
Chúa Nhật V Mùa Chay - B
Gr 31,31-34; Dt 5,7-9; Ga 12,20-33
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Gr 31,31-34: Ta sẽ ký kết giao ước mới và Ta sẽ không còn nhớ tội lỗi nữa.
Tv 51,12: Ôi lạy Chúa, xin tạo cho con quả tim trong sạch.
Dt 5,7-9: Người đã học vâng phục và đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời.
Ga 12,20-33: Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt.
Chúa Giêsu rao giảng với những hình ảnh rất gần gũi mà lôi cuốn. Trong các lễ hội ở Giêrusalem, một số người Hy Lạp đã đến thờ phượng và mong muốn được gặp Chúa Giêsu. Đối với người Hy Lạp, để ‘gặp’ Chúa Giêsu chỉ là nhìn cho biết hình dong. Tuy nhiên, ‘gặp gỡ’ Chúa Giêsu là biết Ngài. Nếu muốn biết về Ngài, ta nên nghĩ như Ngài nghĩ, để hiểu tại sao Ngài phải đau khổ, chết và sống lại. Chúa Giêsu nói rằng “Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt.” Giống như hạt lúa mì, Chúa Giêsu phải từ bỏ mọi sự, kể cả mạng sống của chính mình, để mang lại sự sống cho mình và người khác.
Nếu ta không thể thấy cốt lõi của cuộc đời Chúa Giêsu, ta không thể theo Ngài. ‘Nhìn thấy’ Chúa Giêsu có nghĩa là phục tùng Ngài. “Ai phụng sự Ta, hãy theo Ta, và Ta ở đâu, thì kẻ phụng sự Ta cũng sẽ ở đó” (Ga 12,26). Những lời của Chúa Giêsu nhắc nhở rằng, những ai theo Ngài phải theo bước Ngài cho đến chết. Tất nhiên, hạt không chết mà được biến đổi thành cây và sinh hoa kết quả. Và, để thấy Chúa Giêsu, ta phải đi trên con đường của Ngài – thập giá.
Thứ Hai - Tuần V Mùa Chay
(Đn 13,1-9.15-17.19-30.33-62; Ga 8,1-11)
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Đn 13,41-62: Đây tôi phải chết, dù tôi không làm điều họ vu khống cho tôi.
Tv 23,4: Dù bước đi trong thung lũng tối, con không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng con.
Ga 8,1-11: Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi.
Theo sách Đaniel, hội đồng đã lên án tử Susana. Susana khóc lớn: “Đây tôi phải chết, dù tôi không làm điều họ vu khống cho tôi.” Chúa thấu tỏ nỗi khổ của bà. Chúa giục thần trí một trẻ tên là Đaniel. Đaniel lớn tiếng kêu: “Tôi không vấy máu bà này.” Trong Phúc âm, các thầy dạy Luật Môsê và người Pharisêu nói rằng “Thưa Thầy, thiếu phụ này bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình.” Họ hỏi Chúa: “Thầy dạy sao?” Chúa Giêsu đáp lại: “Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi.”
Quan điểm của Đaniel và Chúa Giêsu mang lại ánh sáng, chữa lành và lòng thương xót. Đaniel lắng nghe tiếng nói lương tâm rằng có điều gì đó không ổn. Đaniel đã can đảm hành động và tranh luận cho Susana. Cậu bênh vực khi bà không thể tự bàu chữa. Tương tự, Chúa Giêsu bênh vực người phụ nữ. Ngài xem người phụ nữ như một con người có phẩm giá. Những lời nói và việc viết trên đất của Ngài không chỉ giải thoát người phụ nữ khỏi chết mà còn khiến những người muốn ném đá phải cân nhắc. Thần trí Ngài đã mang lại ánh sáng giải thoát và cơ hội để chữa lành tâm hồn. Ta có thể mang ánh sáng công lý, chữa lành và tình thương vào những cuộc gặp gỡ hằng ngày của chúng ta không?
Lm. Tôma Lê Duy Khang
Đọc tin mừng hôm nay, chúng ta được mời gọi cám ơn Chúa, tại sao phải cám ơn Chúa?
Thông thường, khi đọc Tin mừng này, chúng ta sẽ chia sẻ với nhau về việc ý thức mình tội lỗi như những người Do thái thời bấy giờ trước lời Chúa Giêsu đề nghị: “Ai trong các người sạch tội thì ném đá người phụ nữ này trước đi”, hay chúng ta được mời gọi đừng khép chặt quá khứ tội lỗi của mình cũng như của người khác qua câu nói của Chúa Giêsu: “Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao?” Người đàn bà đáp: “Thưa ông, không có ai cả.” Chúa Giêsu nói: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!”
