19/01/2025
580
Suy niệm hằng ngày_ Tuần II Thường Niên







 

 

 


 

CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN - C

(Is 62,1-5; 1Cr 12,4-11; Ga 2,1-11)

Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay kể cho chúng ta nghe câu chuyện tiệc cưới cana, nhưng qua câu chuyện này, chúng ta thấy được một điều như thế này đó là mỗi người sẽ có một niềm vui riêng, khi biết lắng nghe và sống theo lời Chúa dạy.

Chúng ta thấy các gia nhân đã nghe lời của Chúa và thực hiện lời của Chúa, nhờ đó mà họ không bị chủ trách mắng, có được niềm vui, và chính gia chủ của họ cũng có được niềm vui: “Ai ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon mãi cho đến bây giờ."

Nghĩa là nhờ Chúa mà mang lại niềm vui bất ngờ cho chính mỗi người, nên chúng ta thấy khi sống lời Chúa dạy, thì mỗi người có một cái phúc riêng, có một niềm vui riêng mà mỗi người sẽ cảm nhận được.

Có một người vượt qua muôn vàn gian khổ để đi tìm thiên đàng, cuối cùng đã tìm thấy. Anh ta vui sướng đứng trước cửa thiên đàng hô to: “Tôi đã đến được thiên đàng rồi!”.

Lúc đó người gác cổng thiên đàng bỗng nhiên hỏi anh ta: “Đây là thiên đàng ư?” Anh ta ngẩn người ra hỏi: “Chẳng nhẽ ông chẳng biết đây là thiên đàng?” Người gác cổng lắc đầu hỏi: “Anh từ đâu đến?” Anh ta trả lời: “Từ địa ngục”.

Tại sao người canh cổng thiên đàng mà không biết mình đang đứng trước thiên đàng, bởi vì đã quá quen thuộc. Còn người từ hỏa ngục lên thì biết ngay là thiên đàng.

Câu chuyện này cho chúng ta thấy được một điều đó là khi thiếu cái gì, mà khi đạt được cái đó thì cho đó là thiên đàng, chính là hạnh phúc.

Có một bài viết mang tên HẠNH PHÚC LÀ GÌ? Cũng mang cùng một ý tưởng như thế, nghĩa là thiếu cái gì, mà khi đạt được cái đó thì cái đó là hạnh phúc, là thiên đàng.

Người nghèo nói: Có tiền là hạnh phúc.

Người tàn tật nói: Đi được là hạnh phúc.

Người mù nói: Nhìn được là hạnh phúc.

Người điếc nói: Nghe được là hạnh phúc.

Người bệnh nói: Mạnh khỏe là hạnh phúc.

Người chưa chồng nói có chồng sẽ hạnh phúc

Người chưa vợ nói có vợ sẽ hạnh phúc

Người chưa có con nói có con sẽ hạnh phúc.

Người lo lắng sợ hãi nói bình an là hạnh phúc

Người xấu nghĩ mình xinh sẽ hạnh phúc

Người lùn nghĩ mình cao sẽ hạnh phúc

Dân đen nói làm quan sẽ hạnh phúc

Người đang rất đói nói được bữa cơm là hạnh phúc.

Người đang buồn ngủ nói nếu được ngủ một giấc sẽ hạnh phúc.

Người không có quần áo nói nếu có bộ quần áo đẹp sẽ hạnh phúc.

Người không có xe nói có xe để đi sẽ hạnh phúc. Người không có điện thoại nói nếu có chiếc điện thoại sẽ hạnh phúc...

Nên mỗi người có niềm vui riêng, có hạnh phúc riêng không ai giống ai cả.

Nếu đào sâu thêm một chút nữa, thì chúng ta thấy được một điều như thế này đó là mỗi người chúng ta đều có giá trị riêng không ai giống ai cả, giá trị riêng ở chỗ nào, giá trị riêng không phải là tôi riêng biệt, tôi khác với 8 tỷ người khác trên thế giới này, mà cái giá trị riêng của chúng ta ở chỗ mỗi người chúng ta được Chúa dùng chúng ta vào việc của Chúa.

Có người nói như thế này, đối với cái bàn và tờ giấy bỏ lên cân mà cân thì cái nào nặng hơn, đương nhiên là cái bàn nặng hơn, ai cũng biết như vậy, nhưng đôi lúc chúng ta thấy tờ giấy nặng hơn cái bàn, chẳng hạn trên tay của chúng ta có một vết mực, một vết son dính vào tay, thì chúng ta lấy cái gì để mà xử lý vết mực, xử lý vết son đó, chúng ta lấy tờ giấy chúng ta lau, hay chúng ta lấy cái bàn chúng ta lau? Thưa chúng ta sẽ lấy tờ giấy chúng ta lau, nên tờ giấy ngay trong thời điểm đó nó có giá trị trong lúc đó.

