04/05/2025
39
Suy niệm hằng ngày_ Tuần III Phục Sinh







 

 

 


 

CHÚA NHẬT III PHỤC SINH

Ga 21,1-19
 

Tôma Lê Duy Khang

Tại sao hôm nay Chúa Giêsu lại hỏi Phêro tới ba lần con có yêu mến thầy không? Rồi sau đó trao phó đoàn chiên cho Phêro coi sóc.

Có người lý luận là vì 3 lần con có yêu mến Thầy không để bù lại cho ba lần Phêro chối Chúa, đó cũng là một lý luận.

Nếu như vậy thì coi như hòa rồi, Phêro có công trạng gì mà phải trao phó đoàn chiên.

Chúng ta hãy nhớ lại khi Phêro tuyên xưng Chúa Giêsu ở Cêsare Philipphe: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống." Đức Giê-su nói với ông: "Này anh Si-môn con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.” (Mt 16,16-20).

Hay khi Phêro hỏi Chúa Giêsu: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy. Vậy chúng con sẽ được gì? " Đức Giê-su đáp: "Thầy bảo thật anh em: anh em là những người đã theo Thầy, thì đến thời tái sinh, khi Con Người ngự toà vinh hiển, anh em cũng sẽ được ngự trên mười hai toà mà xét xử mười hai chi tộc Ít-ra-en. Và phàm ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái hay ruộng đất, vì danh Thầy, thì sẽ được gấp bội và còn được sự sống vĩnh cửu làm gia nghiệp.” (Mt 19, 27-29)

Ở đây chúng ta không nói đến chuyện thưởng phạt, đương nhiên là có thưởng phạt, nhưng tình yêu của Chúa trên cái sự thưởng phạt đó nữa, mà ở đây chúng ta nói đến vì tình yêu của Phêro dành cho Chúa, nên Chúa đã trao phó đoàn chiên cho Phêro coi sóc, vì sao vậy.

Chúng ta thấy khi trao phó đoàn chiên cho Phêrô, Chúa có nói là chiên nào hay không? thưa không bởi vì chiên thì bao gồm cả: Chiên cùi, chiên ghẻ, chiên sà mâu, chiên hắc lào, chiên lác, chiên ba gai … hay chiên mượt mà duyên dáng dễ thương, chiên nhẵn nhụi láng bóng thơm phức, chiên mềm dẻo quẹo ngọt ngào … Nếu chỉ yêu mến chiên mà không yêu mến Thầy thì sẽ trọn lựa chiên nào dễ thương, dễ bảo để yêu; còn chiên dễ ghét, khó ưa thì không yêu được, và sẽ có sự phân biệt đối xứ.

Còn nếu yêu Chúa rồi thì sẽ yêu tất cả mọi chiên, không phân biệt. Yêu chiên bằng tình yêu của Chúa chứ không phải tình yêu của con người. Bởi vì tình yêu con người thì sẽ có chọn lựa, sẽ có ích kỷ; chứ không phải tình yêu nhưng không, tình yêu vô điều kiện.

Đó là cái nhìn tự nhiên theo con người của chúng ta dựa trên nền tảng kinh thánh, còn nếu chúng ta nhìn dưới cái nhìn bí tích, nhất là bí tích thánh thể, bí tích tình yêu, thì khi yêu thương nhau sẽ giúp cho người ta nhận ra Chúa.

Đọc lại phần đầu của tin mừng chúng ta thấy rất rõ về điều này.

Tin mừng hôm nay kể cho chúng ta nghe câu chuyện sau mẻ cả lạ lùng, các môn đệ đã nhận ra Chúa khi Chúa bẻ bánh.

Không phải chỉ hôm nay mà nếu đọc tin mừng trong tính tổng thể chúng ta cũng thấy được điều này.

