22/12/2024
234
Suy niệm hằng ngày_ Tuần IV Mùa Vọng







 

 

 



Chúa Nhật IV Mùa Vọng

Mk 5,1-4a; Dt 10,5-10; Lc 1,39-45


Tôma Lê Duy Khang

Có một chú bé nghèo ăn xin, vô tình vào quán ăn được một người tốt bụng giúp cho bữa ăn, khi ngồi ăn thì đứa bé hỏi người đàn ông: Chú ơi, chú đang làm gì vậy?

 - Đọc điện thư.

 - Điện thư là gì hả chú?

 - Là thư mà người ta gửi qua mạng .

 - Thì cũng như là thư thường thôi, nhưng gửi qua mạng.

 - Mà mạng là gì hả chú?

 - Thì là một nơi trong máy tính người ta có thể nghe nhạc, nghiên cứu, đọc tin tức, học hỏi, làm việc, và làm rất nhiều thứ khác nữa, nhưng là trong thế giới ảo.

 - Ảo là gì hả chú?

 - Ảo nghĩa là cái mình tưởng tượng ra, là cái mình không thể sờ mó được, là nơi trong đó mình có thể tạo ra nhiều thứ theo sở thích riêng, và là nơi mình có thể biến đổi thế giới theo như mơ ước.

 - Ôi, thích quá, cháu cũng đang sống trong thế giới ảo mà.

 - Cháu cũng có máy tính sao?

 - Dạ không, nhưng cái gì cháu đang sống cũng giống như thế giới ảo vậy... Mẹ cháu lang thang ngoài phố cả ngày, tối mẹ về trễ lắm, nên nhiều khi cháu chẳng gặp mẹ nữa... Còn cháu ở nhà lo cho em cháu, nó đói nên khóc hoài. Cháu cho nó uống nước lã cho đỡ đói, mà nó cứ tưởng là canh... Bố cháu thì đi tù lâu rồi... Nhưng cháu cứ tưởng tượng đến ngày Tết gia đình mình được xum họp, mọi người ăn uống thỏa thuê, anh em cháu có quần áo mới và nhiều tiền lì xì, rồi cháu được đi học để sau này trở thành bác sĩ giỏi nữa... Có phải như thế là ảo không hả chú?

Câu chuyện này cho thấy hằng ngày chúng ta vẫn đang sống trong một thế giới ảo điên rồ, dù chung quanh là thực tế tàn nhẫn, chúng ta vẫn làm như không thấy gì...

Hôm nay các bài đọc lời Chúa cho chúng ta thấy được một thế giới thực không còn là thế giới ảo theo kiểu mong chờ mơ mộng: “Trời cao hãy đổ sương xuống! Và ngàn mây hãy mưa Đấng Chuộc tội! Trời cao hãy đổ sương xuống! Và ngàn mây hãy mưa Đấng cứu đời!” mà nhạc sĩ Duy Tân đã viết dựa trên sự mong chờ của dân do thái ngày xưa nữa.

Và chúng ta thấy thế giới thực này từ từ được nên hoàn thiện.

Bài đọc 1 trích sách ngôn sứ Mika, đó là lời tiên báo Đấng Mêsia sẽ được sinh ra tại đâu: “Phần ngươi hỡi Bêlem Epratha, ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giuda, từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lãnh Israen. Nguồn gốc của Người có từ thời trước, từ thời xa xưa”.

Rồi việc sau khi Thiên Thần truyền tin cho Đức Mẹ, hôm nay Đức Mẹ lại hối hả đên thăm bà Êliasabet, thì bà Êliasabet và đứa con trong bụng đã cảm nhận được một thế giới thực đang dần dần hé lộ, bà Êlisabet đã nói: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em."

Hiểu được như vậy chúng ta thấy ngày nay chúng ta đang sống trong thế giới thật, nghĩa là chúng ta đang sống trong một thế giới mà Chúa Giêsu đã đến để hoàn thành lời hứa của Thiên Chúa Cha, Chúa Giêsu đến để đem sự thật đến giải phóng chúng ta khỏi thế giới ảo.

Nhưng thật ra chúng ta vẫn còn đang sống trong thế giới ảo, mặt dầu đã có thế giới thật, chính vì thế mà con người của chúng ta ngày nay vẫn còn gian dối, lừa lọc nhau, tranh giành quyền lực với nhau.

Xin cho mỗi người chúng ta xác tín rằng Chúa Giêsu đến để hoàn thành lời hứa của Chúa Cha, để chúng ta giúp chúng ta không còn sống trong ảo mộng nữa mà sống trong một thế giới thực tế, nên chúng ta hãy sống thực tế, sống lời Chúa dạy.

Sống thực tế này không có nghĩa là không cho chúng ta mơ mộng, chúng ta có quyền mơ mộng, nhưng hãy mơ mộng, hãy ao ước những điều tốt lành, để từ những điều tốt lành đó mới trở thành những điều chân thật tốt lành, còn ngược lại nếu chúng ta mơ mộng những điều không tốt lành, thì mơ mộng đó cũng có thể trở thành hiện thực, nhưng mơ mộng đó chỉ là mơ mộng ảo và hiện thực đó chỉ là hiện thực ảo mà thôi. Amen.




Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Mk 5,1-4a: Từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lãnh Israel.

Tv 80,4: Lạy Thiên Chúa, xin phục hồi chúng con, xin tỏa ánh tôn nhan rạng ngời để chúng con được ơn cứu độ.

Dt 10,5-10: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài.

Lc 1,39-45: Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?

Hôm nay, ta được đồng hành cùng hai người phụ nữ. Elizabeth đang mang thai một con trai. Maria và Elizabeth đến với nhau với dấu hiệu khẳng định sự hiện diện tích cực của Chúa về lòng trung thành với một giao ước mong muốn một mối quan hệ mật thiết và tình yêu. Elizabeth ngợi khen Maria; Phúc cho em đã tin rằng những gì Chúa đã phán sẽ được ứng nghiệm. Đối với Maria và Elizabeth, thần khí của Chúa đã tràn ngập trên họ.

Giáng sinh sẽ đến trong một vài ngày nữa. Lịch sử cổ đại, những vùng đất cổ xưa, những con người xa xưa sống lại với chúng ta mỗi năm. Bây giờ, trong thời đại của ta và những năm về sau. Luôn luôn hiện tại và luôn luôn mới! Emmanuel, Chúa ở cùng chúng ta! Mỗi người có vai trò trong câu chuyện đang diễn ra, thêm vào những câu chuyện cổ xưa, thiêng liêng về một Thiên Chúa trung thành, Đấng cứu độ, yêu thương và bao bọc chúng ta. Tất cả những gì chúng ta phải làm là mong muốn được nghe tiếng Chúa, lắng nghe và thưa xin vâng! Lạy Chúa, xin giúp chúng con hướng về Chúa; Hãy để chúng con nhìn thấy dung nhan Chúa, và chúng con sẽ được cứu!




Thứ Hai - Tuần IV Mùa Vọng

(Ml 3,1-4.23-24; Lc 1,57-66)

Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta biết việc Bà Êlisabet sinh hạ một con trai.

Nhưng bên cạnh đó, cũng muốn nói cho chúng ta biết việc Thiên Thần nói với ông Dacaria hôm nay đã hoàn tất, đã hoàn toàn ứng nghiệm, đó là khi Dacaria thắc mắc: “Dựa vào đâu mà tôi biết được điều ấy? vì tôi đã già, và nhà tôi cũng đã lớn tuổi”, thì Thiên Thần đã phản ứng: “Và này đây ông sẽ câm, không nói được, cho đến ngày các điều ấy xảy ra, bởi vì ông đã không tin lời tôi, là những lời sẽ được ứng nghiệm đúng thời đúng buổi” (Lc 1, 20). Và thật sự hôm nay những điều ấy đã xảy ra, tất cả mọi sự đã ứng nghiệm, nên ông Dacaria đã mở miệng nói được để chúc tụng Thiên Chúa.

