02/02/2025
351
Suy niệm hằng ngày_ Tuần IV Thường Niên







 

 

 


 

CHÚA NHẬT IV THƯỜNG NIÊN - C

(Ml 3,1-4; Dt 2,14-18; Lc 2,22-40)

Tôma Lê Duy Khang

Bài đọc 1 trích sách ngôn sứ Giêremia nói về việc Thiên Chúa chọn Giêremia làm ngôn sứ, và không phải đợi khi ông lớn Chúa mới chọn, nhưng Chúa đã chọn ông từ khi ông còn trong lòng mẹ: “Trước khi ngươi thành hình trong lòng mẹ, Ta đã biết ngươi, trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hhoas ngươi, ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân”.

Và nếu chúng ta để ý thì việc làm ngôn sứ này giống như bị ép buộc, cụ thể Chúa nói: “Còn ngươi, ngươi hãy thắt lưng. Hãy chỗi dậy! Hãy nói với chúng tất cả những gì Ta sẽ truyền cho ngươi. Trước mặt chúng, ngươi đừng run sợ; nếu không, trước mặt chúng, chính Ta sẽ làm cho ngươi run sợ luôn.”

Nếu đọc sách ngôn sứ Giona chúng ta cũng thấy được điều này, đó là khi Thiên Chúa sai Giona đi Ninive để kêu gọi dân chúng ăn năn sám hối, ông không chịu đi và trốn đi Tác sit, vì ông sợ rằng nếu ông đi kêu gọi dân ăn năn sám hối thì Chúa sẽ tha cho dân, ông không muốn điều đó.

Nhưng khi ông đang trốn đi, thì Thiên tung ra một cơn gió to trên biển và liền có một trận bão lớn ngoài khơi, khiến tàu tưởng chừng như sắp vỡ tan. Thuỷ thủ sợ hãi; họ kêu cứu, mỗi người kêu lên thần của mình và ném hàng hoá trên tàu xuống biển cho nhẹ bớt. Còn ông Giô-na thì đã xuống hầm tàu, nằm đó và ngủ say. Viên thuyền trưởng lại gần và nói với ông: "Sao lại ngủ thế này? Dậy! Kêu cầu thần của ông đi! May ra vị thần ấy sẽ nghĩ đến chúng ta và chúng ta khỏi mất mạng." Rồi họ bảo nhau: "Nào, chúng ta hãy bắt thăm cho biết tại ai mà chúng ta gặp tai hoạ này." Họ gieo quẻ và quẻ rơi trúng ông Giô-na. Họ bảo ông: "Vì ông là người đã đem tai hoạ này đến cho chúng ta, thì xin ông cho chúng tôi biết: Ông làm nghề gì? Ông từ đâu đến, quê ở nước nào, và thuộc dân nào? " Ông nói với họ: "Tôi là người Híp-ri, Đấng tôi kính sợ là ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa các tầng trời, Đấng đã làm ra biển khơi và đất liền." Những người ấy sợ, sợ lắm; họ nói với ông: "Ông đã làm gì thế? " Thật vậy, do ông kể lại mà họ được biết là ông đang trốn đi để tránh nhan ĐỨC CHÚA. Họ hỏi ông: "Chúng tôi phải xử với ông thế nào để cho biển lặng đi, không còn đe doạ chúng tôi nữa? " Quả thật, biển càng lúc càng động mạnh. Ông bảo họ: "Hãy đem tôi ném xuống biển thì biển sẽ lặng đi, không còn đe doạ các ông nữa; vì tôi biết là tại tôi mà các ông gặp cơn bão lớn này." Những người ấy cố chèo vào đất liền, nhưng không thể được vì biển mỗi lúc một động thêm, uy hiếp họ. Họ kêu cầu ĐỨC CHÚA và thưa: "Ôi, lạy ĐỨC CHÚA, ước gì chúng con không phải chết vì mạng sống người này, và xin đừng đổ máu vô tội trên đầu chúng con; vì lạy ĐỨC CHÚA, chính Ngài đã hành động tuỳ theo sở thích." Rồi họ đem ông Giô-na ném xuống biển. Biển dừng cơn giận dữ. Những người ấy sợ ĐỨC CHÚA, sợ lắm; họ dâng hy lễ lên ĐỨC CHÚA và khấn hứa. (Gn 1, 4-16). Chính vì thế, mà sau đó Thiên Chúa kêu gọi ông lần thứ hai sau 3 ngày ở trong bụng kình ngư, ông đã vâng theo lệnh của Thiên Chúa.

