15/12/2024
347
Suy niệm hằng ngày_ Tuần III Mùa Vọng







 

 

 




Chúa Nhật III Mùa Vọng

Xp 3,14-18a; Pl 4,4-7; Lc 3,10-18

Tôma Lê Duy Khang

Thánh Augustino nói: “Chúa dựng nên con không cần đến con, nhưng cứu độ con Chúa cần con đáp lời”, nghĩa là Chúa cần sự cộng tác của con người trong công trình cứu độ của Ngài.

Hôm nay Chúa Nhật thứ 3 Mùa Vọng, Lời Chúa trình bày cho chúng ta một ý tưởng tương tự như thế, qua việc dân chúng kéo đến để xin ông Gioan làm phép rửa để tỏ lòng sám hối cho họ, và họ hỏi ông: “Chúng tôi phải làm gì?”.

Câu hỏi này chúng ta sẽ còn gặp thấy trên môi miệng của những người được nghe bài giảng đầu tiên của thánh Phêrô trong ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống: "Chúng tôi phải làm gì" (Cv 2,37). Ta sẽ còn lại được nghe câu hỏi ấy từ miệng viên cai ngục khi mục kích Phaolô và Sila được giải thoát cách lạ lùng: "Thưa các ngài, tôi phải làm gì đế được cứu độ?" (Cv 6,30).

Với mỗi người, Gioan đều đưa ra câu trả lời cụ thể và thích hợp, mỗi lần câu trả lời đều nhắm tới cách đối nhân xử thế trong xã hội, mà không nhất thiết bắt người ta phải dứt lìa với môi trường sống và nghề nghiệp của họ, lại còn vượt xa khuôn khổ của Luật Môsê vốn áp đặt cho mọi người nữa.

"Chúng tôi phải làm gì?", "đám đông" hỏi Gioan, đám đông vô danh ấy chẳng bao lâu nữa sẽ nô nức đến với Đức Giêsu để nghe lời Người (Lc 5.I; 5,15; 6,19). Gioan mời gọi họ hãy sống thiết thực giữa đời thường, coi nhau như anh em và hãy cơm sẻ áo cho nhau: "Ai có hai áo thì hãy cho người không có; ai có gì ăn thì cũng làm như vậy".

"Thưa Thầy chúng tôi phải làm gì?", tới lượt những người thu thuế cho ngân sách của quân Rôma chiếm đóng; hạng người này đâu đâu cũng nổi tiếng là bất lương và bị mọi người Do Thái khinh bỉ, liệt họ vào hạng người tội lỗi công khai, khó mà sám hối được, trừ phi họ từ bỏ cái nghề bị thiên hạ coi là ô uế kia. Gioan không yêu cầu họ phải dứt bỏ nghề nghiệp, nhưng hãy hành nghề một cách khác, một cách lương thiện: "Đừng đòi hỏi gì quá mức đã ấn định cho mình".

"Còn anh em chúng tôi thì phải làm gì?", đó là câu hỏi của "những binh lính", những tên lính đánh thuê cho Hêrôđê Antipa, hoặc là thành viên của đội quân chiếm đóng Rôma; họ cũng là hạng người bị dân chúng khinh miệt. Gioan cũng không yêu cầu họ phải rời bỏ hàng ngũ, phải thay đổi nghề nghiệp, nhưng hãy thay đổi cách hành nghề. Ông bảo họ: "Chớ ức hiếp ai, cũng đừng tống tiền người ta, hãy an phận với số lương của mình"

Đó là những gì mà Gioan muốn dân chúng cộng tác vào để chờ đón Đấng Mêssia, nhưng nếu chúng ta chỉ nhìn ở một khía cạnh đó thì đủ chưa? Thưa chưa đủ, bởi vì nó chỉ nằm ở khía cạnh luân lý thuộc về phía con người, nên nó chỉ là điều kiện cần mà thôi.

Vậy điều kiện đủ là gì? Chúng ta đã học giáo lý và đã được dạy, con người có thể tự mình cứu mình được không? thưa không được mà phải nhờ Đức Giêsu. Cũng vậy, nổ lực sám hối của con người sẽ không bao giờ đủ, nếu không dựa vào ơn Chúa, không để cho Chúa biến đổi mình, mà ý tưởng này được đề cập đến trong phần thứ hai của trang Tin Mừng, mà nhiều người trong chúng ta thường hay bỏ qua không nhắc tới.

Phần thứ hai trong Tin Mừng nói đến một nhóm dân khác, những người này hợp nhất trong một niềm trong ngóng. Đối với những người này thì họ không hỏi về vấn đề “chúng tôi phải làm gì?”, nhưng là tìm cho biết việc Chúa đang làm và sắp làm là việc gì? nên họ mới hỏi ông Gioan, ông có phải là Đấng phải đến không? Gioan vội phủ nhận, ông nói: “Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em trong nước nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa”.

Như thế, trong nỗ lực sám hối để chờ Chúa đến, Gioan đã chỉ cho những người Do thái một mặt là phải thực hành các hành vi luân lý, làm điều này, làm điều kia. Mặt khác, là sau đó phải tin vào Chúa Giêsu để được chịu phép rửa trong thánh thần và trong lửa.

Mỗi người chúng ta cũng thế, trong nỗ lực sám hối để đón chờ Chúa đến, chúng ta không chỉ được mời gọi phải nổ lực hết mình qua việc đặt câu hỏi: “chúng tôi phải làm gì?”, nghĩa là thực hành sám hối theo nghĩa luân lý, nhưng chúng ta còn được mời gọi đón nhận các giá trị Tin Mừng, để các giá trị Tin Mừng biến đổi đời sống chúng ta nữa.

