26/01/2025
153
Suy niệm hằng ngày_ Tuần III Thường Niên







 

 

 


 

CHÚA NHẬT III THƯỜNG NIÊN - C

(Nkm 8,2-4a.5-6.8-10; 1 Cr 12,12-30; Lc 1,1-4; 4,14-21)

Tôma Lê Duy Khang

Bài đọc 2 trích thư thứ hai của thánh Phaolo tông đồ gởi tín hữu Côrintô nói về hình ảnh của sự hợp nhất, thánh Phaolo ví thân thể của con người chỉ là một nhưng có nhiều bộ phận, mặc dầu nhiều bộ phận nhưng chỉ có một thân thể, để nói về thân thể Chúa Kito, và mỗi người chúng ta là một bộ phận.

Vậy làm thế nào để hợp nhất?

Chúng ta hãy nhớ lại câu chuyện 5 ông thầy bói mù xem voi là một minh họa cho chúng ta:

Có 5 ông thầy bói mù, ông nào cũng chưa từng một lần nhìn thấy con voi nên không biết hình thù nó ra sao. Bỗng nghe dân tình kháo nhau có người đang dắt voi đi ngang qua làng. Năm ông thầy bói chung tiền vào đưa cho người quản voi bảo họ cho voi dừng lại để xem.

   Ông sờ vòi, ông sờ ngà, ông thì sờ chân, ông thì sờ tai còn ông thì sờ đuôi. Sau khi sờ voi kĩ lưỡng thì 5 ông thầy lần lượt phán.

   Thầy sờ vòi của voi thì phán:

   – Tôi cứ tưởng con voi nó thế nào chứ hóa ra nó cũng sun sun như con đỉa thôi

   Thầy sờ ngà voi thì lại phán:

   – Tôi thấy nó đâu có như con đỉa, nó dài dài cứng cứng như cái đòn càn

   Tiếp đến thầy sờ tai thì phán:

   – Không phải, nó bè bè như là cái quạt thóc

   Thầy sờ chân voi phản ứng ngay:

   – Các ông đều sai hết, nó sừng sững như là cái cột đình vậy

   Cuối cùng thầy sờ đuôi phán:

   – Bốn ông chả ai nói đúng cả, tôi thấy nó tua tủa như là cái chổi xể cùn

   Năm ông thầy mỗi ông một ý, không ông nào chịu nhường ông nào cả nên nhảy vào cãi lộn rồi xô xát đến mức sứt đầu mẻ trán.

Chúng ta thấy 5 ông thầy bói đâu có thấy được gì, nhưng 5 ông chỉ nghe thôi, và khi nghe không đúng ý của mình, thế là xảy ra tranh cãi.

Trong phạm vi của các bài đọc lời Chúa hôm nay, thì chúng ta thấy để có thể hợp nhất thì cần có lời của Chúa, một lời nói thống nhất giúp con người dễ thống nhất với nhau.

Trong bài đọc 1 chúng ta nghe kể câu chuyện đó là sau khi tìm thấy Sách Luật trong đền thờ Giêrusalem, vua Giôsaphat truyền cho các tư tế phải đọc cho dân nghe từng phần để khám phá và đón nhận giáo huấn của Chúa, là giáo huấn đã bị quên lãng qua nhiều thế hệ. dân chúng chăm chú lắng nghe sách luật, vừa với tâm tình sám hối ăn năn, vừa trong tâm tình hân hoàn vui sướng, hay nói cách khác đó là lời của Chúa đã thấm nhập vào con người giúp họ thăng tiến và nhận ra những điều kỳ diệu Chúa đã thực hiện, chính điều đó là cho con người hợp nhất.

Bài đọc tin mừng cũng là một minh họa cho chúng ta khi biết được mục đích của việc Luca viết sách tin mừng là để cho Theophilo nhận thức được rằng giáo huấn mà ông đã học được là giáo huấn chính thống, giáo huấn vững chắc.

Và một cách cụ thể ở phần thứ hai của đoạn tin mừng đó là việc Chúa Giêsu chính là Người đã ứng nghiệm lời của ngôn sứ Isaia: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.

Đức Giê-su cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường, rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ: "Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe."

Chúng ta để ý tin mừng ghi lại Chúa không đọc lời Chúa, mà tin mừng chỉ nói người ta trao cho Chúa Giêsu và gặp đoạn sách ngôn sứ Isaia, bởi nếu Chúa đọc thì Chúa chỉ là người phát ngôn viên, nhưng đẳng này chính Chúa là Đấng mà sách ngôn sứ Isaia đã nhắc tới.

Nếu đọc tin mừng trong tính tổng thể, chúng ta cũng thấy được có lần Chúa Giêsu đã nói với dân chúng và các môn đệ: “Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên toà ông Mô-sê mà giảng dạy. Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm. Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào.” (Mt 23,2-4).

Nghĩa là nếu hành động có làm sai, nhưng Lời Chúa không thể nói sai, vì Lời Chúa phải nói đúng, vì đó là lời của Chúa, đó là một sự thống nhất, mà ngay cả các biệt phái Pharisieu giả hình cũng không dám thay đổi.

Xin cho mỗi người chúng ta hiểu được như vậy, để dù như thế nào đi chăng nữa, cũng phải biết nói về Chúa dựa vào kinh thánh, chứ không dựa vào lời cá nhân của mình, có như thế, mới có sự thống nhất trong chính đời sống của chúng ta, có như thế chúng ta mới có thể hợp nhất với thân thể của Chúa Kito. Amen.



Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Nkm 8,2-4.5-6.8-10: Họ đọc trong sách Luật và người ta hiểu được điều đã đọc.

Tv 19: Lạy Chúa, lời Chúa là thần trí và là sự sống (Ga 6,63).

1 Cr 12,12-30: Anh em là thân xác Chúa Kitô, và là chi thể của Người.

Lc 1,1-4; 4,14-21: Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này.

Các bài đọc hôm nay nhắc nhở ta về sự chú ý. Trong bài đọc từ sách Nơkhêmia, Esdras đọc rõ ràng từ sách luật cho những người được tụ họp, kể cả trẻ em đủ lớn để hiểu. Khi họ nghe thấy những lời Esdras đang đọc, mọi người nhận ra tội lỗi của họ và bắt đầu khóc. Tuy nhiên, Esdras trấn an họ về tình yêu thương của Chúa. Thật là một lời nhắc nhở mạnh mẽ đối với ta để lắng nghe lời Chúa một cách cẩn thận và luôn luôn nhớ rằng Chúa là sức mạnh của chúng ta.