Nhưng nơi Chúa Giêsu có thể nói Chúa Giêsu là vị ngôn sứ cuối cùng của Thiên Chúa, thì không bị ép buộc, nhưng đó là một sự tự nguyện: “Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu.” (Pl 2,6-9).

Và chúng ta thấy một điều như thế này, đó là dù có bị ép buộc, dù có tự nguyện, thì ngôn sứ của Chúa phải là những người nói lời của Chúa, phải là người thực hiện ý muốn của Chúa, đó mới chính là ngôn sứ thật của Chúa. Và chính Chúa sẽ biến đổi vị ngôn sứ đó, để họ nói Lời của Chúa.

Mỗi người chúng ta ngày nay khi lãnh nhận bí tích rửa tội, chúng ta có chức năng ngôn sứ để nói lời của Chúa, nên mỗi người chúng ta được mời gọi có lòng yêu mến Chúa, để nói lời của Chúa, vì như thánh Phaolo đã nói nếu không có lòng yêu mến thì chỉ như thanh la phèn phèn, chỉ như chũm chọe xoang xoảng mà thôi, sẽ không làm được gì cả. Amen.



Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Ml 3,1-4: Đấng Thống Trị mà các ngươi tìm kiếm, đến trong đền thánh Người.

Tv 24,8: Vua hiển vinh là ai vậy?

Dt 2,14-18: Người phải nên giống anh em Mình mọi đàng.

Lc 2,22-32: Mắt tôi đã nhìn thấy ơn cứu độ.

Lễ Dâng Chúa Giêsu trong Đền Thánh cho chúng ta biết ý định triển khai mầu nhiệm cứu độ của Thiên Chúa. Theo thư Do thái: “Người nên giống anh em Mình mọi đàng, ngõ hầu trong khi phụng sự Chúa, Người trở thành đại giáo trưởng nhân lành và trung tín với Chúa, để đền tội cho dân.” Thiên Chúa làm người và trở nên Đấng trung gian nhân lành và trung tín để đền tội cho dân. Chúa Giêsu không đến cứu giúp các thiên thần, nhưng cứu chữa những tâm hồn thống hối, kêu gọi những người tội lỗi ăn năn trở lại. Thư Do thái khẳng định: “Quả thật, bởi chính Người đã chịu khổ hình và chịu thử thách, nên Người có thể cứu giúp những ai sống trong thử thách.”

Thử thách mà Chúa Giêsu phải chịu thì nhiều, nhưng có ba vấn đề khó khăn nhất: khó nghèo, vâng phục, và khiết tịnh. Những thách thức này xuất phát từ chính bên trong mỗi người. Ngài là Ngôi Hai Thiên Chúa mà phải chịu sinh ra trong cảnh khó nghèo (x. Philipphê 2). Vâng phục theo luật. Sau khi thanh tẩy thì được cha mẹ dâng vào đền thờ (x. Lc 2). Còn khiết tịnh, Tin mừng Luca giúp ta biết được, “và con trẻ lớn lên, thêm mạnh mẽ, đầy khôn ngoan, và ơn nghĩa Thiên Chúa ở cùng Người.” Theo tu đức, ơn nghĩa của Thiên Chúa chỉ ở với những ai sạch tội.

Thứ Hai - Tuần 4 Thường Niên

Mc 5,1-20

Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy một điều hơi lạ đó là khi Chúa Giêsu đến địa hạt Giêrasa, là vùng đất của dân ngoại, thì có một người bị quỷ ám từ trong đám mồ mả đến gặp Chúa Giêsu.

Đáng lẽ ma quỷ là sự xấu xa thấy Chúa Giêsu thì phải lẫn tránh, chứ đàng này lại tự nguyện đến gặp Chúa Giêsu.

Vậy người bị quỷ ám này đến gặp Chúa Giêsu để làm gì? Tin mừng thuật lại: “Thấy Đức Giêsu tự đàng xa, anh ta chạy đến bái lạy Người và kêu lớn tiếng rằng: "Lạy ông Giêsu, Con Thiên Chúa Tối Cao, chuyện tôi can gì đến ông? Nhân danh Thiên Chúa, tôi van ông đừng hành hạ tôi! "

Như vậy, ma quỷ đến gặp Chúa Giêsu không có ý tốt lành là để thờ lạy Chúa, để sám hối trở về với Chúa, mà để thỏa hiệp với Chúa Giêsu, để Chúa Giêsu đi nơi khác, đừng can dự gì tới chuyện của ma quỷ, để tiếp tục làm những điều xấu xa của mình.

