05/01/2025
305
Suy niệm hằng ngày_ Sau lễ Chúa Hiển Linh







 

 

 


 

CHÚA NHẬT - LỄ CHÚA HIỂN LINH

(Is 60,1-6; Ep 3,2-3a.5-6; Mt 2,1-12)

Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Is 60,1-6: Vinh quang Chúa xuất hiện trên ngươi.

Tv 72,11: Lạy Chúa, mọi dân tộc trên địa cầu đều thờ lạy Chúa.

Ep 3,2-3a.5-6: Bây giờ được tỏ ra rằng các dân ngoại được đồng thừa tự lời hứa.

Mt 2,1-12: Chúng tôi từ Phương Đông đến thờ lạy Đức Vua.

Lễ Hiển Linh tập trung vào sự mặc khải, giới thiệu Chúa Giêsu cho thế giới, được tượng trưng bởi các đạo sĩ xuất phát từ “phương đông.” Họ đã nhìn thấy một ngôi sao và bước theo đến nơi ngôi sao dừng lại, Bethlehem, và hang đá nơi Chúa Giêsu được sinh ra. Quyết tâm của họ rất ấn tượng, và mong muốn cao quý. Ngôi sao dẫn họ đến gia đình thánh với Chúa Giêsu mới sinh ở Nazareth. Họ mang theo những món quà để tôn vinh Hài Nhi và hoàn tất Lời Chúa trong Cựu ước.

Vàng, nhũ hương và mộc dược, phù hợp với một vị vua, được dâng tiến cho vị Vua mới sinh. Các đạo sĩ đưa ra những mẫu gương về quyết tâm bền bỉ, lời mời gọi trung thành thực hiện nhiệm vụ trong lời cầu nguyện của ta, và mục tiêu cuối cùng là kết hợp với Chúa. Mong muốn trung thành đi trên con đường mà ta đang đi được báo trước bởi những đạo sĩ khôn ngoan luôn đi đúng hướng, mặc dù mục tiêu của họ tiếp tục mở ra khi họ đi theo tiếng nói của tâm hồn. Mục tiêu cuối cùng và vĩnh cửu được bày tỏ cho ta một cách phù hợp và bắt đầu nhưng liên tục được Chúa Thánh Thần chỉ dạy cho ta. Và đó là nguồn của niềm vui và lòng biết ơn.


 


Thứ Hai sau Lễ Hiển Linh

Mt 4,12-17.23-25

Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy việc Chúa Giêsu khi nghe tin Gioan bị nộp, thì người lánh qua miền Ga-li-lê. Rồi Người bỏ Na-da-rét, đến ở Ca-phác-na-um, một thành ven biển hồ Ga-li-lê, thuộc địa hạt Dơ-vu-lun và Náp-ta-li, như vậy việc Chúa Giêsu lánh đi như vậy, có phải là Chúa Giêsu sợ hãi, như các môn đệ năm xưa khi hay tin Chúa Giêsu bị bắt thì chối Chúa, khi hay tin Chúa Giêsu chịu chết thì bỏ về quê hay không? Thưa không giống như vậy, bởi vì họ lo cho an toàn của bản thân mình.

Còn đối với Chúa thì không, bởi Chúa Giêsu bỏ đi như vậy là để ứng nghiệm lời ngôn sứ I-sai-a nói: Này đất Dơ-vu-lun, và đất Náp-ta-li, hỡi con đường ven biển, và vùng tả ngạn sông Gio-đan, hỡi Ga-li-lê, miền đất của dân ngoại! Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi. Từ lúc đó, Đức Giê-su bắt đầu rao giảng và nói rằng: "Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần."

Đó là bối cảnh của tin mừng, hôm nay chúng ta chia sẻ với nhau một điểm, đó là Chúa Giêsu mời gọi chúng ta: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần”, như vậy, Chúa mời gọi chúng ta hãy sám hối vì Nước Trời, chứ không phải vì một ai khác, một thế lực nào khác, tại sao vậy?

Chúng ta biết Nước Trời mang tính chất trường cửu, vĩnh hằng, bất biến, còn những thứ khác như con người, tiền bạc, của cải, danh vọng…chỉ mang tính chất tương đối, tạm thời, hữu hạn: “Trăm năm nào có gì đâu, chẳng qua một đám cỏ khâu xanh rì”, nếu chúng ta sám hối vì ai đó, vì một điều gì đó, thì khi cái mang tính chất tương đối, hữu hạn, tạm thời đó có giới hạn, có hạn sử dụng của nó, thì chúng ta không còn sám hối nữa.

