11/02/2011
530

GỢI Ý SUY NIỆM LỜI CHÚA

Chúa nhựt 6 năm A

Tin Mừng : Mt 5, 17-37

 

Tôi vẫn luôn nhìn thấy Chúa Giê-su chịu đóng đinh trên thập giá, người tử tội thần linh lấp đầy đau thương và nhục nhã. Nhưng tôi cũng thích nhìn Chúa Giê-su như thánh Gioan đã nhìn trong sách Khải Huyền: Chúa Ki-tô vinh thắng sáng ngời trong vẻ đẹp lộng lẫy của Ngài: “Ta là Anpha và Ô-mê-ga (chữ đầu và chữ cuối của mẫu tự Do thái), là Đấng hiện có, đã có và đang đến,là Đấng toàn năng” (Kh 1,8)  Ở giữa bảy cây đèn vàng có ai giống như Con Người, mình mặc áo chùng, và ngang ngực có thắt đai bằng vàng…Mặt Người tỏa sáng như mặt trời chói lọi” (Kh 1,13-16). Ngài đã sống giữa trần gian, nhưng Ngài đã tuyên bố: “Ta đã thắng thế gian”. Ai nhìn Ngài như thế nào, tôi không cần biết, nhưng tôi vẫn nhìn Ngài là Thiên Chúa, Đấng Toàn Năng… Đấng nắm quyền trên trời dưới đất, là chủ của lịch sử…

Chúng ta cũng thường nghe nhắc đi nhắc lại: “Hãy học cùng Ta, vì Ta hiềnlành và khiêm nhượng thật.” Nhưng khi chúng ta nghe những lời Ngài nói hôm nay, chúng ta nhận thấy tất cả nét uy nghi của Ngài, quyền uy tuyệt đối của Ngài tỏ lộ ra một cách tỏ tường: “Thầy đến không phải để bãi bỏ Lề Luật và các tiên tri, nhưng là để kiện toàn.”

Ai có quyền bãi bỏ Lề Luật? Lề Luật là của Thiên Chúa.

Ai có khả năng kiện toàn Lề Luật?

Những lời tuyên bố như thế, chứng tỏ Chúa Giê-su ý thức quyền uy của Ngài. Nhưng Ngài vẫn là con người khiêm tốn và là Thầy dạy khiêm tốn.

Khiêm tốn không phải là không có quyền, không phải là không ý thức địa vị của mình, nhưng là sử dụng quyền bính trong sự khiêm tốn. Đó là nét đặt trưng của Chúa Giê-su.

Nơi khác, chúng ta cũng thấy Chúa Giê-su có một thái độ cứng rắn và rõ rệt như thế khi Ngài nói với người bất toại: “Tội con đã được tha.” Những người Pha-ri-sêu có mặt lúc đó đã xầm xì với nhau: “Ông nầy phạm thượng! Ai có quyền tha tội?” Chúa Giê-su biết ý họ, Ngài hỏi: “Sao các ông nghĩ trong lòng những điều kỳ quặc như thế? Nói với người bất toại nầy tội con đã được tha hay nóihãy đứng dậy vác chõng mà về, câu nào dễ nói hơn? “Họ lặng thinh và Chúa Giê-su tuyên bố: “Tôi cho các ông biết, Con Người cóquyền tha tộidưới đất”. Rồi quay sang người bất toại: “Hãy chỗi dậy vác chõng mà về.”

Không ai có thể nói như Ngài đã nói. Ngài chứng tỏ quyền uy tuyệt đối của Ngài. Như thế, khi Ngài tuyên bố: “Thầy đến để kiện toàn Lề Luật thì có gì là lạ đâu! Trong mọi sự, Ngài đứng hàng đầu”, thánh Phao-lô đã nói như thế.

Vì thế khi chúng ta thấy Ngài chịu treo như một tên tử tội, nét uy nghi của Ngài cũng không bị mất mát gì. Ngài vẫn là Thiên Chúa, Con Một Thiên Chúa. Thánh Phao-lô đã chẳng hãnh diện về thập giá đó sao? Đối với Ngài, Chúa Giê-su chịu đóng đinh là tất cả: “Từ nay, giữa anh em, tôi không biết gì khác ngoài Chúa Ki-tô và Chúa Ki-tô chịu đóng đinh”.

