Chúa Nhật I Mùa Vọng
Gr 33,14-16; 1Tx 3,12-4,2; Lc 21,25-28.34-36
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Gr 33,14-16: Ta sẽ làm nảy sinh cho Đavít một chồi công chính.
Tv 25,1: Lạy Chúa, con vươn linh hồn lên tới Chúa.
1 Tx 3,12-4,2: Xin Chúa làm cho lòng anh em nên dũng cảm khi Chúa Kitô đến.
Lc 21,25-28.34-36: Giờ cứu rỗi các con đã gần đến.
Bắt đầu một năm phụng vụ mới, Giáo hội kêu gọi chúng ta canh tân lòng sốt sắng với cái nhìn hướng về sự thánh thiện. Mùa vọng nhắc nhở về sự cần thiết phải luôn luôn sẵn sàng, không ngừng yêu mến Chúa của chúng ta. Thái độ cảnh giác này không thể diễn ra từng lúc mà phải trở thành một cách sống lâu dài. Đây là lý do tại sao Chúa nói: “Hãy luôn tỉnh thức và cầu nguyện” mọi nơi mọi lúc! Đây là thước đo tình yêu thích hợp. Vì vậy, tiến trình huấn luyện đạo đức và tâm linh của ta phải đều đặn. Giá như ta có thể sống mỗi ngày trong đời với tâm thế “lần đầu tiên” mới; Giá như, mỗi sáng ta sẽ nói: Hôm nay, tôi được sinh ra một lần nữa. Để vui vẻ kiên trì, người ta phải “khởi động lại từ đầu” để đổi mới bản thân.
Trong Mùa Vọng, Giáo hội cho ta một cơ sở đáng yêu để chuẩn bị vui tươi: không nghi ngờ. Vì Chúa luôn hiện diện. “Người ta sẽ thấy trên đám mây, Con Người hiện đến đầy quyền năng và uy nghi cao cả”. Thực tế, Thiên Chúa đến trên Trái đất một cách hiền lành và tự do theo ý muốn, khi còn là một trẻ sơ sinh, đến mức “Đức Kitô có thể được nhìn thấy, được quấn bằng vải và nằm trong máng cỏ” (Thánh Cyrilô).
Tôma Lê Duy Khang
Hôm nay là Chúa nhật thứ 1 mùa vọng, chúng ta bước vào năm phụng vụ mới, năm nay là phụng vụ năm C, chúng ta sẽ được nghe Tin Mừng theo thánh Luca, chúng ta hãy nhớ năm A chúng ta nghe tin mừng Mattheu, năm B chúng ta sẽ nghe tin mừng Macco, còn ngày thường thì chia làm năm chẳn và năm lẻ, với bài đọc 1 khác nhau tùy theo năm.
Hôm nay, giáo hội cho chúng ta nghe về các bài đọc báo tin Chúa sẽ đến phán xét, tại sao thế, vì giáo hội muốn chúng ta hiểu về ý nghĩa thần học của việc chờ mong Chúa đến, và hướng chúng ta đến 3 điểm:
Thứ nhất là muốn cho chúng ta thấy, có hai thế giới, thế giới hiện tại và thế giới tương lai, trong những lễ An táng chúng ta thường hát: “Sự sống này chỉ thay đổi chứ không mất đi”, nghĩa là có thế giới tương lai, và thế giới tương lai này là thế giới vĩnh cửu, chúng ta không tin vào thuyết luân hồi, đầu thai hết kiếp này đến kiếp khác.
Thứ hai là Chúa làm chủ lịch sử, chúng ta biết sở dĩ thế giới cũ qua đi là vì Chúa định cho nó một thời hạn, khi thế giới đến ngày tận cùng, Chúa sẽ đến, nên chúng ta phải kết luận rằng, không ai trên trần gian này nói ngày này, tháng này, năm này tận thế, không ai biết được điều này, nếu họ biết được thì họ đã là Chúa rồi, nên chỉ có Chúa là chủ mới biết mà thôi.
Thứ ba đó là mỗi người chúng ta tự quyết định vận mạng của cuộc đời mình. Chúng ta biết dù chúng ta có như thế nào đi chăng nữa, Chúa Ngài vẫn đưa tay ra, để chúng ta nắm lấy bàn tay của Chúa, để Chúa dẫn chúng ta đi, nhưng quan trọng là chúng ta có muốn hay không mà thôi.
Hôm đại dịch Covid cha Anphong Nguyễn Công Minh, ofm viết một bài có tựa đề: KHÔNG GẶP ĐƯỢC LINH MỤC khi hấp hối, lúc lâm chung như thế này:
Tuần vừa qua, chỉ trong hơn 1 ngày (khuya 10 và 11/8/21), mà xứ nhỏ bé Đakao Saigon cũng có tới 4 người chết liền nhau, 3 người trên 80 và một người trên 60 tuổi! Thật bi thương! Một người thân trong số 4 người đã qua đời này trách cứ cha sở không đến lo "phần rỗi" cho dân (tức tới liệm cho ông). Chị hiểu đơn sơ là dù ĐÃ chết rồi, LM vẫn lo "phần rỗi" được. Chị này khi tới báo tử, tôi có hỏi sao lúc gần chết không báo để LM đến xức dầu, giải tội... thì được trả lời: "Ông không muốn". "Ông" tức là người sẽ chết, và đã chết sau đó. Khi đã chết thì mọi sự đã quyết định: hết lập công mà cũng không thể phạm thêm tội; có gặp 100 Lm, 200 Gm, cả Đgh, thì cũng chẳng thay đổi được "phần rỗi"!
Đó chúng ta thấy, một người trước khi chết không chịu gặp linh mục, không chịu chuẩn bị cho cuộc đời của mình thì làm sao mà cứu rỗi được, nên trong việc này, chúng ta chỉ phó thác vào tình thương quan phòng của Chúa mà thôi.
