
CHÚA NHẬT LỄ LÁ
TƯỞNG NIỆM CUỘC THƯƠNG KHÓ CỦA CHÚA
Is 50,4-7; Pl 2,6-11; Lc 22,14-23,56
Tôma Lê Duy Khang
Hôm nay chúa nhật lễ lá tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa Giêsu. Tại sao Chúa Giêsu lại có thể đi hết con đường mà Thiên Chúa Cha đã vạch ra? Thưa vì Chúa Giêsu luôn quy hướng cuộc đời của mình về Thiên Chúa Cha.
Các bài đọc lời Chúa hôm nay trình bày cho chúng ta thấy điều đó.
Bài đọc 1 trích sách ngôn sứ Isaia trình bày hình ảnh người tôi trung đau khổ của Thiên Chúa, hình ảnh này muốn nói về Chúa Giêsu: “ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng đã cho tôi nói năng như một người môn đệ, để tôi biết lựa lời nâng đỡ ai rã rời kiệt sức. Sáng sáng Người đánh thức, Người đánh thức tôi để tôi lắng tai nghe như một người môn đệ. ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng đã mở tai tôi, còn tôi, tôi không cưỡng lại, cũng chẳng tháo lui. Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu. Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ. Có ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng phù trợ tôi, vì thế, tôi đã không hổ thẹn, vì thế, tôi trơ mặt ra như đá. Tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng.”
Bài đọc 2 nói về hình ảnh của Chúa Giêsu là Đấng tự hạ, vâng lời thánh ý Thiên Chúa trong cuộc đời: “Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.”
Bài tin mừng nói về cuộc thương khó của Chúa Giêsu, trước khi trút hơi thở cuối cùng, Chúa Giêsu đã nói: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha. Nói xong, Người tắt thở.”
Chúa Giêsu luôn luôn phó thác cuộc đời trong tay Thiên Chúa Cha, luôn thi hành thánh ý Thiên Chúa Cha trong cuộc đời nên đã đi hết con đường mà Thiên Chúa đã hứa, nên đã hoàn tất lời hứa mà Thiên Chúa Cha đã hứa ban cho con người để cứu độ con người.
Tìm hiểu thêm chúng ta thấy Chúa Giêsu không chỉ quy chiếu về Thiên Chúa mà Chúa Giêsu còn hướng về con người nữa, nếu đọc tin mừng chúng ta thấy tin mừng thường nói ngài Chạnh lòng thương dân chúng, Ta còn những chiên khác không thuộc ràn này, Ta còn phải đi rao giảng cho những thành khác nữa… hướng về lợi ích của con người.
Hay nói cách khác đó là Chúa Giêsu không vì lợi ích của mình mà luôn luôn hướng về Thiên Chúa và hướng về tha nhân.
Áp dụng vào đời sống của chúng ta nếu chúng ta quy chiếu về chính mình, vì lợi ích của mình, thì khó có thể thực hiện lời dạy của Chúa, vì con người sống theo luật công bằng, mắt đền mắt, rằng đền răng, ân đền oán trả.
Xin cho mỗi người chúng ta biết hướng cuộc đời của mình về Chúa, mà không phải vì lợi ích của mình, biết hướng về anh chị em, mà không vì lợi ích của mình, để có thể thực hiện được điều Chúa dạy trong cuộc đời, để có thể đón nhận ơn cứu độ mà Chúa sẽ ban cho chúng ta. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Is 50,4-7: Tôi đã không giấu mặt mũi tránh những lời nhạo cười, nhưng tôi biết tôi sẽ không phải hổ thẹn.
Tv 22,2a: Ôi Thiên Chúa! Ôi Thiên Chúa! Sao Chúa đã bỏ con?
Pl 2,6-11: Người đã tự hạ mình; vì thế Thiên Chúa đã tôn vinh Người.
Lk 22,14 – 23,56: Sự thương khó Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.
Hôm nay, ta trải qua cả niềm vui tột độ và nỗi buồn sâu sắc. Niềm vui trong cuộc rước lá khi Chúa Giêsu tiến vào Giêrusalem “… người ta trải áo trên lối đi…” và ca ngợi Chúa “… về mọi phép lạ họ đã thấy.” Những người đã nghe về Ngài hoặc nhìn thấy Ngài đều vui mừng khi Đức Giêsu cưỡi lừa con vào thành Giêrusalem.
Bài Thương Khó đẩy ta xuống vực sâu của nỗi buồn khi mô tả về sự bất công khủng khiếp của việc bắt giữ Chúa Giêsu, sự tra khảo của Philatô và Hêrôđê, và cuối cùng, sự tức giận của đám đông kêu gọi đóng đinh Ngài. Những người yêu mến Giêsu tràn ngập cảm giác bất lực và kinh hoàng. Họ muốn Ngài quay trở lại và tiếp tục dẫn dắt họ với lòng trắc ẩn và ân sủng. Nhưng giờ của Ngài đã đến.