Chẳng hạn như câu chuyện Chúa Giêsu đồng hành với hai môn đệ trên đường Emmaus: Tin mừng kể lại Chúa Giêsu đồng hành với hai môn đệ giải thích kinh thánh cho các ông bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người. Sau đó, khi gần tới làng họ muốn đến, Đức Giê-su làm như còn phải đi xa hơn nữa. Họ nài ép Người rằng: "Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn." Bấy giờ Người mới vào và ở lại với họ. Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất. Họ mới bảo nhau: "Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao? " (Lc 24, 27-32).

Nghĩa là hai môn đệ nhận ra Chúa Giêsu phục sinh qua việc các ông được nghe lời của Chúa, được Chúa Giêsu cử hành nghi thức bẻ bánh nên các ông đã nhận ra Chúa.

Không chỉ trong bối cảnh phục sinh, mà trước đó khi Chúa Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều thì dân đã nói về Chúa Giêsu: “Hẳn ông này là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian!" (Ga 6,14).

Như thế, chính khi cử hành bí tích thánh thể, bí tích tình yêu giúp cho người ta nhận ra Chúa, mà một cách cụ thể hơn đó là nếu chúng ta biết sống bí tích mà chúng ta lãnh nhận, nghĩa là không chỉ lãnh nhận bí tích tình yêu trên lý thuyết, mà sống bí tích tình yêu trong cuộc đời nữa, thì sẽ giúp cho người ta nhận ra Chúa cách thực tế hơn.

Chính vì thế, mà Chúa Giêsu đòi buộc Phêro phải có lòng yêu mến Chúa, để yêu thương đoàn chiên của Chúa, nghĩa là phải sống bí tích tình yêu trong cuộc đời của mình, để cho nhiều người được biết Chúa.

Xin cho mỗi người chúng ta biết nhận ra Chúa qua bí tích thánh thể, cũng như biết sống bí tích trong cuộc đời của mình. Amen.

 



Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Cv 5,27b-32. 40b-41: Chúng tôi là chứng nhân các lời đó cùng với Thánh Thần.

Tv 29,2: Lạy Chúa, con ca tụng Chúa vì đã giải thoát con.

Kh 5,11-14: Chiên Con đã bị giết, xứng đáng lãnh nhận quyền năng, …vinh quang và lời chúc tụng.

Ga 21,1-19: Chúa Giêsu đến, cầm bánh và cá trao cho họ ăn.

Chúa Giêsu hiện ra lần thứ ba với các môn đệ. Trong khi hai lần xuất hiện đầu tiên xảy ra trong một căn phòng phía sau những cánh cửa đóng kín, thì lần xuất hiện thứ ba này xảy ra trong bối cảnh mà các môn đệ đã quen thuộc: đánh cá. Phêrô vẫn bám lấy nghề cũ, lối sống trước đây của ông. Ông đi đánh cá là biểu hiện của sự gắn bó này. Nhưng Chúa Giêsu muốn ông và các môn đệ khác thi hành sứ mệnh của Ngài.

Bằng cách hỏi Phêrô ba lần xem ông có yêu Ngài không, Chúa Giêsu đang thúc đẩy Phêrô suy ngẫm về việc liệu Chúa Giêsu có quan trọng đối với Phêrô hơn mọi thứ khác hay không. Và, nếu quả thực là Chúa Giêsu quan trọng hơn, thì bằng chứng về tình yêu này sẽ là sự quan tâm mà Phêrô dành cho đàn chiên của Chúa. Nhớ rằng không phải chiên của Phêrô mà là của Chúa, giống như cách lưới đầy cá không phải là kết quả của nỗ lực của Phêrô và những người bạn mà là do sự hướng dẫn của Chúa Giêsu.

Trong mùa Phục sinh này, ta suy nghĩ về mối liên hệ của ta với Chúa. Hãy biết rằng Chúa Giêsu luôn ở với ta và Ngài giúp đỡ ta nhiều hơn những gì ta mong đợi.



Thứ Hai - Tuần III Phục Sinh

Ga 6,22-29


Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy việc dân chúng đổ xô đi tìm Chúa Giêsu sau phép lạ hóa bánh ra nhiều.