Như vậy, để khỏi rơi vào tình trạng thiếu chuẩn bị trong ngày của Chúa, Chúa Giêsu nêu ra điều kiện tiên quyết, đó là tỉnh thức và cầu nguyện: “Các con phải tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có đủ sức thoát khỏi những điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con người”. Cầu nguyện là nhìn nhận Chúa là tất cả, là đặt thánh ý Chúa trên hết. Đồng thời qua cầu nguyện, chúng ta sẽ có thái độ tỉnh thức trong đời sống thường ngày, sẽ nhạy bén với tiếng gọi của Chúa qua những biến cố cuộc sống để luôn tìm đẹp lòng Chúa, để chuẩn bị cho đời sống mai hậu của mình.
Ông Jean Guitton, một đại văn hào, một triết gia thuộc Hàn lâm viện Pháp viết trong tờ báo Le Figarô: Xin các Linh Mục là người của Thiên Chúa, cho chúng tôi Thiên Chúa qua các Bí Tích và Lời Chúa vì chúng tôi bị những giá trị trần gian lường gạt quá nhiều rồi.
Chúng ta hãy cầu nguyện để tỉnh thức trong việc đó, biết chạy đến với các linh mục để lãnh các Bí Tích. Bên cạnh đó, cũng hãy cầu nguyện để các linh mục cũng được tỉnh thức, bởi vì chúng ta tỉnh thức mà các cha không tỉnh thức thì cũng như không, để các ngài sốt sắng đi trao ban các bí tích cho chúng ta.
Trong bài giảng lễ trong ngày lễ sai đi của Tổng Giáo Phận Sài Gòn, ngày 28.10.2021 vừa qua, Đức Tổng Giuse Nguyễn Năng đã chia sẻ: Các linh mục được sai đến với các giáo xứ để trở thành người cha, giàu lòng thương xót trong cộng đoàn giáo xứ. Và ngài nói đoàn dân Chúa đang gặp đau khổ về mọi mặt, và họ muốn đến với các cha để hưởng từ nơi các cha Lòng Thương Xót của Chúa. Ngài nói thêm ước gì dân Chúa gặp được nơi các mục tử lòng thương xót của một người cha. Ngài viện dẫn Đức Thánh Cha Phanxico nói: Thế giới này thiếu những người cha, linh mục thì nhiều, nhưng người cha đích thực thì ít. Nên chúng ta được mời gọi cầu nguyện để các linh mục cũng biết tỉnh thức để trở thành những người cha thực sự, không phải là cha chú mà là người cha biểu lộ lòng thương xót đối với dân của Chúa, qua việc yêu thương, sẵn sàng trao ban các bí tích khi cần thiết.
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta, không chỉ trong Mùa Vọng này mà trong cả cuộc đời chúng ta biết tỉnh thức và cầu nguyện không ngừng, để khi Chúa đến. chúng ta có thể được Chúa đón vào hưởng hạnh phúc quê trời, còn nếu không thì thật khốn khổ cho chúng ta. Amen.
Thứ Hai - Tuần I Mùa Vọng
(Is 2,1-5; Mt 8,5-11)
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Is 2,1-5: Thiên Chúa quy tụ các dân tộc trong nước Người, để hưởng bình an đời đời.
Tv 122,1: Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi: “Chúng ta sẽ tiến vào nhà Chúa.”
Mt 8,5-11: Nhiều người từ phương đông và phương tây sẽ đến trong nước trời.
Thông điệp của ngày hôm nay nói về ơn cứu rỗi cho toàn thể nhân loại. Isaia nói về sự cứu rỗi trong những ngày sắp tới. Trong những ngày đó, “Họ sẽ lấy gươm mà rèn nên lưỡi cày, lấy giáo rèn nên lưỡi liềm. Nước này không còn tuốt gươm ra đánh nước kia nữa.” Isaia rao giảng rằng tất cả mọi người đều được kêu gọi để tin vào Chúa, thờ phượng Ngài, sống theo kế hoạch và luật pháp của Chúa, và tận hưởng sự bình an của Ngài. Giêrusalem đại diện cho những người tin Chúa ở trần gian.
Trong Phúc âm, Chúa Giêsu được một viên đại đội trưởng nhờ chữa bịnh cho đầy tớ của ông. Chúa Giêsu trả lời rằng Ngài sẽ đến ngay để chữa lành người bịnh. Nhưng viên sĩ quan nói: “Lạy Thầy, tôi không đáng được Thầy vào dưới mái nhà tôi, nhưng xin Thầy chỉ phán một lời, thì người đầy tớ tôi sẽ lành mạnh.” Người đàn ông này tin Chúa và quyền năng chữa lành của Ngài. Đức tin của viên sĩ quan thật đáng chú ý. Ông là biểu tượng của các dân tộc sẽ được gọi, vì nước trời được mở cửa cho tất cả mọi người, không có đặc quyền về chủng tộc hay văn hóa. Với Đức Kitô, sự cứu rỗi đã trở nên sẵn sàng cho những ai lòng đầy thiện chí.
Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy có một ông đại đội trưởng đích thân đến xin Chúa Giêsu chữa bệnh cho con của ông: “Lạy Thầy, thằng bé nhà tôi đau liệt ở nhà nó đau đớn lắm”.
Chúng ta thử đặt câu hỏi là tại sao ông này là đại đội trưởng, có quyền hành trên nhiều người, bởi chính miệng ông ta đã nói: “tôi chỉ là người ở dưới quyền, nhưng tôi cũng có những người lình thuộc hạ, tôi bảo người này đi, thì anh ta đi, tôi bảo người kia đến là anh ta đến, tôi bảo gia nhân làm cái này thì nó làm”, thế thì tại sao ông lại không sai những người đầy tớ đi mời Chúa Giêsu hoặc là ông nhờ những người khác chẳng hạn như các kỳ lão trong dân do thái, như trong tin mừng theo thánh Luca chương 7,1-10 cũng có trình thuật tương tự như vậy, thế nhưng tại sao hôm nay ông lại đích thân đi?
