Chúa Nhật II Mùa Vọng
Br 5,1-9; Pl 1,4-6.8-11; Lc 3,1-6
Tôma Lê Duy Khang
Hôm nay là Chúa Nhật thứ 2 Mùa Vọng C, và trong Chúa nhật này dù năm A, B, C, chúng ta thường nghe nói đến một nhân vật đó là Gioan Tẩy Giả, mà khi nghe nói đến nhân vật này, chúng ta lại nghe nói đến những câu như: Gioan tẩy giả là tiếng hô trong hoang địa, ông xuất hiện để kêu gọi người ta ăn năn sám hối để dọn đường cho Chúa đến….
Khi nghe những câu nói như thế dường như làm cho chúng ta in hằn một tư tưởng đó là Gioan Tẩy Giả chỉ có đóng vai như vậy trong mùa vọng mà thôi, qua mùa vọng rồi thì ông chìm hẳn, không ai nhắc tới nữa.
Nếu xét về mặt tự nhiên thì đúng như vậy, không có gì là sai, cũng như một diễn viên khi đã hết vai diễn của mình thì sẽ lui vào hậu trường, chờ tới năm sau sẽ xuất hiện tiếp, để kêu gọi tiếp.
Nhưng nếu xét về mặt thiêng liêng thì suy nghĩ này là chưa đúng lắm, bởi vì cuộc đời của mỗi người chúng ta nó không mở đầu bằng mùa vọng và kết thúc trong mùa giáng sinh.
Mà cuộc đời chúng ta được ví như là một mùa vọng kéo dài, nghĩa là chúng ta không chỉ chờ đợi Chúa đến lần thứ nhất qua mầu nhiệm Giáng Sinh, mà chúng ta còn chờ đợi Chúa đến trong vinh quang nữa.
Hiểu được như thế, chúng ta mới thấy được tầm ảnh hưởng của Gioan Tẩy Giả lớn như thế nào, nhất là sứ điệp mà ông kêu gọi, nó vẫn âm ỉ, vẫn len lõi trong từng ngày sống của mỗi người chúng ta.
Có ai trong chúng ta dám nói, chỉ trong Mùa Vọng tôi mới ăn năn sám hối, tôi mới sửa mình để đón Chúa, còn những mùa khác, không ai kêu gọi thì cũng sống phè phỡn, cứ ăn chơi cho đã, rồi tới năm sau vào mùa vọng, chúng ta lại tiếp tục chu kỳ đó, nếu chúng ta nghĩ như vậy, là chúng ta sống đức tin theo mùa, mà Chúa thì Ngài không đến theo mùa, mà Ngài đến bất ngờ.
Nếu chúng ta sống theo đức tin theo mùa cũng có thế chấp nhận được, vì dù sao cũng có thời gian chút đỉnh để ăn năm sám hối, thái độ này coi như đánh cược cuộc đời mình với Chúa, nếu Chúa đến trong thời gian mới ăn năn sám hối, mới đi xưng tội xong thì an tâm.
Nhưng bên cạnh đó, có một tình trạng còn tệ hơn nữa đó là không dám đánh cược cuộc đời của mình, nhưng là buông xuôi, để rồi sống bê tha, hết năm này đến năm khác, cho đến khi nhắm mắt lìa đời.
Và chúng ta thấy, dù đánh cược, dù buông xuôi cuộc đời mình thì hành động đó là đang thách thức Chúa, không biết cậy dựa vào ơn Chúa, không biết cộng tác với ơn của Chúa.
Vì có thể họ nghĩ rằng mình không có tội, giữ đạo tại tâm là được rồi, như thế là mất đi cảm thức về tội, tội càng nặng hơn nữa đó là tội kiêu ngạo, giữ đạo tại tâm giống như một người khát nước mà không chịu đến vòi nước để uống, bởi vì trong không khí có nước, cần gì uống nước nữa.
Đức Cha Fun Tong Shing có nói một câu như thế này đó là trong một xã hội rất giàu có này, vấn nạn lớn nhất trong xã hội chúng ta đang sống ngày hôm nay không phải bởi vì nhiều vấn đề hay tệ nạn nó xảy ra trong cuộc sống, mà vấn nạn lớn nhất là con người mất đi cảm thức về tội lỗi, họ không còn cảm thấy ray rứt, hay vô cảm đối với điều xấu mà họ thấy hay họ đang làm và đó là cái nguy hiểm nhất của con người thời đại chúng ta ngày hôm nay.
Chúng ta biết Chúa có thể thay đổi lòng người được hay không, thưa được, nhưng Chúa không làm như vậy, vì Chúa muốn để cho con người có tự do để chọn lựa, Ngài không muốn biến con người thành những rôbot. Nếu như con người đã chọn lựa không cần Chúa, bỏ Chúa, Chúa bó tay. Nói theo sách Khải Huyền đó là: “Này Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy và người ấy sẽ dùng bữa với Ta” (Kh 3,20).
Thiên Chúa để cho con người có tự do, điều đó cho chúng ta thấy, là Chúa muốn để cho con người đang vận hành thế giới này, qua cách thức sống của con người, nhưng mà những sự dữ nó đang xảy ra do bàn tay của con người, vậy thì Thiên Chúa có bỏ mặc con người hay không, thưa không, Ngài vẫn ẩn hiện để lèo lái cuộc đời của chúng ta.
