11/05/2025
53
Suy niệm hằng ngày_ Tuần IV Phục Sinh







 

 

 


 

CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH

Ga 10,27-30
 

Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu nói: “Chiên của Tôi thì nghe tiếng tôi. Tôi biết chúng và chúng theo tôi. Và tôi ban cho chúng sự sống đời đời”.

Như vậy, vấn đề đặt ra với mỗi người chúng ta đó là chúng ta đang sống giữa bao nhiêu phức tập và đa dạng của cuộc sống, bao nhiêu ông thầy hướng dẫn hạnh phúc, bao nhiêu những ngôn sứ loan báo tin vui, làm sao có thể phận biệt được ngôn sứ thật và ngôn sứ giả.

Thánh Ignatio Loyola ngài đã có kinh nghiệm này, đó là trong thời gian dưỡng bệnh, ngài muốn đọc một vài quyển sách, nhưng vì không có sách theo ý ngài muốn, nên người ta đưa cho anh cuốn sách nhan đề “Cuộc đời Đức Ki-tô”, và một cuốn khác nhan đề “Bông hoa các thánh”, cả hai đều được viết bằng tiếng mẹ đẻ.

Nhờ năng đọc các sách này, anh bắt đầu có cảm tình với những điều viết trong đó. Đôi lần anh ngưng đọc để suy nghĩ những điều mình mới đọc; hoặc đôi khi anh nghĩ đến những điều vô bổ anh đã quen suy nghĩ trước đây, và nhiều điều tương tự khác xuất hiện trong trí anh.

Thiên Chúa đã rủ lòng thương giúp anh loại trừ khỏi tâm trí anh những gì anh vừa đọc. Quả vậy, khi anh đọc cuộc đời Đức Ki-tô, Chúa chúng ta và cuộc đời các thánh, thì anh đã suy nghĩ nhiều và tự hỏi: “Vậy giả như tôi làm điều mà thánh Phan-xi-cô đã làm, thì sao ? Giả như tôi làm điều mà thánh Đa-minh đã làm, thì sao ?” Và như thế anh để tâm suy nghĩ rất nhiều điều. Nhưng các tư tưởng ấy chỉ tồn tại một thời gian. Và rồi vì anh bận rộn với các công việc khác, nên những chuyện vô bổ và trần tục ấy lại xen vào; những chuyện này kéo dài một thời gian khá lâu. Hết tư tưởng này đến tư tưởng kia tiếp nối nhau cầm giữ anh rất lâu.

Tuy nhiên có sự khác biệt giữa những tư tưởng ấy: khi nghĩ đến những tư tưởng phàm tục, anh cảm thấy rất thích thú; nhưng khi mỏi mệt không suy nghĩ, anh cảm thấy buồn bã và khô khan. Còn khi nghĩ đến việc theo đuổi những chuyện khắc khổ mà anh biết các vị thánh đã quen sống, thì không những lúc đang nghĩ đến những chuyện ấy, anh cảm thấy tâm hồn vui thú, và ngay cả lúc thôi nghĩ đến, anh vẫn thấy mình sung sướng. (Trích tự thuật của thánh thánh I-nha-xi-ô do linh mục Lu-y Gon-xan-ve ghi lại, bài đọc 2 giờ kinh sách lễ thánh Ignatio Loyola).

Như vậy, để có thể phân biệt đâu là ngôn sứ thật đâu là ngôn sứ giả thì chúng ta phải biết đặt Chúa lên trên hết mọi sự, đi theo con đường mà Chúa đã đi, đi theo con đường mà Chúa đã dạy, để tìm thấy sự ngọt ngào đằng sau những khó khăn thử thách.

Tôi có xem một đoạn clip người ta nói thằng tiểu nhân nó có cái hay của thằng tiểu nhân miệng mồm nó ngọt ngào lắm, nó nói nó trao chuốt ngôn từ lắm, tác phong lúc nào cũng chỉnh chu và vì nó tiểu nhân nên không bao giờ nó nói ra nó để cho người khác bị tổn thương tại vì lòng dạ của nó là lòng dạ của thằng tiểu nhân là nó có mưu đồ xấu rồi, nó nói là người khác nghe là phải mượt mà, còn thằng quân tử nó sống thẳng thắn nó không lợi dụng ai nó không phá ai, thậm chí nó còn giúp người khác nữa, cho nên ngôn từ nó phát ra nó thô bạo hơn, nghe nó rắn rỏi, nghe nó có cái gì đó hơi đụng chạm nó chính trực.

Phong cách giữa người quân tử và tiểu nhân là nó khác nhau, nên người mà ít trải nghiệm nhiều trong cuộc sống học hỏi hay va chạm nhiều trong cuộc sống, mà mình hiểu được hai phạm trù tiểu nhân và quân tử, nhiều khi mình thích sự mượt mà nhẹ nhàng của người tiểu nhân, mà cuộc đời thành bại hay không là quân tử hay tiểu nhân là hai cái, chúng ta chơi với tiểu nhân thì cuộc đời đi xuống mà không biết, còn chơi với người quân tử thì chúng ta thấy chơi với nó hơi mệt, nó hay phê bình mình, nó hay nói này nói kia mình, nó hay góp ý mình,  nhưng người ta có ý tốt người ta nhìn mình với con mắt đầy trách nhiệm, nên đừng bao giờ bị cuốn hút theo cái bề nổi nào cả.

