27/04/2025
66
Suy niệm hằng ngày_ Tuần II Phục Sinh







 

 

 


 

CHÚA NHẬT II PHỤC SINH

Ga 20,19-31
 

Tôma Lê Duy Khang

Câu chuyện một anh thanh niên đi xin làm công nhân tại một nông trại khi được người chủ hỏi về khả năng của mình anh ta trả lời tôi có thể ngủ ngon qua cơn bão, điều này làm người chủ bối rối nhưng vì ông cảm thấy thích chàng trai trẻ này nên đã thuê anh ta.

Vài tuần sau 1 đêm nọ người chủ và vợ bị đánh thức bởi cơn bão dữ dội đang càng quét thung lũng ông nhảy ra khỏi giường và gọi chàng công nhân mới nhưng anh ta vẫn ngủ say, vợ chồng ông chủ nhanh chóng kiểm tra mọi thứ để đảm bảo an toàn họ phát hiện ra rằng các cảnh cửa của ngôi nhà đã được đóng kín, một đóng củi lớn đã được xếp cạnh lò sưởi và các công cụ trong nông trại đã được cất vào nhà kho mặc kệ thời tiết xấu, các bó lúa mì đã được buộc chặt và bọc trong tấm bạt, máy kéo đã được di chuyển vào nhà xe, nhà kho đã được khóa kỹ càng, và ngay cả động vật cũng ung dung và có đủ thức ăn mọi thứ đều ổn.

Lúc này người chủ mới hiểu ý nghĩa của lời của chàng trai trẻ tôi có thể ngủ ngon qua cơn bão vì chàng trai đã làm việc tận tâm trung thành khi bầu trời quang đãng anh ta đã sẵn sàng đối phó với bất kỳ cơn bão nào.

Bài học rút ra là phải chăm chỉ và chuẩn bị kỹ lưỡng trong những lúc bình yên sẽ đem lại bình an và an toàn trong những thời điểm khắc nghiệt, khó khăn.

Qua câu chuyện này, nếu áp dụng vào cuộc đời của Chúa Giêsu, chúng ta thấy cuộc đời của Chúa Giêsu đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho các môn đệ hay chưa?

Thưa đã chuẩn bị kỹ lưỡng hết rồi, thế mà Chúa có được ngủ ngon trong giông bão hay không? Thưa không được ngủ yên.

Chẳng hạn như câu chuyện khi Đức Giê-su xuống thuyền, các môn đệ đi theo Người. Bỗng nhiên biển động mạnh khiến sóng ập vào thuyền, nhưng Người vẫn ngủ. Các ông lại gần đánh thức Người và nói: "Thưa Ngài, xin cứu chúng con, chúng con chết mất! " Đức Giê-su nói: "Sao nhát thế, hỡi những người kém lòng tin! " Rồi Người chỗi dậy, ngăm đe gió và biển: biển liền lặng như tờ. Người ta ngạc nhiên và nói: "Ông này là người thế nào mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh? " (Mt 8,23-27).

Như vậy, phải chăng Chúa Giêsu chưa chuẩn bị kỹ lưỡng, nên Chúa mới không ngủ yên?

Chúng ta phải xác tin rằng Chúa đã chuẩn bị kỹ lưỡng rồi, phần còn lại là của con người, vì con người chưa hiểu được những gì mà Chúa đã chuẩn bị mà thôi, con người giống như ông bà chủ trong câu chuyện không hiểu được câu nói của anh thanh niên, nên lăng xăng kiểm tra.

Đọc tin mừng chúng ta thấy hoàn toàn là nơi con người, khi Chúa hiện ra với các tông đồ, mà không có Tôma ở đó, khi Tôma về các ông nói lại Tôma không tin.

Không tin vì các môn đệ khác, không tin vì ông còn lăng xăng, vì ông còn chưa hiểu những điều mà Chúa Giêsu đã nói trước đó.

Nên chúng ta thấy không phải là lỗi của Chúa, mà là lỗi của con người, hay nói cách khác là phần của Chúa đã xong rồi, mà còn thiếu nơi phần con người, hay nơi con người thì chưa xong, chưa đủ, chính vì thế mà Chúa chưa thể ngủ ngon được, Chúa phải ở với con người mọi ngày cho đến tận thế, Chúa phải đánh thức con người bằng cách này hay khác khác, Chúa mời gọi con người phải tỉnh thức và cầu nguyện luôn.

