29/12/2024
656
Suy niệm hằng ngày_ Sau lễ Thánh Gia Thất







 

 

 


 

CHÚA NHẬT - LỄ THÁNH GIA THẤT

(Hc 32-6.12-14; Cl 3,12-21; Lc 2,41-52)

Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Hc 3,3-7.14-17a: Ai kính sợ Chúa, thì thảo kính cha mẹ.

Tv 127,1: Phúc thay những bạn nào tôn sợ Thiên Chúa, bạn nào ăn ở theo đường lối của Người.

Cl 3,12-21: Về đời sống gia đình trong Chúa.

Lc 2,41-52: Hai Ông Bà gặp Chúa Giêsu đang ngồi giữa các thầy tiến sĩ.

Sách Huấn Ca nhắc nhở rằng “Vì Chúa làm cho người cha được vẻ vang vì con cái, cho người mẹ thêm uy quyền với các con” (Hc 3,2). Chúa Giêsu mười hai tuổi, và Ngài đã cho thấy sự giáo dục tốt mà Ngài đã nhận được tại nhà Nazareth của Ngài. Sự khôn ngoan của Ngài chắc chắn phản ánh hành động của Chúa Thánh Thần, nhưng cũng là bí quyết giáo dục tốt không thể phủ nhận của Giuse và Maria. Sự đau khổ và lo lắng của Maria và Giuse minh chứng cho sự quan tâm đầy yêu thương và giáo dục của họ đối với Chúa Giêsu.

Giáo dục là giới thiệu thực tế, và chỉ những bậc cha mẹ sống với ý nghĩa thực tế này mới có thể thực hiện được. Cha mẹ Kitô giáo phải giáo dục qua Đức Kitô, là nguồn của mọi ý nghĩa và sự khôn ngoan. Các nhân đức của Thánh Giuse và Mẹ Maria không ngừng được thực hành tại nhà Nazareth của họ đã được Chúa Giêsu sống và học hỏi một cách tự nhiên; tinh thần phụng sự Thiên Chúa và loài người, thánh thiện, yêu công việc, tôn trọng, quan tâm đến nhau, và ghê sợ tội lỗi. Để lớn lên như một Kitô hữu, trẻ em cần những tấm gương và nếu cha mẹ có những điều này, con cái sẽ rất có phúc.


 

Thứ 2 sau lễ thánh gia thất

Ngày 30- 12 tuần bát nhật giáng sinh

Lc 2,36-40

Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy sau khi thánh Giuse và Đức Mẹ hoàn tất mọi điều theo luật Chúa dạy, thì trở lại xứ Galile, về thánh mình là Nadaret.

Sau đó tin mừng nói thêm về Chúa Giêsu, đó là: “Và con trẻ lớn lên, thêm mạnh mẽ, đầy khôn ngoan, và ơn nghĩa với Chúa”.

Ở đây chúng ta không nhìn dưới cái nhìn thần tính của Chúa Giêsu, nếu nhìn dưới cái nhìn thần tính, thì vì Chúa Giêsu là Thiên Chúa nên lẽ dĩ nhiên Chúa Giêsu là Đấng tốt lành, đầy sự khôn ngoan.

Nhưng chúng ta cần nhìn dưới cái nhìn đời thường, thì sở dĩ Chúa Giêsu là người con ngoan ngoãn, mạnh mẽ, đầy ơn nghĩa với Chúa, một phần đó là do cha mẹ của Chúa là những con người sống tốt lành, biết chu toàn lề luật của Chúa, một phần là do ý thức tốt lành của Chúa Giêsu, ngài nhận ra được điều đó nữa.

Chúng ta hãy nhớ khi lạc mất Chúa Giêsu trong đền thờ khi đi hành hương ở Giêrusalem, khi tìm được Chúa Giêsu, thì Đức Mẹ nói: "Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con! "Người đáp: "Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?" Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài.” (x. Lc 2, 48-51)

Chính vì thế, mà mẫu gương của thánh Giuse và Mẹ Maria là mẫu gương cho các gia đình công giáo noi theo trong việc giáo dục hướng dẫn con cái của mình, nhưng quan trọng là phải giáo dục làm sao để cho con cái hiểu được nỗi lòng của cha mẹ, có như thế con cái mới có thể đón nhận được sự giáo dục của cha mẹ.

Một phóng viên hỏi Cristiano Ronaldo: Tại sao lớn tuổi rồi mà bạn vẫn sống với mẹ?

Mẹ tôi đã nuôi nấng tôi, hy sinh cuộc đời vì tôi. Bà ấy ngủ đói để tôi có cái ăn vào ban đêm. Chúng tôi không có tiền. Mẹ tôi làm việc 7 ngày một tuần và buổi tối làm thêm công việc dọn dẹp để giúp tôi mua bóng tập đá, để tôi có thể nuôi giấc mơ trở thành cầu thủ. Tất cả thành công của tôi đều dành riêng cho bà. Và chỉ cần tôi còn sống, bà sẽ luôn ở bên cạnh tôi và có mọi thứ tôi có thể cho bà. Mẹ tôi là nơi nương tựa và là món quà lớn nhất của tôi.

Tôi thiết nghĩ, tiền không làm nên người giàu. Trên thực tế, có một số người nghèo đến nỗi tất cả những gì họ có chỉ là tiền.

Sự giàu có thực sự được tìm thấy trong lòng biết ơn đối với những món quà và phước lành của cuộc sống.