Trong Phúc âm, Luca cố gắng đảm bảo với Theophilê về sự cẩn thận và chính xác trong lời tường thuật của ông về việc Chúa Giêsu đang đọc trong hội đường. Chúa Giêsu đọc từ cuộn sách về lời tiên tri của mình và sau đó nói: “Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này.” Sẽ thật tuyệt vời nếu các thông điệp luôn rõ ràng như vậy. Đoạn văn được ứng nghiệm trong lời nói và việc làm của Chúa Giêsu Kitô vào thời điểm đó. Và bây giờ, các Kitô hữu tiếp tục sứ mệnh của Chúa Giêsu bằng cách yêu thương và giúp đỡ những người nghèo, những người bị giam cầm, những người mù và những người bị áp bức dưới bất kỳ hình thức nào. Vì Chúa là nguồn sức mạnh và tình yêu.




THỨ 2 TUẦN III THƯỜNG NIÊN

Mc 3,22-30

Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng trình bày cho chúng ta thấy có những luật sĩ nói Chúa Giêsu là bị quỷ Bêendebun ám, và cũng nhờ thế của quỷ vương mà trừ quỷ.

Ở đây chúng ta không chia sẻ với nhau về lời giải thích của Chúa Giêsu, mà chúng ta chia sẻ với nhau một điểm đó là tại sao những người luật sĩ này lại nói Chúa Giêsu như thế?

Chúng ta biết sở dĩ những người luật sĩ nói Chúa Giêsu như thế không phải chỉ vì lý do ghen tỵ với Chúa Giêsu, mà còn lý do sâu xa hơn nữa là họ không chịu tin vào Chúa Giêsu, vì không tin nên mới nói Chúa Giêsu là bị quỷ ám, giống như những người thân nhân của Chúa Giêsu không biết được sứ vụ của Chúa Giêsu nên khi dân chúng tìm đến với Chúa Giêsu, họ đã đi tìm bắt Chúa Giêsu vì cho rằng người đã bị mất trí.

Hay khi thánh Giuse và Đức mẹ lạc mất Chúa Giêsu trong đền thờ Giêrusalem, khi tìm được Chúa Giêsu thì Đức mẹ nói: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con! " Người đáp: "Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao? " (Lc 2,48-49). Nếu Mẹ Maria biết Chúa Giêsu có sứ vụ ở nhà của Chúa Cha thì sẽ không đi tìm, và sẽ không hỏi Chúa Giêsu: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!”.

Nên chúng ta thấy nguyên nhân bắt đầu mọi chuyện chỉ là một chữ “Không”, không tin, không biết, không làm theo… nên đã lên án Chúa Giêsu.

Trong đời sống của chúng ta có câu nói vui như thế này: “Biết thì thưa thì thốt, không biết thì dựa cột mà nghe”, nếu chúng ta không biết, mà chúng ta nói, thì thành ra là nói sai, thậm chí chính lời nói của chúng ta sẽ làm ảnh hưởng đến người khác.

Chúng ta đào sâu thêm một chút xíu nữa không phải lúc nào chữ không cũng mang nghĩa xấu, nhưng đôi lúc chữ không cũng mang nghĩa tốt, để giúp chúng ta cắt đứt với những điều có nguy cơ gây việc tội cho chúng ta.

Chẳng hạn biết mình nói điều gì đó sẽ làm ảnh hưởng đến người khác thì nhất quyết không nói, biết mình uống một chén rượu sẽ đánh mất đi tư cách của chúng ta nhất quyết không uống, khi đi đến chỗ nào đó mà đánh mất tư cách của mình, làm gương xấu cho người khác nhất quyết không đi, khi biết một hành động nào đó mà ta làm sẽ ảnh hưởng đến người khác nhất quyết không làm, còn ngược lại, khi làm một điều gì đó, khi nói một điều gì đó mà đem lại lợi ích, thì cho dù lời nói đó, việc làm đó, dù rất nhỏ thì nhất quyết không thể không làm, nghĩa là buộc chúng ta phải làm.

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta hiểu được như vậy, để biết điều chỉnh lại đời sống của mình, để nói không với những điều không nên nói, nói không với những điều không nên làm, và nói, cũng như làm những điều cần làm dù là nhỏ nhất để sinh lợi cho đời sống của chúng ta, cũng như cho anh em của ta. Amen.




Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Dt 9,15.24-28: Đức Ki-tô đã tự hiến tế chỉ một lần, để xoá bỏ tội lỗi muôn người. Người sẽ xuất hiện lần thứ hai cho những ai trông đợi Người.

Tv 98,1: Hát lên mừng Chúa một bài ca mới, vì Người đã thực hiện bao kỳ công.

Mc 3,22-30: Satan phải diệt vong.

Phúc âm hôm nay mở đầu bằng việc các luật sĩ cáo buộc Chúa Giêsu bị Beelzebul ám. Chúa Giêsu đáp lại bằng cách nói trong dụ ngôn: “Satan lại trừ Satan làm sao được?” Và những lý do kèm theo. Trong suy nghĩ của nhiều người, Satan là một thế lực hùng mạnh và thường được ngụy trang nên khó nhận ra hắn. Điều này đúng, nhưng Chúa Giêsu bảo vệ chúng ta khỏi Satan và các công việc của hắn.

Hôm nay ta hãy dành chút thời gian để suy nghĩ về những cách mà Satan có thể đang hành động trong cuộc sống. Satan có thể lảng vảng mọi lúc, đặc biệt là khi con người dễ bị ảnh hưởng bởi tà ác hơn trong thời gian khó khăn. Chúng ta hãy thinh lặng cầu xin Chúa Giêsu ở lại và hướng dẫn và bảo vệ ta mỗi ngày vì Thầy biết rằng những người theo Ngài cũng trải qua sự cố chấp đó, ngay cả khi họ đang hành động có thiện ý vì lợi ích của những người không tin. Tất cả chúng ta sẽ phải đối mặt với những khó khăn và bị từ chối giống như Chúa Giêsu đã từng. Chúng ta đừng ngạc nhiên nếu thấy trên hành trình cuộc đời của chúng ta có những mâu thuẫn. Những giằng co, xung đột sẽ là dấu hiệu ta đang đi theo một lối sống đúng đắn. Và rồi, ta hãy cầu nguyện và xin Chúa ban cho ta sự kiên nhẫn cần thiết để chiến thắng tà thần.