Hình ảnh việc hoàn tất lời hứa với Dacaria, cũng là hình ảnh báo trước việc Thiên Chúa sắp hoàn tất lời hứa cứu độ của Ngài: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó." (St 3,15). Hay trong sách ngôn sứ Isaia: “Này đây Trinh Nữ sẽ thụ thai, và sinh hạ con trai, đặt tên là Emmanuel, nghĩa là Thiên – Chúa – ở – cùng – chúng – ta.” (Is 7,14).

Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta xác tín lại Lời hứa của Chúa, để chúng ta tin tưởng phó thác cuộc đời của chúng ta trong tay Chúa, hãy biết đặt mình trong tay Chúa, lúc đó con người của chúng ta sẽ có giá trị.

Một người cha đã nói với con trai của mình vừa tốt nghiệp: Con đã tốt nghiệp, Bố sẽ dành tặng cho con một chiếc xe bố đã mua được nhiều năm trước... Nó đã hơn 50 tuổi. Nhưng trước khi bố đưa nó cho con, con hãy đưa nó đến chỗ bán xe cũ đã qua sử dụng xem họ trả cho nó bao nhiêu.

Người con trai đi đến chỗ xe đã qua sử dụng, trở về với cha và nói: "Họ được đề nghị 1,000 đô la vì nó trông nó đã quá đát". Cha nói: "Con đưa nó đến tiệm cầm đồ". Người con trai đưa đến tiệm cầm đồ, trở về nói với cha: "Tiệm cầm đồ đã đề nghị 100 đô la vì nó là một chiếc xe sắt vụn". Cha bảo con trai đưa nó đến câu lạc bộ ô tô và cho họ xem xe. Đứa con trai đưa xe đến câu lạc bộ, trở về và nói với cha: "Một số người ở câu lạc bộ đã đề nghị $ 100,000 cho nó, vì nó là một Mustang cổ điển và được tìm kiếm rất khó thấy trong số các thành viên câu lạc bộ".

Người cha nói với con trai của mình: "Bố muốn con biết rằng con hãy ở đúng nơi coi trọng con đúng cách"... Nếu con không có giá trị, đừng buồn và tức giận, điều đó có nghĩa là con đang ở sai chỗ. Những người biết giá trị của con là những người đánh giá cao về con, và không bao giờ được ở một nơi mà không ai nhìn thấy giá trị của con.

Cũng vậy, Chúa luôn luôn yêu thương con người, luôn luôn trung tín với con người, luôn luôn hy vọng vào con người, luôn luôn muốn điều tốt nhất cho con người. Xin Chúa cho mỗi người chúng ta ý thức được điều đó, để biết chạy đến với Chúa, đặt mình trong tay Chúa, chắc chắn Chúa sẽ ban ơn và chúc lành cho mỗi người chúng ta. Amen.




Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Ml 3,1-4,23-24: Ta sẽ sai tiên tri Êlia đến cùng các ngươi trước ngày Chúa đến.

Tv 25: Hãy nhìn xem và hãy ngẩng đầu lên, vì ơn cứu chuộc các ngươi đã gần đến (Lc 21,28).

Lc 1,57-66: Sinh nhật của Gioan Tẩy Giả.

Lời Chúa hôm nay cho chúng ta biết cách Chúa thực hiện công việc của Người. Chúa luôn luôn cho biết trước những gì Người sẽ thực hiện. Chúa có thể nói trực tiếp hay qua các tiên tri, nhưng thường là Người sai các ngôn sứ đi loan tin để người ta có thể chuẩn bị tâm hồn đón Chúa. Sách tiên tri Malakhi dẫn lời Thiên Chúa: “Ta sẽ sai tiên tri Êlia đến cùng các ngươi trước ngày Chúa đến.” Có một điều thú vị ở đây là lúc khởi đầu Chúa chỉ nói là “Ta sai sứ thần Ta đi dọn một con đường trước mặt Ta,” nhưng sau thì nói rõ là Êlia. Tin mừng Luca có chi tiết gần giống như vậy. Chúa đã chuẩn bị cho Người một vị tiên tri để loan báo việc Chúa xuất hiện, và người đó được đặt tên là Gioan Tẩy Giả.

Cả Êlia và Gioan là những tiên tri đích thực trong thời của mình. Những gì họ tiên báo là để chuẩn bị cho những ngày trọng đại của Thiên Chúa. Sứ điệp nổi bật là kêu gọi người ta hoán cải, thay đổi đời sống tội lỗi giữa người với người, giữa người với Thiên Chúa để tránh sự trừng phạt của Chúa và xứng đáng chào đón Người. Ước gì mỗi người chuẩn bị tâm hồn cho xứng hợp để hân hoan chào đón và mời Đấng Cứu Độ đến và ngự trị trong đời.



Thứ Ba Tuần IV Mùa Vọng

(2Sm 7,1-5.8b-12.14a.16; Lc 1,67-79)


Tôma Lê Duy Khang

Bài đọc 1 hôm nay trích sách Samuen quyển thứ hai, nội dung nói về Vua Đavít có một nhạy cảm và lòng yêu mến Thiên Chúa khi nhận ra mình ở cung điện đẹp đẽ, sang trọng, còn nhà Chúa thì đơn sơ, mộc mạc. Ông muốn xây đền thờ cho Chúa. Tiên tri Nathan ủng hộ ngay.

Nhưng Thiên Chúa nói với ông Nathan: "Hãy đi nói với tôi tớ của Ta là Đavít: Đức Chúa phán thế này: Ngươi mà xây nhà cho Ta ở sao?” Và Thiên Chúa muốn Nathan nhắc lại những kỳ công mà ngài đã làm cho dân tộc Israen, nghĩa là Ngài muốn con người không tự phụ, bởi chính Chúa mới là người xây nhà cho con người, chứ không phải con người xây nhà cho Thiên Chúa: “Bây giờ ngươi hãy nói với tôi tớ Ta là Đavít như sau: Đức Chúa các đạo binh phán thế này: Chính Ta đã cất nhắc ngươi, từ một kẻ lùa chiên ngoài đồng cỏ, lên làm người lãnh đạo dân Ta là Ít-ra-en.” (x. 2. Sm 7, 1-5.8b-12.14a.16).

Hôm nay trang Tin Mừng cho chúng ta thấy một mẫu gương không tự phụ vào công sức của chính mình hay kêu trách Chúa đó là mẫu gương của ông Dacaria.

Như đã nói ông Dacaria làm tư tế trong đền thờ, mà Chúa lại không ban cho hai vợ chồng có lấy một mụn con, đáng lẽ ông phải kêu trách Chúa là tôi đã phục vụ bao nhiêu năm trong đền thờ, tại sao Chúa lại phải để tôi phải khổ nhục như thế, không nghe ông nói gì cả, rồi khi Chúa ban cho hai vợ chồng một mụn con, ông cũng không nói là do tôi đã sống công chính, đã phục vụ Chúa thì Chúa ban đó là điều đương nhiên, không nghe ông nói gì cả, nhưng ông đã ca tụng Chúa qua bài hát Chúc tụng, tiếng Latin gọi là bài Benedictus, bene là tốt lành, dictus là nói.

Chúng ta biết lúc đầu ông hơi hoài nghi về Chúa một chút, thì bản tính con người là như thế, nhưng sau đó ông đã tin tưởng tuyệt đối vào Chúa, rằng chính Chúa đã làm những điều kỳ diệu, rằng chính Thiên Chúa sẽ cho xuất hiện vị cứu tinh để cứu giúp con người, nghĩa là chính Chúa sẽ xây nhà cho con người.

