24/12/2024
77
Suy niệm hằng ngày_ Tuần Bát nhật Giáng Sinh







 

 

 


 

CÁC NGÀY TRONG TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH

Thứ Năm - Ngày II Tuần Bát Nhật Giáng Sinh

Lễ Thánh Stêphanô, tử đạo tiên khởi (LK)
Cv 6,8-10;754-60; Mt 10, 17-22

Tôma Lê Duy Khang

Chắc mỗi người chúng ta đều biết danh từ Cascadeur, Cascadeur nói về vai trò của người đóng thế, người đóng thế này là người đem lại hào quang cho người khác, còn mình chỉ đứng sau bức màn sân khấu sau những pha nguy hiểm.

Tìm hiểu như vậy, để một mặt cho chúng ta biết được vai trò của một Cascader, mặt khác mời gọi mỗi người chúng ta hiểu được, để đừng quên rằng đằng sau những hào quang sáng chói thì có những bóng hình lặng lẽ âm thầm đóng góp vào, có thể nói những bóng hình âm thầm đó mới là diễn viên chính, còn diễn viên chính thật ra chỉ là vai phụ.

Thực tế, trong kito giáo của chúng ta, chúng ta cũng thấy có một sự hoán đổi như thế, đó chính là Mầu Nhiệm Giáng Sinh và Mầu Nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh, chúng ta biết mầu nhiệm giáng sinh tự thân, đi liền với mầu nhiệm thập giá, niềm vui giáng sinh đã hàm nghĩa nỗi buồn của thập giá. Mầu nhiệm giáng sinh quan trọng, nhưng mầu nhiệp tử nạn và phục sinh cũng quan trọng hơn không kém, chính thánh Phaolo đã nói, nếu không có sự phục sinh của Chúa Kito thì đức tin của chúng ta sẽ trở nên trống rỗng. Nhưng mỗi người chúng ta thường bị cái hào nhoáng bên ngoài của mầu nhiệm giáng sinh làm cho chúng ta bị choáng ngợp rồi dừng lại ở đó, để sống trong mầu nhiệm này, để rồi chúng ta không chịu chấp nhận mầu nhiệm thập giá để đi tới vinh quang.

Chính vì thế, mà hôm nay giáo hội đặt ngày lễ kính nhớ thánh Stephano tử đạo liền kề sau lễ giáng sinh, để nhắc nhở con cái của mình hướng tới điều đó, đó là một khi đã theo Chúa, một khi đã sống đúng Tin Mừng mà Ngài dạy, thì không ai mà không bước qua con đường thập giá cả, mà một khi đã bước qua con đường thập giá để đi theo Chúa đến cùng thì chắc chắn sẽ được hưởng niềm vui phục sinh vinh quang cùng với Chúa, mà gương mẫu đầu tiên đó chính là thánh Stephano hôm nay.

Ngày hôm nay, chúng ta không phải chịu cảnh bị ném đá để tử đạo như thánh Stephano nhưng chúng ta được mời gọi tử đạo qua chính đời sống tốt lành của mỗi người chúng ta, chẳng hạn như biết tha thứ, biết nói lời xin lỗi, biết thường xuyên xét mình ăn năn tội, biết giúp đỡ người khác…. Đó là cách thế tử đạo ngày hôm nay, bằng việc giết chết cái tôi ích kỷ cố hữu trong chúng ta mà hướng đến người khác như lời Chúa dạy, thì chắc chắn hạnh phúc sẽ đến sau những cái nỗi đau ngọt ngào đó mà thôi.

Trong thôn có hai gia đình nọ, ở phía Đông có nhà họ Vương, thường xuyên cãi nhau, đối với nhau như kẻ thù, cuộc sống hết sức thống khổ; ở phía Tây có nhà họ Lý, sống với nhau hòa hợp êm thấm, mỗi ngày đều vui vẻ tươi cười.

Có một ngày, chủ nhà họ Vương chịu không nổi cảnh gia đình chiến loạn, liền đi tới nhà họ Lý để thỉnh giáo.