THỨ 3 TUẦN III THƯỜNG NIÊN

Mc 3,31-35

Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay kể cho chúng ta câu chuyện Đức Mẹ và các anh em của Chúa Giêsu đến tìm Chúa.

Chúng ta biết rằng những anh em đến tìm Chúa Giêsu, họ chỉ là những anh em bà con họ hàng với Chúa Giêsu chứ không phải là những anh em theo kiểu huyết thống. Và điều này cho chúng ta thấy, dù Chúa Giêsu đi đâu làm gì thì Ngài cũng có người thân, vẫn có gia đình.

Và hình ảnh Chúa Giêsu có Mẹ và các anh em bà con họ hàng của Chúa đến thăm, cho chúng ta thấy được điều gì? thưa cho chúng ta thấy được rằng khi đi theo Chúa, khi làm môn đệ của Chúa không phải là từ bỏ gia đình người thân, không phải là từ bỏ gia đình, hay là cắt đứt liên lạc với gia đình.

Nhưng khi đi theo Chúa, chúng ta vẫn còn mối tương giao liên lạc với người thân yêu của chúng ta, nếu chúng ta nói chúng ta đi theo Chúa, mà chúng ta bỏ cha mẹ ông bà của mình thì đó là chúng ta đang vi phạm luật của Chúa, đó là hiếu thảo với ông bà cha mẹ của mình.

Chúng ta hãy nhớ lại trong tin mừng theo thánh Mattheu khi những người Pharisieu và kinh sư chỉ trích Chúa Giêsu về việc Chúa Giêsu không giữ tập tục của tiền nhân là rửa tay trước khi ăn, thì Chúa Giêsu đã nói: “Còn các ông, tại sao các ông dựa vào truyền thống của các ông mà vi phạm điều răn của Thiên Chúa? Quả thế, Thiên Chúa dạy: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử. Còn các ông, các ông lại bảo: "Ai nói với cha với mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi, thì người ấy không phải thờ cha kính mẹ nữa". Như thế, các ông dựa vào truyền thống của các ông mà huỷ bỏ lời Thiên Chúa.” (Mt 15, 3-6).

Hiểu được như thế, chúng ta được mời gọi hiếu thảo với ông bà cha mẹ của mình, đừng lấy lý do này hay lý do khác để thoái thác trách nhiệm làm tròn chữa hiếu của mỗi người chúng ta.

Bên cạnh mối liên hệ gia đình theo nghĩa huyết thống chúng ta không thể bỏ được, thì còn có một mối liên hệ khác nữa, đó là mối liên hệ thiêng liêng mà Chúa Giêsu đã đề cập đến: “Ai là mẹ Ta, ai là anh em Ta? Mẹ và anh em Ta là những ai làm theo ý Thiên Chúa”, đối với mối liên hệ thiêng liêng này chúng ta cũng không thể nào bỏ được.

Chính vì thế, là con cái của Chúa chúng ta được mời gọi nâng đỡ nhau, cầu nguyện cho nhau, dùng lời lẽ đức tin để an ủi nhau, nói theo thánh Phaolo thì “Anh em hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại; hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau. Anh em hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hoà gắn bó với nhau.” (Ep 4,2-3).

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết duy trì sự hiệp nhất trong mối liên hệ huyết thống, cũng như trong mối liên hệ thiêng liêng của mỗi người chúng ta, khi chúng ta duy trì được sự hợp nhất như thế, là chúng ta đang làm chứng nhân cho Chúa, để nhiều người được biết Chúa và tin theo Chúa. Amen.





Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Dt 10,1-10: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài.

Tv 40: Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Ngài (8a&9a).

Mc 3,31-35: Ai làm theo ý Thiên Chúa, thì người ấy là anh chị em và là mẹ Ta.

Ai làm theo ý Chúa thì được Ngài xem là người thân thích. Lời Chúa hôm nay mở mang tầm nhìn đức tin của những Kitô hữu. Thông thường thì ai ai cũng có cha có mẹ, họ hàng thân thuộc. Chúa Giêsu sống trong mái ấm gia đình khoảng ba mươi năm rồi mới đi thi hành sứ vụ công khai. Ngài vừa rời xa họ để đi theo tiếng gọi thiêng liêng, và giờ đây, Ngài cũng muốn nói rằng Ngài hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa Cha. Chúa Giêsu cho thấy mối liên hệ trần thế thường có giới hạn và mối liên hệ thiêng liêng thì rộng mở cho tất cả những ai lắng nghe và làm theo ý Thiên Chúa.

Chúa Giêsu đã chọn một gia đình thiêng liêng rộng mở hơn. Ngài đưa mắt nhìn những người ngồi vòng quanh, và nói: “Đây là mẹ Ta và anh em Ta. Vì ai làm theo ý Thiên Chúa, thì người ấy là anh chị em và là mẹ Ta” (Mc 3,34-35). Người thân của Ngài có những “đặc điểm” liên hệ nhất định. Chúa Giêsu đang khuyến khích những người hiện diện - và tất cả những người khác - hãy bước vào sự hiệp thông thiêng liêng với Ngài bằng cách tuân theo Thánh Ý Chúa. Đồng thời, Ngài cũng khen ngợi Mẹ Ngài, Đức Trinh Nữ Maria, người luôn được chúc phúc vì đã tin.




THỨ 4 TUẦN III THƯỜNG NIÊN

Mồng Một Tết

Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay nằm trong bối cảnh Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được.”

Chúng ta thấy giáo huấn này của Chúa Giêsu có dễ thực hiện không? thưa không dễ chút nào, bởi vì người ta nói đồng tiền đi liền khúc ruột, nên đồng tiền nó mạnh lắm nó có thể lôi kéo con người, nên con người không thể làm chủ được nó, thực tế đã cho chúng ta thấy được điều đó.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh có nói như thế này, ngài nói con cọp nó đi săn mồi, nó giết các con thú khác, thế nhưng có bao giờ chúng ta nghĩ thương cho con cọp không? vì con cọp chỉ khi nào đói mới đi săn. Con người không đói cũng đi săn.

Cũng vậy, có một triết gia từng nói: “Con người sở dĩ thống khổ không phải bởi vì mình có được quá ít, mà là muốn có được quá nhiều.”

