24/01/2011
917
GIẢNG LỄ THÁNH PHAOLÔ TÔNG ĐỒ TRỞ LẠI_GM Phaolô BÙI VĂN ĐỌC

Bài giảng thánh lễ của Đức Cha Phaolô tại Dòng Thánh Phaolô thành Chartres, Tỉnh Dòng Mỹ Tho, nhân dịp Bổn Mạng và Bế Mạc Năm Thánh 2010 của Hội Dòng ngày 25.01.2011

 

GIẢNG LỄ THÁNH PHAOLÔ TÔNG ĐỒ TRỞ LẠI

(Cv 22,3-16 ; Mc 16,15-18)

  resized_DSC07847.JPG

1. Ai là người thực hiện mệnh lệnh truyền giáo của Chúa Giêsu, được ghi lại rõ ràng và vắn tắt trong đoạn Tin Mừng theo thánh Marcô hôm nay: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo.” (Mc 16, 15)

Dĩ nhiên là các thánh Tông đồ, những người đã sống gần với Chúa, đã được Chúa tuyển chọn, đã đau khổ và thất vọng khi Chúa chịu đóng đinh, nhưng đã được gặp Chúa Phục Sinh, khi Người hiện ra, ban Thần Khí Phục Sinh, trao sứ vụ và quyền bính cho họ (x. Ga 20, 21-23). Nhưng ngoài Nhóm Mười hai  ra, còn một vị Tông Đồ đặc biệt, có biệt danh là “Tông Đồ dân ngoại”, biệt danh đó không ai có, ngoại trừ Phaolô.

2. Phaolô xứng đáng với biệt danh này, vì tình yêu của ông, vì sự tranh đấu và những hy sinh của ông cho lương dân, nhưng quan trọng hơn cả là vì ý muốn của Chúa Giêsu, Người mà ông đã ghét cay ghét đắng, căm thù đến tận xương tủy, khi chưa có dịp gặp, mà chỉ nghe nói đến do những kẻ thù của Chúa. Nhưng khi ông đã gặp Chúa Giêsu, tất cả đều thay đổi.

Quả thật, đây là một “tiếng sét ái tình”, và còn hơn thế nữa, tiếng sét ái tình đã đánh trúng tim ông, mạnh đến nỗi làm ông từ trên lưng ngựa ngã xuống đất, bị mù và không tự mình đi được.

3. Tiếng sét ái tình đã thay đổi cả cuộc đời ông, và để lại dấu vết không phai mờ trong tim ông, làm cho ông không bao giờ quên Đấng Chúa Phục Sinh đã đến tìm gặp ông. Và tình yêu của ông đối với Chúa Kitô lúc nào cũng đậm đà, mặn nồng giống như một tình nhân đối với người tình của mình.

Tình yêu của Chúa là Thần Khí và là Thần Lực mạnh mẽ đến nỗi hoàn toàn khuất phục ông, và từ đó không gì có thể tách ông ra khỏi Tình yêu của Đức Kitô, dù là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo (x. Rm 8,35).

4. Cách Chúa Kitô Phục Sinh kêu gọi Phaolô thật là lạ lùng và biểu lộ rõ rệt sự lựa chọn dứt khoát của Chúa. Chúa nhằm Phaolô, chứ không nhằm ai khác. Người đã nói với Khanania, khi ông này tỏ ra do dự không muốn đến làm phép rửa cho Phaolô: “Cứ đi, vì người ấy là lợi khí Ta chọn để mang Danh Ta đến trước mặt các dân ngoại.” (Cv 9, 16). Chúa đã chọn Phaolô, một người bắt bớ Hội Thánh, để trở nên một Tông Đồ nhiệt thành nhất của Hội Thánh, sống chết cho Chúa và Hội Thánh của Chúa, yêu mến Hội Thánh hơn chính bản thân mình.

5. Trước khi gặp Chúa Kitô, Phaolô căm ghét Hội Thánh bao nhiêu, thì khi gặp Chúa rồi, ông gắn bó với Hội Thánh bấy nhiêu. Sau này, khi chứng kiến cảnh các Kitô hữu bị khó khăn và bắt bớ, ông nhớ lại lời Chúa quở trách ông: “Saun, Saun, tại sao ngươi bắt bớ Ta? … Ta là Giêsu Nadarét mà ngươi đang bắt bớ.” (Cv 22,7-8). Câu nói đó của Chúa Giêsu làm cho Phaolô không ngừng suy nghĩ, và càng suy nghĩ, ông càng thêm lòng yêu mến Hội Thánh.

6. Câu nói đó, cho tới nay cũng làm cho rất nhiều vị thánh không ngừng suy gẫm. Chính chúng ta hôm nay cũng không thể làm ngơ, xem như Chúa đã không nói câu nói ấy. Không những Chúa đã nói, mà Chúa còn đang nói, và còn sẽ tiếp tục câu nói “Sao ngươi bắt bớ Ta?” Đáng lẽ ta phải yêu Chúa Giêsu, một con người hết sức đáng yêu, một con người đã yêu ta và chết vì ta, thì ta lại bắt bớ Người.

7. Hiện nay còn biết bao nhiêu người Kitô hữu phải chịu đau khổ, bị ức hiếp, bị kỳ thị, bị hành hạ, bị khủng bố khắp năm châu bốn bể. Chúng ta hãy nghĩ đến họ như nghĩ đến Chúa Kitô, thương mến họ như thương mến Chúa Kitô. Biết bao nhiêu người Kitô hữu khác bị người đời khinh dễ, nhạo cười, vì một mực đeo đuổi những giá trị của Tin Mừng, nhất quyết thi hành giáo huấn của Chúa Kitô!

8. Chính chúng ta cũng có thể bắt bớ Chúa, không bằng vũ lực bên ngoài, nhưng bằng nhiều cách làm đau lòng Người không kém. Ví dụ mỗi lần ta không đón nhận sự thúc đẩy nội tâm do Tình yêu của Chúa, mỗi lần bỏ qua một nghĩa vụ ta không ưa thích, mỗi lần quay lưng với thập giá của Chúa, không chấp nhận hy sinh đau khổ với Chúa và vì Chúa, mỗi lần từ khước một người anh chị em mà Chúa gởi tới trên đường đời của ta. Mỗi lần ta phê phán gay gắt, hay có cử chỉ thù nghịch với tha nhân.

 

+ Phaolô BÙI VĂN ĐỌC

Giám mục Giáo phận Mỹ Tho