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta ý thức được điều đó, để mỗi người chúng ta không chỉ để cho lời mời gọi của Gioan tẩy giả vang vọng trong mùa vọng ngắn ngủi này, mà còn để cho nó vang vọng mãi trong cuộc đời của mỗi người chúng ta là một mùa vọng kéo dài, để khi Chúa đến gõ cửa nhà chúng ta, thì chúng ta sẵn sàng mở ngay cửa để đón Ngài, để Chúa lèo lái cuộc đời của chúng ta, thì chắc chắn cuộc đời của chúng ta sẽ hạnh phúc vì có Chúa. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Br 5,1-9: Chúa sẽ tỏ bày huy hoàng của Chúa trong ngươi.
Tv 126,3: Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan.
Pl 1,4-6.8-11: Anh em hãy ăn ở trong sạch và không đáng trách, cho đến ngày của Đức Kitô.
Lc 3,1-6: Mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa.
Hôm nay, ta có thể gặp Chúa trên đường đời. Khi ta chờ mừng sinh nhật của Chúa Giêsu, các bài đọc Kinh thánh tỏa sáng với niềm vui háo hức chờ đợi và những lời khuyên khôn ngoan thực sự: “Hãy cởi áo tang chế và sầu khổ” và “hãy mặc lấy sự huy hoàng và vinh quang đời đời của Chúa”.
Hãy vui mừng vì ta được Chúa nhớ đến, và ta có thể an toàn bước tới trong sự vinh hiển của Chúa. Thiên Chúa đang dẫn dắt dân Israel trong niềm vui bởi ánh sáng vinh quang cùng với lòng thương xót và công lý của Người.
Luca trích Isaia: “Hãy dọn đường Chúa. Mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa.” Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở rằng “nội dung của chứng tá Kitô giáo không phải là lý thuyết, mà là về một Ngôi vị: đó là Chúa Kitô Phục sinh, Đấng cứu độ hằng sống và duy nhất của tất cả mọi người”. Thiên Chúa đã đi vào lịch sử bởi vì Chúa Kitô không phải là một lý thuyết. Ngài là Đấng Cứu Độ, là Bác ái, là Lòng nhân từ. Các bài đọc hôm nay mang lại hy vọng, an ủi, khích lệ và vui mừng, vì vậy ta phải phản chiếu ánh sáng, tình yêu thương, công lý và lòng thương xót của Ngài.
Thứ Hai - Tuần II Mùa Vọng
(St 3,9-15.20; Ep 1, 3-6.11-12; Lc 1,26-38)
Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay là trình thuật truyền tin cho Đức Mẹ, chúng ta chú ý đến một chi tiết đó là khi Thiên Thần tới truyền tin, Thiên Thần đã nói với đức mẹ: "Mừng vui lên, hỡi đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.", lúc đó phản ứng của Mẹ như thế nào, Tin Mừng ghi lại: “Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.”
Tại sao Mẹ không hiểu được lời chào đó như thế nào?
Xét theo cái nhìn tự nhiên thì điều này là điều bất ngờ, nên làm sao hiểu được.
Nhưng nếu xét theo cái nhìn đức tin vì mẹ cảm thấy mình không xứng đáng khi có Chúa ở cùng. Tại sao Mẹ lại cảm thấy mình không xứng đáng?
Đọc lại kinh thánh trong tính tổng thể, chúng ta sẽ hiểu được tại sao Mẹ lại cảm thấy mình không xứng đáng.
Trong sách Sáng Thế chương 3 có kể lại cho chúng ta về câu chuyện ông bà nguyên tổ sa ngã phạm tội, khi ông bà nguyên tổ sa ngã phạm tội như thế: “Bấy giờ mắt hai người mở ra, và họ thấy mình trần truồng: họ mới kết lá vả làm khố che thân. Nghe thấy tiếng Đức Chúa là Thiên Chúa đi dạo trong vườn lúc gió thổi trong ngày, con người và vợ mình trốn vào giữa cây cối trong vườn, để khỏi giáp mặt Đức Chúa là Thiên Chúa. Đức Chúa là Thiên Chúa gọi con người và hỏi: "Ngươi ở đâu? " Con người thưa: "Con nghe thấy tiếng Ngài trong vườn, con sợ hãi vì con trần truồng, nên con lẩn trốn." (St 3,7-10).
Rồi trong Tin Mừng Luca chương 15, dụ ngôn người cha nhân hậu, cho chúng thấy hình ảnh người con thứ sau khi đã phung phí tài sản của người cha, anh ta tự nhủ để về nói với người cha: “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy.” (Lc 15,18-19)
Như thế, Mẹ Maria thấy mình không xứng đáng là vì Mẹ cũng là con cháu của ông bà nguyên tổ, là một người như bao nhiêu con người khác thôi, thì làm sao xứng đáng được Chúa ở cùng.
Nhưng chúng ta biết tình yêu của Thiên Chúa lớn hơn gấp nhiều lần tội lỗi của con người, khi ông bà nguyên tổ sa ngã phạm tội, Thiên Chúa vẫn đến, và Ngài còn hứa ban Đấng Cứu Độ cho con người.
