GỢI Ý SUY NIỆM LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT 9 THƯỜNG NIÊN A
Mt 7,21-27
Nghe những lời Chúa Giê-su nói hôm nay, chúng ta nhớ đến một lời của tiên tri I-sa-i-a : “Dân nầy thờ Ta bằng môi bằng miệng mà lòng nó xa Ta muôn trùng.” Vì thế mà Chúa Giê-su phải lên tiếng cảnh báo hạng người chỉ nói: Lạy Chúa, lạy Chúa mà không làm gì cả. Trong số đó có chúng ta.
Nhiều người tín hữu than phiền: Sao Chúa lại khắt khe như thế? Sao Giáo Hội lại cấm đoán đủ thứ như thế? Tại sao phải đi lễ ngày Chúa Nhựt? Tại sao phải kiêng thịt ngày Thứ Sáu? Sao Chúa đòi hỏi nhiều như vậy? Cuộc sống đã quá tàn nhẫn với chúng tôi rồi, tại sao Chúa lại thêm gánh nặng cho chúng tôi? Nhà triết gia danh tiếng vô thần F. Nietzsche đã nói: “Người công giáo, các người là những con lạc đà quì gối xuống để người ta chất lên lưng những gánh nặng rồi lê lết như thế suốt đời.” Đó là một sai lầm lớn của một số người công giáo. Nếu chúng ta nhìn vào đời sống xã hội, chúng ta cũng phải tuân theo một số luật lệ cũng nặng nề sao không ai thắc mắc? Vì dụ: Tại sao phải đi bên phải khi tham gia giao thông? Tại sao không để cho người ta chạy tự do cho thoải mái? Tại sao phải có bằng cấp chuyên môn mới được hành nghề? Những đòi buộc của xã hội thì không mấy ai đặt vần đề, nhưng khi Chúa đòi buộc để giúp chúng ta hạnh phúc thì chúng ta lại thắc mắc: tại sao?
Một số người giữ luật rất sít sao, nhưng chỉ theo hình thức. Đó là thái độ của người Pha-ri-sêu mà Chúa Giê-su luôn lên án. Giữ đúng bên ngoài nhưng tâm hồn thì vắng mặt. Những người chỉ nói: “Lạy Chúa, lạy Chúa” mà tâm hồn không liên hệ gì.
Một số người khác, gần như trong xứ đạo nào cũng có là những người đọc kinh rất nhiều: lần chuỗi, cầu lễ v.v… nhưng trong xóm không ai chịu nổi: dữ tợn, trả thù, ghen ghét, nói xấu… Đó cũng là loại người chỉ nói “Lạy Chúa, lạy Chúa…”
Chúa không cần đến những hạng người đó, Chúa chỉ mong hạng người mà lời nói đi đôi với việc làm, đúng với lời Chúa, thực thi lời Chúa.Cuộc sống của chúng ta có giá trị hay không, không phải căn cứ vào những việc đạo đức không hồn, mà vào lòng tin thành thật. Thánh Gia-cô-bê đã khẳng định: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết .” (Gc 1,25). Nếu tin mà không thực hành thì đức tin có ích lợi gì? Lời Chúa không như lời nói của con người. Lời Chúa là sự thật và là sự sống. Chúa Giê-su chỉ cho chúng ta con đường đi đến sự sống thật, sự sống vĩnh cửu: “Chí có Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời.” Tất cả lý thuyết của con người, dù được nhiều người ca tụng cũng chỉ là cơn gió thoảng ngoài. Chỉ có Lời Chúa mới mang lại hạnh phúc, mới đáng cho chúng ta thi hành. Và ai thực hành lời Chúa mới là người không xây nhà trên nền đá vững chắc: “Con người không chỉ sống bằng cơm bánh, nhưng bằng lời từ miệng Thiên Chúa phán ra.”.