Nhưng Chúa Giêsu đã nói với họ: “Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê.”

Nghe câu nói này chúng ta cứ tưởng Chúa Giêsu khiển trách dân chúng, nhưng chúng ta biết Chúa Giêsu không chỉ dừng lại ở việc khiển trách, mà qua đó muốn họ nhận ra sai lỗi của họ.

Bằng chứng là sau đó Chúa Giêsu tiếp tục nói với họ: “Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận." Họ liền hỏi Người: "Chúng tôi phải làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa muốn? " Chúa Giêsu trả lời: "Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng Người đã sai đến."

Như vậy, chúng ta thấy từ của ăn hằng ngày, Chúa Giêsu muốn hướng con người về của ăn thiêng liêng, mà muốn có của ăn thiêng liêng này cần phải tin vào Chúa Giêsu.

Trong sách công vụ tông đồ có một câu chuyện như thế này: “Một hôm, ông Phê-rô và ông Gio-an lên Đền Thờ, vào buổi cầu nguyện giờ thứ chín. Khi ấy, người ta khiêng đến một người què từ khi lọt lòng mẹ. Ngày ngày họ đặt anh ta bên cửa Đền Thờ gọi là Cửa Đẹp, để xin kẻ ra vào Đền Thờ bố thí. Vừa thấy ông Phê-rô và ông Gio-an sắp vào Đền Thờ, anh liền xin bố thí. Hai ông nhìn thẳng vào anh, và ông Phê-rô nói: "Anh nhìn chúng tôi đây! " Anh ta chăm chú nhìn hai ông, tưởng rằng sẽ được cái gì. Bấy giờ ông Phê-rô nói: "Vàng bạc thì tôi không có; nhưng cái tôi có, tôi cho anh đây: nhân danh Đức Giê-su Ki-tô người Na-da-rét, anh đứng dậy mà đi! " Rồi ông nắm chặt lấy tay mặt anh, kéo anh chỗi dậy. Lập tức bàn chân và xương mắt cá của anh trở nên cứng cáp. Anh đứng phắt dậy, đi lại được; rồi cùng với hai ông, anh vào Đền Thờ, vừa đi vừa nhảy nhót và ca tụng Thiên Chúa.” (Cv 3, 1-8)

Tiếp theo đó, thánh nhân tiếp tục giảng dạy về Chúa Kito, kêu gọi người ta sám hối: “Anh em đã giết Đấng khơi nguồn sự sống, nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết: về điều này, chúng tôi xin làm chứng. Chính nhờ lòng tin vào danh Người, mà danh Người đã làm cho kẻ anh em nhìn và biết đây trở nên cứng cáp; chính lòng tin Người ban đã cho anh này được khỏi hẳn như thế, ngay trước mắt tất cả anh em. "Thưa anh em, giờ đây tôi biết anh em đã hành động vì không hiểu biết, cũng như các thủ lãnh của anh em. Nhưng, như vậy là Thiên Chúa đã thực hiện những điều Người dùng miệng tất cả các ngôn sứ mà báo trước, đó là: Đấng Ki-tô của Người phải chịu khổ hình. Vậy anh em hãy sám hối và trở lại cùng Thiên Chúa, để Người xoá bỏ tội lỗi cho anh em.” Cv 3, 15-19). Và khi Phêrô rao giảng như vậy, thì có khoảng 5000 người tin theo đạo.

Xin cho mỗi người chúng ta khi làm bất cứ điều gì, không phải chỉ dừng lại ở những việc chúng ta làm, mà chúng ta cần hướng hiệu quả công việc của chúng ta để hướng về Chúa, hướng về những điều tốt lành, để cuộc đời mình hướng về Chúa, cũng nhứ qua đó giúp cho người khác hướng về Chúa. Amen.




Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Cv 6,8-15: Họ không thể đương đầu với sự khôn ngoan và Thánh Thần vẫn giúp cho ông nói.

