27/05/2025
204
Bài giảng Lễ Chúa Thăng Thiên - Giáo phận Mỹ Tho


















 

GỢI Ý SUY NIỆM

LỄ CHÚA NHẬT VII PHỤC SINH - CHÚA THĂNG THIÊN

LC 24,46-53

Tôma Lê Duy Khang

Hôm nay lễ Chúa thăng thiêng, bài đọc 1 trích sách công vụ tông đồ nói: “Người được cất lên ngay trước mắt các ông, và có đám mây quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa. Và đang lúc các ông còn đăm đăm nhìn lên trời phía Người đi, thì bỗng có hai người đàn ông mặc áo trắng đứng bên cạnh và nói: "Hỡi những người Ga-li-lê, sao còn đứng nhìn lên trời? Đức Giê-su, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời."

Thông thường chúng ta sẽ nói là Chúa muốn các môn đệ trở về với bổn phận trần thế, điều này đúng thôi, chứ không có gì sai, nhưng nếu đào sâu thêm, thì Chúa muốn các môn đệ của Chúa phải biết chọn lựa để quyết định cho số phận của mình, đừng chỉ có biết trông chờ, không phải là đừng trông mong vào Chúa, mà là đừng chỉ biết trông chờ vào Chúa.

Leonardo da Vinci vẽ bức "Bữa ăn chiều cuối cùng" (The last supper) mất bảy năm liền. Đó là bức tranh vẽ Chúa Giêsu và mười hai vị tông đồ trong bữa ăn cuối cùng trước khi Chúa bị Judas phản bội.

Leonardo tìm người mẫu rất công phu. Giữa hàng ngàn thanh niên, ông chọn được một chàng trai 19 tuổi có gương mặt thánh thiện, một nhân cách tinh khiết tuyệt đối để làm mẫu vẽ Chúa Jesus. Da Vinci làm việc không mệt mỏi suốt sáu tháng trước chàng trai, và hình ảnh Chúa Jesus được hiện trên bức vẽ.

Sáu năm tiếp theo ông lần lượt vẽ xong 12 vị tông đồ, chỉ còn có Judas, vị môn đồ đã phản bội Chúa vì 30 đồng bạc,(tương đương 16.96 đô la Mỹ và tương đương 254.400 đồng Việt Nam).

Hoạ sĩ muốn tìm một người đàn ông có khuôn mặt hằn lên sự hám lợi, lừa lọc, đạo đức giả và cực kỳ tàn ác. Khuôn mặt đó phải toát lên tính cách của kẻ sẵn sàng bán đứng người bạn thân nhất, người thầy kính yêu nhất của chính mình...

Cuộc tìm kiếm dường như vô vọng. Bao nhiêu gương mặt xấu xa nhất, độc ác nhất, Vinci đều thấy rằng chưa đủ để bộ lộ cái ác của Judas. Một hôm, Vinci được thông báo rằng có một kẻ mà ngoại hình có thể đáp ứng được yêu cầu của ông. Hắn đang ở trong một hầm ngục ở Roma, bị kết án tử hình vì giết người và phạm rất nhiều tội ác tày trời khác.

Da Vinci lập tức lên đường đến Roma. Trước mắt ông là một gã đàn ông nước da đen sậm với mái tóc dài bẩn thỉu phủ xoà xuống mặt, một khuôn mặt xấu xa, độc ác tự nó nói lên nhân cách của một kẻ hoàn toàn bị tha hoá.

Đúng, đây là Judas! Được sự cho phép đặc biệt của Đức Vua, người tù được đưa tới Milan nơi bức tranh đang được vẽ dở. Mỗi ngày, tên tù im lặng ngồi trước Da Vinci và hoạ sĩ thiên tài cần mẫn với công viêc truyền tải vào bức tranh diện mạo của kẻ phản phúc (khuôn mặt thứ tư từ trái sang, kẻ đang cầm túi tiền và đang tỏ vẻ ngạc nhiên rất khéo. Người này được họa sỹ khắc họa bằng một khuôn mặt đen đủi, râu ria rậm rạp, nét mặt gian xảo, thật trái ngược với khuôn mặt Chúa Giêsu.)