Thưa vì ông là cha tốt lành, một người cha nhân hậu không yên tâm để cho thuộc hạ của mình đi.
Lý do nữa là ông đi chắc có lẽ Chúa sẽ nhận lời vì thế giá của ông, nếu có gì ông sẽ hạ mình xuống để xin Chúa Giêsu và thật sự là như vậy, ông đã hạ mình xuống trước mặt Chúa Giêsu, nên khi Chúa Giêsu nói: “Tôi sẽ đến nhà ông” thì ông ta đáp lại: “lạy Thầy, tôi không đáng được Thầy đến nhà tôi, nhưng xin Thầy chỉ phán một lời, thì thằng bé nhà tôi sẽ lành mạnh”.
Chúng ta thấy hình ảnh người cha trong câu chuyện phảng phất hình ảnh của Thiên Chúa, khi con người sa ngã phạm tội, Thiên Chúa hứa ban Đấng cứu độ: “Ta sẽ đặt mối thù giữa mi với người đàn bà, giữ dòng giống mi và dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn và gót chân nó” (St 3,15).
Và trong thời sau hết, Thiên Chúa không sai một ai khác, nhưng là sai chính Con Một của mình là Chúa Giêsu xuống thế làm người, để chịu chết mà cứu độ con người, đó là vì tình thương của Chúa dành cho con người, và cũng vì chỉ có Chúa Giêsu mới có đủ thế giá trước mặt Chúa Cha, để giao hòa con người với Thiên Chúa Cha mà thôi, vì tội lỗi của con người là tội lỗi xúc phạm đến chính Thiên Chúa.
Hiểu được như thế chúng ta hãy cám ơn Chúa, vì Chúa đã yêu thương chúng ta, đã ban Con Một của Ngài cho chúng ta, và lời cám ơn của chúng ta phải được cụ thể hóa bằng chính hành động của chúng ta, đó là chúng ta được mời gọi phải dọn lòng sốt sắng để đón nhận hồng ân là Ngôi Lời Nhập Thể xuống trên cuộc đời của mỗi người chúng ta, để nhờ đó, chúng ta được thứ tha tội lỗi, được giao hòa với Chúa Cha, được Chúa chữa lành những thương tích linh hồn và thể xác. Amen.
Thứ Ba - Tuần I Mùa Vọng
Thánh Phanxicô Xaviê, linh mục. Bổn mạng các xứ truyền giáo (LK)
(1Cr 9,16-19.22-23; Mc 16,15-20)
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
1Cr 9,16-19.22-23: Vô phúc cho tôi, nếu tôi không rao giảng Phúc Âm.
Tv 96,3: Hãy tường thuật phép lạ Chúa giữa muôn dân.
Mc 16,15-20: Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng.
Mệnh lệnh loan báo Tin Mừng của Chúa Giêsu là hiển nhiên nhưng rất là sâu rộng để thực hiện. “Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng.” Có nhiều nhà truyền giáo làm theo mệnh lệnh của Chúa. Riêng thánh Phanxicô Xaviê mà chúng ta kính nhớ hôm nay, ngài đã dành mười một năm cuối đời cho một nhiệm vụ rao truyền Tin mừng. Nhiệm vụ chính của ngài là ở Ấn Độ và Viễn Đông. Thánh nhân xa nhà nhưng không xa Chúa. Sứ mệnh của ngài phù hợp với sứ mệnh của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay. Ngài thường chọn xây dựng cộng đồng của mình từ cơ sở dựa trên việc phục vụ người dân bản địa, bao gồm cả việc sẵn sàng nhận ra ngôn ngữ và cách thức của các nền văn hóa khác.
Phanxicô Xaviê biết rằng hành động mạnh hơn lời nói, vì vậy ngài không chỉ nói với người dân thông điệp của Tin Mừng. Ngài đã thực hiện sứ điệp này bằng cách sống, ngủ, ăn, chơi và làm việc giữa những người nghèo. Nhờ những lời nói và hành động của ngài, hàng ngàn người đã tin vào Chúa nhân từ, yêu thương và dịu dàng của người Kitô hữu. Sứ mạng của ngài cho Chúa ở vùng Á Châu đã kết thúc sớm vì bệnh tật nhưng vẫn là mẫu gương tuyệt hảo cho truyền giáo. Thật vậy, phúc thay ai rao giảng Tin Mừng của Chúa giữa muôn dân.
Tôma Lê Duy Khang
Trang tin mừng mà chúng ta vừa nghe có nhắc đến Chúa Thánh Thần: “Khi Chúa Giêsu đầy hoan lạc trong thánh thần, thì Chúa nói: “Lạy Cha là Chúa cả trời đất, Con xưng tụng Cha, vì Cha đã giấu không cho người khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng đã tỏ cho những người đơn sơ bé mọn. Vâng lạy Cha, đó là ý Cha đã muốn thế”.
Nhìn lại cuộc đời của Chúa Giêsu luôn có hoạt động của Chúa Thánh Thần:
Đức Mẹ thụ thai Chúa Giêsu là do quyền năng của Chúa Thánh Thần: “Sau đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô: bà Ma-ri-a, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần.” (Mt 1,18).
Sau khi được chịu phép rửa tội sông Giodan Chúa Giêsu được đầy Thánh Thần, và được Thánh Thần hướng dẫn vào trong hoang địa 40 ngày để chịu ma quỷ cám dỗ, và Chúa chiến thắng các cơn cám dỗ cũng là ơn của Chúa Thánh Thần.
Rồi khi bắt đầu sứ vụ công khai, chính Chúa Giêsu đã khẳng định: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn. Người sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, tả lại tự do cho người bị áp bức, công bố năm hồng ân của Chúa” (Lc4,18-19).
