
CHÚA NHẬT PHỤC SINH
Vọng Phục Sinh
Tôma Lê Duy Khang
Trong thánh lễ đêm nay, có một cái được đề cao một cách khác thường, đó là cái gì chúng ta có biết không? thưa đó là cây nến Phục Sinh.
Đầu lễ, giữa tăm tối âm u, duy chỉ một cây nến Phục Sinh được thắp sáng, rồi được rước lên, giương cao với câu xướng: “Ánh sáng Chúa Kitô” để mọi người thờ lạy. Hơn nữa, còn được xông hương và đặt ở một nơi trang trọng.
Lửa cây nến Phục Sinh đã được dùng để thắp sáng các cây nến khác, tượng trưng cho tâm hồn của mỗi người kitô hữu. Mọi ánh lửa trong nhà thờ đêm nay, đều phát xuất do một nguồn, một trung tâm đó là cây nến Phục Sinh.
Với những chi tiết đó, Giáo Hội muốn nói với chúng ta điều gì? thưa muốn nói chúng ta, cây Nến Phục Sinh là hình ảnh Chúa Kitô. Giữa muôn vàn khó khăn như bóng tối bao trùm cuộc sống con người, Đức Kitô xuất hiện như ngọn lửa cứu độ đốt tan tối tăm của sự dữ.
Đó là hình ảnh của ngọn nến phục sinh, tác dụng của cây nến phục sinh một cách hiển nhiên mà ai trong chúng ta cũng thấy được, để cảm nhận, để thấy được rằng điều đó muốn nói về Chúa Giêsu là ánh sáng cứu độ.
Còn một cái nhìn khác nữa, cái nhìn về cây nến phục sinh mà mỗi người chúng ta ít ai để ý đến, để nói về hình ảnh của Chúa Giêsu đã tự hiến để cho chúng ta được sống.
Chúng ta biết, nến phục sinh được làm từ chất liệu gì hay không? Trong bài Exuttes chúng ta nghe thừa tác viên công bố, có nói đến ngọn nến Phục Sinh được làm từ sáp ong: “Kính lạy Cha Chí Thánh trong đêm tràn đầy ân sủng này cúi xin Cha vui nhận lễ tán tụng chiều hôm, trong nghi lễ long trọng hiến dâng cây nến sáp ong này mà Hội Thánh dâng lên qua tay thừa tác viên. Giờ đây chúng con rõ lời tán dương của cây nến này được đốt lên để tôn vinh Chúa, lửa này tuy thắp ra thành nhiều ngọn nhưng ánh sáng vẫn không hề giảm suy vì luôn cháy bằng nến sáp do ong mẹ đã tạo ra. Nguồn: https://www.dieuca.net/2018/03/exultet-nvh.html”
Mỗi năm chúng ta thắp nến Phục Sinh nhưng có bao giờ chúng ta nghĩ về những chú ong đã làm nên cây nến?
Thánh Gioan Kim Khẩu trong một bài giảng của ngài đã gợi lên ý tưởng này.
NHIỀU NGƯỜI KHÂM PHỤC TÍNH CẦN CÙ CHỊU KHÓ CỦA NHỮNG CHÚ ONG
NHƯNG ÍT NGƯỜI NGHĨ ĐẾN SỰ CẦN CÙ CỦA CHÚNG LÀ VÌ AI?
ONG VẤT VẢ KHÔNG PHẢI VÌ BẢN THÂN MÌNH NHƯNG VÌ NGƯỜI KHÁC VÀ CHO NGƯỜI KHÁC.
ONG VẤT VẢ ĐỂ ĐEM LẠI SÁP ONG MÀ TA LÀM NẾN, VÀ MẬT NGỌT ĐỂ CHO NGƯỜI THẾ HƯỞNG DÙNG.
Vì thế ong cũng là biểu tượng của Đấng đã tự nguyện chết để cho ta được sống.
Lễ phục sinh năm nay, mỗi khi tận hưởng ánh sáng, mỗi khi ăn chút mật ngọt xin cho chúng ta biết tạ ơn vì những chú ong, và nhớ đến Đức Kito, Đấng đã chết vì chúng ta. Và nhờ đó ta cũng tiếp tục hy sinh mang mật ngọt và ánh sáng cho đời. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
St 1,1–2,2: Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm thật là tốt đẹp.
Xh 14,15–15,1: Con cái Israel đi vào giữa lòng biển khô cạn.
Is 54,5-14: Trong tình yêu vĩnh cửu, Chúa Cứu Chuộc đã xót thương ngươi.
Rm 6,3-11: Chúa Kitô, một khi tự trong cõi chết sống lại, Người không chết nữa.
Lc 24,1-12: Tại sao các bà tìm người sống nơi những kẻ chết?
Hôm nay, ta bước vào mầu nhiệm canh thức Phục sinh. Các cộng đồng Kitô hữu khắp nơi trên thế giới sẽ tụ họp trong bóng tối và sau đó hân hoan trong ánh sáng của Đức Kitô. Ta vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng nên ta, Đấng đã dẫn dắt dân tuyển chọn ra khỏi ách nô lệ, đã cho Chúa Giêsu sống lại khỏi sự chết. Ta vui mừng vì cái chết không có chiến thắng cuối cùng đối với chúng ta. Tất cả mọi người đều đã được rửa tội trong cái chết của Chúa Giêsu để có thể có được sự sống đời đời với Ngài.