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta hiểu được điều đó, để sống tốt lành thánh thiện, cho con cái mình hiểu được nỗi lòng của mình dành cho con cái, có như thế, con cái của chúng ta mới có thể trở nên tốt lành thánh thiện được. Amen.




Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

1 Ga 2,12-17: Những người làm theo ý muốn của Chúa tồn tại muôn đời.

Tv 96,11: Trời xanh hãy vui mừng và địa cầu hãy hân hoan.

Lc 2,36-40: Bà đã nói về Người với tất cả những người đang trông chờ ơn cứu chuộc Israel.

Gioan nói với nhiều hạng và nhiều giới, từ già đến trẻ, về Chúa Giêsu. Họ đã nhận ra thần tính của Chúa Giêsu ngay từ đầu và đã theo Ngài. Họ hết lòng vì Chúa Giêsu và nhận ra rằng những điều trên thế gian là nhất thời nhưng Thiên Chúa là mãi mãi. Lời khuyên là “Các con đừng yêu mến thế gian và những điều thuộc về thế gian. Nếu ai yêu mến thế gian thì lòng mến của Chúa Cha không có trong kẻ ấy.” Họ phải tập trung vào sự vĩnh cửu và Chúa Giêsu hơn là vào những thứ của thế giới này. Trong Phúc Âm, chúng ta nghe về Anna, người đã dành cả cuộc đời trong đền thờ để tiên tri về sự xuất hiện của Chúa Giêsu. Bà kể cho mọi người nghe về đứa trẻ đến từ Nazareth, người đầy trí tuệ và sự ưu ái của Thiên Chúa.

Chúng ta nên giống như những người trong bức thư đầu tiên của Thánh Gioan, tập trung vào Chúa Giêsu, theo Ngài, và hướng lòng vào sự vĩnh cửu. Chúng ta nên chú tâm vào những gì ở trong máng cỏ hơn là những gì xung quanh. Chúng ta nên giống như Anna, dành toàn bộ sự tập trung vào Chúa Giêsu, Hài nhi sinh ra vào tuần trước, và là Đấng sẽ cứu chuộc chúng ta. Món quà Giáng sinh lớn nhất của chúng ta là chính Đấng Emmanuel.


 


Thứ 3 sau lễ thánh gia thất

NGÀY 31-12 TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH

Ga 1,1-18.

Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy lời chứng của Gioan về Chúa Giêsu, và chúng ta biết xuyên suốt sách tin mừng Gioan là để làm chứng cho Chúa để cho người ta tin vào Chúa.

Nếu để ý cuối tin mừng Gioan, thì có hai kết luận, hai kết luận cho cho thấy mục đích của tin mừng Gioan là làm chứng cho Chúa, để người ta tin Chúa Giêsu là Đấng Kito, con Thiên Chúa, kết luận thứ nhất: “Chúa Giêsu đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này. Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Chúa Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người.” (Ga 20, 30-31), và kết luận thứ hai là: “Chính môn đệ này làm chứng về những điều đó và đã viết ra. Chúng tôi biết rằng lời chứng của người ấy là xác thực. Còn có nhiều điều khác Chúa Giêsu đã làm. Nếu viết lại từng điều một, thì tôi thiết nghĩ: cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các sách viết ra.” (Ga 21, 24-25).

Cuộc đời của mỗi người Kito hữu của chúng ta phải là một cuộc đời làm chứng cho Chúa, để danh Chúa được cả sáng, chúng ta hãy nhớ là làm chứng cho Chúa chứ đừng làm cho danh mình được cả sáng.

Gần đây, chắc chúng ta cũng nghe thông tin của một cô tên là Huỳnh Trần Ý Nhi vừa đăng quang Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2023. Cô 21 tuổi, quê Bình Định, đang là sinh viên ngành Quản trị kinh doanh, Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP HCM. Cô sẽ đại diện Việt Nam thi Miss World 2024. Nhưng cô Huỳnh Trần Ý Nhi đã trở thành tâm điểm bàn tán của cộng đồng mạng bởi những phát ngôn của mình dù mới đăng quang được 7 ngày.

Chẳng hạn như khi được hỏi: "Bạn trai có cần thay đổi gì sau khi cô đăng quang hay không?", người đẹp nêu quan điểm: "Tôi hiện tại đã ở một cương vị mới, thật sự là một bước tiến nhảy vọt so với tôi của 2 - 3 tháng trước. Chắc chắn bạn trai của tôi cũng phải có những sự thay đổi nhanh chóng, tiến bộ nhiều hơn để có thể theo kịp tôi. Nhưng tôi vẫn mong muốn bạn trai vẫn giữ được sự hồn nhiên, vô tư, sống đúng với lứa tuổi. Tôi không muốn vì bản thân tôi mà ép người khác theo mình hay thay đổi hoàn toàn vì mình".

Hay cô ta tự hào: “Trong khi bạn bè đồng trang lứa với tôi chỉ dành thời gian để ngủ, để chơi, để uống trà sữa thì tôi đã tham dự cuộc thi hoa hậu. Tôi nghĩ mình trưởng thành hơn các bạn, khi mà các bạn vừa đi học vừa đi làm thì tôi đã là một hoa hậu. Từ giờ tôi sẽ giữ mình hơn để xứng đáng với cương vị của một hoa hậu".

Rồi có một câu hỏi khác đó là hãy cho biết tên ba người nổi tiếng ở Bình Định, thì cô trả lời: người thứ nhất là Em, người thứ hai là nhà thơ Hàn Mặc Tử và người thứ 3 là vua Quang Trung.