Hình ảnh đó cũng giống như hình ảnh của cha mẹ lo cho con cái, dù con cái có như thế nào đi chăng nữa, thì cha mẹ cũng bận lòng, chứ không thể nào ngủ yên được mặc dầu đã chuẩn bị mọi thứ đầy đủ sẵn sàng, chỉ khi nào về với Chúa mới hết bận tâm lo lắng mà thôi.

Chính vì thế, mà chúng ta được mời gọi cám ơn Chúa vì Chúa đã không ngủ yên vì con người, vì đó là điều tự nhiên và chúng ta cũng được mời gọi hãy tin tưởng vào Chúa, sống đức tin trưởng thành hơn, nghĩa là để Chúa không bận lòng về chúng ta, mà chính chúng ta phải bận lòng để bảo vệ đức tin, để làm sáng danh Chúa. Trong đời sống gia đình, chúng ta cũng được mời gọi đừng làm cho cha mẹ phải bận lòng về mình qua sự trưởng thành, qua những hoàn cảnh sống của chúng ta. Amen.




Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Cv 5,12-16: Số người tin vào Chúa ngày càng gia tăng.

Tv 118,1: Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở.

Kh 1,9-11a,12-13.17-19: Ta đã chết, nhưng đây Ta vẫn sống đến muôn đời.

Ga 20,19-31: Tám ngày sau Chúa Giêsu hiện đến.

Sách Công vụ mời gọi ta cảm nghiệm Lòng Thương Xót của Chúa đã hiện diện trong Hội Thánh qua việc chữa lành những người bệnh khi “Bóng thần Tông đồ” giáng xuống họ. Các tông đồ có thể mở rộng lòng thương xót đó ra khắp Giêrusalem và toàn thế giới, bất cứ nơi nào Giáo hội trung thành với sứ mệnh của lòng thương xót.

Tác giả sách Khải Huyền chia sẻ viễn tượng tuyệt đẹp này về việc được sống lại trong sự phục sinh của Đức Kitô trong vinh quang và nghe Chúa nói với ta đừng sợ, vì sự chết không có quyền trên Đức Kitô Phục Sinh. Chúa nắm giữ hoàn toàn quyền năng của sự tha thứ và sự kết thúc của tất cả sự chết mà các bản văn Kinh thánh trước đó đã gán cho tội lỗi của con người. Nếu ta vững tin vào quyền năng của Chúa Kitô trong Giáo hội, các Bí tích, lời cầu nguyện và dấn thân, ta sẽ được Chúa Kitô chạm đến và đưa đến sự sống sung mãn cả hiện nay và sau này.

Cuối cùng, Tin mừng cho thấy lòng thương xót của Chúa Giêsu dành cho Tôma. Theo nhiều cách khác nhau, lòng thương xót của Chúa dành cho mỗi người. Chúng ta trở thành tác nhân của lòng thương xót như Phêrô, Gioan và bây giờ là Tôma. Xin Chúa thương xót chúng con.




Thứ Hai - Tuần II Phục Sinh

Ga 3,1-8


Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và ông Nicodemo, và Chúa Giêsu nói với ông: “Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa, nếu không được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên."

Lời nói của Chúa Giêsu làm cho ông Nicodemo không hiểu, nên ông nói: “Một người đã già rồi, làm sao có thể sinh ra được? Chẳng lẽ người đó có thể trở vào lòng mẹ lần thứ hai để sinh ra sao? "

Nhưng Giêsu tiếp tục khẳng định: "Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí.”

Lời của Chúa Giêsu mặc dầu ngay lúc đó Nicodemo không hiểu, nhưng sau này ông sẽ hiểu, còn mỗi người chúng ta ngày nay, thì chúng ta hiểu những lời của Chúa Giêsu nói, đó là Chúa Giêsu đang muốn nói về ơn của Bí Tích Rửa Tội.

Nói như vậy để chúng ta thấy bí tích rửa tội là điều kiện cần thiết để mỗi người chúng ta được ơn cứu độ, nên chúng ta được mời gọi sống ơn của bí tích rửa tội trong cuộc đời của mình, và giúp cho người khác tin để họ cũng lãnh nhận bí tích rửa tội.

Trong đời sống thực tế của chúng ta, chúng ta thấy một điều như thế này, đó là nếu chúng ta hy vọng vào một điều gì đó, đặt điều đó như là một định hướng cho cuộc đời, thì điều đó sẽ là động lực giúp chúng ta bước tiếp, để chúng ta đạt đến thành công.