Khi nét vẽ cuối cùng hoàn thành, kiệt sức vì phải đối mặt với cái ác một thời gian dài, Vinci quay sang bảo lính gác "Các ngươi đem hắn đi đi...". Lính canh túm lấy kẻ tử tù, nhưng hắn đột nhiên vùng ra và lao đến quì xuống bên chân Da Vanci, khóc nấc lên: "Ôi, ngài Da Vinci! Hãy nhìn con! Ngài không nhận ra con ư?"

Da Vinci quan sát kẻ mà suốt sáu tháng qua ông đã liên tục nhìn mặt. Cuối cùng ông đáp: "Không, ta chưa từng nhìn thấy ngươi cho đến khi ngươi được đưa đến cho ta từ hầm ngục ở Roma...".

Tên tử tù kêu lên "Ngài Vinci... Hãy nhìn kỹ lại tôi! Tôi chính là người mà bảy năm trước ông đã chọn làm mẫu để vẽ Chúa Giêsu..."

Câu chuyện này có thật, như bức tranh "Bữa ăn chiều cuối cùng" là có thật.

Chàng trai đã từng được chọn làm hình mẫu của Chúa Giêsu chỉ sau hơn hai ngàn ngày, đã tự biến mình thành hình tượng hoàn hảo của kẻ phản bội ghê gớm nhất trong lịch sử.

Áp dụng vào đời sống của chúng ta, chúng ta thấy tương lai không hề được định trước. Chính ta là người quyết định số phận của chính mình. Nhưng để quyết định số phận của mình, để số phận của mình theo một chiều hướng tốt, cần phải hướng về Chúa, và nỗ lực của bản thân, có như thế cuộc đời của chúng ta mới có thể biến đổi tốt lành, nếu không chúng ta cũng nỗ lực, cũng cố gắng, nhưng không hướng về Chúa, thì sẽ theo chiều hướng không tốt lành.

Xin cho mỗi người chúng ta hiểu được như vậy, để biết quyết định số phận của mình qua việc hướng cuộc đời về Chúa, để cuối cuộc đời, mỗi người chúng ta được ở bên Chúa. Amen.




Lm. Tôma Lê Uy Vũ

“Các con là nhân chứng những sự việc ấy” (Lc 24,46-53)

Kính thưa quý ÔBACE, vào năm 2016, bộ phim “Im lặng” (Silence) do đạo diễn Martin Scorsese thực hiện được ra mắt công chúng toàn cầu. Đây là một tác phẩm điện ảnh sâu sắc, được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Shūsaku Endō, kể lại một giai đoạn đẫm máu trong lịch sử Kitô giáo tại Nhật Bản vào thế kỷ 17. Khi ấy, đức tin Kitô giáo bị cấm cách và tàn sát khốc liệt. Hàng ngàn tín hữu bị tra tấn và chịu tử đạo chỉ vì họ tin vào Chúa Giêsu. Máu đổ, tiếng la hét vang lên giữa những làng chài hoang tàn. Và Thiên Chúa dường như vẫn… im lặng.

Nhân vật chính của bộ phim là hai linh mục trẻ người Bồ Đào Nha là Sebastião Rodrigues và Francisco Garupe đã lên đường đến Nhật để tìm cha Ferreira, một vị thừa sai được cho là đã chối đạo. Họ không tin điều đó là sự thật, để rồi trên hành trình tìm kiếm, họ cũng đã trở nên là chứng nhân cho một đức tin bị dồn đến tận cùng.

Ngay từ lúc đặt chân lên đất Nhật, họ chứng kiến một đức tin thầm lặng nhưng mãnh liệt nơi những người dân nghèo. Những Thánh lễ được cử hành lén lút giữa đêm khuya, Mình Thánh Chúa được trao dưới hầm rơm, các cuộc xưng tội thì thầm sau lũy tre. Những cụ già, em bé, người cha, người mẹ đều run rẩy vì sợ hãi, nhưng ánh mắt của họ lại luôn sáng lên khi nghe tên “Giêsu”. Thế nhưng bóng tối cứ thế vẫn dày đặc, những Kitô hữu bị tra tấn, bị giết chết chỉ vì không chịu bước chân lên ảnh Thánh. Họ có thể sống nếu chối Chúa; nhưng họ vẫn chọn chết và mỉm cười nói: “Tôi yêu Chúa Giêsu. Tôi không thể chối Ngài.”