Cũng giống như việc chúng ta tin Chúa vì nhu cầu vật chất, mà không vì Chúa, thì khi không được theo ý muốn của chúng ta, chúng ta sẽ dễ nỗi loạn chống lại Chúa.

Trong lệnh truyền truyền giáo của Chúa Giêsu cũng nói tương tự như vậy: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế." (Mt 28, 19-20), nghĩa là phải tin vào Chúa mới làm phép rửa, nếu không tin vào Chúa, mà vì lý do nào đó, chúng ta biết được chúng ta cũng không được rửa tội cho người đó.

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta hiểu được điều đó, để chúng ta giữ đạo vì Chúa, vì những điều vô hạn, trường cửu, chứ không phải vì những điều hữu hạn, có hạn sử dụng của nó. Amen.

 

 

Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

1 Ga 3,22-4,6: Hãy nghiệm xét các thần trí, coi có phải bởi Thiên Chúa hay không?

Tv 2,8: Cha sẽ cho Con được chư dân làm phần sản nghiệp.

Mt 4,12-17.23-25: Nước Trời đã đến gần.

 “Nước Trời đã đến gần.” Hôm nay, chúng ta bắt đầu thời gian mà Chúa đã ban để thánh hóa, để ta có thể đến gần Ngài và hiến dâng cuộc đời mình qua việc phục vụ Chúa và anh chị em. Ngôi Lời Nhập Thể đã đến thăm chúng ta trong dịp lễ Giáng Sinh. Nhờ mầu nhiệm cao cả đó, Chúa đã ban ơn của Ngài vào tâm hồn ta một cách hoàn hảo để đưa ta trở lại Nước Trời. Nước Trời đã được Đức Kitô mở ra cho chúng ta bằng những việc làm và sự cam kết của Ngài từ một Trái tim nhân loại như bao người.

Đây là thời điểm thích hợp. Chúa luôn hiện diện hôm qua cũng như hôm nay và mãi về sau. Các bí tích của Giáo Hội và lời cầu nguyện của cộng đoàn ban cho ta sự tha thứ, bình an và một cơ hội để ta tham gia một lần nữa vào công việc của Chúa trên thế gian, qua công việc, học tập, bạn bè, gia đình, giải trí, hoặc cuộc sống hàng ngày với những người anh chị em. Tạ ơn Chúa, vì “Dân ngồi trong tối tăm, đã thấy ánh sáng huy hoàng, ánh sáng xuất hiện cho người ngồi trong bóng tối sự chết” (Mt 4,16). Chúng ta bắt đầu lại. Ta có một cơ hội khác. Thời gian của ta mới mẻ. Cơ hội đòi hỏi thời gian. Ta hãy khiêm tốn để Thiên Chúa hoạt động trên cuộc đời mình.


Thứ Ba sau Lễ Hiển Linh

Mc 6,34-44

Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy phép lạ Chúa hóa bánh ra nhiều lần thứ nhất để nuôi đám đông dân chúng với số lượng là 5000 người ăn, chưa kể đàn bà và con trẻ.

Hình ảnh Chúa Giêsu hóa bánh ra nhiều cho chúng ta thấy Chúa có thể nuôi sống con người nhiều hơn số lượng đó nữa, chứ không phải chỉ giới hạn với 5 ngàn người đó mà thôi, nhưng quan trọng là con người có muốn hay không mà thôi.

Nếu muốn thì con người phải biết cầu xin Chúa. Chúng ta hãy nhớ lại trong kinh Lạy Cha Chúa đã dạy gì? Thưa Chúa dạy chúng ta cầu nguyện trong đó có câu: “Xin Cha cho chúng con lương thực hằng ngày”.

Chúng ta thấy tin mừng hôm nay không xin, nhưng Chúa ban, vì Chúa thấy họ đi theo Chúa nên Chúa ban, còn kinh Lạy Cha thì Chúa dạy chúng ta phải cầu xin, điều đó muốn nói cho chúng ta biết mặc dầu Chúa biết con người cần gì, nhưng con người phải cầu xin Chúa cho những nhu cầu cần thiết của mình, để ý thức những gì mình có  đều là do ơn Chúa ban.

Đào sâu thêm một chút nữa, đó là khi chúng ta đi theo Chúa, khi chúng ta cầu xin Chúa để ý thức những gì Chúa ban cho ta đó cũng là một sự quảng đại, quảng đại ở chỗ là chúng ta biết dẹp đi cái tôi của mình để quy hướng về Chúa.