Nếu ta chỉ dừng lại ở khía cạnh luân lý thì chúng ta chẳng khác gì người lương dân, hoặc những người theo các tôn giáo khác, bởi vì các tôn giáo khác có dạy thực hành những hành vi luân lý không? thưa có, mà nhiều khi họ còn thực hành tốt hơn mỗi người chúng ta nữa. Và khi chúng ta dừng lại ở khía cạnh đó, thì chúng ta dễ rơi vào tư tưởng đạo nào cũng như đạo nào.

Chính vì thế, mà chúng ta được mời gọi đi thêm một bước cao hơn nữa đó là để cho Chúa Thanh Tẩy chúng ta trong Thánh Thần và Lửa. Cụ thể hiện giờ mỗi người chúng ta đã được thanh tẩy trong Thánh Thần và Lửa chưa, chúng ta đã được thanh tẩy trong Thánh Thần và Lửa rồi, việc thanh tẩy này giúp cho mỗi người chúng ta sạch tội Nguyên tổ, nhưng hậu quả của tội vẫn còn, bằng chứng là chúng ta vẫn còn sa ngã, vẫn còn phạm tội, nói theo thánh Phaolo: “Sự thiện tôi muốn nhưng tôi không làm, sự dữ tôi không muốn như tôi làm”.

Vậy chúng ta phải làm gì tiếp theo, thưa chúng ta hãy chạy đến với Bí Tích Giải Tội, để qua Bí Tích Giải Tội chúng ta được tẩy xóa những tội lỗi cá nhân của chúng ta đã trót phạm, có như thế, chúng ta mới có thể được coi là xứng đáng để đón chờ Chúa Giáng Sinh.

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết noi gương thánh Gioan Tẩy Giả, trong việc kêu gọi anh chị em chung quanh chúng ta biết ăn năn sám hối, không những qua việc thực thi các hành vi luân lý mà còn đi xa hơn một bước nữa đó là để cho họ được thanh tẩy trong Thánh Thần và lửa, nếu họ là những người lương dân, còn những anh em đã được thanh tẩy rồi, thì giúp họ năng đến với Bí Tích Hòa Giải để làm hòa với Chúa. Nhưng để làm được điều đó, chính mỗi người chúng ta phải là người đi trước dẫn đầu, nghĩa là phải là gương lành gương sáng để người khác noi theo bắt chước. Xin Chúa ban ơn và chúc lành cho mỗi người chúng ta. Amen.

 


Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Xp 3,14-18a: Chúa sẽ hân hoan vì người.

Đc 12,6: Hãy nhảy mừng và ca ngợi, vì ở giữa ngươi có Đấng Thánh của Israel thật cao cả.

Pl 4,4-7: Chúa gần đến.

Lc 3,10-18: Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?

Lời Chúa giới thiệu cho ta về vị tiền hô của Chúa Giêsu Kitô: Thánh Gioan Tẩy Giả. Thiên Chúa là Cha đang chuẩn bị cho sự xuất hiện của Con Ngài. Chúa Giêsu được sinh ra bởi Đức Trinh Nữ Maria. Chúng ta thấy cả hai bản gia phả trong sách Phúc âm của Matthêu và Luca. Chúa Giêsu Kitô, con của Abraham, con của Đavít. Môsê, Isaia và Giêrêmia đã công bố Mùa Vọng của Ngài và mô tả các đặc điểm chức vụ của Ngài. Nhưng Thánh Gioan Tẩy Giả sẽ là người cho thế giới biết về Ngài, và đặc ân Làm Phép Rửa cho Chúa đã thuộc về Gioan. Gioan Tẩy Giả là lời chứng cuối cùng trước khi Chúa Giêsu đến. Và ông đã làm chứng bằng mạng sống của mình, bằng cái chết của mình và bằng lời nói của mình để dọn đường cho Chúa Giêsu. Đây là lý do tại sao ngài nhận được lời khen ngợi phi thường nhất từ chính Chúa Giêsu: “Amen, Tôi nói cho các ông biết, trong số những người sinh ra bởi người nữ, không ai vĩ đại hơn Gioan Tẩy Giả”. Tuy nhiên, Gioan, người mà lẽ ra phải biết đến tất cả những lời ca tụng này, là một tấm gương của sự khiêm nhường: hôm nay ngài nói với ta: “Tôi không đáng xỏ dép cho Ngài” (Lc 3,16). Và, theo Thánh Gioan (3,30): “Người phải lớn lên; Tôi phải nhỏ lại.”




Thứ Hai - Tuần III Mùa Vọng

(Ds 24,2-7.15-17a; Mt 21,23-27)

Tôma Lê Duy Khang

Tại sao các thượng tế và kỳ lão hỏi Chúa Giêsu: “Ông lấy quyền gì mà làm những việc như thế?”

Thưa bởi vì trước đó Chúa Giêsu đã thanh tẩy đền thờ Giêrusalem, nhưng chúng ta biết việc Chúa Giêsu thanh tẩy đền thờ là nhằm muốn thanh tẩy chính cõi lòng của những người do thái lúc bấy giờ, bởi nếu chỉ thanh tẩy đền thờ thì chỉ giải quyết được phần ngọn ngay lúc đó, chứ không giải quyết được phần gốc.