Lão Vương hỏi: “Vì sao nhà ông lại luôn giữ được không khí vui vẻ đầm ấm như vậy được?”

Lão Lý trả lời: “Bởi vì nhà chúng tôi thường làm điều không đúng”.

Câu trả lời lấp lửng này khiến lão Vương càng thêm khó hiểu. Đúng lúc đó, con dâu của lão Lý từ bên ngoài vội vàng trở về nhà, vừa đi tới đại sảnh thì vô ý ngã nhào xuống đất.

Bà mẹ chồng đang lau nhà lập tức chạy tới đỡ con dâu dậy rồi nói: “Đều là lỗi tại ta, đã lau sàn quá trơn khiến con bị ngã”.

Chồng của cô gái đứng ở cửa lớn cũng tiến đến, ảo não nói: “Đều là lỗi tại ta, đã không nói cho em biết đại sảnh đang lau chùi, hại em bị ngã”.

Con dâu vừa đứng dậy thì áy náy tự trách, nói: “Không, không! Là lỗi của con, là do con đi đứng không cẩn thận nên mới như vậy!”

Lão Vương nhìn thấy cảnh tượng này, lập tức hiểu ra ngay, ông đã biết vì sao nhà lão Lý lại sống được với nhau hòa hợp như vậy. Nếu ngay từ đầu bà mẹ chồng trách cứ con dâu: “Đi đường mà không có mắt à, đúng là đáng đời”; hoặc những người khác không để ý đến cảm thụ của cô gái mà cười ha ha, thì liệu Lý gia còn có thể ấm áp nhu hòa được hay không?

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta ý thức được những điều đó, để từ những hy sinh nho nhỏ như thế, mà nó sẽ đem lại cho mỗi người chúng ta một cuộc đời đẹp không chỉ ở đời này, mà còn ở đời sau nữa. Amen.




Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Cv 6,8-10;7,54-60: Kìa tôi xem thấy trời mở ra.

Tv 31,6: Lạy Chúa, tôi xin phó mạng sống tôi trong tay Chúa.

Mt 10,17-22: Không phải chúng con nói, nhưng là Thánh Thần của Chúa Cha.

Giáo hội vừa cử hành Đại lễ Giáng Sinh cách long trọng để tưởng nhớ Đấng Cứu Thế. Chúa Giêsu đến trần gian để cứu nhân loại khỏi cái chết, nhưng Ngài phải trả bằng chính cái chết của Ngài. Chúa Giêsu biết là bản thân Ngài phải chịu nhiều đau khổ vì quan quyền, vua chúa, luật sĩ, biệt phái, tư tế, và cả những người không tin Ngài. Quả thật, Chúa Giêsu đã đổ máu của Ngài cho nhân loại. Và trong những người theo Chúa, Stêphanô cũng là người đã đổ máu cho Chúa Giêsu. Chính Chúa Giêsu đã nói rằng, “Họ sẽ nộp chúng con cho công nghị, họ sẽ đánh đòn chúng con nơi hội đường.” Thầy Giêsu đã chịu những khổ nhục đến mức chết đi thì những môn đệ của Ngài cũng khó mà tránh khỏi khổ đau.

Tuy nhiên, Chúa an ủi rằng, chúng ta không phải lo khi bị người đời bắt bớ hay hạch hỏi. Vì Chúa Thánh Thần sẽ giúp ta biết ăn nói thế nào. Thánh Stêphanô là chứng nhân của điều này. Ngài đã cho thấy Thánh Thần hoạt động qua con người của ngài như thế nào. Thế giới xưa cũng như nay thường từ chối sứ điệp yêu thương người thân cận như chính mình, dửng dưng với những người thấp cổ bé miệng đi tìm công lý, không tôn trọng phẩm giá của đồng loại. Noi gương thánh Stêphanô, hãy mạnh dạn bước theo Chúa Kitô. “Ai bền chí đến cùng, sẽ được cứu rỗi.”


Thứ Sáu Ngày III Tuần Bát Nhật Giáng Sinh
Lễ Thánh Gioan, tông đồ (LK)

(1Ga 1,1-4; Ga 20,2-8)

Tôma Lê Duy Khang

Chúng ta nghe đọc về tin mừng theo thánh Gioan đã nhiều, thế thì chúng ta có bao giờ suy nghĩ ông viết tin mừng với mục đích gì hay không?