Nhưng hôm nay chúng ta được mời gọi phải tạ ơn Chúa. Chúng ta tạ ơn Chúa cho những người biệt phái và luật sĩ. Chúng ta tạ ơn Chúa cho người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Vì nhờ tội ngoại tình của người phụ nữ mà người ta tìm đến với Chúa Giêsu, ban đầu không với ý hướng tốt lành, nhưng cuối cùng Chúa Giêsu giúp họ nhận ra tình trạng tội lỗi của mình, để Chúa mở ra cho họ một con đường mới.
Chúng ta biết thánh Augustino gọi tội nguyên tổ là tội hồng phúc, hồng phúc vì qua đó mà Chúa Giêsu đã đến với con người, giống như việc thánh Phaolo đã nói: “Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội” (Rm 5,20). Nói như vậy, không có nghĩa là chúng ta cứ phạm tội để được có phúc, có phúc hay không có phúc là ở nơi Chúa, là con người có chịu đến với Chúa hay không, nếu phạm tội mà con người không đến với Chúa, thì đó là vô phúc. Chúng ta hãy nhớ đến Đức mẹ, khi thiên thần chào Mẹ: “Kính chào bà hỡi đấng đầy ơn sủng”, không phải tự Đức Mẹ có đầy ơn sủng của Chúa, mà là vì cuộc đời của Mẹ có Chúa, Mẹ được Chúa ở cùng. Xin cho mỗi người chúng ta biết mở lòng ra đón nhận Chúa, một khi đã sa ngã phạm tội biết khiêm nhường hạ mình xuống chạy đến với Chúa, để ơn sủng của Chúa đổ xuống trên cuộc đời của mỗi người chúng ta, để chúng ta là những con người có phúc trước mặt Chúa. Amen.
Thứ Ba - Tuần V Mùa Chay
Thánh Giuse, Bạn Trăm Năm Đức Maria
(2Sm 7,4-5a.12-14a.16; Rm 4,13.16-18.22; Mt 1,16.18-21.24a)
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
2Sm 7,4-5a.12-14a.16: Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu của Đavít, tổ phụ Người (Lc 1,32).
Tv 89,37: Miêu duệ Người tồn tại đến muôn đời
Rm 4,13.16-18.22: Mặc dầu tuyệt vọng, ông vẫn tin.
Mt 1,16.18-21.24a: Giuse đã thực hiện như lời Thiên thần Chúa truyền.
ĐGH Phanxicô viết, “Thánh Giuse là người được Chúa chọn để hướng dẫn sự khởi đầu của lịch sử cứu độ. Ngài là ‘phép lạ’ thực sự mà nhờ đó Chúa cứu Hài Nhi và Mẹ. Chúa đã tin tưởng vào lòng can đảm sáng tạo của Giuse.”
Phúc âm khẳng định rằng Giuse không phải là cha của Chúa Giêsu. Giuse không hiểu hết sự thụ thai và sinh ra của Đức Kitô, nhưng Ngài có thể yêu những gì Ngài chưa hiểu. Chính trong tình yêu này, cả đức tin và sự thanh khiết của Ngài đều được tỏ lộ.
Kinh thánh cho biết rằng ta hành động bằng đức tin, không phải bằng nhìn thấy. Giuse phải dựa vào đức tin của mình. Ngài làm điều đúng đắn bằng cách đưa Chúa Giêsu và Maria về nhà và tiếp tục chăm sóc. Giuse là người công chính và như Phaolô nói, “sự công chính…đến từ đức tin.”
ĐGH Phanxicô dạy ta học hỏi thêm nhiều điều về Thánh Cả, cũng như suy ngẫm về ý nghĩa, tấm gương và lòng can đảm mà đức tin và tình phụ tử của Ngài. Giuse là một người hành động thầm lặng. Ngài trở thành một vị thánh lặng thầm trong những hoàn cảnh bình thường. Thánh hóa các hoạt động hàng ngày trong thinh lặng là một cách để bước theo chân của Thánh Giuse. Vì những hành động âm thầm của Ngài có ý nghĩa lớn hơn lời nói.
Lm. Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay kể cho chúng ta nghe sự kiện thiên thần truyền tin cho Giuse, tại sao thiên thần phải truyền tin cho Giuse? Thưa vì: “Bà Ma-ri-a, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.” Nghĩa là vì Giuse định tâm bỏ Đức Mẹ cách kín đáo, vì trước khi hai người về chung sống với nhau Mẹ đã có thai do quyền năng của Chúa Thánh Thần.
Qua việc truyền tin này, chúng ta thấy khi con người đã cộng tác với Chúa, khi con người làm việc Chúa, Chúa không bỏ rơi con người, chúng ta phải xác tín điều đó. Đồng thời, chúng ta phải hiểu được điều này, đó là trong những lúc khó khăn trong cuộc đời, Chúa không trực tiếp nói với chúng ta như nói với thánh Giuse qua Thiên Thần, mà Chúa nói với chúng ta qua những dấu chỉ hữu hình mà Chúa gởi đến cho chúng ta, mà cụ thể đó là lời của Chúa.