Tuần Thánh biểu lộ các thông điệp của hy vọng và tuyệt vọng, vui mừng và đau buồn. Ước chi Chúa Giêsu trở thành một phần sâu sắc hơn trong cuộc sống của ta. Ước mong Ngài là lăng kính để ta hành động, phục vụ và nhìn đời. Bởi vì, trong Chúa Kitô, ta sẽ hành động với tình yêu và lòng trắc ẩn. Khi đó, ta sẽ có được niềm vui và sự bình an thực sự.
Thứ Hai Tuần Thánh
Ga 12,1-11
Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy việc Chúa Giêsu để Bêtania, tại đây Chúa Matta hầu bàn, còn Ladaro cũng là một trong những người đồng bàn với Chúa Giêsu. Còn cô Maria thì lấy một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá xức chân Chúa Giêsu, rồi lấy tóc mà lau. Cả nhà sực mùi thơm.
Trong sự kiện này thì có hai phản ứng khác nhau xảy ra, thứ nhất đó là phản ứng của Giuda, ông nói: “Sao lại không bán dầu thơm đó lấy ba trăm quan tiền mà cho người nghèo?”
Thứ hai là phản ứng của Chúa Giêsu: “Hãy để cô ấy yên. Cô đã giữ dầu thơm này là có ý dành cho ngày mai táng Thầy. Thật vậy, người nghèo thì bên cạnh anh em lúc nào cũng có; còn Thầy, anh em không có mãi đâu.”
Hai sự kiện này cho chúng ta thấy được điều gì? Chúng ta đừng nhìn vào mục đích phía sau lời nói của Giuda, mà kinh thánh nói: “Sao lại không bán dầu thơm đó lấy ba trăm quan tiền mà cho người nghèo?" Y nói thế, không phải vì lo cho người nghèo, nhưng vì y là một tên ăn cắp: y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quỹ chung.”, chúng ta đừng nhìn vào điểm đó, nhưng chúng ta hãy nhìn vào điểm tích cực là: “Sao lại không bán dầu thơm đó lấy ba trăm quan tiền mà cho người nghèo?"
Như vậy, hai thái độ đó cho chúng ta thấy, điều mà chúng ta cần hướng tới đó là cần phải biết ưu tiên điều nào tốt hơn, điều nào là tốt nhất, ưu tiên quan tâm cho người nghèo là điều tốt, nhưng quan tâm đến Chúa còn cần thiết hơn nữa, tốt hơn nữa không phải chỉ vì chúng ta đặt Chúa trên hết mọi sự, mà vì như Chúa Giêsu đã nói: “Người nghèo thì anh em lúc nào cũng có bên cạnh, còn Thầy, anh em không có mãi đâu”, nói cách khác là quan trọng và khẩn cấp, giữa quan trọng và khẩn cấp thì ưu tiên cho việc khẩn cấp hơn, hay giữa quan trọng và khẩn cấp thì ưu tiên hơn việc khẩn cấp mà không quan trọng.
Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta bỏ người nghèo, vì người nghèo là hình ảnh của Thiên Chúa, tin mừng cũng từng nói: “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy." (Mt 25, 40). Chúng ta không bỏ người nghèo, nhưng là biết đâu là chọn lựa ưu tiên.
Thánh Giêrônimô, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh, vị thánh mà chúng ta mừng lễ ngài vào ngày 30.09 hằng năm, ngài đã từng khuyên các học trò mình một cách khôn ngoan: “Giữa điều tốt và điều tốt hơn, giữ điều tốt hơn, và điều tốt nhất. Đừng bao giờ dừng lại. Đừng bao giờ dừng lại nơi những chọn lựa của mình. Hãy làm cho điều tốt trở nên tốt hơn, và điều tốt hơn trở nên tốt nhất'.
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết phân biệt chọn lựa để có những ưu tiên trong cuộc sống, để đời sống đức tin cũng như đời sống thường ngày của chúng ta sinh nhiều hoa trái như ý Chúa muốn. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Is 47,1-7: Người sẽ không lớn tiếng; không ai nghe tiếng người ở công trường.
Tv 27,1: Chúa là sự sáng, và là Đấng cứu độ tôi.
Ga 12,1-11: Hãy để cô ấy làm công việc chỉ về ngày táng xác Ta.
Bài đọc thứ nhất cho thấy Thiên Chúa lo cho con người. Chúa nói về một người sẽ “mở mắt cho người mù, đưa ra khỏi tù những người bị xiềng xích, đưa ra khỏi ngục những người ngồi trong tối tăm.” Với cái nhìn sâu sắc về đức tin Công giáo, ta nhận ra rằng bài đọc này nói về Chúa Giêsu. Và với tư cách là Kitô hữu, ta cũng nhận ra lời kêu gọi của mình để đi theo Chúa Giêsu, mang lại công lý, xóa đói giảm nghèo và chia sẻ Tin mừng với tất cả mọi người.
Phúc Âm tóm tắt hai thái độ khác nhau về cách cư xử với Chúa. Lời phàn nàn của Giuđa chẳng có ích lợi gì. Maria xức dầu bàn chân của Chúa Giêsu và lấy tóc lau vì cô thực sự tin rằng đây là điều phải làm. Chúa Giêsu chấp nhận cách thể hiện tình thương của Maria trong khi nhắc nhở ta về nghĩa vụ của mình đối với người nghèo. Chúa Giêsu yêu người nghèo, và giống như bất kỳ hành động yêu thương nào, điều đó không dễ hiểu đối với những người không chia sẻ.
