
CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY - C
Gs 5,9a.10-12; 2Cr 5,17-21; Lc 15,1-3.11-32
Tôma Lê Duy Khang
Tuần rồi Chúa nhật thứ 1 mùa chay, tin mừng kể câu chuyện Chúa Giêsu chịu ma quỷ cám dỗ.
Tại sao Chúa Giêsu lại chịu ma quỷ cám dỗ vậy? Thánh Augustino trong bài diễn giải thánh vịnh được trích đọc trong bài đọc 2 giờ kinh sách chúa nhật I mùa chay đã nói: Chúng ta hãy để ý, nhiều khi chúng ta chỉ để ý đến việc Chúa Giêsu chịu qua quỷ cám dỗ mà không để ý đến việc Người chiến thắng ma quỷ.
Người có thể cấm không cho ma quỷ đến gần mình; nhưng nếu người không chịu ma quỷ cám dỗ thì người không dạy cho chúng ta biết thế nào là chiến thắng khi chúng ta chịu cám dỗ.
Chúng ta thấy một ý tưởng rất sâu sắc, để chúng ta tin rằng Chúa đã chiến thắng các cơn cám dỗ, còn phần chúng ta, nếu chúng ta bị cám dỗ, thì chúng ta cũng có thể chiến thắng các cơn cám dỗ như Chúa Giêsu, biết mình cũng sẽ chiến thắng.
Trong ý tưởng đó, hôm nay chúng ta thấy Chúa Giêsu kể dụ ngôn người con hoang đàng, hay người cha nhân hậu, hình ảnh người cha đó là hình ảnh của Thiên Chúa, vậy tại sao Thiên Chúa lại dễ dãi với con người như vậy?
Thưa cũng muốn để cho con người thấy được tình thương của Chúa, thấy được hình ảnh của người con thứ biết sám hối ăn ăn, để chính mình khi sa ngã phạm tội biết sám hối trước mặt Chúa.
Chúng ta biết khi tạo dựng con người Thiên Chúa lấy bùn đất tạo ra con người, Thiên Chúa thổi sinh khí vào lỗ mũi, để cho con người có sự sống, và Thiên Chúa cho con người có lý trí, có ý chí và có tự do, nhưng con người đã lạm dụng tự do của mình làm mất lòng Chúa.
Có người người ta đặt câu hỏi đó là Chúa toàn năng, Chúa biết con người sẽ phạm tội, tại sau khi tạo dựng không đặt cây biết lành biết dữ ở nơi khác mà đặt ở giữa vườn địa đàng? Chúng ta biết hình ảnh cây biết lành biết dữ đặt ở giữa vườn địa đàng là hình ảnh Thiên Chúa đặt tự do ở trong mỗi con người, nếu như Chúa đặt cây ở nơi khác, thì cũng giống như con người không có tự do, nên Chúa muốn cho con người có tự do.
Chính vì có tự do mà con người thay vì dùng tự do đó đáp lại lời mời gọi của Chúa, mà lại sa ngã phạm tội mất lòng Chúa, nên Chúa muốn cho con người thấy hình ảnh lòng thương xót của Chúa, muốn cho con người thấy được hình ảnh của con người biết sám hối ăn năn, khi chính con người phải sa ngã phạm tội.
Chúng ta thấy, người con thứ khi lâm vào cảnh khó khăn, anh đã làm gì? Thưa anh nhớ lại hình ảnh nhân hậu của người cha, người cha đã đối xử tốt với các đầy tớ: biết bao nhiêu người ở nhà cha ta được cơm dư gạo thừa, còn ta đây thì chịu cảnh chết đói.
Nếu người cha không đối với tốt với các đầy tớ, thì chắc chắn anh ta sẽ không trở về với người cha, nếu người cha không tốt, thì về làm gì, về cũng chết thôi, vì người cha độc ác.
Áp dụng điều này về đời sống của mỗi người chúng ta, chúng ta được mời gọi sống tốt lành thánh thiện, để qua chúng ta người ta thấy được hình ảnh của lòng nhân hậu của Chúa.
Cũng như nơi mỗi người chúng ta phải tập cái nhìn để nhìn về điểm tốt của người khác, có như vậy đó như là một điểm tựa để giúp chúng ta có động lực sống trong cuộc đời của mình, không bi quan, không thất vọng.
Xin cho mỗi người chúng ta hiểu được như vậy để cám ơn Chúa, vì Chúa đã cho chúng ta thấy được tình thương, thấy được hình ảnh của người biết sám hối được Chúa thứ tha, để chúng ta cũng bắt chước noi gương khi chính mình sa ngã phạm tội biết chạy đến với Chúa. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Gs 5,9a.10-12: Dân Chúa tiến vào đất hứa và mừng Lễ Vượt Qua.
Tv 34,9a: Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi, cho biết Chúa thiện hảo nhường bao.
2 Cr 5,17-21: Thiên Chúa đã nhờ Đức Kitô giao hòa chúng ta với mình.
Lc 15,1-3.11-32: Em con đã chết nay sống lại.