Đối diện với đau khổ vì bị tra tấn bách hại của những người vô tội, linh mục Rodrigues bắt đầu rơi vào khủng hoảng, anh gào lên trong tâm hồn: “Chúa ơi, tại sao Ngài không lên tiếng?” Nhưng đáp lại chỉ là… sự im lặng. Và rồi, trong chính đêm tối của đức tin, một tiếng thì thầm vang lên trong anh: Ta ở đây với con. Hãy bước lên. Hãy đạp lên hình Ta. Chính để bị đạp lên mà Ta đến thế gian này. Ta biết con yêu Ta.” Rodrigues bật khóc và anh đặt chân lên ảnh Chúa – không phải vì chối bỏ Chúa, mà vì tình yêu để cứu những người vô tội đang bị giết vì anh. Sau đó anh sống trong lặng lẽ, không ai biết anh còn giữ đạo. Nhưng trong lòng anh, Chúa vẫn ở đó, rất thật. Khi anh chết, người ta đã thiêu xác anh và trong tay anh vẫn còn nắm chặt một ảnh thánh giá nhỏ.

Kính thưa quý ÔBACE, nội dung của bộ phim “Im lặng” không phải là câu chuyện kể về sự “vắng mặt” của Thiên Chúa, nhưng muốn cho chúng ta thấy được là ngôn ngữ của Ngài trong đêm tối đức tin. Và đó cũng chính là sứ điệp của ngày lễ Chúa Thăng Thiên hôm nay. Khi đưa tiễn Chúa Giêsu lên trời, các môn đệ dường như rơi vào một khoảng trống mênh mông: các ông sẽ không còn thấy Thầy, sẽ không còn nghe tiếng Thầy, sẽ không còn chạm được vào Ngài. Nhưng chính trong “vắng mặt” ấy, Chúa Giêsu Phục Sinh mời gọi họ hãy sống với một sự hiện diện mới của Ngài và Anh em là nhân chứng những điều này.”

Như vậy, Chúa Giêsu Phục Sinh sẽ không còn hiện diện bằng xương bằng thịt, nhưng Ngài sẽ hiện diện qua những con người dám sống như Ngài, dám yêu như Ngài, dám hy sinh như Ngài. Và đó cũng là lời mời gọi dành cho từng người chúng ta hôm nay. Vì có lúc chúng ta cũng sẽ gặp Chúa “im lặng” khi đau khổ kéo đến, khi lời cầu nguyện không được đáp lại, hay khi đức tin bị thử thách. Chính lúc đó, Chúa đang mời gọi chúng ta hãy bước vào một đức tin trưởng thành, một đức tin không còn dựa vào cảm xúc hay phép lạ và hãy sống như một “nhân chứng” cho một tình yêu không điều kiện như Ngài đã nêu gương.

Kính thưa quý ÔBACE, biến cố Chúa Thăng Thiên không phải là một sự “ra đi” mà là một sự “trao quyền”. Ngài trao cho Hội Thánh, trao cho mỗi người chúng ta sứ mạng làm chứng cho Tin Mừng, cho lòng thương xót, cho niềm hy vọng giữa thế giới đầy bất an và khổ đau hôm nay. Hãy nhớ rằng có những chứng nhân không rao giảng lời nào, không làm linh mục, cũng không đứng trên bục giảng nhưng cả đời họ là một bài giảng sống động, như cha Rodrigues, như bao người tín hữu trong âm thầm đã nên giống Chúa Kitô trong thinh lặng, trong đau khổ, trong sự trung thành. Và ngày hôm nay, chúng ta cũng đang được mời gọi trở nên nhân chứng như thế, bắt đầu từ gia đình, nơi làm việc, giữa cộng đoàn nhỏ bé mỗi ngày. Không cần những việc lớn lao, nhưng hãy sống từng ngày như một lời tuyên xưng đức tin rằng: Chúa vẫn đang sống, và Ngài vẫn ở đây trong từng hy sinh, từng hành động yêu thương, từng cử chỉ dấn thân của chúng ta.