Chúng ta thấy cô này quá tự tin, xuyên qua mọi thời đại mọi lãnh vực để rồi không biết mình là ai, nên chúng ta thấy đối với cô này thì sắc đẹp bề ngoài, tỷ lệ nghịch với trí thông minh, tỷ lệ nghịch với đời sống đạo đức. Và dường như ngày nay người ta đánh giá con người chỉ dựa vào điều đó, chứ không dựa vào dự thông minh không dựa vào đạo đức.

Nên xin Chúa cho mỗi người chúng ta hiểu được điều đó, để chúng ta đừng quá tự tin vào chính mình, để chúng ta biết mình là ai, ý thức mình chỉ là những đầy tớ vô dụng của Chúa, để cố gắng sống và làm chứng cho Chúa. Amen.



Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

1 Ga 2,18-21: Các con được Ðấng Thánh xức dầu, và các con biết mọi sự.

Tv 96,11a: Trời xanh hãy vui mừng và địa cầu hãy hân hoan.

Ga 1,1-18: Ngôi Lời đã làm người.

Tin mừng của ngày cuối cùng trong năm dương lịch 2024 gợi nhớ cho ta một sự thật rất ý nghĩa. “Ngôi Lời đã làm người.” Chúa Giêsu là lý do độc nhất, siêu việt nhất của Mùa Giáng Sinh. Thiên Chúa đã làm người là một tin vui vượt trên tất cả mọi tin vui, vượt quá mọi sự mong chờ. Muôn dân đã đợi trông từ rất lâu thì nay đã được nhìn thấy ánh sáng của Ngôi Lời nhập thể. Khi con Thiên Chúa hiện diện với dân của Người thì cả vũ trụ đều được mời gọi cùng cất cao những tiếng ngợi khen. Nào “trời xanh hãy vui mừng và địa cầu hãy hân hoan.”

Trời và đất hòa trong niềm vui Giáng Sinh. Nhân vật chính và nguồn vui chính là Chúa Giêsu. Ngài là khởi nguyên và là cùng đích của vũ trụ. Ngày hôm nay như là ngày khép lại năm 2024, và năm này mãi là một phần của lịch sử. Sau ngày này, năm 2025 mở ra với tương lai chưa ai có thể dự báo được, nhưng chúng ta vẫn vững vàng tin tưởng và hy vọng vào tình yêu cứu độ của Thiên Chúa. Hòa vào niềm tin đó, chúng ta cũng thực hành lời mời gọi của Thánh vịnh. “Hãy ca mừng Thiên Chúa, hãy chúc tụng danh Người, ngày ngày hãy loan truyền ơn Người cứu độ.” Ta phó dâng tương lai cho Chúa và nguyện dâng tâm tình tạ ơn, ngợi khen, và loan báo Tin mừng ‘mỗi ngày’.




Thứ 4 sau lễ thánh gia thất

LỄ ĐỨC MẸ LÀ MẸ THIÊN CHÚA.

Ds 6,22-27; Gl 4,4-7; Lc 2, 16-21

Tôma Lê Duy Khang

Bài đọc 1 trích sách dân số hôm nay trình bày cho chúng ta thấy việc ĐỨC CHÚA phán với ông Mô-sê, để Môse nói với A-ha-ron và các con của ông thái độ khi chúc lành cho cho cái Israen: Thứ nhất đó là: "Nguyện ĐỨC CHÚA chúc lành và gìn giữ anh (em)!

 Thứ 2 đó là: Nguyện ĐỨC CHÚA tươi nét mặt nhìn đến anh (em) và dủ lòng thương anh (em)!

Thứ 3 đó là: Nguyện ĐỨC CHÚA ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh (em)!

Và Chúa kết luận: Chúc như thế là đặt con cái Ít-ra-en dưới quyền bảo trợ của danh Ta, và Ta, Ta sẽ chúc lành cho chúng.

Nghĩa là việc chúc lành đến từ Thiên Chúa, chúc lành nhân danh Chúa chứ không phải nhân danh con người, còn con người chỉ là dụng cụ Chúa dùng để trao ban cho người khác.

Nơi Chúa Giêsu cũng vậy, khi sống lại hiện ra với các môn đệ đều đầu tiên là Chúa ban bình an cho các ông: “Bình an cho các con”, nên việc chúc lành là đến từ Chúa chứ không phải đến từ con người.

Trong ý tưởng đó, chúng ta mới hiểu được đặc ân các đặc ân của Đức Mẹ, mà cụ thể là đặc ân Mẹ là Mẹ Thiên Chúa mà chúng ta mừng lễ hôm nay là do ơn Chúa ban cho Mẹ, chứ tự sức Mẹ cũng không thể nào đạt tới được.

Chúng ta thử suy nghĩ nếu Thiên Chúa chọn một người phụ nữ khác làm Mẹ của Chúa Giêsu, thì Mẹ Maria có được diễm phúc này hay không? Thưa không, nhưng vì Chúa đã chọn Mẹ làm Mẹ của Chúa Giêsu, mà Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa và cũng là Thiên Chúa, nên Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, theo nghĩa là Mẹ của Chúa Giêsu.

Và chúng ta thấy Mẹ có ý thức được điều này hay không? Thưa ý thức được, nên khi Thiên Thần truyền tin, Thiên Thần giải thích Mẹ mang thai cách nào, thì Mẹ đã trả lời: “Vâng tôi đây là nữ tỳ của Chúa, tôi xin vâng như lời thánh Thiên Thần truyền”.