Vậy khi họ hỏi Chúa Giêsu như vậy, Chúa có trả lời họ không? thưa Chúa không trả lời các trực tiếp là Chúa lấy quyền nào mà làm việc đó, mà Chúa hỏi ngược lại họ: “Còn tôi, tôi chỉ xin hỏi các ông một điều thôi; nếu các ông trả lời được cho tôi, thì tôi cũng sẽ nói cho các ông biết tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy. Vậy, phép rửa của ông Gioan do đâu mà có? Do Trời hay do người ta? " Họ mới nghĩ thầm: "Nếu mình nói: "Do Trời", thì ông ấy sẽ vặn lại: "Thế sao các ông lại không tin ông ấy? " Còn nếu mình nói: "Do người ta", thì mình sợ dân chúng, vì ai nấy đều cho ông Gio-an là một ngôn sứ." Họ mới trả lời Đức Giêsu: "Chúng tôi không biết." Người cũng nói với họ: "Tôi cũng vậy, tôi không nói cho các ông là tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy."

Tại sao Chúa không trả lời họ mà Chúa Giêsu lại hỏi ngược lại họ như thế? Thưa bởi vì họ không có thành tâm thiện chí, cho dù có trả lời họ cũng không hiểu, họ không nhận ra Gioan Tẩy Giả là vị ngôn sứ đến dọn đường cho Chúa, thì làm sao mà nhận ra Chúa được.

Nhưng nếu đặt trường hợp là chúng ta, chúng ta có biết tại sao Chúa Giêsu lấy quyền gì mà làm như vậy hay không? thưa nếu xét theo khía cạnh thiêng liêng thì Chúa Giêsu, Ngài là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa nên Chúa có quyền.

Nếu xét về khía cạnh bình thường, khía cạnh con người, thì Chúa Giêsu không dùng quyền gì cả, vì chỉ là ông Giêsu Nadaret con của ông Giuse làm nghề thợ mộc và bà Maria thôi. Nhưng Chúa đang sống theo tiếng gọi của lương tâm, tiếng gọi của tình yêu, Chúa Giêsu yêu nhà Thiên Chúa, Chúa Giêsu yêu mến con người, chính vì lý do đó mà Chúa thanh tẩy đền thờ.

Nên chúng ta thấy nhiều lúc trong cuộc đời đâu phải có quyền chúng ta mới làm được điều này điều kia, hay phải đợi người ta chỉ cho chúng ta chúng ta mới làm, nếu không thì không làm, chúng ta hãy nhớ lại câu chuyện của ông nhà giàu và anh Ladaro cũng là một ví dụ cho chúng ta.

Tại sao mà ông nhà giàu sa hỏa ngục, ông có biết những hành vi của ông làm là không đúng hay không? thưa không biết, bằng chứng là chính ông nhà giàu đã xin Chúa cho người chết hiện về để báo cho anh em mình biết để mà tránh cái hỏa ngục không ngờ này, ông ta không biết, thế tại sao ông vẫn có tội để rồi phải sa hỏa ngục? Vì ông ta không sống theo tiếng gọi của lương tâm, không sống theo tiếng gọi của tình yêu, mà Chúa đặt đẻ trong con người của ông.

Hiểu được như thế, chúng ta được mời gọi đừng kết án người khác lấy quyền gì để làm việc này việc kia, bởi có những việc không cần quyền, những việc không cần phải nhắc nhở, buộc chúng ta phải làm, vì đó là bổn phận của chúng ta, làm vì tình yêu mến. Amen.



Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Ds 24,2-4.15-17a: Ngôi sao từ nhà Giacóp.

Tv 25,4: Lạy Chúa, xin chỉ chon con đường đi của Chúa.

Lc 21,27-27: Phép rửa của Gioan bởi đâu mà có?

Phúc Âm xem xét hai khía cạnh trong nhân cách của Chúa Giêsu: sự khôn ngoan và uy quyền của Ngài. Ngài biết sâu sắc trái tim của con người; Ngài biết cuộc sống bên trong của tất cả những người tiếp cận Ngài. Và khi các thầy tư tế và các nhà cầm quyền được phái đến hỏi Ngài một cách ác ý: “Ông lấy quyền gì để hành động như thế này? Ai đã cho Ngài thẩm quyền để làm tất cả những điều này?” (Mt 21,23), Chúa Giêsu trả lời bằng một câu hỏi khác: “Khi Gioan bắt đầu làm phép rửa, đó là việc của Thiên Chúa, hay chỉ là việc của con người?” (Mt 21,25). Họ không biết phải trả lời thế nào. Họ thấy mình bị dồn vào một góc. Thật gian xảo, chỉ với một câu hỏi đơn giản, Chúa Giêsu đã vạch trần thói đạo đức giả của họ; Ngài đã cho họ thấy sự thật. Và sự thật là luôn khó chịu. Nó có thể làm mất quân bình tâm trí con người.

Chúa Giêsu thi hành quyền lực của mình vì sự hiểu biết sâu sắc của Ngài về mọi người và các tình huống. Chúng ta cũng được kêu gọi để có thẩm quyền này. Đó là một món quà đến từ trên cao. Càng cố gắng đặt mọi thứ vào đúng vị trí của nó, chúng ta sẽ càng biết cách đối phó với những người và những tình huống khác nhau nhờ sự soi dẫn của Chúa Thánh Thần.




Thứ Ba Tuần III Mùa Vọng

(St 49,2,8-10; Mt 1,1-17)

Tôma Lê Duy Khang

Khi đọc đoạn Tin Mừng này trong phụng vụ, nhiều khi chúng ta cảm thấy hơi khó chịu. Có người trong chúng ta coi việc đọc một đoạn văn như vậy thật vô nghĩa, cứ lập đi lập lại cách nhàm chán. Có người đọc vội vã, khiến cho các tín hữu chẳng hiểu gì; lại có người cắt ngắn, bỏ đi một số đoạn.