Để biết được mục đích của tin mừng gioan được viết ra là gì, chúng ta xem lại phần kết luận thứ nhất nằm ở cuối chương 20: “Đức Giêsu đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này. Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người.” (Ga 20, 30-31).

Nói một cách khác tin mừng Gioan được viết ra là để chứng minh cho chúng ta tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kito, Con Thiên Chúa, và để chúng ta tin mà được ơn cứu độ.

Đó là mục đích của tin mừng theo thánh Gioan, và hôm nay trang tin mừng mà chúng ta vừa nghe cũng là đoạn để chứng minh cho mục đích của Gioan, để chúng ta tin vào Chúa.

Tin mừng thuật lại khi các bà phụ nữ đi thăm mồ Chúa, không thấy xác Chúa ở đâu, các bà chạy về báo tin cho các môn đệ và gặp được Phêrô và người môn đệ Chúa Giêsu thương mến.

Khi nhận được tin này, Phêrô và Gioan vội vã chạy đến mồ, cả hai đều chạy, nhưng Gioan chạy đến trước. Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào. Ông Simôn Phêrô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Chúa Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin. (x. Ga 20, 2-8).

Chúng ta để ý, tin mừng không nói là Phêrô có tin hay không, nhưng tin mừng khẳng định rằng: “Người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin”.

Điều này cho chúng ta thấy, không phải là Phêrô không tin, nhưng đức tin của Phêrô có thể là chưa chín muồi mà thôi, bằng chứng là sau Chúa hiện ra với các ông ở biển hồ Tiberia với phép lạ mẻ cá lạ lùng, Phêrô lúc đó đã mặc áo vào rồi nhảy xuống biển để bơi vào bờ trước để gặp Chúa Giêsu. Để rồi sau đó, ông đã trả lời thật với lòng mình khi Chúa hỏi: “Này anh Si-môn, con ông Gioan, anh có mến Thầy không?”.

Còn Gioan đã tin ngay tức khắc vì ông có lòng yêu mến Chúa luôn luôn hướng về Chúa, nhưng bên cạnh đó có một lý do nữa, là vì ông là dụng cụ Chúa dùng để viết sách tin mừng, nên ông phải tin trước đã, để lời chứng của ông được xác thực hơn, để người ta tin vào Chúa.

Thiền sư thích giác khang có nói người ta tôn trọng tôi vì cái gì…

Hiểu được như thế, chúng ta thấy, để có thể làm chứng cho Chúa như thánh Gioan, chúng ta phải có lòng yêu mến Chúa, phải tin vào Chúa trước đã, thì lời nói cũng như hành động của mỗi người chúng ta, mới đầy tính thuyết phục người khác, bởi không ai cho cái mà mình không có.  Xin thánh Gioan cầu bàu cùng Chúa cho chúng con. Amen.




Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

1 Ga 1,1-4: Chúng tôi loan truyền cho anh em điều chúng tôi đã nghe và đã thấy.

Tv 97,12: Người hiền đức, hãy vui mừng trong Chúa.

Ga 20,1a.2-8: Môn đệ kia chạy nhanh hơn Phêrô và đến mộ trước ông.

Ngay sau lễ Giáng Sinh, Giáo hội tưởng nhớ thánh Stêphanô. Ngày kế tiếp thì chúng ta thành kính ghi ơn thánh Gioan tông đồ. Cả hai vị thánh mà Giáo hội tri ân đều làm chứng cho Chúa theo cách rất riêng. Thánh Gioan đã dùng chính đời sống mến yêu, tin tưởng vào Chúa Giêsu như là người môn đệ để ghi lại những kinh nghiệm đức tin. Trong thư của mình, Gioan khẳng định với tư cách là chứng nhân của Chúa khi rao giảng về Chúa. “Chúng tôi loan truyền cho anh em điều chúng tôi đã nghe và đã thấy.”