Chúng ta hãy nhớ lại câu chuyện ma quỷ cám dỗ Chúa Giêsu trong tin mừng Luca, tin mừng Luca thuật lại một chi tiết mà những tin mừng khác không có đó là: “Sau khi đã xoay hết cách để cám dỗ Người, quỷ bỏ đi, chờ đợi thời cơ.” (Lc 4,13).

Và thật sự là như vậy sau đó quỷ đã trở lại, nếu đọc tin mừng luca chương 22 kể về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, chúng ta sẽ thấy điều này, tin mừng thuật lại: “Lễ Bánh Không Men, cũng gọi là lễ Vượt Qua, đã đến gần. Các thượng tế và kinh sư tìm cách thủ tiêu Đức Giê-su, vì họ sợ dân.  Xa-tan đã nhập vào Giu-đa, cũng gọi là Ít-ca-ri-ốt, một người trong Nhóm Mười Hai. Hắn đi nói chuyện với các thượng tế và lãnh binh Đền Thờ về cách thức nộp Người cho họ. Họ rất mừng và đồng ý sẽ cho hắn tiền. Hắn ưng thuận và tìm dịp tiện để nộp Đức Giê-su cho họ, lúc không có đám đông.” (Lc 22,1-6).

Như thế chúng ta thấy ma quỷ không bao giờ có ý muốn tốt lành, nên người ta nói con người của chúng ta khác với ma quỷ ở chỗ là con người chúng ta biết sám hối để trở về với Chúa, còn ma quỷ thì không.

Hiểu được như vậy, chúng ta đừng để mình phải bị ma quỷ cám dỗ, dù là việc tốt hay việc xấu vì đó đều là các cơn cám dỗ của ma quỷ, nhưng chúng ta được mời gọi sống theo thánh ý Chúa, thi hành thánh ý Chúa trong cuộc đời của mình, vì Chúa nói: “Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá. Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá. Còn ai nghe những lời Thầy nói đây, mà chẳng đem ra thực hành, thì ví được như người ngu dại xây nhà trên cát. Gặp mưa sa, nước cuốn hay bão táp ập vào, nhà ấy sẽ sụp đổ, sụp đổ tan tành". (Mt 7, 24-27). Amen.

 

 

 

Thứ Ba - Tuần 4 Thường Niên

Mc 5,21-43

Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy việc Chúa Giêsu cứu sống con gái của ông trưởng hội đường Giaio và chữa lành cho người đàn bà bị băng huyết suốt 12 năm.

Hình ảnh Chúa Giêsu chữa lành như vậy cho chúng ta thấy được điều gì? Thưa cho chúng ta thấy được dù trong hoàn cảnh nào của cuộc đời vẫn có người nhớ đến Chúa.

Nếu đào sâu thêm thì hình ảnh đó muốn nói với chúng ta đó là để có thể luôn luôn quy hướng về Chúa, hay nói cách khác là để có thể sống tốt lành, thì việc giáo dục rất cần thiết, nên có người nói như thế này, thông minh là do trời ban, còn sự lương thiện chính là do sự chọn lựa, là do sự rèn luyện của mỗi người, nếu không rèn luyện, con người rất dễ hướng chiều về điều xấu, nói như thánh Phaolo thì: “Sự dữ tôi không muốn nhưng tôi lại làm, còn sự thiện tội muốn nhưng tôi lại không làm”.

Trong một khu rừng nọ, có một tổ két có hai con két con. Một hôm, trong lúc két mẹ đi kiếm mồi, những người thợ săn phát hiện ra tổ két. Một người trong nhóm trèo lên cây định bắt tất cả hai két con mang đi, nhưng anh chỉ bắt được một con, còn một con đã thoát được, bay đến đậu bên túp lều của một vị ẩn sĩ. Con két lọt vào tay người thợ săn được nhốt trong một chiếc lồng. Không mấy chốc nó cũng được lột lưỡi, nói được tiếng nói của loài người. Con két đậu trên túp lều của vị ẩn sĩ cũng được vị ẩn sĩ đem vào lều và săn sóc chu đáo. Mỗi ngày một ít, mỗi khi vị ẩn sĩ cầu nguyện, con két cũng lập lại những lời cầu kinh và ngay cả những lời chào hỏi của ông với khách qua đường.