Khi mình đã có tiền, đủ ăn rồi, mình vẫn đi săn như thường, mình muốn làm giàu hơn. Và khi mình muốn giàu hơn mình phải khai thác, khai thác nhiều hơn nữa, khai thác người khác, khai thác thị trường. Và mình gây đau khổ cho người khác.

Con người không bằng lòng, không mãn ý như là con cọp, hay là con sư tử. Vì con cọp, con sư tử khi nó ăn no rồi, nó buông cái con lại để cho những con khác ăn. Còn chúng ta, thì chúng ta không buông. Chúng ta giữ lại cho chúng ta. Và khi chúng ta no rồi, chúng ta vẫn đi kiếm mồi như thường"...

Chính vì thế, sau giáo huấn đó, Chúa Giêsu biết được tự sức các môn đệ không thể nào chiến thắng được, không thể nào làm chủ được tiền bạc, nên Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ đi thêm một bước nữa đó là phải tin tưởng vào Thiên Chúa quan phòng.

Bởi chỉ có Thiên Chúa mới là Đấng mạnh mẽ toàn năng, mang lại cho con người hạnh phúc đích thực và vĩnh cửu. Chỉ có tin nhận, tôn thờ Thiên Chúa Vĩnh cửu và nhờ Ngài, con người chúng ta mới có thể dễ dàng từ bỏ, hy sinh của cải tiền bạc cho tha nhân và xây dựng được hạnh phúc đích thực cho Nước Trời mai sau.

Có một câu chuyện mang tên đôi giày số 39 và 40 được kể như thế này:

Một bà lão nghèo hằng ngày vẫn đến nhà thờ trong ngôi làng nghèo hoang vắng để tham dự Thánh Lễ.

Mấy ngày nay bà không dự lễ nữa nên vị linh mục thắc mắc, Ngài đã lân la dò hỏi thì được biết rằng bà không đi nhà thờ do bà không có giày mang. Hỏi thăm thì vị linh mục biết được rằng đôi giày cũ của bà đã sửa đến 6 lần rồi và anh thợ sửa giày nói lần này không thể sửa được nữa. Vậy là bà không có giày để mang nên không thể vượt đường xa heo hút mà đến tham dự Thánh Lễ được.

Một người trong làng biết tin ấy đã gợi ý tặng bà lão đôi giày mới nhưng bà lão khước từ và nói: cảm ơn cô nhưng Chúa của tôi biết tôi cần gì và Ngài sẽ ban cho tôi.” Sau vài lần thuyết phục ko được người ấy bỏ ý định đó.

Vị linh mục hay tin ấy đã lặn lội tìm đến nhà bà mang theo một đôi giày để tặng bà: khi thấy vị linh mục đến bà cũng nói như nói với vị ân nhân kia: tôi cảm ơn ý tốt của Cha nhưng Chúa của tôi biết tôi cần gì Ngài sẽ ban cho tôi!

Vị linh mục nói: Thiên Chúa là tình yêu Ngài sẽ ban ơn lành của Ngài xuống trên bà thông qua anh chị em xung quanh bà.

Nhưng thưa bà hôm nay tôi thật xấu hổ khi nói với bà điều này, đôi giày tôi tặng bà thật không hoàn hảo. Một người bạn mua tặng tôi khi cô ta trở về nước thăm nhà nhưng do một sự nhầm lẫn nên cô ấy lấy nhầm đôi giày một bên phải số 40 và bên trái số 39.

Nhưng thật sự tôi không có đôi giày nào khác ngoài đôi này để tặng bà. Tôi hy vọng nó sẽ giúp được bà. Nhưng tôi bảo đảm nó thật sự tốt.

Bà lão vừa nghe xong đã vui mừng thốt lên: Tạ ơn Chúa Ngài thật vĩ đại. Con biết Ngài sẽ ban cho con những thứ con cần. Tạ ơn Chúa, Tạ ơn Chúa.

Vị linh mục hết sức ngạc nhiên và ngỡ ngàng rồi bà giải thích: thưa Cha bẩm sinh bố mẹ sinh tôi ra đã mang một đôi chân ko hoàn hảo. Nhưng gia đình tôi thật sự nghèo vì vậy khi mua giày tôi phải mua 2 đôi 2 size 39 và 40. Nên tôi rất quý đôi giày. Và khi đôi giày tôi bị hư thật sự tôi rất buồn và tôi cũng không thể nào yêu cầu vị ân nhân mua cho tôi cùng lúc 2 đôi được. Nên chúng ta thấy, nếu chúng ta tin tưởng vào tình yêu của Chúa chắn chắc Chúa sẽ ban ơn cho ta cách này hay cách khác.

Hôm nay là ngày mùng 1 tết, giáo hội cho chúng ta nghe đoạn tin mừng hôm nay là muốn mỗi người chúng ta trong năm mới này hãy biết dâng trọn cuộc đời cho Chúa, phó thác mọi sự trong tay Chúa.

Chúng ta không chỉ xin Chúa ban cho chúng ta những việc chúng ta cần để lo cho đời sống thể xác, nhưng chúng ta cũng hãy xin Chúa ban cho chúng ta những nhân đức cần thiết cho đời sống thiêng liêng của chúng ta, đó là điều mà có thể nói ai trong chúng ta cũng thiếu cả, mà quên xin Chúa.

Nói như vậy, không phải chúng ta chỉ biết xin và xin theo kiểu thụ động, theo kiểu há miệng chờ sung, nhưng phó thác, tin tưởng vào Chúa còn mời gọi chúng ta hãy biết cộng tác với ơn Chúa để ơn Chúa được sinh hoa kết quả trong cuộc đời của mỗi người chúng ta.

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta ý thức được điều đó và xin Chúa ban ơn và chúc lành cho mỗi người chúng ta trong năm mới này được mọi sự như ý Chúa. Amen.





Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

St 1,14-18: Phải có những vầng sáng…xác định các đại lễ, ngày và năm.

Tv 89,17c: Lạy Chúa, xin Ngài củng cố sự nghiệp tay chúng tôi làm ra.

Pl 4,4-8: Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em.

Mt 6,25-34: Trước hết, hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người.

Lời Chúa ngày đầu xuân đem đến cho ta biết bao điều tốt đẹp với những bài học đối nhân xử thế để có bình an, hạnh phúc, đồng thời thoát khỏi những lo lắng của đời sống hằng ngày. Vì Chúa đã lo cho nhân loại những sự trọng đại và sắp xếp hài hòa. Người lo cho có Mặt Trời, Mặt Trăng cùng muôn tinh tú để phân định ngày đêm. Người làm cho tiết mùa xuân se lạnh, mát dịu và muôn hoa bừng sắc thắm. Lòng người trong mùa tết cũng rộn ràng, vui tươi, bình an hơn.