Nhưng chúng ta biết, không có gì là vô nghĩa trước mặt Chúa. Cụ thể là bản gia phả của Chúa Giêsu, bởi vì chính Thiên Chúa là tác giả của kinh thánh: “Để viết các sách thánh, Thiên Chúa đã chọn một số người, dùng họ trong khả năng và phương tiện của họ, họ viết ra tất cả những gì Chúa muốn và chỉ viết những điều Chúa muốn mà thôi.” (Mk 11)

Nhờ gia phả này, chúng ta khám phá ra ý định nhiệm mầu của Thiên Chúa trong việc bày tỏ tình thương của Ngài ngay trong lịch sử gồm nhiều người tội lỗi.

Qua đó chúng ta nhìn lại đời sống của chúng ta để chúng ta hy vọng vào tình thương của Chúa, mặc dù chúng ta đều là những người tội lỗi và bất xứng, nhưng Chúa vẫn yêu thương chúng ta, vẫn hy vọng vào chúng ta, vẫn mời gọi chúng ta hãy sám hối để cộng tác với Chúa trong công trình cứu độ của Ngài, nên chúng ta được mời gọi cũng hãy biết nâng đỡ anh chị em của mình.

Có một thành viên trong hội đồng giáo xứ hiện đang rơi vào chuyện sa ngã phạm tội, gây xôn xao trong họ đạo. Cha sở liền triệu tập các thành viên còn lại, rồi với tình yêu và thương xót, ngài trình bày lại đầu đuôi câu chuyện đáng buồn cho mọi người rồi ngài hỏi như thế này: ví bằng chính các ông các bà bị cám dỗ như người anh em của chúng ta, quý vị sẽ làm gì?

Người thứ nhất tin tưởng ở khả năng của mình có thể đứng vững trong cơn cám dỗ nên nói: thưa cha, chắc chắn con chẳng bao giờ chịu nhượng bộ trước tội lỗi đáng ghê tởm đó.

Những người khác cũng lần lượt lớn tiếng dõng dạc nói như vậy. ai cũng muốn cho mọi người thấy mình là người đàng hoàng đạo đức, hoặc can đảm đối đầu với mọi chước cám dỗ xấu xa.

Sau hết, cha sở có vẻ vẫn chưa vừa lòng, nên quay sang hỏi người cuối cùng trong hội đồng giáo xứ. Ông này vốn là người ít nói, chỉ lẳng lặng âm thầm chu toàn các việc nhỏ trong họ đạo. Ở cuộc họp, ông cũng luôn ngồi ở một góc phòng. Nghe cha sở hỏi mình, ông đứng lên nhỏ nhẹ thưa: Thưa cha và mọi người, thú thật, tự đáy lòng con phải thú nhận rằng, nếu con bị cám dỗ và thử thách như người anh em đó, có lẽ con sẽ còn sa đọa hơn thế nữa.

Cả phòng im lặng sững sờ. Cha sở thì gật gù nói: Đây là người duy nhất có thể đi với tôi để nói chuyện với người anh em lầm lạc đó, để cố gắng dìu dắt người ấy quay về với Chúa.

Hiểu được như vậy, chúng ta thấy trong cuộc đời này không có gì là vô dụng trước mặt Chúa, nhưng Chúa biết dùng theo cách của Ngài, chúng ta hãy cám ơn Chúa về điều đó, và lời cám ơn của chúng ta phải được cụ thể hóa bằng hành động đó là cố gắng sống tốt lành, biết nâng đỡ anh chị em của chúng ta, như Chúa đã yêu thương nâng đỡ mỗi người chúng ta. Amen.



Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

St 49,2.8-10: Phủ việt sẽ không cất khỏi Giuđa.

Tv 72,7: Sự công chính và nền hòa bình viên mãn sẽ triển nở trong triều đại người tới muôn đời.

Mt 1,1-17: Gia phả của Chúa Giêsu Kitô, con vua Đavít.

Khi ta đọc gia phả của Chúa Giêsu, mỗi người được nhận ra cách dễ dàng. Vấn đề là mọi người mang danh tốt hay xấu của tổ tiên họ. Điều này xảy ra với “Gia phả Đức Giêsu Kitô, con vua Đavít, con ông Abraham” (Mt 1,1).

Điều mà Matthêu đang nói là Chúa Giêsu là một con người thật. Nói cách khác, Chúa Giêsu không bắt đầu từ con số không mà mang theo hành trang lịch sử đặc biệt bên mình. Điều này có nghĩa là việc Nhập thể là một việc có chủ đích, rằng khi Thiên Chúa được làm người, thì Ngài đã được làm người với tất cả hậu quả. Khi đến thế giới này, Con Thiên Chúa mang theo cả một quá khứ gia đình.

Đọc gia phả Đức Giêsu, ta có thể thấy rằng Chúa Giêsu không có một “bản tường trình sạch sẽ”. Như Đức Hồng Y Nguyễn văn Thuận đã viết, “trên thế giới này, nếu một dân tộc viết sử chính thức thì sẽ nói lên sự vĩ đại của nó ... Thật là một điều độc đáo, đáng ngưỡng mộ và tuyệt vời khi tìm thấy một dân tộc mà trong lịch sử chính thức của họ, không che giấu tội lỗi của tổ tiên họ”.

