CHÚA NHẬT I THƯỜNG NIÊN - C
(Is 40,1-5.9-11; Tt 2,11-14;3,4-7; Lc 3,15-16.21-22)
Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay kể câu chuyện Chúa Giêsu chịu phép rửa, và khi Chúa Giêsu chịu phép rửa thì tin mừng ghi lại đó là trời mở ra.
Việc các tầng trời mở ra cho chúng ta thấy điều gì?
Chúng ta biết khi ông bà nguyên tổ sa ngã phạm tội thì các tầng trời đóng lại, nhưng khi Chúa Giêsu chịu phép rửa thì các tầng trời mở ra.
Hay sau này khi Chúa Giêsu tắt thở, thì tin mừng ghi lại: “Bấy giờ đã gần tới giờ thứ sáu, thế mà bóng tối bao phủ khắp mặt đất, mãi đến giờ thứ chín. Mặt trời ngưng chiếu sáng. Bức màn trướng trong Đền Thờ bị xé ngay chính giữa.” (Lc 23,44-45), để nói cho chúng ta thấy nhờ Chúa Giêsu mà con người được đến gần Thiên Chúa, nhờ Chúa Giêsu mà con người được giao hòa với Thiên Chúa, nên Chúa Giêsu chính là trung gian duy nhất giữa con người với Thiên Chúa.
Chính Chúa Giêsu sau này ngài cũng đã nói điều này: “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em.” (Ga 15,16).
Rồi nếu để ý trong những lời cầu nguyện của Giáo Hội luôn kết thúc bằng câu: “Chúng con cầu xin nhớ Đức Kito Chúa chúng con”, để cho thấy Chúa Giêsu là Đấng trung gian duy nhất của Chúa Cha.
Và vì Chúa là Đấng trung gian duy nhất nên chúng ta được mời gọi đến với Chúa, để xin Chúa cầu bàu cho chúng ta, và chắc chắn Chúa sẽ ban ơn cho chúng ta.
Nếu mở rộng ra, đó là Chúa Giêsu là Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và con người, nhưng không phải chỉ là những con người thuộc về Chúa, mà còn cho những con người không thuộc về Chúa, nếu nhân danh Chúa mà cầu xin thì Chúa cũng sẽ nhậm lời.
Nghĩa là họ chưa được rửa tội, chưa công khai tuyên xưng đức tin của mình, nhưng cách nào đó họ cũng tin vào Chúa, trong lệnh truyền truyền giáo, Chúa Giêsu có nói với các môn đệ: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án. Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ." (Mc 15, 15-18).
Chúng ta hãy nhớ câu chuyện mà tin mừng mà thánh Luca thuật lại đó là: Ông Gio-an lên tiếng nói: "Thưa Thầy, chúng con thấy có người nhân danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không cùng với chúng con đi theo Thầy." Đức Giê-su bảo ông: "Đừng ngăn cản người ta. Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta!" (Lc 9, 49-50). Như vậy, họ phải tin mới có thể nhân danh Chúa mà trừ quỷ.
Hay khi học giáo lý về bí tích rửa tội, chúng ta biết, thừa tác viên thông thường của bí tích rửa tội đó là những người có chức thánh, phó tế, linh mục giám mục, còn trong trường hợp nguy tử thì mọi người đều rửa tội thành sự với công thức ba ngôi: “Tôi rửa anh (chị) nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”, với nước tự nhiên, mọi người ở đây là ngay cả người lương dân, ngay cả người rối đạo, nhưng chúng ta biết khi họ rửa tội như vậy, với công thức ba ngôi như vậy, với nước tự nhiên như vậy, nghĩa là khi họ làm điều hội thánh làm thì một cách nào đó, chỉ trong khoảnh khắc đó họ đã tin vào Chúa, thì bí tích đó thành sự, còn sau đó đời sống của họ như thế nào thì chúng ta không cần để ý, và chúng ta cần hiểu việc bí tích thành sự không liên quan đến hành vi luân lý của thừa tác viên.
Nói như vậy, không phải để chúng ta lạm dụng bí tích, nhưng để chúng ta hiểu rằng tất cả mọi sự con người làm mà có hiệu quả là do ơn của Chúa ban, chứ không phải tự sức con người có thể làm được.
Xin cho mỗi người chúng ta hiểu được như vậy, để biết chạy đến với Chúa Giêsu là trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người của chúng ta, để Chúa Giêsu cầu bàu cùng Chúa Cha cho mỗi người chúng ta. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Is 42,1-4.6-7: Này là tôi tớ Ta, Ta hài lòng về người. (Hoặc Is 40,1-5.9-11)
Tv 29,11: Chúa sẽ chúc phúc cho dân Người trong cảnh thái bình.
Cv 10,34-38: Chúa dùng Thánh Thần mà xức dầu tấn phong cho Người. (Hoặc Tt 2,11-14; 3,4-7)
Lc 3,15-16.21-22: Khi Chúa Giêsu đã chịu phép rửa và đang cầu nguyện thì trời mở ra.
