
Chúa Nhật IV Mùa Chay - B
2Sb 36,14-16.19-23; Ep 2,4-10; Ga 3,14-21
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
2 Sb 36,14-16.19-23: Cơn thịnh nộ và lòng từ bi của Chúa được tỏ bày qua sự lưu đày và giải phóng của dân tộc.
Tv 137:6: Lưỡi tôi dính vào cuống họng, nếu tôi không nhớ đến ngươi.
Ep 2,4-10: Anh em chết bởi tội và được cứu rỗi bởi ân sủng.
Ga 3,14-21: Thiên Chúa đã sai Con Ngài đến để thế gian nhờ Con Ngài mà được cứu độ.
Đời sống đức tin của ta đang trải qua những thời kỳ khó khăn. Tuy nhiên, vẫn còn chỗ cho hy vọng. Ta luôn có thể vui mừng vì Thiên Chúa yêu ta đến nỗi Người đã “ban Con Một của Người cho chúng ta” (Ga 3,16). Niềm vui thực sự soi sáng cuộc sống không đến từ nỗ lực của chúng ta. Thánh Phaolô nhắc nhở rằng: “Anh em chết bởi tội và được cứu rỗi bởi ân sủng” (Ep 2,8). Hãy để Chúa yêu thương ta và ta cũng hãy yêu thương Ngài.
Lòng thương xót của Chúa dành cho tất cả loài người. Tác giả Sách Biên niên sử quyển thứ hai đã kinh nghiệm rằng: “Cơn thịnh nộ và lòng từ bi của Chúa được tỏ bày qua sự lưu đày và giải phóng của dân tộc.” Tình yêu của Ngài dành cho ta là vĩnh cửu. Chúa Giêsu Kitô đã hiến sự sống của mình để mọi người có thể có sự sống, sự sống trọn vẹn. Thánh Gioan khẳng định rằng “Thiên Chúa đã sai Con Ngài đến để thế gian nhờ Con Ngài mà được cứu độ.” Cho dù sự sống có khó khăn, nhưng với đức tin, quyền năng, sự hiện diện và ân sủng của Chúa ta tiếp tục sống trong vui mừng và hy vọng.
Thứ Hai - Tuần IV Mùa Chay
(Is 65,17-21; Ga 4,43-54)
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Is 65,17-21: Thiên hạ sẽ không còn nghe tiếng khóc lóc và than van nữa.
Tv 30,2a: Lạy Chúa, con ca tụng Chúa vì đã giải thoát con.
Ga 4,43-54: Ông hãy về đi, con ông mạnh rồi.
Đức Giêsu thực hiện một phép lạ mới: hồi phục con trai một quan chức hoàng gia từ xa. Đức Giêsu làm phép lạ này không gì là vật chất mà là vấn đề của kiếp người. Điều đáng chú ý trong trường hợp này là Đức Giêsu không đến Caphácnaum để trực tiếp chữa bệnh; Ngài thực hiện phép lạ mà không cần di chuyển khỏi Cana: “Viên chức nhà vua nói với Đức Giêsu: “Thưa Ngài, xin Ngài hãy xuống trước khi con tôi chết.” Đức Giêsu bảo ông: “Ông hãy về đi, con ông mạnh rồi.” Ông tin lời Đức Giêsu nói và trở về”(Ga 4,49-50).
Ta có thể học từ Đức Giêsu rằng ta có thể làm nhiều điều tốt từ xa mà không cần phải hiện diện cụ thể ở một địa điểm như yêu cầu. Ta có thể giúp những người khác bằng những đóng góp công khai hay âm thầm. Hoặc, thậm chí có thể làm cho nhiều người ở xa hạnh phúc chỉ qua một cuộc điện thoại, một lá thư hoặc một e-mail. Đức Giêsu không ở Caphácnaum, nhưng Ngài đã làm phép lạ. Vì vậy, khoảng cách không có vấn đề gì nếu ta muốn rộng lòng giúp đỡ, vì lòng quảng đại của ta đến trực tiếp từ trái tim và vượt qua mọi biên giới. Như Thánh Augustinô đã nói: “Người có tấm lòng bác ái, luôn tìm thấy điều gì đó để cho đi,” ngay cả khi ta không thể nhìn thấy trực tiếp người khác.
Lm. Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy có một quan chức nhà vua ở Capharnaum đến xin Chúa Giêsu chữa lành cho đứa con trai đang đau liệt của ông.