Sống với hơi thở và dòng chảy bất tận của tết và thấy rằng chỉ còn ít giờ nữa là tới giao thừa mà nhà nhà vẫn tất bật chuẩn bị sửa sang, lau chùi, trang trí nhà cửa, sẵn sàng các loại bánh mứt…Tóm lại là chuẩn bị cái ăn, cái mặc, và cái đẹp nữa. Tâm tình người Việt quý trọng sự chan hòa, vui vẻ, sum vầy, hạnh phúc là điều rất đáng quý và bảo tồn theo dòng thời gian. Còn hơn thế nữa, là người Công giáo Việt Nam, ta còn được Chúa dạy cho biết là những gì chính trực tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh và đáng khen thì hãy để ý. Nguyện chúc mọi người năm Ất Tỵ thông minh, mạnh mẽ, dẻo dai, có Chúa hiệp hành.




THỨ 5 TUẦN III THƯỜNG NIÊN

Mồng Hai Tết

Tôma Lê Duy Khang

Ngày xuân chúng ta chúc tuổi nhau: chúc nhau sống lâu, sống thọ. “Chúc nhau trăm tuổi bạc đầu râu” như Tú Xương đã viết.

Ngày xuân chúng ta chúc nhau một năm hạnh phúc. Năm mới chúc ông bà anh chị cô chú được bình an hạnh phúc.

Chúng ta thấy, “Sống lâu” và “hạnh phúc” là hai ước nguyện người ta thường cầu chúc cho nhau trong ngày tết.

Nhưng làm sao để sống lâu và sống hạnh phúc?

Trong một chương trình truyền hình, cô phóng viên kia đã phỏng vấn một cụ già, tuổi hạc đã cao nhưng phong cách rất thơ thới hạnh phúc, rằng: "Thưa cụ, chắc cụ có một bí quyết đặc biệt nào đó để sống lâu và vẫn hạnh phúc?"

Cụ trả lời ngay: "Tôi chẳng có bí quyết nào gọi là đặc biệt cả. Mà nó đơn giản như chiếc mũi trên mặt cô vậy.” Cụ giải thích tiếp: "Mỗi sáng khi thức dậy tôi có 2 điều để chọn lựa: một là sống hạnh phúc, hai là sống bất hạnh. Cô nghĩ xem, tôi sẽ chọn điều nào?  Dĩ nhiên tôi phải chọn sống hạnh phúc chứ."

Abram Lincoln đã nói như sau: "Con người sở dĩ có hạnh phúc hay không cũng do lòng mình mà ra.” Chúng ta có thể được hạnh phúc nếu chúng ta muốn như thế.

Còn chúng ta chọn sống bất hạnh, thì chúng ta cũng sẽ được: cứ đi đến đâu cũng than thân trách phận đi; cứ chê cái này trách cái kia, phê người này bình người nọ, bạn sẽ được cái bạn phê, bạn chê...

Còn nếu chúng ta sáng dậy mỗi sớm, tự nhủ lòng rằng "cám ơn Chúa đã cho một ngày mới tốt đẹp, một ngày đáng sống. Tôi chọn sống hạnh phúc." thì chắc chắn chúng ta cũng sẽ đạt được điều bạn muốn.

Ông bà anh chị em có nghe chuyện chiếc lá cuối cùng không?

Nhà văn nổi tiếng người Mỹ O. Henry có viết một truyện ngắn mang tựa đề "Chiếc lá cuối cùng". Trong đó, ông kể về một cô gái bị bệnh nặng luôn ngồi bên cửa sổ đăm đăm nhìn vào một cái cây bên ngoài. Ðang là mùa đông, các cành cây đã trút hết lá chỉ còn lại một chiếc trơ trụi, cô gái thầm nhủ: "Khi chiếc lá cuối cùng này rơi xuống thì mình sẽ chết".

Một họa sĩ già hiểu được tâm trạng tuyệt vọng của cô gái liền quyết định vẽ một chiếc lá "vĩnh cửu" treo lên một nhánh cây. Nhờ hàng ngày ngắm nhìn chiếc lá đó mà cô gái đã vượt qua cơn nguy kịch.

Như thế, bí quyết để lời chúc sống lâu và hạnh phúc đó có thể hành hiện thực. Đó là bí quyết dựa trên "tâm lý": tự mình nhủ lòng rằng mình sẽ sống hạnh phúc, là mình sẽ sống lâu và sống hạnh phúc.

Nhưng đối với chúng ta, những người tin Chúa, chúng ta còn có một con đường khác để sống lâu và hạnh phúc.

Đó là con đường nào, đó là bí quyết nào? thưa con đường hay bí quyết này được sách Xuất Hành 20:12 và nhất là sách Đệ nhị Luật 5:16 ghi lại: "Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, như Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã truyền cho ngươi, để được sống lâu, và để được hạnh phúc trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa ngươi, ban cho ngươi.”

Thánh Phaolô trong thư gửi cho tín hữu Êphêsô (Ep 6:2) lập lại điều luật này và nhấn mạnh: “Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: để ngươi được hạnh phúc và sống lâu trên mặt đất này.”

Nên chúng ta thấy, khi tôn kính ông bà cha mẹ, không phải ta sẽ được công phúc, được phần thường đời sau, mà ngay ở đời này, trên mảnh đất này, ta đã được hạnh phúc và sống lâu.

Còn ngược lại thì sao? Kinh thánh không có nói nhưng ai trong chúng ta cũng hiểu, chắc chắn khi chúng ta không hiếu thảo với ông bà cha mẹ chắc chắn chúng ta sẽ không có được hạnh phúc đích thực, mà không có hạnh phúc đích thực thì làm gì mà sống lâu được, nếu có sống lâu thì cũng không có hạnh phúc.

Có hai vợ chồng kia rất giàu có, nhưng lại hà tiện keo kiệt. Họ sống với người cha chồng già 80 tuổi. Vì tuổi cao, sức yếu, tay chân run rẩy, nên lúc ăn cơm ông cụ thường làm rớt chén cơm, chén bể, cơm vung vãi. Người vợ thấy vậy, rất bực mình vì tiếc của. Chị ta xúi chồng rầy la và mắng nhiếc ông cụ thậm tệ. Vì thế, nhiều lúc ông cụ ngồi ăn mà nước mắt rơi đầy chén cơm.