Hôm nay, chúng ta sống niềm vui của sự hòa giải. Ta nghe lại Đức Giêsu lý giải cho việc tha tội chưa từng có của Ngài để chuộc lại loài người cho Thiên Chúa. Luca cho biết rằng những người Pharisêu và kinh sư phàn nàn Đức Giêsu. Họ nói: ‘Ông này tiếp đón những kẻ tội lỗi và cùng ngồi ăn uống với chúng.’” Hình ảnh người cha vui sướng khi thấy đứa con ngỗ ngược của mình trở về là một ẩn dụ cho niềm vui nơi Chúa. Thật là một sứ điệp hoán cải hoàn hảo.
Phaolô ủng hộ thông điệp về sự hoán cải này trong thư gửi Côrintô: “Vì mọi sự bởi Thiên Chúa, Đấng đã nhờ Đức Kitô giao hòa chúng ta với mình, và trao phó cho chúng tôi chức vụ giao hòa. Thật vậy, Thiên Chúa là Đấng giao hòa thế gian với chính mình Người trong Đức Kitô, nên không kể chi đến tội lỗi của loài người, và đặt lên môi miệng chúng tôi lời giao hòa.”
Thiên Chúa không tính tội con người, nhưng Ngài cần con người giao hòa. Học kinh nghiệm của người con đã làm hòa với cha mình, ta tin cậy nơi tình yêu của Thiên Chúa. Thánh vịnh kêu gọi ta nếm trải và nhìn thấy sự tốt lành nơi Chúa. Hòa giải với tất cả tình thương, sự khiêm nhường và vâng phục để có được niềm vui thật sự.
Thứ Hai - Tuần IV Mùa Chay
Ga 4,43-54
Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta việc một ông quan chức nhà vua ở Capharnaum, có người con trai đang đau liệt, đến xin Chúa Giêsu chữa lành cho con của ông ta.
Khi ông ta xin như thế thì Chúa Giêsu đã nói với ông: “Nếu các ông không thấy những phép lạ và những việc phi thường thì các ông sẽ không tin”, chi tiết này cho chúng ta thấy được điều gì?
Chi tiết này giống như chi tiết mà các môn đệ của Gioan Tẩy Giả, được ông sai đến hỏi Chúa Giêsu: Thầy có thật là Đấng phải đến không? hay chúng tôi phải đợi một người khác? Và lúc đó Chúa Giêsu đã trả lời: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng, và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi." (Mt 11, 3-6), nghĩa là Chúa Giêsu muốn các môn đệ của Gioan hãy nhìn thấy những việc của Ngài làm mà tin vào Ngài, đừng thắc mắc.
Như vậy, ý của Chúa không phải muốn chê trách gì cả bởi vì tin khi thấy phép lạ Chúa làm là điều tốt thôi, nhưng Chúa muốn ông quan chức không chỉ dừng lại ở việc thấy tận mắt những phép lạ Chúa làm, mà còn phải tin ở Lời của Chúa nữa.
Bằng chứng là sau đó ông tiếp tục xin Chúa Giêsu: “Thưa Ngài, xin Ngài đến trước khi con tôi chết”, Chúa Giêsu đã nói với ông: “Ông hãy về đi, con ông mạnh rồi”, tin mừng ghi lại ông tin vào Chúa Giêsu mà ra về, cùng lúc đó thì con ông được mạnh, nên ông và gia đình đã tin vào Chúa.
Như vậy lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta không chỉ tin Chúa qua việc thấy nhãn tiền những việc Chúa làm, mà còn phải tin vào lời của Chúa là những điều mà Chúa đã tiên báo nữa, mặc dầu nó chưa xảy ra nhãn tiền, nhưng chúng ta phải tin vào Lời Chúa.
Thường con người của chúng ta chỉ tin khi chúng ta chắc chắn, tin khi chúng ta cầm nắm được trong tay, khi chúng ta cảm nhận được, còn ngược lại chúng ta khó mà tin.
Chúng ta thấy các tông đồ khi Chúa Giêsu loan báo cuộc khổ nạn các ông cũng không tin, ngược lại còn tìm cách ngăn cản, nhưng khi Chúa Giêsu chịu chết và sống lại hiện ra với các ông, các ông mới chịu tin.
Hoặc khi Chúa Giêsu thanh tẩy đền thờ, Người Do thái hỏi Đức Giêsu: "Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế? " Chúa Giêsu đáp: "Các ông cứ phá huỷ Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại." Người Do thái nói: "Đền Thờ này phải mất bốn mươi sáu năm mới xây xong, thế mà nội trong ba ngày ông xây lại được sao? " Nhưng Đền Thờ Chúa Giêsu muốn nói ở đây là chính thân thể Người. Vậy, khi Người từ cõi chết trỗi dậy, các môn đệ nhớ lại Người đã nói điều đó, Họ tin vào Kinh Thánh và lời Chúa Giêsu đã nói. (Ga 2, 13-22).
Hoặc trình thuật các người phụ nữ ra thăm mồ Chúa cũng vậy, khi các bà không thấy xác Chúa, và các bà được hai thiên thần nhắc nhở: "Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết? Người không còn đây nữa, nhưng đã trỗi dậy rồi. Hãy nhớ lại điều Người đã nói với các bà hồi còn ở Ga-li-lê, là Con Người phải bị nộp vào tay phường tội lỗi, và bị đóng đinh vào thập giá, rồi ngày thứ ba sống lại." Bấy giờ các bà nhớ lại những điều Chúa Giêsu đã nói. (x. Lc 24, 5-8).
