
Chúa Nhật I Mùa Chay - B
St 9,8-15; 1Pr 3,18-22; Mc 1,12-15
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
St 9,8-15: Giao ước giữa Thiên Chúa và ông Nôe sau khi ông này được cứu khỏi nước lụt.
Tv 25,10: Tất cả đường nẻo Chúa là ân sủng và trung thành cho những ai giữ minh ước và điều răn Chúa.
1 Pr 3,18-22: Hiện giờ phép thánh tẩy cũng cứu thoát anh em giống như thể thức ấy.
Mc 1,12-15: Chúa chịu Satan cám dỗ và các Thiên Thần hầu hạ Người.
Tin mừng trình bày Chúa Giêsu đã sẵn sàng cho cuộc đời công khai. Ngài đi vào hoang địa, nơi Ngài dành bốn mươi ngày đêm để cầu nguyện và sám hối. Tại đó, Chúa Giêsu đã chiến thắng sự cám dỗ của Satan, và các Thiên Thần hầu hạ Ngài. Sau đó, Chúa Giêsu sang xứ Galilêa. Ngài rao giảng “Thời giờ đã mãn”, “và nước Thiên Chúa đã gần đến,” và “Hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin mừng.”
Ngày nay, những cám dỗ và thế lực đen tối không ngừng lôi kéo ta. Phêrô cảnh báo rằng “Hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé (1Pr 5,8). Satan mê hoặc ta bằng những việc xấu xa nhưng trông như là tốt; xúi giục làm điều ác, và đưa ra rất nhiều lý do để biện minh cho tội lỗi. May mắn thay, Thiên Chúa chỉ dẫn và nhắc nhở hướng về giao ước mà Chúa đã lập với ta. Các Thiên Thần đến và giúp ta. Trong Mùa Chay, ta lắng nghe những tiếng nói bên trong và bên ngoài. Ta hãy tỉnh thức bằng những kinh nghiệm và lời dạy của Chúa Giêsu để chuẩn bị cho mỗi ngày sống.
Thứ Hai - Tuần I Mùa Chay
(Lv 19,1-2.11-18; Mt 25,31-46)
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Lv 19,1-2.11-18: Hãy xét đoán công minh đối với kẻ khác.
Tv 19: Lạy Chúa, lời Chúa là thần trí và là sự sống (Ga 6,64b).
Mt 25,31-46: Những gì các người làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta.
Sách Lêvi khuyên ta hãy sống theo những tiêu chuẩn của sự thánh thiện. “Các ngươi hãy nên thánh, vì Ta là Đấng Thánh, là Thiên Chúa các ngươi.” Ta được kêu gọi để noi gương Chúa. Bản văn cung cấp một số phương thế như là sống trung thực, tránh dối trá và tích cực hỗ trợ những người gặp khó khăn. Đừng nhục mạ người khác. Đừng giam tiền công lại cho đến ngày sau. Đừng làm điều bất công... Mỗi ví dụ trong số này đều kết thúc bằng “Ta là Chúa”.
Ta liệu có thể làm như Chúa dạy hay không? Công lý là cốt lõi của lối sống thánh thiện. Công lý mang lại cho mỗi người những gì họ là thay vì đáp ứng những mong muốn cạnh tranh từ những người khác. Phúc âm hôm nay cho biết sự phán xét cuối cùng. Tất cả mọi người đều phải đối diện với Chúa, Đấng có các quyết định công minh, không thiên vị ai và được thực hiện với sự hiểu biết đầy đủ và chính xác. Khi cần phải phán xét, ta phải lưu ý đến những giới hạn của mình, bao gồm cả kiến thức không hoàn hảo của mình và tác động tinh vi của các thế lực ngoại lai đối với ta. Ta hãy cầu xin Chúa dùng sự khôn ngoan và lòng bác ái để hướng lòng mình về sự thánh thiện.
Lm. Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta dụ ngôn ngày phán xét chung. Và trong cuộc phán xét này Chúa dạy mỗi người chúng ta trong cuộc sống không phải chỉ biết chọn lựa những điều mà Chúa muốn mỗi người chúng ta phải thực hiện, nhưng Chúa còn muốn mỗi người chúng ta thực hiện điều mà bổn phận chúng ta phải thực hiện. Vậy điều mà Chúa muốn mỗi người chúng ta phải biết chọn lựa để mà thực hiện đó là điều gì? Thưa đó là điều tốt và điều xấu, phải biết hy sinh ý riêng của mình để mình có sự sống.