Tv 119,1: Phúc cho ai theo đường lối tinh toàn.

Ga 6,22-29: Hãy ra công làm việc không phải vì của ăn hay hư nát, nhưng vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống đời đời.

Sau phép lạ bánh hóa nhiều, dân chúng nô nức tìm kiếm Chúa Giêsu, nhưng chỉ vì nhu cầu vật chất. Chúa đọc thấu lòng họ: họ tìm Ngài không phải vì đã nhận ra dấu lạ tình yêu, mà chỉ vì được ăn no. Vì thế, Chúa mời gọi họ tìm kiếm “của ăn tồn tại cho đến cuộc sống đời đời” – chính Ngài, Bánh Hằng Sống được Thiên Chúa Cha ghi dấu.

Khi dân chúng bối rối hỏi: “Chúng tôi phải làm gì để thực hiện công việc của Thiên Chúa?”, Chúa Giêsu trả lời thật đơn giản mà triệt để: “Hãy tin vào Đấng Thiên Chúa sai đến.” Tin vào Chúa Kitô là nền tảng của mọi công việc thánh thiện.

Hôm nay, thánh Stephanô trong sách Công vụ làm chứng cho một đức tin như thế: với sự khôn ngoan và quyền năng Thánh Thần, ông khiến cả những người chống đối phải cứng họng. Và thánh vịnh nhắc nhở: “Phúc cho ai theo đường lối tinh toàn”, phúc cho ai biết khát khao điều đẹp ý Chúa hơn mọi sự chóng qua trần thế.

Xin cho mỗi chúng ta biết ra công tìm kiếm Chúa không chỉ vì nhu cầu đời này, nhưng vì niềm tin yêu chân thật dẫn đến sự sống đời đời.




Thứ Ba - Tuần III Phục Sinh

Ga 6,30-35

Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm qua trình bày cho chúng ta thấy, từ của ăn hư nát, Chúa Giêsu hướng dân chúng về của ăn thiêng liêng không bao giờ hư mất, và để có của ăn này Chúa Giêsu mời gọi là phải tin vào Chúa.

Hôm nay dân chúng đòi Chúa Giêsu làm dấu lạ để họ tin vào Chúa: “Vậy chính ông, ông làm được dấu lạ nào cho chúng tôi thấy để tin ông? Ông sẽ làm gì đây? Tổ tiên chúng tôi đã ăn man-na trong sa mạc, như có lời chép: Người đã cho họ ăn bánh bởi trời.”

Chúng ta thấy, Chúa Giêsu nói nếu ai tin vào Chúa, là Đấng mà Chúa Cha sai đến thì sẽ có của ăn không bao giờ hư nát. Còn người do thái thì đòi Chúa Giêsu làm dấu lạ rồi mới tin vào Chúa là Đấng Chúa Cha sai đến.

Nhưng chúng ta thấy Chúa đã làm dấu lạ chưa? Thưa Chúa đã làm rồi, Chúa đã làm dấu lạ hóa bánh ra nhiều trước đó rồi, và nếu họ tin vào Chúa họ sẽ thấy đó là dấu lạ Chúa làm, và thậm chí chính họ cũng có thể làm dấu lạ.

Chúng ta hãy nhớ lại trong lệnh truyền truyền giáo được thuật lại trong tin mừng Macco, Chúa nói: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án. Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ." (Mc 16, 16-18).

Trong lệnh truyền truyền giáo này chúng ta chú ý đến việc Chúa Giêsu nói với các môn đệ về những dấu lạ kèm theo: Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ."

Nghĩa là có tin vào Chúa thì mới có thể làm dấu lạ được, mới có thể nhận ra những dấu lạ xung quanh mà Chúa gởi đến cho mình.

Bởi nếu không tin, chúng ta sẽ cho rằng những điều xảy ra trong cuộc sống đó là sự trùng hợp, đó là hên xui, đó là do sự cố gắng của mình… mà không cho rằng đó là dấu lạ mà Chúa nhắc nhở mình.

