21/01/2011
289

Gợi ý suy niệm Lời Chúa của Linh mục Trầm Phúc

 

CHÚA NHẬT 3 THƯỜNG NIÊN A

Lời Chúa: I s 8,23b – 9,3; 1Cr 1,10-13.17; Mt 4,12-23

 

Chúa Giê-su khởi đầu cuộc rao giảng. Thánh Mat-thêu đã trích những lời của tiên tri I-sa-i-a, nói đến miền đất Chúa Giê-su chọn để khởi đầu sứ mệnh của Ngài. Chúng ta không cần đi sâu vào chi tiết chỉ cần hiểu ý của thánh sử: vùng đất đó, theo một vài nhà chú giải, là một vùng xôi đậu giữa người Do-thái và người tứ xứ, được xem như vùng dân ngoại. Và như thế Chúa Giê-su muốn chú ý đến những người Do-thái vùng sâu vùng xa nguội đạo đang cần được rao giảng, và dân ngoại, tuy rằng Ngài chưa trực tiếp đến với họ: “Dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối tử thần nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi.”

Chúa Giê-su được xem như ánh sáng cho những người đang ở trong bóng tối. Sau này Chúa Giê-su nói rõ: “Ta là ánh sáng thế gian, Ai theo Ta sẽ được ánhsáng ban sự sống.” Ngoài Chúa không có ánh sáng nào khác. Dù mặt trời có mọc lên chói chan, tâm hồn chúng ta vẫn mù tối. Chí có Chúa Giê-su là ánh sáng thật, ánh sáng vĩnh cửu soi chiếu tâm hồn. Con người không chỉ cần mặt trời vật chất, nhưng còn cần mặt trời tâm hồn. Không có ánh sáng tâm hồn, con người sẽ dễ dàng trở nên loài dã thú và chúng ta đã thấy điều đó rõ ràng khi nhớ đến những trại tập trung của Đức Quốc Xã (dù chúng ta chỉ nghe nói đến cũng kinh tởm huống hồ những người sống sót trong những trại đó), những cảnh giết người hàng loạt, những hành động khủng bố, giết hại dân lành trên khắp thề giới hôm nay. Thế giới đang cần ánh sáng của Chúa. Mặt trời vẫn mọc, vẫn sáng, tâm hồn con người vẫn tối tăm… và càng tối tăm hơn khi con người thời nay từ chối và loại trừ Thiên Chúa. Nhiều nhà đạo đức đã tự hỏi: “Thế giới của chúng ta đang đi về đâu?” Và nhiều người trả lời: “Đi tới tận diệt và khốn nạn.” Chỉ có Chúa Giê-su mới có thể cứu vớt thế giới hôm nay mà thôi, vì chỉ có Ngài là “Ánh Sáng trần gian”.

Chúa Giê-su đến trong trần gian nầy là với mục đích đó: cứu vớt trần gian.

Không nói rõ, nhưng thánh Mat-thêu cũng cho thấy sứ mệnh của Chúa Giê-su sẽ không chỉ dành cho những người ngoan đạo mà là cho mọi người. Sau nầy chúng ta càng thấy rõ hơn ý định đó mặc dù Chúa cũng nói: “Ta chỉ được saiđến với những con chiên lạc nhà It-ra-en mà thôi”. Nơi khác Ngài lại nói: “Ta còn những con chiên khác không thuộc đàn này, cả những chiên ấy Ta cũng quy tụ về trong đàn chiên Ta.” (Ga 10,16). Như thế, chúng ta thấy rằng chương trình của Ngài sẽ tuần tự được thực hiện. Ngài không muốn xuất hiện như một vì sao băng. Chương trình đó đã do chính Gioan Tẩy giả thực hiện khi ông rao giảng sự thống hối cho dân, và hôm nay, khi Gioan đã khuất, Chúa Giê-su tiếp tục rao giảng cũng một đường lối đó: “Hãy ăn năn sám hối, vì Nước Trời đã đến gần.”

Con đường sám hối là con đường đầu tiên của con người tội lỗi muốn đón nhận Nước Trời. Chúng ta, tất cả đều phải đi vào con đường sám hối đó, vì không ai trong chúng ta xứng đáng với Nước Trời.

Nhưng Nước Trời là gì ?

Rất nhiều người  nghe mà không chú ý và chỉ hiểu như một nước nào đó trên thế gian, hay chỉ nghĩ một cách đơn sơ là thiên đàng, và cũng không cần tìm hiểu thêm. Chúa Giê-su nói: “Nước tôi không thuộc trần gian nầy.” Vậy thì ở đâu? Phi-la-tô không cần hỏi thêm, nhưng có lẽ ông hiểu rằng con người đang đối thoại với ông không phải là hạng người tầm thường như những người khác. Cũng có thể ông không cần bận tâm đến những cái gì không nằm trong phận vụ của ông. Nhưng chúng ta cần biết Nước Trời là gì vì nó liên hệ tới chúng ta, nó là trung tâm của cuộc sống chúng ta.

Vậy Nước Trời là gì ?