Rồi khi giảng dạy cho các môn đệ, Chúa Giêsu cũng nhắc các môn đệ hãy nhớ đến vài trò của Chúa Thánh Thần: “Khi người ta điệu anh em đi nộp, thì anh em đừng lo trước phải nói gì, nhưng trong giờ đó, Thiên Chúa cho anh em biết điều gì, thì hãy nói điều ấy: thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thánh Thần nói.” (Mc 13,11).
Rồi trong lệnh truyền truyền giáo Chúa Giêsu cũng nhắc đến Chúa thánh Thần: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19).
Mỗi người chúng ta đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần chưa? Thưa chúng ta đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần rồi, chúng ta lãnh nhận Chúa Thánh Thần qua Bí Tích Rửa Tội, rồi qua Bí Tích Thêm Sức, nghĩa là chúng ta cũng đầy Chúa Thánh Thần rồi.
Chúng ta lãnh nhận Thánh Thần rồi, vậy chúng ta có để cho Chúa Thánh Thần hoạt động, có để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn cuộc đời của mỗi người chúng ta, như Chúa Giêsu đã để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn Ngài hay không?
Chúng ta hãy nhớ Chúa Giêsu, Ngài là Thiên Chúa mà Ngài còn để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn, Ngài cũng cần đến Chúa Thánh Thần, còn chúng ta là ai mà không cần Chúa Thánh Thần.
Nên chúng ta hãy mở lòng ra đón nhận Chúa Thánh Thần, để Chúa Thánh Thần hướng dẫn cuộc đời của mỗi người chúng ta, đặc biệt trong mùa vọng này, để Thánh Thần hướng dẫn để chúng ta dọn lòng sốt sắng đón nhận Ngôi Lời Nhập Thể. Amen.
Tôma Lê Duy Khang
Lễ thánh Phaxicô Xaviê, bổn mạng các xứ truyền giáo. Mc 16, 15-20
Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy lệnh truyền truyền giáo của Chúa Giêsu: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án.”
Lệnh truyền này của Chúa Giêsu nghe cũng dễ hiểu. Nhưng có một chi tiết là làm sao biết người ta tin hay không tin?
Chúa Giêsu đã cũng đã cho chúng ta câu trả lời: “Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khỏe”.
Nghe câu trả lời của Chúa Giêsu chúng ta nhìn lại cuộc đời của mình, chúng ta thấy mình có đủ lòng tin vào Chúa chưa? Nếu chúng ta có đủ lòng tin vào Chúa tại sao chúng ta chưa thấy dấu lạ nào kèm theo trên cuộc đời của chúng ta? Có ai trong chúng ta đây đã trừ quỷ, đã nói được những tiếng lạ, đã cầm rắn, đã uống thuốc độc mà không chết chưa? Chắc chưa mà cũng không ai dám thử.
Tại sao vậy, chẳng lẽ những lời Chúa nói là mị dân, là một thử thách quá cao, còn chúng ta thì chưa đủ lòng tin vào Chúa?
Chúng ta hãy để ý câu nói của Chúa Giêsu: Chúa nói về những dấu lạ kèm theo, vậy những dấu lạ kèm theo đó là khi chúng ta tin thì ngay tức khắc nó có hay là ơn Chúa ban? Nghĩa là nguyên nhân do ta hay do Chúa? Thưa tất cả là do ơn Chúa ban mà thôi, chúng ta tin là việc của chúng ta, còn Chúa ban là việc của Chúa.
Nên chúng ta hãy nhớ lại có lần Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở ra cho. Có người nào trong anh em, khi con mình xin cái bánh, mà lại cho nó hòn đá? Hoặc nó xin con cá, mà lại cho nó con rắn? Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha anh em, Đấng ngự trên trời, lại không ban những của tốt lành cho những kẻ kêu xin Người sao? (Mt 7,9-11).
Khi nghe đoạn Tin Mừng này chúng ta cũng đặt câu hỏi là tại sao chúng ta cũng cầu nguyện, cũng xin Chúa, cũng thành tâm mà nhiều khi chúng ta cũng đâu được nhậm lời. Thưa vì Chúa là Cha Nhân Từ, yêu thương con cái của mình, đối với chúng ta điều đó là tốt, nhưng đối với Chúa thì điều đó là không, chẳng lẽ chúng ta xin rắn, Chúa cho chúng ta rắn, chúng ta xin đá, Chúa cho chúng ta đá, không Chúa sẽ cho chúng ta những điều mà Chúa thấy là tốt lành cho chúng ta, nên Đức Cha Ful Ton Sheen có lần đã nói: Một ngày nào đó chúng ta không chỉ cám ơn Chúa vì những gì mà Chúa đã ban cho chúng ta, mà chúng ta còn cám ơn Chúa về những điều mà Chúa không ban cho chúng ta”.
Hiểu được như thế, chúng ta mới hiểu được tại sao khi chúng ta tin vào Chúa mà không thấy những dấu lạ kèm theo, thứ nhất là do ơn Chúa ban đó là quyền của Chúa chúng ta không nên đòi hỏi, thứ hai là Chúa thấy không tốt cho chúng ta. Nên bổn phận chúng ta cứ tin tưởng phó thác vào Chúa, đâu cần phải có dấu lạ kèm theo để cho người khác biết mình tin vào Chúa, nói theo ngôn ngữ bình dân là hữu xạ tự nhiên hương, cứ sống tốt lành, chu toàn bổn phận với Chúa, chu toàn bổn phận với anh em, chắc chắn Chúa sẽ ban ơn cách này hay cách khác.
Hôm nay là lễ thánh Phanxicô Xaviê, thánh nhân không bao giờ chú trọng đến hình thức bề ngoài phải như thế này như thế kia, thánh nhân đã từ bỏ mọi thứ: từ bỏ ghế giáo sư đại học, cùng những danh vọng, chức quyền mà dấn thân phục vu, sống đời ơn gọi truyền giáo cho lương dân, vì thánh nhân đã nghe được câu kinh thánh từ miệng của thánh Ignatio: “Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì nào có lợi gì?”.