Nói cho người khác kinh nghiệm thực sự về Chúa là một điều rất quan trọng trong việc loan báo Tin mừng. Kinh nghiệm đó có thể là những giây phút sống bên Chúa, thấy Chúa, trò chuyện, học hỏi với Chúa, và cả những cảm nghiệm thiêng liêng. Gioan có tất cả những điều đó và ngài đã có những ghi chép để lại cho đời. Chúng ta bắt gặp một kinh nghiệm rất hay của thánh nhân về việc ngài và tông đồ Phêrô cùng chạy ra ngôi mộ của Chúa khi nghe tin xác của Chúa không còn. Ngài đã chạy nhanh hơn Phêrô, cúi nhìn vào trong mộ, và đợi cho Phêrô vào trước. Chính tình yêu với Thầy Giêsu đã thúc ngài chạy nhanh, và lý trí đã giúp ngài dừng lại suy ngẫm để hành động cho đúng. Xin cho ta được như vậy.



Thứ Bảy Ngày IV Tuần Bát Nhật Giáng Sinh
Các Thánh Anh Hài, tử đạo (LK)

(1Ga 1,5-2,2; Mt 2,13-18)


Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy việc Hêrode ra lệnh giết các em nhỏ từ hai tuổi trở xuống, để bảo vệ ngai vàng của mình.

Chúng ta biết nguyên do là trước đó có mấy nhà chiêm tinh đến để hỏi vua Hêrode: “Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người.", và sau khi các nhà chiêm tinh biết được Vua dân do thái mới sinh ra ở vùng đất Belem thuộc chi tộc Giuda, các ông lên đường, thì vua Hêrode nói với họ: “Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người."

Sau khi tìm được hài nhi Giêsu các nhà chiêm tinh được báo lại là đừng trở về đường cũ, nghĩa là đừng trở về gặp Hêrode nữa, nên họ đã đi lối khác mà về xứ mình.

Bấy giờ vua Hê-rô-đê thấy mình bị các nhà chiêm tinh đánh lừa, thì đùng đùng nổi giận, nên sai người đi giết tất cả các con trẻ ở Bê-lem và toàn vùng lân cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo ngày tháng ông đã hỏi cặn kẽ các nhà chiêm tinh, để bảo vệ ngai vàng của mình

Câu chuyện tin mừng hôm nay, chúng ta có thấy giống như câu chuyện của Môse trong cựu ước hay không? Thưa rất giống.

Sách Xuất hành thuật lại: “Thời ấy có một vua mới lên trị vì nước Ai-cập, vua này không biết ông Giu-se. Vua nói với dân mình: "Này đám dân con cái Ít-ra-en đông đúc và hùng mạnh hơn chúng ta.  Chúng ta hãy dùng những biện pháp khôn ngoan đối với dân đó, đừng để chúng nên đông đúc, kẻo khi có chiến tranh, chúng hùa với địch mà đánh lại chúng ta, rồi ra khỏi xứ."  Người ta bèn đặt lên đầu lên cổ họ những viên đốc công, để hành hạ họ bằng những việc khổ sai; họ phải xây cho Pha-ra-ô các thành làm kho lương thực là Pi-thôm và Ram-xết.  Nhưng chúng càng hành hạ họ, thì họ càng nên đông đúc và lan tràn, khiến chúng đâm ra sợ con cái Ít-ra-en. Người Ai-cập cưỡng bách con cái Ít-ra-en lao động cực nhọc.  Chúng làm cho đời sống họ ra cay đắng vì phải lao động cực nhọc: phải trộn hồ làm gạch, phải làm đủ thứ công việc đồng áng; tóm lại, tất cả những việc lao động cực nhọc, chúng đều cưỡng bách họ làm.” (Xh 1, 8-14).

Nên chúng ta thấy, khi đụng đến quyền lợi, thì sẽ biết được con người đó như thế nào.

Mở rộng ra chúng ta được mời gọi suy tư thêm một điều này nữa, đó là nguyên nhân nào làm cho con người khi đụng đến quyền lợi trở nên xấu?

Tử Cống hỏi Khổng Tử: Một người bị cả làng nói là xấu, có xấu không?