Con người của chúng ta là như vậy, chỉ tin sau khi mọi việc đã được ứng nghiệm đã được hoàn tất. Xin Chúa cho mỗi người chúng ta không chỉ tin vào những gì đã được ứng nghiệm mà còn phải tin vào những gì mà Chúa đã loan báo cho chúng ta có như thế chúng ta mới có thể đương đầu với những khó khăn thử thách trong cuộc đời, có như thế lời Chúa mới ứng nghiệm trên cuộc đời của mỗi người chúng ta, bởi nếu không tin thì làm sao Lời Chúa có thể ứng nghiệm được. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Is 65,17-21: Thiên hạ sẽ không còn nghe tiếng khóc lóc và than van nữa.
Tv 30,2a: Lạy Chúa, con ca tụng Chúa vì đã giải thoát con.
Ga 4,43-54: Ông hãy về đi, con ông mạnh rồi.
Đức Giêsu thực hiện một phép lạ mới: hồi phục con trai một quan chức hoàng gia từ xa. Đức Giêsu làm phép lạ này không gì là vật chất mà là vấn đề của kiếp người. Điều đáng chú ý trong trường hợp này là Đức Giêsu không đến Caphácnaum để trực tiếp chữa bệnh; Ngài thực hiện phép lạ mà không cần di chuyển khỏi Cana: “Viên chức nhà vua nói với Đức Giêsu: “Thưa Ngài, xin Ngài hãy xuống trước khi con tôi chết.” Đức Giêsu bảo ông: “Ông hãy về đi, con ông mạnh rồi.” Ông tin lời Đức Giêsu nói và trở về”(Ga 4,49-50).
Ta có thể học từ Đức Giêsu rằng ta có thể làm nhiều điều tốt từ xa mà không cần phải hiện diện cụ thể ở một địa điểm như yêu cầu. Ta có thể giúp những người khác bằng những đóng góp công khai hay âm thầm. Hoặc, thậm chí có thể làm cho nhiều người ở xa hạnh phúc chỉ qua một cuộc điện thoại, một lá thư hoặc một e-mail. Đức Giêsu không ở Caphácnaum, nhưng Ngài đã làm phép lạ. Vì vậy, khoảng cách không có vấn đề gì nếu ta muốn rộng lòng giúp đỡ, vì lòng quảng đại của ta đến trực tiếp từ trái tim và vượt qua mọi biên giới. Như Thánh Augustinô đã nói: “Người có tấm lòng bác ái, luôn tìm thấy điều gì đó để cho đi,” ngay cả khi ta không thể nhìn thấy trực tiếp người khác.
Thứ Ba - Tuần IV Mùa Chay
Ga 5,1-3a.5-16
Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay, chúng ta chú ý đến một chi tiết đó là khi Chúa Giêsu hỏi anh bị đau liệt suốt 38 năm: “Anh có muốn chữa lành không?” thay vì anh ta trả lời Chúa Giêsu là muốn, thì anh ta lại trả lời Chúa Giêsu: “Thưa Ngài, tôi không được ai đem xuống hồ mỗi khi nước động. Khi tôi lết tới nơi, thì có người xuống trước tôi rồi”
Tại sao anh ta lại trả lời Chúa Giêsu như thế, mà không trả lời là muốn?
Chúng ta biết không phải là anh ta không muốn mình được chữa lành, chúng ta để ý câu trả lời của anh với Chúa Giêsu: “Thưa Ngài, tôi không được ai đem xuống hồ mỗi khi nước động”, nghĩa là anh chỉ biết trông chờ vào người khác, mà khi người khác không giúp đỡ cho anh, nên anh cũng đâm ra bi quan, nản chí, để rồi không tìm cách để mình được chữa lành, và kết quả là anh đã không được khỏi bệnh suốt 38 năm, hơn nửa đời người.
Như vậy, do thái độ bi quan của anh về con người thời đại của mình, anh đổ lỗi cho người khác, anh ta phàn nàn người khác, nên anh mới trả lời Chúa Giêsu như thế.
Nếu đào sâu hơn nữa, thì câu trả lời của anh đối với Chúa Giêsu như thế, cũng cho chúng ta thấy anh ta không chỉ bi quan về con người, mà anh ta bi quan về Thiên Chúa, vì chính Chúa Giêsu là Thiên Chúa làm người đến hỏi anh: “Anh có muốn lành mạnh không?”
Mặc dù anh bi quan, đổ lỗi cho người khác, thậm chí là bi quan về Thiên Chúa, nhưng Chúa Giêsu có bi quan và thất vọng về anh hay không? thưa không, Chúa Giêsu không bi quan về thái độ bi quan của anh, nên Chúa Giêsu đã giúp anh thoát khỏi tình trạng bi quan đó, qua việc Chúa Giêsu kêu gọi anh: “Hãy vác chõng mà về”, lập tức anh được lành bệnh và vác chõng mà về, để rồi sau đó anh nói cho người khác biết chính Chúa Giêsu đã chữa lành cho anh, nghĩa là anh lấy lại thái độ lạc quan tin tưởng vào con người mà cụ thể là Chúa Giêsu.