Ta chuẩn bị tâm hồn để đón nhận Tin Mừng của sự sống. Ngôi mộ trống và sẽ trống rỗng mãi mãi, cho thấy cuộc sống của ta sẽ không kết thúc mà chỉ biến đổi. Một ngày nào đó, tất cả mọi người sẽ được yên nghỉ trong vòng tay của Chúa Giêsu Phục Sinh. Nếu ta thực sự tin rằng cái chết không có quyền lực thực sự nào đối với ta, chúng ta có thể bước đi mỗi ngày với lòng can đảm và tự do trong ân sủng được ban tặng để cho đi cuộc sống của chúng ta trong tình yêu. Mừng Chúa Phục sinh!
Lễ Phục Sinh
Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy việc Chúa Giêsu hiện ra trước tiên với Bà Maria Madalena, để rồi bà về báo cho ông Simon và Gioan.
Tin mừng thuật lại tiếp sau khi báo tin hai người cùng chạy tới mộ, kẻ trước người sau. Tin mừng không nói gì về phản ứng của Phêro khi thấy những sự việc xảy ra bên trong mộ, nhưng nói về phản ứng của Gioan đó là: “Ông đã thấy và ông đã tin”, nghĩa là trước đó các ông đã không tin, và tin mừng nói thêm: “Thật vậy, trước đó, hai ông chưa hiểu rằng theo kinh thánh, Chúa Giêsu phải trỗi dậy từ cõi chết”, thấy rồi mới tin, chưa thấy chưa tin, hay nói cách khác chưa hiểu chưa tin, hiểu rồi mới tin.
Và thật sự là như vậy, sau khi đã tin rồi thì Phêro cũng đã làm chứng cho Chúa qua lời giảng dạy của mình, mà trong bài đọc 1 chúng ta vừa nghe: “Quý vị biết rõ biến cố đã xảy ra trong toàn cõi Giu-đê, bắt đầu từ miền Ga-li-lê, sau phép rửa mà ông Gio-an rao giảng. Quý vị biết rõ: Đức Giê-su xuất thân từ Na-da-rét, Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người. Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Người. Còn chúng tôi đây xin làm chứng về mọi việc Người đã làm trong cả vùng dân Do-thái và tại chính Giê-ru-sa-lem. Họ đã treo Người lên cây gỗ mà giết đi. Ngày thứ ba, Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy, và cho Người xuất hiện tỏ tường, không phải trước mặt toàn dân, nhưng trước mặt những chứng nhân Thiên Chúa đã tuyển chọn từ trước, là chúng tôi, những kẻ đã được cùng ăn cùng uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại. Người truyền cho chúng tôi phải rao giảng cho dân, và long trọng làm chứng rằng chính Người là Đấng Thiên Chúa đặt làm thẩm phán, để xét xử kẻ sống và kẻ chết. Tất cả các ngôn sứ đều làm chứng về Người và nói rằng phàm ai tin vào Người thì sẽ nhờ danh Người mà được ơn tha tội."
Còn thánh Phaolo mặc dầu được Chúa kêu gọi sau, để làm tông đồ của Chúa, nhưng ông cũng tin vào Chúa phục sinh, nên ông mời gọi giáo đoàn Côloxe: “Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Ki-tô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Ki-tô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới. Thật vậy, anh em đã chết, và sự sống mới của anh em hiện đang tiềm tàng với Đức Ki-tô nơi Thiên Chúa. Khi Đức Ki-tô, nguồn sống của chúng ta xuất hiện, anh em sẽ được xuất hiện với Người, và cùng Người hưởng phúc vinh quang.”
Nên chúng ta thấy sở dĩ các môn đệ tin Chúa Giêsu đã phục sinh vì Chúa đã phục sinh thật sự, nghĩa là các ông đã biết, cũng như đã nhớ lại những lời tiên báo của Chúa trước đó.
Áp dụng vào cuộc đời của chúng ta, khi không biết một ai đó, thì chắc chắn là chúng ta không tin, chúng ta sợ hãi về người mà chúng ta không biết, còn khi biết rồi thì chúng ta không còn sợ hãi nữa.
Có một câu chuyện vui như thế này:
Một nhóm giáo sư đi cùng nhau để dự 1 hội nghị ở nước ngoài.
Khi các cửa đã đóng và máy bay sắp cất cánh, tất cả bọn họ đều nhận được tin nhắn rằng chiếc máy bay này là do chính sinh viên của họ chế tạo ra.
Các vị giáo sư đáng kính hốt hoảng lao ra cửa máy bay, cố gắng thoát thân.
Nhưng kỳ lạ thay, vẫn có 1 vị giáo sư vẫn ngồi rất tự tin và bình tĩnh.
Người ta hỏi ông tại sao không tháo chạy ra khỏi máy bay như mấy ông kia.
Giáo sư tự tin trả lời: Vì các sinh viên đó là học trò của chúng tôi.
Câu hỏi tiếp theo: ông có chắc rằng ông đã dạy chúng tử tế không?
Giáo sư trả lời khẽ: Tôi chỉ chắc chắn là cái máy bay này sẽ không bao giờ bay được.
Nên trong cuộc sống của mỗi người chúng ta đối với Chúa thì chúng ta được mời gọi tin vào Chúa, đối với nhau chúng ta cũng phải tin vào nhau, nhưng chính nơi mỗi người phải làm sao để giúp cho người khác hiểu về Chúa, hiểu về chính chúng ta để họ tin tưởng vào chúng ta, còn ngược lại khi không ai biết về chúng ta, khi chúng ta đánh mất niềm tin vào người khác, thì ai còn tin vào chúng ta nữa. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Cv 10,34a.37-43: Chúng tôi đã ăn uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại.
Tv 118,24: Đây là ngày Chúa đã lập ra, chúng ta hãy mừng rỡ hân hoan về ngày đó.