Như thế, chúng ta thấy mục đích của ông đến là để xin Chúa Giêsu chữa lành chứ không phải tin vào Chúa Giêsu, hay nói cách khác là tin vào phép lạ của Chúa Giêsu đã làm, vì chính Chúa đã nói: “Nếu các ông không thấy phép lạ và những việc phi thường hẳn các ông không tin”, nhưng sau khi Chúa Giêsu làm phép lạ để chữa lành cho con của ông, ông và gia đình đều tin vào Chúa.
Hình ảnh đó chúng ta thấy nơi chính chúng ta, khi chúng ta cần đến Chúa chúng ta mới chạy đến với Chúa, còn nếu không cần thì thôi. Hay đó là hình ảnh của những người không bao giờ đến nhà thờ, nhưng khi cần giải quyết vấn đề nào đó của mình, thì mới chạy đến với nhà thờ, chúng ta để ý là chạy đến với nhà thờ chứ không phải là chạy đến với Chúa, để xin các cha giúp đỡ, để được hưởng lợi ích từ nhà thờ.
Đó là một thực tế, nhưng chúng ta được mời gọi đừng lên án đừng xét đoán, bởi vì Chúa đã dạy: “Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán, vì anh em xét đoán thế nào, thì anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy; và anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em. Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không để ý tới? Sao anh lại nói với người anh em: “Hãy để tôi lấy cái rác ra khỏi mắt bạn”, trong khi có cả một cái xà trong con mắt anh? Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt anh trước đã, rồi anh sẽ thấy rõ, để lấy cái rác ra khỏi mắt người anh em” (Mt 7,1-5). Đó là điều Chúa dạy.
Nhưng nếu xét dựa vào trang Tin mừng hôm nay, đó là thái độ thay đổi của ông quan chức nhà vua có đứa con bị đau nặng, ban đầu chỉ đến vì lợi ích cá nhân, chỉ tin những việc Chúa làm, nhưng Chúa vẫn làm phép lạ chữa lành cho con của ông, để rồi sau đó ông và gia đình đã tin vào Chúa. Như vậy, chúng ta không thể kết luận một ai đó là xấu, là không tốt, là lợi dụng vì bất cứ lý do gì cả. Chúng ta phải nhìn dưới con mắt đức tin vì biết đâu, đó là thánh ý nhiệm mầu của Chúa, Chúa muốn như vậy, để qua đó Chúa biến đổi tâm hồn của những con người nguội lạnh, không thành tâm thiện chí, để họ tin vào Chúa, chúng ta phải tin và phải có cái nhìn đức tin như thế.
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta có cái nhìn đức tin để nâng đỡ anh chị em chúng ta trở về với Chúa. Amen.
Thứ Ba - Tuần IV Mùa Chay
(Ed 47,1-9.12; Ga 5,1-3a.5-16)
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Ed 47,1-9.12: Tôi đã thấy nước từ bên phải đền thờ chảy ra, và nước ấy chảy đến những ai, thì tất cả đều được cứu rỗi.
Tv 46,8: Chúa thiên binh hằng ở cùng ta, và ta được Chúa Giacóp hằng bảo vệ.
Ga 5,1-16: Tức khắc người ấy được lành bệnh.
Hôm nay, ta nghe về việc chữa lành bằng nước và bằng lời. Thiên Chúa có thể sử dụng vật chất và lời của Ngài để cứu lấy thụ tạo của mình. Edekiel cho thấy rằng nước từ ngôi đền tạo ra một con sông để ban sự sống, cá và cây ăn trái để làm thực phẩm và thuốc men, và là nước ngọt tinh khiết cho mọi thứ hưởng dùng. Đây là nước chữa lành thay vì nước hủy hoại.
Trong Tin Mừng, ta lại thấy những dòng nước chữa lành và có một người cần được chữa lành nhưng không thể hòa vào dòng nước. Nhưng Đức Giêsu nhìn thấy và nhận ra cảnh ngộ của anh ta. Ngài biết người đó đã cố gắng đến cạnh hồ nước trong một thời gian dài. Ngài nói, “Anh muốn được lành bệnh không?” Người đó nói với Chúa rằng anh ta không thể đến dòng nước vì không có ai giúp đỡ. Nhưng Đức Giêsu nói, “Anh hãy đứng dậy vác chõng mà về.” Và đó là tất cả những gì cần thiết. Không phải nước chữa bệnh mà là những lời từ Đức Giêsu. Chúng ta hãy hướng ánh nhìn vào Đức Giêsu. Ta cần ơn huệ của Ngài để đưa ta vào dòng nước của sự cầu nguyện, sám hối và khai mở tâm hồn để ta có thể trở nên tốt hơn như Ngài muốn.