Hai vợ chồng thấy ông cụ làm vỡ chén hoài như vậy, liền bàn nhau đẽo cho cha già cái chén bằng gỗ thật dày. Nếu có rơi, cũng không bể chén. Họ rất hài lòng về sáng kiến này.

Một ngày kia, hai vợ chồng đi xa về, họ nhìn thấy đứa con trai 8 tuổi, đang mải miết làm một cái gì đó. Nhìn kỹ, họ thấy nó đang đẽo gọt 2 cái chén gỗ. Người vợ liền hỏi: Con làm gỉ vậy? Nó ngây thơ trả lời: Thưa cha mẹ, con làm 2 cái chén gỗ, để khi cha mẹ già như ông nội, con sẽ bới cơm cho cha mẹ ăn.

Lời con trẻ như lưỡi dao xuyên qua lòng hai vợ chồng. Họ cảm thấy hối hận, và từ đó luôn đối xử tốt với cha già.

Đó cũng là bài học cho chúng ta hôm nay. Nếu chúng ta yêu thương thảo kính với cha mẹ, con cái chúng ta cũng sẽ yêu thương thảo hiếu với chúng ta.

Hôm nay mùng 2 tết, ngày tôn kính ông bà tổ tiên, chúng ta xin Chúa cho ông bà cha mẹ chúng ta, nếu đã ra đi trước, thì được hưởng hạnh phúc đời đời với Chúa; nếu ông bà cha mẹ còn sống, thì xin cũng được sống thọ, sống an khang hạnh phúc.

Và xin cho chúng ta, những người thực thi việc tôn kính ông bà cha mẹ tổ tiên, cũng được lời hứa mà Chúa dạy xưa làm phần thưởng, tức là sống lâu và nhất là sống hạnh phúc. Amen



Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Hc 44,1.10-15: Chúng ta hãy ca tụng các bậc cha ông của chúng ta đã sống qua các thời đại.

Tv 128,1: Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ Chúa, ăn ở theo đường lối của Người.

Ep 6,1-4.18-23: Hãy tôn kính cha mẹ, để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này.

Mt 15,1-6: Thiên Chúa dạy: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ.

Mùng Hai Tết, Giáo hội kính nhớ Tổ tiên, ông bà cha mẹ. “Thiên Chúa dạy: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ.” Truyền thống tốt đẹp này được duy trì qua muôn thế hệ cho đến nay. Tưởng nhớ không chỉ là ít phút mặc niệm mà là khơi gợi những điều tốt đẹp của tiền nhân để “ca tụng các bậc cha ông của chúng ta đã sống qua các thời đại.” Họ không phải ai xa lạ mà chính là những đấng sinh thành đã cộng tác với Chúa để tạo nên chính bản thân ta. Qua Tổ tiên, ông bà cha mẹ, chúng ta hướng về chính Đấng Tạo Thành là Thiên Chúa. Chính tâm tình tri ân cảm tạ dành cho Chúa và cho tiền nhân mà ta hướng đến bến bờ hạnh phúc.

Lời Chúa giúp ta vững tin hơn vào việc thờ kính Thiên Chúa và tổ tiên để có được hạnh phúc. Ngày tết người người chúc nhau hạnh phúc và sống lâu. Có một hạnh phúc được dệt nên bởi chính đời sống của ta. Thánh vịnh cho biết rằng: “Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ Chúa, ăn ở theo đường lối của Người.” Kính sợ Chúa và yêu mến Người trên hết mọi sự, và thảo kính cha mẹ còn sống hay đã qua đời là chính Chúa dạy ta.


 


THỨ 6 TUẦN III THƯỜNG NIÊN

Mồng Ba Tết

Tôma Lê Duy Khang

Suy gẫm tin mừng hôm nay, chúng ta thấy có một điều lạ, đó là khi ông chủ giao cho các đầy tớ của mình, tùy theo khả năng của mỗi người, và chúng ta không nghe ông chủ nói rằng: “tao giao cho tụi mày những nén bạc đó, tụi mày phải sinh lợi cho tao nhe”, không nghe ông chủ nói gì cả. Thế mà tại sao khi trở lại ông chủ lại đòi hỏi những người đầy tớ này phải tính sổ với ông? đó là điều lạ lùng.

Hiểu theo cách hiểu đó, thì người có một nén bạc không sinh lời thì không đáng bị phạt, vì ông chủ không nói, đó là lỗi của ông chủ chứ đâu phải lỗi của đầy tớ.

Nhưng nếu hiểu như vậy, đó chỉ là cách hiểu phiến diện mà thôi, nên để có cách hiểu toàn diện, chúng ta cần phải đặt câu hỏi là tại sao 2 người đầu tiên, người được giao năm nén, người đươc giao 2 nén lại biết làm sinh lợi cho chủ, thưa vì hai người này biết ý chủ, vậy người thứ 3 có biết ý chủ không? thưa biết vì chính ông ta đã nói: “Thưa ông, tôi biết ông là người keo kiệt, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi, nên tôi khiếp sợ đi chôn giấu nén bạc của ông dưới đất, đây của ông, xin trả lại ông” và ông chủ nói gì? ông chủ nói: “hỡi đầy tớ hư thân và biếng nhác, lẽ ra ngươi phải giao bạc của ta cho người đổi tiền, và khi ta trở về, ta sẽ lấy cả vốn lẫn lời, các ngươi hãy ném nó ra ngoài vào nơi tối tăm, ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng”.

Như vậy, là tất cả những người này đều biết ý chủ, nhưng người thứ ba biết ý chủ nhưng không làm, vì làm biếng, nên đã bị phạt là đúng rồi.

Chúng ta hãy nhớ lại Chúa cũng nói điều này: “Đầy tớ nào đã biết ý chủ mà không chuẩn bị sẵn sàng, hoặc không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều. Còn kẻ không biết ý chủ mà làm những chuyện đáng phạt, thì sẽ bị đòn ít. Hễ ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, và ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn.” (Lc 1,47-48).

Hiểu được như thế, chúng ta thấy nhiều khi trong đời sống đức tin cũng như trong đời sống thực tế của mình, có nhiều vấn đề không cần phải nói chúng ta mới thực hiện, nhưng là khi chúng ta biết ý, chúng ta hiểu ngầm là chúng ta có thể thực hiện được rồi, khỏi cần phải nói ra cách trực tiếp.