Xin cho mỗi người chúng ta có được một sự cảm nghiệm như vậy trong cuộc đời của mình để biết phân biệt đâu là ngôn sứ thật, đâu là ngôn sứ giả, và để cho chính mình là ngôn sứ thật, đừng là ngôn sứ giả, để đem lại sự ngọt ngào đích thực cho anh chị em của chúng ta. Amen.




Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Cv 13,14.43-52: Ðây chúng tôi quay về phía các dân ngoại.

Tv 100,3: Ta là dân tộc, là đoàn chiên Chúa chăn nuôi.

Kh 7,9.14b-17: Chiên Con sẽ thống trị họ, và dẫn họ đến nguồn nước ban sự sống.

Ga 10,27-30: Ta ban cho các chiên Ta được sống đời đời.

Người Mục Tử Nhân Lành nhận những con chiên được Cha giao cho và chăm sóc chu đáo cho từng con. Ngài tạo ra mối liên kết giữa Ngài và chiên, một bản năng nhận biết và trung thành: “Chiên của Ta thì nghe tiếng Ta; Ta biết chúng và chúng theo Ta”. Tiếng của mục từ nhân lành luôn là lời mời gọi đi theo Ngài.

Sứ điệp Ơn gọi 2025 nói rằng “Ơn gọi là món quà quý giá mà Thiên Chúa gieo vào tâm hồn chúng ta, là lời kêu gọi bước ra khỏi chính mình để bước đi trên hành trình yêu thương và phục vụ. Và mỗi ơn gọi trong Giáo hội đều là dấu chỉ hy vọng mà Thiên Chúa dành cho thế giới và cho mỗi người con của Người.” Chúa Giêsu đã giành được tâm hồn của ta qua những tấm gương, giáo lý và cái giá khủng khiếp mà Ngài đã phải trả cho Máu Châu Báu của mình. Ngài vô cùng đau khổ vì ta, và do đó, Ngài không muốn mất bất kỳ ai. Tuy nhiên, bằng chứng rất rõ ràng: một số làm theo lời kêu gọi của Chúa Chiên Lành khi những người khác thì không. Thiên Chúa không từ chối ban ơn của Ngài cho bất cứ ai, và đây chính là nguồn lực của ta: hãy vững tin vào hồng ân Thiên Chúa. Bởi “mỗi ơn gọi được thúc đẩy bởi niềm hy vọng; niềm hy vọng đó được diễn tả trong sự tin tưởng vào Chúa Quan Phòng.”




Thứ Hai - Tuần IV Phục Sinh

Ga 10,1-10

Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy Chúa Giêsu khẳng định chính mình là cửa chuồng chiên, ai mà qua cửa chuồng chiên này mà vào thì sẽ tìm được sự sống và sống dồi dào, nói cách khác là ai qua cửa chuồng chiên này sẽ được cứu độ.

Chúng ta biết, trong sách công vụ tông đồ, khi người ta cấm Phêrô rao giảng về danh Chúa Giêsu, nhưng ông không sợ lời cấm đó, mà tiếp tục rao giảng: “Thưa quý vị thủ lãnh trong dân và quý vị kỳ mục, hôm nay chúng tôi bị thẩm vấn về việc lành chúng tôi đã làm cho một người tàn tật, về cách thức người ấy đã được cứu chữa. Vậy xin tất cả quý vị và toàn dân Ít-ra-en biết cho rằng: nhân danh chính Đức Giê-su Ki-tô, người Na-da-rét, Đấng mà quý vị đã đóng đinh vào thập giá, và Thiên Chúa đã làm cho trỗi dậy từ cõi chết, chính nhờ Đấng ấy mà người này được lành mạnh ra đứng trước mặt quý vị. Đấng ấy là tảng đá mà quý vị là thợ xây loại bỏ, chính tảng đá ấy lại trở nên đá tảng góc tường. Ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ." (Cv 4,9-12).

Chúng ta thấy, chính thánh Phêrô đã khẳng định điều đó, đó là: “Ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ.”

Nên chúng ta cũng được mời gọi xác tín điều đó trong cuộc đời của mình, rằng Chúa muốn chúng ta được sống, không phải là sống bình thường, mà là sống dồi dào, nghĩa là không chỉ muốn chúng ta sống tốt ở đời này, dư dật ở đời này, mà muốn chúng ta có cuộc sống dồi dào ở đời sau, sống dồi dào ở đời sau là sống dư dật không thiếu thốn gì cả.

Chúng ta hãy nhớ lại câu chuyện ông nhà giàu, khi chết ông bị đưa xuống hỏa ngục, nhưng ông có chết không? Thưa không chết, nhưng sự sống của ông là sự sống không dồi dào, nên khi ở dưới âm phủ, khi chịu cực hình, ông ta ngước mắt lên, thấy tổ phụ Áp-ra-ham ở tận đàng xa, và thấy anh La-da-rô trong lòng tổ phụ. Bấy giờ ông ta kêu lên: "Lạy tổ phụ Áp-ra-ham, xin thương xót con, và sai anh La-da-rô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát; vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm.