Chẳng hạn như chúng ta già 7,8 chục tuổi mà chúng ta còn răng để đánh hằng ngày đó cũng là dấu lạ, ngay cả khi đó là răng giả cũng là dấu lạ, vì Chúa có ban ơn, Chúa có gởi những nha sĩ là dụng cụ của Chúa đến chúng ta mới có răng giả, để mà đánh, hay những điều khác trong cuộc đời của mình.

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết tin vào Chúa, để nhìn thấy nhiều dấu lạ Chúa làm trong cuộc đời để chúng ta ngày càng vững tin vào Chúa hơn. Amen.



 

Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Cv 7,51-8,1: Lạy Chúa Giêsu, xin đón nhận tâm hồn con.

Tv 31,6: Lạy Chúa, con phó thác tâm hồn trong tay Chúa.

Ga 6,30-35: Không phải Môsê, mà chính Cha Ta mới ban bánh bởi trời đích thực.

Stêphanô và các Kitô hữu bị bách hại của Giáo hội sơ khai sống lại cuộc khổ nạn của Đức Kitô. Họ đau khổ không chỉ vì Đức Kitô mà còn đau khổ với Ngài và giống như Ngài. Thái độ của họ cũng là: “Lạy Chúa Giêsu, xin đón nhận tâm hồn con. Lạy Chúa, xin đừng trách cứ họ về tội lỗi này.” Nhưng Stêphanô và các Kitô hữu đầu tiên chắc chắn rằng cái chết không phải là tiếng nói cuối cùng: họ sẽ sống tiếp với Đức Kitô Phục sinh.

Phúc âm cho ta thấy rằng manna mà người Israel ăn trong sa mạc không phải là bánh đích thực từ Trời mà là một hình ảnh dự đoán về bánh thật mà Thiên Chúa đã ban cho ta trong Chúa Giêsu Kitô. Môsê cầu xin Chúa ban cho dân Israel lương thực vật chất; thời Tân Ước, Chúa Giêsu Kitô đã ban chính Ngài cho ta.

Sự sống Kitô hữu được nâng đỡ bởi bánh thật từ Trời. Đức Kitô cho ta tấm bánh bởi lời Ngài và chính Ngài, vì Ngài Đấng ban bánh, hy sinh chính mình để trao sự sống. Đức Kitô là câu trả lời cho cơn đói tột cùng của ta. Ta nên khao khát Ngài và xin, “xin cho chúng con bánh này luôn mãi.” Những lời này, với sự chân thành mà đức tin mang đến; có nghĩa là ta ước ao đón nhận Chúa Giêsu và sống kết hợp chặt chẽ với Ngài mãi mãi.




Thứ Tư - Tuần III Phục Sinh

Ga 6,35-40

Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu nói với dân do thái: “Tất cả những người Chúa Cha ban cho Tôi đều sẽ đến với Tôi, và ai đến với Tôi, Tôi sẽ không loại ra ngoài, vì Tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý Tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai Tôi. Mà ý của Đấng đã sai Tôi là tất cả những kẻ Người đã ban cho Tôi, Tôi sẽ không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết. Thật vậy, ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và Tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết."

Theo như lời của Chúa Giêsu thì mỗi người chúng ta đều là do Thiên Chúa Cha ban cho Ngài, Ngài sẽ không để mất một ai, và Chúa Giêsu nói nếu ai tin vào Chúa, thì sẽ được sống muốn đời và Chúa sẽ cho sống lại trong ngày sau hết.

Thế thì vấn đề đặt ra với mỗi người chúng ta, đó là còn những người không tin Chúa thì sao? Bởi những người tin vào Chúa sẽ được sống muôn đời, và Chúa sẽ cho sống lại trong ngày sau hết, vậy những người không tin Chúa sẽ như thế nào?

Chúng ta biết, Chúa Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa làm người. Trong thân phận con người của Ngài, có thể người ta không nhận biết, từ khước, mà có khi người ta còn xúc phạm đến Ngài nữa. Ngay cả điều này, người ta cũng được tha thứ. Trên thập giá, Đức Giêsu đã nói lời tha thứ ấy: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34).

