17/05/2012
630
Chúa Thăng Thiên, ngày thế giới truyền thông xã hội_LM Trầm Phúc

GỢI Ý SUY NIỆM LỜI CHÚA

LỄ CHÚA THĂNG THIÊN năm B

Ngày thế giới truyền thông xã hội

Lời Chúa: Mc 16, 15-20

 CN 7 PS+le Chua Thang Thien+ngay TG TTXH nam B.gif

 

Trong thánh lễ này, Giáo Hội cho chúng ta đọc hai trình thuật về cuộc thăng thiên của Chúa Giêsu: đoạn mở đầu là sách Công Vụ Tông Đồ của thánh Luca và đoạn kết của sách Tin Mừng theo thánh Maccô. Đoạn này không do thánh sử viết mà do một người khác thêm vào nhưng Giáo Hội vẫn nhận đó là mạc khải.

Đoạn sách Công Vụ Tông Đồ gồm nhiều chi tiết đang lúc đoạn Tin Mừng rất ngắn gọn.

Thánh Luca viết sách Công Vụ Tông Đồ và đề tặng một người tên là Thêôphilô. Thêô, theo tiếng Hy Lạp có nghĩa là Thiên Chúa; và philô, cũng theo tiếng Hy Lạp có nghĩa là yêu. Thêôphilô là người yêu mến Thiên Chúa, tức là tất cả chúng ta. Thánh Luca gọi các Tông Đồ là những người mà Chúa Giêsu đã tuyển chọn, nhờ Chúa Thánh Thần. Một chi tiết nhỏ nhưng rất quan trọng. Như thế các ngài được Thánh Thần bảo đảm, nhưng vẫn có một người bị loại đó là Giuđa. Như thế, chúng ta thấy rằng, Thánh Thần tuyển chọn, nhưng vẫn tôn trọng quyền tự do của mọi người. Chúng ta cũng được tuyển chọn vào Giáo Hội, do Chúa Thánh Thần, nhưng trung thành hay không là do quyền quyết định của mỗi người. Thánh Luca cũng nhắc đến sự cứng tin của các Tông Đồ, và Chúa Giêsu phải dùng nhiều cách giúp các ông tiến sâu hơn vào niềm tin, cho các ông thấy Ngài vẫn sống sau khi đã chịu khổ hình.

Ngài ở lại với các ông 40 ngày. Đây là con số tròn của người Do Thái, chỉ một thời gian dài, không nhất định. Thánh Luca cũng cho chúng ta thấy rằng, Ngài thường dùng bữa với các ông: “khi đang dùng bữa với các ông, Ngài truyền cho các ông đừng rời khỏi Giêrusalem… chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa… là chịu phép rửa trong Thánh Thần” và nhờ Thánh Thần đó các ông sẽ là chứng nhân của Ngài.

Trước khi rời khỏi các Tông Đồ, Ngài đã chuẩn bị tất cả những gì cần thiết cho sứ mệnh Ngài sẽ giao: Ngài nói với các ông về Nước Thiên Chúa, Ngài ban Thánh Thần, và sau đó, Ngài mới sai họ đi: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo…

Một sứ mệnh cao cả và nặng nề!

Sứ mệnh đó được trao cho mỗi người chúng ta là những kẻ tin, những người được sai đi, những nhân chứng hôm nay của Ngài.

Chúng ta phải loan báo Tin Mừng để mọi người được cứu độ: “Tình yêu Chúa thúc bách chúng ta.

Sau khi trao sứ mệnh cho các môn đệ, “Chúa Giêsu được đưa lên trời và ngự bên hữu của Thiên Chúa”. Lên trời đây được hiểu như một sự tôn vinh. Chúa Giêsu đã hoàn thành sứ mệnh Chúa Cha đã trao cho Ngài. Nhiệm vụ trần thế của Ngài xem như chấm dứt, nhưng vẫn được tiếp tục qua các chứng nhân là các Tông Đồ hôm nay là chúng ta. Ngài không còn hiện diện hữu hình với chúng ta, nhưng Ngài vẫn hoạt động  như thánh Maccô nói: “Có Chúa cùng hoạt động với các ông và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng”.