Chúng ta thấy ông nhà giàu, sau khi chết ông vẫn sống, mà sống không dồi dào, sống thiếu thốn đủ thứ cả, phải chịu cực hình muôn kiếp không thể sửa sai, không thể thương lượng gì cả.

Hiểu được như vậy, mỗi người chúng ta được mời gọi tin vào Chúa đến với Chúa, sống theo lời Chúa dạy, để không chỉ khi ở trần gian này chúng ta được sống dồi dào, mà khi ở đời sau, cũng được sống dồi dào trong tình yêu của Chúa. Amen.




Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Cv 11,1-18: Thiên Chúa cũng ban cho dân ngoại ơn ăn năn sám hối để được sống.

Tv 42,3: Hồn con khát Chúa Trời, Chúa Trời hằng sống.

Ga 10,1-10: Ta là cửa chuồng chiên.

Gioan 10,1-10 là một dụ ngôn đề cập đến cuộc sống của người mục tử. Thông điệp của dụ ngôn tập trung vào tầm quan trọng của người chăn chiên và bầy chiên của họ khi dành thời gian cho nhau. Thời gian bên nhau của họ là vô giá và tạo cơ hội cho mối quan hệ giữa họ được củng cố và phát triển. Thời gian này nâng cao khả năng giao tiếp của người chăn chiên và chiên. Sự hiểu biết của họ về di chuyển, nhịp độ, cách cư xử và âm thanh của nhau tăng lên. Trong cộng đồng, mối quan hệ và sự tin tưởng của người chăn chiên và chiên trở nên sâu sắc hơn và chắc chắn hơn.

Chúng ta tìm thấy ở đây sự bí ẩn lớn lao về tình yêu thương khôn lường của Thiên Chúa đã đạt đến những cực điểm không thể tưởng tượng được để cứu mỗi tạo vật loài người. Chúa Giêsu hiến dâng tình yêu của mình đến tột cùng, đến mức, phó dâng mạng sống của chính mình. Ngài khẳng định rằng: “Tôi là mục tử nhân lành, tôi biết chiên của tôi và chiên của tôi biết tôi” (Ga 10,14); hơn thế nữa, “Chiên nghe tiếng Ngài (...) Chiên theo Ngài vì chúng nhận ra tiếng Ngài” (Ga 10,3-4). Chúa Giêsu thực sự biết ta. Ngài là mục tử nhân lành, và Ngài hướng dẫn đàn chiên để thi hành ý muốn của Cha và Ngài cũng yêu thương chăm sóc chúng. Tạ ơn Chúa.



Thứ Ba - Tuần IV Phục Sinh

Ga 10,22-30

Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu khẳng định một điều như thế này đó là: “Chiên của Tôi, thì nghe tiếng Tôi, Tôi biết chúng và chúng theo Tôi. Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi. Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả, và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha. Tôi và Chúa Cha là một."

Nghĩa là, Chúa đang nói về những chiên thuộc về Chúa, thì Chúa sẽ ban cho những chiên thuộc về Chúa sự sống đời đời. Mà chiên thuộc về Chúa, nghe được tiếng của Chúa, để đi theo Chúa, đó là những con chiên lành mạnh, những con chiên tốt lành.

Như vậy, còn những con chiên không tốt lành thì sao? Chúng ta biết, dù có là chiên không tốt lành, thì chiên không tốt lành này cũng là chiên của Chúa.

Và nếu chúng ta mở rộng, chúng ta đào sâu thêm chúng ta sẽ thấy một điều như thế này, đó là dù chúng ta có như thế nào đi chăng nữa, thì trong mỗi người chúng ta cũng còn có một mảnh đất tốt lành đang bị ẩn giấu, hay đôi lúc chúng ta không biết Chúa để mà đi theo Chúa, nên cần phải có người hướng dẫn chúng ta, chỉ bảo cho chúng ta.

Chúng ta hãy nhớ lại câu chuyện Thiên Chúa gọi ông Samuel là một minh họa cho chúng ta: Cậu bé Samuen phụng sự ĐỨC CHÚA, có ông Êli trông nom. Một ngày kia, ông Êli đang ngủ ở chỗ ông, mắt ông đã bắt đầu mờ, ông không còn thấy nữa. Đèn của Thiên Chúa chưa tắt và Samuen đang ngủ trong đền thờ ĐỨC CHÚA, nơi có đặt Hòm Bia Thiên Chúa. ĐỨC CHÚA gọi Samuen. Cậu thưa: "Dạ, con đây! " Rồi chạy lại với ông Êli và thưa: "Dạ, con đây, thầy gọi con." Ông bảo: "Thầy không gọi con đâu. Con về ngủ đi." Cậu bèn đi ngủ. ĐỨC CHÚA lại gọi Samuen lần nữa. Samuen dậy, đến với ông Êli và thưa: "Dạ, con đây, thầy gọi con." Ông bảo: "Thầy không gọi con đâu, con ạ. Con về ngủ đi." Bấy giờ Samuen chưa biết ĐỨC CHÚA, và lời ĐỨC CHÚA chưa được mặc khải cho cậu. ĐỨC CHÚA lại gọi Samuen lần thứ ba. Cậu dậy, đến với ông Êli và thưa: "Dạ, con đây, thầy gọi con." Bấy giờ ông Êli hiểu là ĐỨC CHÚA gọi cậu bé. Ông Êli nói với Samuen: "Con về ngủ đi, và hễ có ai gọi con thì con thưa: "Lạy ĐỨC CHÚA, xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe." Samuen về ngủ ở chỗ của mình. ĐỨC CHÚA đến, đứng đó và gọi như những lần trước: "Samuen! Samuen! " Samuen thưa: "Xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe." (1Sm 3,1-10).