Không thể nào định nghĩa trong một vài câu điều mà chúng ta vẫn đang tìm kiếm. Nước Trời không phải như các nước trần gian, là một vùng đất. Nước Trời là một thực tại thiêng liêng, là niềm hạnh phúc vô biên của Thiên Chúa và có thể nói Nước Trời là chính Thiên Chúa. Chúa chính là hạnh phúc vĩnh cửu của chúng ta. Cái mà đa số chúng ta gọi là thiên đàng không phải là một cõi phúc, mà là chính Thiên Chúa Tình Yêu, Đấng đã tạo nên chúng ta trong tình yêu và vẫn mãi yêu thương chúng ta. A-đam đã phản bội tình yêu Chúa, nhưng Chúa vẫn không thể không yêu thương, Ngài đã chấp nhận ban Con Một Ngài cho chúng ta và nhờ Người Con nầy, chúng ta tìm lại được nguồn hạnh phúc mà chúng ta đã mất, đó là Thiên Chúa. Chúa Giê-su đến trong trần gian và đã mở cửa Nước Trời cho chúng ta. Ngài đã trở thành Con Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian (Chúa nhựt tuần qua). Việc đầu tiên của Ngài là kêu gọi mọi người “sám hối”, tẩy sạch tâm hồn để đón nhận sự sống mới mà Ngài mang đến cho chúng ta. Sám hối là từ bỏ bóng tối để bước vào ánh sáng, là lột bỏ “con người cũ để mặc lấy con người mới”, là sống như giữa ban ngày “Chúng ta không còn thuộc về tối tăm nữa… Hãy mang lấy khí giới của ánh sáng.” (Thánh Phao-lô).

Chúng ta có nghe tiếng gọi của Chúa không? Chúa bảo dân Do thái xưa: “Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa. Đừng cứng lòng…” (Tv 94). Đây là tiếng gọi của tình thương, của Thiên Chúa đầy lòng thương xót, nhân hậu... Qua Con yêu dấu của Ngài, Thiên Chúa đã đến giữa chúng ta, mời gọi khẩn thiết… Chúng ta để cho tiếng gọi ấy trở thành một tiếng gọi vô vọng hay sao? Chúng ta giả điếc làm ngơ trước tình yêu Chúa sao?

Chúng ta làm gì ?

Theo Ngài.

Chúa Giê-su không cứu vớt chúng ta một mình. Ngài muốn chúng ta dấn thân với Ngài, đón nhận tình yêu của Chúa Cha với Ngài. Ngài kêu gọi một vài người… Simon và An-rê, Gia-cô-bê và Gioan. Và trong trình thuật của thánh Mat-thêu, thánh sử đã ghi lại hai lần: Lập tức, các ông bỏ mọi sự và theo Thầy. Họ không chần chừ, không đắn đo gì cả. Tiếng gọi đó có một sức mãnh liệt đến nỗi họ dám buông bỏ tất cả. Lập tức ! Họ không hẹn ngày mai, ngày mốt. Sau này, khi kêu gọi những người khác, Chúa Giê-su cũng đòi hỏi họ dứt khoát như thế. “Cầm cày còn ngó lại sau lưng là không xứng đáng…” “Hãy để kẻchết chôn kẻ chết, còn ngươi, hãy theo Ta”. Trong cuộc đời chúng ta, có bao giờ chúng ta nghe tiếng mời gọi như thế không? Chắc là có… nhưng chúng ta không có can đảm. Thực ra “theo Ngài” ở đây không phải như các tông đồ, nhưng Chúa vẫn vẫy gọi mỗi người chúng ta trong lúc nào đó… trong hoàn cảnh nào đó, đòi hỏi chúng ta dứt khoát với một thói xấu, với dịp tội nào đó…Chúng ta phản ứng thế nào ?

Lập tức hay chần chờ ?

Nhiều người nguội đạo lâu ngày, khi anh em hay người thân thúc đẩy trở về với Chúa… Họ cứ ngần ngừ  hẹn rày hẹn mai… và sau cùng biến mất. Đối với Chúa, không có sự chần chờ đắn đo. Thiên Chúa đòi hỏi một niềm tín thác vô điều kiện, vì hạnh phúc Ngài trao ban  là vô giá. Chúng ta không thể mặc cả với Chúa được. Tin hay không mà thôi. Dứt khoát!

Theo Chúa.

Nghĩa là trở thành môn đệ, nghĩa là tiếp nối công việc Thầy làm. Chúa gọi các môn đệ, Chúa cũng gọi chúng ta. Chúng ta là môn đệ của Chúa Giê-su, khi chúng ta mang danh Ki-tô hữu. Hãy cùng với Chúa rao giảng Tin Mừng, “lưới người như lưới cá.” Chúng ta biết phải làm gì không? Hãy nhìn Chúa Giê-su, hãy sống với Ngài… Ngài trở thành người Thầy duy nhất của chúng ta. Hãy học với Ngài… “hiền lành và khiêm nhượng”, bao nhiêu đó cũng có thể chinh phục thế giới… Có lẽ khi ban cho chúng ta ơn gọi làm Ki-tô hữu, Chúa Giê-su đã mong ước chúng ta sẽ chinh phục thế giới cho Ngài.

Hôm nay, Chúa Giê-su đến với chúng ta, không phải trên bờ hồ, mà trên bàn thờ này. Cũng là Chúa Giê-su đó, không phải là một Giê-su nào khác. Ngài đến để gọi chúng ta theo Ngài. Không bằng lời mà bằng tình yêu, bằng một tình yêu trao phó, “cho không”. Một tình yêu tuyệt đối không ai so sánh được. Chúng ta hãy lắng nghe trong thầm lặng của tâm hồn tiếng gọi yêu thương ấy và như Phê-rô, ngày nào, chúng ta nhào xuống biển… để đến với Ngài.

 

Lm Trầm Phúc

Mỹ Tho