Mỗi người chúng ta cũng có thể rơi vào tình trạng như anh chàng bị đau liệt suốt 38 năm, nếu chúng ta chỉ biết ngồi đó mà phàn nàn về người khác khi người khác không giúp đỡ chúng ta, hay chỉ biết ngồi đó phàn nàn về Thiên Chúa khi Thiên Chúa không nhậm lời chúng ta cầu xin để đến cứu chữa, để đến ban ơn cho chúng ta, để đến làm theo ý muốn của chúng ta. Nếu cuộc đời của chúng ta chỉ biết phàn nàn, chỉ biết bi quan, mà không biết đứng lên, không biết cố gắng cộng tác với ơn Chúa, không biết cố gắng nhờ người khác giúp chúng ta, thì chúng ta không bao giờ hoàn thiện con người của mình được.
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta có được cái nhìn lạc quan tin tưởng vào Thiên Chúa, lạc quan tin tưởng vào con người, lạc quan tin tưởng vào cuộc đời này, có như thế đời sống của mỗi người chúng ta mới có thể ngày càng phong phú và hoàn thiện hơn. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Ed 47,1-9.12: Tôi đã thấy nước từ bên phải đền thờ chảy ra, và nước ấy chảy đến những ai, thì tất cả đều được cứu rỗi.
Tv 46,8: Chúa thiên binh hằng ở cùng ta, và ta được Chúa Giacóp hằng bảo vệ.
Ga 5,1-16: Tức khắc người ấy được lành bệnh.
Hôm nay, ta nghe về việc chữa lành bằng nước và bằng lời. Thiên Chúa có thể sử dụng vật chất và lời của Ngài để cứu lấy thụ tạo của mình. Edekiel cho thấy rằng nước từ ngôi đền tạo ra một con sông để ban sự sống, cá và cây ăn trái để làm thực phẩm và thuốc men, và là nước ngọt tinh khiết cho mọi thứ hưởng dùng. Đây là nước chữa lành thay vì nước hủy hoại.
Trong Tin Mừng, ta lại thấy những dòng nước chữa lành và có một người cần được chữa lành nhưng không thể hòa vào dòng nước. Nhưng Đức Giêsu nhìn thấy và nhận ra cảnh ngộ của anh ta. Ngài biết người đó đã cố gắng đến cạnh hồ nước trong một thời gian dài. Ngài nói, “Anh muốn được lành bệnh không?” Người đó nói với Chúa rằng anh ta không thể đến dòng nước vì không có ai giúp đỡ. Nhưng Đức Giêsu nói, “Anh hãy đứng dậy vác chõng mà về.” Và đó là tất cả những gì cần thiết. Không phải nước chữa bệnh mà là những lời từ Đức Giêsu. Chúng ta hãy hướng ánh nhìn vào Đức Giêsu. Ta cần ơn huệ của Ngài để đưa ta vào dòng nước của sự cầu nguyện, sám hối và khai mở tâm hồn để ta có thể trở nên tốt hơn như Ngài muốn.
Thứ Tư - Tuần IV Mùa Chay
Ga 5,17-30
Tôma Lê Duy Khang
Trang Tin Mừng hôm nay lấy bối cảnh từ trang Tin Mừng hôm qua, khi Chúa Giêsu chữa lành cho một người bị bệnh bại liệt suốt 38 năm, thì những người do thái tìm cách chống đối Chúa Giêsu, vì Chúa Giêsu hay chữa bệnh ngày Sabat.
Chúa Giêsu nói: “Cha Tôi vẫn làm việc, thì Tôi cũng làm việc”, nghe câu nói này càng làm tăng lòng căm phẫn của những người do thái hơn đối với Chúa Giêsu, bởi vì chúng ta biết, đối với do thái giáo thì họ chỉ tôn thờ có một mình Thiên Chúa, nghĩa là một tôn giáo độc thần, còn ở đây Chúa Giêsu tự xưng mình ngang hàng với Thiên Chúa.
Hình ảnh đó cho chúng ta thấy, những người do thái nhiệt tâm vì muốn bảo vệ “Thiên Chúa” của họ, bảo vệ truyền thống tôn giáo của họ, bảo vệ Đền Thờ của họ, hội đường của họ, nên họ muốn loại trừ Chúa Giêsu.
Và hành động này tốt không? thưa tốt, nói như thánh Phêrô trong thư thứ nhất thì: “Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em.”.
Nhưng chúng ta thấy thái độ của họ lại không tốt, bảo về đền thờ, bảo vệ lề luật mà không nghĩ đến người khác là thái độ không tốt.
Nhưng tại sao họ lại có thái độ không tốt, vì họ không đặt mình trong hoàn cảnh của người khác.