Một ngày nọ, một người quí tộc cưỡi ngựa đi qua khu rừng. Khi đi ngang qua căn nhà của người thợ săn, ông nghe tiếng con két hô lớn:

- Bắt lấy nó. Ðồ khốn kiếp. Bắt lấy nó.

Quá sợ hãi, ông quất ngựa chạy ra khỏi vùng cấm kỵ. Ði một đoạn, ông thấy có một túp lều và từ trong túp lều, bên cánh cửa ông lại nghe tiếng một con két nói nhẹ nhàng:

- Tội nghiệp quá! Chắc quí nhân mệt lắm, vào đây nghỉ ngơi một chút, cứ xem như đây là nhà của quí nhân.

Vào trong túp lều đơn sơ của vị ẩn sĩ, người quí tộc thắc mắc: Thưa ngài, cách đây không xa, một con két khác đã nói với tôi những lời hoàn toàn có tính cách rủa xả và đe dọa, còn con két của ngài lại chỉ nói những lời lịch sự, nhã nhặn.

Vị ẩn sĩ mĩm cười giải thích: Hai con két này vốn là anh em với nhau đó.

Nhà quí tộc ngạc nhiên hỏi: Anh em nhưng tại sao nói năng khác nhau như thế? Tại sao con két của ngài lịch sự tử tế, còn con két kia lại hung hăng dữ tợn như vậy?

Vị ẩn sĩ trả lời: Két thì không có két nào là tốt, két nào là xấu cả, chúng chỉ học và lập lại những gì chúng đã nghe mà thôi. Ngài không tin là loài người cũng giống như vậy sao?

Hiểu được như thế, lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta một điều đó là để có thể có đức tin vào Chúa, chúng ta cần phải được giáo dục uốn nắn ngay từ nhỏ, bởi gió chiều nào cây sẽ ngã theo chiều đó, nếu không được uốn nắn sẽ không bao giờ hướng về điều tốt lành được. Amen.

 

 

 

Thứ Tư - Tuần 4 Thường Niên

Mc 6,1-6

Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy khi Chúa Giêsu về quê hương của Ngài, và Chúa Giêsu giảng dạy trong hội đường vào ngày Sabat.

Giáo lý của Chúa dạy làm cho họ sửng sốt đó, thế nhưng những người ở quê hương của Chúa lại không chấp nhận được, họ nói: "Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì? Ông ta không phải là bác thợ, con bà Ma-ri-a, và anh em của các ông Gia-cô-bê, Giô-xết, Giu-đa và Si-môn sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao? " Và họ vấp ngã vì Người.”

Sau đó tin mừng thuật lại, Chúa Giêsu bảo họ: "Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi." Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó; Người chỉ đặt tay trên một vài bệnh nhân và chữa lành họ. Người lấy làm lạ vì họ không tin.

Chi tiết này cho chúng ta thấy được điều gì? Thưa cho chúng ta thấy được con người của chúng ta rất dễ bị thành kiến bởi người khác, nên không thể chấp nhận những điều tốt đẹp mà người khác mang lại cho mình.

Nếu đào sâu thêm thì chúng ta thấy, không chỉ chúng ta bị thành kiến với người khác, nghĩa là những cái gì thuộc về bên ngoài, nhưng đôi khi chính cái bên trong của chúng ta, cũng sẽ làm cho chúng ta không nhận ra được đó là sai lỗi của mình để rồi đổ thừa cho người khác.

Có một câu chuyện vui mang tên con lừa và cái áo như là một minh họa cho chúng ta thấy, chính vì lòng tham, chính vì cái bên trong của mình, mà chúng ta không nhận ra lầm lỗi của mình.

Lão nhà giàu nọ ra chợ mua được một con Lừa rất khỏe. Lão liền chất lên lưng nó bao nhiêu hàng hóa và trở về làng. Dọc đường thấy sẵn củi, lão lại chặt luôn mấy vác buộc vào hai bên sườn nó.

Con Lừa nặng quá, vẹo cả lưng, nhưng cũng cố gắng đi. Đi được một quãng thấy mấy tảng đá vuông vắn nằm chắn ngang đường. Lão liền nghĩ bụng: “Hãy thồ nốt mấy hòn đá này về, ít hôm nữa dựng nhà làm móng”.

