05/11/2024
534
Bài giảng Lễ Chúa Nhật XXXII Thường Niên - Giáo phận Mỹ Tho




















GỢI Ý SUY NIỆM

LỄ CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN - NĂM B

Lời Chúa: 1V 17,10-16; Dt 9,24-28; Mc 12,38-44


Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy hai hành động làm phước bố thí, nhưng một hành động được khen ngợi, còn một hành động thì không được khen ngợi, đó là hình ảnh của bà góa nghèo, và hình ảnh của những người lắm tiền nhiều của.

Tin mừng thuật lại Chúa Giêsu ngồi đối diện với thùng tiền dâng cúng cho Đền Thờ. Người quan sát xem đám đông bỏ tiền vào đó ra sao. Có lắm người giàu bỏ thật nhiều tiền. Cũng có một bà goá nghèo đến bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng xu Rô-ma. Đức Giê-su liền gọi các môn đệ lại và nói: "Thầy bảo thật anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết. Quả vậy, mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để nuôi sống mình."

Hình ảnh đó cho chúng ta thấy đôi lúc trong cuộc đời chúng ta làm phước mà không có phước vì không có đức, nên để làm phước mà có phước thì phải có đức.

Chúng ta thấy trước đó Chúa đã nói về các kinh sư như thế này: “Anh em phải coi chừng những ông kinh sư ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng, thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng. Họ ưa chiếm ghế danh dự trong hội đường, thích ngồi cỗ nhất trong đám tiệc. Họ nuốt hết tài sản của các bà goá, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ.”, nghĩa là họ là những người giàu có, và họ làm phước vì để được ca ngợi, để được nổi danh, nên việc làm phước của họ không có phước, vì không có đức.

Còn bà góa nghèo thì làm phước có phước, vì bà có đức, bà có tâm.

Đào sâu thêm một chút nữa chúng ta thấy nếu trong quá trình làm phước mà không có tu đức thì vô cùng nguy hiểm, hoặc không có tu đức trước hoặc tu đức song hành là mắc kẹt vào trong cái tu phước của nhiều phiền não, càng làm phước thì càng phiền não.

Tại sao vậy? tại vì khi mình làm phước mình mang cái bản ngã, cái tôi to đùng của mình theo, mang cái con người khó chịu của mình theo, mang cái tham sân si của mình theo thì chẳng lợi ích gì cả.

Nên ở xã hội tây phương người ta trước khi giúp ai người ta phải giúp bản thân người ta trước, nói cách cụ thể là trước khi làm từ thiện là họ có một cơ nghiệp vững vàng rồi ổn định viên mãn trong đời sống rồi, thì thường thường từ 50 tuổi trở lên họ mới bắt đầu làm từ thiện, làm thiện nguyện và khi họ làm rồi thì họ chỉ có cho đi thôi, họ không có đòi lại điều gì cả.

Còn chúng ta là nước còn nhiều khó khăn về kinh tế còn nhiều lạc hậu trong nền văn minh, cho nên cực quá đi làm từ thiện, khổ quá đi làm từ thiện, thiếu quá đi làm từ thiện, buồn quá cô đơn quá đi làm từ thiện, nghề nghiệp bấp bênh quá không biết làm gì nên đi làm từ thiện thì cũng được, nhưng nên là một giai đoạn ngắn thôi, nếu mà dài quá sâu quá thì rất là nguy hiểm, vì chưa giải quyết được vấn đề của bản thân mình thì nó có thể ảnh hưởng tới việc làm chung tới lợi ích chung, nói một cách khác là dễ sanh tâm tham lam vào đó, chúng ta thấy là như vậy.

Nên một là chúng ta cần phải tu đức trước cho hoàn thiện rồi mới làm việc thiện, mới phước, mà không biết khi nào mới hoàn thiện, nên điều này khó hay không thưa rất khó.

Cho nên chúng ta hãy áp dụng phương pháp từng bước một, hay phương pháp sống giây phút hiện tại hic et nunc, nghĩa là tu đức trước một thời gian rồi bắt đầu chuyển qua làm phước, làm việc thiện, rồi lại tiếp tục tu đức trong khi làm phước, nhưng nếu bỏ tu đức tu thân là nguy hiểm.