Đôi lúc chúng ta cho đi mới là quảng đại, nhưng ý thức những gì mình có là ơn Chúa ban cũng là một sự quảng đạo, và khi chúng ta biết quảng đại như thế, thì chắn chắn Chúa sẽ ban ơn cho chúng ta.

Thánh Don Bosco đã tưởng tượng chuyện sau đây:

Một hôm Chúa Giêsu bảo Phêrô và Gioan theo Ngài lên núi.

Ngài dặn mỗi ông mang theo một hòn đá.

Phêrô suy nghĩ một lúc rồi nhặt một hòn đá nhỏ bỏ vào túi; còn Gioan, do lòng quảng đại, vác cả một tảng đá to.

Dĩ nhiên, đường dài, vác nặng, Gioan thở hổn hển và lên đến nơi sau cùng.

Phêrô bước thảnh thơi và còn nói với Gioan: “Sao anh nhọc công vác tảng đá to như thế!”.

Tới nơi, Chúa Giêsu bảo hai môn đệ ngồi xuống.

Ngài đọc lời chúc tụng và biến hai viên đá thành bánh.

Dĩ nhiên, Phêrô chỉ được một chiếc bánh nhỏ xíu không đủ cho cơn đói cồn cào của ông.

Lần khác, Chúa lại bảo hai ông theo Ngài lên núi và cũng mang theo đá.

Rút kinh nghiệm lần trước, Phêrô mang một tảng đá thật to.

Đến nơi, ông ngồi chờ phép lạ.

Nhưng Chúa Giêsu chỉ nói “Nào, mỗi người hãy ngồi lên tảng đá mà mình mang theo. Không phải lúc nào Thầy cũng biến đá thành bánh đâu”.

Rồi Ngài nói riêng với Phêrô: “Lòng quảng đại thật không phải là lòng quảng đại tính toán”.

Nên chúng ta thấy lòng quảng đại là như vậy, luôn luôn biết hướng về Chúa, cho dù là như thế nào đi chăng nữa, vẫn hướng mình về Chúa đó là lòng quảng đại. Amen.

 


Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

1 Ga 4,7-10: Thiên Chúa là Tình Yêu.

Tv 72,11: Lạy Chúa, muôn dân khắp mặt đất sẽ thờ lạy Chúa.

Mc 6,34-44: Hóa bánh ra nhiều, Chúa Giêsu tỏ ra Mình là Đấng Tiên Tri.

Trong thư của Gioan, tình yêu là chất liệu xuyên suốt. Tình yêu từ Chúa tuôn chảy muôn điều tốt lành cho nhân loại. Người ta nói mỗi sinh vật phản ánh nguồn gốc của mình. Nếu ta yêu, thì ta biết Chúa. Ta có thể suy ngẫm về những bản văn phức tạp để tìm hiểu bản tính của Chúa. Ta có thể xoa dịu một đứa trẻ, an ủi những người bị đau yếu, và hỗ trợ những người cần sự giúp đỡ. Những hành động yêu thương của ta đáp lại những điều tốt đẹp đã có trên thế giới. Khi ta yêu, Chúa thông truyền qua ta. Tình yêu là sức mạnh kéo ta lại với nhau.

Tình yêu không cuốn ta vào quên lãng. Ta được duy trì bởi tình yêu. Sự tác động lẫn nhau của tinh thần và thể chất đòi hỏi sự quan tâm. Chúa Giêsu tìm kiếm thời gian nghỉ ngơi sau khi làm việc, nhưng một đám đông đã theo Ngài vào sa mạc. “Chúa Giêsu xem thấy dân chúng đông đảo thì động lòng thương xót họ.” Họ khao khát lời làm sáng tỏ cho sự giằng co trong đời. Sau nhiều giờ lắng nghe, họ cần thức ăn. Chúa Giêsu chúc phúc cho những chiếc bánh và cá để cho họ ăn. Hành động từ tình yêu này làm cho của ít hóa nhiều. Vì vậy, ta cảm ơn Chúa về những ân sủng dồi dào của Ngài. Ta sẽ được cứu độ trong tình yêu của Chúa.




Thứ Tư sau Lễ Hiển Linh

Mc 6,45-52

Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy sau khi làm phép lạ hóa bánh ra nhiều, Chúa cho các môn đệ xuống thuyền đi trước, còn Chúa thì lên núi cầu nguyện.