Hôm nay mừng lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa. Ngày lễ này giúp kết nối mùa Giáng sinh và mùa Thường niên. Lễ này cũng giống như một lần hiển linh thứ ba khi Chúa Giêsu được hiển linh trước thế giới, sau hai lần “hiển linh” đầu tiên là Lễ Giáng sinh và chuyến viếng thăm của các đạo sĩ.
Sách Công vụ cho biết tình thương và lòng thương xót của Chúa dành cho tất cả mọi người. Phép rửa của Chúa Giêsu cũng được đề cập rằng Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong cho Người…bởi vì Thiên Chúa ở với Người.”
Trong Tin Mừng, Gioan Tẩy Giả mở đường khi nói rằng “Đấng cao trọng hơn tôi đang đến”. Lời của Gioan làm nổi bật sự đặc biệt của Chúa Giêsu. Gioan Tẩy Giả làm phép rửa cho Chúa Giêsu, sau khi Chúa Giêsu cầu nguyện, “thì trời mở ra và Thánh Thần Chúa ngự xuống trên Người dưới hình chim bồ câu,” và có tiếng phán: “Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha.” Lễ hôm nay nhắc nhở về Phép rửa của chúng ta, buộc ta phải làm mới lại những lời hứa mà cha mẹ và cha mẹ đỡ đầu đã hứa thay mặt ta, khi họ trình diện ta với Giáo Hội, để ta trở thành môn đệ của Chúa Giêsu.
Thứ Hai - Tuần I TN
Mc 1,14-20
Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta biết việc Chúa Giêsu kêu gọi 4 môn đệ đầu tiên.
Vì sao mà Chúa phải kêu gọi 4 môn đệ cũng như chọn các môn đệ khác nữa? dựa vào tin mừng hôm nay cho chúng ta biết được hai lý do.
Thứ nhất, chúng ta dựa vào lời rao rao giảng đầu tiên của Chúa Giêsu, lời rao giảng đầu tiên của Chúa Giêsu là gì? Thưa đó là: “Thời kỳ đã mãn và Nước Thiên Chúa đã đến gần, anh em hãy sám hối và Tin vào Tin Mừng”. Nước Trời đã gần đến vậy Nước Trời đã đến chưa, thưa chưa đến, chỉ gần đến thôi, nghĩa là còn thời gian, chính vì thế mà Chúa muốn chọn các môn đệ để các ông trở thành những người kế thừa của Chúa trên công cuộc loan báo Tin Mừng Nước Trời đã gần đến.
Chúng ta hãy nhớ lại trong Tin Mừng theo thánh Luca, khi Chúa chọn thêm 72 môn đệ thì Chúa đã nói gì? Chúa nói: “Lúa chín đầy đồng, mà thiếu thợ gặt, vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt, sai thợ ra gặt lúa về”, câu nói này của Chúa Giêsu cho chúng ta thấy được thao thức của Chúa Giêsu. Và đó là thao thức của Giáo hội. Chúa Giêsu xem những người chưa biết Chúa như những bông lúa mà Thiên Chúa Cha đã gieo trồng. Nếu cứ để bông lúa trơ trọi ngoài đồng thì sẽ bị chim chuột ăn mất hoặc chẳng có công dụng gì. Ma quỷ cứ đợi chờ Thiên Chúa gieo sẵn để nó gặt. Vì vậy, nếu không có người môn đệ của Chúa được đào luyện, không có thợ gặt lành nghề, thì sẽ không có ai đi gặt lúa về, chính vì thế mà Chúa phại chọn các môn đệ, để kế thừa sứ vụ của Chúa, vì Nước Trời đã gần đến.
Thứ hai, đó là sau khi Gioan tẩy giả bị bắt Chúa Giêsu sang xứ Galile, rao giảng tin mừng Nước Thiên Chúa, bấy giờ Chúa Giêsu mới chọn 4 môn đệ đầu tiên. Chúng ta để ý, trừ tin mừng Macco và Mattheu, còn trong tin mừng Luca và Gioan khi Chúa Giêsu chọn các môn đệ đầu tiên, không có đề cập đến chi tiết khi Gioan bị bắt rồi mới lánh sang Galile, chi tiết đó cho chúng ta thấy được điều gì? thưa cho chúng ta thấy được đó là ý muốn của Thiên Chúa.
Trong sách công vụ tông đồ, sau cái chết của Stephano ngoài các tông đồ ở lại Giêrusalem, còn những người khác tản mác khắp nơi về các vùng quê Giudea và Samaria (x. Cv 8,1), nghĩa là lúc trước họ chỉ co cụm lại ở Giêrusalem và lệnh truyên truyền giáo: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo tin mừng cho mọi loại thụ tạo” của Chúa Giêsu không thực hiện được, nhờ cuộc bách hại đạo dữ dội như thế, mà tin mừng được lan rộng ra nhiều nơi, nên nếu nhìn với cái nhìn đức tin, thì đó là sự soi sáng hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, đó là thánh ý của Thiên Chúa.
Hiểu được như vậy, chúng ta thấy được hai lý do Chúa Giêsu chọn các môn đệ đầu tiên vì đó là việc làm cần thiết để loan báo tin mừng Nước Trời, lý do thứ hai vì đó là thánh ý của Thiên Chúa muốn như vậy.