Áp dụng vào đời sống chúng ta đó là hằng ngày, hằng tuần, mỗi ngày sáng tối chúng ta đi lễ, chúng ta đọc kinh cầu nguyện, hằng tháng chúng ta đi xưng tội là chúng ta đang tu đức, để chúng ta đem những gì chúng ta có được áp dụng vào cuộc sống để từ từ chúng ta hoàn thiện.

Có người nói thấy đi nhà thờ hoài mà chẳng thấy tốt gì cả, đi nhà thờ chứ đâu phải đi vào cái khuôn máy ép nước mía, ép là phải ra nước mía, hay là cái khuôn đóng nút, đóng một phát là ra cái nút, mà từ từ sẽ trở nên hoàn thiện.

Nên xin cho mỗi người chúng ta hiểu được điều đó để biết lo cho đời sống nội tâm của chúng ta trước khi làm việc gì, rồi khi làm việc gì hãy trở về với đời sống nội tâm của chúng ta, có như thế việc làm đời sống của chúng ta mới có phước thật sự. Amen.



Lm Trầm Phúc

Chúa Giêsu công khai lên án những kinh sư vì họ thích tỏ ra mình quan trọng và chiếm những ưu tiên trong xã hội. Không phải tất cả các kinh sư đều như vậy, nhưng gần như đa số các kinh sư đều tìm ưu tiên cho mình. Họ làm những điều đáng lên án như thế nhưng điều quan trọng là họ vẫn làm bộ đọc kinh lâu giờ như Chúa Giêsu đã nói. Hai thái độ không đi đôi với nhau. Chúa Giêsu không thể chấp nhận được những người lạm dụng quyền thế của mình để lo cho bản thân. Hạng người đó, hôm nay trong Giáo Hội vẫn còn nhiều và vì thế Tin Mừng không lan truyền được vì những chướng ngại đó.

Sau đó, Chúa nhìn thấy một hành động khác làm cho Ngài cảm kích. Đó là hành động của một bà goá bố thí cho Đền Thờ. Ở đây chúng ta thấy rằng Chúa Giêsu nhìn thấy những gì người đời không thể thấy : đó là hoàn cảnh của bà goá kia. Thùng tiền để giữa mọi người và người ta thấy những người giàu dâng tiền thật nhiều, vì đồng tiền dâng cúng là tiền kẽm hay đồng  chứ không phải tiền giấy như ngày nay. Tiếng tiền rơi vào thùng cho người gần đó biết nhiều hay ít. Một bà goá bước tới như mọi người và bỏ vào thùng tiền một đồng xu nhỏ, thánh Maccô còn nói rỏ đồng tiền đó chỉ bằng một phần tư đồng tiền Rôma, tức là không có giá trị bao nhiêu. Nhưng việc nầy không qua mắt Chúa Giêsu. Ngài liền gọi các môn đệ lại và nói với các ông : “ Thầy bảo thật anh  em : bà goá nghèo nầy đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết. Quả vậy, mọi người đều lấy tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó ; còn bà  nầy đã túng thiếu, lại còn bỏ vào đó tất cả những gì bà có, tất cả những gì để nuôi thân”.

Câu nói đó mang nhiều ý nghĩa. Của cho không quan trọng bằng cách cho. Cho đi những cái dư thừa thì có công gì ? Cho đi cái mình đang cần mới thật sự là quí. Cho đi với tất cả tình yêu thì càng giá trị hơn. Nhờ việc làm của bà goá đó, Chúa Giêsu dạy cho các môn đệ và chúng ta một bài học quí giá. Đối với Chúa, vật chất chẳng có giá trị gì vì chính Ngài tạo dựng cho chúng ta tất cả. Nhưng khi sử dụng chúng ta có cảm thấy đó là của Chúa ban không, hay chỉ là do công lao của chúng ta mà thôi ? Chúng ta có dám cho đi tất cả như bà goá kia không hay chúng ta chỉ cho đi cái thừa cái cặn của chúng ta ?