Thi hành lời Chúa không dễ dàng chút nào, vì chúng ta đang sống trong một xã hội mà Thiên Chúa bị loại trừ. Tất cả đều thúc đẩy chúng ta theo đà của thế gian.
Chúng ta muốn sống công bằng, thế gian mời gọi chúng ta sống bất công. Chúng ta muốn yêu thương, thế gian gây chia rẻ, hận thù. Chúng ta muốn sống trong sạch, thế gian bày ra đủ mọi thứ trò dâm ô…
Sống lời Chúa trong những hoàn cảnh như thế là một thách thức. Chúng ta đủ can đảm để đương đầu với những thách thức đó không?
Một mình chúng ta, với sự yếu hèn bẩm sinh của chúng ta, chúng ta không thể đương đầu, nhưng Chúa Giê-su đã tiên liệu chó chúng ta. Ngài “không để chúng ta mồ côi”, Ngài gởi cho chúng ta Đấng Bàu Chữa, là Thánh Thần. Chúa Thánh Thần sẽ là sức mạnh cần thiết để giúp chúng ta trung thành và đủ sức để đương đầu với mọi trở lực. Ngài là ngọn gió mãnh liệt đã thổi vào cánh buồm của các Tông Đồ, để Tin Mừng lan rộng khắp nơi. Ngài là ngọn lửa thiêng đã nung nấu ý chí của các Tông Đồ, của Phao-lô và của các thánh mọi thời đại, đã tung họ ra khắp thế giới đang bài trừ Danh Thánh Giê-su.
Thực thi lời Chúa là một cuộc tử đạo không đẩm máu. Biết bao người đã dám sống lời Chúa không thối thoát. Đối với những người nầy, lời Chúa quí hơn mạng sống.
Tại sao?
Vì họ đã tin. Tin như Đức Mẹ đã tin: “Phúc cho em là đã tin rằng những lời Chúa nói với em sẽ được thực hiện.”
Tin và vâng theo lời Chúa không phải là một gánh nặng như nhiều người lầm tưởng, nhưng là một hồng phúc. Trong lãnh vực nầy, Chúa Giê-su là gương mẫu độc nhất của chúng ta. Ngài đã nói nhiều lần: “Thầy không làm gì tự ýmình, nhưng theo ý Đấng đã sai Thầy.” (Ga 5,30) “Của ăn của Thầy là làmtheo ý Đấng đã sai Thầy …” (Ga 4,34) Nơi khác Ngài cũng nói rõ: “Tôi từ trời xuống không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý của Đấng đã sai Tôi.” (Ga 6,38). Trong suốt sách Tin Mừng của thánh Gioan, Chúa Giê-su nói đi nói lại nhiều lần: “làm theo ý Đấng đã sai Thầy” và tột đỉnh của vâng phục là: “Không theo ý Con mà theo ý Cha.” Ngài đã xây cuộc đời của Ngài trên đá, và đã đem lại ơn cứu độ cho chúng ta.
Chúa Giê-su đã đưa ra điều kiện: Ai muốn vào Nước Trời, không chỉ nói: Lạy Chúa, lạy Chúa, mà thi hành ý của Cha trên trời. Ngài đã đi trước trên con đường vâng phục đó. Ngài không lùi bước trước một trở lức nào, dù thân xác Ngài run rẩy, sợ sệt, mướt mồ hôi máu, Ngài vẫn chấp nhận ý Cha. Ý Cha mà thôi.
Cuộc sống trần thế của Ngài như gắn chặt, không bao giờ tách rời ý của Cha Ngài.
Con đường vào Nước trời, Ngài đã vẽ rõ rệt, từng nét, từng đoạn. Vào Nước Trời chỉ có con đường duy nhất nầy mà thôi. Dù bạn có nói tiên tri hay trừ quỉ, mà không theo ý Cha, thì: “Ta không biết các ngươi.”
Có những người làm nhiều việc lớn lao như xây cất nhà thờ, tổ chức những cuộc lễ uy nghi… hoành tráng, nhưng không theo ý Cha mà chỉ vì danh, vì lợi, thì cũng chỉ là hư không trống rỗng mà thôi.