Tôi có xem một đoạn Video Clip nói về một ông chủ trong chuồng súc vật của ông ta, ông ta nuôi một con heo, một con cừu, và một con bò. Khi ông chủ đến bắt co heo đi, thì con heo la lên kêu cứu, nhưng con cừu và con bò mới nói có gì mà anh phải lo, mỗi lần ông chủ bắt chúng tôi đi anh thấy chúng ta có lo lắng có chống cự gì đâu. Lúc đó, con heo mới nói, ông chủ bắt anh cừu đi là để lấy lông, còn bắt anh bò đi là để lấy sữa, còn ông chủ bắt tôi đi các anh biết lấy gì không? thưa là để lấy thịt tôi.
Con bò và con cừu không biết đặt mình trong hoàn cảnh của con heo nên không hiểu được.
Nếu chúng ta có thời gian đọc sách Công vụ tông đồ chương 15, có kể sự việc những người kitô hữu gốc do thái, đòi buộc những người kitô hữu gốc dân ngoại phải chịu phép cắt bì, nên xảy ra tanh chấp trong cộng đoàn, chính vì thế mà thánh Phaolô, ông Banaba và một số người khác lên Giêrusalem, khi đến Giêrusalem họ trình bày sự việc lên các tông đồ, lúc bấy giờ thánh Giacôbê, ngài mới nói một câu như thế này: “ngay từ đầu, Thiên Chúa đã đoái thương chọn trong các dân ngoại một dân mang danh Người”, nghĩa là ai trong chúng ta đây trước kia đều là dân ngoại, được Chúa thương chọn gọi là dân của Chúa, sao không đặt mình trong hoàn cảnh của người khác để mà cảm thông cho họ.
Trong đời sống ngày nay của chúng ta cũng thế, chúng ta biết ngày nay người ta rất nhạy cảm với những từ ngữ chúng ta dùng chẳng hạn như kẻ ngoại, trở lại đạo… trong đạo của chúng ta có những từ ngữ dùng không phù hợp, nên các nhà chuyên môn nghiên cứu cũng muốn thay đổi, chẳng hạn như khổ nạn và tử nạn, tạo vật và thụ tạo… nghĩa là trình độ ngày nay càng cao chúng ta phải biết sử dụng ngôn ngữ cho phù hợp tránh để người ta ấn tượng về đạo của chúng ta.
Hiểu được như thế, chúng ta được mời gọi phải sẵn sàng trả lời cho những chất vấn về niềm hy vọng của chúng ta, nhưng với thái độ là hãy đặt mình trong hoàn cảnh của người khác để thay vì kéo người khác lại gần Chúa, lại gần chúng ta, thì vô tình chúng ta đẩy họ ngày càng xa Chúa. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Is 49,8-15: Ta đã đặt ngươi nên giao ước của dân, để ngươi phục hưng xứ sở.
Tv 145,8a: Chúa là Đấng nhân ái và từ bi.
Ga 5,17-30: Chúa Cha cho người chết sống lại và làm cho họ sống thế nào, thì Chúa Con cũng vậy, Người làm cho ai sống là tùy ý Người.
Thiên Chúa là Đấng nhân ái và từ bi, Thánh vịnh đã nói giúp ta về điều này. Hơn thế nữa, Người là Đấng đầy quyền năng. Người làm chủ mọi loài mọi vật. Người làm cho sống và cũng có thể làm cho chết. Nhưng ta tin rằng, với lòng quảng đại và hay thương xót, Thiên Chúa luôn mong muốn điều tốt đẹp cho con người. Khi dân lầm than, Thiên Chúa đã dùng những người đại diện cho Người để nói với dân chúng, để phục hưng xứ sở. Nhân loại khổ đau vì tội lỗi, Chúa đã sai Con Một của Người đến để cứu độ. Chúa Cha yêu thương và lo cho dân thế nào, thì Chúa Con cũng vậy.
Thế giới ta đang sống có những lầm than, đau khổ do chính con người tạo nên. Cả thế giới có khoảng 82 triệu người vất vưởng cần được trợ giúp. Họ là những nạn nhân của đói nghèo, chiến tranh, bệnh tật và nhiều lý do khác nữa. Dưới ánh sáng lời Chúa hôm nay, ta tràn đầy hy vọng vì Chúa sẽ cứu giúp dân của Người. Vậy chúng ta cùng hiệp thông với nhau mà dâng lên những tâm tình tin tưởng, tạ ơn và cầu xin cùng Chúa cho nhân loại được sống trong bình an. Nếu có thể, ta cùng chia sẻ như tinh thần của Mùa Chay mời gọi.
Thứ Năm đầu tháng - Tuần IV Mùa Chay
Ga 5,31-47
Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy việc Chúa Giêsu nói với những người do thái: “Nếu tôi làm chứng về chính mình, thì lời chứng của tôi không thật. Có Đấng khác làm chứng về tôi, và tôi biết: lời Người làm chứng về tôi là lời chứng thật. Chính các ông đã cử người đến gặp ông Gioan, và ông ấy đã làm chứng cho sự thật. Phần tôi, tôi không cần lời chứng của một phàm nhân, nhưng tôi nói ra những điều này để các ông được cứu độ.”
Câu nói này cho chúng ta thấy điều gì? Thưa cho chúng ta thấy được một điều như thế này đó là Chúa không làm chứng cho chính mình, nhưng Chúa Cha sẽ làm chứng cho Chúa Giêsu và Chúa Giêsu xác tín vào lời chứng của Chúa Cha.