Qua mẫu gương của Dacaria làm tôi nhớ lại lời thánh vịnh 126 như sau: Ví như chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công, thành kia mà chúa không phòng giữ, uổng công người trấn thủ canh đêm, bạn có thức khuya hay dậy sớm, khó nhọc làm ăn cũng hoài công, còn kẻ được Chúa thương dầu có ngủ, Chúa vẫn ban cho đủ tiêu dùng.

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta ý thức rằng chính Chúa đã làm những điều kỳ diệu trên cuộc đời của mình, tôi làm linh mục, tôi làm bà sơ, tôi làm một người tín hữu tốt lành, tất cả đều là do ơn Chúa ban cho mình, chúng ta hãy nhớ trong giáo lý dạy chúng ta đức tin, đức cậy, đức mến là ơn Chúa ban cho chúng ta, để chúng ta mới có thể tin, để chúng ta mới có thể trông cậy, để chúng ta mới có thể yêu mến, còn mình chỉ cộng tác vào, để cho đức tin, đức cậy và đức mến đó được lớn mạnh hơn thôicòn mình chỉ cộng tác vào một phần nhỏ mà thôi.

Xin Chúa ban ơn và chúc lành cho mỗi người chúng ta để mỗi người chúng ta luôn tin tưởng và phó thác mọi sự trong tay Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời của chúng ta. Amen.




Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

2 Sm 7,1-5.8b-12.16: Vương quốc Ðavít sẽ tồn tại trước mặt Chúa đến muôn đời.

Tv 89,2a: Lạy Chúa, con sẽ ca ngợi tình thương của Chúa tới muôn đời.

Lc 1,67-79: Vầng đông từ cao thẳm tới viếng thăm chúng ta.

Hôm nay là ngày cuối cùng của Mùa Vọng. Lời Chúa vang vọng trong tâm hồn chúng ta như một bài ca cảm tạ. Bài ca này nói hộ lòng ta một sự thật đã được cảm nghiệm bằng chính những tháng ngày sống trong thinh lặng của Dacaria. Dacaria đã ca ngợi Chúa với tất cả ngôn từ đẹp đẽ và thành kính về những gì Chúa đã làm, đang thực hiện và sẽ thi hành như sứ vụ của Đấng Cứu Thế. “Chúc tụng Ðức Chúa là Thiên Chúa Israel, Người đã viếng thăm và cứu chuộc dân Người.”

Ông chỉ mới cảm nghiệm những gì Thiên Chúa làm cho ông và gia đình, nhưng đồng thời ông cũng nhận ra quyền năng và kế hoạch nhiệm mầu của Thiên Chúa dành cho dân của Người. Lưu ý rằng, những gì ông nói là khi ông có đầy Thánh Thần. Chính Chúa Thánh Thần giúp cho Dacaria nói về Thiên Chúa. Chúa sẽ cho “Vầng Ðông tự chốn cao vời viếng thăm ta, soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối, và trong bóng tử thần, dẫn ta bước vào đường nẻo bình an.” Và lời đó sẽ được Giáo hội tái hiện trong khung cảnh Giáng Sinh. Chúa từ trời cao đến viếng thăm nhân loại. Thiên Chúa là ánh sáng chiếu soi vào những tâm hồn tối tăm, u khuất, và đang bị kìm hãm trong án tử vì lỗi tội và Ngài sẽ dẫn chúng ta vào nẻo bình an.




Chiều: Lễ Vọng Giáng Sinh

(Mt 1,1-25)

Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta câu chuyện truyền tin cho thánh Giuse tại sao lại có chuyện truyền tin cho thánh Giuse? Thưa vì khi hay tin Mẹ Maria có thai, thì thánh Giuse định tâm bỏ mẹ cách kín đáo, chính vì thế mà Thiên Chúa đã hành động, đã cho Thiên Thần báo tin cho thánh Giuse biết việc Thiên Chúa đã làm, và cho ông biết việc ông phải làm, chính vì thế mà khi thức dậy ông đã làm như lời sứ thần Chúa dạy.

Nghĩa là Thiên Chúa giúp cho Giuse loại bỏ đi ý tưởng riêng của mình, để sống ý tưởng của Chúa.

Nên chúng ta thấy ý tưởng rất là quan trọng, có thể nói ý tưởng đắt giá hơn những thứ khác, vì từ ý tưởng mới xuất phát ra lời nói, từ lời nói mới ra hành động, từ hành động mới thành thói quen, từ thói quen hình thành nhân cách con người của chúng ta.

Có một cô lái đò đưa khách qua sông. Đò cập bến cô lái thu tiền từng người.

Sau hết đến nhà sư. Cô lái đò đòi tiền gấp đôi.

Nhà sư ngạc nhiên hỏi vì sao?

Cô lái mỉm cười:

– Vì thầy nhìn em…

Nhà sư nín lặng trả tiền và bước lên bờ.

Một hôm nhà sư lại qua sông. Lần nầy cô lái đòi tiền gấp ba. Nhà sư hỏi vì sao?

Cô lái cười bảo: Lần này thầy nhìn em dưới nước.

Nhà sư nín lặng trả tiền và bước lên bờ.

Lần khác nhà sư lại qua sông. Vừa bước lên đò nhà sư nhắm nghiền mắt lại đi vào thiền định.

Đò cập bến cô lái đò thu tiền gấp năm lần. Nhà sư hỏi vì sao?

Cô lái đáp: Thầy không nhìn nhưng còn nghĩ đến em.

Nhà sư trả tiền và lên bờ.

Một hôm nhà sư lại qua sông. Lần nầy nhà sư nhìn thẳng vào cô lái đò.

Đò cập bến, nhà sư cười hỏi lần này phải trả bao nhiêu?

Cô lái đáp: Em xin đưa thầy qua sông, không thu tiền.

Thiền sư hỏi: Vì sao vậy?

Cô lái cười đáp: Thầy nhìn mà không còn nghĩ tới em nữa. Do vậy em xin đưa thầy qua sông mà thôi.

Chúng ta biết, phần lớn chúng ta chỉ chú ý dáng vẻ bên ngoài nhưng ít ai chú ý đến cái tâm sâu thẳm bên trong. Dù thân xa lánh thế tục nhưng tâm còn nhớ nghĩ thì cũng chưa phải là giải thoát. Mắt tuy nhắm nhưng tâm còn nghĩ về, thì sóng ngầm cuộn xoáy tâm can còn dữ dội hơn.

Câu chuyện giữa nhà sư và cô lái đò đối đáp mỗi lần qua sông thể hiện cho một quá trình rèn luyện và chuyển hóa tư tưởng. Diễn biến đó cũng là quá trình tâm lý chuyển hóa thành tâm linh. Sau cùng là sự đạt đạo cao nhất của nhà sư: nhìn thẳng vào thực tại mà không hề có tư tưởng dính mắc, suy nghĩ, luyến ái. Còn các lần trước hết dính mắc bằng mắt thì đến dính mắc bằng tâm. Và hình ảnh nhà sư trả tiền cho cô lái đò cũng cho thấy rằng hễ tư tưởng mình còn dính mắc thì sẽ có cái giá phải trả cho chính nó, không ít thì nhiều.

Hôm nay lễ Chúa Giáng sinh, chúng ta được mời gọi mở lòng ra đón nhận ngôi lời nhập thể, đón nhận Đấng Cứu thế, để Chúa đến biến đổi tâm hồn, biến đổi tư tưởng của chúng ta, để chúng ta chỉ biết hướng về những điều tốt đẹp, có như thế lời nói, hành động của chúng ta không phải trả giá cho bất cứ điều gì cả. Amen.




Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Is 62,1-5: Ngươi đẹp lòng Chúa.

Tv 89,2a: Lạy Chúa, con sẽ ca ngợi tình thương của Chúa tới muôn đời.

Cv 13,16-17.22-25: Thánh Phaolô làm chứng về Chúa Kitô, con vua Đavít.