Cl 3,1-4: Anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Đức Kitô ngự.
Ga 20,1-9: Người phải sống lại từ cõi chết.
Người ta nói rằng, chết là hết. Tuy nhiên, có một số trường hợp người chết được sống lại, như Lazarô và những người khác. Đó sẽ là sự hồi sinh, sự trở lại cuộc sống bình thường. Cuối cùng thì Lazarô đã phải trải qua tất cả một lần nữa…hấp hối, gia đình đau buồn, chôn cất. Chúa Giêsu đã không “trở lại”. Ngài đã đi qua, đã vượt qua. Như Thánh Phaolô đã nói, Thần Chết sẽ không còn quyền lực nào đối với Ngài nữa.
Vì sự sống lại không phải là điều mà Ngài giữ cho riêng mình. Tất cả những gì Ngài có, Ngài đều chia sẻ với ta: Cha Ngài, Mẹ Ngài, Thánh Thần của Ngài, thể xác, máu, linh hồn và thần tính của Ngài, và cả sự sống phục sinh của Ngài. Và ta có thể bắt đầu chia sẻ trong Cuộc sống Phục sinh này ngay bây giờ, trải nghiệm sức mạnh tái tạo của nó trong tâm hồn và ngay cả trong cơ thể của ta. Ta có thể tiếp cận sự sống này bằng nhiều cách, đặc biệt là trong Bí tích Thánh Thể. Vì thân xác Chúa Kitô được lãnh nhận trong bí tích này là thân xác đã sống lại, được tôn vinh của Ngài để chúng ta cũng được sống muôn đời (x. Ga 6,40-65). Chúa nay thực đã Phục Sinh. Alleluia! Alleluia!
Thứ Hai - Tuần Bát Nhật Phục Sinh
Mt 28,8-15
Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta một lý chứng nữa để chứng mình Chúa phục sinh, lý chứng đó là: “Các bà đang đi, thì có mấy người trong đội lính canh mồ vào thành báo cho các thượng tế biết mọi việc đã xảy ra. Các thượng tế liền họp với các kỳ mục; sau khi bàn bạc, họ cho lính một số tiền lớn, và bảo: "Các anh hãy nói như thế này: Ban đêm đang lúc chúng tôi ngủ, các môn đệ của hắn đã đến lấy trộm xác. Nếu sự việc này đến tai quan tổng trấn, chính chúng tôi sẽ dàn xếp với quan và lo cho các anh được vô sự." Lính đã nhận tiền và làm theo lời họ dạy. Câu chuyện này được phổ biến giữa người Do-thái cho đến ngày nay.”
Nhưng Chúa có thích lý chứng này hay không? Thưa không thích, bởi đó là sự gian dối, có cha mẹ nào muốn con mình đi ăn cướp người ta để đem tiền về cho mình không? Chắc chắn là không, nếu cha mẹ đó có lòng thương con.
Và chúng ta biết sự xấu đó để lại tiếng xấu muôn đời.
Chúng ta hãy nhớ lại câu chuyện người phụ nữ lấy dầu thơm xức chân Chúa ở nhà ông Simon cùi, mà tin mừng Mattheu thuật lại, cuối đoạn đó, Chúa Giêsu nói: “Thầy bảo thật anh em: Tin Mừng này được loan báo bất cứ nơi nào trong khắp thiên hạ, thì người ta cũng sẽ kể lại việc cô vừa làm mà nhớ tới cô." (Mt 26,13). Làm điều tốt thì được tiếng muôn đời.
Nhưng làm sao để làm điều tốt và tránh điều xấu?
Chúng ta biết điều xấu điều tội lỗi nó để lại một cơn cám dỗ ngọt ngào trong lòng chúng ta, vì dụ hút thuốc, uống rượu… tạo cảm giác ngọt ngào.
Thế nhưng điều tốt có làm cho ta có cảm giác ngọt ngào không? Thưa cũng có nữa.
Có một người đã nói với tôi: Thưa cha cha biết không có những việc con làm có thể người ta thấy người ta coi thường con, nhưng sau khi con đến con tiếp xúc với người khác thì lúc đó họ mới hiểu con.
Tại sao lại nói được câu nói này vì ông đã kinh nghiệm được sự ngọt ngào khi làm điều tốt lành, khi nghe câu nói này mình phải bái phục ông này, không phải chỉ bái phục sát đất, mà còn đào xuống mấy lớp đất để mà bái phục vì người ta đã cảm nhận được điều đó và người ta nói lại kinh nghiệm đó cho mình nghe, để mình thấy rằng tội lỗi cũng để lại sự ngọt ngào, nhưng đằng sau sự ngọt ngào đó là đau khổ, là vị đắng, còn việc tốt lành cũng để lại sự ngọt ngào, và sự ngọt ngào này làm cho chúng ta muốn nếm mãi, không chán.
Xin cho chúng ta hiểu được như vậy, để cảm nhận được sự ngọt ngào khi làm điều tốt lành, để cố gắng làm điều tốt lành, và tránh làm điều xấu, để điều tốt lành mưu ích cho cuộc đời, và cũng để làm chứng cho Chúa. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Cv 2,14.22-32: Thiên Chúa đã cho Đức Kitô phục sinh, và tất cả chúng tôi làm chứng về Người.
Tv 16,1: Xin bảo toàn con, lạy Chúa, vì con tìm nương tựa Chúa.
Mt 28,8-15: Hãy đi nói với anh em đến Galilêa mà gặp Ta ở đó”.