Chúng ta thấy Mẹ chỉ xưng mình là nữ tỳ của Chúa, chứ mẹ không xưng mình là Ai- da, hay là bổn cung, hay là hoàng hậu, hay là hoàng thái hậu gì cả, mà chỉ dám xưng mình là nữ tỳ là người đầy tớ gái của Chúa mà thôi, nghĩa là Mẹ ý thức được không có Mẹ thì cũng có người khác, giống như lời Chúa Giêsu đã nói: “Khi làm bất cứ điều gì hãy nói, chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi." (Lc 17,10).

Chính vì thế, mà Mẹ không chỉ xứng đáng là Mẹ của Chúa Giêsu theo nghĩa huyết nhục, mà còn là mẹ của Chúa Giêsu theo nghĩa thiêng liêng nữa, vì “Ai thì hành ý muốn của Cha tôi, người ấy là anh em tôi, là mẹ tôi”.

Noi gương Mẹ Maria mặc dầu mẹ là Mẹ Thiên Chúa, Mẹ vẫn khiêm nhường thực thực thánh ý của Chúa, thì chúng ta hãy nhìn lại xem chúng ta là ai mà dám tự hào để kiêu căng để kiêu ngạo, nên chúng ta hãy nhìn vào đó, mà soi lại chính mình, để chúng ta sống khiêm nhường trước mặt Chúa, ý thức mình chỉ là những đầy tớ vô dụng bất tài của Chúa, nhưng được Chúa thương gọi vào cộng tác với Chúa, nếu chúng ta nghĩ như vậy, chúng ta mới hết lòng vì chủ của chúng ta được.

Nếu chúng ta không ý thức được điều đó, mà nghĩ tất cả là do công sức của mình, thì chúng ta sẽ không sống hết lòng vì Chúa, hết lòng vì anh em của mình.

Trong sách Macabe có mẫu gương của bà Mẹ dạy 7 người con của bà, đáng cho chúng ta suy gẫm: “Mẹ không rõ các con đã thành hình trong lòng mẹ thế nào. Không phải mẹ ban cho các con hơi thở và sự sống. Cũng không phải mẹ sắp đặt các phần cơ thể cho mỗi người trong các con. Chính Đấng Tạo Hoá càn khôn đã nắn đúc nên loài người, và đã sáng tạo nguồn gốc muôn loài. Chính Người do lòng thương xót, cũng sẽ trả lại cho các con hơi thở và sự sống, bởi vì bây giờ các con trọng Luật Lệ của Người hơn bản thân mình." (2Mcb 7,22-23).

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta hiểu được điều đó và xin Chúa chúc lành cho chúng ta. Xin Mẹ Maria cầu bàu cùng Chúa cho chúng con. Amen.



Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Ds 6,22-27: Họ sẽ kêu cầu danh Ta trên con cái Israel và Ta sẽ chúc lành cho chúng.

Tv 67,2: Xin Thiên Chúa xót thương và ban phúc lành cho chúng con.

Gl 4,4-7: Thiên Chúa đã sai Con Ngài sinh hạ bởi người phụ nữ.

Lc 2,16-21: Họ đã gặp thấy Maria, Giuse và hài nhi… và tám ngày sau người ta gọi tên Người là Giêsu.

Giáo hội thành kính gẫm suy về tình mẫu tử của Đức Trinh Nữ Maria. Luca trình thuật “cuộc gặp gỡ” của những mục đồng và các Đấng Thánh. Sự hiện diện kín đáo của thánh Giuse phản ánh sứ mệnh quan trọng của ngài với tư cách là người bảo vệ mầu nhiệm vĩ đại của Con Thiên Chúa. Tất cả mục đồng, Đức Maria, thánh Giuse, và “hài nhi nằm trong máng cỏ”, tạo nên một hình ảnh đẹp của Giáo hội trong sự tôn thờ.

Chúa Giêsu được đặt trong máng cỏ. Chính Đức Maria đã đặt Ngài ở đó! Luca nói về cuộc “gặp gỡ” giữa những mục đồng và Chúa Giêsu. Hoa quả đầu tiên của cuộc “gặp gỡ” được chỉ ra: “Tất cả những ai nghe đều kinh ngạc về những gì các mục đồng đã kể”. Hoa trái thứ hai của cuộc gặp gỡ: “các mục đồng trở về, tôn vinh và ngợi khen Thiên Chúa về tất cả những gì họ đã nghe và đã thấy”. Cuộc gặp gỡ với Chúa lấp đầy tâm hồn họ sự nhiệt tình và tạ ơn, tôn vinh Chúa. Mẹ Maria là mẫu gương về tình mẫu tử, vì Mẹ đã “ghi lòng tạc dạ những điều ấy”. Mẹ đã ban cho ta Chúa Giêsu, và Ngài ban cho ta Bình an.




Lm Trầm Phúc

Ngày đầu năm dương lịch, Giáo Hội hướng nhìn về Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ chúng ta. Giáo Hội muốn chúng ta luôn sống dưới sự che chở của Mẹ như xưa Chúa Giêsu đã sống dưới bàn tay hiền mẫu của Mẹ. Mẹ sẽ dẫn dắt chúng ta đến với Chúa Giêsu và dạy chúng ta sống theo gương mẫu của Ngài.