Mt 1,1-25: Dòng dõi Chúa Giêsu Kitô, con vua Đavít.

Đêm Vọng Giáng Sinh này có thể làm lòng ta trỗi lên tâm tình ngợi khen Thiên Chúa. Tạ ơn Chúa bởi tình yêu tuyệt vời mà Người đã trao ban. Tình yêu trải qua mọi nghịch cảnh và thời gian nhưng vẫn chung thủy sắt son cho nên tác giả Thánh Vịnh đã nguyện cầu rất thẳm sâu. “Lạy Chúa, con sẽ ca ngợi tình thương của Chúa tới muôn đời.” Mà tâm tình tri ân của chúng ta cũng không phải là điều gì mới lạ, bởi những đấng sống trước ta đã cảm nghiệm, làm chứng về Con Thiên Chúa. Lời chứng của họ dẫn dắt niềm tin của chúng ta đi đúng hướng và đem lại hạnh phúc cho ai biết dâng lời tạ ơn Chúa.

Kinh nguyện Thánh Thể cho chúng ta biết những lời tạ ơn của chúng ta không thêm gì cho Chúa, nhưng tâm tình tạ ơn đem lại cho chúng ta ơn cứu độ. Thánh Vịnh 89 giúp ta củng cố niềm xác tín này. “Phúc thay dân tộc biết hân hoan, lạy Chúa, họ tiến thân trong ánh sáng nhan Ngài. Họ luôn luôn mừng rỡ vì danh Chúa, và tự hào vì đức công minh Ngài.” Hân hoan với lòng biết ơn sẽ giúp chúng ta bước đi trong ánh sáng của Thiên Chúa. Chúng ta cùng nhau bước tiếp với lời ngợi khen, vì Đấng Emmanuel luôn ở cùng chúng ta. Mừng Chúa Giáng Sinh an lành, thánh thiêng!



 

Thứ Tư - Tuần IV Mùa Vọng

Tôma Lê Duy Khang

LỄ ĐÊM

Lc 2,1-14

Tin mừng hôm nay trình bày hoàn cảnh Chúa Giêsu giáng sinh, Chúa Giêsu giáng sinh trong hoàn cảnh hết sức khó khăn: “Thời ấy, hoàng đế Au-gút-tô ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ. Đây là cuộc kiểm tra đầu tiên, được thực hiện thời ông Qui-ri-ni-ô làm tổng trấn xứ Xy-ri. Ai nấy đều phải về nguyên quán mà khai tên tuổi. Bởi thế, ông Giu-se từ thành Na-da-rét, miền Ga-li-lê lên thành vua Đa-vít tức là Bê-lem, miền Giu-đê, vì ông thuộc gia đình dòng tộc vua Đa-vít. Ông lên đó khai tên cùng với người đã thành hôn với ông là bà Ma-ri-a, lúc ấy đang có thai. Khi hai người đang ở đó, thì bà Ma-ri-a đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ.”

Nếu đọc tin mừng trong tính tổng thể, chúng ta thấy không chỉ trong thời gian thời thơ ấu Chúa Giêsu mới gặp khó khăn, mà sau này khi thi hành sứ vụ công khai, Chúa Giêsu lại cũng gặp nhiều khó khăn hơn nữa.

Chúng ta hãy nhớ trong tin mừng, có lần Chúa Giêsu đã kể lại dụ ngôn những tá điền sát nhân, để tiên báo về khó khăn không chỉ chính Ngài phải trải qua mà cả Thiên Chúa cũng phải trải qua: “Có người kia trồng được một vườn nho và cho tá điền canh tác, rồi trẩy đi xa một thời gian khá lâu. "Đến mùa, ông sai một đầy tớ đến gặp các tá điền để chúng nộp hoa lợi vườn nho cho anh đem về. Nhưng bọn tá điền đánh anh ta rồi đuổi về tay không. Ông lại sai một đầy tớ khác, nhưng họ cũng đánh anh ta, hạ nhục, rồi đuổi về tay không. Ông còn sai thêm một người thứ ba, nhưng họ cũng đánh trọng thương, rồi quăng ra ngoài. Ông chủ vườn nho mới nói: "Ta phải làm gì đây? Ta sẽ phái người con yêu dấu của ta, biết đâu chúng sẽ nể con ta. Nhưng vừa thấy cậu, bọn tá điền liền bàn nhau: "Đứa thừa tự đây rồi! Ta giết quách nó đi, rồi gia tài sẽ về tay ta. Thế là chúng quăng cậu ra bên ngoài vườn nho, rồi giết đi.” (Lc 20, 9-15).

Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, thì Thiên Chúa vẫn trung thành với lời hứa của Ngài, dù thế nào đi chăng nữa, Chúa Giêsu vẫn trung thành với sứ vụ mà Thiên Chúa Cha đã giao phó cho Ngài, nên mặc dầu con người không đón nhận Chúa, nhưng Chúa vẫn đến, mặc dầu con người không chấp nhận không tin Chúa, nhưng Chúa vẫn chịu chết để đem lại ơn cứu độ cho con người, nghĩa là ơn cứu độ của Chúa vẫn có đó, chứ không phải khi con người không đón nhận thì ơn cứu độ của Thiên Chúa không đến với con người.

Chúng ta hãy nhớ lại câu chuyện của ông Giona, ông không chịu đi Ninive kêu gọi dân chúng ăn năn sám hối, vì ông sợ khi dân chúng sám hối Chúa sẽ tha, nhưng Chúa đã dùng hình ảnh một cây thầu dầu, khi cho cây thầu dầu mọc lên che mát cho ông nhưng hom sau Thiên Chúa lại cho con sâu cắn cây thầu dầu để cho nó chết, để nói với ông: “Ngươi nổi giận vì cây thầu dầu, như thế có lý không? " Ông trả lời: "Con có lý để nổi giận đến chết được! " ĐỨC CHÚA phán: "Ngươi, ngươi thương hại cây thầu dầu mà ngươi đã không vất vả vì nó, và không làm cho nó lớn lên; trong một đêm nó đã sinh ra, rồi trong một đêm lại chết đi. Còn Ta, chẳng lẽ Ta lại không thương hại Ni-ni-vê, thành phố lớn, trong đó có hơn một trăm hai mươi ngàn người không phân biệt được bên phải với bên trái, và lại có rất nhiều thú vật hay sao? " (x. Gn 4, 1-11).

Khi máy bay cất cánh, cô gái làm Dấu Thánh giá. Anh thanh niên bên cạnh nhìn cô cười chế nhạo :

“Cô cầu nguyện để được bình an à? Anh đây chả bao giờ cầu nguyện mà vẫn bình an đấy thôi".

Cô gái mỉm cười: "Anh không biết rằng anh được bình an là nhờ lời cầu nguyện của nhiều người. Hơn nữa, Ông Trời nhân hậu lắm. Người ban phúc cho cả những ai chống đối Người".

Im lặng mấy giây, cô nói tiếp: "Chỉ có điều xưa nay không ai chống lại nguồn suối khi họ được hưởng nước mát trong. Không ai vô tâm và bất nhân đến độ, chỉ vào cơn mưa tươi mát mà nói: “tôi có bao giờ xin cho có mưa đâu".

Đó là tình thương của Chúa dành cho con người của chúng ta, dù con người của chúng ta có như thế nào đi chăng nữa Chúa vẫn thương, xin cho chúng ta nhận ra được tình thương của Chúa, để mở lòng ra đón nhận Chúa, để ơn cứu độ của Chúa được hiện thực hóa nơi cuộc đời của chúng ta. Amen.
 

LỄ RẠNG ĐÔNG

Lc 2,15-20

Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy việc các mục đồng đến Bêlem, để xem những điều mà Chúa đã tỏ cho họ biết, và thật sự là đúng như những gì mà Chúa đã tỏ cho biết.