Lm. Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay trình bày việc Chúa Giêsu chữa lành cho một người bại liệt suốt 38 năm. Việc chữa lành này cho chúng ta thấy được điều gì?
Chúng ta biết để được chữa lành thì phải chờ cho nước động, vì thỉnh thoảng có thiên thần Chúa xuống hồ khuấy nước lên; khi nước khuấy lên, ai xuống trước, thì dù mắc bệnh gì đi nữa, cũng được khỏi. Nhưng khi Chúa Giêsu chữa lành cho người bại liệt thì không cần nước động rồi xuống hồ, mà Chúa chỉ phán một lời: “Anh hãy vác chõng mà về”, và: “Tức khắc người ấy được lành bệnh, anh ta vác chõng và đi được.” Như vậy việc Chúa Giêsu chữa lành cho người bại liệt suốt 38 năm cho thấy được quyền năng của Chúa là như thế nào.
Thực tế, chúng ta thấy con người dường như quên đi quyền năng của Chúa, để rồi chạy theo những quyền lực khác ngoài Chúa, nên chúng ta được mời gọi phải khôn ngoan để biết đâu là cánh tay nối dài của Chúa, mà đi theo sự dẫn dắt đó, để chúng ta đến được với Chúa. Nghĩa là chúng ta phải biết phân biệt đâu là cánh tay nối dài của Chúa và đâu là Chúa, nếu không chúng ta chỉ dừng lại ở cánh tay mà không tiến đến với Chúa.
Bên cạnh đó, mỗi người chúng ta cũng được mời gọi hãy là những cánh tay nối dài của Chúa, để đưa nhiều người về với Chúa. Nghĩa là chúng ta hãy nhận mình chỉ là cánh tay nối dài của Chúa, đừng nhìn nhận mình là Chúa, đừng coi mình là Chúa, đừng giành công, đừng vì nhu cầu lợi ích cá nhân nào đó, thì điều đó không đẹp lòng Chúa, vì Chúa nói: “Khi làm bất cứ điều gì thì hãy nói chúng tôi chỉ là những đầy tớ vô dụng chúng tôi chỉ làm những việc bổn phận đấy thôi”, khi chúng ta có thái độ sống như vậy, chắc chắn những điều tốt lành sẽ đến với mỗi người chúng ta, còn ngược lại nếu sống ích kỷ chỉ nghĩ đến mình, mà không nghĩ đến Chúa, không nghĩ đến người khác, thì chúng ta sẽ chết trong sự ích kỷ của mình.
Một vùng đất nọ thình lình mất ánh sáng. Mặt trời không mọc lên, tối tăm bao phủ cả vùng. Mọi người trong vùng đổ xô đến cửa tiệm ông Réno để mua diêm quẹt và đèn cầy, vì họ biết ông có cả một kho chứa các thứ đó. Nhưng dân chúng càng nài nỉ, ông càng từ chối. Ngày qua ngày, dân chúng quen dần với bóng tối. Lúc đó ông Réno mới ý thức thái độ ích kỷ của mình. Ông mở cửa kho, mời gọi mọi người đến lấy diêm quẹt và đèn cầy về đốt. Nhưng trớ trêu thay mọi người trả lời: Chúng tôi đã quen sống với bóng tối rồi. Chúng tôi không cần ánh sáng nữa!
Thái độ ích kỷ không những đã làm cho ông Réno mất đi lợi nhuận và hơn nữa còn mất đi cả niềm tin đối với những người chung quanh nữa.
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta hãy là cánh tay nối dài thật sự của Chúa, một cánh tay biết bao dung, quảng đại, để đưa dẫn nhiều người đến với Chúa. Amen.
Thứ Tư - Tuần IV Mùa Chay
(Is 49,8-15; Ga 5,17-30)
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Is 49,8-15: Ta đã đặt ngươi nên giao ước của dân, để ngươi phục hưng xứ sở.
Tv 145,8a: Chúa là Đấng nhân ái và từ bi.