Trên vùng núi nọ có vài người thợ săn, họ thường chôn một cái bẫy ở nơi sói thường hay xuất hiện. Một khi giẫm lên cái bẫy ấy, chân của chúng sẽ bị bẫy kẹp chặt. Và khi con vật ra sức vùng vẫy để thoát thân trong vô vọng, nó sẽ cắn đứt bên chân bị mắc kẹt để thoát ra ngoài.
Con sói trả giá bằng một cái chân của mình để bảo toàn tính mạng cho bản thân. Khái niệm về được mất tích cực này của con sói khiến chúng ta nghĩ đến một loài động vật khác, đó chính là con công.
Trong khi đó, thứ mà những con công đực nâng niu nhất chính là cái đuôi vô cùng đẹp đẽ của nó. Vì thế, những người thợ săn thường chọn đúng những lúc trời mưa to để xuất kích.
Khi đó, bộ lông đuôi đẹp đẽ của công bị ướt hết, nó lo lắng rằng khi nếu bay lên sẽ làm hỏng đuôi nên thà để bị bắt chứ không phản ứng, và như thế, chúng dễ dàng rơi vào tay của thợ săn.
Con công vì sợ làm mất đi bộ lông đuôi đẹp, kết quả là nó phải trả giá bằng sự tự do và sinh mệnh của mình.
Nên chúng ta cần phải chọn lựa là như vậy. Còn việc thực hiện điều mà bổn phận của chúng ta cần phải làm là điều gì? Thưa đó là làm điều tốt lành, chúng ta thấy câu chuyện dụ ngôn Chúa Giêsu kể người được Chúa cho ở bên hữu và ở bên tả, không biết mình đã làm điều gì, cũng như không biết mình không làm điều gì để được thưởng cũng như là bị phạt như vậy. Nhưng Chúa đã nói: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy." và: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy."
Nên chúng ta hiểu làm việc bổn phận mà chúng ta cần phải làm đó là làm việc tốt, làm vì đó là hình ảnh của Chúa, làm vì tiếng lương tâm của chúng ta thôi thúc.
Có một câu chuyện kể về Mẹ Têrêsa như thế này để minh họa cho chúng ta: Đó là, sau khi Mẹ Têrêsa được giải thưởng Hoà Bình, một ký giả người Mỹ đến Ấn độ để phỏng vấn Mẹ. Người ký giả đã tìm gặp được Mẹ Têrêsa ở đường phố Calcutta, đang phục vụ những người nghèo đói tật bệnh.
Người ký giả ngỡ ngàng vì con số kẻ khó và người bệnh tật quá đông, ông ta hỏi Mẹ Têrêsa: Làm thế nào Mẹ có thể thành công trong vấn đề giúp đỡ người nghèo khó đông như thế này?"
Sau một ít phút, Mẹ Têrêsa nhìn người ký giả trả lời: Chúng tôi không phục vụ để trông đòi thành công, chúng tôi phục vụ để làm chứng cho công việc của Chúa." Nên chúng ta thấy bổn phận là như vậy.
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết làm việc tốt lành không chỉ đó là lệnh Chúa truyền, mà xem đó như là bổn phận mà chúng ta phải làm, có như thế khi không có lệnh gì cả, chúng ta tự biết bổn phận của mình phải làm để mình làm, khi chúng ta có được suy nghĩ như vậy, chứng tỏ chúng ta đã có sự trưởng thành thật sự. Amen.
Thứ Ba - Tuần I Mùa Chay
(Is 55,10-11; Mt 6,7-15)
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Is 55,10-11: Lời Ta thực hiện điều Ta mong muốn.
Tv 34,18b: Chúa cứu người hiền đức khỏi mọi nỗi âu lo.
Mt 6,7-15: Vậy các ngươi hãy cầu nguyện như thế này.