Vì thế, dâng Thánh lễ hôm nay, xin Chúa ban Ơn giúp mỗi người chúng ta luôn xác tin rằng: Chúa vẫn ở cùng chúng ta, qua Thánh Thể, qua Lời Chúa, và nhất là qua đời sống chứng tá của từng người tín hữu chúng ta. Để nhờ đó mà mỗi người chúng ta cũng sẽ trở nên là những chứng nhân đích thực của Chúa khi dám can đảm dấn thân cho tình yêu và trung kiên trong đức tin giữa một thế giới còn nhiều bóng tối và thử thách này. Amen.




Lm. Thái Nguyên
 

Chứng nhân Tin Mừng

Kinh Thánh hôm nay khép lại Tin Mừng Luca bằng hình ảnh thật đẹp và linh thánh: Đức Giêsu giơ tay chúc lành và được cất lên trời. Một cử chỉ cuối cùng – nhưng chất chứa trọn vẹn cả một đời yêu thương và hiến trao. Từ máng cỏ Bêlem đến đồi Canvê, từ ngôi mộ trống đến đỉnh núi Thăng Thiên – cả cuộc đời của Đức Giêsu là một hành trình dâng hiến và trao ban: trao ban Lời Ngài, trao ban chính Mình Ngài, trao ban cả Thánh Thần của Ngài, và cuối cùng là trao ban sứ mạng cho chúng ta.

Anh em là chứng nhân của những điều ấy (Lc 24,48). Ngài không chọn thiên thần, không chọn những người hoàn hảo, nhưng chọn chúng ta, những người còn yếu đuối, nhưng dám tin, dám sống, dám lên đường. Các tông đồ và những đấng kế vị đã thực hiện sứ mạng đó, và Giáo hội Chúa đã có mặt hầu hết các quốc gia. Đức tin của chúng ta được xây dựng trên chứng tá của các ngài, và biết bao vị tử đạo đã hiến cả mạng sống để loan báo Tin Mừng. Ngày nay, lời mời gọi ấy vẫn còn nguyên tính cấp bách. Chúa vẫn mời gọi từng người chúng ta: “Con hãy làm chứng cho Thầy giữa lòng thế giới.”

Không thể gói gọn cuộc sống đức tin của mình bằng những lời kinh hay thánh lễ trong nhà thờ; cũng không thể bó hẹp đời sống Kitô hữu của mình vào trong cộng đoàn giáo xứ hay dòng tu, mà cụ thể là phải đi vào đời, hòa mình vào dòng chảy của nhân loại, để hạt Tin Mừng được gieo vào lòng con người. Chẳng ai có thể lên thiên đàng một mình nếu không sống tình liên đới và quan tâm đến phần rỗi của người khác. Điều này đòi ta phải ra khỏi mình để hướng đến anh chị em lương dân xung quanh. Phải thăm viếng, gặp gỡ, gần gũi, chia sẻ, nâng đỡ, và cứu giúp những anh chị em neo đơn, nghèo khổ, yếu đau, tật nguyền.

Mỗi người chúng ta có một vị trí riêng trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, không ai thay ai được. Trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng số 48, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi chúng ta: “Hãy lên đường, hãy cống hiến cho mọi người sự sống của Chúa Kitô… Tôi muốn thấy một Giáo Hội bị bầm giập, tổn thương và lấm lem trên đường dấn thân, chứ không phải là một Gíao hội 'xanh xao vàng vọt' vì sống đóng khung và bám víu vào chu vi hàng rào an toàn của riêng mình”… “Các con hãy ra đi, không sợ hãi, để phục vụ”.

Tuy Chúa Giêsu về trời không còn hiện diện cách hữu hình, nhưng Ngài vẫn hiện diện cách vô hình trong Lời Kinh Thánh, trong Bí tích Thánh Thể, và trong cuộc đời của những ai sống gắn bó với Ngài, như lời Ngài đã hứa: “Thầy ở lại với anh em cho đến ngày tận thế” (Mt 28, 17-20). Lời Chúa là ánh sáng và Mình Chúa là sức sống cho chúng ta trên hành trình làm chứng.