Có một câu chuyện mang tên MẨU BÁNH MỲ được chia sẻ như thế này:

Một lần trong chiến tranh thế giới thứ hai có hai người tù Do thái trốn khỏi trại tập trung, họ chạy thục mạng và quyết định chia làm hai ngả.

Người tù già hơn nắm chặt tay người tù trẻ, ông đắn đo một lúc rồi nói: "Này cháu, ta chỉ có một mẩu bánh mỳ, cháu hãy cầm lấy, ta già rồi, chịu đói được lâu hơn cháu... Nhưng cháu hãy hứa với ta rằng: chỉ khi nào cháu không còn một cách nào khác để có cái ăn thì cháu mới giở miếng bánh này ra... Trong rừng có nhiều thứ ăn được, nếu đến chỗ có dân cháu có thể làm thuê kiếm miếng ăn... Đường từ đây về nhà còn xa lắm , và nếu trong túi vẫn còn một miếng bánh thì cháu vẫn còn có thể chịu đựng được mọi gian truân..."

Người tù trẻ cảm động, hứa với ông già, nắm chặt lấy mẩu bánh mỳ rồi lao đầu chạy...

Ròng rã bao nhiêu ngày đêm anh nhằm hướng quê nhà mà chạy, khi thì phải lẩn lút trong rừng, khi thì băng cánh đồng.

Anh hái quả rừng, lội suối tìm cá, khi gặp những người chăn cừu anh bẻ củi đến cho họ để nhận một bát sữa, hay một miếng thịt cừu thơm lừng...

Đã có lúc anh tưởng chừng không còn cách nào khác để có một miếng ăn, tránh né bọn Đức, anh lẩn lút vòng qua đầm lầy trong cái nóng hầm hập, xung quanh chỉ một màu xám xịt của lau sậy... không biết bao nhiêu lần anh rút mẩu bánh mỳ đã khô cứng như đá... ra khỏi túi, anh ngắm cái gói nhỏ gói bằng một miếng vải thô, quấn thật chặt và buộc bằng một sợi dây gai thắt nút, cái gói chỉ bằng nửa miếng xà phòng, chắc mẩu bánh mỳ còn bé hơn, song anh vẫn nuốt nước miếng, nghĩ đến vị bột ngọt ngào trên đầu lưỡi, chắc là có chút ẩm mốc... anh nhìn trừng trừng cái gói nhỏ rồi lại đút vào túi, bởi anh kinh hoàng nghĩ đến ngày mai, túi rỗng không mà đường thì còn xa lắc...

Cứ thế anh đi ròng rã và cuối cùng cũng đến cái ngày anh ngã nhào vào tay người thân...

Sau những phút vui sướng khóc cười, anh vùng dậy, rút ra cái gói nhỏ đã bẩn thỉu hôi hám song vẫn được quấn rất chặt, anh nói "mẹ ơi, nhờ mẩu bánh này đây mà con thoát chết trở về...".

Anh cảm động gỡ nút dây, mở lần vải bọc và sững sờ: đó chỉ là một miếng gỗ được gọt đẽo vuông vức như một mẩu bánh mỳ!

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta tin rằng khi chúng ta đã chịu phép rửa tội, chúng ta chắc chắn sẽ được ơn cứu độ, để đó như là một động lực giúp chúng ta biết sống bí tích mà mình lãnh nhận trong cuộc đời, để vươn tới điều mà chúng ta hằng mong ước. Amen.

 



Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Cv 4,23-31: Khi họ cầu nguyện xong, thì được đầy Thánh Thần và tin tưởng rao giảng lời Chúa.

Tv 2,11: Phúc cho tất cả những ai tin tưởng nơi Chúa.

Ga 3,1-8: Nếu không tái sinh bởi trời, thì chẳng ai được thấy Nước Chúa.

Lời Chúa hôm nay cho ta nhiều khích lệ để sống niềm tin sau Phục sinh. Bài đọc đầu tiên có bối cảnh là sau khi Phêrô chữa lành một người què thì bị bỏ tù. Và sau khi Phêrô và Gioan được thả khỏi nơi giam giữ, hai ngài thuật lại việc họ bị ngăn cấm là không được nhân danh Chúa Giêsu để giảng dạy. Thiên Chúa lắng nghe và hồi đáp cho lời cầu nguyện của họ: “tất cả đều được được đầy Thánh Thần và tin tưởng rao giảng lời Chúa.” Thánh vịnh khuyến khích: “Phúc cho tất cả những ai tin tưởng nơi Chúa.” Trong Phúc Âm, Nicôđêmô đến với Chúa Giêsu vào ban đêm trong bóng tối bao trùm. Chúa Giêsu có một điều mặc khải cho Nicôđêmô, “Nếu không tái sinh bởi trời, thì chẳng ai được thấy Nước Chúa.”