Chúng ta là những người đi sau, đọc kinh thánh chúng ta biết được những điều đã xảy ra, nên muốn biết điều gì, cứ tìm kinh thánh, Chúa đã mạc khải cho chúng ta trong kinh thánh, còn thời của thánh Giuse thì làm gì mà thánh nhân biết được, nên cần được soi sáng để hiểu mà cộng tác vào công trình cứu độ của Thiên Chúa.
Chúng ta hãy nhớ lại câu chuyện của 3 nhà chiêm tinh đi tìm Chúa Giêsu, Tin mừng Mattheu thuật lại: “Khi Đức Giê-su ra đời tại Bê-lem, miền Giu-đê, thời vua Hê-rô-đê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giê-ru-sa-lem, và hỏi: “Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người.” Nghe tin ấy, vua Hê-rô-đê bối rối, và cả thành Giê-ru-sa-lem cũng xôn xao. Nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân lại, rồi hỏi cho biết Đấng Ki-tô phải sinh ra ở đâu. Họ trả lời: “Tại Bê-lem, miền Giu-đê, vì trong sách ngôn sứ, có chép rằng: “Phần ngươi, hỡi Bê-lem, miền đất Giu-đa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giu-đa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ít-ra-en dân Ta sẽ ra đời” (Mt 2, 1-6). Nên cần điều gì, chúng ta cứ giở kinh thánh ra để tìm kiếm những giáo lý đức tin trong đó, để chúng ta tìm ra thánh ý Chúa trong cuộc đời của mình. Nhưng chúng ta cần phải đọc và hiểu kinh thánh trong toàn bộ chứ không phải ép lời Chúa theo ý mình, hay chỉ hiểu theo nghĩa đen.
Chuyện kể về một linh mục giảng cho bổn đạo và mời gọi họ, khi làm điều gì mà không biết đúng hay không thì nên giở kinh thánh ra để tìm ý Chúa xem ý Chúa muốn mình làm gì, thì lúc đó hãy làm, bởi ý Chúa là tốt đẹp. Có một người giáo dân về chờ cơ hội để thực tập theo lời cha dạy xem sao, bởi những vấn đề nào không giải quyết được mới tìm ý Chúa. Hôm đó có một con cò ở đâu bay đến rớt ngay cửa nhà anh, anh không dám bắt để ăn thịt, bởi vì nghe ông bà nói chim sa cá lặn, suy nghĩ một hồi anh ta mới nhớ lời cha dặn, nên tìm cuốn kinh thánh và anh ta giở đại một trang, gặp câu: “Hãy giết mà ăn”, đó là câu mà Phêrô giữa trưa gặp thị kiến, nên anh ta bắt con cò làm thịt ăn, vì Chúa muốn như vậy.
Lần sau, gặp chuyện buồn trong gia đình, anh ta không biết giải quyết làm sao, cũng lật kinh thánh ra gặp đoạn nói về Giuda thắt cổ tự tử, anh nói không lẽ Chúa muốn mình như vậy, anh tiếp tục lật kinh thánh lần 2 thì gặp câu: “Hãy đi và làm như vậy”, hết sức bối rối anh ta lật lần thứ 3 cũng gặp câu đó: “Hãy đi và làm như vậy”.
Đây chỉ là câu chuyện vui, nhưng mời gọi chúng ta phải hiểu ý Chúa như thế nào, không thể đọc một đoạn, lấy một câu để mà giải nghĩa theo ý mình, thì lúc đó không còn là ý Chúa, mà là ý của mình. Xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết noi gương thánh Giuse lắng nghe và thi hành thánh ý Chúa trong cuộc đời của mình. Amen.
Thứ Tư - Tuần V Mùa Chay
(Đn 3,14-20.24-25.28; Ga 8,31-42)
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Đn 3,14-20.91-92.95: Người đã sai thiên thần của Người đến giải thoát các tôi tớ Người.
Đc: Chúa đáng ca ngợi và tôn vinh muôn đời (Đn 3,52).
Ga 8,31-42: Nếu Chúa Con giải thoát các ngươi, thì các ngươi thực sự được tự do.
Chúa Giêsu nói với những người Do Thái “đã tin ngài”. Có lẽ họ đã tin, nhưng niềm tin đó không tạo ra sự hiểu biết. Nhưng Chúa Giêsu không nói nhiều về sự bất hòa giữa tư tưởng và tình trạng của họ. “Nếu Chúa Con giải thoát các ngươi, thì các ngươi thực sự được tự do.” Cuộc đối thoại này của Chúa Giêsu phản ánh sự khởi đầu khó khăn do các Kitô hữu gốc Do Thái gây ra trong thời buổi đầu của Giáo hội.