Tuy nhiên, nếu từ chối soi sáng, thúc đẩy của Chúa Thánh Thần và còn hơn nữa, đó là xúc phạm đến Thánh Thần, thì điều đó không được tha thứ, theo nghĩa là không đón nhận Ngài thì cũng không đón nhận được sự sống từ Thiên Chúa, Chúa Giêsu nói: “Bất cứ ai nói phạm đến Con Người, thì còn được tha; nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì sẽ chẳng được tha.” (Lc 12,10).

Nên mỗi người chúng ta được mời gọi hiểu được như vậy, đó là Chúa Giêsu được Chúa Cha sai đến vì con người của chúng ta, để cứu độ chúng ta, chúng ta phải xác tín điều đó, để tin vào Chúa, để sống tốt lành thánh thiện mỗi ngày.

Chúng ta biết mặc dầu có những điều chúng ta không thể làm được, vì chúng ta còn yếu đuối, còn tội lỗi, nói như thánh Phaolo đó là: “Sự thiện tôi muốn nhưng tội không làm, sự dữ tôi không muốn nhưng tôi lại làm”, nhưng khi chúng ta biết xác tín điều Chúa dạy chúng ta sẽ biết phân biệt được đâu là điều đúng, đâu là điều sai, đó là cái lợi thế của mỗi người chúng ta, để từ đó chúng ta ăn năn tội cách trọn, để từ đó chúng ta đi xưng tội, để từ đó chúng ta từ bỏ tội lỗi của mình, hay nói cách khác khi biết mình có tội, mình ăn năn tội, thì tội mình cũng nhẹ đi được phần nào.

Còn ngược lại nếu chúng ta không biết xác tín gì cả, chúng ta không biết gì cả, thì thật là bất hạnh cho mình, vì đâu có phân biệt được đúng sai, mà không phân biệt được đúng sai, thì cứ làm theo ý riêng, làm theo sở thích của mình, thì điều đó nguy hại biết bao.

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết xác tín vào điều Chúa dạy, biết tin tưởng vào Chúa, để nhờ đó, mà mỗi người chúng ta mỗi nên hoàn thiện hơn. Amen.



Thứ Năm - Tuần III Phục Sinh

Ga 6,44-51


Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu nói: Ai tin vào Ta, thì có sự sống đời đời.

Và Chúa Giêsu khẳng định thêm điều này đó là: “Tôi là bánh trường sinh. Tổ tiên các ông đã ăn man-na trong sa mạc, nhưng đã chết. Còn bánh này là bánh từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết. Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống."

Nghĩa là Chúa Giêsu là bánh trường sinh, và bánh trường sinh chính là Chúa Giêsu.

Chúng ta hãy nhớ lại câu chuyện hai môn đệ trên đường Emmaus, khi hai môn đệ nài ép Chúa ở lại với họ vì trời đã về chiều và ngày sắp tàn.

Khi họ quay quần bên bàn ăn, mắt họ mở ra và họ nhận ra Người khi Người bẻ bánh. Tin mừng thuật lại khi hai môn đệ nhận ra Chúa khi người bẻ bánh, thì “Người biến mất khỏi mắt họ” (Lc 24:31).

Chi tiết này cho chúng ta thấy một điều như thế này đó là: Đức Kitô, Đấng bẻ bánh, giờ đây trở thành tấm bánh được bẻ ra, chia sẻ cho các môn đệ và được họ ăn. Và đó là cái nhìn đức tin.

Noi gương Chúa Giêsu mỗi người chúng ta được mời gọi, hãy biết cho đi, chúng ta cho đi không phải chỉ là tiền bạc, mà chúng ta cho đi gương sáng, cho đi chính bản thân của mình để đem lại sự sống cho người khác, để người khác nhận biết Chúa là tấm bánh trường sinh đích thực.