Hôm nay là lễ mùng 3 tết, là ngày thánh hóa công ăn việc làm, thánh hóa công ăn việc làm không chỉ là xin Chúa ban ơn cho chúng ta những ơn này ơn kia, xin Chúa cho công việc của chúng ta được thuận lợi, mà chúng ta còn xin Chúa cho chúng ta nhận biết được những việc chúng ta phải làm, nghĩa là biết cộng tác vào công trình cứu độ của Chúa, làm việc bổn phận mà chúng ta phải làm.

Để kết thúc, xin kể một câu chuyện mang tên: THƯỢNG ĐẾ CHỈ CHO MỘT CHIẾC GIÀY, để cho chúng ta thấy con người của chúng ta có bổn phận phải nhận ra thánh ý Chúa là Chúa muốn chúng ta cộng tác với Ngài.

Có một cậu bé sinh ra trong một gia đình nghèo, từ nhỏ đến khi đi học cậu chỉ mang mỗi một đôi giày rách. Cậu bé nghe nói vào lễ Giáng Sinh, khi đến bất cứ cửa hàng nào, chỉ cần nói với Thượng Đế thứ mình muốn thì chủ cửa hàng sẽ thỏa mãn yêu cầu của mình.

Vào hôm Giáng Sinh, cậu bé nhìn thấy trong một cửa hàng giày có bày bán những đôi giày rất đẹp nên đã bước vào cửa hàng và nói với ông chủ rằng: “Hôm nay là Giáng Sinh, cháu rất thích đôi giày này, chú có thể giúp cháu nói với Thượng Đế để Ngài cho cháu đôi giày này có được không ạ?”

Ông chủ nhìn xuống chân của cậu bé và hiểu ngay vấn đề, ông ấy cầm lấy đôi giày rồi nói: “Được thôi cháu bé, bây giờ ta sẽ nói với Thượng Đế”. Sau đó ông ấy cầm đôi giày và đi vào bên trong.

Một lúc sau, ông chủ đi ra, nhưng trên tay chỉ cầm có mỗi một chiếc giày rồi đưa cho cậu bé và nói: “Cháu bé, Thượng Đế nói rằng Ngài chỉ cho cháu một chiếc giày thôi, cháu phải tự nghĩ cách kiếm tiền để mua chiếc còn lại.”

Cậu bé hỏi: “Vậy cháu phải kiếm bao nhiêu tiền thì mới mua được chiếc giày còn lại?”

Ông chủ nói: “2 đô la.”

Cậu bé lại nói: “Được rồi ạ, cháu sẽ nghĩ cách kiếm tiền, nhưng chú nhất định phải giữ cho cháu chiếc giày còn lại nhé.”

Ông chủ cười nói: “Cháu cứ yên tâm.”

Sau khi về nhà và tiết kiệm được 2 đô la bằng cách nhặt ve chai, cậu bé vui vẻ chạy đến cửa hàng để trả tiền. Ông chủ đã khen ngợi cậu bé và đưa cho cậu chiếc giày còn lại. Kể từ đó, cậu bé đã có một đôi giày mới rất đẹp.

Khi lớn lên, cậu bé đã từng làm nhiều nghề như nhân viên cứu hộ, bình luận viên, phát thanh viên rồi bước vào giới nghệ thuật và trở thành một ngôi sao nổi tiếng. Vào năm 1980, cậu bé ấy đã trở thành Tổng thống thứ 40 của Hoa Kỳ, cũng chính là Tổng thống Ronald Reagan.

Trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, có một lần ông Ronald Reagan được phóng viên hỏi về việc có ảnh hưởng lớn nhất đối với sự trưởng thành của ông là gì, ông đã kể về câu chuyện “Thượng Đế chỉ cho 1 chiếc giày” khi ông còn nhỏ.

Ông Reagan cho biết: “Sau này tôi mới biết được giá gốc của đôi giày đó là 38 đô la, một nửa giá cũng đến 19 đô la nhưng ông chủ cửa hàng chỉ lấy của tôi 2 đô la để dạy cho tôi một điều rằng: Thượng Đế sẽ không cho bạn tất cả những gì bạn muốn, Ngài chỉ cho bạn một phần mà thôi, bạn phải tự mình nỗ lực để lấy phần còn lại.”

Hiểu được như vậy, trong ngày lễ thánh hóa công ăn việc làm hôm nay, chúng ta xin Chúa cho chúng ta biết nhận ra được việc chúng ta phải làm để cộng tác với Chúa trong công trình cứu độ của Chúa, và khi làm xin Chúa ban ơn giúp sức cho mỗi người chúng ta từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa. Amen.

 



Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

St 2,4b-9.15: Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn địa đàng, để họ trồng tỉa.

Tv 104,1bc: Lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ, Chúa muôn trùng cao cả!

Cv 20,32-35: Những gì cần thiết cho tôi và cho những người sống với tôi, chính đôi tay này tự cung cấp lấy.

Mt 25,14-30: Vì ngươi trung tín trong việc nhỏ, ngươi hãy vào hưởng sự vui mừng của chủ ngươi.

Ngày mùng ba Tết chúng ta dâng lên Thiên Chúa những ước nguyện tốt đẹp trong công việc làm ăn và xin Người thánh hóa, chúc phúc cho mọi việc thuận lợi. Lời cầu xin của chúng ta tin rằng Chúa sẽ nhậm lời, nhưng một điều chắc chắn là chính chúng ta sẽ phải lao động. Lao động bằng chính năng lực của mình kèm theo lòng trung tín, yêu thương và lòng biết ơn.

Trung tín trong công việc cũng là thành tâm với Chúa. Chúa đã tạo nên ta theo hình ảnh của Người. Ngay từ ban đầu Thiên Chúa không tạo nên một con người chỉ biết hưởng thụ, mà là một con người biết làm việc. Thiên Chúa đã làm việc thì chúng ta cũng phải làm việc. Qua việc làm, ta nuôi sống chính bản thân và có thể đóng góp cho cộng đồng. Thánh Phaolô cảm nghiệm và căn dặn: “cho thì có phúc hơn là nhận”. Của trao hay tấm lòng diễn tả tâm tình yêu thương quý trọng ta dành cho Chúa và cho nhau. Chúa ban cho ta tài năng và vốn liếng không phải để ta khư khư giữ lấy cho riêng mình, mà phải làm cho sinh lợi dồi dào. Như thế ai có phúc thì càng có phúc hơn trong Chúa.