Những người tin Chúa thì chiến đấu với tội lỗi. Mặc dù họ bị lạm dụng bởi quyền hành, sự bắt bớ, hoặc ép buộc, thậm chí cả truyền thống hay luật pháp, họ vẫn giữ được tự do bên trong của mình. Khi họ nghe và tuân giữ lời Chúa, họ được giải thoát. Đấng Kitô giải phóng và làm cho ta trở thành con cái của Chúa. Con cái của Chúa được sinh ra để được tự do. “Người đã sai thiên thần của Người đến giải thoát các tôi tớ Người.” Ba thiếu niên tại cung điện sẵn sàng hy sinh mạng sống vì đức tin của họ. Giống như đức tin của Abraham, đức tin của ta vào Chúa Giêsu phải sâu đậm và vô điều kiện. Nếu không có đức tin nơi Chúa Giêsu, không ai có thể là môn đệ của Ngài và không thể biết sự thật, và sự thật sẽ giải thoát chúng ta.
Lm. Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay trình bày lời Chúa Giêsu nói với những người Do thái tin người rằng: “Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, thì các ông thật là môn đệ tôi; các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông.” Họ đáp: “Chúng tôi là dòng dõi ông Áp-ra-ham. Chúng tôi không hề làm nô lệ cho ai bao giờ. Làm sao ông lại nói: các ông sẽ được tự do?” Nghĩa là Chúa Giêsu muốn cho biết sứ vụ của Chúa là giải thoát con người khỏi tội lỗi, nhưng người Do thái không hiểu, họ chỉ hiểu là họ đã có tự do về mặt thể lý, không cần ai phải giải thoát cả.
Với lý luận của người Do thái, chúng ta thấy, khi họ hiểu như vậy là họ cũng đang bị cầm tù trong tư tưởng của họ, họ không thoát ra khỏi tư tưởng tự tôn dân tộc của mình: “Chúng tôi là dòng dõi ông Áp-ra-ham. Chúng tôi không hề làm nô lệ cho ai bao giờ. Làm sao ông lại nói: các ông sẽ được tự do?” và nếu không thoát ra được thì sẽ dẫn đến bờ vực thẳm mà thôi.
Trong kinh thánh có kể cho chúng ta câu chuyện: “Chúa Giêsu và các môn đệ sang tới bờ bên kia Biển Hồ, vùng đất của dân Ghê-ra-sa. Người vừa ra khỏi thuyền, thì từ đám mồ mả, có một kẻ bị thần ô uế ám liền ra đón Người. Anh này thường sống trong đám mồ mả và không ai có thể trói anh ta lại được, dầu phải dùng đến cả xiềng xích. Thật vậy, nhiều lần anh bị gông cùm và bị xiềng xích, nhưng anh đã bẻ gãy xiềng xích, và đập tan gông cùm. Và không ai có thể kiềm chế anh được. Suốt đêm ngày, anh ta cứ ở trong đám mồ mả và trên núi đồi, tru tréo và lấy đá đập vào mình.
Thấy Chúa Giêsu tự đàng xa, anh ta chạy đến bái lạy Người và kêu lớn tiếng rằng: “Lạy ông Giêsu, Con Thiên Chúa Tối Cao, chuyện tôi can gì đến ông? Nhân danh Thiên Chúa, tôi van ông đừng hành hạ tôi!” Thật vậy, Chúa Giêsu đã bảo nó: “Thần ô uế kia, xuất khỏi người này! “Người hỏi nó: “Tên ngươi là gì?” Nó thưa: “Tên tôi là đạo binh, vì chúng tôi đông lắm.” Nó khẩn khoản nài xin Người đừng đuổi chúng ra khỏi vùng ấy. Ở đó có một bầy heo rất đông đang ăn bên sườn núi. Đám thần ô uế nài xin Người rằng: “Xin sai chúng tôi đến nhập vào những con heo kia.” Người cho phép. Chúng xuất khỏi người đó và nhập vào bầy heo. Cả bầy heo -chừng hai ngàn con- từ trên sườn núi lao xuống biển và chết ngộp dưới đó.
Các kẻ chăn heo bỏ chạy, loan tin trong thành và thôn xóm. Thiên hạ đến xem việc gì đã xảy ra. Họ đến cùng Chúa Giêsu và thấy kẻ bị quỷ ám ngồi đó, ăn mặc hẳn hoi và trí khôn tỉnh táo -chính người này đã bị đạo binh quỷ nhập vào. Họ phát sợ. Những người chứng kiến đã kể lại cho họ nghe việc đã xảy ra thế nào cho người bị quỷ ám và chuyện bầy heo. Bấy giờ họ lên tiếng nài xin Người rời khỏi vùng đất của họ ”(Mc 5, 1-17).