Khổng Tử nói: Chưa chắc!

Tử Cống hỏi tiếp: Một người được cả làng nói là tốt, có tốt không?

Khổng Tử cũng đáp: Chưa chắc!

Tử Cống lại hỏi: Vậy làm sao biết được người tốt, kẻ xấu?

Khổng Tử trả lời: Phải xem cái làng ấy là làng tốt hay xấu đã. Một làng xấu, thì người tốt nhất của làng ấy là kẻ xấu nhất.

Như vậy, chúng ta thấy nguyên nhân làm cho con người thật sự trở nên xấu đó là do ảnh hưởng của môi trường sống, hay nói đúng hơn đó chính là cách giáo dục.

Đời thượng cổ có ông Hứa Do là một người sống ẩn dật ở trong chằm Bái Trạch.

Vua Nghiêu nghe tiếng là người giỏi, mời ra xin nhường cả thiên hạ. Hứa Do từ chối, lui về ẩn tại núi Trung Nhạc phía Nam sông Dĩnh Thuỷ.

Sau, vua Nghiêu lại tìm đến, cố mời Hứa Do ra làm tổng trưởng cả chín châu. Hứa Do thấy vậy, không muốn nghe chuyện nữa, ra bờ sông Dĩnh Thuỷ rửa tai. Ngay lúc bấy giờ, Sào Phủ đang dắt trâu xuống bờ sông, gặp Hứa Do hỏi: Vì việc gì mà bác phải rửa tai như vậy?

Hứa Do thuật chuyện, Sào Phủ liền gò cổ trâu lại mà nói rằng: Ta toan cho trâu uống nước đây, lại e bẩn cả miệng trâu. Nói đến đoạn dắt trâu lên quãng sông trên cho trâu uống nước.

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta hiểu được điều đó, để chú ý hơn đến cách giáo dục, giáo dục không phải chỉ về mặt tri thức nhưng là nhân bản đạo đạo, giáo dục về đời sống thieng liêng, nếu chúng ta để ý như vậy, thì ngay trên trần gian này chúng ta đã có một thiên đàng tại thế. Amen.




Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Ga 1,5-2,2: Máu Chúa Giêsu Kitô rửa chúng tôi sạch mọi tội lỗi.

Tv 124,7a: Hồn chúng tôi như chim non, thoát khỏi lưới dò của người gài bẫy bắt chim.

Mt 2,13-18: Hêrôđê giết hết các con trẻ ở Bêlem.

Hôm nay Giáo hội tưởng nhớ các thánh Anh Hài Tử đạo. Những hài nhi bé nhỏ đã góp phần vào công trình cứu độ của Thiên Chúa. Đó là những trẻ trai dưới hai tuổi phải chịu chết dưới lệnh của vua Hêrôđê. Vì sao các trẻ này phải chết? Họ chết vì họ bị xem như kẻ thù của những thể chế quyền lực chính trị. Hêrôđê sợ mất tầm ảnh hưởng, mất quyền thống trị dân, và kèm theo đó là những lợi lộc đi đôi với quyền hành nên đã có một quyết định hết sức nhẫn tâm. Ông thà giết lầm còn hơn bỏ sót, cho dù đó là những trẻ sơ sinh vô tội.

Hêrôđê chỉ lo cho bản thân, gia đình, triều đình của ông mà thôi. Ông sợ người khác mạnh hơn mình nên lúc ông còn đang có quyền, ông đàn áp dân. Hình ảnh của vị vua này rất tương phản với vua Giêsu vừa mới hạ sinh. Ngài là hoàng tử bình an, và sứ mạng của Ngài là đem ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại. Giêsu là vua của tình yêu và chấp nhận khổ đau vì dân. Ngài ủi an những ai chịu cảnh lầm than khổ sầu, và ban cho họ niềm hy vọng vào tương lai tươi sáng. Chúng ta hãy hy vọng ánh sáng bình an của Hài Nhi Giêsu xua tan đi những nghi ngại, hận thù, chia rẽ, lợi ích, và giúp ta sống hiệp thông.