Trong những lời giảng dạy của Chúa Giêsu, ta tìm thấy một bài giáo lý về phép rửa được lưu truyền trong cộng đồng. Trong nghi lễ rửa tội, ta chìm trong tội lỗi, và ta được giải thoát. Đây là điều mà Chúa Giêsu gọi là “được sinh ra từ trên cao”. Chúa Giêsu kêu gọi ta tái sinh trong nước và Thánh Thần. Sự tái sinh của ta với phép rửa đưa ta ra khỏi bóng tối, thoát khỏi tội lỗi và sự chết, và bước vào cuộc sống mới. Cuộc sống sống trong sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.


 


Thứ Ba - Tuần II Phục Sinh

Ga 3,7b-15

Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay tiếp tục trình bày cho chúng ta cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và ông Nicodemo, nhưng ông Nicodemo tiếp tục không hiểu những lời của Chúa Giêsu, ông nói lại với Chúa Giêsu: “Làm sao những chuyện ấy có thể xảy ra được?"

Khi đọc tin mừng hôm nay tôi nhớ lại có một đoạn tin mừng theo thánh Macco, đó là khi Chúa Giêsu đuổi những người buôn bán trong đền thờ, vì đền thờ là nhà cầu nguyện chứ không phải là nơi buôn bán, sau đó những giới lãnh đạo do thái hỏi Chúa Giêsu là lấy quyền gì để làm việc đó, thì Chúa Giêsu không trả lời, mà Chúa Giêsu hỏi ngược lại họ là phép rửa của Gioan tẩy Giả là bởi trời hay bởi người ta, lúc đó họ nói họ không biết, nên Chúa Giêsu đã không nói cho họ biết là Ngài lấy quyền gì để đuổi những người buôn bán trong đền thờ.

Khi so sánh nội dung hai đoạn tin mừng, chúng ta thấy tin mừng hôm nay Chúa Giêsu kiên nhẫn đối thoại với ông Nicodemo, còn trong tin mừng Macco thì Chúa không trả lời, tại sao vậy?

Vì ông Nicodemo là người đi tìm chân lý, chứ không phải như những giới lãnh đạo do thái thời bấy giờ tìm cách bắt bẻ Chúa Giêsu.

Hay chúng ta thấy trường hợp Chúa Giêsu đối thoại với ông Nathanaen cũng là một minh họa cho chúng ta.

Nên khi đến với Chúa, thì thái độ đầu tiên là phải thành tâm thiện chí, dù không hiểu đi chăng nữa, cứ đến, chắc chắn Chúa sẽ ban ơn cách này cách khác cho chúng ta.

Nếu mở rộng điều này trong đời sống ân sủng, đời sống bí tích của mỗi người chúng ta cũng vậy, chúng ta đến với Chúa mà chúng ta không thành tâm thiện chí, không dọn mình sốt sắng để lãnh nhận bí tích, thì điều ta lãnh nhận sẽ thành chất độc.

Thánh Phaolo trong thư thứ nhất gởi cho tín hữu Côrinto có nói về vấn đề cũng tương tự như thế đó là khi người ta đến nhà Thiên Chúa hội họp không phải là ăn bữa tối của Chúa, mà mỗi người mang thức ăn riêng của mình tới để ăn, người thì mang thức ăn dư dật, người thì không có và thánh Phaolo nói như vậy là chia rẽ chẳng có ơn ích gì cả: “Khi anh em họp nhau, thì không phải là để ăn bữa tối của Chúa. Thật vậy, mỗi người lo ăn bữa riêng của mình trước, và như thế, kẻ thì đói, người lại say. Anh em không có nhà để ăn uống sao? Hay anh em khinh dể Hội Thánh của Thiên Chúa và làm nhục những người không có của? Tôi phải nói gì với anh em? Chẳng lẽ tôi khen anh em sao? Về điểm này, tôi chẳng khen đâu!

Và thánh Phaolo nói thêm: Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết. Vì thế, bất cứ ai ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa.