Ngài ở lại nhờ Thánh Thần của Ngài như Ngài đã hứa: “Thầy không bỏ anh em mồ côi, Thầy sẽ ở lại với anh em. Đây chính là một bảo đảm chắc chắn.

Có lẽ nhiều người ngạc nhiên vì Chúa đã hứa sẽ có những dấu lạ kèm theo để xác nhận lời rao giảng, nhưng chúng ta không thấy những dấu lạ đó nơi các nhà truyền giáo hôm nay nữa. Nhưng thời các thánh Tông Đồ, các ngài làm nhiều dấu lạ như Phêrô, đến nỗi người ta mang bệnh nhân đến những nơi ngài sắp đi qua để chỉ cần bóng của Ngài chạm đến họ thì họ sẽ được lành bệnh.

Thánh Phaolô cũng làm nhiều dấu lạ khiến dân chúng tưởng ngài là thần minh và muốn tế lễ cho ngài. Những dấu lạ ấy chỉ còn rải rác nơi một vài Đấng Thánh như thánh Gioan-Maria Vianney, thánh Piô Pietrelcina… Chúng ta không thể mơ mộng trở về thời các Tông Đồ, chúng ta đừng quá ước vọng vào các dấu lạ. Chính chúng ta phải thành dấu lạ của Thiên Chúa: “Anh em là nhân chứng cho Thầy”.

Chúng ta đã lãnh nhận sứ mệnh rao giảng Tin Mừng. Đó là một mệnh lệnh, không chỉ cho các Tông Đồ mà cho toàn thể Giáo Hội, cho từng người đã được ghi ấn tín trong phép rửa tội, được Thánh Thần sai đi.

Nhiều người tưởng rằng công việc truyền giáo đòi hỏi nhiều điều kiện: kiến thức, tài năng… Đó là một sai lầm của đa số người Công giáo, vì thế họ chỉ cố giữ đạo cho chính mình thôi. Vì hiểu lầm, nhiều người  chùn chân trước mệnh lệnh của Chúa, dành việc này cho các linh mục hay tu sĩ, không biết rằng chính mỗi người đều là sứ giả của Tin Mừng.

Mọi người đã được thanh tẩy trong Thánh Thần phải hiên ngang rao giảng Tin Mừng. Rao giảng như thế nào? Vấn đề là: chỉ cần tin. Chúng ta có thể loan báo Tin Mừng bằng niềm tin. Khi chúng ta tin, chúng ta mới có thể nói và có rất nhiều cách để nói. Nói bằng lời, nhưng chúng ta có thể dùng một thứ ngôn ngữ không lời, đó chính là cuộc sống hằng ngày của chúng ta, một cuộc sống khắng khít với Chúa.

Cuộc sống Kitô hữu đòi hỏi chúng ta gắn bó với Chúa và như thế, mọi hành động ngôn từ của chúng ta đều trở thành loan báo. Tất cả những gì là thiện hảo, bác ái, chân thật đều trở thành một loan báo rõ rệt và hữu hiệu hơn cả lời nói: “Anh em là ánh sáng thế gian”. Ánh sáng này tuy không rõ rệt như ánh sáng mặt trời nhưng cũng rất dễ nhận thấy. Đó là một loan báo sống động. Sở dĩ thế giới chưa nhận biết Thiên Chúa, đó là vì lỗi của chúng ta. Công Đồng Vatican II đã nêu rõ như thế. Chúng ta đã được Chúa tuyển chọn, chúng ta chưa là ánh sáng cho trần gian và nhiều người đã trở thành bóng tối che lấp ánh sáng và vẻ đẹp của Chúa.