Trong thánh lễ, đến lúc dâng lễ, mọi người đều dâng cho Chúa của lễ của mình. Trong Giáo Hội sơ khai, khi đi lễ, mỗi người mang theo lễ vật của mình : trái cây, bánh mì,rượu nho và cả chiên, gà vịt. Những của lễ nào kềnh càng như thú vật thì người ta mang vào trong nhà trước. Đến khi dâng lễ, mọi người đều đứng lên, tay cầm của lễ và tiến lên bàn thờ, nơi đó có một chiếc bàn rộng để của lễ. Sau khi mọi người dâng lễ xong, Đức Giám Mục đọc lời nguyện trên của lễ xong, người ta mang tất cả vào trong nhà chỉ để lại những gì cần thiết cho buổi lễ thôi. Sau nầy, Giáo Hội thấy rườm rà và bất tiện, nên bảo đổi thành tiền cho tiện. Bây giờ nhiều nơi người ta gọi là bỏ rổ. Bỏ rổ, tức là dâng lễ. Người giàu dâng nhiều hơn, người nghèo thì tuỳ tiện. Bỏ rổ thường được nhiều người giáo dân xem như bố thí cho họ đạo để giúp việc chi tiêu trong nhà thờ. Đó là một sai lầm quan trọng, vì việc dâng lễ là một việc quan trọng chứ không phải là một việc bố thí. Khi đi dự lễ Chúa Nhật, mỗi gia đình phải biết hôm nay, gia đình của tôi sẽ dâng cho Chúa bao nhiêu. Đó là của lễ mà gia đình dâng cho Chúa. Có thể chia cho mỗi người trong gia đình một ít. Như thế mới có thể tham gia vào việc dâng lễ. Nếu chúng ta quá nghèo thì không buộc, chúng ta chỉ dâng cái nghèo của chúng ta thôi.

Của lễ cũng tượng trưng cho tình yêu. Những người yêu nhau thì không dành cho mình một điều gì, chỉ mong cho người mình yêu được hạnh phúc mà thôi. Khi chúng ta yêu mến Chúa thật tình, chúng ta chỉ mong làm sao cho Chúa vui mà thôi. Chúng ta dám cho đi tất cả như bà goá kia đã cho đi ngay cả những gì mình đang cần.

Chúa Giêsu là Tình Yêu giáng thế. Ngài đã chẳng nệ xuống trần gian, mang lấy thân phận con người, sống như người trần thế để chứng tỏ tình yêu của Ngài. Ngài đã cho đi tất cả, không để cho mình một chút gì. Ngài đã yêu chúng ta đền tận cùng. Ngày nay Ngài vẫn còn đến với chúng ta, dưới một hình thức rất khiêm tốn là trở thành tấm bánh cho chúng ta ăn, cho chúng ta nuốt Ngài vào trong chúng ta. Tình yêu của Ngài vượt xa tất cả mọi tình yêu. Đừng để Ngài thất vọng. Hãy ăn lấy Ngài để sống làm một với Ngài, một xương một thịt với Ngài. Như thế tình yêu chúng  ta sẽ trọn vẹn và hạnh phúc sẽ thành hiện thực.




Lm. Đaminh Lê Minh Cảnh

Trong sách Công vụ Tông đồ, chương 20, câu 35, Thánh Phaolô có nhắc lại lời Chúa Giêsu dạy: "Cho thì có phúc hơn là nhận.”

Khi nói đến chuyện cho ai một cái gì, hay tặng ai một vậy gì, thì trước tiên ta thường nghĩ đến "món quà đó là gì" và "thái độ cho” như thế nào?".

Hầu như tất cả mọi người đều đồng ý với nhau rằng: "Cái thái độ khi cho", bao giờ cũng quý hơn là “món quà”. Tôi nhớ lúc nhỏ ở làng tôi, nhà nào, có làm bánh, hay nấu chè, hoặc bắt được cá, hay đào được ít củ khoai, thường thì người lớn hay sai con cái của mình đem biếu cho bà con hàng xóm, ăn cho vui.