Thật vậy, ai ăn và uống mà không phân biệt được Thân Thể Chúa, là ăn và uống án phạt mình. Vì lẽ đó, trong anh em, có nhiều người ốm đau suy nhược, và cũng có lắm người đã chết. Giả như chúng ta tự xét mình, thì chúng ta đã không bị xét xử. Nhưng khi Chúa xét xử là Người sửa dạy chúng ta, để chúng ta khỏi bị kết án cùng với thế gian.

Cho nên, thưa anh em, khi họp nhau để dùng bữa, anh em hãy đợi nhau. Ai đói, thì ăn ở nhà, kẻo anh em đến họp mà hoá ra để bị kết án.” (x. 1Cr 11,20- 34)

Hay nơi thờ phượng thì quá sang trọng, còn dân chúng thì quá nghèo, hay ngược lại chỗ thờ phượng thì quá nghèo nàn, vậy thì nơi đó có xứng đáng để thờ phượng hay không?

Hay khi đến nhà thờ chúng ta ăn mặc quá sơ sài theo kiểu là sở thích như vậy, chứ không phải hoàn cảnh cũng không xứng đáng, hoặc ăn mặc quá loè lẹt giống như phô trương mình, thì xem ra cũng quá lố lăng.

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta hiểu được điều đó để khi đến với Chúa cần có lòng thành tâm thiện chí, chắc chắn Chúa cũng sẽ đối xử với chúng ta như lời Chúa đã nói: “Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy."( Lc 6,38). Amen.


 


Thứ Tư - Tuần II Phục Sinh

Ga 3,16-21

Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay tiếp tục cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và ông Nicodemo, Chúa Giêsu nói: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa.”

Chúng ta thấy lời đối thoại của Chúa Giêsu với ông Nicodemo, rất giống lệnh truyền truyền giáo của Chúa Giêsu trong tin mừng Macco, trong tin mừng Macco, lệnh truyền truyền giáo của Chúa Giêsu như thế này: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án.” (Mc 16,15-16).

Nếu so sánh hai đoạn tin mừng này chúng ta thấy một điều như thế này đó là ai không tin sẽ bị kết án, vậy “Ai không tin này là ai?”

Thưa những người không tin này là những người đã được nghe loan báo tin mừng, được biết về Chúa nhưng không tin vào Chúa, hoặc theo Chúa mà không sống đức tin vào Chúa, hoặc sống đức tin mà lại bỏ Chúa.

Chúng ta nhớ có lần Chúa Giêsu đã nói về vấn đề này khi có mấy kinh sư và mấy người Pharisêu nói với Chúa Giêsu: "Thưa Thầy, chúng tôi muốn thấy Thầy làm một dấu lạ." Người đáp: "Thế hệ gian ác và ngoại tình này đòi dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ngôn sứ Giôna. Quả thật, ông Giôna đã ở trong bụng kình ngư ba ngày ba đêm thế nào, thì Con Người cũng sẽ ở trong lòng đất ba ngày ba đêm như vậy. Trong cuộc phán xét, dân thành Ninivê sẽ trỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Giôna rao giảng; mà đây thì còn hơn ông Giôna nữa. Trong cuộc phán xét, nữ hoàng Phương Nam sẽ đứng lên cùng với thế hệ này, và bà sẽ kết án họ, vì xưa bà đã từ tận cùng trái đất đến nghe lời khôn ngoan của vua Salômôn; mà đây thì còn hơn vua Salômôn nữa.” (Mt 12,38-42).

Ngoài ra, còn có những người không tin Chúa, vì chưa được biết Chúa thì họ có thể được ơn cứu độ.

Chúng ta biết, Công đồng Vatican II khẳng định ơn cứu độ có được do bởi Đức Kitô, bởi niềm tin và bởi Bí tích Rửa tội. Tuy nhiên công đồng cũng coi việc thuộc về Giáo hội là cần thiết để được cứu độ, nhưng những người không Kitô giáo cũng có thể được cứu độ, do họ có liên hệ với Giáo hội cách này hay cách khác.

Theo công đồng vaticano II, thì những người không Kitô giáo cũng có thể được ơn cứu độ đó là: Do thái giáo, Hồi giáo, những người thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa, những người không do lỗi của họ chưa khám phá ra được Thiên Chúa cách minh nhiên, những người tuy không có ân sủng, vẫn sống một cuộc đời tốt lành theo lương tâm ngay thẳng.