Chúa Kitô đã sống lại, và sau đó đã hiện ra với các tông đồ và bảo họ đừng sợ. Sợ hãi là cách ta phản ứng với những điều không mong đợi, những điều xảy ra dường như nằm ngoài sức tưởng tượng, những điều khiến ta choáng ngợp ngay cả khi đó là một tin tốt. Sự sợ hãi và vui mừng của Maria và các môn đệ kết hợp lại khi họ trải nghiệm thực tế mới này. Chúa Giêsu biết thậm chí cần nhiều thời gian để hiểu và bảo các môn đệ đừng sợ. Đây là nơi mà đức tin là điều cần thiết. Chiến thắng nỗi sợ hãi để tin tưởng là điều Chúa yêu cầu ta làm.
Nhờ tin tưởng và trông cậy nơi Chúa, ngay cả khi ta sợ hãi và không chắc chắn, ta có thể vượt qua những yếu đuối của mình trước mặt Chúa. Nhiều thứ có thể khiến ta sợ hãi. Tuy nhiên, với sự can đảm và ơn Chúa, ta có thể làm những việc nhỏ để tăng niềm vui trong cuộc sống và thế giới xung quanh và để niềm vui đó tuôn trào. Ta có thể đưa ra quyết định ngay bây giờ, hôm nay, để vượt qua nỗi sợ hãi và chào đón niềm vui bằng cách loan báo Tin mừng là Chúa đã sống lại. Tin vào Chúa, ta nguyện: Xin bảo toàn con, lạy Chúa, vì con tìm nương tựa Chúa.
Thứ Ba - Tuần Bát Nhật Phục Sinh
Ga 20,11-18
Tôma Lê Duy Khang
Thư thứ nhất của thánh Phaolô gửi cho các tín hữu Côrintô đoạn 13:4-7 như sau: "Tình yêu không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Tình yêu tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả và chịu đựng tất cả..."
Hiểu được như vậy chúng ta mới thấy tình yêu của Chúa dành cho con người.
Mà cụ thể là hình ảnh trong bài đọc 1 trích sách công vụ tông đồ, mặc dầu người do thái phản bội Chúa, nhưng mà khi nghe phero giảng họ đau đớn trong lòng và hỏi Phêro cùng các Tông Đồ khác: "Thưa các anh, vậy chúng tôi phải làm gì? " Ông Phê-rô đáp: "Anh em hãy sám hối, và mỗi người hãy chịu phép rửa nhân danh Đức Giê-su Ki-tô, để được ơn tha tội; và anh em sẽ nhận được ân huệ là Thánh Thần. Thật vậy, đó là điều Thiên Chúa đã hứa cho anh em, cũng như cho con cháu anh em và tất cả những người ở xa, tất cả những người mà Chúa là Thiên Chúa chúng ta sẽ kêu gọi." Ông Phê-rô còn dùng nhiều lời khác để long trọng làm chứng và khuyên nhủ họ. Ông nói: "Anh em hãy tránh xa thế hệ gian tà này để được cứu độ." Vậy những ai đã đón nhận lời ông, đều chịu phép rửa. Và hôm ấy đã có thêm khoảng ba ngàn người theo đạo.
Chúng ta thấy nếu không có tình yêu, thì tội gì Phêro phải đi rao giảng, tội gì Phêro phải chỉ cách cho họ phải làm gì, nhưng vì yêu nên ông không vui khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật.
Rồi trang tin mừng hôm nay cũng vậy, Chúa có vui không khi thấy Maria Madalena đi tìm Chúa mà khi Chúa lại hiện ra với bà mà bà không nhận ra, Chúa không vui vì điều đó, chính vì thế mà Chúa đã gọi đúng tên của bà để bà nhận ra Chúa, bà có được niềm vui, để bà đem tin mừng này loan báo cho tất cả mọi người rằng Chúa đã sống lại.
Áp dụng vào đời sống của chúng ta chúng ta phải vui khi thấy điều chân thật chứ đừng vui khi thấy điều gian ác, đôi khi trong cuộc sống nhiều khi chúng ta đem niềm vui cho chính mình, đem niềm vui cho những người thân của mình, chứ không đem niềm vui cho người khác.
Nhiều khi chúng ta giàu có, chúng ta xe xua điều đó là tốt, nhưng có những người nghèo họ không có, mà chúng ta khoe niềm vui của chúng ta có phải là đang tổn thương người khác hay không, nên việc này cần phải tế nhị, hay nói cách khác đó là vui cười trên đau khổ của người khác, mặc dầu đó là của tôi đó, nhưng phải tế nhị, phải khéo léo, để tránh thay vì đem niềm vui, thì lại đem nỗi buồn sự mặc cảm cho người khác. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Cv 2,36-41: Anh em hãy sám hối, và mỗi người hãy chịu phép rửa nhân danh Đức Giêsu.
Tv 32,5b: Tình thương Chúa chan hoà mặt đất.
Ga 20,11-18: Tôi đã thấy Chúa, và bà kể lại những điều Người đã nói với bà.
Sách Công vụ kể lại việc Phêrô nói chuyện với đám đông và việc họ cải đạo sau đó. Thánh vịnh ca ngợi Chúa về những ơn ban và sự bảo vệ mà Ngài cung cấp. Phúc âm mô tả cuộc gặp gỡ của Maria Madalena với Chúa Giêsu Phục sinh.