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta ý thức được điều đó, ý thức mình là những môn đệ của Chúa Giêsu để cộng tác với Chúa vào việc loan báo tin mừng Nước Trời, và chúng ta được mời gọi, trong những biến cố, những khó khăn thử thách của cuộc đời không được bi quan thất vọng, nhưng phải nhìn ra được qua biến cố đó, Chúa muốn tôi làm gì, như Chúa Giêsu để thực thi thánh ý Thiên Chúa trong cuộc đời của mình. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Dt 1,1-6: Chúa đã phán dạy chúng ta qua Người Con.
Tv 97,7: Bao nhiêu chúa tể hãy cúc cung bái lạy Người.
Mc 1,14-20: Anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng.
Hôm nay là ngày đầu tiên của mùa thường niên C. Với Chúa Kitô, ta bước vào thế giới mỗi ngày. Chúa Giêsu kêu gọi một số người đồng hành với Ngài chặt chẽ hơn. Do đó, họ trở thành môn đệ và thậm chí là tông đồ của Ngài. Tương tự, Thiên Chúa kêu gọi mỗi người chúng ta trở nên như vậy, hay ít nhất là bạn đồng hành của Ngài. Hy vọng rằng, ta có thể học hỏi từ Ngài với tư cách là môn đệ.
Và giống như các môn sinh, ta phải đi theo Chúa Giêsu và để Ngài rèn ta thành những người “chài lưới người.” Chúa Thánh Thần sẽ đổi mới ta. Ta vẫn như hiện tại, nhưng ta sẽ trở thành những anh chị em thực sự, chăm sóc lẫn nhau bằng tình yêu thương của Đức Kitô dành cho chúng ta. ĐTC Phanxicô nói rằng một nền văn hóa quan tâm sẽ xây dựng hòa bình trên trái đất. Tình yêu của Thiên Chúa là điều mà ta chia sẻ với nhau.
Ta trở nên mới mẻ trong Đức Kitô qua mỗi ngày sống. Ta sống một cuộc sống mới với tình yêu thẳm sâu của Đức Kitô ban cho. Ta không phải là những bình sành vô dụng mà là những chiếc bình mang vinh quang của Chúa Kitô. Chúa đồng hành cùng ta trong các thói quen hàng ngày và những người ta gặp; ta hãy cầu nguyện để có thể trung thành đồng hành với Đức Kitô.
Thứ Ba - Tuần I TN
Mc 1,21-28
Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy sau khi Chúa Giêsu giảng dạy thì dân chúng kinh ngạc về giáo lý của Chúa Giêsu, vì người giảng dạy như Đấng có uy quyền không như các kinh sư.
Rồi sau đó Chúa Giêsu lại trừ quỷ nữa, tiếp tục dân chúng lại nức nở khen Chúa Giêsu. Tin mừng thuật lại: “Mọi người đều kinh ngạc đến nỗi họ bàn tán với nhau: "Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh! " Lập tức danh tiếng Người đồn ra mọi nơi, khắp cả vùng lân cận miền Ga-li-lê.”
Điều này cho thấy được điều gì? Thưa cho chúng ta thấy được những việc Chúa Giêsu nói, những điều Chúa Giêsu làm đều là uy quyền, đều là khả năng của Chúa, tự nơi Chúa mà có, Chúa làm vì Chúa thấy mình cần làm điều đó, chứ không phải Chúa làm để được người ta khen ngợi, hay làm vì lời khen tiếng chê của người khác.
Thực tế, cuộc sống chúng ta thấy một điều này, con người của chúng ta dễ say mê trên chiến thắng khi người ta khen chúng ta, khi người ta biết đó là điểm yếu chung của mọi người, và người ta đánh vào điểm yếu đó, để rồi nhiều khi chúng ta đánh mất chính mình lúc nào mà mình không biết, ngay cả việc tốt lẫn việc xấu, đó là một thực tế.
Rồi người ta chê chúng ta, cũng làm cho chúng ta nản lòng, nghĩa là khi đó chúng ta đang sống theo cảm xúc của người khác chứ mình không phải là mình nữa.
Bên phật giáo có một nhà sư pháp danh là Thích Minh Niệm nói như thế này: cuốn sách Hiểu Về Trái Tim của tôi trở thành cuốn sách bán chạy nhất nước nhiều năm, và tôi đã hiến tặng toàn bộ số tiền thu được từ cuốn sách đó cho quỹ mổ tim hiểu về trái tim, cho tới bây giờ cuốn sách đó vẫn làm sứ mệnh đó.
Và ngài nói thêm: Nếu có vị nào hỏi sư Minh Niệm là thầy hiến tặng số tiền đó là vì ai, thì tôi cũng dám thẳng thắng để mà trả lời với quý vị là đối tượng tiếp nhận tức là các em cần được mổ tim.
