
Chúa Nhật Phục Sinh
Cv 10,34a.37-43; Cl 3,1-4; Ga 20,1-9
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Cv 10,34.37-43: Chúng tôi đã ăn uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại.
Tv 118,24: Đây là ngày Chúa đã lập ra, chúng ta hãy mừng rỡ hân hoan về ngày đó.
Cl 3,1-4: Anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Đức Kitô ngự.
Ga 20,1-9: Người phải sống lại từ cõi chết.
Chúa Giêsu đã kết thúc cuộc đời trần thế của mình bằng tình yêu trọn vẹn. Gioan chắc chắn rằng “Ngài phải sống lại từ cõi chết.” Và hôm nay là “ngày Chúa đã lập ra, chúng ta hãy mừng rỡ hân hoan về ngày đó.” Thánh vịnh 118,24 thể hiện sự tôn vinh đức tin Công giáo của ta. Chúa Cha đã phục sinh Chúa Giêsu Kitô, Con yêu dấu của Người, Đấng vì yêu thương đến độ hiến mạng sống mình cho chúng ta.
Chúa Kitô đã sống lại. Sự Phục Sinh của Đức Kitô minh chứng một cách sống động rằng tình yêu luôn mạnh hơn sự sợ hãi, thù ghét hay thậm chí là cái chết. Như vậy, ta có lý do để ăn mừng, để vui. Vì vậy, ta “hãy tìm những sự trên trời, nơi Đức Kitô ngự.” Nơi đó tràn đầy hạnh phúc và tình yêu. Sự Phục Sinh của Đức Kitô đã chiến thắng sự chết, tội lỗi và phiền muộn, và Ngài đã mở ra những cánh cửa cho một cuộc sống mới, cuộc sống trong ân sủng của Chúa Thánh Thần. Chúa Kitô mãi là Bình An và là lối bước của ta.
Ta hãy làm mới đức tin của mình. Hãy để tình yêu hướng dẫn và loan báo niềm vui về Chúa Kitô. Hãy là những chứng nhân đầy hy vọng về sự Phục sinh của Ngài.
Thứ Hai - Tuần Bát Nhật Phục Sinh
(Cv 2,14.22-33; Mt 28,8-15)
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Cv 2,14.22-32: Thiên Chúa đã cho Đức Kitô phục sinh, và tất cả chúng tôi làm chứng về Người.
Tv 16,1: Xin bảo toàn con, lạy Chúa, vì con tìm nương tựa Chúa.
Mt 28,8-15: Hãy đi nói với anh em đến Galilêa mà gặp Ta ở đó”.
Chúa Kitô đã sống lại, và sau đó đã hiện ra với các tông đồ và bảo họ đừng sợ. Sợ hãi là cách ta phản ứng với những điều không mong đợi, những điều xảy ra dường như nằm ngoài sức tưởng tượng, những điều khiến ta choáng ngợp ngay cả khi đó là một tin tốt. Sự sợ hãi và vui mừng của Maria và các môn đệ kết hợp lại khi họ trải nghiệm thực tế mới này. Chúa Giêsu biết thậm chí cần nhiều thời gian để hiểu và bảo các môn đệ đừng sợ. Đây là nơi mà đức tin là điều cần thiết. Chiến thắng nỗi sợ hãi để tin tưởng là điều Chúa yêu cầu ta làm.
Nhờ tin tưởng và trông cậy nơi Chúa, ngay cả khi ta sợ hãi và không chắc chắn, ta có thể vượt qua những yếu đuối của mình trước mặt Chúa. Nhiều thứ có thể khiến ta sợ hãi. Tuy nhiên, với sự can đảm và ơn Chúa, ta có thể làm những việc nhỏ để tăng niềm vui trong cuộc sống và thế giới xung quanh và để niềm vui đó tuôn trào. Ta có thể đưa ra quyết định ngay bây giờ, hôm nay, để vượt qua nỗi sợ hãi và chào đón niềm vui bằng cách loan báo Tin mừng là Chúa đã sống lại. Tin vào Chúa, ta nguyện: “Xin bảo toàn con, lạy Chúa, vì con tìm nương tựa Chúa.”
Lm. Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay cho thấy Chúa Giêsu hiện ra với các người phụ nữ, để mời gọi các bà đi đến báo tin cho các môn đệ của Chúa. Vấn đề đặt ra là tại sao Chúa Giêsu lại không hiện ra với các thượng tế và kỳ lão để thuyết phục họ, để minh chứng cho họ thấy là Chúa đã sống lại thật?