Bằng cách yêu thương người khác, ta thể hiện tình yêu của mình đối với Chúa. Và yêu Chúa đòi hỏi phải yêu người khác. Cụ thể, ta bắt đầu Tuần Thánh với việc cầu nguyện, ăn chay và bố thí như một thực hành liên tục của Mùa Chay.
Thứ Ba Tuần Thánh
Ga 13,21-33.36-38
Tôma Lê Duy Khang
Tôi có đọc một câu chuyện vui mang tên: BA NGƯỜI BẠN VẬY LÀ THÂN DỮ CHƯA, được chia sẻ như sau:
Có ba người bạn hay chơi chung nhưng cũng lại hay ganh tỵ với nhau. Một ngày nọ họ cùng đi lễ và nghe cha đọc Lời Chúa: "Ở đâu có hai, ba người họp nhau cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy Đấng ngự trên trời sẽ ban cho..."
Sau lễ, họ quyết định cùng nhau cầu nguyện. Chúa thấy rất vui vì thường ngày họ hay ganh ghét nhau mà nay lại cùng nhau cầu nguyện. Vì vậy Ngài quyết định hiện ra giữa họ và cho họ ba điều ước. Họ quyết định để cho công bằng, mỗi người được một điều ước.
Người thứ nhất nói mình muốn qua Mỹ và bùm, chị biến đến đó ngay!
Người thứ hai muốn được qua Úc và bùm, anh cũng đến được nơi mình muốn!
Chúa hỏi người còn lại: Còn con, con muốn đi đâu?
- Dạ, thôi không cần nữa, điều ước của con đã thành sự thật rồi!
Chúa: ?!?!?!
Hình ảnh của người thứ ba còn lại trong câu chuyện, chúng ta cũng thấy giống như hình ảnh của Giuda trong tin mừng chúng ta vừa nghe, người đã được Chúa chọn làm tông đồ của Chúa, nhưng cuối cùng đã phản bội Chúa, Chúa nói: “Thật, Thầy bảo thật anh em: có một người trong anh em sẽ nộp Thầy." Các môn đệ nhìn nhau, phân vân không biết Người nói về ai. Trong số các môn đệ, có một người được Đức Giê-su thương mến. Ông đang dùng bữa, đầu tựa vào lòng Đức Giê-su. Ông Si-môn Phê-rô làm hiệu cho ông ấy và bảo: "Hỏi xem Thầy muốn nói về ai? " Ông này liền nghiêng mình vào ngực Đức Giê-su và hỏi: "Thưa Thầy, ai vậy? " Đức Giêsu trả lời: "Thầy chấm bánh đưa cho ai, thì chính là kẻ ấy." Rồi Người chấm một miếng bánh, trao cho Giu-đa, con ông Si-môn Ít-ca-ri-ốt. Y vừa ăn xong miếng bánh, Xa-tan liền nhập vào y. Đức Giê-su bảo y: "Anh làm gì thì làm mau đi! " Nhưng trong số các người đang dùng bữa, không ai hiểu tại sao Người nói với y như thế. Vì Giu-đa giữ túi tiền, nên có vài người tưởng rằng Đức Giê-su nói với y: "Hãy mua những món cần dùng trong dịp lễ", hoặc bảo y bố thí cho người nghèo. Sau khi ăn miếng bánh, Giu-đa liền đi ra. Lúc đó, trời đã tối.”
Nên trong cuộc đời này người ta thường phân biệt giữa bạn đời và bạn đường, bạn đời được ví như là người bạn tri âm, tri kỷ, người có thể đi với ta suốt cả cuộc đời, còn bạn đường là người chỉ đi với chúng ta ở một giai đoạn nào đó mà thôi, có thể vì lợi ích của ta với họ, họ mới là bạn của chúng ta, giống như câu đố vui: “Nắng ba năm tôi không bỏ bạn, Mưa một ngày bạn lại bỏ tôi”, câu trả lời đó là cái bóng, nắng thì cái bóng còn, trời mưa, trời tối thì cái bóng biến mất.
Hình ảnh Giuda đối với Chúa Giêsu cũng vậy, tin mừng nói sau khi lời tiên báo của Chúa Giêsu kết thúc Giuda bỏ ra đi, lúc đó là trời tối, nghĩa là lúc đó Giuda tách ra khỏi Chúa Giêsu, tách ra khỏi anh em của mình, không còn là cái bóng của Chúa Giêsu, không còn đi theo Chúa Giêsu nữa.
Xin cho mỗi người chúng ta luôn là cái bóng của Chúa Giêsu hiểu theo nghĩa là luôn đi theo Chúa, trung thành với Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời, chứ không phải là cái bóng, là bạn đường, khi trời chuyển mưa giống chúng ta biến mất, không còn đi theo Chúa Giêsu nữa. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Is 49,1-6: Ta đã làm cho con nên sự sáng các dân tộc, để con trở thành ơn cứu độ Ta ban cho đến tận cùng trái đất.
Tv 71,15: Miệng con sẽ loan truyền sự Chúa công minh.