Có một câu chuyện mang tên LỜI CẦU NGUYỆN CỦA EM BÉ được chia sẻ như thế này:

Một đứa bé nọ có thói quen đọc kinh trước khi đi ngủ.

Ngày kia bị bệnh nặng phải vào nhà thương.

Các bác sĩ cho biết em phải qua một cuộc phẫu thuật.

Trước khi cho thuốc mê, các bác sĩ cho em biết em sẽ ngủ một giấc dài.

Nghe đến ngủ, em bé đã xin quì gối cầu nguyện và kết thúc bằng lời “Xin Chúa cho con chóng lành bệnh”.

Sau đó em nằm xuống và xin bác sĩ tiến hành giải phẫu.

Hôm sau thức dậy câu hỏi đầu tiên của em là “Thưa bác sĩ, cháu có lành bệnh không?”

Bác sĩ nhìn em bé cảm động nói “Cháu hãy để cho Chúa liệu...

Điều bác tin chắc là lời cầu nguyện của cháu có hiệu nghiệm: cháu đã cứu được một người là chính bác.

Từ lâu bác không còn đến nhà thờ, không nhớ đến Chúa.

Nhưng hôm qua khi cháu cầu nguyện sốt sắng, Chúa đã đánh động bác.

Sáng nay bác đã đến nhà thờ xưng tội, rước lễ...”

Xin cho mỗi người chúng ta ý thức được điều đó, để chúng ta biết cho đi, biết cho đi không phải chỉ cho đi tiền bạc, của cải vật chất, mà cho đi tấm lòng, cho đi gương sáng, cho đi lời khuyên, cho đi lời động viên… đó là những điều có thể giúp đem lại sự sống, đem lại hạnh phúc cho người khác. Amen.


 


Thứ Sáu - Tuần III Phục Sinh

Ga 6,52-59

Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy cuộc tranh luận của những người do thái về những lời của Chúa Giêsu họ nói: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?”

Nhưng thật ra Chúa có cho con người ăn thịt của Chúa được hay không? Thưa được.

Nếu chúng ta nhìn với cái nhìn của người hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình, thì Chúa đang cho con người ăn thịt và uống máu của Chúa, khi Chúa đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.

Chúng ta hãy nhớ câu chuyện sau khi Chúa Giêsu phục sinh Ladaro thì điều gì đã xảy ra? Thưa sau đó có những người đi gặp nhóm Pharisêu và kể cho họ những gì Chúa Giêsu đã làm. Vậy các thượng tế và các người Pharisêu triệu tập Thượng Hội Đồng và nói: "Chúng ta phải làm gì đây? Người này làm nhiều dấu lạ. Nếu chúng ta cứ để ông ấy tiếp tục, mọi người sẽ tin vào ông ấy, rồi người Rôma sẽ đến phá huỷ cả nơi thánh của ta lẫn dân tộc ta." Một người trong Thượng Hội Đồng tên là Caipha, làm thượng tế năm ấy, nói rằng: "Các ông không hiểu gì cả, các ông cũng chẳng nghĩ đến điều lợi cho các ông là: thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt."

Chúng ta để ý câu nói của Caipha là: Thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt, nghĩa là Chúa lấy chính thân thể của mình, để đổi lấy sự sống cho con người, chính Caipha vì làm thượng tế năm đó đã nói tiên tri như vậy.

Còn nếu nhìn với cái nhìn của bí tích, thì khi mỗi người chúng ta rước lễ là chúng ta đang rước mình và máu thánh Chúa. Chúng ta hãy nhớ lại sự kiện trong bữa tiệc ly, tin mừng nhất lãm, cũng như trong thứ của thánh Phaolo có thuật lại như thế này: “Trong đêm bị nộp, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: "Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy." Cũng thế, cuối bữa ăn, Người nâng chén và nói: "Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới; mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy." (1Cr 11,23-25).