Khi người con thứ thấy mình không xứng đáng với người cha, anh ta chỉ mong muốn người cha coi mình như đứa đầy tớ thôi, thì người cha đã làm gì? người cha đã kêu các đầy tớ: “: 'Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng!” (Lc 15, 21-23), nghĩa là người cha đã phục hồi lại phẩm giá của người con khi anh ta đã đánh mất. Chính vì thế, mà thánh Phaolo đã nói: “Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu Kitô, để ta hằng ngợi khen ân sủng rạng ngời, ân sủng Người ban tặng cho ta trong Thánh Tử yêu dấu”. (Ep 1,5).
Nên mặc dù con người cảm thấy mình không xứng đáng, nhưng Chúa vẫn đến với con người, để nâng con người lên, để đưa con người trở về tình trạng tinh tuyền thánh thiện.
Hôm nay mừng lễ Mẹ Vô nhiễm, một lần nữa chúng ta được mời gọi xác tín lại tình thương và quyền năng của Chúa, Ngài đã dùng quyền năng và tình thương mà thực hiện nơi Mẹ Maria những điều kỳ diệu, ban cho mẹ được ơn vô nhiễm nguyên tội để Mẹ xứng đáng cưu mang Con Một Thiên Chúa.
Xin cho mỗi người chúng ta luôn tin tưởng phó thác cuộc đời của mình cho Chúa, để Chúa biến đổi cuộc đời chúng ta như đã biến đổi cuộc đời của Mẹ Maria. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
St 3,9-15.20: Ta sẽ đặt mối thù nghịch giữa miêu duệ mi và miêu duệ người phụ nữ.
Tv 98,1: Hãy ca tụng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu.
Ep 1,3-6.11-12: Từ trước khi tạo thành vũ trụ, Thiên Chúa đã kén chọn chúng ta trong Đức Kitô.
Lc 1,26-38: Chào Trinh Nữ đầy ân sủng, Chúa ở cùng Trinh Nữ.
Mẹ Maria dẫn đường cho tất cả mọi người đang hướng về Chúa. Vì Mẹ Maria như vườn nhân loại, nơi Thiên Chúa để hạt giống tốt đâm chồi nảy lộc. Bởi vì Mẹ là tôi tớ của Chúa và là hình ảnh của Giáo Hội. Thiên Chúa trung thành với những lời hứa của Người, và qua Mẹ, Người đã ban Đấng Cứu Độ. Maria là người đầu tiên, và là người duy nhất trong tất cả mọi người được giữ khỏi tội lỗi. Mẹ là thiên đường được khôi phục lại, nơi Chúa và con người gặp nhau.
Hôm nay, ta không chỉ kỷ niệm Đức Mẹ Vô Nhiễm, nhưng còn ca tụng lòng can đảm, đức tin, và vai trò của Mẹ trong sự cứu rỗi. Vì cuộc đời của Mẹ có mục đích Thánh, ta cũng có mục đích Thánh được sinh ra từ lòng khao khát tham gia vào sứ điệp tình yêu của Chúa.
Giáo hội chuẩn bị mừng Năm Thánh thường lệ 2025 với điểm nhấn là tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu. Nguyện cho Tình yêu xuất phát từ Thánh Tâm Chúa Giêsu sưởi ấm tâm hồn, bảo vệ, che chở cho mỗi người chúng ta cách riêng và Giáo hội cách chung, để cho mỗi giây phút hiện diện trên thế trần thì chúng ta luôn có Chúa đồng hành với niềm hy vọng chan chứa và tràn đầy ân phúc như Mẹ Maria.
Thứ Ba - Tuần II Mùa Vọng
(Is 40,1-11; Mt 18,12-14)
Tôma Lê Duy Khang
Tại sao người chăn chiên lại dám bỏ 99 con chiên ở lại để đi tìm con chiên lạc, nếu chúng ta nhìn ở khía cạnh số lượng thì đúng là một sự khờ dại, không biết tính toán, người ta thường nói thả con tép để bắt con tôm, còn đàng này, bỏ nguyên bầy tôm để đi tìm một con tép. Nhưng ở đây chúng ta được mời gọi hiểu theo khía cạnh tình thương, người chăn chiên đó chính là hình ảnh của Thiên Chúa, Chúa yêu thương tất cả mọi người, nên Chúa không muốn cho một ai phải hư mất cả.
Như vậy, lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta phải thay đổi cái nhìn của mình, chúng ta hãy mang lấy tâm tình yêu thương của Chúa để đến với những người anh em của chúng ta, nhất là đối với những người tội lỗi để giúp họ ăn năn sám hối mà trở về cùng Chúa, trong thư của thánh Giacobe chương 5 câu 20 có viết: “kẻ nào làm cho một tội nhân bỏ đường lầm lạc mà trở về, thì cứu được linh hồn ấy khỏi chết và che lấp được muôn vàn tội lỗi của mình.” Chúng ta hãy nhớ như vậy, nhưng trước tiên, chúng ta hãy mang lấy tâm tình làm vì yêu, chứ không phải làm vì được, thì chúng ta mới có thể làm được, còn kết quả ra sao cứ phó thác trong tay Chúa, chúng ta đừng đòi hỏi.
Nhưng trong đời sống thực tế chúng ta thấy có nhiều người không mang lấy tâm tình vì yêu của Chúa, mà mang lấy tâm tình của mình, để đưa vào tòa giải tội.