Ga 13,21-33.36-38: Một người trong các con sẽ nộp Thầy… Trước khi gà gáy con đã chối Thầy ba lần.
Hôm nay, Phúc âm kể câu chuyện về hai môn đệ phản bội Chúa Giêsu, mỗi người theo cách riêng của họ, dẫn đến một kết cục khác nhau. Sự phản bội của Giuđa kết thúc bằng việc anh ta tự kết liễu đời mình. Tuy nhiên, Phêrô nhận ra hành động của mình, hoán cải với niềm tin tưởng lớn hơn trước. Có thể một thông điệp quan trọng trong câu chuyện ngày hôm nay là về việc nhận ra và chấp nhận nỗi sợ hãi, hành động sai trái và sự phản bội, đồng thời quay về với Chúa.
May mắn thay, Chúa của ta là Chúa nhân từ. Chúa cho ta một cơ hội để “thay đổi” về phần mình, một sự đảo ngược của hoàn cảnh bao gồm việc tách khỏi các tạo vật để trở nên gắn bó với Chúa và tìm lại tự do thực sự. Tuy nhiên, để thay đổi theo Chúa, ta không nên chờ đợi để trở nên phát bệnh với sự tự do giả tạo mà ta đang sử dụng. Tu sĩ Dòng Tên Louis Bourdaloue đã viết, “ta muốn hoán cải khi ta cảm thấy mệt mỏi với thế giới này hoặc đúng hơn là khi thế giới cảm thấy mệt mỏi với ta.” Chúng ta nên biết rõ hơn điều đó. Ta hãy quyết định ngay bây giờ. Mùa Phục sinh là thời gian thích hợp.
Thứ Tư Tuần Thánh
Thánh Lễ Làm Phép Dầu
Mt 26,14-25
Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy việc Giuda đi thương lượng với các thượng tế: “Tôi nộp ông ấy cho quý vị, thì quý vị muốn cho tôi bao nhiêu." Họ quyết định cho hắn ba mươi đồng bạc. Từ lúc đó, hắn cố tìm dịp thuận tiện để nộp Chúa Giêsu.”
Chúng ta hãy nhớ lại trước khi chọn 12 môn đệ làm tông đồ thì Chúa đã làm gì? Tin mừng Luca thuật lại: “Trong những ngày ấy, Đức Giê-su đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ. Đó là ông Si-môn mà Người gọi là Phêrô, rồi đến ông An-rê, anh của ông; sau đó là các ông Giacôbê, Gioan, Phi-líp-phê, Batôlômêô, Mátthêu, Tô-ma, Gia-cô-bê con ông An-phê, Si-môn biệt danh là Quá Khích, Giuđa con ông Gia-cô-bê, và Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, người đã trở thành kẻ phản bội.” (Lc 6, 12-16).
So sánh hai trình thuật đó, chúng ta thấy được một điều như thế này, đó là sở dĩ trong con người có mầm móng của sự phản bội là vì con người chỉ sống tương quan với nhau, chỉ tương quan với của cải vật chất mà không sống tương quan với Chúa, chúng ta hãy nhớ lại tin mừng Gioan có thuật lại việc khi Chúa Giêsu đến Bêtania, ở đây cô Maria lấy dầu thơm xức chân cho Chúa Giêsu, thì Giuda phản đối: “Sao lại không bán dầu thơm đó lấy ba trăm quan tiền mà cho người nghèo?" Y nói thế, không phải vì lo cho người nghèo, nhưng vì y là một tên ăn cắp: y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quỹ chung. Đức Giêsu nói: "Hãy để cô ấy yên. Cô đã giữ dầu thơm này là có ý dành cho ngày mai táng Thầy. Thật vậy, người nghèo thì bên cạnh anh em lúc nào cũng có; còn Thầy, anh em không có mãi đâu." (Ga 12, 5-8). Nghĩa là y chỉ nghĩ đến của cải vật chất, chỉ nghĩ đến con người, mà không nghĩ đến Chúa, nên mới phản bội.
Trong khi đó Chúa Giêsu luôn trung tín với con người, luôn yêu thương con người là vì không phải vì Chúa có tương quan với con người, mà Chúa còn có tương quan, còn nối kết cuộc đời của mình với Chúa Cha.
Nên chúng ta thấy chỉ có nối kết với Chúa, chúng ta mới có thể trung tín với nhau, mới có thể yêu thương nhau.
Mỗi khi vào nhà chầu Thánh Thể cầu nguyện, mẹ Têrêsa và các nữ tu khác phải cởi bỏ đôi giày ra ngoài.
Khi thấy đôi chân của Mẹ Têrêsa méo mó biến dạng thì các nữ tu khác rất lo ngại vì không biết Mẹ Têrêsa có bị lây nhiễm bệnh phong cùi từ những bệnh nhân mà mẹ chăm sóc không.