Có một câu chuyện như sau: Ở một ngôi làng Phi Châu nhỏ, người ta thấy một người đàn ông bại liệt, mỗi sáng đều bò ra khỏi nhà, lết đến nhà thờ, ngồi bên ngoài, rồi lết về. Người ta hỏi ông: “Ông đến để làm gì? Ông không nghe được, không nói được, không vào được.” Ông viết lên bảng: – “Tôi chỉ đến để nhắc mình và người khác rằng Thiên Chúa là trung tâm đời tôi. Không nói một lời. Nhưng cuộc đời ông là lời chứng hùng hồn.

Mỗi người chúng ta – dù ở đâu – dù thế nào, cũng phải trở nên một Tin Mừng sống động. Và đôi khi, chúng ta là “cuốn Phúc Âm duy nhất” mà người khác có thể đọc được. Chúng ta không cần làm điều phi thường để làm chứng cho Chúa. Chỉ cần chúng ta:

  Không gian dối giữa một xã hội đầy gian dối.

  Không nói hành nói xấu giữa đám người ngồi lê đôi mách.

  Không bỏ cuộc trước thử thách, nhưng kiên trì trong cầu nguyện.

  Không cần nổi tiếng, chỉ cần trung tín mỗi ngày.

  Không cần nói nhiều, chỉ cần sống hiền lành, yêu thương, khiêm nhường, tha thứ…để tỏa ra hương thơm của Chúa Giêsu.

Thực tế có nhiều người trong chúng ta đang là những nhân chứng âm thầm: một người cha không bỏ bê gia đình dù cực khổ, mà còn đi lễ hằng ngày; là một người mẹ thức khuya dậy sớm lo cho con mà vẫn không ngừng lần chuỗi; một cụ già cô đơn bệnh tật mà vẫn âm thầm cầu nguyện cho con cháu mỗi ngày Những người đó – Chúa thấu suốt. Chính họ đang giữ cho Giáo Hội đứng vững giữa trần gian.

Chúa Giêsu lên trời, không để rời xa nhân loại, nhưng để mở ra một niềm hy vọng, một chiều kích mới cho cuộc sống trần thế. Trời mới đất mới không chỉ là một hứa hẹn mai sau, mà đã bắt đầu từ hôm nay trong từng việc nhỏ: khi chúng ta xây dựng một xã hội công bằng hơn, chân thật hơn, huynh đệ hơn, bác ái hơn… để đón mừng ngày Chúa quang lâm. Đó cũng là ngày mà chúng ta được về trời vinh hiển với Chúa, sau khi hoàn thành sứ vụ của mình với cả tình yêu mến.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã về trời,
nhưng Chúa vẫn hiện diện giữa trần gian,
trong Bí Tích Thánh Thể mãi tuôn tràn,
là chính Chúa thần lương cho tín hữu.

Chúa về trời nhưng Lời Ngài còn đó,
dẫn con qua những thử thách trần gian,
cho cuộc sống khỏi lạc bến mê man,
và tim con vững vàng trong ánh sáng.

Chúa về trời nhưng ban Thánh Thần xuống,
để giữ gìn che chở Giáo Hội luôn,
giúp con biết hành động trong sự thật,
đem an bình ích lợi cho thế nhân.

Chúa về trời nhưng hiện diện khắp nơi,
qua mọi người mọi biến cố nhỏ to,
nhất là qua những con người nghèo khó,
mời gọi con biết ý thức chăm lo.

Chúa gọi con đi vào lòng thế giới,
gieo Tin Mừng đến với mọi tha nhân,
để đời con là thánh lễ nối dài,
cho ơn Chúa ngày càng sinh hoa trái.

Chúa về trời mở ra sự sống mới,
đó chính là sự sống mãi muôn đời,
trong niềm vui và hạnh phúc chẳng vơi,
cho chúng con niềm hy vọng sáng ngời.

Xin cho con vững một lòng tin cậy,
để hăng say xây dựng cuộc sống này,
và chờ ngày Chúa đến trong vinh quang,
cho đoàn con được hưởng phúc thiên đàng. Amen.