24/05/2023
895
Bài giảng Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống - Giáo phận Mỹ Tho











 







GỢI Ý SUY NIỆM

LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG

Cv 2,1-11; 1Cr 12,3b-7.12-13; Ga 20,19-23

 

Lm Trầm Phúc

Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, đối với Giáo Hội, là một biến cố cực kỳ quan trọng vì đó là sinh nhật của Giáo Hội. Chúa Giêsu đã từng tuyên bố Ngài sẽ lập Giáo Hội trên Nền Đá Phêrô, nhưng chính thức hôm nay, ngày Thánh Thần hiện xuống, Giáo Hội mới hình thành và bắt đầu bước ra thế giới.

Chúa Giêsu đã từng nói: “Thầy không để anh em mồ côi, Thầy sẽ ở lại với anh em mọi ngày cho đến tận thế”. Ngài đã ở lại với chúng ta qua một hình thức khác là Thánh Thần. Thánh Thần chính là hơi thở của Ngài. Sau khi sống lại, Ngài hiện ra với các môn đệ và thổi hơi trên các ông và nói: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”.

Trong cuộc sống trần thế của Ngài, Chúa Giêsu luôn sống trong Thánh Thần. Ngài xuống thai trong lòng Đức Mẹ là bởi phép Chúa Thánh Thần. Lúc chịu phép rửa ở sông Giođan, Thánh Thần Chúa ngự xuống trên Ngài dưới hình thức chim bồ câu. Thánh Thần Chúa dẫn Ngài vào sa mạc để chịu ma quỉ cám dỗ. Khi tắt thở trên thập giá, thánh Gioan nói: “Ngài trao ban Thánh Thần. Có thể nói Ngài sống luôn luôn trong Thánh Thần, Ngài và Thánh Thần là một, cũng như Ngài với Chúa Cha cũng là một.

Chúa Giêsu đã ban Thánh Thần cho các môn đệ thì Ngài cũng ban Thánh Thần cho chúng ta qua bí tích rửa tội và Thêm Sức. Chúng ta hãy sống trong Thánh Thần như Ngài, vì từ nay cho đến tận thế, Thánh Thần sẽ thay thế cho Chúa Giêsu, hướng dẫn và thánh hoá Giáo Hội. Thánh Thần sẽ là tất cả vì Ngài là Ánh sáng, là Tình yêu, là sự sống thật, là nguồn suối mọi ơn lành.

Dân Nadaret đã chống lại Thánh Thần khi Ngài đến giảng trong hội đường. Ngài đọc một đoạn trong tiên tri Isaia để nói cho mọi người biết, Ngài là Đấng phải đến: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài đã thánh hiến tôi, sai tôi đi mang Tin Mừng cho người nghèo khó…” Ngài xếp sách lại và nói: “Hôm nay, ứng nghiệm lời tiên tri anh em vừa nghe…” Nhưng dân Nadaret đã chối từ và muốn xô Ngài xuống vực thẳm. Có lẽ chúng ta không từ chối một cách mạnh mẽ Tin Mừng của Ngài, nhưng chúng ta lãng quên không chú ý. Vì thế, chúng ta sai lầm, chúng ta không thể nhìn thấy những hồng ân quí báu Chúa ban, chúng ta chạy theo thế gian, lầm tưởng rằng hạnh phúc của chúng ta là thành công ở đời nầy.

Không sống trong Thánh Thần, chúng ta làm sao biết yêu mến Chúa? Chúa là Tình Yêu, chỉ có Ngài mới đổ tràn tình yêu trong tâm hồn chúng ta và nhờ đó, chúng ta mới biết yêu mến Chúa, nhờ đó chúng ta mới biết hạnh phúc là gì, nhờ đó chúng ta mới hiểu được hạnh phúc được làm con Chúa là thế nào. Chúng ta được rửa sạch và thánh hoá trong Chúa Thánh Thần. Chúng ta được rửa tội trong Ngài, được no thoả, được xức dầu và được đóng ấn trong Ngài. Chúng ta được tái sinh, được đổi mới trong Ngài, chúng ta trở thành những viên đá sống để xây dựng đền thờ Thiên Chúa, chúng ta trở thành Đền Thờ sống động của Thiên Chúa. Ngài ở trong chúng ta, cầu bàu cho chúng ta, dạy chúng ta gọi Chúa là Cha. Ngài là tất cả nguồn sống cho chúng ta. Ngài là suối nguồn mọi ơn thánh. Giữ đạo không chỉ là đọc kinh, giữ các điều răn, đi lễ, xưng tội mà là sống trong Thánh Thần.