Xin cho mỗi người chúng ta ý thức được rằng nếu biết lắng nghe và thực hành lời của Chúa dạy, chúng ta sẽ có được niềm vui riêng của chính mình, và cũng xin cho mỗi người chúng ta ý thức được giá trị riêng của mỗi người chúng ta khi biết lắng nghe và thực hành lời Chúa, để Chúa dùng chúng ta vào việc của Chúa. Amen.





Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Is 62,1-5: Người chồng sẽ vui mừng vì vợ.

Tv 96,3: Hãy tường thuật phép lạ Chúa giữa chư dân.

1 Cr 12,4-11: Cùng một Thánh Thần ban phát ơn riêng cho mỗi người theo như Người quy định.

Ga 2,1-11: Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên này tại Cana xứ Galilêa.

Các bài đọc hôm nay bắt đầu với chủ đề đám cưới - trước tiên so sánh mối tương quan của Chúa với dân Người bằng mối liên hệ của một cặp vợ chồng và kết thúc bằng câu chuyện về phép lạ đầu tiên của Chúa Giêsu khi Ngài dự tiệc cưới. Phép lạ của Ngài trong lễ cưới Cana tạo tiền đề cho cuộc đời công khai của Ngài. Chúa Giêsu thực hiện điều được quy định và đang hướng sự phục vụ cho các mối liên hệ trong tình yêu thương.

Trong sách Isaia, Chúa mở rộng cánh cửa cho một mối quan hệ hơn là giữ vai trò quan tòa. Thiên Chúa là Đấng ban ơn đáng để chúng ta biết ơn hơn là Đấng ban lề luật trong Thánh vịnh. Ngay cả Phaolô cũng có thông điệp hướng đến mối tương quan nhiều hơn. Cuối cùng, Phúc Âm chuẩn bị cho việc thay thế các điều luật Cựu Ước bằng hai điều răn lớn của Tân Ước dựa trên các mối liên hệ. Thứ nhất, hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn. Thứ hai là: Yêu người lân cận như chính mình. Trong cuộc sống công khai, Chúa Giêsu cảm nhận được nhu cầu của người khác, và Ngài hành động để xây dựng các mối tương quan tốt đẹp trong sự tôn trọng và hạnh phúc.




THỨ HAI - TUẦN II THƯỜNG NIÊN

Mc 2,18-22

Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy các môn đệ của Gioan Tẩy Giả và những người Pharisieu chê trách các môn đệ của Chúa Giêsu không ăn chay, họ nói với Chúa Giêsu: “Tại sao các môn đệ ông Gio-an và các môn đệ người Pha-ri-sêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay? "

Nhưng Chúa Giêsu trả lời: "Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ? Bao lâu chàng rể còn ở với họ, họ không thể ăn chay được. Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay trong ngày đó.

Với câu trả lời này, Chúa Giêsu muốn chỉ cho họ biết được mục đích của việc ăn chay để làm gì? Thưa đó là để đón chàng rể, mà bây giờ Chúa Giêsu đã là chàng rể đã đến ở giữa các môn đệ rồi, thì ăn chay làm gì vô ích.

Trong cuộc sống của chúng ta cũng vậy, khi làm bất cứ việc gì chúng ta phải xác định được mục đích chúng ta làm việc đó để làm gì, nếu không thì việc làm của chúng ta là một việc làm vô ích không có kết quả, có kết quả chúng ta phải hiểu không phải là có kết quả ở đời này mà còn có kết quả ở đời sau.

Chúng ta nhớ lại có lần Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ của Chúa về việc lắng nghe và thi hành lời Chúa, Chúa nói: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: "Lạy Chúa! lạy Chúa! " là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi. Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: "Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao? " Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ: Ta không hề biết các ngươi; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác! "Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá. Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá. Còn ai nghe những lời Thầy nói đây, mà chẳng đem ra thực hành, thì ví được như người ngu dại xây nhà trên cát. Gặp mưa sa, nước cuốn hay bão táp ập vào, nhà ấy sẽ sụp đổ, sụp đổ tan tành". (Mt 7, 21-27).

Chúng ta thấy con người làm những việc lớn lao đó là chữa bệnh, là trừ quỷ, là làm phép lạ, đó là những việc lớn lao, đạt được hiệu quả trước mặt người đời, nhưng trước mặt Chúa là đồ bỏ đi, vì không phải là ý Chúa muốn, nên chúng ta hãy nhớ làm việc có mục đích, nhưng có mục đích theo ý của Chúa muốn, chứ không phải theo ý của ta muốn, để rồi dù trước mặt người đời không có hiệu quả thật đó, nhưng trước mặt Chúa thì việc đó có hiệu quả, nên hãy làm theo ý muốn của Chúa, Chúa muốn chúng ta làm gì, thì chúng ta làm việc đó. Amen.




Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Dt 5,1-10: Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã học vâng phục do những đau khổ Người chịu.

Tv 110,4: Con là Thượng tế tới muôn đời theo phẩm hàm Menkixêđê.

Mc 2,18-22: Tân lang còn ở với họ.