Chúng ta biết Tin mừng thật lại: “Có mấy người trong đội lính canh mồ vào thành báo cho các thượng tế biết mọi việc đã xảy ra. Các thượng tế liền họp với các kỳ mục; sau khi bàn bạc, họ cho lính một số tiền lớn, và bảo: “Các anh hãy nói như thế này: Ban đêm đang lúc chúng tôi ngủ, các môn đệ của hắn đã đến lấy trộm xác. Nếu sự việc này đến tai quan tổng trấn, chính chúng tôi sẽ dàn xếp với quan và lo cho các anh được vô sự.” Lính đã nhận tiền và làm theo lời họ dạy. Câu chuyện này được phổ biến giữa người Do thái cho đến ngày nay.” Chúng ta hãy nhớ trước đó Chúa Giêsu đã nói với người Do-thái: “Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống.” Người Pha-ri-sêu nói với Chúa Giê-su: “Ông làm chứng cho chính mình; lời chứng của ông không thật!” (Ga 8, 12-13). Nói như vậy không phải là Chúa Giêsu làm chứng cho Chúa không được, vì chứng của Chúa là chứng thật, chính Chúa Giêsu đã nói: “Tôi có làm chứng cho chính mình đi nữa, thì lời chứng của tôi vẫn là chứng thật, bởi vì tôi biết tôi từ đâu tới và đi đâu” (Ga 8,14).
Chính vì thế, Chúa Giêsu đã không hiện ra để thuyết phục và minh chứng cho những thượng tế và kỳ mục, hay những người Do thái khác, bởi nếu có thuyết phục, có minh chứng thì họ cũng không bao giờ tin, vì ngay từ ban đầu họ đã nói: “Ông làm chứng cho chính mình, thì lời chứng của ông là không thật”, nên Chúa đã hiện ra với những người sẽ làm chứng cho Chúa, bởi chính những người đó làm chứng cho Chúa, thì có thể người khác sẽ tin vào chứng đó.
Chúng ta thấy thái độ này Chúa Giêsu cũng đã gặp nơi những người thân quen của Chúa Giêsu, ở nơi khác thì người ta tin Chúa Giêsu, còn khi về quê hương thì họ lại không tin Chúa Giêsu, nên Chúa Giêsu có nói một câu bất hủ là: “Không có một tiên tri nào được chấp nhận tại quê hương mình”. Nói như vậy, để chúng ta đừng thất vọng về chính mình, khi người khác không tin vào mình, bởi chính Chúa Giêsu cũng đã rơi vào tình trạng đó.
Hiểu được như thế, mỗi người chúng ta được mời gọi phải làm chứng cho Chúa như các người phụ nữ xưa kia được Chúa Giêsu hiện ra để các bà đi làm chứng cho Chúa. Bên cạnh đó, mỗi người chúng ta không chỉ làm chứng cho Chúa, mà chúng ta còn phải biết làm chứng cho nhau, để lời chứng của chúng ta, để lời chứng của những người anh em chúng ta về Chúa có giá trị trước mặt người khác. Amen.
Thứ Ba - Tuần Bát Nhật Phục Sinh
(Cv 2,36-41; Ga 20,11-18)
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Cv 2,36-41: Anh em hãy ăn năn sám hối và mỗi người trong anh em hãy chịu phép rửa nhân danh Đức Kitô.
Tv 33,5: Địa cầu đầy ân sủng Chúa.
Ga 20,11-18: Tôi đã trông thấy và Người và phán với tôi những điều ấy.
Chúa đã sống lại thật, Alleluia! Sự phục sinh của Chúa Giêsu ghi trong nhiều trình thuật (x. Mt 28; Mc 16; Lc 24; Ga 20). Theo Gioan, Chúa Giêsu xuất hiện và nói với Maria Madalena, “Bà kia, sao mà khóc, bà tìm ai?” Tưởng là người giữ vườn, Maria thưa: “Thưa ông, nếu ông đã mang xác Người đi, thi xin cho tôi biết ông đã đặt Người ở đâu, để tôi đến lấy xác Người”. Chúa Giêsu gọi: “Maria”. Chúa Giêsu gọi tên bà bằng một giọng quen thuộc. Sau đó, bà biết rằng đây không phải là một người làm vườn. Ngài là Chúa Giêsu. Ngài thân tình gọi bà bằng tên. Ngài đang đứng trước mặt bà.