Chúa Giêsu dạy chúng ta cách cư xử như con Thiên Chúa: “đừng có nhiều lời” (Mt 6,7). Lảm nhảm liên quan đến Tháp Babel trong Sáng thế ký 11, trong đó có sự nhầm lẫn giữa các ngôn ngữ như một hình phạt vì cố gắng xây tháp để tìm Chúa. Khi nói chuyện với cha mẹ, chúng ta chỉ nói những mình cần. Cầu nguyện không phải là để báo tin cho Thiên Chúa mà là xin Người cho tất cả những gì chúng ta cần, vì “Cha các con biết rõ điều các con cần, ngay cả trước khi các con xin” (Mt 6,8). Nhưng thông qua đối thoại / cầu nguyện, chúng ta sẽ biết và hiểu nhau hơn.
Kinh Lạy Cha như là một bản tóm tắt về đời sống Kitô hữu. Mỗi lần ta nói Cha của chúng ta, chúng ta để Cha nắm lấy tay, và ta hỏi Ngài những gì chúng ta cần mỗi ngày để trở thành con cái của Thiên Chúa tốt hơn. Trong Mùa Chay, Giáo hội đang yêu cầu chúng ta đào sâu lời cầu nguyện của mình. “Lời cầu nguyện, cuộc trò chuyện của chúng ta với Chúa, là kho báu tốt nhất của chúng ta vì nó có nghĩa là (...) được hợp nhất với Ngài” (Thánh Gioan Kim Khẩu). Hợp nhất với Chúa có nghĩa là chúng ta có Chúa; nếu chúng ta có Chúa, chúng ta có tất cả mọi sự. Không cần nhiều lời, mà chỉ cần mối tương quan tốt, vì Chúa cứu ta khỏi mọi nỗi âu lo!
Lm. Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu dạy các môn đệ của Chúa về đời sống cầu nguyện: “Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời. Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin.” Và sau đó, Chúa Giêsu dạy các môn đệ cầu nguyện bằng kinh Lạy Cha.
Tại sao lại đừng lải nhải như dân ngoại? bởi vì Chúa thường dạy chúng ta phải kiên trì cầu nguyện mà, và Chúa kể câu chuyện mình họa: “Ai trong anh em có một người bạn, và nửa đêm đến nhà người bạn ấy mà nói: "Bạn ơi, cho tôi vay ba cái bánh, vì tôi có anh bạn lỡ đường ghé lại nhà, và tôi không có gì dọn cho anh ta ăn cả"; mà người kia từ trong nhà lại đáp: "Xin anh đừng quấy rầy tôi: cửa đã đóng rồi, các cháu lại ngủ cùng giường với tôi, tôi không thể dậy lấy bánh cho anh được? Thầy nói cho anh em biết: dẫu người kia không dậy để cho người này vì tình bạn, thì cũng sẽ dậy để cho người này tất cả những gì anh ta cần, vì anh ta cứ lì ra đó.” (Lc 11, 5-8)
Chúng ta biết lải nhải như dân ngoại nó khác với kiên trì cầu nguyện, kiên trì là nói thật lòng, xin thật lòng, còn lải nhải có nghĩa là môi mép, mà môi mép thì những điều đó là không thật, bởi phải nói như thế nào để người khác nhận lời mình, nên điều Chúa muốn các môn đệ là khi cầu nguyện phải thật tình với Chúa đừng môi mép, đừng gian dối, vì Chúa biết tất cả.
Một cậu bé 10 tuổi rất hiếu động và nghịch ngợm. Một hôm, cậu được người ta tặng cho một chiếc rìu làm quà. Vô cùng thích thú với món quà là một chiếc rìu nhỏ sắc bén, cậu bé liền nảy ra một ý nghĩ: "Hay là mình thử chặt cây anh đào này đi coi thử cây rìu này có bén không...?”
Nghĩ vậy, cậu bé cầm chiếc rìu, và bắt đầu chặt nhánh đầu tiên, nhánh cây đứt ra nhẹ nhàng, cậu bé thích thú chặt tiếp nhánh thứ hai, rồi nhánh thứ ba... rồi chỉ trong thoáng chốc cây anh đào đang ra quả đã bị đốn hạ.
Khi phát hiện ra sự việc, cha cậu bé đã rất tức giận, vì đây là cây anh đào mà ông vô cùng yêu thích.
Ông giận dữ la lớn:
- Ai đã chặt cái cây này...?
Trước sự tức giận thể hiện rõ rệt trên gương mặt người cha, cậu bé run lên vì sợ. Cậu ngước lên nhìn khuôn mặt của cha mình ngay lúc này, chỉ thấy sự nghiêm nghị và phẫn nộ ở trong đó, hoàn toàn không có sự dịu dàng như thường ngày.