Lão lại xếp nốt mấy tảng đá lên lưng Lừa. Lừa mệt quá ì ạch lê từng bước một.

Trời nắng to, lão nhà giàu thấy bức quá, liền cởi nốt chiếc áo bên mình vắt lên lưng lừa. Nhưng lừa đã kiệt sức rồi, nên khi áo vắt lên lưng thì lừa ngã quỵ xuống không không đứng lên được.

Lão nhà giàu cáu kỉnh quát: Thật là đồ ăn hại! Có cái áo mà cũng không chở nổi.

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết thay đổi thành kiến của chúng ta đối với người anh em của mình để có thể nhận ra được giá trị tốt đẹp của những điều xung quanh chúng ta, và xin cho chúng ta cũng biết thay đổi chính tâm hồn, chính tâm tính của mình để nhìn nhận ra được đâu là lầm lỗi thiếu sót của mình để mình sửa đổi. Amen.

 

 

 

Thứ Năm - Tuần 4 Thường Niên

Mc 6, 7-13

Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy một điều lạ đó là việc Chúa Giêsu sai 12 tông đồ đi rao giảng tin mừng, và sai từng hai người một.

Thế nhưng trong tin mừng theo thánh Mattheu và Luca chúng ta không thấy Chúa Giêsu sai các tông đồ đi từng hai người một như Tin Mừng Macco, nhưng lại sai các ông đi từng người một, tuy Tin Mừng không nói rõ nhưng chúng ta hiểu là như vậy: “Người sai các ông đi rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành các bệnh nhân”, không thấy nói sai đi từng 2 người một.

Vậy tại sao lại có sự lạ như thế? có phải Tin Mừng Mattheu cũng như Luca cho chúng ta thấy được rằng các môn đệ của Chúa đã trưởng thành hơn, nên đi một mình không sao cả?

Không phải như vậy, nếu chúng ta hiểu như vậy, thì ngày nay, chẳng hạn  như ngoài giáo xứ, có cộng đoàn nhiều Sơ, nhiều Dì ở chung với nhau, chứng tỏ cộng đoàn đó còn yếu, chưa trưởng thành hay sao, hoặc xứ có hai cha, cha sở và cha phó, thậm chí có ba cha, như vậy là do cha xứ đó yếu, cần có nhiều cha, ở đây chúng ta không thể hiểu theo nghĩa là năng lực mạnh hay yếu, nhưng phải hiểu là do công việc nhiều, giáo xứ lớn nên quá tải một người không thể đảm đương hết được.

Vậy chúng ta nên hiểu sở dĩ tác giả tin mừng Mattheu và Luca không thuật lại việc Chúa Giêsu sai đi từng hai người một, là muốn làm nổi bật chiều kích hiện hữu của đức tin, tuy rằng các môn đệ mỗi người đi một nẻo, nhưng được liên kết với nhau bằng đức tin.

Có thể đi từng hai người một cũng tốt, vì có thể bàn hỏi với nhau, nâng đỡ nhau trong những lúc khó khăn. Nhưng cũng có điều không tốt đó là nếu bất đồng ý kiến với nhau, trong sách Công Vụ Tông Đồ chương 15 có nói về việc bất đồng ý kiến giữa ông Phaolo và Banaba. “Banaba muốn đem theo ông Macco đi theo, nhưng Phaolo cho rằng một người đã từng bỏ ahi ông ở miền Pamphylia và đã không cộng tác với hai ông, thì không nên đem theo. Hai bên nổi nóng đến mức phải chia tay. Ông Banaba đem theo Macco vượt biển đi đảo Sýp. Còn ông Phaolo thì chọn ông Xila và lên đường”. Đó là mẫu gương của hai ông Phaolo và Banaba.

Như thế, mỗi khi chúng ta đến nhà thờ, là chúng ta hiện hữu cách hữu hình theo nghĩa cộng đoàn, để cùng nhau dâng lên Chúa lời ca tụng tôn vinh Chúa.

Nhưng khi chúng ta về nhà chúng ta sống đơn lẻ từng cá nhân của mình, thì chúng ta hiện diện với nhau dựa trên đức tin. Chính vì thế, chúng ta làm gì cũng nhân danh cộng đoàn của chúng ta, chúng ta sống đời sống tốt lành, thì cộng đoàn của chúng ta được mang tiếng tốt, chúng ta sống không tốt lành thì cộng đoàn của chúng ta mang tiếng không tốt.