Ta thử nhớ lại cách ta nhận ra Chúa Giêsu khi buồn bã và đau khổ. Ngài luôn ở ngay đây với ta, nhưng ta không thể nhận ra Ngài. Có thể ta sẽ được hỏi, “Bạn đang tìm ai?” Ta đang tìm kiếm Chúa Giêsu? Ta có thể nhận ra Ngài không chỉ trong lời cầu nguyện và khi rước Thánh Thể mà còn khi Ngài đi bên cạnh ta trong những đau khổ và niềm vui, nơi những người xung quanh, trong những biến cố và hoàn cảnh bình thường của cuộc sống. Hình ảnh của Ngài thì quen thuộc. Lời của Ngài là Tin Mừng trong thời đại của ta. Ta hãy sẵn sàng để được kêu gọi và sống trong ân sủng của Chúa.
Lm. Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay trình bày sự kiện bà Maria Madalena ra thăm mồ, và đứng ngoài mồ mà khóc Chúa. Tại sao bà lại khóc Chúa? Chúng ta biết trước đó bà đã ra mộ và không thấy xác Chúa nên về báo tin cho Phêrô và Gioan, Gioan đã thấy các sự kiện đó và ông đã tin, tin mừng không nói là tin gì, nhưng chúng ta hiểu là tin Chúa đã sống lại.
Thế nhưng Maria Madalena thì chưa tin, bằng chứng là khi bà ra mộ khóc, thì thấy hai thiên thần mặc áo trắng ngồi ở nơi đã đặt thi hài của Đức Giê-su, một vị ở phía đầu, một vị ở phía chân. Thiên thần hỏi bà: “Này bà, sao bà khóc?” Bà thưa: “Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu!”, nghĩa là bà chưa tin Chúa sống lại, nên bà đã khóc cho cái chết của Chúa Giêsu cũng như khóc cho cái xác của Chúa Giêsu không còn nữa. Sau đó chính Chúa Giêsu lại tỏ ra cho bà biết là Ngài đã sống lại, nên bà đã tin mà đi loan báo tin này cho các môn đệ khác biết: “Tôi đã thấy Chúa”.
Những hình ảnh đó cho chúng ta thấy con người của chúng ta vẫn còn là con người chứ chưa phải là thánh nhân, chưa phải con người toàn diện, toàn tài, nên chỉ nhìn thấy những điều mình thấy, mà chưa thấy được hình ảnh đằng sau cái mình thấy là gì, đó là khiếm khuyết lớn nhất của con người. Nên để có thể khắc phục khiếm khuyết là không thấy được hình ảnh đằng sau cái mình thấy, thì chỉ có Chúa, chỉ có những dụng cụ hữu dụng của Chúa mới có thể giúp được chúng ta, mới có thể chỉ cho chúng ta thấy được hình ảnh đằng sau cái thấy của mình, để chúng ta ngày càng xác tín vào Chúa, để chúng ta sửa đổi con người của chính mình.
Chính vì thế, mỗi người chúng ta được mời gọi thường xuyên đến gặp Chúa qua cầu nguyện, qua những giờ kinh, qua thánh lễ, cũng như chúng ta được mời gọi đến với những dụng cụ mà Chúa gởi đến cho chúng ta, để học hỏi, để người khác chỉ cho chúng ta thấy những điều cần thấy, để người ta giúp chúng ta hiểu những điều cần hiểu. Chúng ta hãy nhớ là đến với Chúa, đến với dụng cụ của Chúa ngay khi Chúa còn cho chúng ta cơ hội, nếu không thì chúng ta cũng có thể thấy, cũng có thể hiểu điều chúng ta thấy, nhưng không có cơ hội để sửa cái sai của mình.
Chúng ta hãy nhớ lại câu chuyện ông nhà giàu và anh Ladaro nghèo khổ là một minh họa cho chúng ta, đó là khi còn sống ông nhà giàu không thấy được anh Ladaro là hình ảnh của Thiên Chúa, là người được Chúa thương, đến khi chết xuống hỏa ngục, ông ta mới thấy được, mới hiểu được và ông ta xin Chúa cho mình cơ hội để sửa sai, không phải cho ông, mà cho năm người anh em của ông, nhưng cũng không còn có hội để giúp đỡ.
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết năng đến với Chúa, năng đến với những dụng cụ hữu dụng của Chúa ngay khi còn ở đời này để chúng ta thấy được những điều đằng sau mình thấy, để mình khắc phục được khuyết điểm của chính mình, để mỗi ngày nên hoàn thiện hơn. Amen.
Thứ Tư - Tuần Bát Nhật Phục Sinh
(Cv 3,1-10; Lc 24,13-35)
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Cv 3,1-10: Có cái này tôi cho anh, là nhân danh Đức Giêsu, anh hãy đứng dậy mà đi.