Mà nếu quý vị hỏi kỹ một chút nữa đó là có vì thầy một chút xíu nào đó không, câu trả lời là có, vì mình cần được làm như vậy, mình có nhu cầu được làm như vậy, mình muốn có một thứ gì đó quý giá thật sự để hiến tặng để mình được thỏa mãn cái việc mình được hiến tặng, tôi đã được thỏa mãn khi có đối tượng tiếp nhận. Mà nếu tôi trả lời là tôi không có nhận được cái gì từ chuyện này cả và tôi không có một dụng ý nào vì tôi cả là không đúng.
Xin cho mỗi người chúng ta cũng có cái nhìn như thế, để nếu có làm việc gì tốt lành, nếu có vì mình, thì hãy ý thức vì mình cần làm như vậy, mình có nhu cầu làm như vậy, vì mình muốn có một thứ gì quý giá gởi lại cho đời, nghĩa là vì mình muốn hướng tới người khác, chứ đừng có làm vì mình làm vì tiếng chê khen của người khác, thì không có giá trị trước mặt Chúa, và còn đánh mất chính mình. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Dt 2,5-12: Đấng ban ơn cứu độ phải chịu khổ nạn để nên hoàn hảo.
Tv 8,7: Chúa ban cho Con Chúa quyền hành trên công cuộc tay Ngài sáng tạo.
Mc 1,21-28: Ngài giảng dạy người ta như Đấng có uy quyền.
Thánh Máccô cho biết Chúa Giêsu giảng dạy người ta như Đấng có uy quyền. Những người nghe Ngài không phải ngưỡng mộ giáo lý mà là chính Ngài. Không phải điều được nói, mà là Đấng nói điều đó. Ngài có quyền năng mạnh mẽ và không ai biết từ đâu Ngài có được. Điểm đặc biệt này xác nhận lại bằng một so sánh trung thực: “Ngài không dạy như các Luật sĩ.”
Cảnh người đàn ông bị ma quỷ ám đã phải la hét và van nài Chúa Giêsu tha cho nói lên quyền năng nơi chính Ngài. Mọi người thắc mắc: Cái chi vậy? Đây là một giáo lý mới ư? Chúa Giêsu truyền cho thần ô uế phải im miệng và xuất ra khỏi nạn nhân của nó. Đó là điều chưa từng nghe thấy. Điều mà Thánh Máccô lưu ý là uy quyền của Ngài thậm chí còn ra lệnh cho các ma quỷ, và chúng tuân theo Ngài!
Chúng ta là những Kitô hữu. Ta bước theo Đức Kitô, Đấng có uy quyền và sự mới mẻ trong lời dạy và đem lại bình an. Ta hãy áp dụng những lời dạy của Ngài trong cuộc sống nhờ sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần một cách cụ thể. Ngoài ra, một lời cầu nguyện ngắn xin Ngài hiện thực ước muốn của ta: lạy Chúa Giêsu là nguồn của sự sống, sự thật, và sức mạnh, xin giúp chúng con luôn sống trung tín với Ngài!
Thứ Tư - Tuần I TN
Mc 1,29-39
Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy một ngày làm việc của Chúa Giêsu chữa bệnh, trừ quỷ, nghĩ ngơi, cầu nguyện, rao giảng, chữa bệnh, trừ quỷ, nghỉ ngơi, cầu nguyện rao giảng, cứ lặp đi lặp lại như vậy, sau này Chúa Giêsu cũng dạy các môn đệ như thế khi sai các môn đệ đi rao giảng và kèm theo sứ vụ là chữa bệnh và trừ quỷ, khi các môn đệ trở về thì Chúa Giêsu kêu gọi các ông hãy đi tìm nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút, rồi người dạy các môn đệ phải cầu nguyện.
Chúng ta thấy một ngày làm việc của Chúa rất có khoa học, chính vì thế mà đạt được hiệu quả, hiệu quả ở đây có nghĩa là Chúa Giêsu có thể làm việc liên tục, hiệu quả ở đây là Chúa Giêsu không đánh mất chính mình, hiệu quả ở đây là Chúa Giêsu không để cho việc này chi phối việc kia, nói theo kiểu người tu đó là giờ nào việc đó, việc nào chỗ đó.
Đó là cách làm việc có khoa học của Chúa Giêsu, trong đời sống đức tin cũng như trong đời sống thường ngày chúng ta cũng được mời gọi làm việc có khoa học để công việc của chúng ta không chỉ đạt được hiệu quả cao, mà còn mang tính bền bỉ nữa.
Mà để có thể làm việc có khoa học không phải là một ngày một bữa, nhưng đó là một quá trình kiên nhẫn tập luyện, và có thể nói nó cũng tương tự như tập luyện nhân đức.
Nhân đức là một thói quen tốt lành được lập đi lập lại nhiều lần, thì làm việc có khoa học cũng vậy phải tập luyện nhiều lần trong cuộc đời để trở thành thói quen.
Làm việc có khoa học là chúng ta đưa ra một hướng đi chung rồi từ đó chúng ta thêm vào cho nó đầy đủ hơn, để nó tiến xa hơn.
Chẳng hạn sáng dậy là làm dấu thánh giá dâng ngày cho Chúa, nếu được thì sau đó đi lễ đọc kinh cầu nguyện rước lễ, rồi làm công việc bổn phận trong ngày, tối đến trước khi đi ngủ thì đọc kinh, lần chuỗi, xét mình dâng đêm hôm đó cho Chúa.