Ga 5,17-30: Chúa Cha cho người chết sống lại và làm cho họ sống thế nào, thì Chúa Con cũng vậy, Người làm cho ai sống là tùy ý Người.
Thiên Chúa là Đấng nhân ái và từ bi, Thánh vịnh đã nói giúp ta về điều này. Hơn thế nữa, Người là Đấng đầy quyền năng. Người làm chủ mọi loài mọi vật. Người làm cho sống và cũng có thể làm cho chết. Nhưng ta tin rằng, với lòng quảng đại và hay thương xót, Thiên Chúa luôn mong muốn điều tốt đẹp cho con người. Khi dân lầm than, Thiên Chúa đã dùng những người đại diện cho Người để nói với dân chúng, để phục hưng xứ sở. Nhân loại khổ đau vì tội lỗi, Chúa đã sai Con Một của Người đến để cứu độ. Chúa Cha yêu thương và lo cho dân thế nào, thì Chúa Con cũng vậy.
Thế giới ta đang sống có những lầm than, đau khổ do chính con người tạo nên. Cả thế giới có khoảng tám mươi triệu người vất vưởng cần được trợ giúp. Họ là những nạn nhân của đói nghèo, chiến tranh, bệnh tật và nhiều lý do khác nữa. Dưới ánh sáng lời Chúa hôm nay, ta tràn đầy hy vọng vì Chúa sẽ cứu giúp dân của Người. Vậy chúng ta cùng hiệp thông với nhau mà dâng lên những tâm tình tin tưởng, tạ ơn và cầu xin cùng Chúa cho nhân loại được sống trong bình an. Nếu có thể, ta cùng chia sẻ như tinh thần của Mùa Chay mời gọi.
Lm. Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy Chúa Giêsu là hình ảnh của Chúa Cha, Chúa Giêsu nói: “Cha Ta làm việc liên lỉ, Ta cũng làm việc như vậy”. Vậy Chúa Giêsu cho biết mình là hình ảnh của Chúa Cha để làm gì? Thưa để con người tin vào Ngài.
Chúng ta hãy nhớ lại có lần Philipphe đã xin Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện.” Chúa Giêsu trả lời: “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Philípphê, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: “Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha.” Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình. Anh em hãy tin Thầy: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy; bằng không thì hãy tin vì công việc Thầy làm” (Ga 14, 8-11).
Nhưng tin vào Chúa Giêsu để làm gì? Nếu đọc tiếp Gioan chương 14 chúng ta sẽ thấy, Chúa Giêsu nói: “Thật, Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha. Và bất cứ điều gì anh em nhân danh Thầy mà xin, thì Thầy sẽ làm, để Chúa Cha được tôn vinh nơi người Con. Nếu anh em nhân danh Thầy mà xin Thầy điều gì, thì chính Thầy sẽ làm điều đó” (Ga 14,12-14).
Nghĩa là như Chúa Giêsu đã nói trước đó: “Cha Ta làm việc liên lỉ, Ta cũng làm việc như vậy”, và hình ảnh Chúa Giêsu làm việc liên lỉ như là một dấu để chứng minh Chúa Giêsu là hình ảnh của Thiên Chúa, như vậy khi chúng ta tin vào Chúa Giêsu chúng ta cũng sẽ làm việc liên lỉ, làm việc liên lỉ để lo cho đời sống của chính mình, để lo cho đời sống của người khác, nhưng quan trọng hơn đó là biết dành thời gian cho Chúa, thì khi chúng ta làm việc liên lỉ như thế, chúng ta cũng đang làm chứng cho Chúa, chúng ta cũng là hình ảnh sống động của Chúa.
Câu chuyện mang tên NGÀY dành cho CHÚA em phải ở nhà Cầu Nguyện được chia sẻ như sau:
Kayak, một thiếu niên chăm học, nhà nghèo mà lại là con trai lớn, em vừa đi học vừa đi làm rẫy để cùng ba má kiếm miếng cơm manh áo cho gia đình.
Bỗng mấy hôm liền cô giáo không thấy em đến lớp, nên đến thăm để biết là do nguyên nhân nào. Vào nhà nghe có tiếng rên… Thì ra ba của Kayak đau nặng, em phải ở nhà chăm sóc thuốc thang. Nhà có bò, vừa bán để trả tiền thuốc.
Cô giáo vào thăm người bệnh, rồi ra gặp Kayak.