Và sau đó các mục đồng ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ.

Chúng ta biết trước đó khi thiên thần hiện ra với các mục đồng thì thái độ của họ như thế nào? Thưa tin mừng thuật lại: “Trong vùng ấy, có những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật. Bỗng sứ thần Chúa đứng bên họ, và vinh quang của Chúa chiếu toả chung quanh, khiến họ kinh khiếp hãi hùng.” (Lc 2,8-9).

Như vậy, ngay từ ban đầu các mục đồng đã kinh hoàng sợ hãi vì sự xuất hiện của các Thiên Thần, và sau đó khi kiểm chứng các ông mới tin, mới ca tụng Thiên Chúa, mới có được sự bình anh, nói một cách khác đó là để có được bình an, để có được một sự xác tín, để có thể tin vào Chúa cần một sự trải nghiệm, và chúng ta có thể nói thì điều đó cần phải có sự chiến đấu chứ không phải tự nhiên mà có.

Chúng ta hãy nhớ câu chuyện ông nhà giàu và anh ladaro, khi xuống hỏa ngục ông nhà giàu đã xin tổ phụ Apraham: “Lạy tổ phụ, vậy thì con xin tổ phụ sai anh La-da-rô đến nhà cha con, vì con hiện còn năm người anh em nữa. Xin sai anh đến cảnh cáo họ, kẻo họ lại cũng sa vào chốn cực hình này! Ông Áp-ra-ham đáp: "Chúng đã có Mô-sê và các Ngôn Sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó. Ông nhà giàu nói: "Thưa tổ phụ Áp-ra-ham, họ không chịu nghe đâu, nhưng nếu có người từ cõi chết đến với họ, thì họ sẽ ăn năn sám hối. Ông Áp-ra-ham đáp: "Mô-sê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin."

Nghĩa là không đương nhiên người chết sống lại báo tin là người ta tin, mà đức tin cần sự rèn luyện, vì khi người chết sống lại thì họ sẽ làm cho người khác hoảng sợ, thời gian đâu mà tin nữa, thời gian đâu mà rèn luyện.

Và chúng ta hãy nhớ lại có lần chính Chúa Giêsu đã nói: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi.” (Ga 14,27).

Và thật sự là như vậy, có lẽ chúng ta thường thắc mắc là tại sao sau khi Chúa Giêsu sống lại Chúa Giêsu lại không hiện ra với một thân thể toàn bích cho các môn đệ tin, mà Chúa lại hiện ra với một thân thể đầy những thương tích, có dấu đinh ở chân và tay, có vết thương ở cạnh sườn? và chúng ta thường trả lời đó là dấu chính tình yêu của Chúa, Chúa muốn các môn đệ hãy nhớ đến dấu chứng tình yêu này.

Nhưng bên cạnh đó chúng ta cần phải thấy được rằng sau khi hiện ra với tay chân còn dấu đinh, cạnh sườn còn vết thương thì Chúa nói: “Bình an cho anh em”, nghĩa là để có được bình an phải chiến đấu chứ không phải muốn có là có.

Hôm nay lễ Giáng sinh, lễ sinh nhật của Chúa, nghĩa là Chúa đã xuống thế làm người hơn 2 ngàn năm rồi, vậy chúng ta đã thật sự có được sự bình an của Chúa hay chưa, nếu chưa thì điều này đồng nghĩa với việc chúng ta chưa trải nghiệm, chưa chiến đấu để có được bình an của Chúa.

Xin cho mỗi người chúng ta biết trải nghiệm về Chúa, biết chiến đấu, biết đầu từ để có được những trải nghiệm về Chúa, trải nghiệm về đức tin để cuộc đời của chúng ta có được bình an mà Chúa đem đến cho chúng ta. Amen.




LỄ BAN NGÀY

Ga 1,1-18.

Tin mừng Matthêu và Luca có trình thuật thời thơ ấu của Chúa Giêsu còn những tin mừng khác không có.

Trong khi đó tin mừng theo thánh Gioan thì nói về ngôi lời của Thiên Chúa.

Mở đầu tin mừng nói: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa.” Thánh Gioan khẳng Ngôi Lời là Thiên Chúa.

Thế nhưng ở câu 14 Gioan đã nói: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta.”

Ở đây thì thánh Gioan nói Ngôi Lời đã trở nên người phàm, Ngôi Lời không là người phàm mà trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta.

Áp dụng quy tắc bắc cầu chúng ta thấy chính Con Thiên Chúa đã trở nên người phàm.

Ngài là người phàm thật sự, cùng ăn cùng uống, có tên gọi, có quê hương, có cha mẹ….

Và Ngài đến ở giữa con người, Ngài đi khắp vùng Palestin là Thiên Chúa đi, Ngài chữa bệnh là Thiên Chúa chữa bệnh, Ngài thi ân giáng phúc là Thiên Chúa thi ân giáng phúc…

Nhưng chúng ta biết Ngôi Lời đã trở nên người phàm, giống con người về mọi đàng ngoại trừ tội lỗi, nhưng vì mang thân phận con người nên không phải nào vượt qua được giới hạn của phận người, chính vì thế mà ngài phải kinh qua cái chết, để từ cái chết đó mà ngài phục sinh, không còn hiện hữu với con người nữa.

Chính vì thế mà Chúa đã thiết lập giáo hội, để giáo hội nối dài công cuộc cứu độ của Chúa mọi ngày cho đến tận thế, chúng ta hãy nhớ lại trong thư gởi tín hữu Êphêsô thánh Phaolo nói: Sách Thánh có lời chép rằng: Chính vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Mầu nhiệm này thật là cao cả. Tôi muốn nói về Đức Ki-tô và Hội Thánh. (Ep 5,31-32). Chúng ta để ý câu nói của thánh Phaolo Hội thánh là xương thịt của Chúa Kitô, là hiền thê của Chúa, cho thấy mối liên hệ của hội thánh.

Và mỗi người chúng ta là thành phần của Hội Thánh, khi chịu phép rửa chúng ta trở thành chi thể của Hội Thánh, nên được mời gọi nối dài công trình cứu độ của Chúa, để đem niềm vui và bình an của Chúa đến cho người khác.

Và chúng ta nhớ thánh Phêro tông đồ đã nói: “Anh em hãy tiến lại gần Đức Ki-tô, viên đá sống động bị người ta loại bỏ, nhưng đã được Thiên Chúa chọn lựa và coi là quý giá. Hãy để Thiên Chúa dùng anh em như những viên đá sống động mà xây nên ngôi Đền Thờ thiêng liêng, và hãy để Thiên Chúa đặt anh em làm hàng tư tế thánh, dâng những lễ tế thiêng liêng đẹp lòng Người, nhờ Đức Giê-su Ki-tô” (1Pr 2,4-5).

Nghĩa là mỗi người chúng ta là những viên đá khác nhau, mỗi người Chúa ban cho những khả năng riêng, nên hãy dùng khả năng đó mà cộng tác với Chúa, cộng tác với nhau, để xâu dựng ngôi đền thờ sống động.

Nói như vậy cũng có nghĩa là chúng ta được mời gọi đừng khinh chê người khác, vì mỗi người mỗi khác nhau, không ai giống ai cả.

Có một câu chuyện kể về ông Trần Nghiên Tư làm quan đời nhà Tống, bắn cung giỏi có tiếng, đời bây giờ không ai bằng. Ông cũng lấy thế là ông giỏi.

Ông thường bắn trong vườn nhà. Một hôm có ông lão bán dầu đi qua, thấy ông đang bắn, đặt gánh xuống, ngấp nghé xem mãi. Ông lão thấy ông Nghiêu Tư bắn mười phát, trúng được tám, chín, thì hơi gật gù, mỉm miệng cười. Nghiêu Tư gọi vào hỏi:

"Nhà ngươi cũng biết bắn à? Ta bắn chưa được giỏi hay sao?