Tv 105,3: Tâm hồn những ai tìm Chúa, hãy mừng vui.
Lc 24,13-35: Hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh.
Chúa Kitô đi đến làng Emmaus với hai môn đệ. Ngài trò chuyện, giảng dạy và sau đó bẻ bánh với họ. Các môn đệ đầy đau buồn. Họ thậm chí không thể ngờ rằng người lạ đó lại là Thầy của họ, nay đã sống lại. Nhưng họ cảm thấy “khao khát mãnh liệt” trong lòng (x.Lc 24,32) khi Ngài nói chuyện, giải thích Sách Thánh. Ánh sáng của Lời Chúa làm lòng họ dịu lại, mắt họ được mở ra (Lc 24,31). Sau cùng, “Hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh.”
Cộng đồng các môn đệ được xây dựng xung quanh Ngài từ lúc khởi đầu. Các môn đệ Emmaus đã từng nghi ngờ, phiền não, và đôi khi thậm chí là vỡ mộng cay đắng. Nhiều người cũng có cảm xúc như vậy. Có thể xảy ra nản lòng và vỡ mộng trên con đường hành hương, lắm khi ta không nhận thức được sự hiện diện của Chúa. Tuy nhiên, Chúa vẫn tiếp tục là người bạn đồng hành của ta. Chúa Giêsu đang sống và tiếp tục là trung tâm của đời sống đạo. Chúa Kitô cùng bước với nhân loại và dẫn dắt mọi người đến gặp ánh sáng của Lời Chúa và Bánh Hằng Sống. Trong Bí tích Thánh Thể, ta tham dự với Chúa Kitô và với nhau. Ta cũng lắng nghe lẫn nhau trong sự hiện diện của Đức Kitô như một thân thể duy nhất. “Tâm hồn những ai tìm Chúa, hãy mừng vui.”
Lm. Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy việc Chúa Giêsu đồng hành với hai môn đệ trên đường Emmaus để giúp các ông hiểu được những điều mà Kinh thánh đã nói về Người, cũng như Chúa Giêsu làm lại cử chỉ bẻ bánh, nhờ đó mà lòng hai môn đệ đã bừng lên, cũng như mắt họ sáng ra và nhận ra Người.
Nhưng có một chi tiết mà chúng ta cần chú ý, đó là để sự đồng hành của Chúa có hiệu quả cần sự chấp nhận đồng ý của hai môn đệ, đồng ý để Chúa đồng hành cùng họ, cũng như sau đó là họ mời Chúa ở lại với họ vì trời đã xế chiều và ngày sắp tàn.
Chúng ta hãy nhớ lại Chúa Giêsu đã từng khẳng định: “Này đây Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”. Nhưng điều quan trọng là con người có chấp nhận sự đồng hành của Chúa hay không. Nghĩa là Chúa chủ động đến với con người, nhưng phần con người có chịu chủ động để đón Chúa, để được Chúa đồng hành với mình hay không.
Trong sách Khải Huyền có câu: “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy…” (Kh 3, 20). Họa sĩ trẻ người Anh William Holman Hunt đã minh họa câu lời Chúa này trong bức tranh có tên Ánh sáng Thế giới (Light of the World), nhưng bức tranh thường được biết đến qua tên Chúa Giêsu ở ngoài cửa (Jésus at the Door), được vẽ năm 1854, hiện nay bức tranh được lưu giữ ở đền thánh Thánh Phaolô, Luân Đôn. Trên bức tranh có một chi tiết lạ lùng. Chi tiết này đã có ở tác phẩm gốc của William Hunt. Trên cánh cửa không có tay nắm.
Có một người bạn đến hỏi nhà họa sĩ: “bức tranh của bạn vẽ rất đẹp, nhưng có thiếu một chi tiết đó là cửa phải có tay nắm cửa để mở cửa bước vào, thế tại sao bức tranh cánh cửa của bạn lại không có tay nắm cửa?” Nhà họa sĩ mới trả lời: “tay nắm cửa không nằm ở bên ngoài, nhưng nó nằm ở bên trong, vì đó là hình ảnh Chúa đến gõ cửa tâm hồn của chúng ta, và chính chúng ta phải là người mở cửa tâm hồn của mình để Chúa ngự đến tâm hồn của chúng ta.”