Em thưa cô giáo: Chắc em phải nghỉ học thôi, cô à! Ba em đau, không ai ở nhà làm việc giúp má. Bỏ học thì cô buồn, em đau lòng lắm!
Cô giáo động viên: Em cố gắng đi học đi, học một buổi ở nhà làm một buổi. Rồi ngày Chúa Nhật nghỉ học, mình tranh thủ làm thêm!
Kayak trả lời ngay: Ngày Chúa Nhật mình đi lao động sao được? Không đi nhà thờ được thì mình phải ở nhà đọc kinh cầu nguyện chứ cô! Chúa không có bắt, nhưng mình không đi lễ thì đâu có được! Ngày Chúa Nhật nào nhà em cũng họp nhau cầu nguyện và đọc Lời Chúa. Thôn em không có Nhà Thờ, nhưng em không bao giờ bỏ cầu nguyện… Ở những nơi văn minh, ngày Chúa Nhật là ngày đi chơi. Và người ta dễ dàng bỏ lễ để có thể đi chơi xa. Còn ở đây, người nghèo cần nghe Lời Chúa để sống còn hơn cả bánh nuôi thể xác.
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết liên lỉ làm việc như Chúa Giêsu đã liên lỉ làm việc như Chúa Cha, để mỗi người chúng ta trở nên hình ảnh sống động của Chúa, để làm chứng cho Chúa. Amen.
Thứ Năm - Tuần IV Mùa Chay
(Xh 32,7-14; Ga 5,31-47)
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Xh 32,7-14: Xin Chúa tỏ lòng khoan dung đối với tội lỗi dân Chúa.
Tv 106,4: Lạy Chúa, xin nhớ chúng con khi gia ân huệ cho dân Ngài.
Ga 5,31-47: Có người tố cáo các ngươi, đó là Môsê, người mà các ngươi vẫn tin tưởng.
Thiên Chúa biết dân Israel đã trở nên sa đọa. Thiên Chúa nói với Môsê, “Ta thấy dân này là một dân cứng cổ.” Môsê cầu xin Chúa rằng, “Xin Chúa tỏ lòng khoan dung đối với tội lỗi dân Chúa.” Qua lời cầu bầu của Môsê, Chúa đã nguôi cơn giận, không thực hiện điều đe dọa trừng phạt. Trong phúc âm, Chúa Giêsu khiển trách những người lắng nghe Ngài. Họ thiếu tình yêu của Chúa. Họ chỉ tìm kiếm sự vinh danh cho bản thân, và họ quan tâm đến lợi ích của họ khi giải thích Kinh thánh.
Thiên Chúa không hài lòng về điều đó, nhưng Ngài đủ kiên nhẫn để chứng tỏ thiên tính của Ngài. Chúa Giêsu là Đấng trung gian cho dân Chúa. Ngài như là Môsê mới để chuyển cầu cho dân. Ta may mắn khi có Đức Kitô làm trung gian cầu xin cho ta. Trong Chúa Giêsu, ta có thể xác định chính mình bởi vì ta có thể nhận ra mình là ai. Ngài chọn vì con người. Ngài bảo vệ và bao bọc ta. Trong mùa Chay, ta hãy làm mới tâm hồn để chiêm ngưỡng khuôn mặt thật của Chúa Giêsu. Hãy lưu tâm đến người mà ta tôn kính. Ta hãy suy niệm, hy sinh và cầu nguyện khiêm nhường hơn và sâu sắc hơn để ở lại trong Đức Kitô. “Lạy Chúa, xin nhớ chúng con khi gia ân huệ cho dân Ngài.”
Lm. Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay trình bày Chúa Giêsu nói với những người Do thái: “Nếu tôi làm chứng về chính mình, thì lời chứng của tôi không thật. Có Đấng khác làm chứng về tôi, và tôi biết: lời Người làm chứng về tôi là lời chứng thật. Chính các ông đã cử người đến gặp ông Gioan, và ông ấy đã làm chứng cho sự thật. Phần tôi, tôi không cần lời chứng của một phàm nhân, nhưng tôi nói ra những điều này để các ông được cứu độ.”
Câu nói này cho chúng ta thấy điều gì? Thưa cho chúng ta thấy được một điều là Chúa không làm chứng cho chính mình, nhưng Chúa Cha sẽ làm chứng cho Chúa Giêsu và Chúa Giêsu xác tín vào lời chứng của Chúa Cha.