Ở một Nhà Thờ bên Tây Ban Nha có một tượng Thánh Giá cổ rất đặc biệt. Cánh tay trái của Chúa Giêsu vẫn còn đóng vào gỗ giá, nhưng cánh tay phải thì rời ra và đưa đến phía trước trong tư thế ban phép lành. Người địa phương kể về nguồn gốc của tượng Thánh Giá này như sau:
Một hôm, có một tội nhân đến xưng tội, và vị linh mục chánh xứ ngồi ngay dưới cây Thánh Giá này để ban phép giải tội cho hối nhân. Vị linh mục thường nghiêm khắc khuyên dạy, tội nhân ra về lòng nhẹ nhàng. Nhưng rồi tính nào tật nấy, anh lại sa ngã nặng nề, rồi anh lại đến thú tội, và vị linh mục cảnh giác anh: "Ðây là lần cuối cùng tôi giải tội này cho ông".
Ngày tháng trôi đi, anh lại tái phạm tội cũ và đi xưng tội. Mấy lần như thế. Cuối cùng, vị linh mục chánh xứ đã nghiêm khắc từ chối giải tội cho anh và nói: "Ông đừng đùa với Chúa nữa". Nhưng lạ lùng thay, khi vị linh mục vừa khước từ ban ơn tha tội thì bỗng nghe tiếng thì thầm trên Thánh Giá. Bàn tay phải của Chúa Giêsu bỗng được rút ra khỏi cây Thánh Giá và ban phép lành cho hối nhân. Cùng lúc, có tiếng thì thầm cũng nói với vị linh mục rằng: "Chính Ta là người đã đổ máu ra để tha tội cho người này chứ không phải con". Chúng ta cùng cầu nguyện cho những linh mục như thế, khi vào tòa giải tội phải mang lấy tâm tình của Chúa, phải hiểu được chính Chúa mới là người tha tội, chứ không phải là mình tha tội.
Bên cạnh đó, chúng ta thấy nhiều khi không phải lỗi ở linh mục hay một ai khác, mà là do chính hối nhân, không chịu quay về với Chúa, mặc dù Chúa muốn nhưng con người thì không muốn, nên mỗi người chúng ta được mời gọi phải cầu nguyện cho họ, xin Chúa uốn lòng họ, để họ mau trở về với Chúa.
Xin Chúa cho mỗi người chúng ý thức được điều đó, để mỗi người chúng ta tùy theo bổn phận của mình, để đem nhiều linh hồn về với Chúa, và một điều chắc chắn là khi chúng ta tìm cách cứu người khác, cũng chính là chúng ta đang tự cứu lấy mình. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Is 40,1-11: Thiên Chúa an ủi dân Người.
Tv 96: Thiên Chúa chúng ta sẽ đến trong uy quyền (Is 40,10).
Mt 18,12-14: Chúa không muốn những kẻ bé nhỏ phải hư đi.
Isaia được gọi để nói về sự an ủi, sự chuẩn bị và hy vọng. Tác giả của Isaia thứ hai có một thông điệp tuyệt đẹp về niềm vui và hy vọng. Thiên Chúa sẽ chấm dứt sự lưu đày của dân Người và đưa họ trở lại với Người. Tội lỗi của họ được tha thứ. Ngài sẽ sống giữa họ với tư cách là người mục tử.
Phúc âm hôm nay củng cố lòng thương xót dịu dàng của Chúa và sự chăm sóc của Ngài trong dụ ngôn con chiên lạc. Chúa đặc biệt chú ý đến ta khi mọi thứ không ổn. Ngài không bỏ rơi ta. Chúa vui mừng khi tìm thấy ta. Chúa không tức giận hay thất vọng khi chúng ta đi lạc và rời khỏi cấu trúc và sự ổn định của “chín mươi chín con chiên”. Chúa vui mừng vì được ở bên chúng ta và kết nối với chúng ta trong thời gian đau khổ của chúng ta.
Thiên Chúa trở nên hữu hình với tư cách là người Mục tử trong Chúa Giêsu. Đối với Ngài, mỗi người đều đáng quý. Giáo hội cũng như những người lãnh đạo của mình, và tất cả những người thuộc về Giáo hội, phải thương xót, tha thứ, và có trách nhiệm với nhau. Nghĩ rộng hơn, ta là những tội nhân có trách nhiệm với những người tội lỗi khác. Trong Mùa Vọng này, ta hãy đến gần Mục Tử của mình. Hãy cùng tìm kiếm những con chiên đang đau khổ khác. Và ta hãy chào đón những con chiên lạc trở về nhà bình an.
Thứ Tư - Tuần II Mùa Vọng
(Is 40,25-31; Mt 11,28-30)
Tôma Lê Duy Khang
Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu nói: “Hỡi những ai đang vất vả mang gánh nặng nề hãy đến với Ta, Ta sẽ nâng đỡ và bổ sức cho các ngươi”.
Gánh nặng nề này chúng ta có thể hiểu là gánh nặng nề của công việc, của những lao nhọc vất vả về thể xác.
Gánh nặng nề này chúng ta cũng có thể hiểu là gánh nặng nề của đời sống tâm linh của mình, là những đau khổ, là những tội lỗi, là những đam mê xác thịt….
Và chúng ta cần chú ý một điểm đó là Chúa nói: “Ta sẽ nâng đỡ và bổ sức cho”, nghĩa là làm sao? Nghĩa là Chúa không cất lấy những lao nhọc của chúng ta, những khó khăn của chúng ta, những tội lỗi của chúng ta, nhưng Chúa sẽ nâng đỡ và bổ sức để chúng ta có thể trung thành đi theo Chúa cho đến cùng.