Chúa bảo chúng ta: “Hãy ra đi”. Chúa không bảo chúng ta dừng chân ở một trạm nào. Cuộc sống là một dòng chảy không ngừng. Việc loan báo Tin Mừng phải như thời gian vẫn tiếp tục tuôn chảy. Mỗi hành động ngôn từ của chúng ta là LOAN BÁO, tốt hay xấu là do chúng ta. Chúa đang ở phía trước và mời gọi chúng ta dấn bước.

Đừng sợ sệt. Đừng mang một mặc cảm nào. Hãy hiên ngang tiến bước trong sự lành, vì chúng ta luôn có Chúa đồng hành với chúng ta: “Có Chúa cùng hoạt động với các ông”. Ông mục sư Wumbrand ở Rumani đã thuật lại mười năm tù của ông. Ông nói: “Tôi giảng đạo và người ta bắt tôi và bảo tôi không được rao giảng như thế nữa. Đó là một lời cảnh báo. Ra về, tôi tiếp tục rao giảng trong các gia đình. Người ta lại bắt tôi và cấm không cho tôi rao giảng và hăm dọa nếu tôi rao giảng thì sẽ có biện pháp. Tôi vẫn tiếp tục rao giảng. Lần này người ta bắt tôi và đánh tôi một trận rồi cảnh cáo một lần nữa. Nhưng khi về, tôi vẫn tiếp tục rao giảng và lần này người ta đánh tôi nặng hơn. Tôi nói với những người đánh tôi: “Tôi ký hợp đồng với các anh thế này: hễ tôi giảng đạo, các anh đánh tôi và hễ các anh đánh tôi rồi thì tôi giảng đạo”. Sau cùng họ cho ông ngồi tù 10 năm…

Chúng ta có can đảm như thế không?

Chúng ta làm được gì nếu Chúa không hoạt động với chúng ta? Nhưng chúng ta có cùng hoạt động với Ngài không? Hay chúng ta chỉ sống cho mình, cho bản thân và mơ mộng những kết quả thấy được?

Chúa bảo chúng ta ra đi…và ra đi là phải bỏ lại sau lưng tất cả mơ mộng trần thế, tiện nghi và cả bản thân: “Sống là sống cho Chúa và chết cũng là chết cho Chúa”. Như thế mới có thể truyền giáo – hôm nay và tiếp tục…

Chúng ta là giòng giống lang thang trên khắp thế giới, (dù chúng ta không đi đâu cả), để loan báo hồng ân cứu độ. Không bám vào một cái gì… Ra đi mỗi ngày trong tự do, dù chúng ta vẫn có thể có gia đình, của cải. Ra đi trong nhiệm vụ hằng ngày. Đó là môi trường truyền giáo của chúng ta, và chúng ta cũng đừng quên mỗi người chúng ta là một xứ truyền giáo vì chính chúng ta cũng chưa biết Chúa đủ.

Chúng ta cứ ra đi, đừng tưởng rằng chúng ta hèn yếu, chẳng ích lợi gì cho Nước Chúa. Mỗi ngày, chúng ta nguyện “Danh Cha cả sáng”, Danh Cha vẫn chưa được bao nhiêu người biết đến, “Nước Cha trị đến”, Nước Cha vẫn chưa đến. Ý Cha cũng chưa được thể hiện…

Con đường còn dài và rất dài. Hãy bước từng bước một, nhỏ thôi, nhưng mỗi bước sẽ đem lại cho Nước Chúa một chiều kích rộng lớn hơn. Chúng ta cũng nhớ lời Chúa Giêsu đã hứa: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”.

Ngài đang có mặt nơi đây dưới hình thức tấm bánh, một món ăn, đem lại sinh lực cho mọi người. Hãy ăn lấy Ngài để cùng Ngài loan báo Tin Mừng cứu độ. Chúng ta không cô đơn trên đường. Có Ngài, chúng ta dám dấn thân sống cuộc sống trần thế của chúng ta như một loan báo liên lỉ.

Linh Mục Trầm Phúc