Sau đó, tin mừng kể tiếp là Chúa Giêsu thấy các môn đệ phải vất vả chèo chống vì gió ngược, nên vào khoảng canh tư đêm ấy, Người đi trên mặt biển mà đến với các ông và Người định vượt các ông. Nhưng khi các ông thấy Người đi trên mặt biển, lại tưởng là ma, thì la lên. Quả thế, tất cả các ông đều nhìn thấy Người và đều hoảng hốt. Lập tức, Người bảo các ông: "Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!"

Chúng ta thấy tại sao các môn đệ sợ hãi tưởng Chúa Giêsu là ma, tin mừng nói là vì các ông không hiểu ý nghĩa phép lạ hóa bánh ra nhiều, lòng trí các ông còn ngu muội.

Nghĩa là các môn đệ chỉ nhìn thấy Chúa Giêsu ở một khía cạnh nào đó, chứ không thấy được quyền năng thực sự của Chúa Giêsu. Hay nói đúng hơn là muốn Chúa là Đấng theo theo ý muốn của mình.

Chúng ta hãy nhớ lại câu chuyện của ông Gioan tẩy giả, đó là khi ông Gioan đang ngồi tù, nghe biết những việc Đức Ki-tô làm, liền sai môn đệ đến hỏi Người rằng: "Thưa Thầy, Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác? " Đức Giêsu trả lời: "Các anh cứ về thuật lại cho ông Gio-an những điều mắt thấy tai nghe: Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng, và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi." (Mt 11,2-6).

Nghĩa là Gioan Tẩy Giả đang bị ngồi tù, nên ông cũng bị lung lay đức tin, chính vì thế mà ông cũng chỉ thấy được một khía cạnh trần thế của Chúa, mong Chúa đến giải thoát con người theo nghĩa thể lý, giải thoát những con người bị cầm tù như ông, Chúa Giêsu biết được điều đó, nên khi Chúa Giêsu trích dẫn lại câu của ngôn sứ Isaia Chúa Giêsu đã bỏ đi câu: “Giải thoát kẻ bị giam cầm”, để giúp Gioan tẩy Giả không chỉ hiểu là Chúa đến để giải thoát con người theo nghĩa thể lý, mà giúp ông hiểu Chúa đến giải thoát con người một cách toàn diện.

Cũng vậy, khi các môn đệ tưởng Chúa Giêsu là ma, các ông kêu lên, thì Chúa Giêsu đã nói với các ông: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ”, nghĩa là Chúa Giêsu muốn nói Thầy là Thầy chứ không phải Thầy là ma như tư tưởng của các con, hay nói cách khác Chúa muốn nói Thầy là Thầy, Thầy là Chúa không như tư tưởng của các con nghĩ đâu, nên các con đừng sợ.

Hiểu được như vậy, chúng ta thấy Chúa Giêsu đang muốn thay đổi tư tưởng của các môn đệ, để các ông đừng nghĩ là Chúa theo tư tưởng của các ông, mà phải hiểu Chúa là Đấng siêu việt thật sự, chứ không bị gò bó theo tư tưởng con người.

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta hiểu được điều đó, để giúp người khác hiểu được như vậy, để chúng ta có lòng kính mến tôn thờ Chúa cách xứng hợp theo như ý Chúa muốn. Amen.

 



Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

1 Ga 4,11-18: Nếu chúng ta yêu thương nhau, thì Thiên Chúa ở trong chúng ta.

Tv 72,11: Lạy Chúa, muôn dân khắp mặt đất sẽ thờ lạy Chúa.

Mc 6,45-52: Họ thấy Người đi trên mặt biển.

Thư Thánh Gioan hôm nay có thể khuyến khích ta thích ứng. “Các con thân mến, nếu Thiên Chúa thương yêu chúng ta dường ấy, thì chúng ta cũng phải thương yêu nhau… Nơi tình thương không có sự sợ hãi, nhưng tình thương trọn lành thì loại bỏ sợ hãi ra ngoài, vì sợ hãi mang theo hình phạt, và người nào sợ hãi thì không hoàn hảo trong tình thương.”