Nhưng một nữ tu thân cận với Mẹ Têrêsa đã cho biết không phải là Mẹ bị nhiễm bệnh phong cùi. Nhưng đôi chân của Mẹ bị biến dạng là do phải thường xuyên mang những đôi giày không đúng kích cỡ, không phù hợp với đôi chân của Mẹ. Nữ tu giải thích thêm khi các chuyến hàng từ thiện là những đôi giày do các nhà hảo tâm gửi tặng, Mẹ thường là người chọn giày cuối cùng. Vì Mẹ luôn muốn những đôi giày tốt nhất đẹp nhất hoàn hảo nhất cho các người nghèo mà Mẹ gặp gỡ vì thế mà năm tháng lâu dài dần dần đôi chân Mẹ đã trở nên biếng dạng.
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết liên kết với nhau, và liên kết với Chúa, để chúng ta không chỉ có thể trung tín với Chúa, mà còn trung tín với anh chị em của mình. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Is 50,4-9a: Tôi đã không che mặt tránh những người chửi mắng, nhưng tôi biết tôi sẽ không phải thẹn thùng.
Tv 69,14c: Lạy Chúa, xin nhậm lời con theo lượng cả đức từ bi, đây là lúc biểu lộ tình thương.
Mt 26,14-25: Con Người ra đi như đã được ghi chép sẵn từ trước, nhưng khốn thay cho kẻ sẽ làm cho Ngài bị phản nộp.
Chúa Giêsu đang quây quần bên bàn tiệc với những người thân thiết nhất để kỷ niệm Lễ Vượt Qua, một ngày quan trọng trong truyền thống tôn giáo của Ngài. Theo nhiều cách, bữa ăn Lễ Vượt Qua là một bữa tiệc. Thật tuyệt vời khi được ăn những món ngon với những người thân yêu, chia sẻ những câu chuyện và kỷ niệm. Đây là những gì Chúa Giêsu đang làm với những người bạn và gia đình thân thiết nhất của Ngài. Đây là bối cảnh mà một trong những người thân cận nhất sẽ phản bội Ngài.
Có lẽ Chúa Giêsu cảm thấy cô đơn, buồn bã và tổn thương. Một trong những người thân nhất đã phản bội và nộp Ngài cho các quan chức. Ngồi đó với Chúa Giêsu trong những cảm giác này thật đau đớn. Trong con người trọn vẹn của mình, Chúa Giêsu, người bạn đồng hành thiêng liêng của ta, biết cảm giác đau khổ, đau đớn, buồn bã và cô đơn như thế nào. Ngài biết rằng đây không phải là kết thúc của câu chuyện với đầy đủ thần tính của mình.
Chúa Giêsu mời ta ở với Ngài trong đau khổ, cùng hành trình với Ngài cho đến chết. Hãy dành thời gian để ở với Ngài trong Tuần Thánh này.
Thứ Năm Tuần Thánh
Thánh lễ Tiệc Ly
Ga 13,1-15
Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy chi tiết là Chúa Giêsu dạy chúng ta bài học về sự phục vụ, tại sao lại dạy bài học về sự phục vụ?
Chúng ta biết sáng nay là lễ kỷ niệm Chúa Giêsu thiết lập bí tích truyền chức thánh, mà bí tích truyền chức thành thì để làm gì? Có phải để hưởng thụ làm vua làm chúa không? Thưa không mà để phục vụ, khi ban cho ai đó một chức vụ thì kèm theo một sứ vụ.
Chúng ta nhớ khi Chúa Giêsu hiện ra với các tông đồ, Chúa Giêsu nói: "Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em." Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ." (Ga 20,21-23).
Hay trong sách công vụ tông đồ khi quyết định chọn thêm một người để thay thế cho Giuđa thì Phêrô nói lên tiêu chuẩn như thế này: “Có những anh em đã cùng chúng tôi đi theo Chúa Giê-su suốt thời gian Người sống giữa chúng ta, kể từ khi Người được ông Gio-an làm phép rửa cho đến ngày Người lìa bỏ chúng ta và được rước lên trời. Một trong những anh em đó phải cùng với chúng tôi làm chứng rằng Người đã phục sinh.", được chọn phải kèm theo sứ vụ.
Rồi chiều này, chúng ta tưởng niệm Chúa Giêsu thiết lập bí tích thánh thể, mà bí tích thánh thể là bí tích của tình yêu, mà khi đã nói đến yêu thì phải nói đến phục vụ, nói đến chuyện hy sinh cho nhau, nếu yêu mà không hy sinh, không phục vụ nhau thì không phải là yêu thật sự, bắt người khác phải theo ý của mình thì đó không phải là yêu thương phục vụ.
Cha Phương Đình Toại có kể câu chuyện như thế này mà tôi nghe và đánh máy lại:
Trước khi làm việc với bệnh nhân ở nhà thờ đức bà, 7 giờ sáng tôi ráng lên đây uống ly nước, uống cà phê, và ngài để ý thấy có một đứa bé nó bán vé số, mà nó ốm nhom , cha nói mình làm việc với trẻ em nhiều mình thấy chắc chắn đứa bé này bị suy dinh dưỡng.