Người ta thích chất vấn Chúa Giêsu. Ngài làm cho mọi thứ trở nên quá đơn giản, quá khác so với quy định pháp lý của họ. Ngài khiến họ phát điên. Họ hỏi Chúa Giêsu: tại sao những người khác ăn chay, nhưng môn đệ của Ngài lại không ăn chay? Chúa Giêsu giải thích:

Bây giờ không phải là lúc các môn đệ của Ngài ăn chay. Ngài ở bên họ. Và đây là lúc cùng nhau ăn mừng mới phải. Rõ ràng đây là một điều mới mẻ. Ngài cho họ biết là đừng cố gắng làm cho nhiệm vụ của Ngài nằm gọn trong tấm vải cũ (lề thói xưa). Như vậy sẽ không làm việc được. Ngài không thể bị gò bó trong những tập tục mang nặng tính hình thức. Đồng thời, Ngài cũng cho họ thấy là đừng mong đợi chức tước của Ngài, cuộc sống của Ngài, sứ mệnh của Ngài phù hợp với các tập tục cổ xưa. Thay vào đó, hãy mở lòng đón nhận món quà mà Thiên Chúa đang ban cho và để tình yêu thương của Chúa tràn ngập tâm hồn. Vì luật yêu thương thì vượt lên trên tất cả.

Chúa Giêsu nhắc họ rằng họ phải đón nhận Ngài với một tinh thần mới. Chúa Giêsu đề xuất một cuộc sống hoàn toàn mới. Chúng ta cầu xin ơn Chúa để cảm nghiệm tình yêu, sự hiện diện của Chúa trong tâm hồn để ta có thể chia sẻ với người khác.




THỨ BA - TUẦN II THƯỜNG NIÊN

Mc 2,23-28

Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy việc những người biệt phái chỉ trích các môn đệ của Chúa Giêsu bứt lúa ăn vào ngày Sabat, họ nói với Chúa Giêsu: “Kìa Thầy xem, tại sao ngày sa-bát mà người ta lại làm điều không được phép làm như vậy? "

Chúng ta biết việc họ chỉ trích như vậy có đúng hay không? Thưa không đúng vì luật trong sách xuất hành dạy đó là không được gặt hái trong ngày Sabat (Xh 34,21), với mục đích là để các điền chủ đừng quá tham lam bóc lột sức lao động của người khác, nghĩa là bảo vệ cho người lao động có thời gian được nghỉ ngơi, theo luật thì chúng ta hiểu như vậy.

Chúng ta biết đối với luật công bằng thời Cựu Ước cũng vậy, không phải luật công bằng là xấu đâu, mà luật công bằng muốn bảo vệ con người, không cho phép con người được trả thù quá mức công bằng.

Ở đây chúng ta giả sử việc những người biệt phái chỉ trích các môn đệ của Chúa là đúng luật đi chăng nữa, thì các môn đệ của Chúa cũng không có tội, giống như chúng ta hiểu giết người là có tội, nhưng giết người vì lý do tự vệ, để bảo vệ mạng sống của mình thì theo luân lý không có tội.

Nên việc các môn đệ của Chúa bứt lúa ăn trong ngày Sabat giả sử theo luật là có tội, nhưng xét về nguyên nhân của việc bứt, vì đói là không có tội.

Chính vì thế mà Chúa Giêsu kết luận: “Ngày Sabat làm ra vì con người, chớ không phải con người vì ngày Sabat, cho nên Con Người làm chủ cả ngày Sabat”.

Nói một cách dễ hiểu đó là ngày Sabat thì nó còn hoài, nó vẫn ở đó, chứ nó không chạy đâu được hết, hết tuần này đến tuần khác đều có ngày sabat cả, nhưng nếu con người chết rồi có còn giữ ngày Sabat được hay không? Thưa không được.

Mở rộng vấn đề này ra chúng ta thấy một thực tế như thế này có nhiều người mời đám giỗ người khác, người khác bận công chuyện không đi được, thì giận người ta, nói người ta bỏ bụng mình, nhưng chúng ta phải hiểu không đi đám giỗ năm nay thì đi đám giỗ năm khác, mỗi năm mỗi giỗ chứ đâu phải giỗ chỉ có một lần.

Hay đám cưới cũng vậy, không đi được đứa này thì đi đứa khác, cũng được nếu chúng ta có cái nhìn bao dung.

Còn đám tang thì khó mà bỏ qua được, bởi có ai chết hai lần không, không ai chết hai lần cả, và người ta cũng kiêng kỵ điều này, nên khi chúng ta không đi đám tang được thì thôi, đừng nói không đi được đám này tôi đi đám khác.

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta hiểu được như vậy, để đừng vội vã lên án người khác, mà hãy biết tìm hiểu nguyên nhân, luôn luôn biết đặt câu hỏi tại sao trên môi miệng mình để thông cảm, để nâng đỡ cho anh chị em chúng ta. Amen.




Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Dt 6,10-20: Chúng ta có một niềm tin đặt trước mặt như chiếc neo chắc chắn và bền vững.