Trong tình thương không có sợ hãi. Các môn đệ thấy Chúa Giêsu đi trên mặt biển, và họ sợ hãi. Họ không nhận ra Chúa Giêsu và quyền năng của Ngài để làm nên điều phi thường. Điều đó cho thấy họ chưa yêu Chúa Giêsu đủ. Họ cũng không đủ tin tưởng. Ta thấy rằng những người gần gũi Chúa Giêsu vẫn thiếu tình yêu, đức tin và hy vọng. Lý do có thể là họ ở gần Chúa Giêsu, nhưng lòng họ vẫn xa cách Ngài. Ta có thái độ giống như các môn đệ không? Làm thế nào để loại bỏ sự sợ hãi trong ta? Ta có thể tìm thấy câu trả lời theo cách mà Chúa Giêsu đã làm. Ngài đã dành thời gian cầu nguyện với Chúa Cha. Cả cuộc đời của Ngài là cuộc trò chuyện liên tục với Chúa Cha. Cuộc trò chuyện liên tục mà Chúa Giêsu dành cho ta trong lời cầu nguyện không chỉ xoa dịu tinh thần mà còn khiến ta nhận ra rằng lời cầu nguyện là hơi thở tình yêu của Chúa.


Thứ Năm sau Lễ Hiển Linh

Lc 4,14-22a

Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy, khi Chúa Giêsu giảng dạy ở vùng Galile thì được nhiều người tán thành và đón nhận.

Đến khi Chúa Giêsu trở về Nadaret, ngài giảng dạy trong hội đường cũng vậy, cũng có nhiều người tán thành và thán phục.

Nhưng nếu chúng ta đọc tiếp sau đoạn tin mừng này, thì bên cạnh những người đón nhận Chúa, thì cũng có những người không đón nhận Chúa, nên Chúa Giêsu đã nói với họ: “Hẳn là các ông muốn nói với tôi câu tục ngữ: Thầy lang ơi, hãy chữa lấy mình! Tất cả những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm tại Caphácnaum, ông cũng hãy làm tại đây, tại quê ông xem nào! " Người nói tiếp: "Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình.” (Lc 4,23-24).

Nhìn lại cuộc đời của Chúa Giêsu cho đến lúc cuối đời cũng vậy, có người đón nhận, nhưng cũng không có người đón nhận, chẳng hạn như câu chuyện hai người bị đóng đinh cùng với Chúa Giêsu một người bên trái một người bên phải: “Một trong hai tên gian phi bị treo trên thập giá cũng nhục mạ Người: "Ông không phải là Đấng Kitô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với!" Nhưng tên kia mắng nó: "Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ! Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái! " Rồi anh ta thưa với Chúa Giêsu: "Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi! " Và Người nói với anh ta: "Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng." (Lc 23,39-43).

Như vậy, lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy được điều gì? Thưa lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy được một điều này là chúng ta đừng bao giờ thất vọng khi nói lời Chúa, đừng thất vọng khi làm những điều tốt lành, đừng thất vọng khi sửa dạy người khác, đừng thất vọng khi phải cầu nguyện…. hay luôn luôn hy vọng, có thể có nhiều người không thích nghe lời Chúa, nhưng cũng có những người người ta thích nghe, người ta thích được người khác nói cho mình nghe những việc tốt lành.

Nếu suy tư thêm, chúng ta phải đặt câu hỏi tại sao những điều tôi làm thật sự là tốt mà không được người ta đón nhận, chúng ta phải đặt câu hỏi như thế, để chúng ta thấy mình khuyết khuyết chỗ nào để mà điều chỉnh cho phù hợp, chẳng hạn như điều tôi nói là tốt đó, nhưng tốt đối với tôi, còn áp dụng cho người khác thì không được, điều tôi nói là tốt đó nhưng nó có phù hợp với bối cảnh mà chúng ta đang nói hay không, có đúng thời điểm, có đúng lúc mà chúng ta đang nói hay không… chúng ta cần nhìn lại chính mình trước đã trước khi đòi hỏi người khác phải theo mình.

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta đừng thất vọng khi nói lời Chúa, đừng thất vọng khi làm việc tốt lành, và biết nhìn lại đời sống của mình trước khi đòi hỏi người khác để có hiệu quả tốt nhất khi chúng ta mở miệng nói về Chúa. Amen.

 



Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

1 Ga 4,19-5,4: Ai yêu mến Thiên Chúa thì cũng phải thương yêu anh em mình nữa.

Tv 72,11: Lạy Chúa, muôn dân khắp mặt đất sẽ thờ lạy Chúa.

Lc 4,14-22: Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh này.