Nên ngày nay, khi mỗi người chúng ta rước lễ, thì chúng ta đang rước Mình và Máu Thánh của Chúa, nghĩa là chúng ta đang ăn thịt và đang uống máu của Chúa qua Bí Tích Thánh Thể.

Nên chúng ta thấy đối với người do thái thời xưa, thì họ chưa hiểu về Bí Tích Thánh thể, nhưng ít ra họ cũng phải hiểu về sự hy sinh của Chúa, hiểu về cái chết của Chúa trên thập giá: Thà một người chết thay để cho dân còn hơn để toàn dân bị tiêu diệt, nhưng họ lại không hiểu.

Thế nhưng ngày nay mỗi người chúng ta được mời gọi phải hiểu hai khía cạnh đó, khía cạnh của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình, cũng như cả về khía cạnh bí tích Thánh Thể, để mỗi người chúng ta xác tín hơn về tình yêu của Chúa dành cho con người, mà đáp lại tình yêu đó qua đời sống tốt lành thánh thiện của mỗi người chúng ta, để chúng ta biết dọn dẹp đời sống tâm hồn của mình, để mình xứng đáng rước Mình và Máu Thánh Chúa vào trong tâm hồn của mỗi người chúng ta. Amen.




Thứ Bảy - Tuần III Phục Sinh

Ga 6,51.60-69

Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng thấy, sau khi Chúa Giêsu nói về việc ăn thịt và uống máu Chúa mới có sự sống đời đời, thì có nhiều môn đệ đã nói với Chúa Giêsu: “Lời này chói tai quá, ai mà nghe được”.

Chúng ta biết, khi họ nói như vậy không phải là họ thương Chúa, lo cho Chúa, nhưng là vì họ không thể nào có thể tưởng tượng được điều đó, hay nói cách khác giống như là họ cho rằng Chúa đang nói chuyện không tưởng.

Chúng ta hãy nhớ lại Phêrô cũng tương tự như vậy, đó là khi Chúa Giêsu loan báo cuộc khổ nạn lần thứ nhất, thì ông đã kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người: "Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy! " Nhưng Đức Giê-su quay lại bảo ông Phê-rô: "Xa-tan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người." (Mt 16,22-23), nghĩa là ông cũng không phải yêu thương Chúa, mà ông đang lo cho quyền lợi của mình, đi theo Chúa vì quyền lợi, nếu Chúa chịu chết, thì mất quyền lợi.

Sau sự kiện đó, Chúa Giêsu giải thích cho các môn đệ đã không tin vào những lời Chúa nói, và Chúa Giêsu kết luận: “Thật Ta bảo thật các ngươi, không ai có thể đến với Ta, nếu không được Cha Ta ban cho”, hay nói một cách khác, các môn đệ không thể nào hiểu Chúa, nếu không được ơn mạc khải.

Chúng ta biết, khi Chúa Giêsu đến vùng kế cận thành Xêdarê Philípphê, Người hỏi các môn đệ rằng: "Người ta nói Con Người là ai? " Các ông thưa: "Kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Êlia, có người lại cho là ông Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ." Chúa Giêsu lại hỏi: "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai? " Ông Simôn Phêrô thưa: "Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống." Chúa Giêsu nói với ông: "Này anh Simôn con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời.” (Mt 16, 13-17).

Nên để có thể hiểu về Chúa, để có thể nói về Chúa, chúng ta cần cầu xin Chúa Cha. Chúng ta hãy nhớ lại, khi dạy các môn đệ cầu nguyện, Chúa Giêsu đã nói như thế này: “Nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao?" (Lc 11, 13).

Vậy chúng ta hãy kiên trì cầu nguyện với Chúa, để Chúa Cha ban Thánh Thần cho chúng ta, để Chúa Thánh Thần soi sáng, hướng dẫn chúng ta, để chúng ta nhận ra, để chúng ta hiểu được những điều mà người phàm không thể hiểu được, để chúng ta ngày càng xác tín hơn về Chúa, mà sống đức tin đó trong cuộc đời của chúng ta. Amen.