Cậu rụt rè nói: Thưa cha, chính con đã chặt nó, con xin lỗi cha...!
Người cha thấy con quá sợ hãi nên nói: Nếu con đã sợ hãi như vậy tại sao con không chối...?
Cậu bé ngẩng mặt lên nói: Thưa cha con đã phạm lỗi rồi lại còn dấu lỗi của mình nữa là rất hèn hạ, con không thể nói dối cha được...!
Nghe thấy câu nói đầy bất ngờ từ cậu con trai, người cha hoàn toàn sững sờ...! Ông không nghĩ một đứa trẻ khi thấy cha mình tức giận như vậy lại không hề nghĩ cách chối tội, mà dũng cảm thừa nhận sai lầm của mình, còn khẳng định: “Con không thể nói dối cha được".
Vì thế, ông đã ngồi xuống bên cậu con trai của mình, ôm cậu vào lòng rồi nói: Sự trung thực của con còn đáng giá gấp ngàn lần cây anh đào đó nữa...!
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta hiểu được như vậy để trong đời sống đức tin, cũng như trong đời sống thường ngày biết sống sự thật, khi chúng ta biết sống thật, thì đời sống của chúng ta mới có giá trị. Amen.
Thứ Tư - Tuần I Mùa Chay
(Gn 3,1-10; Lc 11,29-32)
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Gn 3,1-10: Dân thành Ninivê đã bỏ đàng tội lỗi.
Tv 51,19b: Lạy Chúa, xin đừng chê tấm lòng tan nát, khiêm cung.
Lc 11,29-32: Không ban cho dòng giống này điềm lạ nào ngoài điềm lạ của tiên tri Giôna.
Giôna thuyết phục mọi người thay đổi tâm hồn và tìm cách sống dựa vào Chúa và điều chỉnh các lịch trình ích kỷ. Ta thường đặt ra các ưu tiên và lịch trình của mình theo cách mà người Ninivê đã làm trước khi ăn năn. Trong Phúc âm, Chúa Giêsu cảnh báo không nên tìm kiếm những dấu hiệu sai lệch có thể dẫn ta đi sai hướng hoặc theo đuổi điều gì đó ngoài sự gần gũi và đồng hành với Ngài. Niềm hy vọng và sự quan tâm của Chúa dành cho ta thể hiện rõ ràng trong sự kiên trì và khích lệ của Giôna, và thậm chí còn hơn thế nữa, trong con người của Chúa Giêsu. Chúa Cha và Chúa Giêsu không ngừng làm việc trong cuộc sống và giữa những kinh nghiệm chúng ta có, Chúa xâm nhập vào cuộc sống của ta.
Mùa Chay này, ta có thể cầu xin Chúa nhận biết về sự hiện diện của Đức Kitô và sự thúc giục của Chúa Thánh Thần trong cuộc sống hàng ngày. Có lẽ ta có thể sống chậm lại và tìm cách lắng nghe gần hơn một chút tiếng nói của Chúa trong tâm hồn, trong kinh nghiệm của mình, thúc giục ta thoát khỏi những cung cách ích kỷ. Giống như người dân Ninivê, ta có nhiều khả năng lắng nghe tiếng nói của Chúa và thay đổi tâm hồn để phù hợp hơn với hy vọng của Chúa nơi ta.
Lm. Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy những người do thái thời bấy giờ đòi những dấu lạ khác, nhưng Chúa nói chẳng có dấu lạ nào khác ngoài dấu lạ của ngôn sứ Giôna.
Nếu chúng ta mở rộng ra chúng ta thấy dấu lạ của ngôn sứ Giôna đó là những điều chân thật mà ông đem đến để kêu gọi dân ăn năn sám hối, vì sau này chính Chúa Giêsu cũng là điềm lạ cho dân y như vậy. Nhưng dân chúng lại đòi dấu lạ khác, vậy dấu lạ khác là dấu lạ nào?
Thưa vì dấu lạ Giôna là điều chân thật, thì dấu lạ khác sẽ ngược lại với dấu lạ Giôna, mà điều gì trái ngược với sự chân thật, thì đó chính là những sự gian dối, nên Chúa Giêsu nói sẽ không có dấu lạ nào ngoài dấu lạ của ngôn sứ Giôna.
Chúng ta thấy ngày nay con người của chúng ta có đi tìm những dấu lạ khác hay không? Thưa có.