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta là những người tin Chúa, những người đã chịu phép rửa tội biết sống đức tin trong cuộc đời của mình, để chúng ta được ơn cứu độ, cũng như qua đời sống của chúng ta, nhiều người tin vào Chúa để họ cũng được ơn cứu độ. Amen.


 


Thứ Năm - Tuần II Phục Sinh

Ga 3,31-36


Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay tiếp tục trình bày cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và ông Nicodemo.

Cuối trang tin mừng, Chúa Giêsu nói: “Ai tin vào người Con thì được sự sống đời đời; còn kẻ nào không chịu tin vào người Con thì không được sự sống, nhưng cơn thịnh nộ của Thiên Chúa đè nặng trên kẻ ấy.”

Chúng ta thấy đó là sự trăn trở của Chúa Giêsu về số phận của con người, để cho con người được cứu độ, chứ không phải để cho con người phải chết.

Sau này, Chúa Giêsu đã khẳng định lại điều này, Chúa nói với người do thái: “Thật, tôi bảo thật các ông: Tôi là cửa cho chiên ra vào. Mọi kẻ đến trước tôi đều là trộm cướp; nhưng chiên đã không nghe họ. Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ. Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá huỷ. Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào.” (Ga 10, 7-10).

Đó là nỗi trăn trở của Chúa Giêsu dành cho con người, vì Chúa là Đấng có trách nhiệm đối với con người, nếu mở rộng ra chúng ta thấy bất cứ ai khi đã có trách nhiệm điều có nỗi trăn trở với trách nhiệm của mình, nếu người nào có trách nhiệm mà không có nỗi trăn trở, thì người đó đúng là người vô trách nhiệm.

Có một bài viết mang tên Nỗi Buồn Lớn Nhất Của Tuổi Già được chia sẻ như thế này.

Tôi mua cho mẹ một chiếc điện thoại thông minh. Mẹ nhờ tôi dạy cách sử dụng. Tôi đã chỉ cho bà cách tải các ứng dụng, sau đó bật máy tính lên để chuẩn bị làm việc. Thế rồi mẹ vào, bà lại hỏi về một phần mềm mới. Lát sau, khi tôi đang xoay sở với đống việc, bà ở bếp than thở vọng ra rằng bà không thể dùng được chiếc máy mới. Dòng ý tưởng công việc bị cắt ngang khiến tôi bực dọc, tôi chạy vào bếp và gắt lên với mẹ. Bà ngước lên nhìn tôi khổ sở: "Hay là thôi, mẹ vẫn dùng điện thoại cũ". "Tùy mẹ, mẹ muốn thế nào cũng được", tôi sốt ruột bước ra ngoài, để mẹ một mình với cái điện thoại đời mới.

Đêm khuya hôm ấy, khi chuẩn bị đi ngủ, tôi nhận được tin nhắn của mẹ: "Con à, mẹ đã già. Mẹ quên nhanh điều người khác nói. Mẹ cũng không nhớ cả điều mẹ đã nói. Lúc nấu cơm, có khi mẹ quên cả cắm phích. Con có thể kiên nhẫn hơn với mẹ không?".

Những dòng mẹ viết làm mắt tôi ướt nhòe. Tôi biết, mẹ không dám nói chuyện trực tiếp với tôi nên đã nhắn tin. Tôi dằn vặt mình: Giá có thể kiên nhẫn hơn một chút nữa.

Những ngày sau đó, mẹ không hỏi tôi về điện thoại nữa. Tự bà đã mày mò, tìm hiểu cách tải ứng dụng".

Hay có một bộ phim truyền hình nổi tiếng của trung quốc “Gia Đình Hạnh Phúc” từng lấy đi nước mắt của nhiều người, vì những thông điệp mà nó mang lại. Nội dung phim xoay quanh một thanh niên giỏi giang, là bác sĩ của một viện lớn, tuy nhiên anh không thăng tiến được vì nhiều đồng nghiệp khác có gia đình bề thế, địa vị hơn. Một ngày, trong nỗi thất vọng vì mất đi vị trí tiềm năng, anh về nhà trách cứ bố mình: "Bố mỗi ngày cứ hỏi con có đói không? Bố chỉ lo được cho con chuyện đói, no, không thể nào lo cho con được sự nghiệp". Lời phàn nàn của đứa con làm người bố trống rỗng, đau khổ. Ông nói: "Là bố sai rồi, là bố không có khả năng đem lại cho con những điều tốt đẹp hơn".