Tóm lại, gia phả của Chúa Giêsu giúp ta chiêm ngắm mầu nhiệm mà ta sắp cử hành: đó là Thiên Chúa đã trở thành Người, Người thật, và “ngự ở giữa chúng ta” (Ga 1,14).


 


Thứ Tư - Tuần III Mùa Vọng

(Gr 23,5-8; Mt 1,18-24)

Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy việc Thiên thần truyền tin cho thánh Giuse, tại sao Thiên Thần truyền tin cho thánh Giuse, vì Giuse là người công chính không muốn tố cáo Mẹ Maria, nên định bỏ đi cách kín đáo, nghĩa là chấp nhận phần lỗi chấp nhận phần đau khổ về mình.

Chúng ta thử suy nghĩ nếu như thánh Giuse bỏ đi như vậy ông có đau khổ hay không? Thưa đau khổ.

Rồi mẹ Maria, khi thánh Giuse bỏ đi như vậy, mặc dù Giuse nhận phần lỗi về mình, nhưng Mẹ có đau khổ hay không? Thưa chắc chắn sẽ phải đau khổ, vì một thân một mình phải nuôi dạy con cái, một mình mẹ làm sao có thể đương đầu được, nếu chúng ta nhìn những trình thuật theo sau đó, kiểm tra dân số, đi sang Ai cập, nuôi dạy Chúa Giêsu… nếu chúng ta nhìn những trình thuật theo sau đó mà không có hình bóng của thánh Giuse chắc chắn Đức mẹ khó mà vượt qua được.

Chính vì thế, mà Chúa đã ra tay, Chúa đã hành động để Giuse không đau khổ khi phải bỏ đi, để Mẹ Maria không đau khổ khi phải một mình đương đầu với những khó khăn trong thời gian sắp tới.

Hiểu được như vậy, chúng ta phải xác tín vào tình thương của Chúa, Chúa không bao giờ bỏ rơi con người, nhưng quan trọng là con người lạc quan, có đủ tin tưởng để nhận ra điều đó hay không mà thôi.

Tôi có đọc được một lời cầu nguyện rất hay như thế này, để chúng ta xác tín vào tình thương của Chúa dành cho chúng ta:

Tôi tạ ơn Chúa vì chồng tôi cứ phàn nàn khi bữa cơm chưa dọn kịp, bởi lẽ chàng đang ở ngay bên cạnh tôi, chứ không phải bên ai khác.

Tôi tạ ơn Chúa vì con tôi cứ càu nhàu khi phải phụ rửa chén đĩa cho tôi, bởi lẽ thằng bé đang ở nhà chứ không phải lêu lổng ngoài đường.

Tôi tạ ơn Chúa vì số thuế thu nhập mà tôi phải trả quá cao, bởi lẽ như thế nghĩa là tôi đang có một công việc tốt để làm..

Tôi tạ ơn Chúa vì có nhiều thứ phải dọp dẹp sau bữa tiệc nhỏ, bởi lẽ như thế nghĩa là tôi luôn được bạn bè quý mến đến chơi.

Tôi tạ ơn Chúa vì quần áo tôi bỗng trở nên hơi chật, bởi lẽ như thế nghĩa là tôi đang có đủ ăn.

Tôi tạ ơn Chúa vì cái bóng của tôi cứ nhìn tôi làm việc, bởi lẽ như thế nghĩa là tôi đang sống tự do ngoài nắng.

Tôi tạ ơn Chúa vì sàn phòng cần quét,cửa sổ cần lau,màng xối cần sửa, bởi lẽ như thế nghĩa là tôi đang có 1 mái nhà để cư ngụ.

Tôi tạ ơn Chúa vì tất cả những lời than phiền về chính phủ, bởi lẽ như thế nghĩa là chùng ta đang được tự do ngôn luận.

Tôi tạ ơn Chúa vì hóa đơn đóng tiền cho hệ thống sưởi thật cao,bởi lẽ như thế nghĩa là tôi đang được ấm áp.

Tôi tạ ơn Chúa vì người phụ nữ ngồi phía sau tôi trong nhà thờ hát sai. bởi lẽ như thế nghĩa tai tôi còn nghe được rất tinh tế.

Tôi tạ ơn Chúa vì đống đồ phải giặt ủi, bởi lẽ như thế nghĩa là tôi có đầy đủ quần áo để ăn mặc tử tế.

Tôi tạ ơn Chúa vì các cơ bắp của mình thấy mõi mệt vào cuối ngày, bởi lẽ như thế nghĩa là tôi có sức để làm việc nhiều.

Tôi tạ ơn Chúa vì tiếng đồng hồ reo to thật sớm ban mai, bỏi lẽ như thế nghĩa là tôi còn đi lại ,hít thở và cười nói, bởi lẽ như thế nghĩa là tôi đang còn sống.

Và cuối cùng…tôi tạ ơn Chúa vì nhận quá nhiều thư từ gửi về, bởi lẽ như thế nghĩa là tôi vẫn còn có nhiều bạn bè đang nhớ đến tôi…

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta có đủ lạc quan, có đủ tin tưởng để nhận ra tình thương của Chúa trong cuộc đời của mình. Amen.




Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Gr 23,5-8: Ta sẽ gây cho Đavít một mầm giống công chính.

Tv 72,7: Sự công chính và nền hòa bình viên mãn sẽ triển nở trong triều đại người tới muôn đời.

Mt 1,18-24: Chúa Giêsu sẽ sinh bởi Đức Trinh Nữ Maria, vị hôn thê của Thánh Giuse, thuộc dòng dõi Đavít.