Nên có thể có những chiên không tốt lành, nhưng trong họ vẫn còn có những mảnh đất tốt lành chứ được đánh thức, nên chúng ta được mời gọi đừng thất vọng về người khác, mà hãy biết dùng lời nói, biết dùng đời sống tốt lành của chúng ta để đánh thức họ, để họ cũng được nghe tiếng Chúa, mà đi theo Chúa, để họ trở thành những con chiên lành mạnh, mà có được sự sống dồi dào. Amen.




Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Cv 11,19-26: Họ cũng rao giảng Chúa Giêsu cho người Hy lạp.

Tv 87: Hỡi muôn dân, hãy ngợi khen Chúa (Tv 117,1a).

Ga 10,22-30: Tôi và Cha Tôi là một.

Những lời của Chúa Giêsu khuyến khích ta ở đây và bây giờ. Ngài nói: “Chiên Tôi thì nghe tiếng Tôi, Tôi biết chúng và chúng theo Tôi. Tôi cho chúng được sống đời đời, chúng sẽ không bao giờ hư mất.” Chúng ta là những con chiên đi theo Chúa, Ngài là mục tử. Tuy nhiên, không phải lúc nào ta cũng tin tưởng vào tiếng nói của Chúa.

Mối quan hệ giữa người chăn chiên và đàn chiên là ràng buộc. Người mục tử tốt luôn nghĩ đến lợi ích tốt nhất của chiên và đàn chiên tin tưởng vào sự chăm sóc của người chủ chăn. Mối quan hệ này được xây dựng dựa trên sự quen thuộc và nhất quán. Những con chiên học cách xác định người mục tử và tìm niềm an ủi khi được chăm sóc. Bài Phúc âm hôm nay mời gọi ta học cách lắng nghe tiếng gọi của Chúa và tin cậy vào tình yêu thương của Ngài trong suốt cuộc đời. Mối tương quan này có thể làm ta thăng hoa. Ta có thể đạt được những điều gì nếu ta hoàn toàn chấp nhận tất cả các ơn Chúa đi kèm với việc trở thành một phần trong đoàn chiên của Chúa?

Xin Chúa ban cho ta sức mạnh để nghe và chú ý đến lời kêu gọi của Ngài. Nên nhớ rằng đưa những người khác gia nhập đàn chiên của Chúa và tin tưởng vào mối tương quan với Ngài thì tốt hơn là hỏi Ngài là ai.




Thứ Tư - Tuần IV Phục Sinh
Thánh Matthia, tông đồ. Lễ kính

Ga 15,9-17

Tôma Lê Duy Khang

Matthia có thể nói là giám mục đầu tiên được giáo hội trực tiếp chọn, chứ không phải Chúa Giêsu chọn trực tiếp. Và việc chọn ngài cũng có điều kiện mà sách công vụ tông đồ chúng ta vừa nghe, đó là những người đã cùng theo Chúa Giêsu ngay từ đầu khi Chúa Giêsu chịu phép rửa và phải cùng với các tông đò khác làm chứng cho sự phục sinh của Chúa.

Và chúng ta thấy, thánh Matthia chỉ được sách công vụ tông đồ nhắc ở chỗ này thôi không được nhắc thêm ở đâu nữa, nên nhiều người nhìn vào cho rằng thánh nhân là người được chọn chỉ là để điền vào chỗ trống, chỉ là người đóng vai phụ thôi, chẳng có gì nổi bật.

Nhưng nếu nhìn dưới cái nhìn đức tin thì chúng ta thấy điều đó không quan trọng, mà quan trọng là công cuộc của Chúa. Hội Thánh và sứ mạng xây dựng Nước Trời của Hội Thánh mới quan trọng. Chứ tên tuổi và dấu ấn cá nhân hay dấu ấn nhiệm kỳ thì đâu có gì quan trọng.

Chúng ta hãy nhớ lại câu chuyện, khi Mẹ Maria đến viếng thăm bà Êlisabet bà Elisabet cất tiếng chào, thì mẹ Maria đã đáp lại bằng lời Kinh Magnificat để ca ngợi Thiên Chúa.

Hay câu chuyện của Gioan tẩy Giả ông đã nói tôi không đáng cởi quai dép cho Chúa.