Chúng ta thấy ma quỷ vẫn là ma quỷ không biết ăn năn sám hối, không biết xin Chúa tha tội, mà chỉ biết xin Chúa nhập vào bầy heo, rồi cả đàn heo lao đầu xuống biển và chết ngộp. Và người dân ở đây cũng thế, cũng không thoát ra khỏi tư tưởng ham mê vật chất, nên khi thấy sự việc xảy ra như vậy, đáng lẽ phải sám hối trở về với Chúa, đằng này xin Chúa đi khỏi nơi họ ở, vì Chúa làm thiệt hại kinh tế của họ.
Xin cho mỗi người chúng ta biết đến với Chúa không phải để xin ơn của Chúa, mà để xin Chúa giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi, có như thế ơn của Chúa mới tuôn đổ tràn đầy trên chúng ta. Amen.
Thứ Năm - Tuần V Mùa Chay
(St 17,3-9; Ga 8,51-59)
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
St 17,3-9: Ngươi sẽ làm tổ phụ nhiều dân tộc.
Tv 105,8a: Tới muôn đời Chúa vẫn nhớ lời minh ước.
Ga 8,51-59: Cha các ngươi là Abraham đã hân hoan vì nghĩ sẽ được thấy ngày của Ta.
Trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đang nói chuyện với một nhóm người Do Thái bắt đầu khiêu khích và chất vấn Ngài. Đức Giêsu tiết lộ một điều mà họ chưa biết: Abraham trông đợi và vui mừng khi thấy ngày của Đức Giêsu. Họ đều biết Thiên Chúa đã hứa với Abraham bằng cách bảo đảm với ông những lời hứa quan trọng về sự cứu rỗi cho dòng dõi của ông. Tuy nhiên, họ không biết ánh sáng của Thiên Chúa có thể đến được bao xa. Đức Kitô tiết lộ cho họ rằng Abraham đã nhìn thấy Đấng Mêsia trong ngày của Giavê, mà Đức Giêsu gọi là ngày của Ta.
Đức Giêsu Kitô nói với cả nhóm rằng họ sẽ không bao giờ thấy cái chết nếu giữ lời Ngài. Nhưng tất cả những gì họ biết, về tất cả các nhà tiên tri và các nhà lãnh đạo tinh thần đã đến trước đó, là cái chết trần thế. Họ không thể hình dung được cuộc sống vĩnh cửu kéo dài bên ngoài cuộc sống trần thế. Họ không thể nghĩ rằng người thanh niên này đã ‘thấy’ Abraham đã chết từ lâu hay ‘biết’ Thiên Chúa của họ. Trong sự mặc khải này, Đức Giêsu xuất hiện như là có sự hiện diện vĩnh cửu của Thiên Chúa. Nhưng, trên hết, Ngài xuất hiện như một người đã tồn tại và hiện diện trong thời của Abraham. Qua Đức Giêsu, Thiên Chúa giữ giao ước của Người mãi mãi.
Lm. Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay trình bày Chúa Giêsu nói với những người Do thái: “ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết.” Nhưng người Do-thái liền nói: “Bây giờ, chúng tôi biết chắc là ông bị quỷ ám. Ông Áp-ra-ham đã chết, các ngôn sứ cũng vậy; thế mà ông lại nói: “Ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết.” Nghĩa là theo cái nhìn tự nhiên, người Do thái không thể nào hiểu nổi lời của Chúa Giêsu, nên họ cho rằng Chúa Giêsu bị mất trí.
Trong đời sống đức tin của mỗi người chúng ta cũng vậy, có nhiều điều chúng ta không thể nào dùng lý trí để mà hiểu được, mà phải dùng đức tin để mà hiểu. Nhưng vấn đề đặt ra là ngoài việc dùng đức tin để tin những điều chúng ta không hiểu thì còn có cách nào khác để giúp chúng ta tin vào điều mình không hiểu không?
Khi suy tư về mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi, thánh Agustino có viết: “Mầu nhiệm Chúa Ba ngôi chỉ có thể hiểu được khi chúng ta được hợp nhất với Chúa trên thiên đàng.” Lời dạy này bắt nguồn như sau: Thánh Augustinô là vị đại thánh Tiến sỹ của Giáo hội, trong khi ngài đi bách bộ trên bờ biển, để suy nghĩ và tìm hiều để dạy cho mọi người biết về Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi, khi đang miên mang căng não, nhăn trán nhíu mày suy nghĩ như thế, Chúa đã sai một thiên thần nhỏ đến nơi ngài đang suy niệm, lấy con sò múc nước biển đổ vào lỗ con dã tràng đào trên cát. Augustinô thấy em làm việc cách thích thú, nhưng có vẻ kỳ ngộ đối với ngài, nên ngài đến hỏi em: “Em làm việc gì mà ngộ thế?”