Như vậy, Chúa đến với chúng ta qua Lời của Chúa, vậy chúng ta có chịu khó đọc lời Chúa hay không? Chúa đến với chúng ta qua bí tích giải tội, chúng ta có chịu mở lòng ra, có chịu đến với Chúa để xưng thú những tội lỗi của mình hay không? Chúa đến với chúng ta qua bí tích thánh thể, chúng ta có dọn lòng sốt sắng để đón Chúa, để Chúa ngự trong tâm hồn mình hay không? Hằng ngày, Chúa đến với chúng ta qua những anh chị em của mình, chúng ta có chịu mở lòng ta đón nhận những anh chị em đó, có cầu nguyện cho những anh chị em của mình hay không? Và Chúa còn đến với chúng ta cách này hay cách khác qua các dấu chỉ mà Chúa gởi đến cho chúng ta, chúng ta có chịu mở lòng ra đón nhận hay không?
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta luôn luôn biết mở lòng ra đón Chúa, đón nhận những điều tốt lành mà Chúa gởi đến cho chúng ta, và biết đóng cửa tâm hồn của mình một cách đúng lúc trước những cơn cám dỗ, trước những tội lỗi, trước những đam mê, chỉ dành tâm hồn trong sạch này cho Chúa, có như thế tâm hồn của chúng ta mới có thể bừng cháy những hương thơm thánh thiện, như khi xưa hai môn đệ trên đường Emmaus đã cảm nhận được điều đó. Amen.
Thứ Năm - Tuần Bát Nhật Phục Sinh
(Cv 3,11-26; Lc 24,35-48)
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Cv 3,11-26: Đấng ban sự sống thì anh em đã giết đi, nhưng Thiên Chúa đã cho Người từ cõi chết sống lại.
Tv 8,2: Lạy Chúa, lạy Chúa chúng con, lạ lùng thay danh Chúa khắp nơi hoàn cầu.
Lc 24,35-48: Có lời chép rằng: Đấng Kitô sẽ phải chịu thương khó và ngày thứ ba Người sẽ từ cõi chết sống lại.
Sách Công vụ Tông đồ miêu tả việc Phêrô chữa lành một người tàn tật bằng cách cầu khẩn danh Chúa Giêsu. Đám đông vô cùng ngạc nhiên, và Phêrô nhân cơ hội này để nhắc nhở mọi người rằng Chúa Giêsu là “Đấng ban Sự sống”. “Đấng ban sự sống thì anh em đã giết đi, nhưng Thiên Chúa đã cho Người từ cõi chết sống lại.” Ông tiếp tục cho biết qua sự ăn năn và niềm tin vào Chúa Giêsu, ta được chữa lành và ban cho cuộc sống mới. Trong Phúc âm, Chúa Giêsu xuất hiện trước các môn đệ và chứng thực Ngài đã sống lại.
Chúa tuyên bố rằng sự đau khổ và sự phục sinh của Ngài có giá trị để được tha tội. Câu chuyện của Ngài sẽ được rao giảng nhân danh Ngài, và các môn đệ sẽ là nhân chứng cho tin trọng đại này. Sự phục sinh của Đấng Kitô mang lại ý nghĩa cho những khó khăn và đau khổ của ta. Chúa muốn trái tim nghèo hèn của ta trở thành một trái tim rực cháy. Tóm lại, nhiệm vụ của ta là làm thế nào để diễn tả câu chuyện cứu độ trong thời hiện đại. Với tình yêu và sự tưởng nhớ, ta cử hành mầu nhiệm vượt qua của Chúa Giêsu Kitô hàng ngày cách sống động.
Lm. Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy việc Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ sau khi hai môn đệ trên đường Emmaus trở về Giêrusalem. Và Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ không chỉ để ban bình an cho các ông, không chỉ để trấn an các ông: “Sao lại hoảng hốt? Sao lòng anh em còn ngờ vực? Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?” Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem.” Nhưng Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ còn để muốn các ông làm chứng cho Chúa, mà cụ thể là loan báo cho người ta biết những gì mà kinh thánh đã nói: “Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại; phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội.” Nghĩa là những điều kinh thánh đã nói không còn là sách vở, không còn là lý thuyết nữa, mà nay đã được ứng nghiệm.
Đó là sứ vụ của các môn đệ của Chúa ngày xưa, nhưng cũng là sứ vụ của mỗi người chúng ta là những môn đệ của Chúa ngày nay, chúng ta là những người tin vào Chúa, chúng ta được mời gọi phải làm chứng cho Chúa. Nói cách khác, mỗi người chúng ta khi có danh thì phải có phận, danh là kitô hữu, thì phận đó là phải làm chứng cho Chúa. Nói một cách dễ hiểu chẳng hạn như có danh làm mẹ thì phải có bổn phận làm mẹ, danh làm vợ thì có bổn phận làm vợ, danh làm cha thì có bổn phận làm cha, danh làm chồng thì có bổn phận làm chồng, ai có danh gì thì có bổn phận đó, nên phải chu toàn bổn phận của mình cho đàng hoàng tử tế.