Xin cho mỗi người chúng ta biết noi gương thánh nhân để lại, để đừng chú trọng đến quá nhiều hình thức bên ngoài dấu lạ này, dấu lạ kia, nhưng một lòng sống theo Chúa, để phục vụ Chúa, và phục vụ anh em. Amen.
Thứ Tư - Tuần I Mùa Vọng
(Is 25,6-10a; Mt 15,29-37)
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Is 25,6-10a: Chúa mời đến dự tiệc của Nguời và lau sạch nước mắt trên mọi khuôn mặt.
Tv 23,6: Trong nhà Chúa, tôi sẽ định cư cho tới thời gian rất ư lâu dài.
Mt 15,29-37: Chúa Giêsu chữa nhiều người và hóa bánh ra nhiều.
Với Isaia, dấu hiệu của thời kỳ Thiên sai là Chúa sẽ ban cho dân Người lương thực dồi dào thông qua Đấng Mêsia. Mọi người khao khát sự sống, hòa bình; Tù nhân muốn được tự do; người mù muốn nhìn thấy; người đói muốn có bánh ăn. Tương tự như vậy, mọi người khao khát sự an ủi, tình bạn, sự tha thứ, hiểu biết, chấp nhận và công lý. Những mong muốn này được thực hiện khi Chúa Giêsu đến. Ngài ban thức ăn cho những người đói. Lòng Chúa Giêsu: “Ta thương xót đoàn lũ này”. Ngài không thể bỏ họ vì họ đói và mệt. Đức Kitô tìm kiếm con người khi họ cần và cố gắng ở đó để ta tìm thấy. Ngài tốt với ta biết bao! Và những môn đệ của Ngài, phải thỏa mãn cơn đói của dân Chúa ngày nay. Vì Ngài hành động thông qua chúng ta.
Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy sự cần thiết của những người sẽ dẫn người khác đến với Chúa Kitô. Những ai mang người bệnh đến để Chúa chữa cho là hành động bác ái lớn nhất đối với đồng loại của mình vì đưa họ đến gần Chúa Kitô, nguồn sự sống. Và con người quan trọng biết bao đối với Chúa! Ước gì lòng của chúng ta dâng trào với lòng biết ơn, sự ngưỡng mộ và một ước muốn chân thành cho việc đón Chúa.
Tôma Lê Duy Khang
Với cái nhìn bình thường, cái nhìn của mùa thường niên, thì Tin mừng hôm nay là trình thuật về phép lại hóa bánh ra nhiều lần thứ 2, để nói về tình thương của Chúa dành cho con người: “Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi và họ không có gì ăn. Thầy không muốn giải tán họ, để họ nhịn đói mà về, sợ rằng họ bị xỉu dọc đường."
Và Chúa muốn con người cộng tác vào phép lạ của Chúa: “Anh em có mấy chiếc bánh? " Các ông đáp: "Thưa có bảy chiếc bánh và một ít cá nhỏ." Bấy giờ, Người truyền cho đám đông ngồi xuống đất. Rồi Người cầm lấy bảy chiếc bánh và mấy con cá, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho môn đệ, và môn đệ trao cho đám đông.”
Nhưng khi đọc trang Tin Mừng hôm nay dưới lăng kính của mùa vọng là mùa trông chờ Chúa đến, giáo hội muốn chúng ta thấy sự bất lực của con người: “Trong nơi hoang địa này, chúng con lấy đâu ra đủ bánh cho đám đông như vậy ăn no?” và con người cần đến Thiên Chúa (chúng ta nói chúng ta cần đến Chúa đó là cách nói của chúng ta, nhưng Thiên Chúa luôn luôn đi bước trước để đến với con người).
Bởi chúng ta biết con người của mình không thể tự cứu độ mình được, nên cần Thiên Chúa đến cứu độ con người.
Như đã nói, đó là cách nói của con người, bởi Thiên Chúa luôn luôn đi bước trước để ngỏ lời với con người: nhìn lại lịch sử cứu độ, Thiên Chúa làm mọi cách để cho con người nhận biết Thiên Chúa, Thiên Chúa ngỏ lời với con người qua thiên nhiên vạn vật, qua tiếng lương tâm, qua Apraham, Nôe, Môse, qua các tiên tri, và cuối cùng là qua Chúa Giêsu.
Nghĩa là vì yêu thương, Chúa thấy được nhu cầu của con người cần đến Chúa, cụ thể hôm nay, tin mừng không nói cho chúng ta biết là dân chúng đòi Chúa phải cho họ ăn, nhưng Chúa thấy được nhu cầu của họ cần, nên Chúa đã làm phép lạ.
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta thấy được sự bất lực của mình, để mình cần đến Chúa, và cũng xin cho mỗi người chúng ta biết cám ơn Chúa vì Chúa đã yêu thương chúng ta nên đã đi bước trước, ban Đấng cứu độ cho chúng ta. Nên chúng ta hãy biết đáp lại tình thương của Chúa qua việc cộng tác với Chúa, qua việc chúng ta mở lòng ra đón Chúa là Đấng cứu độ đến với chúng ta. Amen.
Thứ Năm đầu tháng
(Is 26,1-6; Mt 7,21-27)
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Is 26,1-6: Dân công chính biết giữ sự trung tín, hãy tiến vào.
Tv 118,26: Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến.
Mt 7,21.24-27: Ai thực hiện ý Chúa Cha, sẽ được vào nước trời.
Bài đọc đầu tiên là một phần thêm vào sách Isaia. Đoạn này nói về sự phán xét và sự chiến thắng của Chúa trên các thành phố tội lỗi. Nhưng Giêrusalem, cộng đồng của Chúa, thành phố của Chúa, sẽ đứng vững. Những người trung thành với Chúa có thể trông cậy vào Người. Chúa trung thành và vững chắc như một tảng đá. Những người chấp nhận lời kêu gọi và thử thách của Chúa Giêsu bằng cách sống như các môn đệ của Ngài là đang xây nhà trên nền đá.