Tv 111,5: Cho tới muôn đời Chúa vẫn nhớ lời minh ước.

Mc 2,23-28: Ngày Sabbath làm ra vì loài người, chứ không phải loài người vì ngày Sabbath.

Các môn đệ đi lại mệt mỏi và đói. Họ vừa đi vừa bứt lúa để xoa dịu cơn đói cồn cào trong bụng. Người Pharisêu nhanh chóng lên án và chỉ ra sự vi phạm trong ngày Sabbath. Chúa Giêsu dẫn chứng sự kiện Vua Đavít đã làm khi xưa và cho họ biết điều nào là thiết yếu. Chúa Giêsu cho thấy tình yêu thương bao gồm việc chăm sóc các nhu cầu thể chất của môn đệ trong khi bảo vệ họ khỏi bị kết án. Chúa yêu thương con người vô điều kiện. Trật tự xã hội và sự phát triển của nó luôn phải phụ thuộc vào lợi ích của con người, vì mọi vật là để phục vụ con người. Chúa Giêsu đã nói ngày Sabbath được tạo ra cho con người chứ không phải con người cho ngày Sabbath.

Khi xét đoán, ta nên xem xét bối cảnh và dựa vào kinh nghiệm của tiền nhân. Dành thời gian để quan sát, lắng nghe và tìm ra ý nghĩa của những gì đang xảy ra. Sau đó lấy thông tin, suy ngẫm và cầu nguyện. Thánh Augustinô cũng nói: “Hãy yêu rồi làm.” Luật cao trọng nhất là yêu thương. Nếu vì tình yêu đối với Chúa và người lân cận mà ta phải làm việc như chăm sóc người bệnh, mà ta không thể tham dự thánh lễ Chúa Nhật và lễ trọng, v.v., ta không bị phán xét.




THỨ TƯ - TUẦN II THƯỜNG NIÊN

Mc 3, 1-6

Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy việc Chúa Giêsu làm phép lạ chữa lành một người bị bại tay, vậy việc Chúa Giêsu chữa lành như vậy để làm gì?

Có phải vì người ta xem Chúa có chữa lành trong ngày sabat không nên Chúa mới chữa lành?

Trong thực tế chúng ta thấy có những con người rất kỳ lạ, khhi được góp ý về một điều gì đó, người đó không bao giờ chịu nghe không bao giờ sửa mà cứ tự ý làm trái ngược với lời người khác góp ý, cho đã tức, cho người ta sợ không dám góp ý nữa, Chúa Giêsu có vậy không? Thưa không.

Vậy Chúa Giêsu chữa lành vì điều gì? Chúng ta hãy nhớ lại khi Chúa Giêsu vào hội đường thì người ta để ý Chúa Giêsu có chữa bệnh ngày Sabat không, Chúa biết điều này, nên đã nói: “Trong ngày Sabat được làm điều lành hay điều dữ, được cứu sống hay là giết chết?”, nên việc Chúa Giêsu chữa bệnh là để minh chứng cho lời rao giảng của Chúa.

Chúng ta có biết sứ vụ chính của Chúa Giêsu là gì hay không? Thưa sứ vụ chính của Chúa Giêsu đó chính là rao giảng để người ta tin mà được ơn cứu độ, chính Chúa Giêsu đã xác nhận điều này, khi các môn đệ tìm kiếm Chúa sau sự việc Chúa Giêsu chữa lành cho bà mẹ vợ ông Simon Phêro và nhiều dân chúng ở Carphanaum: “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó." Rồi Người đi khắp miền Ga-li-lê, rao giảng trong các hội đường của họ, và trừ quỷ.” (Mc 1,38-39).

Đó là sứ vụ chính của Chúa Giêsu, nên việc Chúa Giêsu chữa bệnh chỉ là để làm sáng tỏ lời rao giảng của Chúa mà thôi, cũng như để Chúa tỏ tình thương của Chúa dành cho con người, chứ Chúa không phải là một thầy lang, không phải là một bác sĩ…, mà Chúa đến đem tình thương, đem lời rao giảng để người ta tin vào Chúa mà được ơn cứu độ.

Hiểu được như vậy, chúng ta sẽ không kêu trách Chúa khi những lời cầu xin của chúng ta không được Chúa nhận lời, vì đó không phải là sứ vụ của Chúa Giêsu, có chăng nếu Chúa ban ơn cho chúng ta để chúng ta hướng đến Chúa, chứ không dừng lại ở những điều mà Chúa ban.

Mở rộng ra chúng ta thấy, sứ vụ của linh mục cũng vậy, nên thánh trong mục vụ chứ không phải nên thánh trong việc xây nhà thờ, hay làm những công trình này công trình kia, không có nên thánh trong việc làm kinh tế, đa số các linh mục làm kinh tế đều thất bại, vì đó không phải là sứ vụ chính yếu của các linh mục.