THỨ 7 TUẦN III THƯỜNG NIÊN

Mc 4,35-41

Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy các môn đệ đánh thức Chúa Giêsu dậy vì các ông gặp bão và sóng tràn vào thuyền.

Hình ảnh đó cho chúng thấy Thiên Chúa luôn hiện diện trong cuộc đời của mỗi người chúng ta, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào của cuộc sống, nhưng quan trọng là ta có nhận ra được điều đó hay không mà thôi, để kêu cầu Chúa, để đón nhận sự quan phòng của Chúa.

Nói cách khác đó là nguyên nhân ở chính mỗi người chúng ta, chứ không phải ở nơi Chúa, nên sau khi Chúa Giêsu dẹp yên sóng biển, Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: “Sao các con lại sợ hãi, các con không có đức tin ư?”

Rồi sao đó, tin mừng ghi lại: “Bấy giờ các ông kinh hãi và nói với nhau rằng: Người này là ai mà cả gió biển cũng đểu vâng lệnh Người”, nghĩa là con người không hiểu, không tin Chúa, nên vấn đề là ở nơi con người.

Nếu mở rộng ra trong cuộc sống có những vấn đề không ở người khác, mà là ở chính nơi bản thân của chúng ta, nên chúng ta được mời mọi hãy học cách nhìn nhận bản thân của mình trước, để thay đổi chính mình.

Một người đàn ông lo sợ vợ mình bị điếc nên đã gọi điện cho bác sĩ xin tư vấn: "Bác sĩ, vợ tôi có dấu hiệu của bệnh điếc. Cô ấy thường xuyên không nghe thấy tôi nói gì. Chúng tôi phải làm gì bây giờ?".

Người bác sĩ đưa ra một bài kiểm tra nhỏ: "Vậy à, trước khi tìm đến với chúng tôi, anh có thể thử một bài kiểm tra ở nhà. Đầu tiên, anh hãy đứng cách xa cô ấy 12m, nói bằng giọng bình thường. Nếu cô ấy không nghe thấy, hãy tiến lại gần đến 9m, 6m rồi 3m... cho đến khi anh nghe thấy cô ấy trả lời."

Tối hôm đó, người vợ đang nấu ăn dưới bếp còn anh ấy đang ở trong phòng ngủ. "Khoảng cách này là đủ 12m rồi, hãy xem chuyện gì đang xảy ra", người đàn ông nghĩ. Sau đó anh ta nói bằng giọng bình thường: "Em yêu, tối nay chúng ta ăn gì?". Không một lời đáp! Sau đó, anh ta tiến lại gần bếp hơn, cách chỗ vợ khoảng 9m và lặp lại: "Em yêu, tối nay chúng ta ăn gì?". Vẫn không có câu trả lời. Anh ta tiến lại phòng bếp, đứng ở cửa cách chỗ vợ khoảng 6m: "Em yêu, tối nay chúng ta ăn gì?". Cô vợ vẫn đáp trả bằng sự im lặng và miệt mài nấu nướng. Lần này, anh tiến sát lại vợ, cách khoảng 3m: "Em yêu, tối nay chúng ta ăn gì?". Không một tín hiệu cho thấy cô ấy nghe thấy. Mất kiên nhẫn, người đàn ông tiến đến đứng ngay sau lưng vợ và hỏi: "Em yêu, tối nay chúng ta ăn gì?". "James, đây là lần thứ 5 em trả lời là thịt gà!", cô vợ cau có trả lời.

Câu chuyện này cho chúng ta thấy chính ông chồng mới là người bị điếc chứ không phải bà vợ.

Hiểu được như thế, khi không nhận ra sự hiện diện của Chúa, khi không thấy Chúa trong cuộc đời chúng ta hãy nhìn lại bản thân của chúng ta, khi thấy người khác ngày càng xa lành mình, chúng ta hãy nhìn lại chúng ta, khi thấy người khác tốt với mình chúng ta cũng hãy nhìn lại chính mình, nhà văn Lỗ Tấn nói như thế này: “Tôi thấy người khác tử tế với tôi tôi tưởng là mình tốt lành, sai này tôi mới biết sở dĩ họ tử tế với tôi không phải vì tôi tốt lành, nhưng là vì người khác họ tốt lành”, nên dù trong bất cứ hoàn cảnh nào chúng ta hãy biết nhìn lại chỉnh mình, để điều chỉnh lại đời sống của mình, để mỗi ngày mình mỗi hoàn thiện hơn. Amen.

 


Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Dt 11,1-2.8-19: Ông mong đợi thành trì có nền móng mà Thiên Chúa là kiến trúc sư và là Đấng Sáng Lập.

Đc: Chúc tụng Chúa, là Thiên Chúa của Israel, vì Chúa đã viếng thăm và cứu chuộc dân Ngài (Lc 1,68).

Mc 4,35-41: Người là ai mà cả gió lẫn biển cũng đều vâng lệnh Người?

Thư Do thái nhắc nhở về sự kiên định của Abraham đối với đức tin. Đáp ca là bài ca tụng của Dacaria. Phần này được trích từ Tin Mừng Luca, thay vì là một Thánh vịnh. Đây là bản tóm tắt của Dacaria về lịch sử Cựu Ước và lời tiên tri của ông về những gì sắp xảy ra. Tin Mừng gợi lại quang cảnh trên một con tàu, đồng thời cho biết cách Chúa Giêsu làm cho biển yên gió lặng. Lời Chúa cho ta biết: đức tin hướng dẫn hành động.

Nhiều lúc trong đời, ta có những khoảnh khắc mất hết khả năng kiểm soát. Những khoảnh khắc này cho ta một số hiểu biết về đức tin của mình. Ta thấy cách Chúa mắng các môn đệ vì họ thiếu đức tin: “Các con không có đức tin ư?” Họ đã thấy những cuộc biểu dương sức mạnh thần thánh của Ngài. Tuy nhiên, một số môn đệ thân cận không tin Ngài. Họ nên nhận ra rằng họ không sợ bất cứ điều gì vì Chúa ở cùng họ. Khi khiển trách, Chúa Giêsu thiết lập mối tương quan trực tiếp giữa đức tin và lòng can đảm. Ý của Ngài rất rõ ràng. Nếu bạn có niềm tin vào Tôi, bạn sẽ có can đảm. Nếu bạn sợ hãi, đó là bởi vì bạn không có niềm tin vào Tôi.