Bên cạnh đó, vì được liên kết với nhau bằng đức tin như thế, chúng ta được mời gọi cùng cầu nguyện cho nhau, vì không nâng đỡ nhau bằng sự hiện diện hữu hình thì nâng đỡ nhau bằng sự hiện diện vô hình của đức tin. Và chúng ta thấy trong cuộc đời của chúng ta sở dĩ, chúng ta gặp khó khăn thử thách, chúng ta nghĩ mình không vượt qua được nhưng rốt cuộc chúng ta vượt qua được, những lúc đó, chúng ta nghĩ là do công sức của mình, có thể đúng, nhưng cũng có thể là do ai đó đã âm thầm cầu nguyện nâng đỡ chúng ta bằng đức tin của họ.

Nên lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta cần đào sâu thêm một điểm đó là sự hiện diện trong đức tin, để chúng ta cùng nâng đỡ nhau.

Xin Chúa cho mỗi người chúng con ý thức được điều đó và xin Chúa chúc lành cho mỗi người chúng con. Amen.

 

 

 

Thứ Sáu - Tuần 4 Thường Niên

Mc 6,14-29

Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy được nguyên nhân cái chết của Gioan Tẩy Giả, sở dĩ Gioan Tẩy Giả chết là vì con người mỗi ngày cứ hướng chiều về sự dữ, chứ không hướng chiều về sự thiện.

Nên chúng ta thấy khi con người cứ hướng chiều về sự dữ, thì chắc chắn sữ dữ lớn hơn sẽ xảy ra.

Vậy vấn đề đặt ra với mỗi người chúng ta nếu chúng ta sống tử tế với nhau thì sẽ như thế nào? Thưa nếu chúng ta sống tử tế với nhau, thì chắc chắn phép màu sẽ xảy ra tương đương với sự tử tế của mỗi người chúng ta.

Trong một quán ăn một bà lão mua một bát canh. Khi đem bát canh để xuống bàn ăn thì bà nghĩ ra mình quên lấy muỗng. Bà đứng dậy đi lấy muỗng rồi trở lại bàn ăn. Và bà kinh ngạc khi thấy chỗ ngồi của mình đã do một người con trai da đen ngồi và đang ăn bát canh của bà.

Bà tức giận và nghĩ: "Tên này hỗn thật; sao lại dám ăn bát canh của mình!" Nhưng rồi bà lại thầm nhủ: "Chắc tại nó quá nghèo mà lại quá đói. Thôi, có lẽ mình cũng không cần nói gì hết. Hãy bỏ qua. Nhưng cũng không thể để một mình nó ăn hết bát canh!"

Thế là bà làm như không có chuyện gì xảy ra, ngồi xuống cùng bàn với anh ta, cầm cái muỗng và múc canh ăn. Hai người cùng ăn bát canh và nhìn nhau lặng lẽ.

Người thanh niên da đen đứng dậy, đến quầy và bưng đến một dĩa bánh mì đặt xuống trước mặt bà lão. Trên đĩa bánh mì cắm hai cây nĩa. Hai người tiếp tục ăn. Khi ăn xong hai người đứng dậy và từ giã nhau.

- "Hẹn gặp lại!" bà lão nói rất tình cảm .

- "Hẹn gặp lại!" người thanh niên da đen trả lời rất nhiệt tình.

Anh ta cảm thấy rất vui và thanh thản vì nghĩ rằng, hôm nay mình đã làm được một điều tốt, đó là đã giúp đỡ một bà lão nghèo.

Sau khi người thanh niên đi khỏi, bà lão phát hiện bàn bên cạnh còn để một bát canh chưa ai ăn. Và đó mới là bát canh của bà!

Chúng ta thấy, nếu bà lão tức giận ngay từ đầu với anh thanh niên da đen vì tưởng anh ăn bát canh của bà thì sẽ như thế nào? Thưa sẽ không có sự tử tế xảy ra cho đến hết câu chuyện.

Chính vì thế trong cuộc sống để ngăn chặn sự dữ xảy ra, mỗi người chúng ta được mời gọi sống tử tế với nhau, dằn bớt lại tính nóng nảy, ghen tỵ của mình lại, thì chắc chắn phép màu sẽ xảy ra đằng sau sự tử tế của chúng ta, mà chúng ta không ngờ đến. Amen.