Chúng ta hãy nhìn về Mẹ. Mẹ không là một hoàng hậu sang trọng, mà chỉ là một người con gái đơn sơ quê mùa ở Nadaret. Mẹ khiêm tốn nhận mình chỉ là tôi tớ Thiên Chúa. Mẹ hoàn toàn vâng theo ý Chúa. Mẹ được bà Êlisabêt gọi là Mẹ Thiên Chúa, Mẹ chỉ biết ngợi khen Chúa thôi. Mẹ sinh con đầu lòng không phải trong một mái nhà mà trong một hang lừa hôi thối, vì Mẹ không tìm được chỗ trong nhà trọ. Sinh con không được bao lâu, phải tất tả bồng bế con chạy lánh nạn bên Ai Cập. Khi mọi sự yên ổn, Mẹ trở về sống ở Nadaret, nghèo nàn như mọi gia đình nghèo, ngày ngày lo dạy dỗ con, vui mừng thấy con càng lớn khôn, càng thêm nhân đức. Rồi một ngày nào đó Mẹ đứng dưới chân thập giá, chứng kiến cái chết thảm sầu của Con Mẹ.

Mẹ là Mẹ Thiên Chúa làm người và là Mẹ chúng ta. Cuộc đời Mẹ trên dương thế nầy đâu khác gì cuộc sống của một người phụ nữ nghèo.  Nhờ đó Mẹ rất gần gũi với chúng ta, Mẹ dạy chúng ta sống với Chúa Giêsu, trở nên giống Ngài. Mấy anh mục đồng đến hang đá Bêlem, nhìn thấy Mẹ Maria, nhìn thấy Hài Nhi nằm trong máng cỏ. Thế thôi, nhưng họ đã vui mừng nói cho mọi người biết những gì họ thấy và ai cũng ngạc nhiên. Chúng ta hạnh phúc hơn vì chúng ta biết Mẹ là ai, Chúa Giêsu là ai. Hãy noi gương Mẹ, khắc ghi tất cả trong lòng và suy đi nghĩ lại về những gì Chúa đã làm cho chúng ta. Hãy cám ơn Mẹ vì đã cho chúng ta Chúa Giêsu, vì Mẹ đã nhìn nhận chúng ta làm con của Mẹ.

Năm mới nầy đầy biến động, đầy những tai ương khốn khổ, chúng ta không thể rời khỏi Mẹ, càng bám vào Mẹ hơn, xin Mẹ che chở chúng ta và dẫn dắt chúng ta đến với Chúa Giêsu Con Mẹ, trở nên giống Chúa Giêsu hơn. Chúa Giêsu cần Mẹ như thế nào, chúng ta cũng cần Mẹ như thế. Mẹ là nơi nương ẩn của chúng ta. Xưa kia, Chúa Giêsu đầu thai trong lòng Mẹ, thì hôm nay, Chúa Giêsu cũng đến với chúng ta qua bí tích Thánh Thể. Ngài đến trong chúng ta bằng cách cho chúng ta ăn lấy Ngài, nuốt Ngài vào trong chúng ta. Nhưng nuốt Ngài vào trong chúng ta để làm gì ? Chúng ta không thể nuốt Ngài vào trong chúng ta  rồi bỏ Ngài cô đơn, chúng ta lo công việc của chúng ta. Không, chúng ta đã thành một xương thịt với Ngài rồi, hãy sống với Ngài, cùng chia xẻ cuộc sống lao nhọc của chúng ta với Ngài. Chúng ta được sống với Ngài như xưa Mẹ Maria cưu mang Ngài trong Mẹ. Sự thân mật đó sẽ đưa chúng ta vào tình yêu. Không thân mật thì làm sao yêu nhau ? Chính Chúa sẽ đưa chúng ta vào tình yêu, Ngài mới tỏ cho chúng ta biết tình yêu của Ngài êm dịu và thanh thản như thế nào. Các thánh đã nếm được sự ngọt ngào của tình yêu Chúa và đã mê say tình yêu đó. Xin Mẹ Maria giúp chúng ta trong năm mới nầy được gắn bó với Chúa Giêsu như Mẹ. Đó là nguồn hạnh phúc mà chúng ta cầu xin trong những ngày đầu năm nay.

 

Thứ 5 sau lễ thánh gia thất

Ngày 2-1 mùa giáng sinh

Ga 1,19-28

Tôma Lê Duy Khang 

Tin mừng hôm nay những người biệt phái hỏi Gioan 3 câu hỏi: ông là ai, ông có phải là Êlia không, ông có phải là một ngôn sứ không?

Tại sao họ lại hỏi Gioan 3 câu hỏi như thế, vì họ muốn tìm hiểu gốc tích của Gioan là ai.

Mà họ tìm hiểu Gioan là ai để làm gì? thưa với một lý do xem ông có phải là Đấng Mêsia hay không mà lại làm phép rửa.

Như vậy, câu hỏi của họ chủ yếu là hỏi ông có phải là Đấng Mêsia không mà lại làm phép rửa, Gioan phủ quyết tất cả: “Tôi không phải là Đấng Kito, tôi không phái là Êlia, tôi không phải là một Đấng Tiên tri”. Và Gioan trả lời tiếp: “Còn việc tôi làm phép rửa là tôi làm trong nước; nhưng giữa các ngươi, có Đấng mà các ngươi không biết. Đấng ấy đến sau tôi, nhưng chính Đấng ấy đã có trước tôi, và tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người”.

Nên chúng ta thấy cuộc của Gioan Tẩy Giả là cuộc đời dọn đường cho Chúa, luôn luôn hạ mình, luôn luôn sống thật với lòng mình, để qua đó giới thiệu Chúa cho người khác biết.