Trong Mùa Vọng, khi chúng ta chờ đợi sự ra đời của hài nhi Giêsu, những bài đọc này kêu gọi ta tin tưởng vào nền tảng vững chắc của đức tin qua hình ảnh của một thành phố và một ngôi nhà vững chắc. Chúa đã cung cấp đá tảng để xây dựng nền tảng của Hội thánh, và Chúa Giêsu nhắc nhở các môn đệ và mọi người rằng chúng ta cũng phải xây dựng ngôi nhà đức tin của mình trên nền đá vững vàng. Những luồng gió của sự thay đổi sẽ tấn công và thử thách ta. Ta phải lấy CHÚA làm nền tảng của cuộc sống trong đức tin. Đây có thể là một nhiệm vụ khó khăn. Nhưng khi kiên nhẫn chờ đợi lễ kỷ niệm ngày sinh của Chúa Giêsu, ta có thể mong đổi mới đức tin của mình và củng cố nền tảng đức tin vững vàng thêm một lần nữa.
Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay cho chúng ta thấy không phải nghe Lời Chúa là đủ, mà còn phải đem lời Chúa ra thực hành trong cuộc đời của mình: “Không phải tất cả những ai nói với Ta: Lạy Chúa, lạy Chúa là được vào Nước Trời, nhưng chỉ có người thực hiện ý Cha Ta trên trời, kẻ ấy mới được vào Nước Trời”.
Và Chúa đã dùng hình ảnh người khôn xây nhà trên đá để ví hình ảnh người biết lắng và thực hành Lời Chúa, nghĩa là nghe lời Chúa và thực hành Lời Chúa tuy có sự phân biệt nhưng không tách biệt.
Ngược lại, nếu chỉ lắng nghe Lời Chúa mà không đem ra thực hành thì ví như người xây nhà trên cát, khi mưa sa, nước lũ, gió thổi lùa vào nhà đó, nhà sẽ sập và trở nên đống hoang tàn.
Chúng ta hãy nhớ dụ ngôn 10 nén bạc, chủ cho gọi mười người lại và giao cho mỗi người một nén nén bạc, rồi dặn họ: “Hãy lo làm ăn sinh lợi cho tới khi tôi đến.".
Thế rồi, khi ông trở về, thì người thứ nhất đến trình diện, người thứ 2 đến trình diện và báo cáo đã làm sinh lợi nén bạc cho chủ và được chủ thưởng công xứng đáng. Còn người thứ 3 cũng đến trình diện, nhưng anh ta nói: “Thưa ngài, nén bạc của ngài đây, tôi đã bọc khăn giữ kỹ. Tôi sợ ngài, vì ngài là người khắc nghiệt, đòi cái không gửi, gặt cái không gieo. Ông nói: "Hỡi đầy tớ tồi tệ! Tôi cứ lời miệng anh mà xử anh. Anh đã biết tôi là người khắc nghiệt, đòi cái không gửi, gặt cái không gieo. Thế sao anh không gửi bạc của tôi vào ngân hàng? Có vậy, khi tôi đến, tôi mới rút ra được cả vốn lẫn lời chứ! Rồi ông bảo những người đứng đó: "Lấy lại nén bạc nó giữ mà đưa cho người đã có mười nén. Họ thưa ông: "Thưa ngài, anh ấy có mười nén rồi! -"Tôi nói cho các anh hay: phàm ai đã có, thì sẽ được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái nó đang có cũng sẽ bị lấy đi.”. (x. Lc 19,11-27).
Nên chúng ta thấy đó là hiệu quả của việc lắng nghe và thực hành Lời Chúa, còn chỉ lắng nghe mà không thực hành theo Lời Chúa, thì chỉ có hậu quả mà thôi.
Ở đây chúng ta cần tìm hiểu thêm, không chỉ khi nghe Lời Chúa, Chúa nói trực tiếp chúng ta mới thực hành Lời Chúa, nhưng đôi khi chúng ta cần phải biết ý của Chúa muốn chúng ta làm gì để thực hiện theo, đó mới là người khôn ngoan đích thực. Cụ thể trong tin mừng theo thánh Mattheu, kể lại dụ ngôn ông chủ sắp đi phương xa đã kếu các đầy tớ lại, giao cho người này 5 yến, người kia 2 yến, người nọ một yến, nhưng lần này khác, ông chủ không dặn gì cả, nhưng hai người đầu biết ý chủ và đã sinh lợi cho chủ, còn người thứ 3 biết ý chủ mà không làm sinh lợi cho chủ nên bị luận phạt. (x. Mt 25, 14-30).
Tiếp theo ý tưởng người xây nhà trên cát, đó là nếu chỉ lo thực hành mà không biết lắng nghe Lời của Chúa, không chịu dừng lại trong cầu nguyện, không dừng lại để nghe xem Chúa muốn nói gì với mình, thì sẽ dễ đi lệch hướng, và hành động đó cũng ví như người xây nhà trên cát.
Chúng ta hãy nhớ lại mẫu gương của Chúa Giêsu sau những thành công vang dội, trừ quỷ, chữa lành bệnh tật, dân chúng muốn Chúa ở lại với họ, nhưng Chúa nhất quyết không chịu dừng lại ở đó, mà Chúa nói: “Ta còn phải rao giảng tin mừng Nước Thien Chúa cho những thành khác, bởi chính vì thế mà Ta đã được sai đến”, điều gì đã làm cho Chúa Giêsu trung thành với sứ mạng? Thưa vì Chúa Giêsu biết dừng lại để cầu nguyện với Chúa Cha, để tìm thánh ý Chúa Cha. (x. Lc 4,38-44).
Hoặc trước khi bước vào cuộc khổ nạn, trong vườn câu dầu Chúa Giêsu cũng đã nói: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà làm theo ý Cha." (Lc 22,42), luôn thi hành thánh ý Chúa Cha trong cuộc đời của mình.