- Ông lão nói: Chẳng phải giỏi gi cả. Chẳng qua là quen tay thôi.

- Nghiêu Tư giận lắm bảo: À! nhà ngươi dám khinh ta bắn không giỏi à?

- Ông lão nói: Cứ xem tôi rót dầu thì đủ biết".

Nói đoạn, bèn lấy một cái bầu đặt xuống đất, để đồng tiền lên miệng, lấy cái môi từ từ rót dầu qua lỗ đồng tiền, mà không rây một tí dầu nào ra đồng tiền cả. Rồi nói: "Tôi cũng chẳng phải giỏi gì, chỉ quen tay mà thôi". Nghiêu Tư cười, chịu là phải.

Rồi cũng có người nói như thế này: giỏi toán cũng là thông minh, giỏi văn cũng là thông minh, ăn nói lưu loát cũng là thông minh, chứ không phải học giởi toàn diện mới là thông minh.

Có đứa học chẳng ra gì những nó có tình thương đó cũng là một loại thông minh nội tâm, còn ngược lại có những người học giỏi mà không có tình thương, thì đó là chỉ số nội tâm thấp nên chẳng thương ai, cao những chỉ số khác, mà chỉ số nội tâm thấp thì không được.

Xin cho mỗi người chúng ta hiểu được là chúng ta là con cái của Chúa, là thành phần của hội thánh, phải nối tiếp công trình của Chúa, để đem bình an và niềm vui đến cho mọi người tùy theo khả năng của mỗi người chúng ta. Amen.




Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Is 52,7-10: Khắp cùng bờ cõi trái đất sẽ nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta.

Tv 98,3c: Khắp nơi bờ cõi địa cầu đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta.

Dt 1,1-6: Chúa đã phán dạy chúng ta qua người Con.

Ga 1,1-5.9-14: Ngôi Lời đã hoá thành nhục thể, và Người đã cư ngụ giữa chúng ta.

Nay là lễ Giáng sinh, ngày sinh nhật của Chúa Giêsu! Qua Đức Kitô, sự sống được trao ban. Cuộc sống này là hồng ân của Chúa cho loài người. Chúa ở cùng chúng ta. Tên của Ngài là Giêsu! Món quà Giêsu được trao ban một cách quảng đại và yêu thương bởi lòng nhân hậu và thương xót. Những câu chuyện về Lễ Giáng Sinh cho chúng ta nhiều hình ảnh về Lễ Giáng Sinh đầu tiên như được biết qua hang đá Belem. Chúng ta có Giuse, Maria và hài nhi Giêsu nằm trong máng cỏ, những người chăn chiên, các vua, các con vật và những vì sao. Biến cố này cho chúng ta biết: “Ngôi Lời đã hoá thành nhục thể, và Người đã cư ngụ giữa chúng ta”.

Thánh vịnh ca ngợi: “Khắp nơi bờ cõi địa cầu đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta!” Giáng sinh là một trải nghiệm vũ trụ về các vì sao, sự sáng tạo và Chúa Kitô, trung tâm của vũ trụ. Xin cho chúng ta không bao giờ quên Chúa giáng sinh làm người. Chúa Giêsu đã trút bỏ chính mình và hiện diện ở trần gian, bỏ vinh quang trên trời đến ngự nơi chuồng chiên. Với việc giáng sinh, “Chúa dạy chúng ta qua người Con.” Amen.




Thứ Năm - Ngày II Tuần Bát Nhật Giáng Sinh

Lễ Thánh Stêphanô, tử đạo tiên khởi (LK)
Cv 6,8-10;754-60; Mt 10, 17-22

Tôma Lê Duy Khang

Chắc mỗi người chúng ta đều biết danh từ Cascadeur, Cascadeur nói về vai trò của người đóng thế, người đóng thế này là người đem lại hào quang cho người khác, còn mình chỉ đứng sau bức màn sân khấu sau những pha nguy hiểm.

Tìm hiểu như vậy, để một mặt cho chúng ta biết được vai trò của một Cascader, mặt khác mời gọi mỗi người chúng ta hiểu được, để đừng quên rằng đằng sau những hào quang sáng chói thì có những bóng hình lặng lẽ âm thầm đóng góp vào, có thể nói những bóng hình âm thầm đó mới là diễn viên chính, còn diễn viên chính thật ra chỉ là vai phụ.

Thực tế, trong kito giáo của chúng ta, chúng ta cũng thấy có một sự hoán đổi như thế, đó chính là Mầu Nhiệm Giáng Sinh và Mầu Nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh, chúng ta biết mầu nhiệm giáng sinh tự thân, đi liền với mầu nhiệm thập giá, niềm vui giáng sinh đã hàm nghĩa nỗi buồn của thập giá. Mầu nhiệm giáng sinh quan trọng, nhưng mầu nhiệp tử nạn và phục sinh cũng quan trọng hơn không kém, chính thánh Phaolo đã nói, nếu không có sự phục sinh của Chúa Kito thì đức tin của chúng ta sẽ trở nên trống rỗng. Nhưng mỗi người chúng ta thường bị cái hào nhoáng bên ngoài của mầu nhiệm giáng sinh làm cho chúng ta bị choáng ngợp rồi dừng lại ở đó, để sống trong mầu nhiệm này, để rồi chúng ta không chịu chấp nhận mầu nhiệm thập giá để đi tới vinh quang.

Chính vì thế, mà hôm nay giáo hội đặt ngày lễ kính nhớ thánh Stephano tử đạo liền kề sau lễ giáng sinh, để nhắc nhở con cái của mình hướng tới điều đó, đó là một khi đã theo Chúa, một khi đã sống đúng Tin Mừng mà Ngài dạy, thì không ai mà không bước qua con đường thập giá cả, mà một khi đã bước qua con đường thập giá để đi theo Chúa đến cùng thì chắc chắn sẽ được hưởng niềm vui phục sinh vinh quang cùng với Chúa, mà gương mẫu đầu tiên đó chính là thánh Stephano hôm nay.

Ngày hôm nay, chúng ta không phải chịu cảnh bị ném đá để tử đạo như thánh Stephano nhưng chúng ta được mời gọi tử đạo qua chính đời sống tốt lành của mỗi người chúng ta, chẳng hạn như biết tha thứ, biết nói lời xin lỗi, biết thường xuyên xét mình ăn năn tội, biết giúp đỡ người khác…. Đó là cách thế tử đạo ngày hôm nay, bằng việc giết chết cái tôi ích kỷ cố hữu trong chúng ta mà hướng đến người khác như lời Chúa dạy, thì chắc chắn hạnh phúc sẽ đến sau những cái nỗi đau ngọt ngào đó mà thôi.

Trong thôn có hai gia đình nọ, ở phía Đông có nhà họ Vương, thường xuyên cãi nhau, đối với nhau như kẻ thù, cuộc sống hết sức thống khổ; ở phía Tây có nhà họ Lý, sống với nhau hòa hợp êm thấm, mỗi ngày đều vui vẻ tươi cười.

Có một ngày, chủ nhà họ Vương chịu không nổi cảnh gia đình chiến loạn, liền đi tới nhà họ Lý để thỉnh giáo.

Lão Vương hỏi: “Vì sao nhà ông lại luôn giữ được không khí vui vẻ đầm ấm như vậy được?”

Lão Lý trả lời: “Bởi vì nhà chúng tôi thường làm điều không đúng”.

Câu trả lời lấp lửng này khiến lão Vương càng thêm khó hiểu. Đúng lúc đó, con dâu của lão Lý từ bên ngoài vội vàng trở về nhà, vừa đi tới đại sảnh thì vô ý ngã nhào xuống đất.