Trước khi chết trên thập giá, Ngài phải kiện toàn tất cả. Kiện toàn, đối với Ngài là hiến thân chịu chết. Ngài kiện toàn tất cả trong tình yêu. Tình yêu là nền tảng của Luật mới. Ngài đã tuyên bố rõ rệt: “Luật dạy người xưa… Còn Thầy, Thầy bảo anh em…”

Chúa Giê-su chứng tỏ Ngài là tất cả Lề Luật. Thánh Phao-lô đã lặp đi lặp lại trong thư gởi các giáo đoàn Rô-ma và Galat: Chúng ta chỉ được cứu độ không phải do việc làm của Lề Luật mà là do tin vào Chúa Ki-tô. Chúa Giê-su chính là Luật mới của chúng ta.

Luật cũ, cũng theo thánh Phao-lô chỉ là người dẫn dắt ban đầu, Chúa Giê-su là điểm đến của mọi sự. Chúng ta không sống vì Lề Luật nữa mà sống cho Đấng là chủ của Lề Luật, Đấng là “chủ của ngày Sa-bat”. Ngài không bãi bỏ Luật cũ vì là Luật của Ngài. Đó là phương pháp Chúa dùng để giáo dục dân Ngài trong hoàn cảnh họ chưa đạt đến mức hoàn thiện, nhưng đến thời sau hết nầy, Ngài đến để dẫn đưa con người đến mức thập toàn. Ngài kiện toàn bằng cách trở nên gương mẫu cho mọi người. Chính Ngài là Luật mới, luật sống cho con người hôm nay. Vì thế, “một chấm một phết cũng không được bỏ qua”. Ngài tạo nên một mẫu người mới: công chính hơn các kinh sư và Phari-sêu, vì họ chỉ biết Luật cũ.

Luật mới của Chúa Giê-su dạy con người vượt lên một tầm mức cao hơn, nội tâm hóa hành động và nếp sống của mình. Tất cả Luật mới được kiện toàn chỉ gồm trong hai tiếng: yêu thương.

Không yêu thương chúng ta sẽ giận ghét, ngoại tình, ly dị… những điều Chúa Giê-su đưa ra để làm ví dụ. Ngài dạy chúng ta tiến xa hơn cái thường tình. Ngài dạy chúng ta cho đi mà không đòi hỏi lại.

Ngài dạy chúng ta vượt xa những lý luận của con người, để đạt đến một nếp sống yêu thương thực sự.

Trong thời đại khoa học của chúng ta, người ta cân đong đo đếm một cách tỉ mỉ, Ngài dạy chúng ta cho hết, không tính toán.

Trong thời đại tin học, người ta sống với tốc độ, Ngài dạy chúng ta tiến đến chiều sâu của tâm hồn, nơi đó, thời gian tan rã, chỉ còn là hiện tại.

Trong thời đại vật chất của chúng ta, Ngài dạy chúng ta nhìn bông hoa ngoài đồng và những con chim nhỏ…

Trong một cuộc đối thoại với hoàng hậu nước Áo, hoàng hậu nói với thánh Vinh Sơn đệ Phao-lô: “Thưa Cha, Cha làm việc quá nhiều”. Thánh Vinh Sơn trả lời: “Thưa Hoàng Hậu, tôi chưa làm được gì cả, tôi chỉ ngủ thôi, và nhiều khi cũng hèn nhát.”

Hoàng Hậu nói: “… Ngày sau hết của đời mình, Cha có cảm thấy cái khoảng trống không đàng sau Cha không?

Cha Vinh Sơn: “Đúng vậy, thưa Hoàng Hậu, tôi đã chẳng làm gì cả.”

Hoàng Hậu hỏi: “Vậy phải làm cái gì trong cuộc đời nầy?”

Thánh Vinh Sơn: “Thưa Hoàng Hậu, phải làm hơn nữa…”

Nơi bí tích Thánh Thể, chúng ta thấy Chúa Giê-su đã làm như thế. Ngài đã làm tất cả những gì Ngài có thể làm cho chúng ta. Thế nhưng Ngài vẫn tiếp tục sống và chết cho chúng ta. Hãy đi vào con đường hiến dâng của Ngài, mỗi ngày nhiều hơn nữa.

 

Lm Trầm Phúc

Mỹ Tho