Ai sống trong Thánh Thần sẽ bình an và không bao giờ sai lầm trong những quyết định của mình, sẽ đủ can đảm để theo Chúa Giêsu, trở nên hiền lành và khiêm nhượng như Chúa, dám hy sinh vì bác ái. Thánh Thần Chúa sẽ dần dần thanh tẩy tâm hồn và cuộc sống và chúng ta sẽ xem Chúa như kho tàng duy nhất của chúng ta. Không có gì có thể làm lung lạc tình yêu Chúa trong chúng ta. Các thánh đã làm được, đã sống trọn lành vì được Thánh Thần trợ lực.

Thánh Thần sẽ giúp chúng ta gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu và dạy cho chúng ta yêu mến Chúa càng ngày càng thấm thiết hơn. Vì thế, mỗi lần chúng ta ăn lấy Chúa Giêsu, chúng ta mới cảm thấy tình yêu của Ngài ngọt ngào, êm dịu đến nỗi chúng ta chỉ còn yêu mến một mình Ngài thôi, sống cho Ngài mà thôi dù chúng ta vẫn mang nặng gánh nặng của cuộc sống hôm nay. Yêu mến Chúa, chúng ta không còn muốn gì hơn là cho Chúa tất cả, sống với Chúa 24 trên 24. Cùng ăn cùng ngủ cùng làm với Chúa mà thôi. Đó là hạnh phúc Chúa dành cho những người dám từ bỏ mọi sự, vác thập giá và theo Ngài.

 



Lm. Đaminh Lê Minh Cảnh

Thánh Thần đổi mới mọi sự.

Ở một Giáo xứ miền Nam nước Ý, có một tập tục khá là ngộ nghĩnh: Cứ mỗi năm vào ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, sau khi đọc bài Phúc Âm xong, cha sở ra hiệu cho một người thả một con chim bồ câu bay trong nhà thờ. Nếu chú chim câu ấy đậu trên người nào, thì trong tương lai gần, người ấy sẽ phải làm một việc tốt nào đó, như thể đây là ý muốn của Chúa Thánh Thần.

Và Giáo xứ ghi lại một số những sự kiện đã từng xảy ra: Có lần, chim câu đã đậu xuống trên một người nguội lạnh, trễ nãi trong việc giữ đạo. Và kết quả là ông ấy đã quyết tâm siêng năng đọc kinh xem lễ, rồi sống đạo sốt sắng hơn. Năm ngoái, chim câu đáp xuống trên một “đại gia” của Giáo xứ, thế là “đại gia” ấy cũng đã hy sinh một số tiền không nhỏ, để làm một hệ thống nước sạch, được đặt tên là “Nước Hằng Sống” giúp cho những người dân nghèo ở vùng quê ấy.

Và năm nay, một cha sở trẻ mới về nhận xứ thay thế cho cha già hưu. Cha sở trẻ này muốn bỏ cái chuyện thả bồ câu theo truyền thống của cha già, nhưng không dám. Cho nên, ngay ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, cha vẫn giữ tục lệ thả chim câu, nhưng ra lệnh cho các ông trùm mở hết tất cả các cửa chính và cửa sổ của nhà thờ ra, với hy vọng là chú chim sẽ bay ra ngoài, không đậu trên ai hết. Rồi năm sau, có lý do dẹp bỏ tục lệ thả chim câu. Trớ trêu thay, “người tính không bằng trời tính.” Vừa thả chim câu ra, sau khi bay lượn vài vòng, nó lại đáp lên vai của cha sở trong tiếng vỗ tay thích thú của giáo dân! Thế là, cha sở mới phải hứa làm một điều gì đó tốt đẹp cho giáo dân. Cha hứa phục vụ tốt cộng đoàn bằng một tình yêu thương chân thật. Ngài hứa và đã giữ lời. Và kết quả là cộng đoàn trở nên một Giáo xứ biết sống đoàn kết, yêu thương và vui vẻ.

Thưa anh chị em,

Nếu thả chim bồ câu trong Nhà thờ “...” này, anh chị em có muốn chú chim đó đậu trên mình để mình có cơ hội đổi mới cuộc đời không? Thực ra, đối với chúng ta, Chúa Thánh Thần vẫn mãi là Đấng thiêng liêng, bí ẩn. Ngài không phải là chú chim câu như chuyện kể, và Ngài cũng không bị giới hạn trong những cơn gió, hay hình lưỡi lửa hoặc bất cứ một hình thức nào khác. Sở dĩ, những hình ảnh và những biểu tượng đó được kể lại, nhằm giúp cho ta phần nào hình dung được Ơn ban của Chúa Thánh Thần. Bởi vì, Chúa Thánh Thần hoạt động một cách tự do và rất nhiệm mầu, chẳng hạn như: theo Sách Công vụ Tông đồ kể lại, ta thấy những sự việc lạ lùng xảy ra xung quanh ngôi nhà Tiệc ly,  nơi các môn đệ đang ẩn núp, vì sợ người Do thái. Bên trong phòng tiệc ly, sau tiếng gió thổi mạnh, gió lùa vào nhà, bỗng nhiên, trên đầu mỗi Tông đồ, xuất hiện những lưỡi lửa và họ được tràn đầy Thánh Thần. Còn bên ngoài phòng tiệc ly, dân chúng rủ nhau kéo đến, vì tò mò muốn biết xem có “những chuyện lạ” đang xảy ra với nhóm Tông đồ của Chúa Giêsu.