Bên cạnh đó, cái mờ nhạt, cái ít ỏi thông tin của thánh Matthia, giúp chúng ta nhận ra điều cốt tuỷ đệ nhất là ơn gọi Tông đồ của ngài nói riêng cũng như của các tông đồ khác nói chung. Đó là mừng ân sủng của Thiên Chúa hoạt động hữu hiệu nơi các ngài, bắt đầu bằng hồng ân được gọi và được tuyển chọn. Đó là mừng toà nhà Hội Thánh mà các ngài là những trụ cột. Và đó cũng là mừng hồng ân đức tin tông truyền của chính chúng ta, nhờ lời rao giảng và chứng tá của các ngài!

Nên trong cuộc đời của chúng ta chúng ta đừng nhìn theo kiểu con người là phải tỏa sáng chứ đừng mờ nhạt, hay mờ nhạt chứ đừng tỏa sáng, nhưng hãy nhìn theo cái nhìn của Chúa, nhìn theo cái nhìn của giáo hội, là Chúa và giáo hội muốn tôi làm gì trong nhiệm vụ mà tôi được trao phó, như vậy là chúng ta đang tỏa sáng trong Chúa, nói như thánh Phaolo tôi có là gì cũng là nhờ ơn Chúa, hay ai có tự hào thì hãy tự hào trong Chúa.

Chúng ta biết con người ngày nay đánh giá nhau dựa vào hiệu quả làm được điều này làm được điều kia, mà quên đi rằng điều đó Chúa có muốn hay không, giáo hội có muốn hay không, hay mình làm theo ý mình, mình sống theo ý người khác, và như vậy là chúng ta đang đi ngược lại với ý muốn của Chúa, đi ngược lại với lời thánh Phaolo dạy là tôi có làm gì cũng do ý của người khác, hay tôi có tự hào là vì tôi làm được điều này điều kia, tôi có tự hào là vì người khác nâng tôi lên.

Nên xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết thay đổi suy tưởng của mình để sống theo lời Chúa dạy, để có thể tự hào trong Chúa, như lời thánh Phaolo đã nói, hay nói như lời Chúa đã nói: “Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, và ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên”. Amen.



Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Cv 1,15-17.20-26: Matthia trúng thăm, ông được kể vào số mười một Tông Đồ.

Tv 113,8: Chúa cho người ngồi với những bậc quân vương của dân Người.

Ga 15,9-17: Thầy không còn gọi các con là tôi tớ: Thầy gọi các con là bạn hữu.

Bài đọc thứ nhất phản ánh những lời nói rõ ràng của Thánh Phêrô với những môn đệ khác của Chúa Giêsu về vấn đề thay thế Giuđa. Phêrô dựa trên những lời tiên tri trong Thánh Vịnh để hỗ trợ quá trình thay thế, và ông đưa ra các tiêu chuẩn để anh em mình xem xét. Thật kỳ lạ, họ đã chọn hai người đã ở với Chúa Giêsu trong suốt sứ vụ của Ngài, nhưng quyết định cuối cùng được đưa ra bởi rất nhiều điều. Cách lựa chọn là một cách hiệu quả để quyết định vấn đề.

Phúc âm hôm nay phản ánh khái niệm về sự lựa chọn trong bài giảng của Chúa Giêsu với các môn đệ, điều này cũng kéo dài đến cuộc sống của chúng ta. Ngài đã chọn chúng ta; chúng ta không chọn Ngài. Nhưng đồng thời, ta thể hiện sự lựa chọn theo Ngài bằng cách tuân giữ các điều răn của Ngài, bao gồm điều răn mới là yêu thương nhau. Ta phải yêu như Chúa Giêsu đã yêu. Tình yêu này cho nhiều hơn nhận, hào phóng, và không cân đo đong đếm.

Các bài đọc hôm nay phản ánh một sự thật thiết yếu: ta được Chúa chọn và hướng đến yêu thương nhau. Bởi vì Ngài không bao giờ ngừng yêu thương ta, ngay cả khi ta có thể đã ngừng yêu Ngài bằng cách chọn con đường của ta trong một thời gian.




Thứ Năm - Tuần IV Phục Sinh

Ga 13,16-20


Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy Chúa Giêsu nói: "Ai tin vào tôi, thì không phải là tin vào tôi, nhưng là tin vào Đấng đã sai tôi; ai thấy tôi là thấy Đấng đã sai tôi. Tôi là ánh sáng đến thế gian, để bất cứ ai tin vào tôi, thì không ở lại trong bóng tối.”

Tin ở đây chúng ta hiểu như thế nào?

Thưa tin ở đây chúng ta phải hiểu là phải có lòng yêu mến Chúa và có lòng kính sợ Chúa.

Chúng ta hãy nhớ lại có lần Chúa Giêsu đã nói như thế này: “Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hoả ngục.” (Mt 10,28).

Hay nói về việc yêu mến Chúa, thì Chúa Giêsu nói: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy.” (Ga 14,15). Ngược lại, Chúa Giêsu nói: “Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy.”

