
GỢI Ý SUY NIỆM LỜI CHÚA
Chúa Nhật 12 Thường Niên năm B
Lời Chúa: Mc 4,35-41
Sau khi Chúa Giêsu giảng cho dân bên bờ Biển Hồ. Vì dân chúng quá đông, Ngài xuống thuyền của các môn đệ để từ đó giảng cho dân. Chiều đến, Chúa bảo các ông: “Chúng ta sang bờ bên kia đi”. Các ông chở Ngài đi. Vì suốt ngày bận giảng cho dân, có thể Chúa thấy mệt. Ngài vào trong thuyền nằm ngủ. Chợt một cơn bão ập tới đến nỗi nước tràn vào trong thuyền. Các môn đệ hoảng sợ đánh thức Ngài dậy: “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi mà Thầy chẳng lo gì sao?” Tiếng kêu cứu này có tính cách trách phiền. Họ kêu cứu tức là họ tin rằng Thầy có thể làm gì đó cho họ thoát khỏi nguy hiểm, nhưng cũng là dấu hiệu của một niềm tin còn quá mong manh. Nếu chúng ta ở trong hoàn cảnh như thế, chúng ta có sợ không? Sóng to đến nỗi nước ập vào thuyền làm sao không sợ? Họ là những ngư phủ, họ rất quen với bão tố, thế nhưng lần này họ la hoảng vì cơn bão quá to.
Chúa Giêsu thức dậy và chỉ cần một tiếng nói, sóng gió im phăng phắc: “Ngài truyền cho biển: “Im đi! Câm đi!” Sóng gió lặng im. Chúng ta có thấy ai ra lệnh cho sóng gió như thế không? Người ta có thể lên cung trăng, nhưng không ai có thể truyền cho bão tố im lặng. Các môn đệ hoảng sợ là chuyện bình thường. Nếu chúng ta có mặt trên thuyền lúc đó, chúng ta sẽ nghĩ sao? Chắc chúng ta cũng kinh ngạc tự hỏi như các ông thôi: “Ông này là ai mà cả đến gió bão cũng phải tuân lệnh?”.
Thánh Maccô, khi tường thuật câu chuyện này cố ý cho thấy, Chúa Giêsu là Đấng làm chủ trời đất. Ngài cho các môn đệ từ từ khám phá ra chân dung thực sự của Ngài, củng cố niềm tin còn quá non nớt yếu kém của họ, đưa họ qua những kinh nghiệm khó khăn để giúp họ trưởng thành trong niềm tin hơn.
Đang lúc các ông đương đầu với sóng gió, Chúa Giêsu vẫn ngủ. Ngài ngủ được không khi chiếc thuyền nghiêng ngã giữa sóng gió? Có thể Ngài nằm yên để xem các môn đệ phản ứng ra sao.
Thánh Maccô viết những dòng chữ này trong lúc giáo đoàn Rôma đang bị bách hại dữ dội. Thánh sử muốn cho các tín hữu Rôma thấy rằng, cần phải tin vào Chúa hơn và không sờn lòng trước cơn thử thách. Chúa vẫn có mặt nhưng Ngài im lặng.
Chúng ta cũng thế. Chúng ta đang ở giữa biển đời, bị muôn vàn thử thách gian nan. Hãy tin rằng, Chúa vẫn có mặt. Ngài im lặng nhưng không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Chúng ta luôn có Ngài ở trong chúng ta, vì chúng ta vẫn được ăn lấy Ngài, Chúng ta sợ gì? Chỉ tin thôi. Trên bước đường chúng ta, luôn có những cơn bão kinh hồn, trong bản thân, trong gia đình, ngoài xã hội. Đâu đâu chúng ta cũng gặp những cam go, thử thách. Hãy tin rằng, chúng ta đang mang Chúa trong chúng ta. “Ai có thể tách rời chúng ta ra khỏi tình yêu của Chúa?” Chỉ cần chúng ta kêu đến Chúa là Chúa sẽ trợ giúp ngay. Nhiều người nản lòng vì không thấy Chúa nhậm lời. Đó là vì họ chưa tin.
Chúa Giêsu đưa các môn đệ vào cơn bão để giúp họ khám phá ra con người của Ngài. Niềm tin của các ông phải được củng cố qua các biến cố của cuộc sống và khám phá ra quyền năng thần linh của Ngài: “Ông này là ai mà gió bão phải vâng phục?” Chúa Giêsu trách các ông chưa có lòng tin, nhưng thực ra các ông đã tin nên mới đánh thức Ngài, kêu cứu với Ngài. Nhưng đức tin này chỉ là một phản ứng tự nhiên trước nguy hiểm, chưa ăn sâu vào tâm hồn. Dù sao, các ông đã thấy được Thầy mình là một con người không giống như những người khác. Ngài ra lệnh cho biển cả và sóng gió. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể khiến biển hồ im lặng. Họ chưa dám nhìn nhận Ngài là Thiên Chúa mà chỉ tự hỏi Ngài là ai mà thôi.
Đức tin là một tìm kiếm chứ không là một cái gì có sẵn. Khi Chúa sống lại, đức tin của các ông mới thực sự vững chắc.
Chúng ta hãy cầu xin cho chúng ta không ngừng tìm kiếm Chúa qua những biến cố vui buồn của cuộc sống, qua tất cả những dấu hiệu Chúa cho xảy ra quanh chúng ta. Ngay cả những thử thách cũng là những dịp để chúng ta nhìn thấy sự bất lực của mình để tin vào Chúa hơn. Hãy đi vào cuộc khám phá lý thú này để ngày nào đó, chúng ta có thể nói như thánh Phêrô: “Thầy là Con Thiên Chúa hằng sống”.
Lm Trầm Phúc
Gp. Mỹ Tho