Bà mẹ chồng đang lau nhà lập tức chạy tới đỡ con dâu dậy rồi nói: “Đều là lỗi tại ta, đã lau sàn quá trơn khiến con bị ngã”.

Chồng của cô gái đứng ở cửa lớn cũng tiến đến, ảo não nói: “Đều là lỗi tại ta, đã không nói cho em biết đại sảnh đang lau chùi, hại em bị ngã”.

Con dâu vừa đứng dậy thì áy náy tự trách, nói: “Không, không! Là lỗi của con, là do con đi đứng không cẩn thận nên mới như vậy!”

Lão Vương nhìn thấy cảnh tượng này, lập tức hiểu ra ngay, ông đã biết vì sao nhà lão Lý lại sống được với nhau hòa hợp như vậy. Nếu ngay từ đầu bà mẹ chồng trách cứ con dâu: “Đi đường mà không có mắt à, đúng là đáng đời”; hoặc những người khác không để ý đến cảm thụ của cô gái mà cười ha ha, thì liệu Lý gia còn có thể ấm áp nhu hòa được hay không?

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta ý thức được những điều đó, để từ những hy sinh nho nhỏ như thế, mà nó sẽ đem lại cho mỗi người chúng ta một cuộc đời đẹp không chỉ ở đời này, mà còn ở đời sau nữa. Amen.




Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Cv 6,8-10;7,54-60: Kìa tôi xem thấy trời mở ra.

Tv 31,6: Lạy Chúa, tôi xin phó mạng sống tôi trong tay Chúa.

Mt 10,17-22: Không phải chúng con nói, nhưng là Thánh Thần của Chúa Cha.

Giáo hội vừa cử hành Đại lễ Giáng Sinh cách long trọng để tưởng nhớ Đấng Cứu Thế. Chúa Giêsu đến trần gian để cứu nhân loại khỏi cái chết, nhưng Ngài phải trả bằng chính cái chết của Ngài. Chúa Giêsu biết là bản thân Ngài phải chịu nhiều đau khổ vì quan quyền, vua chúa, luật sĩ, biệt phái, tư tế, và cả những người không tin Ngài. Quả thật, Chúa Giêsu đã đổ máu của Ngài cho nhân loại. Và trong những người theo Chúa, Stêphanô cũng là người đã đổ máu cho Chúa Giêsu. Chính Chúa Giêsu đã nói rằng, “Họ sẽ nộp chúng con cho công nghị, họ sẽ đánh đòn chúng con nơi hội đường.” Thầy Giêsu đã chịu những khổ nhục đến mức chết đi thì những môn đệ của Ngài cũng khó mà tránh khỏi khổ đau.

Tuy nhiên, Chúa an ủi rằng, chúng ta không phải lo khi bị người đời bắt bớ hay hạch hỏi. Vì Chúa Thánh Thần sẽ giúp ta biết ăn nói thế nào. Thánh Stêphanô là chứng nhân của điều này. Ngài đã cho thấy Thánh Thần hoạt động qua con người của ngài như thế nào. Thế giới xưa cũng như nay thường từ chối sứ điệp yêu thương người thân cận như chính mình, dửng dưng với những người thấp cổ bé miệng đi tìm công lý, không tôn trọng phẩm giá của đồng loại. Noi gương thánh Stêphanô, hãy mạnh dạn bước theo Chúa Kitô. “Ai bền chí đến cùng, sẽ được cứu rỗi.”


Thứ Sáu Ngày III Tuần Bát Nhật Giáng Sinh
Lễ Thánh Gioan, tông đồ (LK)

(1Ga 1,1-4; Ga 20,2-8)

Tôma Lê Duy Khang

Chúng ta nghe đọc về tin mừng theo thánh Gioan đã nhiều, thế thì chúng ta có bao giờ suy nghĩ ông viết tin mừng với mục đích gì hay không?

Để biết được mục đích của tin mừng gioan được viết ra là gì, chúng ta xem lại phần kết luận thứ nhất nằm ở cuối chương 20: “Đức Giêsu đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này. Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người.” (Ga 20, 30-31).

Nói một cách khác tin mừng Gioan được viết ra là để chứng minh cho chúng ta tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kito, Con Thiên Chúa, và để chúng ta tin mà được ơn cứu độ.

Đó là mục đích của tin mừng theo thánh Gioan, và hôm nay trang tin mừng mà chúng ta vừa nghe cũng là đoạn để chứng minh cho mục đích của Gioan, để chúng ta tin vào Chúa.

Tin mừng thuật lại khi các bà phụ nữ đi thăm mồ Chúa, không thấy xác Chúa ở đâu, các bà chạy về báo tin cho các môn đệ và gặp được Phêrô và người môn đệ Chúa Giêsu thương mến.

Khi nhận được tin này, Phêrô và Gioan vội vã chạy đến mồ, cả hai đều chạy, nhưng Gioan chạy đến trước. Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào. Ông Simôn Phêrô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Chúa Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin. (x. Ga 20, 2-8).

Chúng ta để ý, tin mừng không nói là Phêrô có tin hay không, nhưng tin mừng khẳng định rằng: “Người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin”.

Điều này cho chúng ta thấy, không phải là Phêrô không tin, nhưng đức tin của Phêrô có thể là chưa chín muồi mà thôi, bằng chứng là sau Chúa hiện ra với các ông ở biển hồ Tiberia với phép lạ mẻ cá lạ lùng, Phêrô lúc đó đã mặc áo vào rồi nhảy xuống biển để bơi vào bờ trước để gặp Chúa Giêsu. Để rồi sau đó, ông đã trả lời thật với lòng mình khi Chúa hỏi: “Này anh Si-môn, con ông Gioan, anh có mến Thầy không?”.

Còn Gioan đã tin ngay tức khắc vì ông có lòng yêu mến Chúa luôn luôn hướng về Chúa, nhưng bên cạnh đó có một lý do nữa, là vì ông là dụng cụ Chúa dùng để viết sách tin mừng, nên ông phải tin trước đã, để lời chứng của ông được xác thực hơn, để người ta tin vào Chúa.

Thiền sư thích giác khang có nói người ta tôn trọng tôi vì cái gì…

Hiểu được như thế, chúng ta thấy, để có thể làm chứng cho Chúa như thánh Gioan, chúng ta phải có lòng yêu mến Chúa, phải tin vào Chúa trước đã, thì lời nói cũng như hành động của mỗi người chúng ta, mới đầy tính thuyết phục người khác, bởi không ai cho cái mà mình không có.  Xin thánh Gioan cầu bàu cùng Chúa cho chúng con. Amen.




Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

1 Ga 1,1-4: Chúng tôi loan truyền cho anh em điều chúng tôi đã nghe và đã thấy.

Tv 97,12: Người hiền đức, hãy vui mừng trong Chúa.

Ga 20,1a.2-8: Môn đệ kia chạy nhanh hơn Phêrô và đến mộ trước ông.

Ngay sau lễ Giáng Sinh, Giáo hội tưởng nhớ thánh Stêphanô. Ngày kế tiếp thì chúng ta thành kính ghi ơn thánh Gioan tông đồ. Cả hai vị thánh mà Giáo hội tri ân đều làm chứng cho Chúa theo cách rất riêng. Thánh Gioan đã dùng chính đời sống mến yêu, tin tưởng vào Chúa Giêsu như là người môn đệ để ghi lại những kinh nghiệm đức tin. Trong thư của mình, Gioan khẳng định với tư cách là chứng nhân của Chúa khi rao giảng về Chúa. “Chúng tôi loan truyền cho anh em điều chúng tôi đã nghe và đã thấy.”