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết lắng nghe Lời Chúa qua kinh thánh, qua cầu nguyện, qua những mẫu gương tốt lành mà Chúa gởi đến cho chúng ta, để chúng ta có thể thực hành những điều Chúa truyền dạy, có như thế, chúng ta mới là người khôn ngoan biết xây nhà trên nền đá vững chắc, và trong ngày sau hết chắc chắn chúng ta sẽ được Chúa cho hưởng hạnh phúc Nước Trời. Amen.
Thứ Sáu đầu tháng
(Is 29,17-24; Mt 9,27-31)
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Is 29,17-24: Ngày đó mắt người mù sẽ được xem thấy.
Tv 27,1: Chúa là sự sáng và là Đấng cứu độ tôi.
Mt 9,27-31: Tin vào Chúa Giêsu, hai người mù được chữa lành.
Trong mùa vọng này, lời Chúa cho ta một cái nhìn hy vọng. Kẻ hùng mạnh dựa vào quyền lực chính trị và liên minh của họ sẽ bị nghiền nát, nhưng những người nghèo, người điếc, người mù, tức là những người vẫn tin vào sự hiện diện và hành động của Chúa trên thế giới, sẽ thấy sự cứu rỗi. Đó là những lời hứa của Isaia nhân danh Chúa.
Hôm nay, ta kỷ niệm lòng nhiệt thành và tin tưởng của những người bất hạnh trong mắt người đời. Sức mạnh của họ là niềm tin hoàn toàn vững chắc vào quyền năng cứu độ của Chúa Giêsu. Khi cử hành Bí tích Thánh Thể, ta tuyên xưng đức tin của mình vào Chúa Giêsu. Trong Phúc âm, Chúa Giêsu hỏi hai người mù đi theo Ngài xem họ có tin rằng Ngài có thể chữa khỏi cho họ hay không, và họ nói rằng họ đã tin Chúa. Ngài cho họ thấy được vì họ tin tưởng. Thiên Chúa đã giao phó chính mình cho thế giới qua Chúa Giêsu Kitô. Khi suy gẫm về Phúc âm, ta có thể tự hỏi mình liệu ta có thực sự tin vào quyền năng cứu độ và chữa lành của Chúa Giêsu hay không. Noi gương thánh Phanxicô Xaviê và hai người phó thác vào Chúa, ta loan truyền niềm tin dù ta ở đâu, để tiếp tục xây dựng nước Chúa trong niềm vui, hòa bình, công lý và sự thật.
Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy việc Chúa Giêsu chữa lành cho 2 người mù, nghe nói vậy thì chúng ta nghĩ rất dễ dàng, nhưng nếu đọc kỹ, để tìm hiểu ý nghĩa thì chúng ta thấy không dễ dàng chút nào.
Đó là khi hai anh mù, có thể nghe người ta nói có một ông Giêsu Con Vua Đavit đi ngang qua, nên hai anh mới mở miệng kêu xin Chúa Giêsu, thế nhưng Chúa Giêsu có chữa liền hay không? thưa không. Mà Chúa Giêsu tiếp tục đi về nhà, hai người mù này không bỏ cuộc, mà vẫn đi theo Chúa, và khi tới nhà, Chúa Giêsu hỏi họ: “Các ngươi có tin rằng Ta có thể làm việc ấy không? Họ trả lời: “Lạy Thầy có”.
Tại sao Chúa Giêsu không chữa liền cho hai người mù ở tại chỗ hai người kêu xin? Thưa có thể vì Chúa muốn thử đức tin của họ, hay Chúa muốn họ dùng tự do của mình để đáp trả lại Chúa.
Nhưng chúng ta không chia sẻ những điểm này ở đây, mà chúng ta tìm hiểu một điểm khác, đó là chúng ta để ý lời kêu xin của hai anh mù: “Lạy Con vua Đavit, xin thương chúng tôi”, đối tượng mà hai anh mù này nhắm đến là ai? Thưa chính là hai anh, nghĩa là quy về mình.
Còn khi Chúa Giêsu hỏi, thì Chúa hỏi thế nào? thưa Chúa hỏi: “Các ngươi có tin Ta có thể làm việc ấy không?”, nghĩa là Chúa muốn hai người mù này hướng về Chúa, hướng về Chúa để làm chi? Thưa chúng ta biết qua phép lại này Chúa không chỉ muốn chữa lành cho hai người mù này mà thôi, mà Chúa còn muốn chữa lành cho những ai đang lần mò trong bóng đêm tội lỗi.
Nghĩa là, khi Chúa muốn hai anh mù này hướng về Chúa, thì ẩn sâu bên trong là Chúa muốn tất cả mọi người phải quy hướng về Chúa, bởi Chúa mới là nguồn ánh sáng đích thực để soi sáng cho những ai còn ngồi trong bóng tối tử thần, vì đó là sứ vụ của Chúa: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.” (Lc 4,18-19).
Như vậy việc để mọi người hướng về Chúa, để họ được chữa lành đó là việc của Chúa đó là sứ mạng của Chúa, nhưng chúng ta cũng được mời gọi cộng tác với Chúa, để đưa nhiều người đến với Chúa, vì đó cũng là sứ mạng của mỗi người chúng ta, trước khi Chúa Giêsu về trời, Chúa đã đưa ra lệnh truyền: "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án.” (Mc 16, 15-16).
Chúng ta đang ở trong mùa vọng là mùa trông chờ Chúa đến, trông chờ ánh sáng cứu độ, chúng ta xin Chúa cho mỗi người biết hướng lòng về Chúa, để Chúa đến đem ánh sáng của Ngài vào nơi tối tăm trong tâm hồn chúng ta. Và xin Chúa cũng soi sáng hướng dẫn chúng ta, để chúng ta đưa dẫn nhiều người đến với ánh sáng của Chúa, để Chúa soi sáng cõi lòng của họ. Amen.
Thứ Bảy đầu tháng
Thánh Ambrôsiô, giám mục, TsHT. Lễ nhớ.