Tông đồ trưởng Phêrô với tội nhát gan sợ chết, đã từng chối Thầy Giêsu, lại bổng dưng can đảm làm chứng nhân cho Chúa Phục sinh, với một bài giảng hùng hồn hấp dẫn, thu hút được đến 3.000 người trở lại, xin lãnh nhận Bí tích Rửa tội. Các môn môn đệ khác cũng vậy. Họ cũng sẵn sàng đón nhận Ơn Thánh thần để nói tiên tri, nói những tiếng mới lạ, khiến dân chúng phải bàn tán xôn xao. Đúng như lời tiên tri Gioel tiên báo: “Ta sẽ đổ Thánh Thần xuống và chúng sẽ nói tiên tri.”

Nhờ sự kiện Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, Giáo Hội mới được khai sinh. Cho nên, hôm nay, Giáo Hội cũng cần đến những luồng gió mới, những Ơn Thánh Thần đặc biệt như thế để đổi mới mọi sự. Hơn bao giờ hết, Giáo Hội hôm nay đang rất cần một nền hòa bình thực sự cho một thế giới, còn quá nhiều chia rẽ và hận thù đang diễn ra nơi đây, nơi kia. Chính vì cần một Sự Hòa Bình cho thế giới, mà một truyền thống có từ thời Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô đệ II, cứ đến trưa Chúa nhật cuối tháng giêng hàng năm, tại Quảng trường Thánh Phêrô ở Vatican, sau khi đọc kinh truyền tin, Đức Giáo Hoàng lại thả 1 cặp bồ câu trắng, tượng trưng cho một sự khát vọng Hòa Bình.

Đến đời Đức Giáo Hoàng Phanxicô, ngài vẫn tiếp tục giữ truyền thống ý nghĩa đó, đến trưa Chúa Nhật 26/01/2014, Ngài thả một đôi chim câu trắng ra, cũng với mong ước mang hòa bình đến cho thế giới. Đặc biệt, ngài kêu gọi giáo dân cầu nguyện đặc biệt cho đất nước Ukraine, đang sống trong cảnh chiến tranh và bạo lực. Rất không may, cặp bồ câu hôm đó vừa thả ra, lại bị một con quạ đen và một con mòng biển lao xuống tấn công, như hai tên sát thủ, trước sự chứng kiến của hàng ngàn người tham dự buổi cầu nguyện. Đám đông la to, để xua đuổi lũ chim độc ác kia, nhưng mọi sự như vô vọng vì đã quá muộn. Đôi chim câu tội nghiệp phải hy sinh.

Sau sự kiện năm ấy, nhóm bảo vệ động vật ở Ý lên tiếng phàn nàn với Tòa Thánh rằng: “Việc thả chim bồ câu nhỏ ở trung tâm của Rôma có thể là dành cho chúng một bản án tử hình tội nghiệp.” Và cũng sau sự cố đó, Giáo Hội ý thức hơn trong việc giữ truyền thống ý nghĩa cho sự hòa bình. Tòa Thánh thay đổi một chút về hình thức: Thay vì thả đôi bồ câu trắng, Đức Giáo Hoàng lại thả những quả bong bóng đủ màu sắc cũng với ý nghĩa không thay đổi rằng là: “Mong muốn cho thế giới luôn được hòa bình.”

Thế giới cần sự hòa bình, con người cần sự bình an, đó là ước mơ ngàn đời của những người thiện tâm, thiện chí và cũng là Ơn ban của Chúa Thánh Thần. Ước gì mỗi người chúng ta biết đón nhận Ơn ban của Chúa Thánh Thần, để biết sống yêu thương thay vì hận thù và chia rẽ; để biết sống quảng đại phục vụ thay vì ganh tỵ, ích kỷ hay tính toán chi li.

Nguyện xin Chúa Thánh Thần ban ơn giúp sức, để chúng con biết sửa đổi bản thân, trở nên một con người mới, sống hoàn toàn cho tình yêu của Chúa Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Amen.