Chúng ta biết có những người được mệnh danh là Kito hữu, nhưng không tin Chúa, nghĩa là không có lòng yêu mến Chúa, không có lòng kính sợ Chúa.

Nói theo kiểu dân gian đó là gần chùa gọi bụt bằng anh, không còn yêu mến, cũng chẳng kính sợ, vì đã quá quen rồi, chính điều quen thuộc đó mà làm cho người ta sa đà vào đường tội lỗi, sa đà vào bóng tối, không còn ở trong ánh sáng.

Câu chuyện của Giuda là một minh họa cho chúng ta, chúng ta hãy nhớ lại khi Chúa Giêsu loan báo: "Thầy bảo thật anh em, một người trong anh em sẽ nộp Thầy." Các môn đệ buồn rầu quá sức, lần lượt hỏi Người: "Thưa Ngài, chẳng lẽ con sao? " Người đáp: "Kẻ giơ tay chấm chung một đĩa với Thầy, đó là kẻ nộp Thầy. Đã hẳn Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người, nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người: thà nó đừng sinh ra thì hơn! " Giu-đa, kẻ nộp Người cũng hỏi: "Ráp-bi, chẳng lẽ con sao? " Người trả lời: "Chính anh nói đó!" (Mt 26,21-25).

Hay khi Chúa Giêsu về quê hương để mà giảng dạy, thì dân chúng nói: “Bởi đâu ông ta được khôn ngoan và làm được những phép lạ như thế? Ông không phải là con bác thợ sao? Mẹ của ông không phải là bà Ma-ri-a; anh em của ông không phải là các ông Gia-cô-bê, Giô-xếp, Si-môn và Giu-đa sao? Và chị em của ông không phải đều là bà con lối xóm với chúng ta sao? Vậy bởi đâu ông ta được như thế?" Và họ vấp ngã vì Người. Nhưng Đức Giê-su bảo họ: "Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình và trong gia đình mình mà thôi." Người không làm nhiều phép lạ tại đó, vì họ không tin.” (Mt 13, 54-58).

Nhưng ngược lại, nếu chúng ta nhìn lại nơi những người lương dân, chúng ta thấy trong đời sống của họ, có thể họ không có lòng yêu mến để giữ luật, nhưng họ lại có lòng kính sợ, sợ điều này, sợ điều kia, sợ làm điều này sai, sợ điều kia không đúng, nhờ đó mà có thể họ sống trong ánh sáng của niềm tin của họ, đôi khi có thể nói là họ tốt hơn chúng ta, họ giữ luật hơn chúng ta, vì họ không biết nhiều mà chỉ biết sợ, còn chúng ta thì được dạy là đừng sợ, để rồi không còn sợ ai, ngay cả sợ Chúa.

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết nhìn lại để sống của mình và cũng biết nhắc nhở nhau, để chúng ta biết nhớ lại tin Chúa là có lòng yêu mến Chúa và kính sợ Chúa, để chúng ta giữ những điều răn của Chúa dạy, có như thế chúng ta mới là người tin Chúa thật sự, và đang đi trong ánh sáng của Chúa. Amen.




Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Cv 13,13-25: Bởi dòng dõi Đavít, Thiên Chúa đã ban Đức Giêsu làm Đấng Cứu Độ.

Tv 89,2: Lạy Chúa, con sẽ ca ngợi tình thương của Chúa tới muôn đời.

Ga 13,16-20: Ai đón nhận kẻ Thầy sai, là đón nhận Thầy.

Các cuộc hành trình truyền giáo của Phaolô thường được biết là có tính phiêu lưu cao, chẳng hạn như nguy hiểm, chèo thuyền qua Địa Trung Hải, những chuyến đi dài với những người bạn đồng hành của ngài, đối đầu với đám đông thù địch và đắm tàu. Phaolô say mê và tận tâm rao truyền tin mừng về Đức Kitô. Ông chuyển từ kẻ bắt bớ các tín hữu ban đầu sang người truyền bá phúc âm cho Đức Kitô. Các chuyến đi thể hiện tình yêu của ngài đối với Chúa Giêsu và sự cứu rỗi của anh chị em trong Chúa.

Thông điệp của Phaolô thật đáng kinh ngạc và can đảm. Ông đã thúc đẩy sự thay đổi sâu sắc trong thần học và triết học Do Thái. Ông và những người đồng hành rao giảng trên chính những đôi chân miệt mài. Họ thực sự ở trong tay Chúa và rao giảng thông điệp của Ngài.

Tin Mừng nhấn mạnh sứ điệp của Thiên Chúa qua cuộc đời và hành động của Chúa Giêsu, Đấng đã rửa chân cho các môn đệ để cho biết rằng Ngài đến giữa chúng ta với tư cách là tôi tớ, chứ không phải như một người cai trị. Thánh Phaolô có thể đã diễn giải và trên thực tế, đã sống lời của Chúa Giêsu. Vì vậy, ta hãy tiếp nhận Chúa; loan truyền thông điệp của Ngài; yêu thương và phục vụ; khiêm tốn khi làm những điều này.




Thứ Sáu - Tuần IV Phục Sinh

Ga 14,1-6

Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó.”