Rồi đi lễ thì tập đi sớm đến với Chúa để đọc kinh cầu nguyện riêng với Chúa, đi lễ thì tập đóng thùng, ăn mặc chỉnh chu đàng hoàng tử tế, tập thưa đáp với cộng đoàn.
Tập đi xưng tội hàng tháng, hoặc tối đa là 3 tháng phải đi xưng tội một lần.
Ở nhà trước khi ăn cơm tập làm dấu thánh giá để cám ơn Chúa vì của ăn mà Chúa ban cho chúng ta hưởng dùng.
Khi chạy xe hay đi đâu thì đọc kinh xin Chúa gìn giữ, xin thiên thần bổn mạng gìn giữ ta đi đến nơi về đến chốn…
Còn nhiều cách thế nữa mà chúng ta phải tập trong đời sống đức tin cũng như đời sống thương ngày của chúng ta, để nó thành một nếp sống có khoa học trong cuộc đời của mình, và mình giữ như vậy suốt cuộc đời của mình, khi thấy mình đi hơi sai, đi hơi lệch với con đường khoa học đó, thì chúng ta phải biết điều chỉnh lại.
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết noi gương Chúa, biết làm việc có khoa học trong đời sống đức tin, cũng như trong đời sống thường ngày của chúng ta. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Dt 2,14-18: Người phải nên giống anh em mình mọi đàng.
Tv 105,8: Tới muôn đời Chúa vẫn nhớ lời minh ước.
Mc 1,29-39: Ngài chữa nhiều người đau ốm những chứng bệnh khác nhau.
Chúa Giêsu chia giờ làm việc theo trình tự ưu tiên. Ngài cầu nguyện và làm việc. Chiêm niệm và Hoạt động. Chuyện vãn với Chúa Cha khi ở giữa bao người. Ngài chữa khỏi bệnh cho mẹ vợ của Phêrô và nhiều người khác. Ngài an ủi những người buồn bã, xua đuổi ma quỷ và giảng dạy. Người ta mang đến cho Ngài những người ốm yếu và những người bị quỷ ám. Và họ đều muốn nghe những lời của Ngài. Các môn đệ của Ngài cho biết: “Mọi người đang tìm kiếm Thầy.” Ngài hoạt động mệt mỏi nhưng đồng thời Ngài cũng phải tìm kiếm một nơi vắng vẻ để có thể cầu nguyện. Ngài biết cách phân phối thời gian để những ngày làm việc có sự cân bằng hợp lý giữa công việc và cầu nguyện.
Ta quá bận rộn với công việc. Ta làm rất nhiều nhưng thường quên mất một việc cần thiết: cầu nguyện. Ta phải thiết lập sự cân bằng để có thể thực hiện điều trước mà không bỏ qua điều sau. Có lẽ ta nên tổ chức bản thân tốt hơn một chút. Chúa Giêsu thực hiện nếp sống kỷ luật của mình. Chúng ta làm theo Ngài và kỷ luật bản thân bằng cách thánh hóa thời gian của bản thân. Điều quan trọng và điều cần thiết nên được thực hiện theo mức độ ưu tiên của nó và dành thời gian để cảm ơn và lãnh nhận sự chỉ bảo của Chúa.
Thứ Năm - Tuần I TN
Mc 1, 40-45
Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm qua chúng ta chia sẻ với nhau về cách làm việc có khoa học của Chúa Giêsu.
Tin mừng hôm nay, là trình thuật Chúa Giêsu chữa lành người mắc bệnh phong cùi, trình thuật này cũng cho chúng ta thấy được rằng Chúa Giêsu cũng rất là khoa học, theo nghĩa là Chúa Giêsu cũng rất hiểu biết về khoa học, hiểu theo nghĩa là khoa học của y học.
Chúng ta biết đâu phải lúc nào đụng chạm đến người mắc bệnh phong cùi là sẽ lây bệnh phong cùi, mà nó còn tùy thuộc vào điều kiện môi trường, điều kiện sức khỏe, điều kiện vệ sinh nữa, Chúa Giêsu hiểu được điều đó.
Nhưng có một điều mà chúng ta cần học nơi Chúa Giêsu đó là không phải Chúa Giêsu chỉ làm việc theo kiểu khoa học vì đó là khoa học đúng nghĩa, khoa học của thời khóa biểu, khoa học của y học, đụng chạm vào không bị lây bệnh mới dám đụng chạm, không phải chỉ có thể, nếu như thế, thì Chúa sẽ không xuống thế làm người, để gánh lấy tội lỗi của con người mặc dầu Chúa vô tội.
Nên chúng ta cần hiểu theo nghĩa cao hơn đó là việc Chúa Giêsu làm việc cách khoa học, thì đó chính là khoa học của tình thương, chính vì tình thương đó mà Chúa đã đụng chạm đến những con người tội lỗi, chính vì tình thương khoa học đó mà Chúa dùng bữa, mà Chúa đến cứu chữa, tìm kiếm những con người tội lỗi, để không một ai phải hư mất, chính vì khoa học tình thương đó mà Chúa làm được những điều mà con người không thể tưởng tượng nổi.