Chẳng hạn như bây giờ chúng ta thuộc giáo xứ nào đó, mà vấn đề hôn phối của chúng ta theo như giáo luật thì đang bị ngăn trở, không thể giải quyết được. Thay vì chúng ta nhận ra điều đó để sám hối, thì chúng ta lại chạy đi đến những nơi khác để giúp cho chúng ta, có thể những nơi khác làm giúp cho chúng ta được đó, vì họ không biết, nhưng không thành sự, hoặc thành sự nhưng không hợp pháp, và như thế có phải đó là sự gian dối hay không?
Hay khi đi xưng tội, vì muốn được rước lễ, vì muốn được tha tội, có tội mà linh mục không thể giải tội được như ngoại tình, nhưng chúng ta cố tình che dấu tội lỗi của mình, thì đó cũng là sự gian dối, vì muốn dấu lạ khác.
Những điều đó là dấu lạ khác, mà con người ngày nay hay tìm kiếm và dấu lạ khác đó sẽ làm gương xấu cho người khác.
Nên chúng ta được mời gọi phải sống chân thật, khi chúng ta sống chân thật, chúng ta sẽ là dấu lạ thật để làm chứng cho Chúa, để mời gọi người khác ăn năn sám hối trở về với Chúa.
Có một nghệ sĩ biểu diễn lão làng bước lên sân khấu, đệ tử của ông ta nói với ông ta rằng dây giày bị tuột rồi. Nghệ sĩ này gật đầu cảm ơn rồi ngồi xuống buộc lại dây giày.
Đợi để tử quay người đi rồi, ông lại ngồi xuống nới lỏng dây giày ra. Một khán giả ở dưới nhìn thấy tất cả, cảm thấy khó hiểu nên đã cất tiếng hỏi: "Đại sư, tại sao ông lại nới lỏng dây giày ra vậy?"
"Vì vai diễn mà tôi sẽ vào vai sẽ là một lữ khách mệt mỏi, đường xa vất vả đã khiến dây giày của ông ta bị lỏng ra, có thể thể hiện sự vất vả, mệt mỏi và tiều tụy của ông ta qua chi tiết này."- nghệ sĩ đáp.
"Vậy tại sao ông không nói thẳng điều này với đệ tử của mình?"
"Cậu ta phải rất để ý nên mới phát hiện dây giày của tôi lỏng, lại rất nhiệt tình nhắc tôi, tôi nhất định phải giữ gìn và bảo vệ sự tích cực, nhiệt tình này, kịp thời cổ vũ cậu ấy.
Còn về việc tại sao tôi phải nới lỏng dây giày, sau này tôi sẽ có nhiều cơ hội hướng dẫn, dậy cậu ấy biểu diễn, có thể lần sau tôi sẽ nói."
Chúng ta thấy hình ảnh đó có phải là hình ảnh của dấu lạ thật hay không? Thưa phải.
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết sống chân thật, biết sống theo lời của Chúa dạy để là dấu lạ thật cho những người khác noi gương bắt chước, để họ ăn năn sám hối trở về với Chúa. Amen.
Thứ Năm - Tuần I Mùa Chay
Lập Tông Toà Thánh Phêrô (LK)
(1Pr 5,1-4; Mt 16,13-19)
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
1 Pr 5,1-4: Là kỳ lão và nhân chứng cuộc khổ hình của Chúa Kitô.
Tv 23,1: Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi.
Mt 16,13-19: Con là Đá, Cha sẽ trao cho con chìa khóa nước trời.
Lễ ngai tòa Thánh Phêrô nhắc ta thẩm quyền của Giáo hoàng. Thư thánh Phêrô và Thánh vịnh về Chúa Chiên Lành nhắc nhở ta rằng uy quyền của Chúa luôn là về tình yêu sáng tạo. Người thi hành quyền đó phải làm như vậy trong bối cảnh tình thương mà Thiên Chúa bày tỏ cho mỗi loài thụ tạo. Thất bại quyền hành là lạm dụng thẩm quyền của Chúa. Lưu ý điều rất quan trọng này, quyền đại diện cho Chúa có giá trị ngay cả khi được thực thi không tốt.