Nói cho người khác kinh nghiệm thực sự về Chúa là một điều rất quan trọng trong việc loan báo Tin mừng. Kinh nghiệm đó có thể là những giây phút sống bên Chúa, thấy Chúa, trò chuyện, học hỏi với Chúa, và cả những cảm nghiệm thiêng liêng. Gioan có tất cả những điều đó và ngài đã có những ghi chép để lại cho đời. Chúng ta bắt gặp một kinh nghiệm rất hay của thánh nhân về việc ngài và tông đồ Phêrô cùng chạy ra ngôi mộ của Chúa khi nghe tin xác của Chúa không còn. Ngài đã chạy nhanh hơn Phêrô, cúi nhìn vào trong mộ, và đợi cho Phêrô vào trước. Chính tình yêu với Thầy Giêsu đã thúc ngài chạy nhanh, và lý trí đã giúp ngài dừng lại suy ngẫm để hành động cho đúng. Xin cho ta được như vậy.



Thứ Bảy Ngày IV Tuần Bát Nhật Giáng Sinh
Các Thánh Anh Hài, tử đạo (LK)

(1Ga 1,5-2,2; Mt 2,13-18)


Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy việc Hêrode ra lệnh giết các em nhỏ từ hai tuổi trở xuống, để bảo vệ ngai vàng của mình.

Chúng ta biết nguyên do là trước đó có mấy nhà chiêm tinh đến để hỏi vua Hêrode: “Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người.", và sau khi các nhà chiêm tinh biết được Vua dân do thái mới sinh ra ở vùng đất Belem thuộc chi tộc Giuda, các ông lên đường, thì vua Hêrode nói với họ: “Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người."

Sau khi tìm được hài nhi Giêsu các nhà chiêm tinh được báo lại là đừng trở về đường cũ, nghĩa là đừng trở về gặp Hêrode nữa, nên họ đã đi lối khác mà về xứ mình.

Bấy giờ vua Hê-rô-đê thấy mình bị các nhà chiêm tinh đánh lừa, thì đùng đùng nổi giận, nên sai người đi giết tất cả các con trẻ ở Bê-lem và toàn vùng lân cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo ngày tháng ông đã hỏi cặn kẽ các nhà chiêm tinh, để bảo vệ ngai vàng của mình

Câu chuyện tin mừng hôm nay, chúng ta có thấy giống như câu chuyện của Môse trong cựu ước hay không? Thưa rất giống.

Sách Xuất hành thuật lại: “Thời ấy có một vua mới lên trị vì nước Ai-cập, vua này không biết ông Giu-se. Vua nói với dân mình: "Này đám dân con cái Ít-ra-en đông đúc và hùng mạnh hơn chúng ta.  Chúng ta hãy dùng những biện pháp khôn ngoan đối với dân đó, đừng để chúng nên đông đúc, kẻo khi có chiến tranh, chúng hùa với địch mà đánh lại chúng ta, rồi ra khỏi xứ."  Người ta bèn đặt lên đầu lên cổ họ những viên đốc công, để hành hạ họ bằng những việc khổ sai; họ phải xây cho Pha-ra-ô các thành làm kho lương thực là Pi-thôm và Ram-xết.  Nhưng chúng càng hành hạ họ, thì họ càng nên đông đúc và lan tràn, khiến chúng đâm ra sợ con cái Ít-ra-en. Người Ai-cập cưỡng bách con cái Ít-ra-en lao động cực nhọc.  Chúng làm cho đời sống họ ra cay đắng vì phải lao động cực nhọc: phải trộn hồ làm gạch, phải làm đủ thứ công việc đồng áng; tóm lại, tất cả những việc lao động cực nhọc, chúng đều cưỡng bách họ làm.” (Xh 1, 8-14).

Nên chúng ta thấy, khi đụng đến quyền lợi, thì sẽ biết được con người đó như thế nào.

Mở rộng ra chúng ta được mời gọi suy tư thêm một điều này nữa, đó là nguyên nhân nào làm cho con người khi đụng đến quyền lợi trở nên xấu?

Tử Cống hỏi Khổng Tử: Một người bị cả làng nói là xấu, có xấu không?

Khổng Tử nói: Chưa chắc!

Tử Cống hỏi tiếp: Một người được cả làng nói là tốt, có tốt không?

Khổng Tử cũng đáp: Chưa chắc!

Tử Cống lại hỏi: Vậy làm sao biết được người tốt, kẻ xấu?

Khổng Tử trả lời: Phải xem cái làng ấy là làng tốt hay xấu đã. Một làng xấu, thì người tốt nhất của làng ấy là kẻ xấu nhất.

Như vậy, chúng ta thấy nguyên nhân làm cho con người thật sự trở nên xấu đó là do ảnh hưởng của môi trường sống, hay nói đúng hơn đó chính là cách giáo dục.

Đời thượng cổ có ông Hứa Do là một người sống ẩn dật ở trong chằm Bái Trạch.

Vua Nghiêu nghe tiếng là người giỏi, mời ra xin nhường cả thiên hạ. Hứa Do từ chối, lui về ẩn tại núi Trung Nhạc phía Nam sông Dĩnh Thuỷ.

Sau, vua Nghiêu lại tìm đến, cố mời Hứa Do ra làm tổng trưởng cả chín châu. Hứa Do thấy vậy, không muốn nghe chuyện nữa, ra bờ sông Dĩnh Thuỷ rửa tai. Ngay lúc bấy giờ, Sào Phủ đang dắt trâu xuống bờ sông, gặp Hứa Do hỏi: Vì việc gì mà bác phải rửa tai như vậy?

Hứa Do thuật chuyện, Sào Phủ liền gò cổ trâu lại mà nói rằng: Ta toan cho trâu uống nước đây, lại e bẩn cả miệng trâu. Nói đến đoạn dắt trâu lên quãng sông trên cho trâu uống nước.

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta hiểu được điều đó, để chú ý hơn đến cách giáo dục, giáo dục không phải chỉ về mặt tri thức nhưng là nhân bản đạo đạo, giáo dục về đời sống thieng liêng, nếu chúng ta để ý như vậy, thì ngay trên trần gian này chúng ta đã có một thiên đàng tại thế. Amen.




Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Ga 1,5-2,2: Máu Chúa Giêsu Kitô rửa chúng tôi sạch mọi tội lỗi.

Tv 124,7a: Hồn chúng tôi như chim non, thoát khỏi lưới dò của người gài bẫy bắt chim.

Mt 2,13-18: Hêrôđê giết hết các con trẻ ở Bêlem.

Hôm nay Giáo hội tưởng nhớ các thánh Anh Hài Tử đạo. Những hài nhi bé nhỏ đã góp phần vào công trình cứu độ của Thiên Chúa. Đó là những trẻ trai dưới hai tuổi phải chịu chết dưới lệnh của vua Hêrôđê. Vì sao các trẻ này phải chết? Họ chết vì họ bị xem như kẻ thù của những thể chế quyền lực chính trị. Hêrôđê sợ mất tầm ảnh hưởng, mất quyền thống trị dân, và kèm theo đó là những lợi lộc đi đôi với quyền hành nên đã có một quyết định hết sức nhẫn tâm. Ông thà giết lầm còn hơn bỏ sót, cho dù đó là những trẻ sơ sinh vô tội.

Hêrôđê chỉ lo cho bản thân, gia đình, triều đình của ông mà thôi. Ông sợ người khác mạnh hơn mình nên lúc ông còn đang có quyền, ông đàn áp dân. Hình ảnh của vị vua này rất tương phản với vua Giêsu vừa mới hạ sinh. Ngài là hoàng tử bình an, và sứ mạng của Ngài là đem ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại. Giêsu là vua của tình yêu và chấp nhận khổ đau vì dân. Ngài ủi an những ai chịu cảnh lầm than khổ sầu, và ban cho họ niềm hy vọng vào tương lai tươi sáng. Chúng ta hãy hy vọng ánh sáng bình an của Hài Nhi Giêsu xua tan đi những nghi ngại, hận thù, chia rẽ, lợi ích, và giúp ta sống hiệp thông.