Và hình như đứa trẻ cũng được cha mẹ dạy thuộc lòng một câu thần chú, đại ý như thế này: Bác ba, (chú tư...) ba má con sai con đem biếu bác, (chú), “cái này”, của ít lòng nhiều, bác, (chú), ăn lấy thảo ạ. Nghe sao mà mát lòng mát dạ quá đi chứ!

Mỗi khi tặng một vật gì cho ai, như thể ta gửi kèm vào đó, một tấm chân tình của ta và mong rằng người nhận sẽ cảm thấy ấm lòng và hạnh phúc.

Đôi khi vẫn có thái độ ngược lại, dù món quà có đắt tiền, mà cho theo “kiểu Pharisêu”. Nghĩa là: cho với bộ dạng hóng hách, thì chẳng mấy người ưa thích vì nó quá thiếu nhân văn, chẳng mang chút tình người gì. Chẳng hạn vào năm 2008, một doanh nhân tên là: Waringin (Indonesia) đi máy bay chở 100 triệu Rupi (hơn 210 triệu đồng) rải xuống sân vận động, ai muốn lượm thì lượm. Mục đích rải tiền của ông để quảng cáo một cuốn sách mà ông mới xuất bản. Ông nói rằng “Thay vì tốn tiền quảng cáo, tôi chia sẻ nó cho người nghèo. Làm như vậy tôi được cả hai vừa giới thiệu sách, vừa nổi tiếng”.

Hay gần đây, báo chí có đăng tin một anh Việt Kiều "chơi nổi". Anh đứng trên tầng cao của một khách sạn, một tay anh ta cầm một cọc tiền đủ mệnh giá, tay kia anh ngoắc gọi những người ăn xin, những người bán vé số lại, rồi anh tung tiền lên cao, tự do rơi xuống. Để rồi, những người nghèo ở bên dưới tranh nhau lụm tiền. Đang khi đó, anh ta cảm thấy hả hê, vui vẻ với “cái trò” cho tiền của mình.

Ai chứng kiến những cảnh tượng đó với một chút lương tâm trong sáng, cũng sẽ cảm thấy ái ngại trước cách cho dị hợm của kẻ giàu hóng hách.

Từ những hình ảnh đó, ta có thể xác định rằng: “cách cho quan trọng hơn của cho.” Như câu chuyện kể trong bài đọc I: Khi mọi người trong cả vùng đất Do Thái gặp nạn đói. Gia đình Bà goá ở Xarepta, chỉ còn có một chút dầu và một ít bột để làm bánh cho bữa ăn cuối cùng của gia đình bà. Khi ông Tiên tri Êlia bị lỡ đường, đói bụng, dừng lại, xin bà làm bánh cùng ăn chung. Với lòng quảng đại, bà góa chẳng tính toán gì, bà sẵn lòng chia sẻ bữa ăn với người khách xa lạ. Và nhờ lòng quảng đại đó, mà một điều kỳ diệu xãy ra đúng y như lời vị khách lạ báo trước: “Bà cứ cho đi, bình dầu của bà sẽ không cạn và hủ bột của bà sẽ không vơi đâu.

Vâng, đúng thế, nhờ đó mà gia đình bà được cứu sống khỏi nạn đói.

Tương tự với bà góa thành Xarepta thời Cựu Ước được sách các Vua ca ngợi, thì thời Tân Ước cũng có một bà góa nghèo, dâng cúng Đền thờ 2 đồng xu ít ỏi, nhưng nó là cả một gia tài của bà. “Với cách cho không tính toán của bà, được Chúa Giêsu để ý, và hết lời khen ngợi, khi Ngài nói với các môn đệ: “Các con thấy không, bà góa này dâng cúng nhiều hơn ai hết đó”. Những người khác dâng cho Chúa, nhưng còn thủ lại cho mình nhiều điều. Còn bà này dâng tất cả cho Chúa. Bà dâng mà không cần biết chiều nay bà ăn gì? và ngày mai bà có bị đói hay không?  

Qua cách sống quảng đại của Hai bà goá trong Kinh thánh, tôi cảm thấy nó rất là cao quí, đáng được người đời trân trọng. Và đồng thời, nó cũng rất hợp với lời cầu nguyện của Thánh Phanxicô, được diễn tả trong kinh hoà bình: “Vì chính khi hiến thân, là khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình, là lúc gặp lại bản thân”.