Có một câu chuyện mang tên NGÀY DÀNH CHO CHÚA, EM PHẢI Ở NHÀ CẦU NGUYỆN, được chia sẻ như thế này:
Kayak, một thiếu niên chăm học, nhà nghèo mà lại là con trai lớn, em vừa đi học vừa đi làm rẫy để cùng ba má kiếm miếng cơm manh áo cho gia đình. Bỗng mấy hôm liền cô giáo không thấy em đến lớp, nên đến thăm để biết là do nguyên nhân nào. Vào nhà nghe có tiếng rên… Thì ra ba của Kayak đau nặng, em phải ở nhà chăm sóc thuốc thang. Nhà có bò, vừa bán để trả tiền thuốc. Cô giáo vào thăm người bệnh, rồi ra gặp Kayak.
Em thưa cô giáo: Chắc em phải nghỉ học thôi, cô à! Ba em đau, không ai ở nhà làm việc giúp má. Bỏ học thì cô buồn, em đau lòng lắm!
Cô giáo động viên: Em cố gắng đi học đi, học một buổi ở nhà làm một buổi. Rồi ngày Chúa Nhật nghỉ học, mình tranh thủ làm thêm!
Kayak trả lời ngay: Ngày Chúa Nhật mình đi lao động sao được? Không đi nhà thờ được thì phải ở nhà đọc kinh cầu nguyện chứ cô! Chúa không có bắt, nhưng không đi lễ thì đâu có được! Ngày Chúa Nhật nào nhà em cũng họp nhau cầu nguyện và đọc Lời Chúa. Thôn em không có Nhà Thờ, nhưng em không bao giờ bỏ cầu nguyện… Ở những nơi văn minh, ngày Chúa Nhật là ngày đi chơi. Và người ta dễ dàng bỏ lễ để có thể đi chơi xa. Còn ở đây, người nghèo cần nghe Lời Chúa để sống còn hơn cả bánh nuôi thể xác.
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta ý thức được danh kito hữu của chúng ta, danh làm chồng, làm vợ, làm cha, làm mẹ, làm con cái, để chúng ta biết chu toàn bổn phận xứng với cái danh mà mình đáng có. Amen.
Thứ Sáu - Tuần Bát Nhật Phục Sinh
(Cv 4,1-12; Ga 21,1-14)
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Cv 4,1-12: Ơn cứu độ không gặp được ở nơi một ai khác.
Tv 118,22: Phiến đá mà những người thợ xây loại bỏ, đã biến nên tảng đá góc tường.
Ga 21,1-14: Chúa Giêsu đến, cầm bánh và cá trao cho họ ăn.
Chúa Giêsu tỏ mình ra cho các môn đệ lần thứ ba tại biển hồ Tibêria. Phêrô đã quay trở lại công việc đánh cá trước đây, và những người khác đã gia nhập với ông. Họ đã đi đánh cá. Đêm đó họ không bắt được gì! Và khi bình minh đến, Chúa Giêsu xuất hiện, và Ngài chỉ họ nơi thả lưới. Họ làm theo và hầu như không kéo nổi cá lên. Thánh sử cho biết “lưới đầy toàn cá lớn; tất cả được một trăm năm mươi ba con.” Dù nhiều như vậy nhưng lưới không bị rách. Họ nhận ra điều lạ lùng của Chúa.
Chúa Giêsu đến, cầm lấy bánh mà trao cho các môn đệ; Người cũng cho cá như thế. Phêrô và những người bạn đồng hành của ông tin lời của Đấng Kitô, và họ đã thành công. Bài học cho chúng ta: Chúa Giêsu hướng dẫn, các môn đệ vâng lời, và kết quả dồi dào. Ngài điềm đạm đối đãi với các môn đệ như trước khi chết và sống lại. Sau khi phục sinh, Chúa Giêsu vẫn ở lại với dân Người. Ngài ân cần chăm sóc, hướng dẫn, động viên và tràn đầy tình thương. Chúa đã bị người đời loại bỏ, nhưng Ngài không loại trừ một ai. Nhờ Ngài mà ơn cứu độ được ban cho con người ở mọi nơi mọi thời. Theo sách Công vụ, “Ơn cứu độ không gặp được ở nơi một ai khác.”