Còn việc Chúa Giêsu nói: “Tôi không cần lời chứng của một phàm nhân, nhưng tôi nói ra những điều này để các ông được cứu độ.” Câu nói này của Chúa Giêsu có phải không cần người khác làm chứng cho chính mình? Thưa không phải là Chúa không cần người làm chứng cho Chúa, bởi trong ý nghĩa của trang Tin mừng hôm nay thì đối với Chúa Giêsu, Ngài đã có Chúa Cha làm chứng là đủ rồi, không cần chứng của phàm nhân.
Nhưng chúng ta cần hiểu thêm nữa, đó là Chúa cần người khác làm chứng cho Chúa là vì con người, là để con ngươi được ơn cứu độ, chúng ta hãy nhớ lại lệnh truyền truyền giáo của Chúa Giêsu: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án” (Mc 16,15-16). Khi suy tư về điều này, chúng ta thấy một đàng Chúa Giêsu cần lời chứng của Chúa Cha, một bên Chúa Giêsu cần lời chứng của con người.
Câu chuyện vui mang tên Chúa cần gì? được chia sẻ như thế này: Trên một chuyến tàu lửa, một Giám mục hưu trí đang nói chuyện với một Linh mục trẻ về những trải nghiệm không ít gian nan của ngài. Rồi Giám mục yêu cầu người bạn trẻ kể lại hành trình ơn gọi của mình. Vị Linh mục trẻ kiểu cách đáp, “Ồ, thưa Cha, nói thật ra thì rất đơn giản, chỉ vì Chúa cần con”. Vị Giám mục nhận xét, “Này anh bạn, ở đây, có một sự trùng hợp đến thú vị, nếu như tôi còn nhớ, trong Tin Mừng, thì chỉ một lần Chúa Giêsu nói Ngài cần một cái gì đó, ấy là dịp Ngài sắp sửa vào thành Giêrusalem, Ngài nói Ngài cần một con lừa”.
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta hiểu được Chúa cần chúng ta làm chứng cho Chúa thì không phải vì Chúa mà là vì con người, để con người được biết Chúa, được ơn cứu độ, nên chúng ta được mời gọi ý thức để đừng kiêu ngạo khoe khoang, rằng Chúa cần chúng ta vì chúng ta cần thiết, nhưng Chúa cần chúng ta vì sự cần thiết của con người. Amen.
Thứ Sáu - Tuần IV Mùa Chay
(Kn 2,1a.12-22; Ga 7,1-2.10.25-30)
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Kn 2,1a.12-22: Chúng ta hãy kết án cho nó chết cách nhục nhã.
Tv 34,19: Chúa gần gũi những kẻ đoạn trường.
Ga 7,1-2.10.25-30: Chúng tìm cách bắt Người, nhưng chưa tới giờ Người.
Sống với Chúa Giêsu Kitô bao năm mà người ta vẫn còn bối rối và không có bình an vì không biết Đức Giêsu. Khi dân chúng đối mặt với Đức Giêsu, có những hiểu lầm và giả định về Ngài là ai, Ngài sẽ hoặc sẽ không ứng nghiệm những lời tiên tri trong Cựu Ước như thế nào, và những gì Ngài sẽ hoàn thành.
Có một kế hoạch chuẩn bị giết Đức Giêsu, nhưng các nhà lãnh đạo tôn giáo còn có một số nhầm lẫn về danh tính trần thế của Ngài. Có vẻ như danh tính của Đức Giêsu tăng lên khi Ngài bị nghi ngờ. Đức Giêsu xác định chính Ngài là “được sai đến bởi Thiên Chúa” (x. Ga 7,28). Ngài là người làm chủ tình hình, và không ai được chạm vào Ngài bởi vì giờ Ngài chưa đến. Đức Giêsu cho thấy Ngài không phải là một nhà lãnh đạo chính trị lật đổ sự áp bức của La Mã mà là Người Tôi Tớ Đau khổ như Isaia tiên báo.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết trong “Niềm Vui Tin Mừng”: “Niềm vui của Phúc âm tràn ngập tâm hồn và cuộc sống của tất cả những ai gặp gỡ Đức Giêsu.” Ta phải giúp người mà ta gặp gỡ vượt qua những giả định và phán xét về Đức Giêsu là ai và Giáo hội là gì và tạo điều kiện cho họ gặp gỡ Đức Giêsu. Khi một người biết Đức Giêsu là ai, thì sẽ vui mừng và bình an.