Còn việc Chúa Giêsu nói: “Tôi không cần lời chứng của một phàm nhân, nhưng tôi nói ra những điều này để các ông được cứu độ.”
Câu nói này của Chúa Giêsu có phải không cần người khác làm chứng cho chính mình? Thưa không phải là Chúa không cần người làm chứng cho Chúa, bởi trong ý nghĩa của trang tin mừng hôm nay thì đối với Chúa Giêsu, Ngài đã có Chúa Cha làm chứng là đủ rồi, không cần chứng của phàm nhân.
Nhưng bên cạnh đó chúng ta cần hiểu thêm nữa, đó là Chúa cần người khác làm chứng cho Chúa là vì con người, là để con ngươi được ơn cứu độ, chúng ta hãy nhớ lại lệnh truyền tuyền giáo của Chúa Giêsu: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án.” (Mc 16,15-16).
Khi suy tư về điều đó, chúng ta thấy một đàng Chúa Giêsu cần lời chứng của Chúa Cha, một bên Chúa Giêsu cần lời chứng của con người, nghĩa là Chúa Giêsu cần.
Tôi có đọc được một câu chuyện vui mang tên Chúa cần gì? Được chia sẻ như thế này:
Trên một chuyến tàu lửa, một Giám mục hưu trí đang nói chuyện với một Linh mục trẻ về những trải nghiệm không ít gian nan của ngài.
Rồi Giám mục yêu cầu người bạn trẻ kể lại hành trình ơn gọi của mình. Vị Linh mục trẻ kiểu cách đáp, “Ồ, thưa Cha, nói thật ra thì rất đơn giản, chỉ vì Chúa cần con”. Vị Giám mục nhận xét, “Này anh bạn, ở đây, có một sự trùng hợp đến thú vị, nếu như tôi còn nhớ, trong Tin Mừng, thì chỉ một lần Chúa Giêsu nói Ngài cần một cái gì đó, ấy là dịp Ngài sắp sửa vào thành Giêrusalem, Ngài nói Ngài cần một con lừa”.
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta hiểu được Chúa cần chúng ta làm chứng cho Chúa không phải vì Chúa cần được làm chứng cho Chúa, mà Chúa cần con người làm chứng cho Chúa là vì con người của mỗi người chúng ta, để con người được biết Chúa, để con người được ơn cứu độ, nên chúng ta được mời gọi ý thức được điều đó, để đừng kiêu ngạo khoe khoang, rằng Chúa cần chúng ta vì chúng ta cần thiết, nhưng Chúa cần chúng ta vì sự cần thiết của con người. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Xh 32,7-14: Xin Chúa tỏ lòng khoan dung đối với tội lỗi dân Chúa.
Tv 106,4: Lạy Chúa, xin nhớ chúng con khi gia ân huệ cho dân Ngài.
Ga 5,31-47: Có người tố cáo các ngươi, đó là Môsê, người mà các ngươi vẫn tin tưởng.
Các bài đọc hôm nay cho ta thấy cách làm đẹp lòng Chúa: làm theo lời Chúa và công việc của Ngài. Lời của Chúa làm chứng cho chính Ngài, dù Ngài nói trực tiếp hay qua những người trung gian. Người trung gian có thể là một nhà tiên tri, một nhà lãnh đạo, một nhân chứng. Trong sách Xuất Hành, Môsê cầu thay cho dân Chúa: “Xin Chúa tỏ lòng khoan dung đối với tội lỗi dân Chúa”. Trong Phúc âm, Đức Giêsu nói với người Do Thái: “Nếu chính Ta làm chứng về Mình, thì chứng của Ta sẽ không xác thực…công việc Chúa Cha đã giao cho Ta hoàn thành…Các việc đó làm chứng về Ta rằng Chúa Cha đã sai Ta.”
Về cơ bản, Đức Giêsu tuyên bố rằng lời nói của một người không được người khác coi là trung thực. Nhân chứng là một phần thiết yếu trong thủ tục tố tụng của người Do Thái. Đức Giêsu nhắc nhở người Do Thái rằng lời chứng quan trọng nhất của Ngài là việc hoàn thành các công việc của Chúa Cha. Lời dạy này dễ dàng được chuyển dịch vào tâm tình Mùa chay. Quan trọng nhất, ta hiểu những gì một người thực sự yêu quý bằng hành động của họ. Hành động mạnh hơn lời nói. Hành động của ta ngay lúc này là cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin nhớ chúng con khi gia ân huệ cho dân Ngài”.
Thứ Sáu đầu tháng- Tuần IV Mùa Chay
Ga 7,1-2.10.25-30
Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta ta thấy một sự mâu thuẫn giữa Chúa Giêsu và những người do thái.
Những người do thái cho rằng: “Ông này không phải là người họ đang tìm giết đó sao? Kìa, ông ta ăn nói công khai mà họ chẳng bảo gì cả. Phải chăng các nhà hữu trách đã thực sự nhìn nhận ông là Đấng Ki-tô? Ông ấy, chúng ta biết ông xuất thân từ đâu rồi; còn Đấng Ki-tô, khi Người đến thì chẳng ai biết Người xuất thân từ đâu cả."