Tại sao mà Chúa không cất những gánh nặng nề cho chúng ta mà chỉ nâng đỡ, mà chỉ bổ sức thêm thôi?
Chúng ta thử đặt câu hỏi, đó là Chúa có thể cất lấy những gánh nặng nề những đau khổ của con người hay không? thưa được, bởi khi Chúa Giêsu chịu chết, khi Chúa Giêsu sống lại, thì Chúa đã tiêu diệt sự chết, Chúa đã chiến thắng khải hoàn rồi, Chúa đứng trên sự dữ rồi, và đó là phần của Chúa, còn phần còn lại là phần của con người chúng ta, chúng ta cần chiến đấu để đạt được chiến thắng chung cuộc đó, bởi Chúa khi tạo dựng con người Chúa đã ban cho con người có tự do, nói theo thánh Augustino thì: “Chúa dựng nên con không cần đến con, nhưng cứu độ con Chúa cần con đáp lời”.
Điều thứ hai nữa, đó là chúng ta dựa vào nền tảng thánh kinh. Chúng ta biết khi kêu gọi các môn đệ theo mình, Chúa Giêsu đã nói gì? Thưa Chúa nói: "Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy. Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình?” (Mt 16, 24-26).
Nghĩa là người môn đệ theo Chúa thì không thể nào mà tránh khỏi thập giá, chắc chắn sẽ có thập giá, chắc chắn sẽ có đau khổ, chắn chắn sẽ có những khó khăn thử thách. Bởi vì chính Chúa Giêsu khi đến trần gian này, Ngài cũng phải mang vác thập giá.
Hiểu được như thế, chúng ta mới thấy khi Chúa Giêsu loan báo cuộc khổ nạn: “Người phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại. Ông Phêrô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người: "Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!" Nhưng Chúa Giêsu quay lại bảo ông Phêrô: "Xatan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người." (Mt 16,21-23).
Chính vì lý do đó mà Chúa không cất lấy đau khổ của con người, nhưng ngài chỉ nâng đỡ, chỉ bổ sức cho con người, để con người có thể trung thành vác thập giá, trung thành chiến đấu để đạt được chiến thắng chung cuộc.
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta khi vất vả lao nhọc về đời sống thể xác và tinh thần biết chạy đến với Chúa, để xin ơn Chúa nâng đỡ và bổ sức cho chúng ta, để chúng ta có thể đủ sức đương đầu với những khó khăn thử thách trên hành trình theo Chúa. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Is 40,25-31: Thiên Chúa toàn năng ban sức mạnh cho người mệt mỏi.
Tv 103,1: Hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa.
Mt 11,28-30: Hãy đến với Ta, hỡi những ai vất vả cực nhọc.
Thiên Chúa yêu thương và an ủi dân của Người. Chúa thấu hiểu cuộc đời của mỗi người sẽ có những lúc vui, buồn, sướng, khổ. Công việc hằng ngày chiếm gần hết khoảng thời gian Chúa ban cho, nhưng đổi lại thì có mấy ai cảm thấy yên hàn. Thánh vịnh từng giúp nói hộ con người một sự thật tương đối thật với số đông nhân loại. “Tính tuổi thọ, trong ngoài bảy chục, mạnh giỏi chăng là được tám mươi, mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khổ” (Tv 90,10). Cuộc sống có thể kéo dài, và gánh nặng cuộc đời trên đôi vai cũng nặng theo năm tháng.
Tuy nhiên, Chúa gọi chúng ta bằng tên Người đặt cho, và Người biết rõ chúng ta vất vả như thế nào. Như Isaia cho biết, “Thiên Chúa ban sức mạnh cho kẻ rã rời và thêm sức cho người mệt mỏi.” Isaia hoàn toàn hiểu lòng yêu thương và thành tín của Thiên Chúa dành cho dân của Người. Dựa vào những bậc khôn ngoan trong Cựu ước, chúng ta cũng được mời gọi hãy chúc tụng Chúa với tất cả tâm hồn. Hầu nhờ đó mà chúng ta nhận được những ơn lành. Vì chính Chúa Giêsu Kitô cũng đã mời gọi mỗi người: “Hãy đến với Ta, hỡi những ai vất vả cực nhọc.” Đến với Chúa, ta dâng cho Người những lời tạ ơn, xin lỗi, rồi ta sẽ được chữa lành, được cứu độ, và được đội triều thiên nhân hậu của Thiên Chúa.
Thứ Năm - Tuần II Mùa Vọng
(Is 41,13-20; Mt 11,11-15)
Tôma Lê Duy Khang
Tại sao Chúa Giêsu lại nói với dân chúng: “Thật tôi bảo thật các ngươi, trong con cái người nữ sinh ra, chưa từng có ai cao trọng hơn Gioan tẩy Giả, nhưng người nhỏ nhất trong Nước Trời lại cao trọng hơn ông”, nghĩa là làm sao?
Trước tiên chúng ta cần tìm hiểu Gioan tẩy Giả là người cao trọng ở điểm nào? thưa Gioan cao trọng là vì sứ mạng của Gioan, ông là người đi trước để dọn đường cho Chúa cứu thế.
Còn người nhỏ nhất trong Nước Trời tại sao lại cao trọng hơn Gioan tẩy Giả, thưa vì Gioan tẩy Giả chỉ là người dọn đường, còn người nhỏ nhất trong Nước Trời là người đã đi con đường của Chúa đã đi, đã bước theo Chúa, và đã được hưởng hạnh phúc thiên đàng.