Nhưng bây giờ mình không cần vé số, mình là linh mục mình đâu cần mua vé số đâu, mình đâu cần trúng đâu, nhưng làm sao để tiếp cận được đứa bé này và mình nghĩ trong đầu là kêu nó lại và nói chú mua cho con tờ vé số, con cho chú hỏi một câu thôi con ăn sáng chưa, nó lắc đầu nói chưa, con muốn uống 1 ly nước không chú mua cho con ly nước, mắt nó sáng lên anh chị em, ngày nào nó đi ngang qua nó chỉ mời người ta mua vé số nói nhìn từng người để người ta mua vé số cho nó, chứ nó không bao giờ nhìn hay để ý đến ly nước của người ta, lần đầu tiên được nghe hỏi câu đó, mắt nó sáng lên, tôi dắt nó dô mua ly nước cho nó, nó vui lắm nó cầm ly nước ra mà nó không dám mở ống hút ra nó hút, mình mở ống hút ra đưa cho nó con hút thử coi ngon hông, nó hút nói nói ngon chú, uống nữa đi, chú chú cho con về cho anh hai con uống nữa nhe, mình chùng lòng lại, một đứa bé lần đầu tiên mình nghe nó nói con còn anh con còn khổ thèm ly milo đá cho con đem về chia sẻ với anh con.
Xong từ đó tôi biết nó suy dinh dưỡng, mỗi ngày tôi đem theo milo mà tôi biết nó thích, rồi tôi đi mua thêm sữa Ansua milo để nhét vào túi cho nó, rồi xong ráng ra tiệm đó để chờ nó, có lúc ra trễ nó đi ngang qua mất rồi, có lúc thì gặp được nó mua cho nó ly nước, rồi mua 1 ly nữa đem về cho anh trai nó.
Bữa sau mình thấy nó chạy ngang qua mình mà nó không dừng lại, mà nó hông cầm vé số, nó chạy tung tăng tung tăng cái nó dắt theo mẹ của nó, mình kêu nó lại nói ủa con không bán vé số nữa hả, chú ơi sáng nay con bán chăm chỉ nên con bán được hết rồi, còn mẹ nó thì mua được mấy trái táo tàu, với 2 que nem nướng để ăn sáng, tôi hỏi mấy mẹ con uống gì chưa, có thích uống này hong, đứa bé nó nói con dắt mẹ con đến đây để chú mua cho mẹ con ly nước cho anh hai con, nghĩa là một đứa bé 10 tuổi hiểu rằng mẹ nó cũng muốn có ly nước, không phải cho mẹ nó mà là cho anh hai nó, khi mua ly nước rồi cha ngồi xuống có người bên cạnh nói khuấy, gặp mấy người bán vé số như vậy thì cho họ trăm ngàn là được rồi, bởi người ta nghèo người ta cần tiền của ta chứ người ta đâu có cần ly nước đâu, nhưng tự nhiên mình thấy bình an, bình an là vì những cho người đó cho mình hiện diện với họ trong cái khốn khó của cuộc đời họ, đó mới là quan trọng.
Ngoài ra, còn một lý do nữa trong trang tin mừng hôm nay chúng ta thấy đó là việc Chúa Giêsu dạy người ta biết phục vụ nhau để không phản bội nhau, bằng chứng là Giuda đã phản bội Chúa.
Trong phần trả lời ứng xử của cuộc thi hoa hậu áo dài duy nhất năm 1989 do Báo Phụ Nữ TpHCM tổ chức, Kiều Khanh đã trả lời câu hỏi : yêu gì nhất, là : "yêu hoà bình”, còn “ghét gì nhất”, ai cũng tưởng cô trả lời : “chiến tranh,” nhưng Kiều Khanh đã trả lời: “Phản bội.” Ghét phản bội nhất. Có lẽ câu trả lời đó rất đạt, nên cô chiến thắng thành hoa hậu áo dài 1989. Nên chúng ta thấy phản bội, ai cũng ghét. Phản bội trong làm ăn, trong tình bạn và dĩ nhiên trong tình yêu thì càng đáng ghét hơn.
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta hiểu được ý nghĩa của việc Chúa Giêsu lập bí tích thánh thể hôm nay, để muốn chúng ta yêu thương phục vụ nhau, như Chúa đã yêu thương phục vụ chúng ta, và khi chúng ta yêu thương nhau, thì sẽ trung thành với nhau, không phản bội nhau. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Xh 12,1-8.11-14: Những chỉ thị về bữa Tiệc Vượt qua.
Tv 116: Chén chúc tụng là sự thông hiệp Máu Chúa Kitô (x. 1 Cr 10,16).
1 Cr 11,23-26: Mỗi khi anh em ăn và uống, anh em loan truyền việc Chúa chịu chết.
Ga 13,1-15: Ngài yêu thương họ đến cùng.
Thứ Năm Tuần Thánh nhắc nhở về lịch sử khi Chúa Giêsu Kitô tập hợp các môn đệ để cử hành Lễ Vượt Qua. Ngài khai mạc Lễ Vượt Qua mới của Giao ước mới khi hiến tế của Ngài được hiến dâng để cứu nhân loại. Trong Bữa Tiệc Ly, cùng với Thánh Thể, Chúa Kitô thiết lập chức tư tế thừa tác, bí tích sẽ cho phép Thánh Thể tồn tại vĩnh viễn. Trong cử hành này, ta tưởng nhớ Thánh Thể, sứ vụ và chức tư tế nơi Giáo Hội.