Lm. Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay trình bày việc Chúa Giêsu đi lên Giêrusalem dự lễ lều, nhưng đi một cách không công khai, vì người Do thái tìm cách giết Người. Thế nhưng, khi Chúa Giêsu vẫn bị phát hiện, họ nói: “Ông này không phải là người họ đang tìm giết đó sao? Kìa, ông ta ăn nói công khai mà họ chẳng bảo gì cả. Phải chăng các nhà hữu trách đã thực sự nhìn nhận ông là Đấng Ki-tô? Ông ấy, chúng ta biết ông xuất thân từ đâu rồi; còn Đấng Ki-tô, khi Người đến thì chẳng ai biết Người xuất thân từ đâu cả.”
Nên chúng ta thấy, những điều Chúa Giêsu nói luôn luôn đúng, luôn luôn ứng nghiệm, chúng ta hãy nhớ có lần Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: “Vậy anh em đừng sợ người ta. Thật ra, không có gì che giấu mà sẽ không được tỏ lộ, không có gì bí mật, mà người ta sẽ không biết. Điều Thầy nói với anh em lúc đêm hôm, thì hãy nói ra giữa ban ngày; và điều anh em nghe rỉ tai, thì hãy lên mái nhà rao giảng.” Và sau đó Chúa Giêsu nói thêm: “Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hoả ngục. Hai con chim sẻ chỉ bán được một hào phải không? Thế mà, không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Cha anh em. Thì đối với anh em cũng vậy, ngay đến tóc trên đầu anh em, Người cũng đếm cả rồi. Vậy anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ. Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 10,26-33).
Như vậy, nếu như lời của Chúa Giêsu nói luôn ứng nghiệm, thế thì hôm nay tại sao Chúa Giêsu lại lên Giêrusalem cách bí mật? Có phải Chúa sợ? Thưa không phải là Chúa Giêsu sợ, và đoạn cuối trang Tin mừng hôm nay có cho chúng ta biết là vì giờ của Chúa chưa đến, nên cho dù người Do thái có tìm bắt Chúa, có tìm giết Chúa cũng không được, cũng không ai có thể động vào Chúa Giêsu. Nếu đọc những đoạn Tin mừng khác, chẳng hạn như khi Phêrô ngăn cản, Chúa Giêsu đã nói: “Xa-tan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (Mt 16,23) hay “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà làm theo ý Cha” (Lc 22,42).
Noi gương Chúa Giêsu mỗi người chúng ta là những môn đệ của Chúa biết tin vào những lời Chúa nói, cũng như xác tín vào những việc Chúa làm điều có lý do của nó, để mỗi người chúng ta biết khôn khéo dùng lời nói và hành động làm chứng cho Chúa, giải thích cho người khác hiểu về Chúa, để nhiều người được biết Chúa. Amen.
Thứ Bảy - Tuần IV Mùa Chay
(Gr 11,18-20; Ga 7,40-53)
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Gr 11,19-20: Con như chiên con hiền lành bị đem đi giết.
Tv 7,2a: Lạy Chúa là Thiên Chúa con, con đến nương nhờ Ngài.
Ga 7,40-53: Đấng Kitô xuất thân từ Galilêa sao?
Phúc Âm trình bày những phản ứng khác nhau mà những lời của Chúa Giêsu đã tạo ra. Bản văn của Gioan không cung cấp bất kỳ lời nào từ Chúa Giêsu, nhưng nó đề cập đến hệ quả của những gì Ngài đã nói. Một số người nghĩ rằng Ngài là một nhà tiên tri; những người khác nói rằng Ngài là Chúa Kitô. Đám đông bị chia rẽ.
Chúng ta có thể thấy rằng mọi người chia rẽ nhau vì họ không biết Chúa Giêsu là ai. Ngay cả ngày nay, mọi người vẫn còn nhầm lẫn về Sự thật, Con đường và Sự sống của Ngài. Câu trả lời của các sĩ quan cho thấy sức mạnh của lời nói của Đấng Kitô: “Trước đây chưa từng có ai nói như người này” (Ga 7,46). Nó giống như nói rằng: Lời nói của Ngài khác biệt; lời Ngài không phải là những lời nói suông, khoe khoang, đầy kiêu ngạo và giả dối. Ngài là “Sự thật,” và cách nói của Ngài phản ánh thực tế này. Ngôn từ và hành động của Chúa Giêsu cho thấy Ngài là Thiên Chúa tràn đầy tình yêu.