Lm. Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy việc Chúa Giêsu hiện ra ở biển hồ Tiberia với các môn đệ. Có một chi tiết mà chúng ta cần chú ý đó là Chúa Giêsu là người luôn chủ động với các môn đệ, chính Chúa Giêsu là người chuẩn bị mọi thứ cho các môn đệ.
Chẳng hạn khi các môn đệ đi đánh cá, nhưng suốt đêm không bắt được con cá nào, Tin mừng thuật lại: “Khi trời đã sáng, Đức Giê-su đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Đức Giê-su. Người nói với các ông: “Này các chú, không có gì ăn ư?” Các ông trả lời: “Thưa không.” Người bảo các ông: “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá.” Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá”, nghĩa là Chúa Giêsu đã đứng đó quan sát, đã đứng đó chờ đợi các môn đệ.
Rồi khi các môn đệ vào bờ, Tin mừng thuật lại: “Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa.” Than hồng và cá đặt ở trên, cũng như bánh ở đâu mà có? Thưa do Chúa Giêsu chuẩn bị cho các ông.
Chúng ta thấy ngày xưa, chính Chúa Giêsu đã chuẩn bị cho các môn đệ của Chúa tất cả để các ông vững tin vào Chúa, mà ra đi làm chứng cho Chúa, thì ngày nay cũng như vậy thôi, Chúa cũng chuẩn bị cho chúng ta tất cả. Nên chúng ta được mời gọi vững tin vào Chúa để mở lòng ra đón nhận những gì mà Chúa gởi đến cho chúng ta, để chúng ta cũng ra đi làm chứng cho Chúa.
Có một câu truyện như thế này:
Một chàng trai cầm bọc tiền vừa rút từ ngân hàng chuẩn bị lên tàu về quê, trong lúc làm công tác soát vé anh ta hí hoáy để quên bọc tiền chỗ nào đó, khi lên tàu thì mới phát hiện bọc tiền đã không còn bên cạnh nữa. Anh ta hốt hoảng đi tìm nhưng hoài không thấy, và rồi anh ta trễ mất chuyến tàu cuối cùng trong ngày để về quê.
Chàng trai ngồi thẫn thờ trước góc một hiên nhà và bắt đầu than thở:
- Lạy Chúa, sao Chúa lại lấy đi của con tất cả những gì con gom góp trong 2 năm qua thế. Chúa có biết nếu không có số tiền đó thì ngôi nhà tồi tàn của con không thể sửa lại được không? - Anh chàng khóc than một mình
Bất chợt có tiếng nói trong tâm trí anh ta:
- Con trai à, ta muốn cho con xem một sự việc.
Trước mặt anh ta là đoàn tàu hồi tối, rồi một va chạm rất mạnh xảy ra, tất cả hành khách trên đoàn tàu đều không thể sống sót. Rồi một hình ảnh khác xuất hiện, một bà cụ rách rưới nhặt được túi tiền ở chân một ghế đá-cái ghế mà lúc anh ngồi chờ tàu, bà cụ mừng rỡ liền đem túi tiền về đưa người con trai độc nhất đang trong cơn thập tử nhất sinh đi bệnh viện, nếu không có số tiền này ắt hẳn người con trai ấy sẽ không qua khỏi.
Xem xong hình ảnh ấy, chàng trai ngước mắt lên trời và nói:
- Lạy Chúa, Chúa quan phòng mọi sự, con cảm tạ Chúa.”
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta vững tin vào Chúa, chắc chắn Chúa sẽ cung ứng, sẽ quan phòng những điều cần thiết cho đời sống của chúng ta, để giúp chúng ta chu toàn tốt bổn phận của mình. Amen.
Thứ Bảy - Tuần Bát Nhật Phục Sinh
(Cv 4,13-21; Mc 16,9-15)
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Cv 4,13-21: Chúng tôi không thể nào không nói lên những điều mắt thấy tai nghe.
Tv 118,21: Tôi cảm tạ Chúa vì Chúa đã nhậm lời tôi.
Mc 16,9-15: Các con hãy đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng.