Hình ảnh của những người biệt phái hỏi Gioan Tẩy Giả là ai mà làm phép rửa, chúng ta thấy hình ảnh đó cũng giống như hình ảnh bây giờ chúng ta hỏi một ai đó: anh có phải là giám mục không, có phải là linh mục không, có phải là phó tế không mà tại sao lại rửa tội, nếu là giám mục, linh mục, phó tế rửa tội mới thành sự, còn không thì không thành sự.

Nhưng chúng ta biết có trường hợp mà giáo dân bình thường, thậm chí người lạc giáo rửa tội, người lương dân rửa tội vẫn thành sự, đó là trong trường hợp nguy tử, nếu rửa tội với nước tự nhiên và đúng công thức rửa tội: “Tôi rửa anh(chị) nhân danh cha và con và thánh thần” thì mới thành sự.

Và chúng ta được mời gọi phải nhìn nhận như Gioan tẩy giả, là chúng ta có thể mặc dầu là giám mục, là linh mục, là phó tế, là giáo dân, chúng ta làm phép rửa trong bổn phận của chúng ta, hay làm điều này điều khác trong nghĩa vụ của chúng ta. Nhưng chúng ta phải ý thức được rằng chúng ta không phải là Chúa, không phải là Đấng Mêsia, mà chỉ là dụng cụ mà Chúa dùng để đưa người khác đến với Chúa, để họ tin vào Chúa.

Khi suy tư về điều đó làm tôi nhớ đến câu chuyện trong sách các vua quyển thứ 2 chương 5, có kể về câu chuyện của tiên tri Êlisa chữa bệnh phong cùi cho ông Naaman là tướng chỉ huy quân đội Aram người xứ Syria, khi ông Naaman được chữa lành thì ông quay trở lại tạ ơn người của Thiên Chúa, ông Naaman nói với ông Êlisa: "Nay tôi biết rằng: trên khắp mặt đất, không đâu có Thiên Chúa, ngoại trừ ở Ítraen. Bây giờ, xin ngài vui lòng nhận món quà của tôi tớ ngài đây." Ông Êlisa nói: "Có Đức Chúa hằng sống là Đấng tôi phụng sự, tôi thề sẽ không nhận gì cả." Ông Naaman nài ép ông nhận, nhưng ông vẫn từ chối. Ông Naaman nói: "Nếu ngài từ chối, thì xin cho phép tôi tớ ngài đây mang về một số đất vừa sức hai con lừa chở được, vì tôi tớ ngài sẽ không còn dâng lễ toàn thiêu và hy lễ cho thần nào khác ngoài Đức Chúa.” (2V 5, 15-17).

Chúng ta thấy hành động của ông Êlisa hay không? ông không nhận bất cứ lễ vật gì cả, nếu ông nhận lễ vật, thì đó là do công sức của ông, nhưng ông không nhận vì ông ý thức rằng đó là do ơn Chúa ban, chứ ông chẳng có công sức gì cả, chính vì thế mà ông Naaman đã tin tưởng vào Chúa, nghĩa là Êlisa muốn hướng ông Naaman về Thiên Chúa.

Xin cho mỗi người chúng ta biết noi gương Gioan Tẩy Giả, biết noi gương Êlisa nhận ra rằng mình chỉ là dụng cụ mà Chúa dùng, để đưa được nhiều người về với Chúa. Amen.



Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

1 Ga 2,22-28: Ước gì điều các con đã nghe từ ban đầu, vẫn ở lại mãi trong các con.

Tv 98,3cd: Khắp nơi bờ cõi địa cầu đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta.

Ga 1,19-28: Có một Đấng sẽ đến sau tôi, nhưng chính Đấng đó đã có trước tôi.

Hôm nay, Giáo hội tưởng nhớ Thánh Basiliô Cả và Thánh Grêgôriô Nazianzênô, Giám mục và Tiến sĩ Hội thánh. Chứng từ của các thánh luôn đồng hành với mầu nhiệm cứu độ nơi Đức Kitô. Chính Chúa Giêsu Kitô là “Đấng Amen, là chứng nhân trung thành và chân thật” (Kh 3,14). Trong Tin Mừng, ta thấy chứng từ của Gioan Tẩy Giả, người đã làm chứng bằng thị kiến và cái nhìn của mình như một ngôn sứ: “Có một Đấng đến sau tôi” (Ga 1,27). Một cách đặc biệt, ta tôn vinh hai thánh Basiliô và Grêgôriô, những người đã làm chứng cho Chúa Kitô bằng chính cuộc sống của mình.

Toàn thể Giáo hội và các thành viên của mình có sứ mệnh làm chứng. Lời chứng mà ta mang đến cho thế giới phải có giá trị. Basiliô và Grêgôriô đã bị hiểu lầm, nhưng bất chấp điều này, họ đã xây dựng lại niềm tin của những người theo đạo Thiên Chúa. Chúa Giêsu Kitô là cốt lõi của Phúc Âm, và cả Basiliô và Grêgôriô đều làm chứng cho Đức Kitô bằng cách viết và rao giảng về Chúa Ba Ngôi. Chúng ta thấy rằng lời chứng kết hợp lời loan báo và cuộc sống một cách không thể tách rời. Hy vọng qua đời sống chứng nhân, mọi người ở tận cùng trái đất sẽ nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa.



