thuộc về Chúa, chứ không thuộc về thế gian, còn nếu thế gian yêu thương chúng ta là vì chúng ta thuộc về thế gian, chứ không thuộc về Chúa.

Nên trong cuộc đời của mỗi người chúng ta, chúng ta được mời gọi hãy ý thức một điều như thế này, đó là chúng ta là con cái của Chúa, nói như lời Chúa Giêsu đã nói là chúng ta đã được Chúa tách ra khỏi thế gian, nên chúng ta hãy sống tốt lành thánh thiện để xứng đáng là con cái của Chúa đó mới là điều quan trọng, chứ không phải sống để được thế gian yêu mến, mà đánh mất đi chính mình.

Chúng ta hãy nhớ lại câu chuyện của Giuda bán Chúa, tin mừng Macco kể lại: “Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, một người trong Nhóm Mười Hai, đi gặp các thượng tế để nộp Người cho họ. Nghe hắn nói, họ rất mừng và hứa cho tiền. Giu-đa liền tìm cách nộp Người sao cho tiện.” (Mc 14,10-11). Nghĩa là Giuda lấy được lòng của những thượng tế, là những người ví như thế gian thù ghét Chúa, nhưng ông đã đánh mất chính mình, quên mình là ai.

Hay câu chuyện của hai môn đệ con ông Dêbede xin Chúa Giêsu một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Chúa trong nước Chúa, khi nghe vậy, mười môn đệ kia đâm ra tức tối với ông Gia-cô-bê và ông Gio-an. Đức Giê-su gọi các ông lại và nói: "Anh em biết: những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Nhưng giữa anh em thì không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người. Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người." (Mc 10, 41-44).

Nghĩa là các môn đệ của Chúa chạy theo những cám dỗ thế gian, chạy theo quyền lực, nên đã quên đi sứ vụ của mình là gì, đánh mất chính mình.

Nên xin cho mỗi người chúng ta hiểu được điều đó, để ý thức mình thuộc về Chúa, để không đánh mất chính mình theo những của cải lợi lộc trần gian. Amen.




Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Cv 16,1-10: Xin đi sang Macêđonia mà cứu giúp chúng tôi.

Tv 100,2: Toàn thể địa cầu, hãy reo mừng Chúa!

Ga 15,18-21: Các con không thuộc về thế gian, vì chính Thầy đã chọn các con khỏi thế gian.

Trong Phúc âm hôm nay, chúng ta nghe Chúa Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Nếu thế gian ghét các con, các con hãy biết rằng họ đã ghét Thầy trước”. Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Ta đã yêu các con trước”. Nói cách khác, chúng ta thuộc về Chúa Giêsu. Thế giới có thể ghét chúng ta, nhưng nó không sở hữu chúng ta. Phúc âm cho biết thế giới chống lại những người theo Chúa Giêsu Kitô. Một trong những đặc điểm chính của những người theo Chúa Giêsu Kitô là chiến đấu chống lại mọi điều ác và tội lỗi có trong thế giới và bên trong mỗi người.

Chúng ta như con thuyền đi ngược nước. Dòng nước có khi êm thuận, có lúc gầm gào sóng vỗ, thậm chí có lắm khi tưởng như nuốt chửng con thuyền. Nhưng con thuyền có Chúa lèo lái chỉ huy thì chúng ta tin tưởng rằng mọi người sẽ đi đến bến bờ bình an. Do đó, Kitô hữu nên trung thành với Đức Kitô và sứ điệp của Ngài. Thánh Irênê nói: “Thiên Chúa không cần bất cứ điều gì, nhưng con người cần hiệp thông vĩnh viễn với Thiên Chúa. Và sự vinh hiển của con người nằm ở sự kiên trì và luôn luôn phụng sự Thiên Chúa”. Và Thánh vịnh cũng cho ta biết rằng “Vì Thiên Chúa, Người thiện hảo, lòng từ bi Người tồn tại muôn đời, và lòng trung tín còn tới muôn muôn thế hệ.”