Ngày nay, Kitô hữu phải là “dấu hiệu của sự mâu thuẫn” bởi vì chúng ta không nói và cư xử như những người khác. Bằng cách noi gương và theo Chúa Giêsu, ta cũng phải sử dụng “ngôn ngữ của bác ái và tình yêu thương.” Yêu thương trong sự thật sẽ nối kết mọi người trong Chúa Kitô.
Lm. Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay trình bày những người Do thái tranh cãi với nhau về căn tính của Chúa Giêsu: “Ông này thật là vị ngôn sứ.” Kẻ khác rằng: “Ông này là Đấng Ki-tô.” Nhưng có kẻ lại nói: “Đấng Ki-tô mà lại xuất thân từ Ga-li-lê sao? Nào Kinh Thánh đã chẳng nói: Đấng Ki-tô xuất thân từ dòng dõi vua Đa-vít và từ Bê-lem, làng của vua Đa-vít sao?” Và Tin mừng kết luận: “Vậy, vì Người mà dân chúng đâm ra chia rẽ.”
Chúng ta thấy sự kiện này có ứng nghiệm lời của Chúa Giêsu nói hay không? Thưa cũng một phần nào đó ứng nghiệm, vì có lần Chúa Giêsu đã nói: “Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát” (Mt 10,21-22).
Nhưng bên cạnh ý nghĩa đó, chúng ta thấy con người thời đại của Chúa Giêsu thời bấy giờ đang bị bệnh tưởng, bởi Chúa Giêsu đúng là sinh ra tại Bêlem và từ dòng dõi vua Đavit, còn Nadaret xứ Galile là nơi mà Chúa Giêsu sinh trưởng, bởi vì họ bị bệnh tưởng nên họ đã có kết luận sai lầm về Chúa Giêsu.
Ngày nay chúng ta thấy con người của mình có bị bệnh tưởng như những người Do thái thời xưa không? Thưa có, thời nào cũng có những con người bị bệnh tưởng, có kẻ tưởng mình khôn ngoan nên kiêu căng và ngạo mạn, người khác tưởng mình dốt nát nên mặc cảm tự ty, có kẻ tưởng mình tài giỏi nên không chịu nghe ai góp ý. Bất chấp cộng đồng, đường ta ta cứ đi, việc ta ta cứ làm. Có người tưởng mình vô dụng nên chẳng dám làm công việc nào, đi nhà thờ giữ luật rồi lầm lì ra về…
Từ bệnh tưởng đó nhiều khi làm cho chúng ta không còn là chính mình nữa, mà chúng ta đang sống trong mắt của người khác. Vì thế thánh Phaolô khuyên: “Bởi vậy, ai tưởng mình đang đứng vững, thì hãy coi chừng kẻo ngã” (1Cr 10, 12).
Có một câu chuyện vui được chia sẻ như thế này:
Tại bệnh viện tâm thần nọ, có môt bệnh nhân cứ tưởng mình là hạt thóc, vì thế khi thấy con gà, anh sợ run cả người, ôm đầu chạy trốn vì sợ gà mổ. Sau mấy tháng chữa trị, bệnh anh đã thuyên giảm. Một hôm bác sĩ dẫn anh đi một vòng quanh khu vực nhà bếp của bệnh viện xem anh khỏi hẳn chưa. Thình lình anh trông thấy một con gà mái, khiếp sợ quá, anh vội vàng, sợ sệt trốn sau lưng bác sĩ. Bác sĩ dịu dàng bảo: “Đừng sợ! Này sao anh lại sợ con gà? Bây giờ anh đã hết bệnh rồi. Anh có biết rằng mình là con người chứ không phải làm hạt thóc không?” Bệnh nhân đáp một cách mạnh dạn: “Tôi biết chứ, tôi là con người mà tôi không phải hạt thóc! Nhưng con gà nó đâu có biết như vậy, nó cứ tưởng tôi là hạt thóc mới chết chứ.”
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta hiểu được điều đó, để đừng tưởng này tưởng kia, nhưng hãy tin, tin vào Chúa, hướng lòng về Chúa để sống những điều Chúa dạy trong cuộc đời của mình, lúc đó chúng ta mới là chính mình thật sự. Amen.