Muốn sống theo ý Cha trên trời, muốn thực hành lời Chúa, chúng ta phải lắng nghe, phải say mê lời Chúa.
Chúng ta có khao khát được nghe lời Chúa như đám dân thời xưa đã theo Chúa suốt mấy ngày trong hoang địa đến nỗi Ngài phải hóa bánh ra nhiều cho họ ăn không? Chúng ta có thấy rằng lời Chúa là một của ăn cần thiết cho cuộc sống của chúng ta hôm nay không? Chúng ta muốn xây nhà trên đá hay xây nhà trên cát?
Hãy cầu xin cho chúng ta đủ thiện chí để nghe và tuân giữ lời Chúa như Chúa đã ước mong. Chúng ta đọc đủ các thứ sách báo, nhiều khi là những tờ văn nghệ ba xu chúng ta cũng đọc nhưng chẳng bao giờ rờ đến quyển sách hằng sống là quyển Kinh Thánh, đã đóng bụi lâu ngày trên đầu tủ…
Có cái gì đó trong cuộc đời chúng ta không suông sẻ. Chúng ta thèm cặn bã của thế gian mà không ao ước của ăn hằng sống: Linh hồn thì nhanh nhẹn, xác thịt vẫn nặng nề… Hãy làm thế nào để cơn đói của thể xác không lấn át được cơn đói của tâm hồn.
Tại sao Chúa Giê-su đòi hỏi chúng ta phải thi hành ý Cha một cách khẩn thiết như thế?
Vì Ngài yêu mến Cha hết lòng hết sức… vì Ngài là Con yêu dấu, đẹp lòng Cha. Chính tình yêu đó đã là sức mạnh của Ngài.
Vì yêu mến Cha, Ngài đã xuống thế làm người.
Vì yêu mến Cha, Ngài đã mang tình yêu của Cha đến với mọi người bằng cách chấp nhận “vâng phục cho đến chết và chết trên thập giá.”
Vì yêu mến Cha, Ngài đã dạy mọi người đến với Cha, yêu mến Cha như Ngài. Ngài đã dạy chúng ta: “Lạy Cha chúng con ở trên trời…”
“Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.”
Thật tuyệt diệu, nếu chúng ta dám nói lên tiếng nói ân tình đó mà Chúa Giê-su đã dạy chúng ta. Khi chúng ta biết được một cách chính xác, không mơ hồ rằng chúng ta là con Cha trên trời, thì đi tới đâu, chúng ta cũng sẵn sàng, không e ngại, dù phải đi đến khổ hình thập giá… Thánh Vinh Sơn đệ Phao-lô nói: “Phải yêu mến Chúa bằng cánh tay và bằng mồ hôi nhễ nhại mới thực sự là yêu.”
Hôm nay, Chúa Giê-su đến với chúng ta qua hình thức tấm bánh nhỏ là bí tích Thánh Thể để dạy chúng ta yêu mến Cha trên trời. Yêu mến Cha với Ngài, trong Ngài, nói với Cha rằng “con mong ý Cha được thể hiện, hôm nay, dưới đất cũng như trên trời.” Con đường tình yêu nầy dẫn chúng ta đi thật xa đến tận miền đất của hiến dâng. Chúng ta không còn sống cho chính mình nữa mà chỉ sống cho Đấng đã chết và sống lại cho chúng ta. Cuộc đời như thế mới tràn trền sung mãn. Chúng ta sẽ nói: “lạy Chúa, Lạy Chúa…” nhưng với tất cả tình yêu, với tất cả sức lực. Nói: “lạy Chúa , lạy Chúa và đem hết sức mình phục vụ mọi người, yêu thương mọi người… Chúa Giê-su vẫn chờ đợi chúng ta bên kia những ngại ngùng thối thoát của chúng ta.
Lm Trầm Phúc
Mỹ Tho