Phúc âm bày tỏ quyền mà Chúa ban cho Hội thánh để nói và hành động nhân danh Chúa. Phêrô, tảng đá của sự hợp nhất, có quyền năng kết nối các chi thể của Hội Thánh lại với nhau nhân danh Đức Kitô. Vì ông biết rằng Chúa Giêsu là tiếng của Chúa trên trần gian, rằng Chúa Giêsu là nguồn ơn cứu độ, và Phêrô phải hành động theo cách của Chúa Giêsu. Vì vậy, ta cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng luôn sống trung thành với Đức Kitô và có lòng biết ơn về ơn cứu độ của Chúa đối với tất cả mọi người. Niềm vui, niềm hy vọng và sự thành toàn của mỗi người nằm trong việc sống trong Triều đại của Chúa ở đây và bây giờ - và ngai tòa của Phêrô là biểu tượng cho quyền lực của Chúa trong việc đoàn kết mọi người trong một cộng đồng yêu thương.
Lm. Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy sau khi Phêrô tuyên xưng Chúa Giêsu: "Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống."
Thì Chúa Giêsu nói với ông: "Này anh Simôn con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy."
Hình ảnh này cho chúng ta thấy được điều gì? Có phải chỉ vì Phêrô tuyên xưng Chúa Giêsu như vậy nên được thưởng không? Nói cách khác là có công được thưởng?
Chắc không phải như vậy, nếu theo lập luận có công được thưởng, có tội thì bị phạt thì sau đó tại sao Phêrô chối Chúa, Chúa lại không phạt rút lại điều mà Chúa Giêsu đã thưởng.
Nếu không phải như vậy, thì có phải là do ngẫu hứng Chúa Giêsu mới ban thưởng cho Phêrô điều đó, nên không thể rút lại lời mình đã nói.
Chúng ta hãy nhớ lại trong tin mừng có kể câu chuyện vua Hêrôđê, nhân ngày sinh nhật của ông, con gái bà Hê-rô-đi-a đã biểu diễn một điệu vũ trước mặt quan khách, làm cho nhà vua vui thích. Bởi đó, vua thề là hễ cô xin gì, vua cũng ban cho. Nghe lời mẹ xui bảo, cô thưa rằng: "Xin ngài ban cho con, ngay tại chỗ, cái đầu ông Gio-an Tẩy Giả đặt trên mâm." Nhà vua lấy làm buồn, nhưng vì đã trót thề, lại thề trước khách dự tiệc, nên truyền lệnh ban cho cô. Vua sai người vào ngục chặt đầu ông Gio-an. (x. Mt 14, 6-10).
Như vậy, có phải Chúa Giêsu ngẫu hứng như Hêrode?
Thưa không, chúng ta hãy nhớ trước khi chọn 12 tông đồ thì Chúa Giêsu đã làm gì? Thưa Chúa Giêsu đã cầu nguyện suốt đêm với Thiên Chúa Cha, và ngày hôm sau Ngài kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ.
Như vậy, việc trao phó chìa khóa Nước Trời cho Phêrô không phải là ngẫu hứng, cũng không phải vì Phêrô tuyên xưng điều đó mà được thưởng, mà là ý muốn nhiệm mầu của Chúa, là tình yêu mà Chúa ban cho Phêrô.
Nên mừng lễ thiết lập tông tòa thánh Phêrô chúng ta được mời gọi tạ ơn Chúa cùng vời thánh Phêrô vì yêu mà Chúa đã chọn Phêro để cai quản Hội Thánh Chúa ở trần gian.
Bên cạnh đó, khi mừng lễ hôm nay, chúng ta được mời gọi cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng, cầu nguyện cho các giám mục, cho các linh mục, cho tất cả mọi người đã giúp đỡ chúng ta cách này hay cách khác, bởi vì qua họ mà có chúng ta ngày hôm nay, chúng ta được hưởng biết bao ơn lành của Chúa.
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta luôn mang tâm tình biết ơn Chúa, và tâm tình biết ơn nhau, đó là điều mà Chúa muốn chúng ta thực hiện trong cuộc đời của mình, xin thánh Phêrô cầu bàu cùng Chúa cho chúng ta. Amen.