Em trả lời: “Cháu có ước vọng tát cạn nước biển khơi bằng cách múc nước đổ vào lỗ con dã tràng này.” “Không được đâu em, biển thì rộng bao la, nước biển thì dạt dào mà lỗ dã tràng thì nhỏ bé, làm sao tát cạn được biển.” Thiên thần nhỏ trả lời: “Cháu nghĩ cháu có thể làm được việc này và tát cạn được nước biển cách dễ dàng hơn điều ngài đang suy luận trong lòng về Thiên Chúa Ba ngôi nữa.”
Nói rồi Thiên thần biến đi và lời đó đánh thức ngài về với thực tại con người. “Tát cạn nước biển còn dễ hơn việc suy về Chúa Ba ngôi” và ngài đã kết luận “Thiên Chúa Ba ngôi là một mầu nhiệm chỉ có thể hiểu đủ khi ta được về trời.”
Như thế, chúng ta thấy có những điều chúng ta không hiểu được bằng lý trí tự nhiên nhưng buộc chúng ta phải tin, nhưng bên cạnh đó chúng ta có thể hiểu được một điều gì đó sau khi sự kiện đã đã xảy ra. Nghĩa là chúng ta không thể nào dùng lý trí tự nhiên của mình để hiểu ngay được một điều gì đó trong thời điểm hiện tại khi ta phải đối mặt, nhưng có thể sau đó, qua sự kiện đó chúng ta mới có thể hiểu được tại sao lại như vậy.
Chúng ta hãy nhớ lại, “sau khi Chúa Giêsu tắt thở, bức màn trong đền thờ xé ra làm hai từ trên xuống dưới. Viên đại đội trưởng đứng đối diện với Chúa Giêsu thấy Người tắt thở như vậy liền nói: “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa” (Mc 15, 37-39), nghĩa là trước đó ông không biết Chúa là ai, qua cái chết của Chúa ông mới hiểu.
Người Do thái thời bấy giờ cũng đang đứng ở trong tư thế đó, và nhiều người trong chúng ta cũng vậy, nên xin cho mỗi người chúng ta biết đặt đức tin vào Chúa, để dù lý trí tự nhiên không thể hiểu được, chúng ta vẫn tin, đồng thời chúng ta đừng chỉ nhìn ở giây phút hiện tại, mà hãy hướng về tương lai, để hiểu và chấp nhận được hiện tại. Amen.
Thứ Sáu - Tuần V Mùa Chay
(Gr 20,10-13; Ga 10,31-42)
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Gr 20,10-13: Chúa ở cùng tôi như người lính chiến hùng dũng.
Tv 18,7: Trong cơn đại hoạ, tôi đã cầu khẩn Chúa, tôi đã kêu xin Thiên Chúa của tôi.
Ga 10,31-42: Họ tìm bắt Người, nhưng Người thoát khỏi tay họ.
Thánh vịnh cho thấy chiều sâu của một tiếng kêu cứu cổ xưa, được củng cố bởi sự bảo đảm rằng Thiên Chúa đang lắng nghe và đang làm việc. Thiên Chúa luôn tốt lành, vì đó là bản chất của Người. Bài giảng của tiên tri Giêrêmia cho thấy tác động xuyên tạc của sự dữ đối với lòng người. Tội lỗi làm đen tâm trí và làm rối loạn các giác quan, thậm chí khiến ta cảm thấy hài lòng khi tìm thấy những khuyết điểm và sai sót ở những người tốt khác. Phúc âm cho biết Chúa Giêsu đang xảy ra xung đột với dân của ngài. Họ có thể cảm nghiệm được điều tốt đẹp từ sự hiện diện của Chúa và những kỳ công của Ngài được thực hiện, nhưng họ không thể chấp nhận sự thật mà Ngài đưa ra.
Chúa Giêsu cố gắng bày tỏ sự thật cho người Do Thái, nhưng họ coi Ngài là kẻ phạm thượng và muốn ném đá Ngài. Chúa Giêsu đưa ra những lý lẽ có thể chấp nhận được nhưng vô ích. Ngài sẽ chết vì Ngài đang nói sự thật về chính Ngài bởi vì Ngài trung thành với chính Ngài, danh tính và sứ mệnh của mình. Là một nhà tiên tri, Ngài yêu cầu về sự hoán cải và sẽ bị từ chối, một khuôn mặt mới của Thiên Chúa và sẽ bị phỉ nhổ, một tình huynh đệ mới, và Ngài sẽ bị từ bỏ.