Nói như thế, để chúng ta ta thấy ai trong chúng ta cũng có trách nhiệm, cha mẹ có trách nhiệm của cha mẹ là lo lắng cho con cái, là lo lắng cho nhau, con cái có trách nhiệm với cha mẹ…, nên chúng ta cần phải hiểu những trăn trở của nhau, để cảm thông cho nhau, để người có trách nhiệm hoàn thành được trách nhiệm của mình.

Bên cạnh đó, xin cho chúng ta là người có trách nhiệm biết có trách nhiệm, nghĩa là biết trăn trở về trách nhiệm của mình, đừng trở nên những người vô trách nhiệm, khi mình có trách nhiệm. Amen.



 

Thứ Sáu - Tuần II Phục Sinh

Ga 6,1-15

Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy việc Chúa Giêsu hóa bánh ra nhiều, qua phép lạ này Chúa muốn dạy cho chúng ta bài học đó là cần có sự liên đới với nhau, lúc đó phép lạ mới xảy ra, cụ thể là khi Chúa Giêsu hỏi ông Philípphê: "Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?"

Tin mừng nói tiếp: “Người nói thế là để thử ông, chứ Người đã biết mình sắp làm gì rồi. Ông Philípphê đáp: "Thưa, có mua đến hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút."

Một trong các môn đệ, là ông Anrê, anh ông Simôn Phêrô, thưa với Người: "Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu! Và với năm chiếc bánh và hai con cá đó Chúa đã làm phép lạ.

Nên chúng ta thấy chính sự liên đới đã làm nên phép lạ.

Chúng ta để ý tin mừng nói khi Chúa Giêsu hỏi Philipphe là chỉ hỏi thử ông thôi, chứ Người biết Người phải làm gì rồi, nghĩa là sao? Nghĩa là chính ngài sẽ làm phép lạ để cho các ông thấy được nếu có sự liên đới thì phép lạ sẽ xảy ra.

Đó là trong đời sống đức tin, còn trong đời sống thường ngày nếu chúng ta biết liên đới với nhau, thì điều tốt lành sẽ đến với chúng ta, nên ông bà ta thường nói: “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”.

Ở một thành phố nọ, có hai người đàn ông sống ở hai ngôi nhà kế bên nhau. Một người là chủ tiệm bán hàng lưu niệm, và một người là chủ nhà hàng ăn uống rất lớn. Nhà hàng lúc nào cũng đông khách và tiệm bán hàng lưu niệm lúc nào cũng tấp nập người lui tới.

Vậy mà ông chủ nhà hàng lại rất ghét ông chủ tiệm kia. Ông cho rằng cửa hàng bán đồ lưu niệm đã hút bớt khách của mình. Nếu không phí tiền vào những món đồ chơi vô bổ đó, chắc chắn sẽ càng có nhiều người đến ăn uống ở nhà hàng của ông. Do vậy mà ngày nào ông cũng ra đứng trước cửa tiệm bán đồ lưu niệm để mỉa mai, bêu rếu, thậm chí là chửi bới người hàng xóm của mình.

Mặc dù ông chủ tiệm đồ lưu niệm vẫn thường giới thiệu khách hàng của mình sang ăn uống để ủng hộ ông hàng xóm kỳ khôi đó, nhưng sự ganh tỵ của ông chủ nhà hàng vẫn gia tăng và càng ngày ông càng tỏ ra căm ghét người chủ tiệm đồ lưu niệm rõ rệt hơn.

Không chịu nổi sự ganh ghét của ông chủ nhà hàng, người chủ tiệm bán đồ lưu niệm quyết định đi tìm nơi khác để sinh sống. Ông bán rẻ cửa tiệm thân thương của mình và gạt nước mắt đi đến một thành phố khác.

Ở đó, ông vẫn làm nghề kinh doanh hàng lưu niệm. Nhờ tính tình hiền lành, tử tế, ông được nhiều người trong vùng đó yêu mến và cửa tiệm của ông lại tấp nập khách lui tới. Còn ông chủ nhà hàng ăn uống, cứ ngỡ sau khi người hàng xóm mà ông ganh ghét rời đi thì nhà hàng ông sẽ làm ăn khấm khá hơn. Không ngờ, khách đến ngày một thưa dần và nhất là vì không ghé đến tiệm mua đồ lưu niệm nên cũng ít người ghé vào nhà hàng của ông để dùng bữa.

Lúc bấy giờ, ông mới nhận ra rằng thói ganh tỵ xấu xa của mình đã khiến ông mất đi người hàng xóm tốt bụng và công việc làm ăn của ông cũng trở nên sa sút.