Thứ Sáu - Tuần I Mùa Chay
(Ed 18,21-28; Mt 5,20-26)
Lm. Tôma Lê Duy Khang
Có một câu chuyện vui kể rằng, có một ông huyện rất thanh liêm, không ăn của đút lót bao giờ. Bà vợ thấy tình chồng như vậy cũng không dám nhận lễ của ai. Có làng nọ muốn nhờ quan bênh cho được kiện, nhưng mang lễ vật gì đến, quan cũng gạt đi hết. Họ mới tìm cách đút lót bà huyện. Bà huyện cũng từ chối đây đẩy:
- Nhà tôi thanh liêm lắm, tôi mà nhận của các ông thì mười, hay mười lăm năm sau ông ấy biết ông ấy cũng vẫn còn rầy rà tôi đấy!
- Dân làng năn nỉ mãi, bà nể tình mới bày cách: Quan huyện nhà tôi tuổi “Tí”. Dân làng đã có ý như vậy, thì hãy về đúc một con chuột bằng bạc đển đây, rồi tôi thử cố nói giùm cho, họa may được chăng!
- Dân làng nghe lời về đúc một con chuột cống thật to, ruột đặc toàn bằng bạc, đem đến.
- Một hôm quan huyện trông thấy con chuột bạc, mới hỏi ở đâu ra, bà huyện liền đem sự tình kể lại
- Nghe xong, ông huyện mắng: Sao mà ngốc vậy! Lại đi bảo là tuổi “Tí”! Cứ bảo tuổi “Sửu” có được không?
Đây chỉ là câu chuyện vui nhưng nó muốn nói cho chúng ta biết con người của chúng ta thường sống theo kiểu tương quan công bằng có qua có lại.
Nhưng đối với Chúa thì có chuyện đó không?
Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Nếu anh em không công chính hơn các luật sĩ và biệt phái, thì các ngươi chẳng được vào Nước Trời”. Nói như như vậy có phải vì sống công chính hơn là được vào Nước Trời.
Chúng ta biết sống công chính hơn chỉ là điều kiện cần để được vào Nước Trời, còn điều kiện đủ là do ơn của Chúa, do lòng thương xót của Chúa.
Và việc chúng ta sống công chính hơn là lợi cho ta, chứ không có lợi cho Chúa.
Chúng ta hãy nhớ lại khi Thiên Chúa tạo dựng ông bà nguyên tổ Thiên Chúa đã làm gì?
Thưa đầu tiên khi tạo dựng con người và đặt con người vào vườn Ê-đen, để cày cấy và canh giữ đất đai. ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa truyền lệnh cho con người rằng: "Hết mọi trái cây trong vườn, ngươi cứ ăn; nhưng trái của cây cho biết điều thiện điều ác, thì ngươi không được ăn, vì ngày nào ngươi ăn, chắc chắn ngươi sẽ phải chết." (St 2,16-17).
Sau đó Thiên Chúa phán: “Con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó. ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa lấy đất nặn ra mọi dã thú, mọi chim trời, và dẫn đến với con người, xem con người gọi chúng là gì: hễ con người gọi mỗi sinh vật là gì, thì tên nó sẽ là thế. Con người đặt tên cho mọi súc vật, mọi chim trời và mọi dã thú, nhưng con người không tìm được cho mình một trợ tá tương xứng. ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa cho một giấc ngủ mê ập xuống trên con người, và con người thiếp đi. Rồi Chúa rút một cái xương sườn của con người ra, và lắp thịt thế vào. ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa lấy cái xương sườn đã rút từ con người ra, làm thành một người đàn bà và dẫn đến với con người. Con người nói: "Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi! Nàng sẽ được gọi là đàn bà, vì đã được rút từ đàn ông ra." (St 2, 18-23).
Nên chúng ta thấy Chúa chỉ muốn điều lợi cho con người, chứ đâu có điều gì là lợi cho Chúa.
Hiểu được điều đó, chúng ta được mời gọi sống công chính hơn để đáp lại tình thương của Chúa, để chúng ta được trở về sống trong tình thương của Chúa. Amen.
Thứ Bảy - Tuần I Mùa Chay
(Đnl 26,16-19; Mt 5,43-48)
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Đnl 26,16-19: Để ngươi trở thành dân thánh của Chúa là Thiên Chúa ngươi.
Tv 119,1b: Phúc cho những ai tiến thân trong Luật pháp của Chúa.
Mt 5,43-48: Các ngươi hãy nên trọn lành như Cha các ngươi trên trời.