Nghĩa là đi theo Chúa, Chúa sẽ lo liệu cho chúng ta tất cả, Chúa không bao giờ để chúng ta thiếu thốn.

Thiếu thốn này chúng ta không thể chỉ hiểu theo nghĩa vật chất, mà cần phải hiểu theo nghĩa thiêng liêng, nghĩa tinh thần, nghĩa sự sống đời sau.

Chúng ta biết có người nói như thế này: Trong cuộc đời này nếu mình lỡ nghèo rồi, thì đừng ghen tỵ với người ta, mà hãy tùy hỷ với người ta, nghĩa là hãy vui với người ta, bởi nếu nghèo vật chất mà không nghèo cái tâm thì chỉ nghèo có một, còn nếu nghèo vật chất mà còn nghèo cái tâm nữa, thì đó là nghèo rớt mồng tơi.

Trong kinh thánh có kể câu chuyện Phêrô hỏi Chúa Giêsu: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy. Vậy chúng con sẽ được gì? " Chúa Giêsu đáp: "Thầy bảo thật anh em: anh em là những người đã theo Thầy, thì đến thời tái sinh, khi Con Người ngự toà vinh hiển, anh em cũng sẽ được ngự trên mười hai toà mà xét xử mười hai chi tộc Ít-ra-en. Và phàm ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái hay ruộng đất, vì danh Thầy, thì sẽ được gấp bội và còn được sự sống vĩnh cửu làm gia nghiệp.” (Mt 19,27-29).

Nhưng vấn đề đặt ra với mỗi người chúng ta đó là chúng ta không có gì hết, chúng ta là người nghèo, thì làm sao bỏ mọi sự mà theo Chúa, như thánh Phêrô?

Câu chuyện của một bà góa nghèo bỏ hai đồng tiền kẽm vào hòm tiền dâng cúng, cũng là một minh họa cho chúng ta, để chúng ta thấy tiền bạc vật chất cũng cần, nhưng chưa đủ, mà cái đủ đó chính là lòng thành tâm thiện chí của con người.

Chúng ta biết sau khi thấy bà góa bỏ vào thùng dâng cúng hai đồng tiền kẽm, Chúa Giêsu nói: “Thầy bảo thật anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào nhiều hơn ai hết. Quả vậy, tất cả những người kia đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ, mà bỏ vào dâng cúng; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình, mà bỏ vào đó tất cả những gì bà có để nuôi sống mình." (Lc 21, 3-4).

Nên chúng ta thấy, đừng bao giờ nghĩ là mình nghèo, mình không thể làm bố thí được, nghèo mà không tin Chúa, không đi theo Chúa được, nhưng chúng ta có thể bố thí bằng chính cái tâm của chúng ta, đi theo Chúa bằng chính tâm hồn của mình, và khi chúng ta bố thí bằng cái tâm của mình như thế, điều này chứng tỏ là ta có lòng yêu mến Chúa, có lòng tin vào Chúa, nói cách khác là chúng ta đang rất giàu có về đời sống tâm hồn và chắc chắn Chúa sẽ đáp lại lòng quảng đại của chúng ta. Amen.




Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Cv 13,26-33: Thiên Chúa đã làm trọn lời hứa khi cho Đức Giêsu sống lại.

Tv 2,7: Con là thái tử của Cha, hôm nay Cha đã sinh thành ra Con.

Ga 14,1-6: Thầy là đường, là sự thật và là sự sống.

Như Chúa Giêsu đã nói rất nhiều lần với rất nhiều người đang hoang mang, “Đừng sợ,” nên ở đây Ngài nói, “Lòng các con đừng xao xuyến”. Tâm hồn họ bối rối vì Ngài sẽ bị xử tử, và mặc dù Ngài sẽ sống lại từ cõi chết, nhưng Ngài sẽ rời bỏ họ. Ngài sẽ hứa rằng Ngài sẽ không để họ mồ côi. Thánh Thần của Ngài sẽ ở lại với họ. Nhưng, đó là khoảng thời gian đau buồn đối với họ. Và, tại sao ta không nên đau buồn? Bởi vì Ngài đi chuẩn bị chỗ cho ta.

Chúa Giêsu không chỉ đánh bại quyền lực của tội lỗi bằng cách bày tỏ lòng thương xót vô điều kiện, nhưng việc Ngài trỗi dậy từ cõi chết đánh dấu sự chiến thắng đối với sự chết. Ngài đi chuẩn bị chỗ cho ta. Đó là lời hứa và sự đảm bảo cuối cùng.

Điều quan trọng là không để cho trái tim của ta buồn rầu. Bằng cách đặt cuộc sống của ta trong tay Chúa và hoàn toàn tin tưởng vào lời hứa của Ngài sẽ đồng hành mọi lúc, bất kể ta gặp khó khăn hay đau khổ. Ngài mang đến sự bình yên mà không gì khác có thể mang lại. Ngài cho ta con đường dẫn đến tình yêu quên mình, hy sinh bản thân để ngày càng giống Ngài. Chính nhờ Chúa Giêsu, ta tìm thấy con đường dẫn đến sự sống đời đời.