Nên mỗi người chúng ta là con cái của Chúa, chúng ta được mời gọi noi gương Chúa Giêsu cũng biết làm việc khoa học, không phải chỉ là khoa học của những kiến thức khoa học thuần túy, mà còn là khoa học của tình thương, có như thế chúng ta mới làm được những việc lớn lao mà không ai có thể làm được, có như thế chúng ta mới có thể làm lan tỏa cách làm việc có khoa học của tình thương mà Chúa dạy mỗi người chúng ta.
Có một câu chuyện kể về một người phụ nữ mù bắt taxi tới một tòa nhà nọ. Lúc đến nơi, đồng hồ taxi hiển thị số tiền là 100 ngàn đồng.
Tài xế taxi dẫn cô vào chỗ an toàn rồi nói với cô rằng: “Tôi không thu tiền của cô, bởi vì so với cô thì việc kiếm tiền của tôi chắc dễ dàng hơn”.
Cũng vào lúc đó, từ trong khu cư xá, một người đàn ông có dáng vẻ lịch thiệp tiến lại rồi bước lên chính chiếc xe taxi đó rồi đi.
Trên đường đi, hai người đàn ông vui vẻ chuyện trò cùng nhau. Khi tới nơi xuống xe, đồng hồ báo cũng hiển thị số tiền là 100 ngàn đồng nhưng người đàn ông này đã lấy ra số tiền 200 ngàn và nói với người lái taxi rằng: “Tiền này bao gồm cả số tiền của người phụ nữ lúc nãy. Tôi cũng không phải là vĩ đại gì, nhưng chắc là việc kiếm tiền của tôi cũng dễ dàng hơn cậu một chút, hy vọng cậu có thể tiếp tục làm việc tốt!”
Cảm thấy bản thân mình may mắn hơn so với hoàn cảnh của người phụ nữ mù, anh tài xế từ chối nhận tiền, mặc dù đồng lương mà anh kiếm được mỗi tháng không nhiều. Cuối cùng, anh được một ông chủ giàu có trả lại số tiền đó, bởi người đàn ông ấy muốn nhắn nhủ rằng: “Làm việc tốt không cần báo đáp, chỉ cần bạn hứa với tôi rằng nếu gặp người khác khó khăn hãy hết lòng giúp đỡ họ”.
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết làm việc có khoa học của tình thương, để những việc làm của chúng ta đạt được hiệu quả như lòng Chúa mong ước, cũng như làm lan tỏa tình thương đó cho mọi người. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Dt 3,7-14: Chúng ta hãy khuyên bảo nhau cho đến bao lâu còn nói được là Hôm Nay.
Tv 95,8: Ước chi hôm nay các ngươi nghe tiếng Ta: các ngươi đừng cứng lòng.
Mc 1,40-45: Bệnh cùi biến mất và người ấy được sạch.
Thư gửi tín hữu Do thái dạy rằng: “Ước chi hôm nay các ngươi nghe tiếng Ta: các ngươi đừng cứng lòng.” Tiếp đến là lời dạy rất chân tình: “Chúng ta hãy khuyên bảo nhau cho đến bao lâu còn nói được là ‘Hôm Nay’, để không ai trong anh em bị tội lỗi mê hoặc trở nên chai đá.” Lắng nghe và nhạy cảm với Lời Chúa là một ơn ban. Tin Mừng miêu tả hoàn cảnh của người phung hủi rất đáng thương. Anh phải tránh xa mọi người vì căn bệnh ghê gớm nơi thân xác. Anh hy vọng rằng Chúa Giêsu có thể thay đổi cuộc đời anh. Anh cần tình thương và sự chỉ bảo của Chúa.
Người phung hủi cho phép mình hy vọng nơi Đấng là nguồn hy vọng. Không có thuốc chữa, nhưng Chúa Giêsu đã làm cho anh sạch trơn. Bệnh nhân bây giờ có thể trở lại với cộng đồng. Người phong cùi đã làm theo ý Chúa và được lành sạch và tự do. Người người tìm đến Chúa với những nhu cầu rất cá nhân, nhưng quan trọng là lòng chân thành, tin tưởng, vâng lời. Chúa không bỏ rơi bất cứ ai tìm đến lắng nghe Ngài. ‘Hôm nay’ là thời điểm thích hợp để loại bỏ những gì làm ta xa cách Chúa và mọi người. Vì vậy, ta nên lắng nghe và để Chúa chỉ dạy, đồng thời khuyên bảo nhau với tâm tình yêu thương.
Thứ Sáu - Tuần I TN
Mc 2,1-12
Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy việc Chúa Giêsu chữa lành cho một người bất toại do bốn người khiêng.
Ở đây chúng ta thấy một điều đó là những người khiêng người bất toại đến với Chúa Giêsu đã làm điều khác thường ngoài sức tưởng tượng của những người khác.