Rồi sứ vụ của mỗi người chúng ta cũng vậy, chúng ta được mời gọi sống tốt lành thánh thiện, nên thánh trong bậc sống của mình, nên thánh trong đời sống gia đình, nên thánh trong công việc của mỗi người chúng ta.

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta hiểu được điều đó để biết noi gương Chúa Giêsu sống đúng với bổn phận của mình, để qua đó chúng ta chu toàn sứ vụ Chúa trao phó, và đó cũng là con đường nên thánh của mỗi người chúng ta. Amen.





Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Dt 7,1-3.15-17: Ngươi là tư tế theo phẩm hàm Menkixêđê tới muôn đời.

Tv 110,4: Con là Thượng tế tới muôn đời theo phẩm hàm Menkixêđê.

Mc 3,1-6: Trong ngày Sabbath được cứu sống hay là giết chết?

Thư Do thái đưa chúng ta trở lại thời Abraham và Menkixêđê. Sách Sáng thế chương 14 tường thuật chi tiết biến cố. Kẻ thù đã lục soát thành phố, mang đi của cải và con người, kể cả Lot, cháu của Abraham. Abraham và người của ông đến giải cứu. Menkixêđê, một vị vua và là thượng tế đã gặp Abraham trên đường. Abraham dâng cho ông một phần mười của cải, một dấu hiệu để tôn vinh ông. Menkixêđê cũng ban phước cho Abraham. Menkixêđê không giống như các vị vua khác. Ông là vị vua của hòa bình, dường như không có quân đội hay người thừa kế để kế vị. Chúa giống như Menkixêđê như một vị vua hòa bình trường tồn mãi mãi, không có bắt đầu cũng không có kết thúc.

Thánh vịnh đề cập đến chức tư tế vĩnh cửu và vương quyền của Menkixêđê. “Con là Thượng tế tới muôn đời theo phẩm hàm Menkixêđê.” Vị vua nào cũng phải đối diện với thù trong giặc ngoài. Trong sứ vụ, Chúa Giêsu đã làm nhiều việc tốt, nhưng nhiều người không thích Ngài. Họ cố gắng tìm cơ hội để tiêu diệt Ngài. Tuy nhiên, Thiên Chúa tốt lành. Tình yêu của Ngài bất diệt. Menkixêđê là một trong những dấu hiệu Thiên Chúa để lại cho ta. Ta không thể trực tiếp nhận biết tâm ý của Chúa, nhưng những dấu hiệu này cho phép ta biết rằng Chúa đang làm việc. Với Ngài, yêu thương là chu toàn lề luật.




THỨ NĂM - TUẦN II THƯỜNG NIÊN

Mc 3, 7-12

Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy Chúa Giêsu cấm không cho ma quỷ tiết lộ về Chúa Giêsu vì ma quỷ biết Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, tại sao Chúa Giêsu lại cấm như vậy?

Chúng ta có thể trả lời vì tin mừng Macco được mệnh danh là tin mừng của bí mật về Đấng Mêsia và bí mật này chỉ được bật mí, được tỏ lộ sau khi Chúa Giêsu chịu chết qua miệng của viên đại đội trưởng người dân ngoại: “Viên đại đội trưởng đứng đối diện với Đức Giê-su, thấy Người tắt thở như vậy liền nói: "Quả thật, người này là Con Thiên Chúa." (Mc 15,39).

Chúng ta tìm hiểu thêm một chút nữa đó là ngoài lý do vì tin mừng macco được mệnh danh là tin mừng nói về bí mật Đấng Mêsia, thì còn lý do gì khác nữa hay không? Hay nói cách khác đó là tại sao phải giữ bí mật về Đấng Mêsia, cụ thể là trong trang tin mừng hôm nay.

Đọc kỹ lại tin mừng chúng ta thấy được điều này đó là sau khi Chúa Giêsu chữa bệnh, thì dân chúng kéo đến với Chúa quá đông, và sở dĩ họ kéo đến với Chúa Giêsu là vì họ muốn Chúa Giêsu chữa bệnh và trừ quỷ cũng như làm phép lạ cho họ, nghĩa là họ đến với Chúa chỉ vì lý do để thỏa mãn phần thân xác của họ mà thôi, chứ không phải để được no thỏa phần thiêng liêng. Chúng ta hãy nhớ lại sau phép lạ hóa bánh ra nhiều dân chúng cũng đi tìm Chúa Giêsu và Chúa Giêsu đã nói với họ: “Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê.” (Ga 6,26).

Chính vì lý do đó mà Chúa Giêsu cấm không cho ma quỷ tiết lộ để cho người khác biết mình là Con Thiên Chúa, bởi vì dân chúng đang trên đà hiểu sai về Chúa Giêsu, nếu tiết lộ thêm điều đó nữa, thì họ càng hiểu sai hơn về sứ vụ của Con Thiên Chúa đến trần gian này để làm gì.

Hiểu được như vậy, chúng ta thấy Chúa Giêsu khi làm bất cứ điều gì Chúa đều có ý của Chúa, mà đôi khi chúng ta khó có thể hiểu được, và những việc Chúa làm đều có suy nghĩ cẩn thận để không mắc phải sai lầm.