Chúa Thánh Thần đóng vai trò trung tâm trong cuộc sống của Chúa Giêsu. “Chúa Giêsu trở lại Galilêa trong quyền năng của Chúa Thánh Thần…” và người ta trao cho Ngài cuốn sách tiên tri Isaia. Ngài mở sách và gặp chỗ có chép rằng “Thánh Thần Chúa ở trên tôi, vì Chúa đã xức dầu cho tôi…. sai tôi đi rao giảng…” và tiếp đến là một loạt các phúc lành: “mang tin mừng cho người nghèo khó, chữa lành những người sầu khổ trong tâm hồn, loan tin giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được thấy, giải thoát người bị áp chế, công bố năm hồng ân của Thiên Chúa.”

Có vẻ như Chúa Giêsu cảm nhận được Chúa Thánh Thần đang ở với Ngài một cách mật thiết, khiến Ngài phải kinh ngạc loan báo cho những người tham dự: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh này.” Ngài sống và hoạt động trong quyền năng của Chúa Thánh Thần. Lời tuyên bố can đảm này nói lên sứ mệnh của Chúa Giêsu, mục đích sống của Ngài và cuối cùng dẫn đến cái chết của Ngài. Mọi hoạt động của Chúa Giêsu đều ở trong quyền năng của Chúa Thánh Thần. Để chúng ta bước đi trong quyền năng của Chúa Thánh Thần, ta có thể xin điều này. Xin cho tất cả chúng ta đi theo con đường Chúa Giêsu đã bước đi, trong quyền năng của Chúa Thánh Thần.


 


Thứ Sáu sau Lễ Hiển Linh

Lc 5,12-16

Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy sau khi Chúa Giêsu chữa lành cho một người mắc bệnh phong cùi, thì Chúa Giêsu lại lui vào nơi hoang vắng để cầu nguyện.

Chúng ta hãy nhớ lại, có lần Chúa Giêsu tập họp Nhóm Mười Hai lại, ban cho các ông năng lực và quyền phép để trừ mọi thứ quỷ và chữa các bệnh tật. Người sai các ông đi rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân. Các Tông Đồ trở về thuật lại cho Đức Giê-su những việc các ông đã làm. Người đem các ông đi riêng với mình, lui về thành kia gọi là Bết-xai-đa. (Lc 9, 1-2. 10).

Việc Chúa Giêsu lánh riêng ra đi cầu nguyện, không phải là cách trốn tránh dân chúng, nhưng Chúa muốn dạy các môn đệ hãy biết trốn tránh các vinh quang trần thế, mà để trốn tránh được các vinh quang trần thế, thì chỉ có một cách là đến với Chúa.

Chẳng hạn như khi chúng ta đi đám tiệc người khác mời chúng ta chén tạc chén thù, chúng ta lấy lý do mắc lái xe hơi, dạo này công an canh nhiều quá không uống nhiều được.

Nói cao cấp hơn như hôm nay là ngày Chúa nhật, chúng ta trực lễ, các cha thì làm lễ, các ông biện thì đọc sách, ca đoàn thì hát lễ, thì chúng ta có thể lấy lý do đó, để từ chối những cuộc vui không cần thiết, để phục vụ Chúa, và nếu chúng ta lấy lý do đó, chẳng ai có thể ép buộc được chúng ta.

Từ điểm đó, chúng ta cần chú ý điểm này, đó là không phải chúng ta lấy việc đạo đức ra để lợi dụng, để từ chối, chẳng hạn như người ta mời đám không đi đám, rồi chẳng gởi phong bì, thì không được, đó là chúng ta đang lợi dụng Chúa, lợi dụng nhà thờ để trục lợi, điều này cũng đồng nghĩa với chúng ta đang tìm vinh quang trần thế, trốn tránh trần thế, nhưng lại tìm vinh quang trần thế cách khác.

Chính vì thế, mà chúng ta được mời gọi phải có sự dung hòa giữa đời sống thiêng liêng và đời sống thường ngày, biết sắp xếp công việc của mình, bởi chúng ta không chỉ có tương quan với Chúa, mà chúng ta cần có tương quan với nhau.

Có một cha khi tới ngày lễ bổn mạng của mình, người ta đến chúc mừng, thì ngài nói không bổn mạng của tôi không phải là ngày này, nhưng là lễ các thánh nam nữ, chung với các thánh là ngày 1.11, nhưng khi đến ngày 1.11 người ta đến mừng ngày, thì ngài nói không, bổn mạng của tôi qua rồi, đợi năm sau đi.