Tin mừng vượt xa mọi sự ngay thẳng về đạo đức và đức tin tôn giáo vào một Chúa Giêsu đáng ngưỡng mộ. Tuy nhiên, cái chết đưa ta đến một bầu không khí của đức tin nơi Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh trong trường hợp cuối cùng. Chúa Giêsu Kitô hỏi Maria Madalena: “Tại sao bà khóc?” Bà trả lời “một người lạ” quan tâm đến sự lo lắng của bà; và sau đó Chúa Giêsu gọi tên bà: “Maria”! Lời kêu gọi lay chuyển và rung động bà với sự hồi sinh và sự sống. Bà tin và làm công việc tông đồ. Bà ra đi và loan báo cho các môn đệ rằng: “Tôi đã thấy Chúa”.
Ngày nay, người ta không thường xuyên tìm thấy nhiều Kitô hữu không thể thấy rõ điều gì sẽ xảy ra sau cuộc sống này và do đó, ai nghi ngờ về sự phục sinh của Chúa Giêsu. Mặt khác, có quá nhiều Kitô hữu có đủ đức tin để đi theo Chúa Giêsu một cách riêng tư nhưng lại sợ việc tông đồ. Xin cho mọi người loan báo Chúa đã sống lại bằng lời nói và việc làm của chúng ta.
Thứ Tư - Tuần Bát Nhật Phục Sinh
Lc 24, 13-35
Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy việc Chúa Giêsu đồng hành với hai môn đệ trên đường Emmaus để giúp các ông hiểu được những điều mà Kinh thánh đã nói về Người, cũng như Chúa Giêsu làm lại cử chỉ bẻ bánh, nhờ đó mà lòng hai môn đệ đã bừng lên, cũng như mắt họ sáng ra và nhận ra Người.
Nhưng có một chi tiết mà chúng ta cần chú ý, đó là để sự đồng hành của Chúa có hiệu quả cần sự chấp nhận đồng ý của hai môn đệ, đồng ý để Chúa đồng hành cùng họ, cũng như sau đó là họ mời Chúa ở lại với họ vì trời đã xế chiều và ngày sắp tàn.
Chúng ta hãy nhớ lại Chúa Giêsu đã từng khẳng định: “Này đây Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”. Nhưng điều quan trọng là con người có chấp nhận sự đồng hành của Chúa hay không.
Nghĩa là Chúa chủ động đến với con người, nhưng phần con người có chịu chủ động để đón Chúa, để được Chúa đồng hành với mình hay không.
Trong sách Khải Huyền có câu như thế này: “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy…” (Kh 3, 20).
Họa sĩ trẻ người Anh William Holman Hunt đã minh họa câu lời Chúa này trong bức tranh có tên Ánh sáng Thế giới (Light of the World), nhưng bức tranh thường được biết đến qua tên Chúa Giêsu ở ngoài cửa (Jésus at the Door), được vẽ năm 1854, hiện nay bức tranh được lưu giữ ở đền thánh Thánh Phaolô, Luân Đôn.
Trên bức tranh có một chi tiết lạ lùng. Chi tiết này đã có ở tác phẩm gốc của William Hunt. Trên cánh cửa không có tay nắm.
Có một người bạn đến hỏi nhà họa sĩ, bức tranh của bạn vẽ rất đẹp, nhưng có thiếu một chi tiết đó là cửa phải có tay nắm cửa để mở cửa bước vào, thế tại sao bức tranh cánh cửa của bạn lại không có tay nắm cửa. nhà họa sĩ mới trả lời, tay nắm cửa không nằm ở bên ngoài, nhưng nó nằm ở bên trong, vì đó là hình ảnh Chúa đến gõ cửa tâm hồn của chúng ta, và chính chúng ta phải là người mở cửa tâm hồn của mình để Chúa ngự đến tâm hồn của chúng ta.
Như vậy, Chúa đến với chúng ta qua Lời của Chúa, vậy chúng ta có chịu khó đọc lời Chúa hay không?
Chúa đến với chúng ta qua bí tích giải tội, chúng ta có chịu mở lòng ra, có chịu đến với Chúa để xưng thú những tội lỗi của mình hay không?
Chúa đến với chúng ta qua bí tích thánh thể, chúng ta có dọn lòng sốt sắng để đón Chúa, để Chúa ngự trong tâm hồn mình hay không?
Hằng ngày, Chúa đến với chúng ta qua những anh chị em của mình, chúng ta có chịu mở lòng ta đón nhận những anh chị em đó, có cầu nguyện cho những anh chị em của mình hay không?
Và Chúa còn đến với chúng ta cách này hay cách khác qua các dấu chỉ mà Chúa gởi đến cho chúng ta, chúng ta có chịu mở lòng ra đón nhận hay không?
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta luôn luôn biết mở lòng ra đón Chúa, đón nhận những điều tốt lành mà Chúa gởi đến cho chúng ta, và biết đóng cửa tâm hồn của mình một cách đúng lúc lại trước những cơn cám dỗ, trước những tội lỗi, trước những đam mê, chỉ dành tâm hồn trong sạch này cho Chúa, có như thế tâm hồn của chúng ta mới có thể bừng cháy những hương thơm thánh thiện, như khi xưa hai môn đệ trên đường Emmaus đã cảm nhận được điều đó. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Cv 3,1-10: Cái tôi có, tôi cho anh đây : Nhân danh Đức Giêsu, anh hãy đứng dậy mà đi.
Tv 104,3b: Tâm hồn những ai tìm kiếm Chúa, nào hoan hỷ.
Lc 24,13-35: Hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh.