Lm. Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy có những người không tin và lượm đá ném Chúa Giêsu, vì họ cho rằng Ngài nói lộng ngôn: “Chúng tôi ném đá ông, không phải vì một việc tốt đẹp, nhưng vì một lời nói phạm thượng: ông là người phàm mà lại tự cho mình là Thiên Chúa.” Nhưng bên cạnh đó, Tin mừng cũng trình bày cho chúng ta thấy lại có những người tin vào Chúa Giêsu, vì họ cho rằng: “Ông Gio-an đã không làm một dấu lạ nào cả, nhưng mọi điều ông ấy nói về người này đều đúng.” Ở đó, nhiều người đã tin vào Đức Giê-su.” Hai hình ảnh cho chúng ta thấy lòng người là khó dò khó đoán nhất, nên ông bà ta thường nói: “Dò sông dò biển dễ dò, đố ai lấy thước mà đo lòng người”. Lý thuyết thông thường là như vậy, nhưng có bao giờ chúng ta nghĩ là lòng người có thể đo được hay không? Thưa được, tuy lòng mỗi người có khác nhau, nhưng có một điểm chung là con người luôn nghĩ điều lợi về mình, đó là điểm chung của con người mà chúng ta có thể đo được.
Chuyện xưa kể rằng tại một ngôi làng, một nhóm mười người tổ chức cuộc gặp mặt đón xuân mừng năm mới.
Một vị lên tiếng, “Tôi đề nghị chúng ta mỗi người góp tay nhau để vui xuân bằng cách mỗi người mang theo rượu của mình và đổ chung vào một chum lớn để cùng chia vui trong dịp xuân.”
Mọi người đồng ý và vui vẻ ra về.
Khi về đến nhà, một người trong nhóm cảm thấy hối tiếc vì mình đã nhận lời mang theo bầu rượu quí lâu năm của mình để nạp chung vào nhóm. Vốn không muốn chia sẻ bầu rượu của mình và cũng tiếc tiền để mua rượu khác cho bữa tiệc, anh tỏ vẻ buồn rầu. Nhưng sau một hồi suy nghĩ, anh ta quyết định: “Ta sẽ đổ nước lạnh vào bầu rượu. Khi đến dự tiệc, ta sẽ đi thẳng vào chum lớn và đổ “rượu” của ta vào đó. Chín ông kia sẽ mang rượu của họ đến, như thế “rượu”của ta sẽ hoà vào rượu của họ, thì chắc chắn sẽ không ai biết được, vì một bầu nước của ta sẽ bị lấn át bởi chín bầu rượu kia. Và như thế ta vẫn có rượu uống như mọi người mà không mất bầu rượu quí này.”
Đến ngày dự tiệc, anh ta mang “rượu” của mình và làm đúng như kế hoạch. Trời tối, chum lớn, từng người một đem rượu của mình đổ vào chum và quay về chỗ ngồi để chờ khai mạc tiệc vui.
Sau khi mọi người đã vào bàn tiệc, ông chủ nhà liền sai anh hầu bàn rót rượu mời từng vị khách. Ai ai cũng háo hức để thưởng thức rượu ngon. Bắt đầu từ chủ nhà đến các vị khách, mỗi người đều nhắm rượu. Đôi mắt mỗi người nhìn chằm chằm vào nhau với sự nghi kỵ, xoi mói, hổ thẹn, nhưng miệng vẫn hết lời khen rượu ngon hảo hạng. Nhưng thực ra, thức uống mà họ cầm trên tay chỉ toàn là nước lạnh, vì ai ai cũng có suy nghĩ toan tính như anh kia.
Hiểu được như thế, chúng ta mới hiểu được lời Chúa dạy: “ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy ”(Lc 9,24). Và chúng ta mới hiểu được tại sao Chúa Giêsu phải chết, bởi vì lợi ích của người Do thái thời bấy giờ.
Xin cho mỗi người chúng ta biết hy sinh ý riêng của mình để sống theo ý muốn của Chúa, để cuộc đời của mỗi người được hưởng nếm được những hạnh phúc mà Chúa sẽ ban cho ở đời này cũng như ở đời sau. Amen.
Thứ Bảy - Tuần V Mùa Chay
(Ed 37,21-28; Ga 11,45-56)
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Ed 37,21-28: Ta sẽ làm cho chúng trở nên dân tộc duy nhất.
Gr 31,10: Chúa sẽ gìn giữ chúng ta như mục tử chăn dắt đoàn chiên mình.
Ga 11,45-56: Để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mát về một mối.
Trên đường lên Giêrusalem, Chúa Giêsu biết Ngài đang bị bắt bớ, sách nhiễu và bị kết án vì điều khó tin nhất và mới nhất mà Ngài mặc khải giữa những người đang theo dõi Ngài. Ngài tiết lộ sứ mệnh của mình là tập hợp những con cái Chúa bị phân tán về một mối bằng cách làm cho mọi người trở thành dân của Chúa. Sứ mệnh của Chúa Giêsu cho chúng ta thấy sứ mệnh được đề cập trong sách tiên tri Êdêkiel.