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta hiểu được điều đó, để biết dung hòa giữa đời sống đức tin và đời sống thường ngày của chúng ta, bởi nếu đời sống đức tin là thể hiện ra đời sống thường ngày của chúng ta, nếu chúng ta có đời sống đức tin tốt lành, thì đời sống thường ngày sẽ tốt lành, nếu đời sống đức tin không tốt lành, thì đời sống thường ngày cũng bê bối, nói như Chúa Giêsu là xem quả thì biết cây, hay lòng đầy bụng mới nói ra. Nên chúng ta hãy cố gắng sống đức tin tốt lành, để đời sống thường ngày chúng ta cũng tốt lành. Amen.




Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

1 Ga 5,5-13: Thánh Thần, Nước và Máu.

Tv 147,12: Giêrusalem hỡi, hãy ngợi khen Chúa.

Lc 5,12-16: Lập tức người ấy khỏi phong hủi.

Các bài đọc hôm nay có các từ ngữ về đức tin, nhận thức và ơn phúc. Trong phúc âm Luca, người phung hủi có đức tin nơi Chúa Giêsu và quyền năng chữa lành của Ngài. Người phung hủi nhận ra bệnh tật của bản thân và chấp nhận Chúa Giêsu là vị cứu tinh của mình. Món quà của đức tin và sự tỉnh thức cho phép anh ta nhận ra quyền năng chữa lành của Chúa. Những hồng ân này mở mắt và cõi lòng con người để nhận ra cách Thiên Chúa nuôi dưỡng và nâng đỡ dân Người qua cuộc sống hàng ngày.

Đức Kitô cho phép chúng ta thực hiện một sự thay đổi căn bản và sâu sắc trong cuộc sống của mình. Chúa Kitô đề nghị cho chúng ta một sự thay thế thực tế và có thể có của tình yêu, sự dịu dàng và lòng thương xót chống lại bất cứ trở ngại nào đối với tình yêu trong trái tim và cuộc sống của mình. Chúng ta phải giúp cho người khác những gì ta đã nhận được từ Thiên Chúa của mình. Chúng ta tin rằng Chúa ở với chúng ta. Khi mùa Giáng sinh dần kết thúc, chúng ta tiếp tục nhận ra những món quà của Thiên Chúa trong đời sống và đổi mới trong đức tin. Ta ủng hộ lời mời sử dụng căn tính, phẩm giá con người và quà tặng của mỗi người theo cách mà Chúa đã ban và biết ơn về cơ hội được sống muôn đời.


Thứ Bảy sau Lễ Hiển Linh

Ga 3,22-30

Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy sự cao cả của Gioan Tẩy Giả? Ông cao cả ở chỗ nào đó là ở chỗ mà họ nói với Gioan Tẩy Giả: “Thưa thầy, người trước đây đã ở với thầy bên kia sông Giođan và được thầy làm chứng cho, bây giờ ông ấy cũng đang làm phép rửa, và thiên hạ đều đến với ông."

Nghĩa là họ ganh tỵ cho Gioan tẩy Giả, nhưng Gioan đã nói gì, Gioan nói: “Chẳng ai có thể nhận được gì mà không do Trời ban. Chính anh em làm chứng cho thầy là thầy đã nói: "Tôi đây không phải là Đấng Ki-tô, mà là kẻ được sai đi trước mặt Người. Ai cưới cô dâu, người ấy là chú rể. Còn người bạn của chú rể đứng đó nghe chàng, thì vui mừng hớn hở vì được nghe tiếng nói của chàng. Đó là niềm vui của thầy, niềm vui ấy bây giờ đã trọn vẹn. Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi.”.

Chúng ta thấy hình ảnh của Gioan tẩy Giả có giống như hình ảnh của Cháu Giêsu sau này hay không? Thưa giống, chúng ta nhớ lại có lần Gioan đã nói với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người nhân danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không cùng với chúng con đi theo Thầy." Chúa Giêsu bảo ông: "Đừng ngăn cản người ta. Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta! " (Lc 9,49-50).

Như vậy, lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy ý thức mình hãy là chính mình, đừng sợ ai cả dù người đó có là ai, đừng bị những điều bên ngoài chi phối mình.

HÃY LÀ CHÍNH MÌNH

Ngày nọ, một cậu bé đứng tựa vào gốc cây to xù xì, thì thầm hỏi:

- Thần cây ơi! Thần cây hãy chỉ cho con cách nào làm ba mẹ vui lòng mà con vẫn được là chính con?