Hành trình Emmaus nhắc nhở rằng Chúa Giêsu đang đồng hành với chúng ta trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, tâm hồn chúng ta không có mắt để nhìn và tai để nghe. Chúng ta sơ suất khi không thấy Chúa Giêsu hiện diện. Thay vào đó, chúng ta từ bỏ hy vọng và bất bình. Giống như Cleopas và người bạn đồng hành khác, chúng ta có những kỳ vọng về những gì nên làm khi bước theo Chúa. Tất cả những hy vọng về tương lai đã bị lấy đi tại Thập tự giá. Đối với họ, trở về Emmaus là một lựa chọn khi tất cả niềm hy vọng đã trở nên vô ích. Không có đức tin vững chắc, mắt họ đã nhắm lại.
Những du khách này sẵn sàng phủ nhận mọi thứ khác đã xảy ra. Tuy nhiên, Chúa Giêsu, người thầy tuyệt vời, kiên nhẫn kể lại cho họ tất cả những lời dạy trước khi Ngài đến. Với một thái độ tin nhận, họ sẵn sàng lắng nghe người lạ này và thậm chí muốn Ngài ở lại với họ và nói chuyện nhiều hơn. Đức tin của họ đang bắt đầu được củng cố, và họ được mở mắt khi Thầy bẻ bánh. Nhờ những điểm yếu và niềm tin của họ, ta được khuyến khích. Vì họ giống như những người đại diện cho chúng ta, ta khích lệ nhau bằng đức tin: “Tâm hồn những ai tìm kiếm Chúa, nào hoan hỷ.”
Thứ Năm - Tuần Bát Nhật Phục Sinh
Lc 24,35-48
Tôma Lê Duy Khang
Có bao giờ chúng ta đặt câu hỏi là tại sao hết lần này đến lần khác Chúa Giêsu phục sinh hiện ra với các người phụ nữ cũng như với các môn đệ để làm gì hay không?
Có phải Chúa chỉ hiện ra để họ tin vào Chúa thôi hay không? thưa không, Chúa Giêsu phục sinh không chỉ hiện ra với các người phụ nữ, cũng như các môn đệ để cho họ tin, mà Chúa muốn sau khi họ tin, thì họ phải đi rao giảng tin mừng phục sinh này cho nhiều người được biết.
Đọc lại tin mừng Matthêu, chúng ta thấy, khi các bà ra thăm mồ gặp Thiên Thần, thiên thần báo tin Chúa đã sống lại, và thiên thần mời gọi các bà: “mau về nói với môn đệ Người như thế này: Người đã trỗi dậy từ cõi chết, và Người đi Ga-li-lê trước các ông. Ở đó, các ông sẽ được thấy Người. Đấy, tôi xin nói cho các bà hay." (Mt 28, 7). Rồi sau đó, chính Chúa Giêsu cũng hiện ra với các người phụ nữ, Chúa Giêsu cũng mời gọi: “Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó." (Mt 28,10).
Rồi trong trang tin mừng hôm nay, khi hai môn đệ trên đường Emmaus trở về Giêrusalem, thuật lại những việc đã xảy ra dọc đường cho các môn đệ khác nghe, thì chính Chúa Giêsu hiện ra đứng giữa các ông, Chúa Giêsu tha thiết mời gọi các ông: “phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân về những điều này.”
Nên chúng ta thấy, Chúa Giêsu phục sinh hiện ra với các môn đệ không chỉ muốn các ông tin vào Chúa đó chỉ là điều kiện cần, mà điều kiện đủ là Chúa muốn các ông rao giảng danh của Chúa cho mọi người được biết để mọi người được ơn cứu độ, nghĩa là muốn các ông sống tin mừng phục sinh trong cuộc đời của các ông qua việc rao giảng Tin Mừng Phục Sinh.
Và các môn đệ có thực hiện lệnh truyền của Chúa Giêsu hay không? thưa có, các ngài đã thực hiện lệnh truyền của Chúa, đã đi giảng dạy cho muôn dân biết về danh của Chúa, để họ được ơn cứu độ.
Sách công vụ tông đồ có thuật lại một sự kiện như thế này đó là sau bài giảng về cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu, thì có khoảng 3 ngàn người theo đạo. (x. Cv 2,14-41).
Mỗi người chúng ta là những môn đệ của Chúa, chúng ta cũng được mời gọi nối dài sứ mạng của các tông đồ, đó là loan báo tin mừng phục sinh của Chúa cho mỗi người được biết, để họ cũng được ơn cứu độ, đó là sứ mạng của mỗi người chúng ta, và sứ mạng này phải được kéo dài mọi ngày cho đến tận thế.
Xin cho mỗi người chúng ta ý thức được sứ mạng cao cả này, và thực thi nó trong cuộc đời của mình. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Cv 3,11-26: Anh em đã giết Đấng khơi nguồn sự sống, nhưng Thiên Chúa đã cho Người trỗi dậy từ cõi chết.
Tv 8,2ab: Lạy Đức Chúa là Chúa chúng con, lẫy lừng thay danh Chúa trên khắp cả địa cầu!
Lc 24,35-48: Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại.
Bài đọc thứ nhất hôm nay cho ta biết một người đàn ông tàn tật ở cổng đền thờ đã được chữa khỏi khi Phêrô kêu cầu danh Chúa Giêsu. Trước sự hoài nghi của đám đông đã chứng kiến điều này, Phêrô mời những người đang lắng nghe vào mầu nhiệm phục sinh của Chúa Giêsu. Ngài mời họ ăn năn.