Chúng ta biết khi họ khiêng bệnh nhân đến, trong khi đó dân chúng quá đông, nên họ không có cách nào đưa bệnh nhân đến được với Chúa Giêsu, thế là họ đã có sáng kiến, là leo lên mái nhà, dỡ mái nhà chỗ Chúa Giêsu ngồi một lỗ to, rồi thòng chiếc võng với người bất toại xuống. Thấy lòng tin của họ như vậy, Chúa Giêsu chữa lành người bất toại.
Chúng ta thấy một việc làm khác thường nhưng mang lại hiệu quả, nhưng tại sao lại có thể làm ra được việc khác thường mà khó có ai nghĩ ra như vậy? thưa như chúng ta đã chia sẻ với nhau ngày hôm trước, tuy rằng việc làm của họ là việc làm khác thường với cách nghĩ của người khác, nhưng họ lại làm việc hết sức khoa học, đó là chính là khoa học của tình thương, chính tình thương đã làm cho con người nảy sinh ra những sáng kiến có thể nói là khác thường, những sáng kiến xem ra không có khoa học, nhưng khác thường đối với chúng ta, khác thường đối với suy nghĩ của chúng ta, bởi thật ra sáng kiến đó đối với người nghĩ ra sáng kiến đó, cũng như thực hiện sáng kiến đó, thì đó là sáng kiến có khoa học, một sáng kiến xuất phát từ tình thương thật sự, một khoa học của tình thương mà Chúa Giêsu muốn dạy mỗi người chúng ta và muốn chúng ta thực hiện trong cuộc đời của mình, nhờ đó mà đạt được kết quả ngoài sức mong đợi của con người.
Có một câu chuyện vui mang tên Lý Do Học Trường Đạo Có Kết Quả được kể như thế này:
Một bà ngoại giáo có đứa con nghịch phá, không chịu học, điểm thi đứng hạng chót. Ngày nào cũng có thư than phiền của cô giáo gởi về nhà. Nghe nói trường Công Giáo dạy rất tốt, bà liền mang con tới xin học. Bà rất ngạc nhiên sau khi con học trường đạo thì điểm học rất cao và được bằng khen. Bà liền tới gặp cha xứ hỏi:
- Thưa cha, làm sao đứa con trời đánh của con lại thay đổi tốt như thế?
Cha xứ trả lời:
- Có gì đâu, tôi chỉ vào tượng Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên thánh giá và nói với nó: "Mày mà không học thì sẽ bị kỷ luật giống như vậy đó".
Bà mẹ nhìn thánh giá la to: "Giêsu! Cám ơn Chúa nhé".
Đây chỉ là câu chuyện vui nhưng nói muốn nói với mỗi người chúng ta, nếu có lòng yêu mến con cái của chúng ta, biết lo cho tương lai của con cái chúng ta, thì chắc chắn chúng ta sẽ nghĩ ra được những phương cách, những phương thế để giúp cho con cái của mình được giáo dục tốt nhất không những về đời sống tri thức, mà còn về đời sống thiêng liêng. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Dt 4,1-5.11: Chúng ta hãy mau mắn tiến vào nơi an nghỉ đó.
Tv 78,7: Chúng tôi sẽ không quên lãng những kỳ công của Chúa.
Mc 2,1-12: Con Người có quyền tha tội dưới đất.
Danh tiếng của Chúa Giêsu như một thầy thuốc giỏi thu hút nhiều người. Người ta đưa bệnh nhân đến với hy vọng Ngài chữa cho khỏe mạnh. Họ đã vượt qua đám đông ngăn lối bằng cách dỡ mái nhà và thả người xuống để đến gần Chúa Giêsu. Người bại liệt đã nhận được sự giúp đỡ, và anh ta được tha thứ và chữa lành bởi Chúa Giêsu. Các thầy luật sĩ đã đến để nghe Chúa Giêsu dạy. Họ đã đến để tìm hiểu và thấy mình đang phải giằng co để dung hòa những gì họ đang chứng kiến với sự hiểu biết từ trước của họ về luật pháp, sự công bình và Chúa. Vì Chúa Giêsu giảng dạy đầy thần khí và chữa lành cách nhiệm mầu.
Tin Mừng hôm nay cho thấy thực tế của cuộc sống và cách hành xử thích hợp. Có lẽ, ta có tất cả các đặc điểm của một người tình nguyện, một người bại liệt với một tâm hồn tổn thương, và những luật sĩ. Vì vậy, là một người đưa người khác đến gặp Chúa, ta nên sẵn lòng yêu thương những người xung quanh bằng cách giúp đỡ những người đang gặp khó khăn. Là bệnh nhân, ta nên chấp nhận sự giúp đỡ. Là người biết luật, ta phải nhận thức được khuynh hướng sai lầm. Cuối cùng, ta phải sẵn sàng yêu thương và tha thứ như Chúa Giêsu đã làm. Và đừng bao giờ “quên lãng những kỳ công của Chúa.”
Thứ Bảy - Tuần I TN
Mc 2,13-17
Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy Chúa Giêsu kêu gọi ông Lêvi con ông Alphe đi theo Chúa.