Còn Chúa Giêsu thì nói: “Các ông biết tôi ư? Các ông biết tôi xuất thân từ đâu ư? Tôi đâu có tự mình mà đến. Đấng đã sai tôi là Đấng chân thật. Các ông, các ông không biết Người. Phần tôi, tôi biết Người, bởi vì tôi từ nơi Người mà đến, và chính Người đã sai tôi."
Câu hỏi đặt ra với mỗi người chúng ta là người do thái có biết Đấng Kito xuất thân từ đâu không? Thưa biết.
Chúng ta hãy nhớ lại câu chuyện của ba nhà chiêm tinh tìm Chúa Giêsu, tin mừng theo thánh Mattheu thuật lại: “Khi Đức Giê-su ra đời tại Bê-lem, miền Giu-đê, thời vua Hêrôđê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giê-ru-sa-lem, và hỏi: "Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người." Nghe tin ấy, vua Hêrôđê bối rối, và cả thành Giê-ru-sa-lem cũng xôn xao. Nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân lại, rồi hỏi cho biết Đấng Kitô phải sinh ra ở đâu. Họ trả lời: "Tại Bêlem, miền Giu-đê, vì trong sách ngôn sứ, có chép rằng: "Phần ngươi, hỡi Bê-lem, miền đất Giuđa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giu-đa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ítraen dân Ta sẽ ra đời." (Mt 2, 1-6).
Nên chúng ta thấy lời của những người do thái nói không biết Đấng Mêsia xuất thân từ đâu là không đúng, bằng chứng là Kinh Thánh đã cho biết Đấng Kito xuất thân từ đâu. Vậy nếu những người do thái, họ nói họ không biết Đấng Kito xuất thân từ đâu, thì có hai lý do thứ nhất là họ đang nói dối để không nhìn nhận Chúa Giêsu là Đấng Kitô, thứ hai nữa là điều đó chứng tỏ là họ không biết Kinh Thánh.
Chúng ta biết thánh Giêrônimô có một câu nói rất nổi tiếng như thế này đó là: “Không biết Kinh Thánh là không biết Chúa Kito”.
Hiểu được như vậy, chúng ta được mời gọi phải sống chân thật không nói dối, biết Chúa thì phải nói biết Chúa, để tuyên xưng đức tin của mình.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng được mời gọi phải đào sâu họ hỏi giáo lý, họ hỏi kinh thánh để chúng ta mỗi ngày mỗi hiểu biết về Chúa hơn, để sẵn sàng trả lời cho những chất vấn của người khác về niềm hy vọng của mỗi người chúng ta. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Kn 2,1a.12-22: Chúng ta hãy kết án cho nó chết cách nhục nhã.
Tv 34,19: Chúa gần gũi những kẻ đoạn trường.
Ga 7,1-2.10.25-30: Chúng tìm cách bắt Người, nhưng chưa tới giờ Người.
Sống với Chúa Giêsu Kitô bao năm mà người ta vẫn còn bối rối và không có bình an vì không biết Đức Giêsu. Khi dân chúng đối mặt với Đức Giêsu, có những hiểu lầm và giả định về Ngài là ai, Ngài sẽ hoặc sẽ không ứng nghiệm những lời tiên tri trong Cựu Ước như thế nào, và những gì Ngài sẽ hoàn thành.
Có một kế hoạch chuẩn bị giết Đức Giêsu, nhưng các nhà lãnh đạo tôn giáo còn có một số nhầm lẫn về danh tính trần thế của Ngài. Có vẻ như danh tính của Đức Giêsu tăng lên khi Ngài bị nghi ngờ. Đức Giêsu xác định chính Ngài là “được sai đến bởi Thiên Chúa” (x. Ga 7,28). Ngài là người làm chủ tình hình, và không ai được chạm vào Ngài bởi vì giờ Ngài chưa đến. Đức Giêsu cho thấy Ngài không phải là một nhà lãnh đạo chính trị lật đổ sự áp bức của La Mã mà là Người Tôi Tớ Đau khổ như Isaia tiên báo.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết trong “Niềm Vui Tin Mừng”: “Niềm vui của Phúc âm tràn ngập tâm hồn và cuộc sống của tất cả những ai gặp gỡ Đức Giêsu.” Ta phải giúp người mà ta gặp gỡ vượt qua những giả định và phán xét về Đức Giêsu là ai và Giáo hội là gì và tạo điều kiện cho họ gặp gỡ Đức Giêsu. Khi một người biết Đức Giêsu là ai, thì sẽ vui mừng và bình an.
Thứ Bảy đầu tháng - Tuần IV Mùa Chay
Ga 7,40-53
Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy việc những người do thái tranh cãi với nhau về căn tính của Chúa Giêsu: “Ông này thật là vị ngôn sứ." Kẻ khác rằng: "Ông này là Đấng Ki-tô." Nhưng có kẻ lại nói: "Đấng Ki-tô mà lại xuất thân từ Ga-li-lê sao? Nào Kinh Thánh đã chẳng nói: Đấng Ki-tô xuất thân từ dòng dõi vua Đa-vít và từ Bê-lem, làng của vua Đa-vít sao?"