Nói như vậy, không có nghĩa là Gioan tẩy giả bị loại ra khỏi Thiên Đàng, Gioan cũng là người cao trọng trong Nước Trời, nhưng đó là cách nói của Chúa Giêsu để so sánh cho dù một người nào đó có cao trọng cách mấy đi chăng nữa, nếu không được vào Nước Trời thì cũng vô ích mà thôi, nếu cách khác đó là được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn, nào có lợi ích gì?
Hiểu được như vậy, chúng ta mới hiểu được rằng không phải ai mang danh là Kito hữu, không phải ai được rửa tội là đương nhiên được người khác coi trọng, đương nhiên là người cao trọng hay đương nhiên được vào Nước Trời, bởi vì đó chỉ là hình thức bên ngoài mà thôi. Hay nói theo cách nói của Chúa Giêsu đó là: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: "Lạy Chúa! lạy Chúa! " là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi.” (Mt 7,21).
Bên cạnh đó, cách nói của Chúa Giêsu nhằm ám chỉ rằng thời Cựu Ước chỉ là thời kỳ chuẩn bị, nhưng thời Tân Ước mới là thời kỳ hoàn tất. Nên có lần Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ trong dụ ngôn người gieo giống, khi các ông xin Chúa giải thích cho các ông hiểu dụ ngôn, Chúa nói: "Còn anh em, mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc, vì được nghe. Quả thế, Thầy bảo thật anh em, nhiều ngôn sứ và nhiều người công chính đã mong mỏi thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe.” (Mt 13, 16-17).
Hay trong thư gởi tín hữu do thái có viết: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử.” (Dt 1,1-2a).
Tất cả những điều đó cho thấy những ai ở thời đại Tân Ước, có phúc hơn thời Cựu Ước, vì được biết Chúa Giêsu, được Chúa Giêsu mạc khải cho những điều bí nhiệm, và hơn thế nữa là được Chúa Giêsu cứu chuộc bằng máu của Người.
Chính vì sống trong phước lành của Chúa như thế, chúng ta được mời gọi đáp lại tình thương của Chúa, cố gắng sống lời Chúa dạy, tin tưởng phó thác cuộc đời của mình cho Chúa, để chúng ta không chỉ cao trọng trên danh nghĩa, mà còn cao trọng trong Nước của Chúa. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Is 41,13-20: Ta là Đấng Thánh của Israel, Ta là Đấng Cứu Chuộc ngươi.
Tv 145,8: Chúa nhân ái và từ bi, chậm bất bình và giàu ân sủng.
Mt 11,11-15: Chưa từng có ai cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả.
Thật là vui khi nghe một thông điệp động viên mạnh mẽ và lặp đi lặp lại trong những ngày này. Đây là điều ta tin tưởng nếu ta tin cậy vào sự gần gũi của Chúa trong Con Ngài, Chúa Giêsu Kitô. Khi con người nghèo khó và đau khổ, Chúa ở gần với tư cách là Đấng Cứu Chuộc của họ, nghĩa là Đấng gắn bó bằng những mối liên kết chặt chẽ và là Đấng nhất định đến để giúp đỡ họ. Những người nghèo là những người tin tưởng vào Ngài. Ngài hứa với họ một thiên đường mới. Ngay cả người nhỏ nhất trong nước Ngài cũng lớn hơn người vĩ đại nhất và cuối cùng trong số các nhà tiên tri.
Tin Mừng nói về Gioan Tẩy Giả, vị Tiền hô của Đấng Cứu Thế, người đã đến để dọn đường cho Chúa. Ngài sẽ ở lại với chúng ta cho đến ngày thứ mười sáu khi phần đầu tiên của Mùa Vọng kết thúc. Gioan là một người kiên trì, rất ý thức về giá trị của sự vật và biết rằng khó khăn là cần thiết để cải thiện và nên thánh. Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu nói: “Từ thời ông Gioan cho đến giờ, nước trời phải dùng sức mạnh mà chiếm lấy, và những kẻ mạnh mẽ can đảm mới chiếm được”. Gioan là tiền thân thực sự của Chúa Giêsu, người đã thực hiện sứ mệnh cao trọng cho Chúa.
Thứ Sáu - Tuần II Mùa Vọng
Thánh Luca, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ
(Is 48,17-19; Mt 11,16-19)
Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay cho chúng ta thấy được lập trường của Chúa Giêsu trước thời đại lúc bấy giờ.
Chúa Giêsu cho biết thời đại lúc bấy giờ là những con người sống không có lập trường cố định, muốn người khác phải theo ý riêng của mình, Chúa nói: “Ta sẽ so sánh thế hệ này với ai? Họ giống như bọn trẻ ngồi nơi phố chợ gọi lũ trẻ khác mà rằng: “chúng tôi thổi sáo tại sao các bạn không nhảy múa, chúng tôi than vãn tại sao các bạn không khóc! Vì Gioan đến không ăn không uống thì họ nói: “Ông ta bị quỷ ám!”, Con Người đến cũng ăn cũng uống thì họ nói là người mê ăn uống, là bạn của quân thu thuế và những người tội lỗi”.