Không chỉ dừng lại ở đó, mà sau đó Chúa Giêsu còn dùng bữa với những người thu thuế và những người tội lỗi.
Khi thấy như vậy thì những luật sĩ và biệt phái nói với các môn đệ Chúa Giêsu: “Tại sao thầy các ông lại ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi?”. Nghe vậy, Chúa Giêsu nói: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi."
Chúng ta thấy việc những luật sĩ và biệt phái phản ứng với Chúa Giêsu có gì là lạ thường không? Thưa không có gì là lạ thường cả, mà đó là điều bình thường đối với họ, còn việc Chúa Giêsu làm đó là việc khác thường đối với họ nên họ phản ứng đối với Chúa Giêsu.
Nên trong cuộc sống của chúng ta khi chúng ta làm một điều gì đó tốt lành, mà việc tốt lành đó xem ra là khác thường, mà người ta phản ứng với chúng ta, thì hãy xem đó là điều bình thường thôi, chúng ta được mời gọi đừng phản ứng mạnh mẽ, hay chạy theo phản ứng của người khác, để rồi đánh mất chính mình, mà phải nhẹ nhàng giải thích cho người khác hiểu để họ cảm thông đối với việc làm của chúng ta, để có thể họ cộng tác với chúng ta vào công việc tốt lành đó.
Trong kinh thánh có câu chuyện của thánh Phêrô bị thánh Phaolo chỉ trích, câu chuyện này được thánh Phaolo kể lại trong thư gởi tín hữu Galat, tại sao Phaolo lại chỉ trích Phêrô? Thưa vì Phêrô đã làm điều đáng trách. Vậy Phêrô đã làm điều gì đáng trách?
Thưa thánh Phaolo nói Phêrô thường dùng bữa với những người gốc dân ngoại trước khi có những người của ông Giacôbê đến; nhưng khi những người này đến, ông lại tránh né và tự tách ra, vì sợ những người được cắt bì. Những người Do thái khác cũng theo ông mà giả hình giả bộ, khiến cả ông Banaba cũng bị lôi cuốn mà giả hình như họ.
Thấy sự việc xảy ra như vậy Phaolo đã nói với ông Kêpha trước mặt mọi người: "Nếu ông là người Do-thái mà còn sống như người dân ngoại, chứ không như người Do thái, thì làm sao ông lại ép người dân ngoại phải xử sự như người Do thái?" (x.Gl 2, 11-14).
Hiểu được như vậy, chúng ta thấy đôi lúc trong cuộc đời chúng ta cũng sẽ bị rơi vào những trường hợp tương tự như thánh Phêrô hoặc tương tự như thánh Phaolo, chúng ta được mời gọi đừng vội chỉ trích như Phaolo mà hãy nhẹ nhàng góp ý trong tình huynh đệ, rồi chúng ta được mời gọi đừng vội sống giả hình theo cảm xúc của người khác như thánh Phêrô sợ người kito hữu gốc do thái thấy mình dùng bữa với những người kito hữu gốc dân ngoại chưa cắt bì, mà hãy tìm cách giải thích cho người khác hiểu những việc mình làm, để họ cảm thông chia sẻ với mình, để rồi có sự đồng cảm với người khác. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Dt 4,12-16: Chúng ta hãy giữ vững việc tuyên xưng đức tin của chúng ta.
Tv 19: Lạy Chúa, lời Chúa là thần trí và là sự sống (Ga 6,64b).
Mc 2,13-17: Ta không đến để kêu gọi những người công chính, mà kêu gọi những người tội lỗi.
Thánh Máccô cho biết Chúa Giêsu đã giảng dạy và đám đông đến với Ngài như thế nào. Trong khi rao giảng, Chúa Giêsu nhìn thấy Lêvi, con của Alphê, đang ngồi ở bàn thu thuế, và nói với ông: “Hãy theo Ta,” và Lêvi bỏ mọi sự mà theo Ngài. “Hãy theo Ta.” Lời nói của một thầy giảng vô danh lướt qua cũng đủ khiến người đàn ông này phản ứng rất tích cực và tức thời. Thánh Gioan kinh nghiệm rằng “Lời Chúa, là Thần khí và là sự sống.”
Lời của Chúa Giêsu thu hút mọi người. Hơn nữa, việc làm của Ngài thể hiện sự lịch thiệp. Chúa Giêsu chấp nhận bữa tiệc mà Matthêu đã mời Ngài và các môn đệ tại nhà, cùng với những người thu thuế và tội lỗi khác. Những người Pharisêu muốn cho các môn đệ của Ngài biết Thầy của họ đang đồng bàn với những người tội lỗi. Chúa nghe họ, và Ngài trả lời: “Ta không đến để kêu gọi những người công chính, mà kêu gọi những người tội lỗi” (Mc 2,17). Tất cả chúng ta đều là tội nhân và như thánh Phaolô đã nói, “mọi người đã phạm tội và bị tước mất vinh quang Thiên Chúa” (Rm 3,23). Nhân loại đang cần Ngài chữa lành những căn bệnh tâm hồn hơn bao giờ hết. “Chúng ta hãy giữ vững việc tuyên xưng đức tin của chúng ta.”