Và cũng chính thứ Năm đó, Chúa Giêsu ban cho chúng ta điều răn mới về tình yêu của Ngài: “Anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34). Trước Chúa Giêsu, tình yêu dựa trên phần thưởng mong đợi để đáp lại hoặc dựa trên việc hoàn thành một tiêu chuẩn áp đặt. Bây giờ, tình yêu của Kitô hữu dựa trên Đức Kitô. Ngài yêu ta đến độ hiến mạng sống: điều này phải đo lường tình yêu của môn đệ và là dấu hiệu, đặc điểm của sự công nhận của Kitô hữu. Khi bị bẻ ra và ban cho chúng ta trong Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu cho ta một tấm gương và một điều răn về cách chúng ta yêu thương, đối xử và phục vụ lẫn nhau.
Lm Trầm Phúc
Hôm nay, Giáo Hội mời gọi chúng ta bước vào bàn tiệc ly của Chúa, nơi đó chúng ta nhìn thấy tình yêu nguyên chất của Chúa Giêsu, Chúa chúng ta. Ngài là Tình Yêu, Ngài chứng tỏ tình yêu của Ngài bằng những hành động cụ thể, làm chúng ta ngỡ ngàng. Thánh Gioan, đứng trước tình yêu lạ lùng đó, đã nói: “ Ngài vẫn yêu thương những người thuộc về mình còn ở thế gian, và Ngài đã yêu thương họ đến tận cùng”. Đến tận cùng là thế nào ? Chúng ta sẽ hiểu khi nhìn vào những hành động của Ngài.
Thánh Gioan ghi lại hai lần điều nầy : Ngài biết. Ngài biết điều gì ? Ngài biết giờ Ngài đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Ngài biết rằng Chúa Cha đã trao phó mọi sự trong tay Ngài, Ngài bởi Thiên Chúa mà đến và sắp trở về với Thiên Chúa. Ngài đứng dậy, rời khỏi bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn thắt lưng. Rồi Ngài đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau.Thánh Gioan để ý đến từng chi tiết, vì đối với Ngài, mỗi cử chỉ của Chúa đều quan trọng.
Rửa chân cho một người khách khi họ vào nhà là công việc của một nô lệ mà không là người Do thái. Cử chỉ của Chúa Giêsu chứng tỏ Ngài hạ mình như một tên nô lệ như Ngài đã nói : “ Ở giữa chúng con, Thầy là người phục vụ”. Ngài phục vụ không vì tiền hay vì một quyền lợi nào mà vì yêu, vì tình yêu là bản chất của Ngài.
Thánh Gioan nòi đến Giudà, kẻ sẽ nộp Ngài và nói đến Phêrô. Hai nhân vật sẽ đóng một vai trò đặc biệt trong giai đoạn nầy. Chúa Giêsu rửa chân cho Giudà không có chuyện gì xảy ra, nhưng khi đến Phêrô, ông từ chối vì ông thấy Thầy làm một việc không thể chấp nhận được. Nhưng ông khuất phục khi nghe Thầy nói : “ Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ không được chung phần với Thầy”. Sau đó thánh Gioan lại nhắc đến một lần nữa kẻ sẽ nộp Thầy.
Khi rửa chân xong cho các môn đệ, Chúa Giêsu mới nói rõ ý định của mình là dạy cho các ông một bài học là rửa chân cho nhau, tức là phục vụ lẫn nhau như một tên nô lệ. Bài học nầy thật quí báu cho mỗi người chúng ta. Bài học thật khó đối với một số người trong chúng ta vì chúng ta thích làm chủ hơn là làm nô lệ. Chúng ta muốn được phục vụ hơn là phục vụ. Xin Chúa giúp chúng ta biết khiêm tốn phục vụ để tình yêu Chúa được lan rộng ra trong cuộc đời chúng ta và trong xã hội chúng ta đang sống. Hiện nay, bài học nầy rất cần cho thế giới chúng ta, một thế giới đầy bạo lực và chiến tranh, đầy gian ác.
Hôm nay, Giáo Hội cũng nhắc đến một hành động quan trọng của Chúa Giêsu là hiến thân làm của lễ và làm lương thực cho chúng ta. Ngài lập bí tích Thánh Thể, một của ăn đầy tình thương. Không ai yêu chúng ta như Chúa Giêsu, vì bản chất Ngài là Tình Yêu. Thánh Gioan chỉ nói một câu ngắn thôi, nhưng chứa đầy tình yêu: “ Ngài đã yêu những kẻ thuộc về mình còn ở trần gian, Ngài yêu thương họ đến tận cùng”. Đến tận cùng nghĩa là không còn ngôn ngữ nào có thể diễn tả được, nghĩa là chỉ có Thiên Chúa mới có thể yêu như thế thôi. Hãy cám ơn Chúa vì đã yêu chúng ta đến vô biên, đã cho chúng ta cái vinh dự tuyệt vời là ăn lấy Chúa, nuốt Chúa vào trong chúng ta, trở nên một xương một thịt với Chúa. Đó là vinh dự cao quí mà Chúa ban cho chúng ta. Chúng ta là tro bụi, nhưng tro bụi nầy đã được yêu thương đến tận cùng. Hãy tạ ơn Chúa vì hồng ân Chúa ban. Hãy sống với Ngài 24 trên 24. Nhờ sự thân mật đó, Chúa sẽ dẫn chúng ta vào tình yêu và cho chúng ta cảm thấy Chúa là sự êm đềm ngọt ngào khôn tả.