Thiên thần Gabriel tiết lộ cho Giuse biết mầu nhiệm ẩn sau sự thụ thai của Maria, điều mà trước đó đã khiến ông bị khủng hoảng trầm trọng. Ta ngưỡng mộ Giuse vì sự hiền lành và vâng lời trước tiếng nói của Chúa. Sau khi nhận được lời sứ thần truyền tin, thánh Giuse làm mọi điều Chúa muốn: ngài đem Đức Maria và Hài Nhi về nhà chăm sóc.

Trong Tin Mừng hôm nay, Giuse biết Maria đang mang thai. Tôi tưởng tượng cảnh Giuse thất thần khi biết tin này. Có thể Giuse nghĩ Maria đã ở với một người đàn ông khác. Khi bị mất tinh thần, ta rất dễ mất quan điểm. Ta nhìn mọi thứ từ một quan điểm hạn hẹp và không có khả năng hoặc lựa chọn thay thế.

Hạnh phúc thay, Giuse tỉnh táo, cởi mở và nghe theo những điều mới mẻ. Trong những thời điểm khó khăn, Giuse mở rộng tầm nhìn của mình để hy vọng và tin tưởng rằng Chúa ở cùng ngài và Mẹ Maria. Maria sẽ sinh một con trai nhờ Chúa Thánh Thần, và họ sẽ đặt tên là Emmanuel, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Chân thành cảm ơn thánh Giuse vì đã giúp nhân loại mở rộng tầm nhìn và biết mở lòng đón nhận ân sủng của Chúa giữa bối rối, tổn thương, lao đao, thất vọng.



 

Thứ Năm - Tuần III Mùa Vọng

(Tl 13,2-7,24-25a; Lc 1,5-25)

Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy ông Dacaria và bà Êlisabet hai ông bà đều là người công chính trước mặt Thiên Chúa, sống đúng theo mọi điều răn và mệnh lệnh của Chúa, không ai chê trách được điều gì. Nhưng lại không có con, chúng ta biết không có con là dấu hiệu Thiên Chúa không chúc phúc, nhưng sau đó Chúa cho hai ông bà có tin vui, là sẽ sinh hạ con trai. Sau đó bà Êlisabet đã nói: “Chúa đã làm cho tôi như thế đó, khi Người thương cất nỗi hổ nhục tôi phải chịu trước mặt người đời.”

Như vậy đôi khi Chúa cho sự dữ xảy ra để thứ thách đức tin của con người, để cho quyền năng của Chúa được tỏ hiện.

Chúng ta hãy nhớ lại câu chuyện khi Chúa Giêsu chữa lành người mù từ thuở mới sinh, Các môn đệ hỏi Người: "Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta? " 3 Đức Giê-su trả lời: "Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng sở dĩ như thế là để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh. 4 Chúng ta phải thực hiện công trình của Đấng đã sai Thầy, khi trời còn sáng; đêm đến, không ai có thể làm việc được. 5 Bao lâu Thầy còn ở thế gian, Thầy là ánh sáng thế gian." (Ga 9, 2- 5).

Hay khi Chúa Giêsu được báo là cho biết anh Ladaro đang bị đau nặng, xin Chúa đến với ông, nhưng Chúa Giêsu nói: “Bệnh này không đến nỗi chết đâu, nhưng là dịp để bày tỏ vinh quang của Thiên Chúa: qua cơn bệnh này, Con Thiên Chúa được tôn vinh." (Ga 11,1-4).

Cha Antony de mello có kể câu chuyện Tại sao người lành lại chết? như thế này.

Vị thuyết giáo trong làng đến viếng nhà một giáo hữu già nua. Ông vừa nhấm nháp cà phê vừa trả lời mấy câu hỏi của bà cụ.

Bà cụ hỏi: “Tại sao Chúa hay gởi tới những ôn dịch như thế?”

Nhà thuyết giáo trả lời: “Ồ! Đôi khi người ta trở nên hung dữ đến đổi cần phải tiêu diệt đi và chính vì thế mà Chúa nhân từ đã cho phép xảy ra ôn dịch.”

Cụ già cải lại: “Nhưng vậy thì tại sao biết bao người lành cũng bị tiêu diệt cùng với người dữ?”

Nhà thuyết giáo giải thích: “Những người lành được triệu tập để làm chứng nhân. Chúa muốn có một bản án công bằng cho mỗi một linh hồn.”

Như vậy, chúng ta thấy dù sự dữ có xảy đến do nguyên nhân nào đi chăng nữa, nhưng nếu chúng ta biết tin cậy vào Chúa, chạy đến với Chúa, nép mình bên Chúa chắc chắn quyền năng của Thiên Chúa sẽ tỏ hiện trên cuộc đời của chúng ta. Amen.




Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Tl 13,2-7,24-25a: Thiên Thần báo trước việc Samson sinh ra.

Tv 71,8: Xin cho miệng tôi chứa chan lời khen ngợi, để tôi ca tụng vinh quang của Chúa.

Lc 1,5-25: Thiên Thần Gabriel báo trước việc Gioan Tẩy Giả sinh ra.

Trong các bài đọc hôm nay từ sách Thủ Lãnh và Tin mừng Luca, có những ví dụ về các thiên thần đến nói tiên tri rằng những điều tốt lành sẽ thực sự đến. Tuy nhiên, Manuel, vợ ông, Dacaria và Elisabeth khó mà hiểu được điều kỳ diệu như sự ra đời của một người con có thể xảy ra vì họ được coi là hiếm muộn và cao niên. Giacaria còn cần thêm bằng chứng để tin vào lời tiên tri của thiên sứ Gabriel nên ông đã không nói nên lời.

