GỢI Ý SUY NIỆM LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT 7 THƯỜNG NIÊN A
Lời Chúa: Lv 19, 1-2.17-18; 1Cr 3, 16-23; Mt 5, 38-48
Chúng ta vừa nghe đoạn cuối của Bài giảng trên núi. Chúa Giê-su tuyên bố Ngài đến để kiện toàn Lề Luật và sau đây là phần cuối của những gì Ngài dạy trong bài giảng nầy.
Ngài không bãi bỏ Luật cũ vì đó cũng là Luật của Ngài. Sở dĩ Ngài phải kiện toàn là vì thời xưa kia, dân Do Thái chưa là một dân tộc có tổ chức, mà là một nhóm người ô hợp và còn kém văn minh. Luật Chúa ban là để huấn luyện họ từ từ trở nên xứng đáng với tình thương của Chúa và với sứ mệnh Chúa sẽ trao cho họ sau nầy.
Trong việc huấn luyện nầy, chúng ta thấy Chúa không đốt giai đoạn, không hấp tấp, Ngài kiên nhẫn giáo dục dân Ngài và giúp họ tiến lên tới tầm mức cần thiết và ý thức hơn.
Nhưng khi họ đã trưởng thành, Chúa dạy họ sống cao đẹp hơn, giúp họ nội tâm hóa cuộc sống.
Thời Mô-sê mà bảo họ yêu thương kẻ thù là một điều không thể hiểu được. Nhưng sau gần 20 thế kỷ, dân Do thái qua bao nhiêu thăng trầm vinh nhục mới thấy rõ bàn tay Chúa dẫn dắt họ tiến xa hơn trên con đường đạo đức. Chúa đã nung nấu họ trong lò lửa của khổ đau để giúp họ nhận thấy rằng, không có Chúa họ không là gì cả.
Qua những giai đoạn rèn luyện lâu dài, “đến thời viên mãn nầy, Chúa sai chính Con Một Ngài đến chỉ dẫn cho chúng ta con đường trọn hảo. Qua Người Con Một, Thiên Chúa đã tạo nên một dân mới và dân nầy sẽ mang ánh sáng và ơn cứu độ đến cho nhân loại. Để làm được việc đó, để chu toàn sứ mệnh cao cả đó, họ phải sống xứng đáng hơn, “hơn những kinh sư và Pha-ri-sêu.”
Lời Chúa hôm nay là một lời mời gọi vươn cao, cũng là một thách thức cho mọi người chúng ta. Chúng ta dám vươn cao đến đỉnh tuyệt vời của yêu thương không?
Nhưng chúng ta phải chân nhận rằng, không ai đủ can đảm sống như những đòi hỏi của Chúa nếu không nương tựa vào Chúa: “Không có Thầy, chúng conkhông thể làm gì được.” Những lời mời gọi của Chúa vượt xa tầm mức của chúng ta là những con người mong manh yếu đuối. Nhưng chúng ta có thể nói như thánh Phao-lô: “Tôi có thể làm được mọi sự… trong Đấng đã yêu thương tôi và đã liều mạng cho tôi”; “Khi tôi yếu là chính lúc tôi mạnh.”
Tại sao Chúa lại đòi buộc gắt gao như thế? Vì chúng ta là con của Cha trên trời. “Hãy nên hoàn thiện như Cha anh em ở trên trời là Đấng hoàn thiện.” Và Thiên Chúa, Cha chúng ta là Tình Yêu.
Như Cha trên trời.
Chúng ta dám đưa má cho người ta vả, chúng ta dám cho cả áo ngoài khi người ta đòi đoạt áo trong.
Như Cha trên trời
, khi chúng ta dám đi với người ta hai dặm khi người ta chỉ yêu cầu chúng ta đi một dặm.
Như Cha trên trời
: khi chúng ta dám cho tất cả những gì chúng ta có thể cho được, chúng ta dám yêu cả những kẻ thù của chúng ta (như người anh em thân mến), khi chúng ta dám yêu thương mọi người không trừ ai, kể cả kẻ thù, dám chịu mọi thiệt thòi cho người anh em.
Chúng ta dám không?
Là con Cha trên trời, chúng ta không thể đi con đường nào khác ngoài con đường Cha đã vạch ra nhờ Con Một Ngài là Chúa Giê-su, Chúa chúng ta, là con đường yêu thương.
Thời gian Cựu Ước là thời gian chập choạng tìm kiếm, mong đợi. Hôm nay, con đường được mở ra thẳng tắp dẫn đứa chúng ta đến hạnh phúc. Con đường mang tên Giê-su: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống…” Con đường đó cũng mang yêu thương.