Đứng trước con người thời đại như thế, Chúa Giêsu không ngã theo bên nào cả, không chiều lòng bên nào cả, nhưng Chúa nói: “Sự khôn ngoan được biện minh bằng các công việc của mình”, nghĩa là sao? Nghĩa là Chúa Giêsu vẫn trung thành với sứ mạng Chúa Cha trao phó cho Ngài.
Nên lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy chân lý không bao giờ thuộc về số đông, chúng ta phải có lập trường rõ ràng như Chúa Giêsu. Nhưng chúng ta hãy nhớ đó phải là lập trường đúng, để rồi không thỏa hiệp dù là điều nhỏ nhất.
Có một câu chuyện kể như thế này:
Một hôm Satan ra lệnh cho một người kia phải thi hành một trong ba điều nó yêu cầu nếu không nó sẽ đoạt linh hồn người đó.
Ba điều đó là: một là giết cha, hai là hành hạ người em, ba là uống rượu.
Người đó ngẫm nghĩ: giết cha, đánh đập em là điều trái với đạo lý, anh không thể nào làm được. Còn uống rượu thì dễ quá, ai mà không làm được. Sau khi cân nhắc mọi hơn thiệt, người đó bèn đi mua rượu về uống.
Lúc đầu anh ta còn làm chủ được. Nhưng về sau, không còn làm chủ được mình nữa, anh đã say lúy túy và kết quả đã diễn ra đúng như quỉ Satan mong đợi. Anh ta đã giết cha, hành hạ người em, và còn làm nhiều điều tệ hại tội lỗi khác nữa.
Chúng ta thấy tội ác nó luôn luôn nằm sâu trong máu của chúng ta, nếu không dứt khoát mà dây dưa thì không sớm thì muộn sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường.
Xin Chúa cho mỗi người ý thức được điều đó, để trong mùa vọng này, cũng như trong suốt cuộc đời của mỗi người chúng ta luôn luôn giữ vững lập trường là đi theo Chúa, đi theo sự thiện đến cùng, chứ không có sự thỏa hiệp, nước đôi dù là nhỏ nhất, bởi vì những điều nhỏ đó, nó giống như một lỗ mọi, sẽ đục khoét con người chúng ta từ bên trong, đến khi phát hiện thì đã quá muộn màng, nói như thánh Phaolo thì chúng ta hãy cẩn thận: vì ai tưởng mình đứng vững, thì hãy coi chừng kẻo ngã. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Is 48,17-19: Chớ gì ngươi lưu ý đến giới răn của Ta.
Tv 1: Lạy Chúa, ai theo Chúa sẽ được ánh sáng ban sự sống (x. Ga 8,12).
Mt 11,16-19: Họ không nghe lời Gioan và lời Con Người.
Chúa Giêsu phàn nàn rằng có những người cư xử ấu trĩ khi Gioan Tẩy Giả rao giảng sự ăn năn để chuẩn bị đón Đấng Cứu Thế đến. “Họ không nghe lời Gioan và lời Con Người.” Họ giống như những cô gái không chịu nhảy khi sáo thổi những giai điệu vui tươi hay những cậu bé không chịu than khóc khi người ta khóc lóc. Chúa ở giữa chúng ta và yêu cầu sự cam kết để ta có thể dẫn dắt thế giới đến sự sống, công bằng và hạnh phúc.
Giáo hội nhắc nhở rằng mỗi khi Mùa Vọng đến, chúng ta phải trở nên như trẻ nhỏ để hiểu và đón nhận “Thiên Chúa Hài Nhi”. Ngài xuất hiện trước mặt ta với sự khiêm nhường trong bộ quần áo quấn bằng khăn của mình! “Dấu chỉ của Thiên Chúa là Hài Nhi: chúng ta học cách sống và thực hành với Ngài sự khiêm nhường từ bỏ thuộc về bản chất của tình yêu” (Bênêđíctô XVI). Chúng ta thể hiện một hình ảnh lố bịch trước mặt Chúa khi ta cố gắng che giấu bản thân bằng những lời đồn đại và những lời giải thích không trung thực. Vào buổi bình minh của loài người, Ađam đã đổ lỗi cho Eva; Eva đổ lỗi cho con rắn ..., sau bao thế kỷ trôi qua, con người vẫn như cũ. Niềm tin có giá trị gì nếu ta không thực hành?
Thứ Bảy - Tuần II Mùa Vọng
Thánh Gioan Thánh Giá, linh mục. Lễ nhớ
(Hc 48,1-4.9-11; Mt 17,10-13)
Tôma Lê Duy Khang
Tại sao trang tin mừng hôm nay, các môn đệ lại hỏi Chúa Giêsu: “Tại sao các luật sĩ lại nói Êlia phải đến trước đã?”, câu hỏi này của các môn đệ có nguồn gốc từ sách ngôn sứ Malakhi: “Này Ta sai ngôn sứ Êlia đến với các ngươi, trước khi ngày của Đức Chúa đến, ngày trọng đại và kinh hoàng. Nó sẽ đưa tâm hồn cha ông trở lại với con cháu và đưa tâm hồn con cháu trở lại với cha ông, kẻo khi Ta đến, Ta sẽ đánh phạt xứ sở đã bị án tru diệt.” (Ml 3,23-24).
Chúng ta biết bối cảnh của Tin Mừng hôm nay là nằm sau trang Tin Mừng nói về việc Chúa Giêsu biến hình trên núi. Sau khi biến hình trên núi, thì các môn đệ nhận ra Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế, mà trong cuộc biến hình, Êlia mới xuất hiện, và ông xuất hiện không được lâu, chỉ trong giây lát rồi biến mất.