(Is 30,19-21.23-26; Mt 9,35-10,1.6-8)
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Is 30,19-21.23-26: Người động lòng thương ngươi, lắng nghe lời ngươi kêu xin.
Tv 147: Phúc cho tất cả những ai mong đợi Chúa (Is 30,18).
Mt 9,35-10,1.6-8: Thấy đoàn lũ dân chúng, Người động lòng xót thương họ.
Chúa từ bi nên Người không thể để người dân của mình phải khổ sở. Lòng từ bi Chúa đã trở nên hữu hình trong con người của Đức Kitô. Thiên Chúa thương dân tộc của mình. Người hứa sẽ giải phóng họ khỏi cái ác, bệnh tật, đói kém, bạo lực, bất công. Bởi “Thấy đoàn lũ dân chúng, Người động lòng xót thương họ.” Tuy nhiên, Chúa sẽ thực hiện lời hứa nơi con người và với con người. Chúa mời ta cộng tác!
Trong Tân Ước, Chúa Giêsu sẽ xuống trần để gặp gỡ và giúp đỡ chúng ta. Ngài sai Giáo hội của mình, ngay cả ngày nay, để gặp gỡ mọi người trong nỗi khốn cùng của họ và để xoa dịu mọi đau khổ. Chúa Giêsu luôn muốn có thể trông cậy vào chúng ta. Trong mọi hoàn cảnh đa dạng của chúng ta, Ngài muốn ta trở thành những tông đồ thực sự của thế giới mà ta đang bước theo và sinh sống. Sứ mệnh mà Chúa đã gửi con của Người đến thế giới phụ thuộc vào chúng ta để tiếp tục. Thiên Chúa hy vọng mỗi người trong hoàn cảnh cụ thể của mình sẽ làm chứng rằng “Nước trời đã gần đến” (Mt 10,7). Đó là một sứ mệnh đã được giao phó cho mỗi chúng ta. Hy vọng rằng mỗi người hãy sẵn sàng cống hiến tất cả những gì cần thiết để Chúa Giêsu được tái sinh trong tâm hồn nhân loại.
Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy Chúa Giêsu chạnh lòng thương dân chúng, vì họ như bầy chiên vất vưởng không người chăn dắt.
Nhưng tại sao Chúa Giêsu lại chạnh lòng thương dân chúng, chúng ta có thể trả lời vì Chúa Giêsu là Thiên Chúa, mà Thiên Chúa là tình yêu, nên Chúa Giêsu Chạnh lòng thương là chuyện dễ hiểu.
Nhưng xét về khía cạnh con người sở dĩ Chúa Giêsu chạnh lòng thương, rồi dẫn đến những hành động của Chúa: Đó là chữa lành các bệnh hoạn tật nguyền cho họ, rồi Chúa còn nói với các môn đệ lúa chín đầy đồng thợ gặt thì ít. Các con hãy xin chủ ruộng sai thợ ra gặt lúa về. Lý do là vì Chúa Giêsu đã đi ra, Chúa đã thấy nên đã cảm nhận được điều đó: “Khi ấy, Chúa Giêsu đi rảo khắp các thành phố làng mạc”.
Tôi nhớ có lần ca sĩ Khánh Ly vào thăm Đại Chủng Viện, có một cha giáo đã hỏi cô: Tại sao cô lại có thể hát những bài hát của Trịnh Công Sơn vừa hay vừa có tâm tình như vậy, trong khi đó các ca sĩ trẻ ngày nay không thể nào hát được như cô? Họ có thể hát hay, nhưng lại không có tâm tình. Cô Khánh Ly trả lời, vì tôi là người sống vào thời đó, nên tôi cảm được tâm tư tình cảm thời đó, nên tôi ca nhập tâm, còn những ca sĩ thời nay không sống vào thời đó nên không cảm được tâm tư tình cảm của tác giả bài hát muốn gởi gấm vào, nên bài hát không có tâm tình, không có hồn.
Hiểu được như thế, chúng ta thấy, nếu chúng ta chỉ làm việc bàn giấy, chỉ ngồi trong nhà, không chịu cập nhật thông tin của những biến động về kinh tế, chính trị, xã hội, thì chúng ta sẽ không thấy được những cảnh đời, không thấy được những thay đổi của xã hội… và hậu quả là chúng ta có thể trở thành người vô cảm, chúng ta không thể hội nhập được với nhịp sống của xã hội, mà không hòa nhập được với nhịp sống của xã hội thì làm sao biết được con người của thời đại này như thế nào, để tìm giải pháp giúp đỡ cho họ.
Chúng ta suy tư thêm một chút nữa, đó là tại sao Thiên Chúa không chọn các Thiên Thần, mà Chúa lại chọn những con người bằng xương bằng thịt đầy yếu đuối làm tông đồ của Chúa? thưa vì các thiên thần là giống thiêng liêng, không có thể xác, nên không cảm nhận được tâm tư tình cảm của con người, chỉ có con người mới có thể cảm nhận được tâm tư tình cảm của nhau, mới thông cảm, mới yêu thương nhau.
Còn ngược lại, đối với con người của chúng ta, chúng ta có thể xác có linh hồn, thì điều tất nhiên là chúng ta phải cảm nhận, phải thấy được những tâm tư tình của của anh chị em của mình, nếu chúng ta không biết yêu thương nhau, không cảm thông cho nhau, điều này chứng tỏ là chúng ta đang bị khiếm khuyết, khuyết khuyết về thể xác, khiếm khuyết về linh hồn, hoặc là khiếm khuyết cả hai.
Nên lời Chúa hôm nay, mời gọi mỗi người chúng ta là những người được Thiên Chúa tạ dựng, không bị khiếm khuyết, chúng ta hãy đi ra khỏi con người của mình, khỏi pháo đài của mình để thấy được những cảnh đời những hoàn cảnh để cảm thông cho họ, như Chúa Giêsu đã đi ra, đã thấy và đã cảm thông cho những phận người, nếu không chúng chỉ là những con người khuyết tật mà thôi. Amen.