Hôm nay, Phúc âm nói rằng hãy yêu kẻ thù, những người bắt bớ chúng ta và những người khó yêu. Yêu thương là nền tảng thực sự cần thiết cho các nhà lãnh đạo quốc gia và cộng đoàn. Bởi lẽ mỗi người đều là con của Thiên Chúa. Mỗi người đều là anh chị em của nhau. Khi chiến tranh xảy ra, người ta trở thành kẻ thù. Ngay cả khi họ không muốn chống lại hoặc đánh nhau; họ phải tuân theo các mệnh lệnh. Bài Tin Mừng này cũng nhắc nhở rằng mặt trời mọc, mưa rơi xuống trên mỗi người đều do Chúa. Ta được mời gọi để yêu thương một cách quảng đại và rộng rãi. Tình yêu là thử thách đối với con người nhưng hoàn toàn có thể đối với Thiên Chúa.
Chúng ta là con cái của Chúa. Như vậy, ta phải thực hành giới răn yêu thương thay vì ghét bỏ những người đồng loại. Khi yêu thì ta muốn làm điều tốt cho người khác, và nhờ đó mà ta được kiện toàn. Ta không yêu vì lợi ích của riêng mình, mà vì lợi ích của việc làm tốt cho người thân cận của mình và cải thiện tư cách của con người. Ta dành thời gian cầu nguyện cho công lý và hòa bình, cho tất cả những người bị bách hại hay bị tổn thương do người khác. Nếu ta có thể làm như vậy, ta tuân theo luật pháp của Chúa.
Lm. Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu dạy các môn đệ: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.” Và Chúa nói thêm: “Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao? Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.” Nghĩa là mình yêu kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ thù để chúng ta trở nên giống Chúa hơn, trở nên hoàn thiện giống như Chúa. Hay nói cách khác là chúng ta làm những điều đó hướng về Chúa.
Giống như Mẹ thánh Têresa Calcuta. Có người hỏi Mẹ rằng: Bà làm việc bác ái là để lôi kéo những người đau khổ đó theo Đạo Công giáo phải không? Mẹ Têrêsa đã trả lời rằng: "Tôi coi những NGƯỜI ĐAU KHỔ đó là CHÚA GIÊSU, nên tôi phục vụ họ!"
Nhưng ngoài việc chúng ta yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ thù vì Chúa, vì để mình trở nên hoàn thiện, thì chúng ta được mời gọi yêu thương kẻ thù, và cầu nguyện cho kẻ thù vì đó là điều đúng đắn, vì đó là điều đáng nên làm.
Có một câu chuyện kể về ông ông khách hành lớn tiếng bảo nhân viên phục vụ: “Cô kia, lại đây ngay!”.
Ông ta chỉ vào chiếc ly trước mặt, hằm hằm nói: “Nhìn đi! Sữa của cô hỏng rồi, nó làm tách hồng trà của tôi cũng bị hư theo.”
“Thật xin lỗi!” Cô phục vụ lễ phép mỉm cười và đáp: “Tôi sẽ lập tức đổi cho ngài ly khác.” Tách hồng trà mới nhanh chóng được chuẩn bị, giống tách trà ban đầu, được bưng ra cùng với chanh và sữa.
Cô gái nhẹ nhàng đặt tách trà trước mặt vị khách, dịu dàng nói: “Tôi có thể góp ý cho ngài không? Nếu đã cho chanh vào trà thì không nên cho thêm sữa, bởi vì có lúc độ chua của chanh có thể làm cho sữa vón cục.”
Mặt của vị khách bỗng đỏ lên, ông ta nhanh chóng uống hết tách trà rồi rời khỏi quán. Có người cười rồi hỏi cô phục vụ: “Rõ ràng là ông ta sai, sao cô không nói thẳng ra? Ông ta gọi cô thô lỗ như vậy, sao sắc mặt cô không có chút thay đổi vậy?” Cô gái bình thản trả lời: “Chính vì ông ta thô lỗ nên tôi phải dùng biện pháp mềm dẻo. Bởi vì là lẽ phải nên không cần to tiếng. Những người không có lý, sẽ thường to tiếng lấn át người khác, những người có lý sẽ dùng cách ôn hòa để kết bạn!”
Nên để yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ thù, chúng ta hãy thay đổi cái nhìn của mình đó là không chỉ làm vì đó là điều Chúa dạy để trở nên hoàn thiện, mà làm điều đó vì đó là điều đúng mà mình cần phải làm. Amen.