“Luật dạy người xưa rằng… Còn Thầy, Thầy bảo…”
Thầy bảo gì? “Đừng chống cự kẻ ác… Hãy yêu thương kẻ thù…”
Đây chắc chắn là một điều khó, không mấy người dám làm. Và ai làm như thế, người đời sẽ cho họ là những người khờ dại, là ngu, là hèn nhát…
Chúa Giê-su, Chúa chúng ta đã làm như thế. Ngài chấp nhận cho người ta trói Ngài, đánh đập… không một lời oán trách. Trên thập giá, Ngài đã xin Cha tha cho những người giết Ngài…
Ngài có ngu không? Ngài có hèn nhát không?
Chúng ta có thể hiểu được không cần ai giải thích.
Đúng như thế. Chúa Giê-su đã chịu thua và mấy tên lính hành hạ Ngài thỏa thích.
Giu-đa đã lầm khi anh nộp Thầy, tưởng rằng Thầy mình làm được nhiều dấu lạ cả thể, chắc sẽ không thua những tên lính đâu, không lẽ Ngài chịu thua! Giu-đa đã lầm to và hậu quả thật tai hại!
Vậy Chúa muốn gì?
Chúa muốn chúng ta yêu thương “như Ngài”, yêu thương đến tuyệt đỉnh. Định luật của tình yêu là HƠN NỮA…
Tình yêu không có điểm dừng…
Tình yêu là cho đi mà không đòi hỏi lại.
Thánh Phao-lô trong thư thứ nhứt gởi giáo đoàn Cô-rin-tô đã viết lên một bản tình ca độc đáo: “Tình yêu tha thứ tất cả… Tin tưởng tất cả… Chịu đựng tất cả…” (1Cr 13)
Chúa Giê-su bảo chúng ta hãy nên điên dại để nên khôn. Ngài trở nên con người khờ dại nhứt thiên hạ… Vì đã dám chết nhục nhã, đau thương cho chúng ta, là những con người không mấy dễ thương. Nhờ Ngài điên dại như vậy mà chúng ta được cứu thoát, được làm con Cha Trên Trời.
Thánh Phao-lô đã chẳng nói: “Sự điên dại của Thiên Chúa thì hơn sự không ngoan của loài người”.
Ra điên dại vì yêu là một sự điên dại thần linh.
Chúa Giê-su không dạy chúng ta chiếm lấy những lợi lộc trần gian, Ngài chỉ dạy chúng ta nên hoàn hảo như Cha trên trời. Hãy để cho thế gian tước đoạt tất cả, đừng tranh chấp, kể cả quyền tự do, cơ sở vật chất… chúng ta mới thực sự là con của Cha trên trời. “Bộ mặt thế gian nầy qua đi.”
Khi chúng ta có Chúa là sự giàu sang của chúng ta, khi chúng ta dám yêu mến Chúa, chúng ta dám buông bỏ tất cả vì yêu mến Ngài.Chúa Giê-su là như thế. Gia nghiệp chúng ta không ở trần gian nầy.
Các thánh tử đạo là những là những mẫu gương sáng ngời. Các ngài đã chấp nhận từ bỏ tất cả vì Chúa, kể cả mạng sống,để chiếm hữu Chúa, là nguồn sống bất diệt, là hạnh phúc sung mãn đời đời. Cha Hans urs von Balthazar đã nói: “Rốt cùng chỉ có một người Ki-tô hữu duy nhất và họ đã đóng đinh Ngài vào thập giá.”
Đó là bài học duy nhứt của Chúa Giê-su. Bài học khó nuốt đấy, nhưng ai dám học bài học nầy sẽ thấy cuộc sống nhẹ nhàng thanh thoát.
Chúa Giê-su hôm qua, hôm nay và mãi mãi là Chúa Giê-su đã cho không cuộc đời của Ngài, hôm nay Ngài vẫn có mặt nơi bàn thờ hiến tế nầy. Ngài đến để chúng ta nhìn thấy rõ khuôn mặt đáng yêu của Ngài, nhờ đó chúng ta vững dạ bước theo Ngài trên con đường yêu thương mà Ngài đã đi. Ăn lấy Ngài để yêu thương Ngài như Ngài mong ước, và với Ngài chúng ta cứu vớt thế gian bằng cuộc sống hiến dâng của chúng ta.
Lm Trầm Phúc
Mỹ Tho