Chúa Kitô Phục sinh sai các tông đồ “đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng”. Các môn đệ đầu tiên ra đi để thực hiện sứ mệnh của Chúa Kitô. Họ đã gặp Chúa Phục sinh, nên không gì có thể ngăn cản họ loan báo về Ngài và Tin Mừng của Ngài. Thượng hội đồng cố gắng đe dọa Phêrô và Gioan để ngăn chặn việc rao giảng về người thầy đã chết này. Nhưng họ phát hiện ra rằng thật vô vọng để ngăn chặn sự phấn khích xung quanh người liệt đã được chữa lành, hiện đang nhảy trong khuôn viên đền thờ. Phêrô và Gioan khẳng khái: “Chúng tôi nên vâng lời các ông hay Chúa?” Các ngài quả quyết rằng “Chúng tôi không thể nào không nói lên những điều mắt thấy tai nghe.” Đức tin hướng dẫn hành động.
Cộng đoàn đức tin vẫn do Chúa Phục sinh dẫn dắt và Chúa Thánh Thần ban sức mạnh. Nếu đôi khi ta thấy mình thiếu tin tưởng và cứng lòng, giống như các môn đệ, hãy lắng nghe lời chứng và thậm chí là kinh nghiệm của chính ta về tình yêu được lớn lên trong đức tin. Vì đây là kinh nghiệm của các tông đồ, nên cũng là kinh nghiệm của ta. Ta sống cuộc sống như những người khác, làm điều tương tự nhưng nên làm theo cách khác nếu ta đã gặp Đức Kitô. Ta cùng rao giảng phúc âm bằng lời nói và việc làm.
Lm. Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy việc Chúa Giêsu hiện ra với bà Maria Madalena, người mà đã được Chúa trừ cho khỏi 7 quỷ. Sau đó bà Maria đi báo cho các môn đệ biết nhưng các ông không tin. Sau đó, Chúa Giêsu hiện ra với hai môn đệ trên đường Emmaus và hai ông này trở về báo cho các môn đệ khác các ông cũng không tin. Sau cùng, Chúa Giêsu hiện ra với mười một tông đồ, Chúa khiển trách các ông vì các ông không tin. Và sau đó, Chúa Giêsu trao phó cho các môn đệ sứ vụ: Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin mừng cho muôn loài.
Tại sao tin mừng lại trình bày cho chúng ta một loạt các sự kiện như vậy? Thưa vì những sự kiện này đã xảy ra thật sự trong lịch sử, rằng các tông đồ hết lần này đến lần khác đã không thể nào tin được vào sự kiện Chúa Giêsu phục sinh. Nên lời Chúa hôm nay cho chúng ta hai khẳng định:
Khẳng định thứ nhất đó là: Việc tin Chúa Giêsu phục sinh không phải là đức tin hời hợt, không phải là một ngày một bữa, không phải là đức tin theo hiệu ứng đám đông, không phải là đức tin của những người sống theo cảm tính, mà là đức tin của những con người trưởng thành, của những con người có lý trí, của những con người biết phân biệt.
Khẳng định thứ hai đó là: Chúa Giêsu hiện ra không phải chỉ để cho những người được Chúa hiện ra tin vào Chúa rồi thôi, mà con muốn cho họ phải ra đi làm chứng cho Chúa, vì như người Do thái đã nói: “Ông làm chứng cho chính mình; lời chứng của ông không thật!” (Ga 8,13).
Bên cạnh việc người Do thái nói nếu như Chúa Giêsu làm chứng cho chính mình, thì chứng của Chúa Giêsu không phải là chứng thật, mặc dầu đó là chứng thật chứ không phải là chứng giả. Chúng ta biết, ngoài lý do đó ra, còn một lý do nữa là Chúa Giêsu muốn các môn đệ phải làm chứng cho Chúa đó là sứ vụ trần gian của Chúa đã kết thúc, Chúa phải trở về với Chúa Cha, để Chúa Thánh Thần đến hoạt động trong Giáo hội, để Chúa Thánh Thần hướng dẫn Giáo hội làm chứng cho Chúa Giêsu. Đó là lý do mà Chúa muốn các môn đệ phải làm chứng cho Chúa.
Hiểu được như thế mỗi người chúng ta được mời gọi phải biết làm chứng cho Chúa bằng lời nói cũng như bằng những hành động tốt lành của mỗi người chúng ta. Và chúng ta được mời gọi phải biết hướng dẫn, phải biết đào tạo, phải biết nung đúc tin thần của người khác, là những người tin vào Chúa, để họ có tinh thần hăng say nhiệt thành làm chứng cho Chúa, bởi vì chúng ta cũng không thể sống mãi ở trần gian này để làm chứng cho Chúa, nên chúng ta cần có những người kế thừa chúng ta, như Chúa Giêsu ngày xưa cần các môn đệ của Ngài, cũng như Ngài cần mỗi người chúng ta ngày nay. Amen.