Thánh Luca thuật lại cuộc gặp gỡ của các môn đệ với Chúa Giêsu Phục Sinh. Chúa Giêsu cho phép các môn đệ chứng kiến sự phục sinh của Ngài cách thể lý. Ngài mời gọi, Hãy nhìn ... Hãy chạm vào tôi và hãy xem ... Và sau đó, họ đã chứng kiến Ngài ăn. Đây không phải là biểu tượng, không có ẩn dụ. Phêrô muốn nói điều này khi ông nói với đám đông; Thiên Chúa đã làm cho Ngài sống lại từ cõi chết; chúng tôi là nhân chứng. Chính sự phục sinh của Chúa Giêsu đã thôi thúc Phêrô.
Trở về với vẻ đẹp của Chúa với một cơ thể mạnh mẽ và tâm hồn đáng mến. Cho dù nghi ngờ hay tin tưởng, hãy ghi nhớ rằng Chúa gặp ta ở nơi chúng ta đang ở - trên bất kỳ con đường nào hoặc trong bất kỳ căn phòng nào của cuộc đời chúng ta. Chúa đã sống lại! Hãy vui mừng!
Thứ Sáu - Tuần Bát Nhật Phục Sinh
Ga 21,1-14
Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy việc Chúa Giêsu hiện ra ở biển hồ Tiberia với các môn đệ.
Ở đây có một chi tiết mà chúng ta cần chú ý đó là Chúa Giêsu là người luôn chủ động với các môn đệ, chính Chúa Giêsu là người chuẩn bị mọi thứ cho các môn đệ.
Chẳng hạn khi các môn đệ đi đánh cá, nhưng suốt đêm không bắt được con cá nào, tin mừng thuật lại: “Khi trời đã sáng, Đức Giê-su đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Đức Giê-su. Người nói với các ông: "Này các chú, không có gì ăn ư? " Các ông trả lời: "Thưa không." Người bảo các ông: "Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá." Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá.”, nghĩa là Chúa Giêsu đã đứng đó quan sát, đã đứng đó chờ đợi các môn đệ.
Rồi khi các môn đệ vào bờ, tin mừng thuật lại: “Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa.” Than hồng và cá đặt ở trên, cũng như bánh ở đâu mà có? Thưa do Chúa Giêsu chuẩn bị cho các ông.
Chúng ta thấy ngày xưa, chính Chúa Giêsu đã chuẩn bị cho các môn đệ của Chúa tất cả để các ông vững tin vào Chúa, mà ra đi làm chứng cho Chúa, thì ngày nay cũng như vậy thôi, Chúa cũng chuẩn bị cho chúng ta tất cả. Nên chúng ta được mời gọi vững tin vào Chúa để mở lòng ra đón nhận những gì mà Chúa gởi đến cho chúng ta, để chúng ta cũng ra đi làm chứng cho Chúa.
Hay nói cách khác, đó là chính mỗi người chúng ta cũng phải là những cánh tay nối dài của Chúa, chúng ta phải là những người chuẩn bị, phải là những người để lại cho người khác những gì mà Chúa đã để lại cho chúng ta.
Một cụ già đang lom khom miệt mài làm việc trong vườn cây ăn trái, tình cờ ông chủ tịch xã đi ngang qua.
“Chào cụ. Chắc hẳn cụ đã nhiều tuổi lắm?” – ông chủ tịch lên tiếng.
“À, tôi năm nay gần trăm tuổi rồi đấy” – cụ già trả lời.
“Ồ! Thế mà cụ vẫn đang trồng cây ăn trái?”
“Đúng vậy” – cụ già gật đầu.
“Này cụ” – ông chủ tịch lắp bắp, rất đỗi ngạc nhiên – “Chắc là cụ không nghĩ mình sẽ được hái quả của những cây mà cụ đang trồng đấy chứ? Tôi không hiểu cớ gì cụ phải tự hành khổ mình như vậy?!”.
“Dĩ nhiên, đây là công việc nhọc nhằn. Nhưng ông thử nghĩ xem, khi tôi đến với cuộc đời này, thì lúc ấy đã có sẵn bao nhiêu thứ tốt lành chờ đón tôi. Tôi muốn khi mình từ giã cuộc đời này, cũng có sẵn nhiều thứ tốt lành đón chờ bao người khác.”
Xin cho mỗi người chúng ta có được tâm tình như thế để đón nhận những gì mà Chúa gởi đến cho chúng ta, cũng như biết chuẩn bị, biết để lại những gì mà Chúa gởi đến cho chúng ta cho người khác, để họ cũng nhận ra Chúa, nhận ra tình thương của Chúa. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Cv 4,1-12: Ơn cứu độ không gặp được ở nơi một ai khác.
Tv 118,22: Phiến đá mà những người thợ xây loại bỏ, đã biến nên tảng đá góc tường.
Ga 21,1-14: Chúa Giêsu đến, cầm bánh và cá trao cho họ ăn.
“Các con hãy lại ăn.” Sau khi sống lại từ cõi chết, Đấng Cứu Độ mời các môn đệ dành thời gian và dùng bữa với Ngài, giống như họ đã thực hiện hàng ngày trong những năm đi cùng nhau. Chúa Giêsu nhớ bạn bè của mình. Ngài muốn có một mối liên hệ chặt chẽ với họ mọi lúc mọi nơi. Ngài không chỉ đã chuẩn bị sẵn thức ăn mà còn có tinh thần anh em giữa họ.