 


 

Thứ Bảy - Tuần IV Phục Sinh

Ga 14,7-14

Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm qua trình bày cho chúng ta thấy Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Thầy đi đâu, thì các con đã biết đường rồi”, nghĩa là trước đó Chúa Giêsu đã loan báo cho các ông biết là Ngài sẽ đi đâu: “Người phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại.” (Mt 16,21), và chúng ta biết không phải Chúa Giêsu đã loan báo một lần, mà Chúa Giêsu loan báo đến ba lần.

Hay nói cách khác là Chúa đã chỉ đường cho các môn đệ, nên Chúa mới nói các ông đã biết đường rồi.

Nhưng ông Tôma không hiểu, nên đã hỏi Chúa Giêsu: “Lạy Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, thì làm sao chúng con biết đường đi?”

Và Chúa Giêsu tiếp tục trả lời lại cho ông biết: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy.”

Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy câu hỏi của Philipphe: “Lạy Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha và như thế là đủ cho chúng con”, nhưng chúng ta biết trước đó Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: “Nếu các con biết Thầy, thì cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ các con biết và đã xem thấy Người”.

Nếu so sánh hai trình thuật, chúng ta thấy các môn đệ ngày xưa chưa thật sự chú tâm để nghe lời của Chúa, chính vì thế mà các ông đã không hiểu được Chúa muốn nói gì. Mặc dầu những điều Chúa nói sau này, thì trước đó Chúa đã nói rồi.

Hình ảnh đó, cho chúng ta thấy được giới hạn của con người của chúng ta.

Nếu như ngày xưa chính Chúa Giêsu hiện diện hữu hình với các môn đệ, giảng dạy cách trực tiếp cho các ông, mà các ông còn không để ý, thì huống gì chúng ta ngày ngay không được thấy sự hiện diễn cách trực tiếp của Chúa, thì đời sống đức tin sẽ như thế nào nữa.

Nói như vậy, không phải để chúng ta lùi bước, rằng người khác như thế đó, còn tôi như thế này là được rồi, nhưng nói như vậy để chúng ta phải càng cố gắng hơn nữa để sống đức tin trong cuộc đời của mình, để mình vươn lên, để mỗi ngày nên hoàn thiện hơn nữa.

Chúng ta biết trong cuộc sống có những điều chúng ta cần an ủi nhau, và chính chúng ta cũng phải an ủi cho chính mình, nhưng khi chúng ta an ủi nhau, khi chúng ta an ủi chính mình, là để tiến tới, chứ không phải an ủi nhau để rồi dậm chân tại chỗ, chẳng hạn như chúng ta làm điều gì đó sai, người ta nhắc nhở chúng ta, chúng ta nói nếu tôi không giỏi thì còn sai hơn như vậy nữa, đó là một điều hết sức nguy hiểm.

Nên xin Chúa cho mỗi người chúng ta ý thức được giới hạn của mình, để chúng ta cố gắng vươn lên, để chúng ta cố gắng học hỏi, chứ không phải dậm chân tại chỗ ở giới hạn đó, có như thế chúng ta mới có thể hoàn thiện mỗi ngày được. Amen.




Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Cv 13,44-52: Đây chúng tôi quay về phía các dân ngoại.

Tv 98,3cd: Khắp nơi bờ cõi địa cầu đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta.

Ga 14,7-14: Ai thấy Thầy là xem thấy Cha.

Hầu hết chúng ta đều muốn được yêu thương, ủng hộ và các môn đệ của Chúa cũng vậy. Các môn đệ rao giảng lời Thiên Chúa mà phải chịu đựng sự ghen tương, thù hận và chống đối từ những người ‘có đạo’. Nhưng vì sự chịu đựng của đám đông dân ngoại đang khao khát, “các môn đệ tràn ngập niềm vui và Chúa Thánh Thần.” Và rồi các ngài đã “quay về phía các dân ngoại” mà rao giảng Chúa Phục sinh.

Chúa Giêsu đã nói, “nếu điều gì các con nhân danh Thầy mà xin cùng Thầy, Thầy sẽ làm cho.” Bất cứ điều gì Chúa Cha muốn nói với ta được tìm thấy trong lời nói và việc làm của Chúa Con. Tất cả những gì Người muốn thực hiện cho chúng ta, Người hoàn thành nhờ Chúa Con. Tin vào Chúa Con cho phép chúng ta có “quyền tiếp cận với Chúa Cha” (Ep 2,18).

Niềm tin khiêm tốn và trung thành vào Chúa Giêsu ngày qua ngày sẽ kết nối chúng ta một cách thực sự với mầu nhiệm của Thiên Chúa. Chính Đức Giêsu nói, Thầy bảo thật các con, “ai tin vào Thầy, người ấy sẽ làm được những việc Thầy đã làm; người ấy còn làm được những việc lớn lao hơn.” Ước gì chúng ta vững tin vào lời Chúa dạy mà sống tốt hơn mỗi ngày, để từ chính đời sống chứng nhân đó mà nhiều người nhìn thấy, lãnh nhận ơn cứu độ của Chúa.