 

 

 

Thứ Bảy - Tuần 4 Thường Niên

Mc 6,30-34

Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy việc các tông đồ sau khi được Chúa Giêsu sai đi, hôm nay các ông về thuật lại với Chúa những việc các ông đã làm và những điều các ông rao giảng.

Và Chúa đã nói với các tông đồ như thế nào? Chúa nói với các ông: “Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút." Quả thế, kẻ lui người tới quá đông, nên các ông cũng chẳng có thì giờ ăn uống nữa.”, nghĩa là khi các tông đồ chia sẻ với Chúa như thế, Chúa chỉ cho các ông phải biết điều tiếp theo các ông phải làm gì.

Như thế lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta điều gì? Thưa mời gọi chúng ta phải biết sống tâm tình gia đình với Chúa qua việc cầu nguyện với Chúa, phải biết thân thưa với Chúa về những điều chúng ta đã làm, thân thưa với Chúa những điều chúng ta chưa làm được, thân thưa với Chúa những điều chúng ta dự tính làm, để Chúa soi sáng, hướng dẫn đồng hành với mỗi người chúng ta trong công việc, như ngày xưa Chúa đã đồng hành với hướng dẫn với các tông đồ, khi các ngài thân thưa với Chúa.

Rồi chúng chúng ta sống tâm tình với mọi người trong gia đình của mình, cũng những người xung quanh của chúng ta, để xin họ giúp cho chúng ta những lời khuyên tốt lành, rồi chúng ta biết lắng nghe những lời khuyên tốt lành, để chúng ta thực thi trong cuộc đời của mình.

Sau đây là TÂM SỰ CỦA MỘT NGƯỜI ĐÀN ÔNG, cũng rất hữu ích cho chúng ta để giúp chúng ta có được một gia đình hạnh phúc.

Tôi là giám đốc một công ty, lương tháng ba nghìn đô, cao gấp chục lần vợ tôi nhưng khi về nhà thấy vợ hì hụi trong bếp, tôi vẫn sẵn sàng lao vào nhặt rau, rán cá bình thường. Thậm chí có lúc nhìn mặt thấy vợ tôi mệt tôi luôn giục nghỉ đi, để tôi làm. Bạn bè, bố mẹ, gia đình, nhân viên của tôi trong cơ quan đều biết việc này nhưng tôi lấy đó làm hãnh diện chứ không bao giờ có suy nghĩ “thằng đàn ông kém cỏi mới rửa bát” như bạn. Thậm chí nhân viên ở cơ quan còn ngưỡng mộ vì sếp là người tình cảm, yêu chiều vợ hết mực.

Chúng ta làm việc 8 giờ, vợ cũng phải làm việc 8 giờ. Cớ gì sau giờ làm mình được phép gác chân xem tivi còn vợ thì đầu tắt mặt tối nấu ăn, rửa bát, chăm con? Làm đàn ông, sức dài vai rộng thì phải ba đầu sáu tay, không quản ngại giúp vợ chứ đi làm về cơm bưng nước rót thì chả xứng làm chồng. Lấy vợ chứ có phải lấy osin đâu? Yêu vợ, thương vợ thì càng phải xắn tay áo vào làm đỡ đần vợ. Quan điểm của tôi là, dù bạn có là thủ tướng, là giám đốc to đến đâu đi chăng nữa thì về nhà bạn cũng chỉ là một người chồng, một người cha bình thường. Đừng mang địa vị cao thấp trong xã hội, chuyện thu nhập ra so đo như thế. Tổng thống Mỹ Bush còn công khai chuyện ông rửa bát cho vợ trên truyền hình một cách tự hào được cơ mà? Cớ sao bạn lại coi đó là sự nhu nhược?

Các cụ ta vẫn thường bảo “của chồng công vợ” quả đúng không sai, tôi tạo dựng cơ ngơi, mua nhà, mua xe cho vợ con cuộc sống sung túc, nhưng vợ lại là chỗ dựa tinh thần của tôi. Vợ tuy không kiếm tiền bằng tôi nhưng lại phải chăm sóc, nuôi nấng con cái, chăm lo cho gia đình thì vất vả vô cùng. "Điều này còn quý giá gấp vạn lần cái lương ba nghìn đô kia bạn à!"

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết lắng nghe tiếng Chúa, lắng nghe những tiếng nói tốt lành xung quanh chúng ta, để cuộc đời của chúng ta có bình an và hạnh phúc thật sự. Amen.