 

Thứ 6 sau lễ thánh gia thất

Ngày 3-1 mùa giáng sinh

Ga 1,29-34

Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm qua, các tư tế và các thầy Lêvi đến hỏi Gioan là ai, có phải là Đấng Mêsia không mà lại làm phép rửa, và Gioan đã trả lời rằng không, và ông nói cho họ biết họ sơ lược về Đấng Mêsia: “Tôi làm phép rửa trong nước, nhưng giữa các ông có Đấng mà các ông không biết. Đấng ấu sẽ đến sau tôi, nhưng chính Đấng ấy đã có trước tôi, và tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người”, Gioan chỉ nói sơ như vậy, nên cũng chưa biết được Đấng Mêsia này là ai.

Tin mừng hôm nay, Gioan chỉ đích danh cho biết Đấng Mêsia là ai, khi ông thấy Chúa Giêsu đi về phía mình, thì ông nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian”.

Bên cạnh việc ông chỉ Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế, ông còn đưa ra lý chứng là tại sao ông lại biết đó là Đấng Cứu Thế. Gioan kể lại rằng, có Đấng đã sai ông làm phép rửa đã nói với tôi: “Ngươi thấy Thánh Thần ngự xuống trên ai, thì chính người đó là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần”.

Và thực sự Gioan đã chứng kiến điều đó khi làm phép rửa cho Chúa Giêsu: “Tôi đã thấy Thánh Thần như chim bồ câu từ trời xuống ngự trên Người”.

Ở đây chúng ta cần chú ý một điểm mà lâu nay chúng ta không biết để mà chia sẻ với nhau, đó là lý do nào mà Gioan làm phép rửa trong nước? thưa chính là có Đấng đã sai Gioan làm như thế, và việc Gioan làm phép rửa như thế, không chỉ là để cho dân chúng tỏ lòng sám hối, mà qua việc làm phép rửa Gioan muốn sàng lọc, muốn tìm Đấng Cứu Thế, nên mới có câu nói: “Phần tôi, trước tôi không biết Người, nhưng tôi đã đến làm phép rửa bằng nước, để Người được tỏ mình ra trong Israen”.

Nhờ tin vào lời của Đấng đã sai mình, Gioan đã làm phép rửa với lý do chính yếu là để tìm được Đấng Cứu Thế, và cuối cùng Gioan đã sàng lọc và đã biết được Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế.

Mỗi người chúng ta ngày nay không cần phải sàng lọc như Gioan Tẩy Giả để tìm Chúa, để biết Chúa là ai. Nhưng chúng ta đã biết Chúa là Đấng Mêsia rồi nhờ Gioan Tẩy Giả mà trang Tin Mừng vừa nói với mỗi người chúng ta.

Như vậy chúng ta cần phải làm gì tiếp theo? Thưa nhiệm vụ của chúng ta là phải sàng lọc để đi tìm những người thành tâm thiện chí muốn tìm kiếm Chúa, muốn biết Chúa mà chưa có ai nói về Chúa cho họ biết.

Rồi chúng ta phải sàng lọc để tìm kiếm những người nguội lạnh bỏ Chúa để đưa họ về với Chúa. Vì đó là lệnh truyền của Chúa Giêsu kêu mời mỗi người chúng ta.

Nhưng để làm được điều đó, chúng ta phải làm gì? thưa đầu tiên là chúng ta hãy chạy đến với Chúa, để xin Chúa sàng lọc mỗi người chúng ta, chúng ta xin Chúa hãy thanh tẩy chúng ta để chúng ta biết nhận ra thánh ý Chúa, xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết khiêm nhường hơn, biết yêu mến anh chị em nhiều hơn, biết bớt đi những thói hư tật xấu, biết siêng năng sống đời sống đạo đức thật tốt lành hơn…. Có như thế, chúng ta mới có thể sàng lọc, mới có thể tìm kiếm anh chị em của mình mà đưa về với Chúa, vì không ai cho cái mà mình không có.

Điều thứ hai là xin Chúa đồng hành, xin Chúa biến đổi những tâm hồn nguội lạnh bỏ Chúa, xin Chúa cho chúng ta tìm được những người thiện tâm, những người cần đến Chúa để đưa họ về với Chúa, vì nói theo thánh Phaolo thì: “Tôi trồng, Apolo tưới, nhưng Thiên Chúa giúp cho lớn lên” (1Cr 3,6).

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta ý thức được điều đó, để biết xin Chúa sàng lọc mỗi người chúng ta thành những dụng cụ tốt lành của Chúa và xin Chúa cũng đồng hành với mỗi người chúng ta, để chúng ta ra đi tìm kiếm sàng lọc những anh chị em nguội lạnh bỏ Chúa, những anh chị em thành tâm thiện chí muốn tìm kiếm Chúa, để họ được trở về với Chúa, để một ngày nào đó họ được biết Chúa. Amen.



Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

1 Ga 2,29-3,6: Bất cứ ai ở trong Người đều không phạm tội.

Tv 98,3cd: Khắp nơi bờ cõi địa cầu đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta.

Ga 1,29-34: Đây Chiên Thiên Chúa.

Người ta nói rằng nhìn quả thì biết cây. Điều này rất thích hợp để suy tư với đoạn trích thư thứ nhất của thánh Gioan hôm nay. Sau những ý tưởng suy luận theo hướng nguyên nhân và hậu quả thì thánh Gioan cho biết là “Bất cứ ai ở trong Người đều không phạm tội.” Vì Thiên Chúa là Đấng vẹn sạch. Người là Chân – Thiện – Mỹ. Nơi Người không có tội lỗi, không có gian ác, bất công. Thiên Chúa đã sai Chúa Con đến xóa bỏ tội trần gian và ban ơn cứu độ cho nhân loại. Gioan Tẩy Giả đã làm chứng về Ngài. Gioan giới thiệu Chúa Giêsu “Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian.”