Thần cây đáp: Con hãy nhìn ta đây. Cả một đời ta phơi mình trong nắng gió, biết bao lần phải oằn người trong giông bão nhưng ta vẫn là ta, vẫn là thân cây tỏa bóng mát cho mọi người.

Qua hôm sau, một người đàn ông tìm đến cây than thở: Cây ơi, tôi là một người đàn ông bất tài vô dụng. Bao năm trôi qua rồi mà tôi vẫn chỉ là một anh nhân viên quèn, không thăng tiến được.

Tôi không thể lo cho vợ con mình một cuộc sống tốt đẹp hơn. Tôi thật sự đã thất bại, tôi chán bản thân mình lắm rồi.

- Anh hãy nhìn tôi mà xem - Cây lên tiếng chia sẻ - Tôi chấp nhận tự thay đổi để thích nghi với mọi điều kiện. Vào mùa xuân, tôi khoác lên mình chiếc áo xanh tươi, đâm chồi nở hoa rực rỡ.

Nhưng khi mùa đông lạnh giá kéo về thì tôi ủ rũ, xám xịt với những cành cây khẳng khiu. Đến hè, tôi lại vươn vai tỏa bóng mát sum suê. Và như anh thấy đấy, dù có thay đổi thế nào thì tôi vẫn là tôi, là gốc cây đứng bên vệ đường chứng kiến bao thăng trầm của cuộc sống.

Đến một ngày, một cô gái đang đau khổ vì tình yêu chạy tới ôm lấy thân cây, òa khóc nức nở:

- Cây ơi! Người yêu của tôi đã rời xa tôi rồi. Tôi cảm thấy mất mát thật nhiều và đau khổ lắm. Giờ đây, có lẽ tôi không thể yêu thương ai khác được nữa.

Cây nhìn cô gái đầy thương cảm, dịu dàng nói: Cô hãy ngước lên và nhìn tôi đi. Nào là chim chóc, sâu bọ, gõ kiến, nào là rong rêu, dây leo, cây tầm gửi bám đầy trên người tôi. Hằng ngày, chúng lấy đi của tôi biết bao nguồn nhựa sống.

Nhiều khi, tôi tưởng như không còn sức chịu đựng thêm được nữa. Nhưng rồi mọi chuyện cũng qua đi. Tôi vẫn là tôi, hiên ngang cho đi và dám hy sinh những gì mình có.

Xin cho mỗi người chúng ta hiểu được điều đó, để cho cuộc đời có thay đổi như thế nào đi chăng nữa, chúng ta vẫn là mình không thay đổi, chúng ta vẫn là người sống đức tin vào Chúa, yêu mến Chúa suốt cả cuộc đời của chúng ta. Amen.




Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

1 Ga 5,14-21: Chúa nhậm lời chúng ta kêu cầu.

Tv 149,4: Chúa yêu thương dân Người.

Ga 3,22-30: Bạn hữu của tân lang vui mừng vì tiếng nói của tân lang.

Gioan Tẩy giả biết công việc của ông là dẫn mọi người đến với Đức Kitô. Ông hạnh phúc trong nhiệm vụ của mình. Kinh Thánh kết thúc với tuyên bố mạnh mẽ rằng Gioan phải nhỏ lại trong khi Đức Kitô phải lớn lên. Hãy tưởng tượng sự tự tin và nhận thức về bản thân mà Gioan có để nói điều này. Nói thì dễ, làm thì khó. Đám đông đã cám dỗ cả Gioan. Họ muốn ông ghen tị với việc Chúa Giêsu làm phép rửa cho mọi người, nhưng Gioan đứng vững và nhắc họ rằng ông được sai đến trước Đức Kitô, ông không phải là Đức Kitô.

Đây là một cuộc đấu tranh mà tất cả chúng ta gặp phải theo những cách khác nhau trong cuộc sống ngày nay. Có thể có ích khi xem xét lý do tại sao ta làm những việc ở cơ quan, trường học và cộng đồng. Có phải ta đang làm những việc vì sự công nhận mà nó sẽ mang lại cho ta thay vì vì sự tốt đẹp hơn của những người xung quanh và sự vinh hiển lớn hơn của Chúa không? Ta có thể cầu xin Chúa rằng, lạy Chúa xin hãy ban cho con sự khôn ngoan con để biết vai trò của con trong thế giới này và can đảm để dẫn dắt người khác đến với Chúa. Đồng thời, ta cũng tin rằng “Chúa nhậm lời chúng ta kêu cầu.” Bởi vì “Chúa yêu thương dân Người.”