Mỗi người chúng ta được mời gọi noi gương Chúa Giêsu khi nói điều gì, khi làm bất cứ điều gì cũng phải biết suy xét cho cẩn thận để lời nói, để hành động của chúng ta đem lại hiệu quả cho chính mình, cũng như đem lại hiệu quả cho người khác, nếu chúng ta không cẩn thận, thì sẽ gây nên hậu quả đáng tiếc xảy ra cho chúng ta và cho người khác.

Một câu chuyện vui nhà đạo: Có một “bà đạo đức nọ” vì ngày nào bà cũng đến nhà thờ, đi lễ, đọc kinh… Một hôm, không biết lý do gì, trong một buổi đọc kinh chung, thì có chuyện xích mích xảy ra giữa các bà với nhau. Trong khi mọi người đang còn sốt sắng đọc kinh, bỗng nhiên “bà đạo đức này” đứng lên giữa cộng đoàn và nói to: “Thưa chị em, tôi xin lỗi chị em và lạy Chúa, con cũng xin lỗi Chúa, xin Chúa cho con ‘tạm bỏ giữ đạo vài phút’, để con vạch trần thói xấu xa mất nết của người mà đang ngồi trước mặt con, vì không thể nào mà có con người này trong cộng đoàn được”. Cũng có vài người hay kể chuyện vui này: Có một tu sĩ nọ, vị này tu rất đắc đạo, nhưng một hôm, ông đã cầu xin với Chúa thế này: “Lạy Chúa, từ trước tới giờ, con chưa xin Chúa một điều gì, hôm nay con chỉ xin Chúa một điều thôi, đó là: Xin Chúa cho con ‘bỏ tu năm phút’ để con ‘xử’ con người xấu xa, độc ác này người”.

Chúng ta thử suy nghĩ, nếu chúng ta bỏ tu 5 phút, bỏ ra ít phút để chửi người khác có được gì không? Thưa không được gì cả, nên thay vì chửi thì hãy dành thời gian cầu nguyện cho người anh em mình, đó là điều tốt nhất. Amen.




Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Dt 7,25-8,6: Người chỉ dâng của lễ một lần khi hiến dâng chính Mình.

Tv 40,8: Lạy Chúa, này con xin đến, để thực thi ý Chúa.

Mc 3,7-12: Các thần ô uế vừa thấy Người, liền sụp lạy và kêu lên rằng: ‘Ngài là Con Thiên Chúa’, nhưng Ngài nghiêm cấm chúng không được tiết lộ gì về Ngài.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, ta thấy “Một đám đông từ Galilê đi theo Người” và “một số đông” từ các nơi khác đến vây quanh Chúa (x. Mc 3,7-8). Ngài đã chú ý đến tất cả và Ngài chạm vào rồi chữa lành. Chúa Giêsu không loại trừ một ai đến với Ngài. Chúng ta phải ghi nhớ điều này trong tuần bát nhật cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô hữu. Ta nhận ra rằng, trong suốt nhiều thế kỷ, những người theo đạo Thiên Chúa đã tự phân chia mình thành Công giáo, Chính thống giáo, Anh giáo, Tin lành, và một danh sách dài những Kitô hữu khác. Điều này chứng tỏ một tội lỗi lịch sử chống lại một trong những điểm chính yếu của Giáo hội: sự hợp nhất.

Trong Chúa, ta tin cậy và hiến thân cho sự hòa hợp của Giáo hội, đặc biệt là giữa các thành viên của Giáo hội. Do đó, ta cần các cử chỉ hiệp thông, hiểu biết, chào đón và tha thứ đối với người khác. Hãy sống với Chúa để trải nghiệm sự chữa lành và năng lượng yêu thương của Chúa Giêsu chảy qua cuộc đời. Ta cùng nguyện xin như lời Thánh vịnh: “Lạy Chúa, này con xin đến, để thực thi ý Chúa.” Đây là cách mà ta làm mới sứ vụ loan báo Tin mừng trong tinh thần Hiệp hành.


 


THỨ SÁU - TUẦN II THƯỜNG NIÊN

Mc 3,13-19

Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy Chúa gọi những con người mà Chúa muốn, cụ thể là gọi 12 người làm môn đệ của Chúa, để Chúa sai các ông đi rao giảng tin mừng và trừ quỷ.

Như thế, chúng ta thấy ơn gọi làm môn đệ của Chúa xuất phát từ Chúa, Chúa gọi và Chúa sai đi, và con người chỉ đáp lại lời mời gọi của Chúa, chứ ơn gọi không phát xuất từ con người.

Nếu mở rộng ra thì ơn gọi này không chỉ hiểu là ơn gọi của những người đi tu dâng mình cho Chúa, mà là ơn gọi làm người, ơn gọi làm con của Chúa mà mỗi người chúng ta nhận được nơi Chúa.