Những lời tiêu cực của Caipha, “thà một người chết thay cho dân, còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt”, sẽ được Chúa Giêsu đảm nhận một cách tích cực trong công cuộc cứu chuộc chúng ta. Chúa Giêsu chết trên Thập giá vì tình yêu dành cho nhân loại! Ngài chết để làm cho kế hoạch của Chúa Cha được chứng thực, “nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa” bằng chính tình yêu được biểu lộ nơi Đức Giêsu. Thiên Chúa Cha đã làm một điều đáng chú ý: biến câu nói tiêu cực của Caipha thành một công việc của tình yêu cứu chuộc bởi vì đối với Chúa, mỗi người đều đáng giá đổ máu bởi Chúa Giêsu Kitô!
Tiếp tục sứ mệnh của Chúa Kitô, ta được Chúa yêu cầu tập hợp các con cái Chúa đang tản mác khắp nơi. Để rồi, Chúa sẽ gìn giữ chúng ta như mục tử chăn dắt đoàn chiên mình.
Lm. Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy các thượng tế và biệt phái họp nhau để tìm cách xử lý Chúa Giêsu, họ nói: “Chúng ta phải làm gì đây? Người này làm nhiều dấu lạ. Nếu chúng ta cứ để ông ấy tiếp tục, mọi người sẽ tin vào ông ấy, rồi người Rô-ma sẽ đến phá huỷ cả nơi thánh của ta lẫn dân tộc ta.”Một người trong Thượng Hội Đồng tên là Cai-pha, làm thượng tế năm ấy, nói rằng: “Các ông không hiểu gì cả, các ông cũng chẳng nghĩ đến điều lợi cho các ông là: thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt.”
Chúng ta thấy khi đứng trước nguy cơ nào có mà bất lợi cho mình, chúng ta luôn đổ lỗi cho người khác, để người khác hứng chịu hậu quả cho chúng ta. Điều này không phải trong Tin mừng hôm nay chúng ta mới thấy, mà ngay từ thời kỳ đầu chúng ta cũng đã thấy khi ông bà nguyên tổ sa ngã phạm tội, con người đã đổ lỗi cho nhau, sách Sáng thế thuật lại sau khi sa ngã phạm tội, ông Adam đổ lỗi cho bà Eva, bà Eva đổ lỗi cho con rắn (x. St 3, 6-12). Chính vì thế, đó là nguyên nhân dẫn đến cái chết của Chúa Giêsu, đó là điều sai lầm của con người.
Hiểu được như vậy, chúng ta được mời gọi thay đổi suy tưởng của chúng ta là đừng đổ lỗi cho người khác, mà hãy biết nhận phần lỗi về mình, nếu chúng ta biết nhận phần lỗi về mình, nghĩa là chúng ta đang chết đi cho con người cũ của mình, để con người mới của mình được trỗi dậy, nếu không chúng ta cũng đang góp phần vào cái chết của Chúa Giêsu, cũng như đang từ từ giết chết chính mình.
Một linh mục thuộc giáo phận New York bên Hoa Kỳ chuyên lo mục vụ cho các tù nhân đã kể lại kinh nghiệm như sau:
Một hôm, người được mời đến thăm một thanh niên da đen sắp sửa bị đưa lên ghế điện vì đã giết người bạn gái của mình. Như thường lệ, mỗi khi gặp một tử tội sắp bị hành quyết, vị linh mục thường khuyên nhủ, giải tội và trao ban Mình Thánh Chúa.
Sau khi đã nhận lãnh các bí tích cuối cùng, người thanh niên da đen bỗng trầm ngâm suy nghĩ như muốn nói một điều gì rất quan trọng. Cuối cùng, với tất cả cố gắng của một người biết mình sắp sửa lìa cõi đời này, anh ta mới thốt lên với tất cả chân thành: “Thưa cha, con đã làm hư hỏng cả cuộc đời. Con chưa hề học được một điều gì hữu ích ngoài một điều duy nhất: đó là đánh giày. Xin cha cho con được phép đánh bóng đôi giày của cha. Như thế, con hài lòng vì nhận được sự tha thứ của Chúa, bởi vì con không biết làm gì để tạ ơn Chúa trước khi con gặp lại người bạn gái của con trên Thiên Ðàng”.
Và không đợi cho vị linh mục trả lời, người thanh niên đã cúi gập người xuống và bắt đầu đánh bóng đôi giày của vị linh mục… Cử chỉ ấy khiến cho vị linh mục nhớ lại hình ảnh của người đàn bà đã quỳ gối bên chân Chúa Giêsu, đổ dầu trên đầu, trên chân của Ngài và dùng tóc của bà để lau chân Ngài. “Tội của con dù có nhiều đến đâu cũng được tha thứ, bởi vì con đã yêu nhiều”.
Xin cho mỗi người chúng ta khi phạm lỗi biết ăn năn sám hối trở về với Chúa để chúng ta được cùng chết với Chúa, và cùng được sống lại với Ngài. Amen.