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết liên đới với nhau, biết yêu thương nhau, đừng ganh tỵ với nhau, có như thế chúng ta mới có thể nâng đỡ nhau trên con đường nên thánh. Amen.




Thứ Bảy - Tuần II Phục Sinh
Thánh Philipphê và thánh Giacôbê, tông đồ.

Ga 14,6-14

Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy cuộc đối thoại giữa Philipphê và Chúa Giêsu, bối cảnh của cuộc đối thoại này là sau khi Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Nếu các con biết Thầy, thì cũng biết Cha Thầy”.

Trong cuộc đối thoại này Philipphê cho rằng Chúa Cha và và Chúa Giêsu khác nhau, nên mới xin Chúa Giêsu cho mình biết Chúa Cha: “Lạy Thầy, xin tỏ cho chúng con xem thấy Chúa Cha và như thế là đủ cho chúng con”.

Qua cuộc đối thoại đó, chúng ta thấy tâm lý của con người luôn luôn muốn tìm kiếm cái gì đó khác với những điều trước đó, có thể để thay đổi tư duy, để tìm một chân lý mới thì đó là điều tốt.

Nhưng đâu phải cái mới là tốt, đâu cái tốt phải mới, và nhiều khi có những điều chúng ta không thể tìm kiếm được, mà phải tin.

Có người nói vui như thế này đó là trên đời có hai thứ chúng ta không thể nhìn thẳng đó là mặt trời và lòng người, vì khi nhìn vào mặt trời thì đau mắt, khi nhìn vào lòng người thì đau lòng.

Một ông vua kia do cận thần xúi bẩy nên một hôm đã ra lệnh triệu tập tất cả các giám mục trong nước vào trong hoàng cung. Vua ra lệnh cho các Giám mục trong một tuần lễ phải chứng minh Thiên Chúa là Đấng có thực. Nếu không chứng minh được thì tất cả các Giám mục sẽ bị khép vào tội lừa bịp dân chúng và bị án treo cổ.

Thật là một đòi hỏi nan giải, vì làm sao có thể chỉ cho nhà vua xem thấy Thiên Chúa vô hình được? Rồi càng gần đến hết hạn định, tâm trạng các vị Giám mục lại càng bị bồn chồn lo lắng. Bấy giờ một tu sĩ trẻ nghe biết câu chuyện, liền đến xin phép được thay cho các Giám mục để chỉ cho nhà vua xem thấy Thiên Chúa.

Đúng hẹn, anh tu sĩ đã dẫn nhà vua cùng quần thần đến một ngọn đồi giữa buổi trưa nắng gắt. Anh chỉ tay lên mặt trời và tâu nhà vua: “Muôn tâu bệ hạ, thảo dân xin bệ hạ nhìn theo ngón tay của thảo dân, thì sẽ xem thấy Thiên Chúa”.

Nhà vua và các quan cận thần đều nhìn lên mặt trời theo hướng ngón tay của anh tu sĩ kia, nhưng không ai có thể nhìn được vì bị chói mắt. Bấy giờ nhà vua liền nổi giận ra lệnh chém đầu anh tu sĩ vì cho rằng anh ta đã dám đánh lừa mình.

Bấy giờ vị tu sĩ liền quỳ dưới chân nhà vua và thưa rằng: “Muôn tâu bệ hạ, bệ hạ đòi xem bằng được Thiên Chúa. Nhưng mặt trời kia chỉ là một tạo vật tầm thường của Thiên Chúa, mà bệ hạ còn không thể xem được, thì làm sao bệ hạ có thể nhìn thấy Thiên Chúa là Đấng vô cùng cao cả được? Thiên Chúa luôn hiện hữu, nhưng vì Ngài thiêng liêng vô hình, nên người ta không thể xem thấy Ngài bằng cặp mắt xác thịt, mà chỉ có thể thấy Ngài bằng cặp mắt đức tin thôi”

Hiểu được như vậy chúng ta thấy Chúa Giêsu không cho các môn đệ xem thấy Chúa Cha được, vì Chúa là Đấng vô hình, cao cả, nên chúng ta chỉ thấy Chúa Cha qua Chúa Giêsu mà thôi.

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta hiểu được như vậy, để giải thích nói cho người khác biết về Chúa Cha, và để có thể đến với Chúa Cha thì chỉ có một cách duy nhất là qua trung gian Chúa Con. Amen.