Đào sâu thêm một chút nữa chúng ta thấy ngoài ơn gọi làm người, ơn gọi làm con Chúa, chúng ta còn được ơn làm con cái của cha mẹ mình, chúng ta được ơn làm cha mẹ của con cái chúng ta, chúng ta được ơn làm anh em với nhau, chúng ta được ơn làm vợ làm chồng của nhau, chúng ta được ơn làm người đồng đạo với nhau, chúng ta được ơn gặp gỡ nhau trong cuộc đời này…., đó là ơn mà Chúa ban cho chúng ta nên chúng ta hãy biết trân trọng những điều đó, như là một lời cám ơn Chúa đã ban ơn cho chúng ta.

Đó là những ơn lành mà chúng ta đón nhận được từ Chúa, còn những điều được xem là không lành thì sao?

Chúng ta hãy nhớ lại mẫu gương của ông Gióp là một minh họa cho chúng ta.

Không ông bị nhưng tại ương trong cuộc đời, thì ông nói: "Thân trần truồng sinh từ lòng mẹ, tôi sẽ trở về đó cũng trần truồng. ĐỨC CHÚA đã ban cho, ĐỨC CHÚA lại lấy đi: xin chúc tụng danh ĐỨC CHÚA!" (G 1, 21), hay khi bà vợ của ông nói với ông: “Ông còn kiên vững trong đường lối vẹn toàn của ông nữa hay thôi? Hãy nguyền rủa Thiên Chúa và chết đi cho rồi! " Nhưng ông Gióp đáp lại: "Cả bà cũng nói như một mụ điên. Chúng ta đón nhận điều lành từ Thiên Chúa, còn điều dữ, lại không biết đón nhận sao? " (G 2,9-10).

Còn thánh Phaolo thì nói: “Nhưng, những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Kitô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô và được kết hợp với Người.” (Pl 3, 7-9).

Nên chúng ta thấy nếu chúng ta có đức tin vào Chúa, chúng ta sẽ trân trọng tất cả những gì mà Chúa gởi đến trong cuộc đời dù là điều lành hay là điều dữ, cũng như chúng ta sẽ sẵn sàng chịu thiệt thòi vì Chúa, để được biết Chúa, để được kết hợp với Chúa.

Xin cho mỗi người chúng ta biết trân trọng những gì Chúa gởi đến, cũng như biết sẵn sàng chịu thiệt thòi vì Chúa, và để làm được điều này chúng ta được mời gọi vững tin vào Chúa, có lòng yêu mến Chúa. Amen.




Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Dt 8,6-13: Người là trung gian của một giao ước tốt hơn.

Tv 85,11: Lòng nhân hậu và trung thành gặp gỡ nhau.

Mc 3,13-19: Người gọi những kẻ Người muốn gọi để họ ở cùng Người.

Ta nghe thuật lại trong Tin mừng: “Chúa đã kêu gọi những người Người muốn, để họ ở với Người và sai họ đi làm tông đồ.” Ngài gọi cho họ. Họ ở lại với Ngài. Sau đó, Ngài sai họ đi loan báo Tin Mừng. Chúa Giêsu Kitô đã gọi tên từng người. Và Chúa đòi hỏi điều gì ở những người Ngài kêu gọi? Ngài yêu cầu họ sống gần Ngài cũng như là phục vụ Ngài, và đổi lại, Ngài hứa sẽ ở gần họ. Tuy nhiên, Chúa nói với từng người một cách cụ thể và riêng biệt.

Ngày nay, chỉ khi khám phá ra ơn gọi và hoàn thành ơn gọi trong tình yêu của Chúa, ta có thể nhận ra ‘vai trò’ của mình trên trái đất. Giáo hội dạy rằng tất cả các ơn gọi của Kitô hữu đều rất quý giá. Lời kêu gọi đến sự hoàn thiện của bác ái và thánh thiện góp phần nâng tầm cách sống của ta. Thật vậy, ta có thể góp phần của mình trong công trình của Chúa. Vì Chúa yêu thương, uốn nắn trong Đức Kitô, khuyến khích ta phát triển những yếu tố cần thiết cho sứ vụ của mình.

Để đáp lại tiếng gọi của Thiên Chúa, trước hết, phải có Chúa ở cùng để ta có thể chia sẻ với Người. Kế đến, mỗi ngày, ta phải suy gẫm về bản chất thực sự của ơn gọi của mình. Thứ ba, đáp lại lời kêu gọi của Ngài với tình yêu thương ngày càng nồng đượm.



THỨ BẢY - TUẦN II THƯỜNG NIÊN

LỄ THÁNH PHAOLO TÔNG ĐỒ TRỞ LẠI

Mc 16,15-18

Tôma Lê Duy Khang

Hôm nay chúng ta mừng lễ Phaolo trở lại, nghe tên gọi của ngày lễ là thánh Phaolo trở lại, chúng ta thấy được điều gì?

Thưa dường như ta thấy thánh nhân là người chủ động quay trở lại với Chúa.