Chính vì thế, mà các môn đệ không hiểu được, Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế đã đến, vậy tại sao Êlia không đến, nếu đến tại sao không ở lại lâu, để dọn đường, để đưa nhiều tâm hồn trở về với Chúa.
Chúa Giêsu trả lời như thế nào? Chúa nói đúng vậy, Êlia phải đến để chấn hưng mọi sự, và Êlia đã đến rồi, nhưng họ đã xử ông theo như ý của họ, nghĩa là Chúa Giêsu đang nói về Gioan Tẩy Giả, Gioan Tẩy Giả chính là Êlia mới.
Khi suy tư về điều đó, chúng ta thấy, chính Chúa Giêsu cũng bị hiểu lầm như thế để rồi những người cùng thời không nhận ra Chúa là Đấng Cứu Thế, vì tư tưởng sai lầm của con người thời đại của Ngài. Khi ông bà nguyên tổ sa ngã phạm tội, Thiên Chúa hứa ban Đấng cứu độ: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó." (St 3,15), và dân chúng vẫn trông ngóng ơn cứu độ mà Chúa sẽ hứa ban, thế nhưng do thời cuộc, do người do thái bị các đế quốc khác bóc lột, bắt đi lưu đày, thì từ niềm trông cậy Đấng Cứu Thế theo nghĩa thiêng liêng, nó bị biến dạng thành Đấng Cứu Thế theo nghĩa trần thế. Chính vì thế, mà họ không nhận ra Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế mà Thiên Chúa đã hứa, và các tiên tri tiên báo trước đó.
Không chỉ Chúa bị hiểu lầm để rồi người ta không nhận ra Chúa, mà chúng ta còn biết có nhiều người không muốn tìm Đấng Cứu Thế.
Trong trình thuật các nhà đạo sĩ đi tìm Chúa Giêsu là một bằng chứng cho chúng ta, khi các đạo sĩ tới hỏi vua Herode Vua Dân do thái được sinh ra hiện đang ở đâu, thì nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân lại, rồi hỏi cho biết Đấng Kitô phải sinh ra ở đâu. Họ trả lời: "Tại Bêlem, miền Giuđê, vì trong sách ngôn sứ, có chép rằng: "Phần ngươi, hỡi Bêlem, miền đất Giuđa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giuđa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ítraen dân Ta sẽ ra đời." Chúng ta thấy, các nhà đạo sĩ hỏi vị vua theo nghĩa chính trị, còn vua herode thì hỏi các thượng tế và kinh sư là Đấng Kito theo nghĩa tôn giáo, các kinh sư đã trả lời dựa vào sách ngôn sứ Mika 5,1-3, thế nhưng không có ai muốn đi tìm Chúa Giêsu cả, họ chỉ muốn tìm là tìm vua theo nghĩa chính trị để giết đi mà thôi. (x. Mt 2,1-6).
Hiểu được như thế, chúng ta cám ơn vì Chúa đã mạc khải cho chúng ta biết Ngài là ai. Nên mỗi người chúng ta được mời gọi phải thay đổi tư duy của mình để đón nhận Chúa là Đấng Cứu Thế, là người cha giàu lòng thương xót, chứ không phải đón nhận một ông thần tài theo kiểu ban tài lộc, hay một ông vua theo nghĩa chính trị, có như thế cuộc đời của chúng ta mới có được niềm vui và sự bình an đích thực. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Hc 48,1-4.9-11: Elia sẽ đến lần thứ hai.
Tv 80,4: Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, xin cho chúng con được phục hồi, xin tỏ thiên nhan hiền từ Chúa ra, hầu cho chúng con được ơn cứu sống.
Mt 17,10-13: Elia đã đến rồi, và họ không nhận biết ông.
Trong Cựu ước, tiên tri Elia là tiên tri của lửa, tính cách bốc lửa, nhiệt thành, khiến lửa giáng xuống kẻ thù của Thiên Chúa. Ông muốn chuẩn bị tâm hồn dân chúng để tin nhận Chúa.
Trong Tân Ước, Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng Elia đã đến, nhưng nhiều bậc thầy Do Thái đã bỏ sót ông. Những gì Chúa Giêsu nói ở đây nhắc nhở các môn đệ điều Ngài đã loan báo trước đó (trong Matthêu 11,14) rằng Gioan Tẩy Giả “là Elia sẽ đến”. Tiên tri của lửa, Elia mới, là Gioan Tiền Hô. Với lòng sốt sắng, ông muốn chuẩn bị tâm hồn dân chúng để đón nhận Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai cứu độ.
Hôm nay ai kêu gọi chúng ta hoán cải và mở rộng tâm hồn để làm cho Chúa Kitô sống động trong chúng ta? Thánh Thần của lửa muốn chúng ta làm với lòng nhiệt thành cao độ và yêu thích công việc của Đức Kitô để mang lại tình yêu, hòa bình và công lý của Thiên Chúa trong thế giới ngày nay. Nơi Gioan, người tiền hô, Chúa Thánh Thần hoàn tất công việc ‘dọn một dân sẵn sàng đón Chúa’ (Lc 1,17)”. Chúng ta có để cho Chúa Thánh Thần khơi dậy ngọn lửa trong lòng chúng ta để sẵn sàng đón Chúa ngự đến hay không?