 

Tôma Lê Duy Khang

Các bài đọc lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy, khi chưa nhận được Chúa Thánh Thần, các tông đồ chỉ là một nhóm người nhỏ bé, co cụm, sợ hãi hoang mang, lúc nào cũng cửa đóng then cài. Nhưng khi đã nhận được Chúa Thánh Thần, họ trở nên hiên ngang loan báo Đức Kitô Phục sinh, đến nỗi những người Do thái sùng đạo từ các dân thiên hạ trở về, họ kéo đến, kinh ngạc và thán phục vì các tông đồ nói tiếng bản xứ của mình, mà những người của mỗi xứ khác nhau đều nghe hiểu cả.

Có chú giải thì cho rằng đây là hình ảnh ẩn dụ, những người ở xứ khác hiểu được những gì các tông đồ nói là vì họ dùng thứ ngôn ngữ vô hình chính là tỏ tình thương của Thiên Chúa cho người ta thấy. Nên có một người đã nói “Yêu thương bác ái chính là thứ mà người điếc nghe được, người mù thấy được là vậy.” Nhưng dù giải thích thế nào thì đó là do món quà của Chúa Thánh Thần đem lại.

Đó là phần của các thánh tông đồ ngày xưa, còn phần của chúng ta ngày nay, chúng ta đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần hay chưa? Thưa chúng ta đã lãnh nhận từ lâu lắm rồi, đó là trong ngày chúng ta chịu phép Rửa Tội, trong ngày chúng ta chịu phép Thêm Sức, hay khi chúng ta lãnh nhận các Bí Tích khác. Chính vì thế, chúng ta không thể nói: Tôi không thể phụng sự Thiên Chúa và anh chị em mình được vì tôi không đủ khả năng, không có tài, không có đức. Điều quan trọng là ta có để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn cuộc đời của chúng ta hay không mà thôi.

Có một chàng trai, không thi vào đại học, cha mẹ đã tìm một người vợ cưới về cho anh. Sau khi kết hôn, anh dạy học tại một trường tiểu học trong làng. Vì không có kinh nghiệm, nên chưa đầy một tuần anh đã bị học sinh tẩy chay, khiến anh bị sa thải.

Trở về nhà, người vợ khẽ khàng lau nước mắt cho anh, an ủi: “Những việc không vừa ý mình thì có đầy ra đó, có người trút ra được, cũng có người trút không được, anh không cần phải thương tâm như vậy, cũng sẽ có nhiều việc thích hợp hơn đang chờ anh kia mà.”

Về sau, anh ra ngoài làm công cho người ta, lại bị ông chủ đuổi về nhà vì anh làm việc quá chậm. Lúc đó, vợ nói với anh: “Động tác luôn có nhanh có chậm, người ta đã làm việc nhiều năm như vậy, còn anh thì chỉ là học sinh đọc sách, sao có thể nhanh như họ được?”

Anh lại trải qua rất nhiều công việc, nhưng cũng vẫn thế, phần lớn là bỏ dở nửa chừng. Thế nhưng, mỗi lần anh chán nản thất vọng trở về, người vợ lại luôn luôn an ủi anh, chưa bao giờ than trách một câu.

Lúc hơn 30 tuổi, anh nhờ vào khả năng thiên phú về ngôn ngữ, làm trợ giảng tại trường khuyết tật. Về sau, anh xây dựng được một trường khuyết tật khác. Sau đó, tại rất nhiều thành phố, anh lại xây dựng được rất nhiều phân hiệu khác. Từ đó, anh đã là ông chủ có ngàn vạn tài sản rồi.

Một ngày, công thành danh toại, anh hỏi vợ rằng: “Mỗi lúc anh cảm thấy tiền đồ vô vọng, điều gì đã khiến em lúc nào cũng có lòng tin với anh như vậy?”

Cô trả lời mộc mạc, đơn giản: “Một mảnh đất, không hợp cho việc trồng lúa mạch, có thể trồng thử đậu; nếu đậu cũng không thích hợp, có thể thử trồng dưa leo; nếu cả dưa leo cũng không được… thì rải lên một ít kiều mạch nhất định cũng có thể nở hoa. Bởi vì một mảnh đất, luôn luôn có một hạt giống thích hợp với nó, cuối cùng cũng sẽ có thành quả thu hoạch trên mảnh đất đó thôi.”

Trên thế gian này không ai là vô dụng cả, chỉ có điều chúng ta không đặt họ đúng vị trí mà thôi.

Cuộc đời của mỗi người chúng ta cũng không vô dụng, nhưng chúng ta hãy biết đặt mình trong tay Chúa, nhất là để Chúa hướng dẫn cuộc đời của ta để chúng ta trở thành dụng cụ hữu dụng trong tay Chúa, để thi hành thánh ý Chúa trong cuộc đời của mình. Amen.