Và tin mừng kết luận: “Vậy, vì Người mà dân chúng đâm ra chia rẽ.”
Chúng ta thấy sự kiện này có ứng nghiệm lời của Chúa Giêsu nói hay không? Thưa cũng một phần nào đó ứng nghiệm, vì có lần Chúa Giêsu đã nói: “Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát.” (Mt 10,21-22).
Nhưng bên cạnh ý nghĩa đó, chúng ta thấy con người thời đại của Chúa Giêsu thời bấy giờ đang bị bệnh tưởng, bởi Chúa Giêsu Ngài đúng là sinh ra tại Bêlem và từ dòng dõi vua Đavit, còn Nadaret xứ Galile là nơi mà Chúa Giêsu sinh trưởng, bởi vì họ bị bệnh tưởng nên họ đã có kết luận sai lầm về Chúa Giêsu.
Ngày nay chúng ta thấy con người của mình có bị bệnh tưởng như những người do thái thời xưa không? Thưa có, thời nào cũng có những con người bị bệnh tưởng, Có kẻ tưởng mình khôn ngoan nên kiêu căng và ngạo mạn, người khác tưởng mình dốt nát nên mặc cảm tự ty, có kẻ tưởng mình tài giỏi nên không chịu nghe ai góp ý. Bất chấp cộng đồng, đường ta ta cứ đi, việc ta ta cứ làm. Có người tưởng mình vô dụng nên chẳng dám làm công việc nào, đi nhà thờ giữ luật rồi lầm lì ra về…
Từ bệnh tưởng đó nhiều khi làm cho chúng ta không còn là chính mình nữa, mà chúng ta đang sống trong mắt của người khác. Vì thế thánh Phaolô khuyên: “Bởi vậy, ai tưởng mình đang đứng vững, thì hãy coi chừng kẻo ngã.” (1Corintô 10, 12).
Có một câu chuyện vui được chia sẻ như thế này:
Đó là, tại bệnh viện tâm thần nọ, có môt bệnh nhân cứ tưởng mình là hạt thóc, vì thế khi thấy con gà, anh sợ run cả người, ôm đầu chạy trốn vì sợ gà mổ. Sau mấy tháng chữa trị, bệnh anh đã thuyên giảm. Một hôm bác sĩ dẫn anh đi một vòng quanh khu vực nhà bếp của bệnh viện xem anh khỏi hẳn chưa. Thình lình anh trông thấy một con gà mái, khiếp sợ qúa, vội vàng, sợ sệt trốn sau lưng bác sĩ. Bác sĩ dịu dàng bảo: “Đừng sợ! Này sao anh lại sợ con gà? Bây giờ anh đã hết bệnh rồi. Anh có biết rằng mình là con người chứ không phải làm hạt thóc không?” Bệnh nhân đáp một cách mạnh dạn: “Tôi biết chứ, tôi là con người mà tôi không phải hạt thóc! Nhưng con gà nó đâu có biết như vậy, nó cứ tưởng tôi là hạt thóc mới chết chứ.”
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta hiểu được điều đó, để đừng tưởng này tưởng cái kia, nhưng hãy tin, tin vào Chúa, hướng lòng về Chúa để sống những điều Chúa dạy trong cuộc đời của mình, lúc đó chúng ta mới là chính mình thật sự. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Gr 11,19-20: Con như chiên con hiền lành bị đem đi giết.
Tv 7,2a: Lạy Chúa là Thiên Chúa con, con đến nương nhờ Ngài.
Ga 7,40-53: Đấng Kitô xuất thân từ Galilêa sao?
Phúc Âm trình bày những phản ứng khác nhau mà những lời của Chúa chúng ta đã tạo ra. Bản văn của Gioan không cung cấp bất kỳ lời nào từ Chúa Giêsu, nhưng nó đề cập đến hệ quả của những gì Ngài đã nói. Một số người nghĩ rằng Ngài là một nhà tiên tri; những người khác nói rằng Ngài là Chúa Kitô. Đám đông bị chia rẽ.
Chúng ta có thể thấy rằng mọi người chia rẽ nhau vì họ không biết Chúa Giêsu là ai. Ngay cả ngày nay, mọi người vẫn còn nhầm lẫn về Sự thật, Con đường và Sự sống của Ngài. Câu trả lời của các sĩ quan cho thấy sức mạnh của lời nói của Đấng Kitô: “Trước đây chưa từng có ai nói như người này” (Ga 7,46). Nó giống như nói rằng: Lời nói của Ngài khác biệt; lời Ngài không phải là những lời nói suông, khoe khoang, đầy kiêu ngạo và giả dối. Ngài là “Sự thật,” và cách nói của Ngài phản ánh thực tế này. Ngôn từ và hành động của Chúa Giêsu cho thấy Ngài là Thiên Chúa tràn đầy tình yêu.
Ngày nay, Kitô hữu phải là “dấu hiệu của sự mâu thuẫn” bởi vì chúng ta không nói và cư xử như những người khác. Bằng cách noi gương và theo Chúa Giêsu, ta cũng phải sử dụng “ngôn ngữ của bác ái và tình yêu thương.” Yêu thương trong sự thật sẽ nối kết mọi người trong Chúa Kitô.