Thứ Sáu Tuần Thánh
Tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa
Ga 18,1-19,42.14
Tôma Lê Duy Khang
Hôm nay tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa Giêsu, khi tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa Giêsu là đang tưởng nhớ đến ai?
Có phải ta đang tưởng nhớ đến cái chết của Chúa Giêsu? Thưa đúng vậy, nhưng nếu chỉ dừng lại ở Chúa Giêsu thì chưa đủ, mà ta phải hướng về một điều cao hơn nữa.
Rabindranath Tagore: “Hãy cảm ơn ngọn đèn vì ánh sáng của nó, nhưng chớ quên người cầm đèn đang kiên nhẫn đứng trong đêm”.
Và người âm thầm lặng lẽ đứng trong đêm đó chính là Thiên Chúa Cha đó.
Nhìn lại trong đời sống của chúng ta, đôi khi chúng ta đến với vị thánh này, vị thánh kia, chúng ta đến với Đức Mẹ chúng ta xin ơn, và chúng ta được ơn, nhưng chúng ta quên rằng nguồn gốc của những ơn mà chúng ta lãnh nhận được từ đâu mà có nên chúng ta chỉ tạ ơn các thánh, tạ ơn đức mẹ mà quên tạ ơn Chúa.
Cũng vậy hôm nay tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa Giêsu, chúng ta nhớ đến cái chết đau thương của Chúa Giêsu, nhưng chúng ta cũng hãy nhớ đến tình thương của Thiên Chúa dành cho con người, Ngài đã hy sinh Con Một của mình để cho nhận loại được sống.
Chúng ta thử dùng lý luận của ta, thử lấy lòng của ta để đo lòng Thiên Chúa, để chúng ta đặt một câu hỏi đó là khi hiến dâng Con Một của mình có xé lòng Chúa Cha không?
Chúng ta biết trong sách ngôn sứ Isaia có nói: “Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ.” (Is 49,15).
Hay câu chuyện nói về lời tiên tri của cụ già simeon về Đức Mẹ: “Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà." (Lc 2,35).
Nghĩa là người mẹ biết thương con, biết đau xót con của mình, thì Thiên Chúa cũng vậy thôi, cũng biết thương con, cũng biết đau xót, cũng xé lòng như vậy, nhất là nghe lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trên thập giá: “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con? "
Hiểu được như vậy, hôm nay tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa Giêsu, chúng ta không dừng lại ở việc tưởng niệm đó, mà được mời gọi hướng về Thiên Chúa Cha, là Đấng đã xé lòng ra để ban người con một, người con yêu dấu của mình cho nhân loại.
Xin cho mỗi người chúng ta biết nhận ra tình thương của Chúa dành cho mình, để sống tốt lành thánh thiện, để tin vào Thiên Chúa, tin vào Chúa Giêsu để trong ngày sau hết chúng ta được ơn cứu độ, để sự hy sinh xé lòng của Chúa Cha không bỏ ra vô ích cho mỗi người chúng ta. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Is 52,13-53,12: Người đã bị thương tích vì tội lỗi chúng ta.
Tv 31: Lạy Cha, con phó linh hồn con trong tay Cha (Lc 23,46).
Dt 4,14-16; 5,7-9: Người đã học vâng phục do những đau khổ Người chịu, và khi hoàn tất, Người đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời.
Ga 18,1–19,42: Sự Thương Khó Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.
Kinh Thánh cho biết rằng Thiên Chúa mang theo sự yếu đuối của chúng ta, và Người đã chịu đựng những đau khổ; Ngài đã bị đâm thâu, bị nghiền nát vì tội lỗi của chúng ta. Chúa chấp nhận khổ đau để cứu độ toàn thể nhân loại. Bởi những đòn roi, ta đã được chữa lành. Thiên Chúa đã gánh tội cho cả trần gian. Trong Phúc âm của Gioan, ta thấy rằng Chúa Giêsu đã vâng lời cho đến chết và bị liệt vào trong số những kẻ ác. Ngài đã xóa bỏ tội lỗi của nhiều người và ân xá cho họ.
Thư Do Thái nói về một người đã bị thử thách tương tự về mọi mặt, nhưng không phạm tội. Ngài trở thành nguồn cứu rỗi đời đời cho tất cả những ai vâng lời Ngài. Qua sự chuyển cầu của Chúa Giêsu, Thiên Chúa sẽ ban cho ta tinh thần thương xót và cầu thay. Ngài sẽ đổ tinh thần đó trên ta. Vì vậy, khi ta nhìn lên thánh giá hoặc một biểu tượng của Chúa bị đóng đinh hoặc hình ảnh của Chúa Giêsu chịu chết, Chúa hứa sẽ ban phước cho ta.
Tưởng niệm cuộc Thương khó của Chúa, ta tin tưởng vào sự chuyển cầu của Ngài. Học từ Chúa Giêsu, ta cũng nguyện cầu cho người khác.