Khi chuẩn bị kỷ niệm mầu nhiệm Giáng sinh của Đấng Cứu Thế trong Mùa Vọng này, chúng ta được mời gọi tin tưởng vào những điều đã được tiên tri. Chúng ta biết rằng lời thiên sứ báo trước về sự ra đời của Samson, Gioan và sự ra đời của Chúa Giêsu đã thành sự thật. Nhưng còn hiện tại thì sao? Chúa vẫn đến với chúng ta mỗi khi họp nhau cầu nguyện, cao điểm là khi ta tham dự và cử hành Bí tích Thánh Thể. Chờ đợi và tin tưởng kế hoạch của Chúa là một niềm hy vọng không phải dễ dàng. Vì chúng ta đang sống trong một thế giới đổ vỡ và tội lỗi. Cuộc sống thực tại thường thách thức đức tin và sự tin tưởng của chúng ta. Trong Mùa Vọng này, xin cho miệng chúng ta chứa chan lời khen ngợi, để ta ca tụng vinh quang của Chúa.


 


Thứ Sáu Tuần III Mùa Vọng

(Is 7,10-14; Lc 1,26-38)


Tôma Lê Duy Khang

Lời Chúa hôm nay kể với chúng ta về thái độ bối rối của hai người là vua Akhát và Đức Maria. Nhưng hai kết luận thì khác nhau, nhà vua vẫn tiếp tục lo lắng, còn Đức Maria thì bình an.

Chúng ta biết vua Akhát, vua vương quốc Giuđa đang lo lắng về chuyện liên quân Syria và vương quốc Israel muốn đánh xuống Giuđa. Isaia đã được Thiên Chúa sai đến lần đầu để trấn an nhà vua và kêu mời tin tưởng vào Chúa chứ không phải vào sức mạnh quân sự, nhưng vua chưa đủ tin.

Nên trong bài đọc 1 chúng ta vừa nghe, một lần tiên tri lại được sai đến để nói vua hãy xin một dấu hiệu, nhưng vua không dám xin. Vì vua không đủ đức tin, nên vẫn lo lắng!

Còn khi thiên sứ truyền tin cho Đức Mẹ, là những điều ngoài dự tính, ngoài sức tưởng tượng của Mẹ, nên đã làm Đức Maria bối rối, Mẹ đã hỏi lại cho rõ.

Khi biết đó là chương trình của Thiên Chúa, tuy dù tương lai phía trước còn nhiều phiêu lưu, nhưng Đức Maria đã vâng phục trong khiêm hạ, điều đó khiến cho Mẹ có được sự bình an: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói.” (Lc 1,30).

Chúng ta thấy, thường cuộc đời của chúng ta giống như vua Akhat, chứ không giống như Mẹ Maria, đó là cái gì nắm trong tay mình thì mình mới tin là chắc chắn, còn những gì không nắm được trong tay thì không chắc chắn, và chúng ta không dám mạo hiểm.

Chúng ta thấy, Đức Mẹ tin vào lời Thiên Chúa, nhưng trong cuộc đời của Mẹ không thiếu những gian nan thử thách, không thiếu những đau khổ, nhưng mẹ vẫn tin, để rồi Chúa ban ơn giúp sức để cho mẹ vượt qua tất cả.

Nên lời Chúa hôm nay mới gọi mỗi người chúng ta một điều thôi, đó là dù chúng ta không tin bất cứ một điều gì đó trong thế gian này, nhưng có một điều chúng ta buộc phải tin tưởng đó là tin tưởng vào Chúa, tin vào Chúa đó là một chọn lựa chắc chắn cho cuộc đời của mỗi người chúng ta, vì chỉ có Chúa mới là núi đá là thạch động cho mỗi người chúng ta trú thân. Nếu chúng ta tin tưởng vào Chúa chắc chắn chúng ta sẽ có được bình an thật sự dù cuộc đời này có lắm gian truân. Amen.




Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Is 7,10-14: Này đây một trinh nữ sẽ thụ thai.

Tv 24,7c&10b: Chúa ngự qua, chính Ngài là Hoàng Ðế hiển vinh.

Lc 1,26-38: Này trinh nữ sẽ thụ thai và sinh một con trai.

Tin mừng hôm nay dạy ta lớn lên trong đức tin và tín thác vào Chúa qua gương mẫu của Mẹ Maria. Thiên sứ Gabriel đến thăm Maria và thông báo rằng bà ‘sẽ thụ thai và sinh một con trai, đặt tên là Giêsu’. Đức tin phi thường của Maria nơi Chúa được thể hiện rõ khi bà trả lời: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền.” Maria tin vào kế hoạch của Chúa, và niềm tin và sự tin tưởng của Mẹ thực sự đáng chú ý.

Mẹ Maria có thể thưa lời xin vâng với Chúa vì Mẹ có rất nhiều nhân đức: đầy ân sủng, Chúa ở cùng Mẹ, khiêm nhường, đơn sơ và sẵn sàng cho thánh ý Chúa. Đó không chỉ là lời xin vâng với thông điệp của thiên thần; đó là đặt mình trong tay Chúa và để Chúa hành động qua mình trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời mình. Mặt khác, Chúa luôn thành tín với lời hứa của Ngài. Ngài cho Maria biết rằng Mẹ được chọn để cưu mang Đấng Cứu Độ của thế giới.