Thế nhưng không phải vậy, khi đọc lại sách công vụ tông đồ, chúng ta thấy không phải Phaolo chủ động trở lại với Chúa, mà là qua biến có Đamas, chính Chúa đã kêu gọi ông.

Và thật sự là như vậy, nhìn lại lịch sử khi Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ cũng vậy, cũng chính Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ, chứ các ông không phải là người chủ động.

Chính Chúa Giêsu cũng đã xác nhận điều này, khi nói với các môn đệ: “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em.” (Ga15,16).

Như vậy, trở lại vấn đề của chúng ta, sở dĩ phaolo trở lại là ơn của Chúa, nói đúng hơn là qua biến cố ngã ngựa ở Damas.

Áp dụng vào đời sống chúng ta thấy người ta nói rất đúng như thế này: “muốn thành công phải trải qua thất bại, trên đường đời có dại mới có không”, hay đi cho biết đó biết đây, ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn, nghĩa là cuộc đời của chúng ta cũng cần có biến cố này, biến cố kia để giúp chúng ta lớn lên, hiểu được như vậy, khi có biến cố trong cuộc đời chúng ta đừng nản lòng, mà hãy xem đó như là bài học mà Chúa gởi đến để ta học được gì qua bài học đó, mới là điều quan trọng.

Bên cạnh đó, nếu mở rộng ra là chúng ta cần phải học hỏi nhiều điều khác nữa, để chính mình được biến đổi, để mình sống tốt hơn.

Có một cha giáo được một nhà dòng mời đi giảng tĩnh tâm, sao đó dòng này không mời cha nữa, hỏi ra thì được biết cái cua của cha giảng quăng xuống nước ba ngày cũng không chìm nữa, vì quá khô, cha này cũng biết điều đó nên vô tư mà nói: Không phải tôi giảng dở đâu, mà do người ta không có đủ khả năng để hiểu những gì mà tôi giảng dạy.

Nói ngược lại, nơi người giáo dân cũng vậy, nếu bài giảng có quá cao, vậy tại sao chúng ta không chịu khó tìm hiểu thêm về giáo lý về kinh thánh, để chúng ta có thể hiểu được những điều quá cao đó.

Lạy chúa xin cho con vưa đủ giàu, để con có thể lo cho nhu cầu cần thiết, vừa đủ nghèo, để con học biết bài học cảm thông, vừa đủ ơn để con biết chúa thương con nhiều, vừa đủ đau khổ để con biết bám vào chúa, vừa đủ thử thách để con có thể lớn lên trong niềm tin, vừa đủ hy vọng để con tìm thấy niềm vui khi đời bế tắc, vừa đủ nỗi buồn để con nhớ rằng phận người là thế đấy và lạy chúa xin hãy nhắc nhở con luôn con được ngày hôm nay là hồng ân chúa ban cho, nhưng con sẽ như thế nào trong tương lai, đó có thể là món quà con có thể dâng lại cho Chúa”. Amen.




Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân 

Cv 22,3-16: Kêu danh thánh Chúa, tôi chỗi dậy.

Tv 117: Hãy đi rao giảng Tin Mừng khắp thế gian (Mc 16,16).

Mc 16,15-18: Các con hãy đi rao giảng Tin Mừng khắp thế gian.

Giáo hội mừng Lễ Thánh Phaolô, Tông đồ trở lại. Ông là một người Do Thái nhiệt thành, một người bảo vệ, và là một kẻ bắt bớ về bất cứ điều gì khác biệt và đe dọa các truyền thống tôn giáo của mình. Ta đọc và biết về sự hoán cải của ngài trong sách Tông đồ Công vụ của ngày hôm nay. Đó là một sự gián đoạn, kịch tính, gần gũi và cá nhân hơn hầu hết các câu chuyện hồi tâm chuyển ý khác.

Saolô nhìn thấy một ánh sáng chói lóa, ngã xuống đất, và sau đó không thấy gì nữa. Mắt bị lóa nhưng tai vẫn rõ. Ngài lắng nghe và tiếp thu tất cả những gì nói về Chúa Giêsu. Sau biến cố đó, ngài đã thay đổi. Saolô thay đổi sứ mệnh. Sứ mạng của ngài chuyển từ việc bắt bớ Giáo hội Chúa Kitô trở thành người rao giảng, người hướng dẫn và làm tông đồ. Ngài bị vấp ngã để đứng lên bằng tất cả những gì ngài đã nhận được.

Cuộc sống vốn sẵn những gián đoạn và biến động. Thiên Chúa đã tác động đến Saolô bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần. Giờ đây, ta cũng được gọi hãy hoán cải theo cách trực diện hơn, yêu thương hơn. Chúa Giêsu thúc giục mọi người “Hãy đi rao giảng Tin Mừng khắp thế gian.” Đó là ước nguyện, sứ mạng và mục đích của Ngài. Ta hãy chỗi dậy và cộng tác với Ngài như Phaolô đã từng.