Qua Bí tích Rửa tội, Thiên Chúa đã tẩy xóa tận gốc lỗi lầm. Tuy nhiên, thực tế thì con người vẫn đắm chìm trong tội lỗi. Sự ác vẫn còn lan tràn khắp nơi. Chiến tranh, dịch bệnh gây nên bao chết chóc và khổ đau. Tình người dành cho nhau xem ra vẫn còn cân đong đo đếm quá nhiều. Tất cả những hệ quả trên phản ánh một lối sống xa rời Thiên Chúa và những lời dạy bảo của Ngài. Ước chi Ba Ngôi Thiên Chúa ban cho chúng ta hồng ân thánh hóa để có khả năng tin vào Chúa, đợi chờ Ngài đến, yêu mến Ngài, để sống và hoạt động dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần, để lớn lên trong thiện hảo qua những nhân đức.



 

Thứ 7 Sau lễ thánh gia thất

Ngày 4-1 mùa giáng sinh

Ga 1,35-42

Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm qua chúng ta chia sẻ với nhau lý do Gioan làm phép rửa, vì có Đấng sai Gioan làm phép rửa để sàng lọc, để tìm Đấng Cứu Thế, điều đó cho chúng ta thấy được sự thành tâm thiện chí của Gioan, và tin mừng hôm nay sau khi thành tâm thiện chị tìm được Đáng Cứu Thế, Gioan lại thành tâm thiện chí giới thiệu Chúa cho người khác biết.

Mỗi người trong chúng ta trong đời sống đức tin của mình cũng cần có sự thành tâm thiện chí như Gioan tẩy giả.

Nhưng một câu hỏi đặt ra với mỗi người chúng ta có bao giờ chúng ta không còn thiện tâm thiện chi với Chúa nữa hay không? thưa có, đó là khi cuộc đời của chúng ta không được bằng phẳng, gặp những biến cố này biến cố khác trong cuộc đời, làm cho chúng ta nản lòng không còn thành tâm thiện chí nữa.

Chúng ta không thể hiểu nỗi tư tưởng của Thiên Chúa tại sao Chúa lại bắt chúng ta phải chịu như vậy, hồi sáng này tôi mới đọc kinh sách có nói điều đó, con người không thể hiểu nổi đường lối của Chúa, chỉ có một cách là chấp nhận mà thôi, nhưng chấp nhận với tâm tình lạc quan tin tưởng.

Có người nói với con, con đang gặp chuyện, con hỏi chuyện gì, thì người đó nói: con không thể nói được, nhưng con nghĩ rằng cuộc đời là như vậy, Chúa cho có lúc bằng phẳng có lúc gồ ghề nên mình chấp nhận thôi.

Và chúng ta cũng được mời gọi như thế, cố gắng chấp nhận thánh ý Chúa trong cuộc đời của mình, và chúng ta phải xác tín như lời thánh Phaolo đã nói: “Chúa không bao giờ thử thách ai quá sức chịu đựng của người đó, nhưng khi để anh em bị thử thách, Người sẽ cho kết thúc tốt đẹp, để anh em có sức chịu đựng.” (1Cr 10,13).

Có xác tín như thế, chúng ta mới chấp nhận thánh ý Chúa trong cuộc đời của mình, để dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng thành tâm thiện chí với Chúa, cũng siêng năng đọc kinh, cầu nguyện, đi lễ, có như thế chúng ta mới có thể làm chứng cho Chúa cho những người xung quanh. Amen.




Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

1 Ga 3,7-10: Người ấy không phạm tội được, vì đã sinh ra bởi Thiên Chúa.

Tv 98,3cd: Mọi dân trên khắp cùng bờ cõi trái đất, đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta.

Ga 1,35-42: Chúng tôi đã gặp Đấng Cứu Thế.

Đoạn Tin mừng hôm nay thuật lại cảnh Gioan Tẩy Giả giới thiệu Chúa Giêsu cho các môn đệ của mình. Khi nghe biết Đức Giêsu là Chiên Thiên Chúa, hai môn đệ liền bỏ thầy Gioan mà đi theo Chúa Giêsu. Sau đó, Chúa hỏi “Các ngươi tìm gì?” Họ thưa với Người: “Thầy ở đâu?” Người đáp: “Hãy đến mà xem”. Một loạt câu hỏi và hành động nối tiếp nhau trông có vẻ không logic chặt chẽ lắm. Trò đang ở với thầy, nghe một thầy khác cao minh hơn thì lập tức bỏ thầy. Khi được hỏi tìm gì thì trả lời bằng một câu hỏi về nơi chốn. Thay vì câu trả lời về địa điểm là một lời mời khám phá “đến và xem”.

Mặc cho sự phi logic đó, nhưng điều quan trọng là các môn đệ đã làm theo lời của Chúa Giêsu. Các ngài đã đến, xem, và ở lại với Chúa. Đồng thời xác nhận cho toàn thể mọi người bằng một lời chứng rất giá trị. “Chúng tôi đã gặp Đấng Cứu Thế”. Để làm chứng về Chúa thì cần có kinh nghiệm về Người. Phải có thời gian ở với Người thì mới có thể dẫn người khác đến với Chúa. Hy vọng ngày nay chúng ta cũng đến, xem, và ở lại với Chúa để có kinh nghiệm cá nhân với Ngài hầu cho sứ mạng tông đồ của ta thêm mạnh mẽ và xác tín hơn.