Có thể, ngày nay, Chúa Giêsu cũng mời gọi ta dành thời gian cho nhau. Lời mời của Ngài đối với các môn đệ trở nên thực tế hơn nhiều đối với ta trong ánh sáng này. Làm thế nào để ta đáp ứng yêu cầu “đến” và cùng tham gia với Ngài? Nhiều người đã nói và viết về sức mạnh của việc “hình dung”. Áp dụng đúng cách giúp ta đoán trước được thời điểm và chuẩn bị tinh thần cho những gì sẽ xảy ra. Nếu ta muốn đến gần Chúa Giêsu hơn trong đời sống cầu nguyện của mình, có thể hình dung Chúa Giêsu đang ngồi bên cạnh khi ta cầu nguyện, hoặc ở bên cạnh ta suốt cả ngày, có thể là một nơi tuyệt vời để bắt đầu. Hãy tiếp tục nhìn thấy Chúa trong mọi sự và luôn thấy Chúa ở với ta, xin “hãy đến” và ở với Ngài trong suy nghĩ, lời nói và việc làm của chúng ta.
Thứ Bảy - Tuần Bát Nhật Phục Sinh
Mc 16,9-15
Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy việc tin vào Chúa Giêsu phục sinh của các môn đệ không phải là một chuyện dễ dàng.
Cụ thể, tin mừng thuật lại, những người được chính Chúa Phục sinh hiện ra gặp gỡ, như Maria Macđala khi gặp Chúa đã đi báo tin cho các môn đệ các ông không tin.
Rồi hai môn đệ trên đường Emmaus, khi gặp Chúa hai ông về báo tin cho các môn đệ khác, các ông cũng không tin.
Rồi Chúa Giêsu hiện ra với nhóm 11 đang lúc ngồi ăn, Chúa khiển trách các ông vì sự cứng lòng tin của mình.
Nếu đọc tin mừng trong tính tổng thể chúng ta thấy, ngay cả chính đương sự bà Maria Macđala, hai môn đệ trên đường Emmaus, nhóm 11 đang tụ tập… đều không ngay lập tức nhận ra Chúa.
Hoặc hôm qua chúng ta chia sẻ với nhau, đó là ngay cả Gioan, người môn đệ Chúa yêu, ông cũng có lòng yêu mến Chúa, ông cũng không ngay lập tức nhận ra Chúa.
Tất cả đều cần những dấu chỉ mà Chúa gởi đến: Maria Mácđala nhận ra Chúa nhờ Chúa gọi tên mình. Hai môn đệ Emmaus nhận ra nhờ hình ảnh Chúa bẻ bánh. Nhóm 11, nhất là Tôma, được Chúa cho xem các vết thương ở tay và cạnh sườn, hoặc được tận mắt nhìn thấy Chúa ăn uống như một người bình thường, Gioan cũng vậy thấy những băng vải, thấy được mẻ cá lạ lùng mới nhận ra Chúa.
Ngày nay chúng ta cần dấu chỉ không? Thưa cũng cần, cần vì là con người, hay nói cách khác chúng ta cần những người khác nâng đỡ chúng ta, chúng ta rất cần vì điều đó.
Hôm vừa rồi đi thăm bệnh nhân thì có một người nắm tay, xin cha cầu nguyện cho con, bây giờ ngồi một chỗ không đi đâu được, xin cha cầu nguyện cho con đón nhận thánh ý Chúa, nhìn ánh mắt rất là tha thiết.
Chúng ta biết người này trước đây khỏe mạnh cũng đã nâng đỡ rất nhiều người, nhưng khi gặp chuyện đó, thì cần những người khác, nên chúng ta hãy là những dấu chỉ cho người khác để họ vững tin vào Chúa.
Chúng ta hãy giáo dục đức tin cho người khác, để khi chính chúng ta rơi vào hoàn cảnh đó, cũng có người khác nâng đỡ đức tin cho chúng ta, chúng ta đừng nói linh mục không mất đức tin, nhưng khi nó đụng tới chúng ta đi rồi sẽ thấy.
Nếu chúng ta vững tin rồi, chúng ta thì chúng ta không cần dấu lạ, để qua chúng ta, người đời sau sẽ nhìn vào chúng ta như mẫu gương đức tin mà họ học theo, bắt chước. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Cv 4,13-21: Chúng tôi không thể nào không nói lên những điều mắt thấy tai nghe.
Tv 118,21: Tôi cảm tạ Chúa vì Chúa đã nhậm lời tôi.
Mc 16,9-15: Các con hãy đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng.
Chúa Phục Sinh có thể được thanh tẩy một chút sau cuộc Khổ nạn của Ngài và phần nào được nghỉ ngơi sau thử thách; đây là một Chúa Giêsu hoàn toàn thay đổi về ngoại hình và chỉ được nhìn thấy bởi những người biết Ngài và có một số niềm tin vào Ngài. Những người nhìn thấy Ngài nói về sự trở lại của Ngài, nhưng ngay cả hầu hết những người đã biết Ngài và có đức tin nơi Ngài cũng không tin những gì họ nghe được từ những người khác về sự hiện diện liên tục của Đức Kitô đang trỗi dậy.
Tuy nhiên, ngoài việc đơn giản là có đức tin, chúng ta cũng phải tìm kiếm Chúa Giêsu như hiện nay: Ngài đã hoàn toàn thay đổi về diện mạo và đang sống trong người ăn xin, người bị lãng quên, người vô gia cư hoặc thường dân, và ngay cả trong các thành viên trong gia đình của chúng ta. Chúng ta có tìm thấy, yêu thương và phục vụ Ngài ở đó không? Như kinh nghiệm của các tông đồ: “Chúng tôi không thể nào không nói lên những điều mắt thấy tai nghe.” Nhưng mười một tông đồ thế hệ đầu cũng không thể thấy hết, nghe hết mọi sự. Như vậy, mệnh lệnh của Chúa Giêsu là dành cho tất cả mọi người. “Các con hãy đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng.” Rao giảng bằng chính kinh nghiệm đời sống đạo giữa đời.