Chúng ta đang chuẩn bị đón lễ Giáng sinh. Cách cử hành tốt nhất là ở bên Mẹ Maria, chiêm ngắm cuộc đời Mẹ và cố gắng bắt chước các nhân đức của Mẹ để đón nhận Chúa như Mẹ. Hãy ghi nhớ với lòng biết ơn đức tin mà Mẹ Maria đã có nơi Thiên Chúa. Hãy tin tưởng và tín thác vào Chúa như Mẹ Maria.



 

Thứ Bảy Tuần III Mùa Vọng

(Dc 2,8-14; Lc 1,39-45)


Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay trình bày cho biết sau khi được thiên thần truyền tin, Mẹ Maria đã vội vã đến thăm người chị họ của mình là bà Êliasabet, vậy Mẹ maria đến với người chị họ của mình để làm gì?

Có nhà chú giải cho rằng việc mẹ Maria vội vã lên đường là muốn kiểm chứng xem điều Thiên Thần nói về bà chị họ đang mang thai như vậy có đúng hay không?

Cũng có nhà chú giải cho rằng việc Mẹ Maria đến thăm bà Eeliasabet, là vì khi hay tin như vậy, thì mẹ đến để phụ chăm sóc cho người chị họ lớn tuổi tuổi của mình.

Nhưng cũng có nhà chú giải cho Rằng mẹ đến là để mang niềm vui đến cho người chị họ.

Trong bối cảnh của lễ giáng sinh gần kề, cũng như dựa vào chính trong trang tin mừng hôm nay, chúng ta thấy Mẹ Maria đến để đem niềm vui đến cho người chị họ của mình, Tin mừng thuật lại: “Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng và nói rằng: "Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em."

Noi gương Mẹ Maria, chúng ta cũng được mời gọi đem niềm vui đến cho người khác, có thể là một tin vui thật sự, nhưng cũng có thể là một lời nói an ủi, có thể đó một lời nói tha thứ, cũng đem lại niềm vui cho người khác.

Chúng ta hãy nhớ lại khi Chúa Giêsu phục sinh, ngài đã hiện ra với các môn đệ, ngài trao ban bình an cho các ông, rồi ngài thổi hơi trao ban thánh thần cho các ông, và nói: “Anh em hãy lãnh nhận Thánh Thần, anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha, anh em cầm buộc ai thì người ấy bị cầm buộc” (Ga 20, 21-23).

Nếu để ý khi đi xưng tội xong tâm hồn chúng ta nhẹ nhàng, và cảm thấy lòng mình vui vẻ hẳn lên, và được tha tội cũng là một niềm vui.

Chúng ta hãy nhớ đến kinh nghiệm của Dakeu, khi được Chúa Giêsu ngỏ lời đến nhà của ông thì làm gì? Ông nói với Chúa Giêsu: “Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn."

Đó là niềm vui của người được tha thứ, vậy khi người được tha thứ trở về, thì người tha thứ có vui hay không? Thưa rất vui, và vui nhất đó là Chúa, vì Chúa nói: “Trên trời ai nấy sẽ vui mừng, vì một người tội lỗi ăn ăn sám hối, hơn là chín mươi chính người công chính không cần phải sám hối ăn năn” (Lc 15,7)

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết đem niềm vui đến cho người khác qua việc chúng ta biết tha thứ cho nhau, qua việc chúng ta biết ăn năn sám hối những tội lỗi của mình, và khi chúng ta biết tha thứ cho nhau, biết ăn năn sám hối là chúng ta cũng đang mang niềm vui đến cho Chúa. Amen.




Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Dc 2,8-14: Ðây người tôi yêu đến, nhảy qua núi.

Tv 33,1a&3a: Người hiền đức, hãy hân hoan trong Chúa, hãy ca mừng Người bài ca mới!

Lc 1,39-45: Bởi đâu mà tôi được ơn này, là Mẹ Thiên Chúa tôi đến viếng thăm tôi.

Các bài đọc hôm nay mời gọi ta cầu nguyện với tình yêu và niềm vui. Hình ảnh tuyệt đẹp từ sách Diễm Ca nhắc nhở ta hãy mở lòng đón nhận món quà tình yêu của Chúa: “hãy cho ta thấy mặt mình, tiếng mình hãy thánh thót ở tai ta, vì tiếng mình êm ái, nét mặt mình xinh tươi.” Người phụ nữ mô tả một điểm hẹn và hình dung người yêu của cô đang vội vã đến nhà của cô cho đến khi tiếng nói của anh ấy gọi cô đến với anh. Nó thể hiện tình yêu trong trái tim cô. Trong Phúc âm, tình thương mà Maria và Elisabeth dành cho nhau và cho những đứa con trai chưa sinh của họ rất sâu đậm. Tình yêu thể hiện trong niềm vui là một món quà thực sự. Vào thời điểm khó khăn, Maria đã cố gắng đi thăm người chị họ của mình.

Tình yêu và niềm vui xuất hiện trong tâm hồn, khuôn mặt và cung lòng của Elisabeth. Ngay cả em bé cũng nhảy cẫng lên vì sung sướng trong bụng mẹ. Những lời của Elisabeth sẽ vượt thời gian: “Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ, và Con lòng Bà được chúc phúc” (Lc 1,42). Những lời đẹp đẽ của Elisabeth trở thành lời kinh quen thuộc trong Kinh Mân Côi như nguồn vui. Lời Chúa khuyến khích ta yêu thương nhau và mang lại niềm vui cho những người cần đến.