Töø những dòng suy niệm treân, ta có thể tạm chia ra làm ba caùch cho ñi:

Cách thứ nhất: cho vì miễn cưỡng. Là lúc lòng ta cảm thấy khó chịu, không thoải mái lắm khi việc bố thí là chuyện “Chẳng đặng đừng” buộc ta phải cho để khỏi bị làm phiền nữa.

Cách thứ hai: cho vì bổn phận. Có thể trong những trường hợp anh chị em ruột, hoặc người thân trong gia đình gặp khó khăn. Ta giúp họ do cái nghĩa chứ chưa hẳn vì cái tình, cho nên khi cho mà lòng vẫn nặng buồn.   

Cách thứ ba: cho vì tình thương. Là khi ta chia sẻ, dâng tặng cho ai một điều gì, không phải bị ép buộc, cũng không phải vì bổn phận, mà là do con tim thôi thúc và do tình thương thúc đẩy. Điều đó mới là điều Thiên Chúa mong muốn.

Đôi khi trong cuộc sống, ta nên biết cho thời gian dừng lại, sống chậm để suy gẫm về lòng quảng đại của mình đối với Chúa và đối với tha nhân. Khi ta dâng lên Chúa một việc lành, hay khi ta giúp đỡ ai một việc gì, ta làm những việc đó với tâm trạng nào và thái độ nào?

Đối với Chúa: Khi dự lễ ngày Chúa nhật, ta có thực sự toàn tâm, toàn ý, vì yêu mến Chúa không? Hay do miễn cưỡng đi lễ cho xong bổn phận?

Đối với tha nhân, tình thương mà ta trao ban cho họ có thực sự đẹp không? Có đẹp như bài thơ diễn tả: “Quà tặng đẹp nhất cho kẻ thù chính là sự tha thứ. Cho bạn bè, chính là sự trung thành. Cho các em nhỏ, chính là gương sáng. Cho người cha, chính là lòng tôn kính. Cho người mẹ, chính là tình yêu. Và cho người chung quanh, chính là đôi bàn tay của chúng ta.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết quan tâm và chia sẻ cho nhau những điều cần thiết trong cuộc sống, bằng những tấm lòng yêu mến. Giống như tinh thần của 2 bà góa nghèo trong các bài đọc sách Thánh đã làm gương, hầu giúp chúng con trở nên những chứng nhân cho tình yêu của Chúa: “Biết vui với người vui, và biết khóc cùng người khóc. Amen.



Lm. Thái Nguyên

DÂNG HẾT

Bài Tin Mừng mở đầu bằng việc Đức Giêsu căn dặn các môn đệ phải coi chừng lối sống giả hình của các kinh sư. Họ lợi dụng sắc phục bên ngoài để được người ta kính nể; làm ra vẻ đạo mạo để được kính phục; tỏ ra đạo đức để được kính tôn; đọc kinh cầu nguyện lâu giờ để được kính yêu, và cũng là mưu mô để nuốt gia tài các bà góa. Con người thời nào cũng hay đeo mặt nạ với nhau, ngoài việc tìm kiếm lợi lộc và danh giá thì còn muốn tạo hào quang cho mình. Cách chung, người ta muốn sống hơn những gì mình có, muốn thể hiện hơn những gì mình là: cố làm cho mình trẻ đẹp hơn nhờ trang điểm; cố cho người khác thấy mình tài giỏi hơn nhờ ăn nói; cố tạo cho mình cái dáng vẻ quí phái, trí thức, đạo đức, để thu phục tình cảm và lòng tin của mọi người.

Điều éo le là những người Đức Giêsu cảnh giác không phải là nhóm dân thường mà lại là thành phần lãnh đạo tôn giáo. Thực tế, họ thường lạm dụng danh nghĩa và chức sắc của mình để tạo một lối sống đẳng cấp, chứ không hề có chút lòng đạo đức. Thật ra đạo giáo nào cũng không tránh được những loại người này, nhưng đặc biệt thời Đức Giêsu, tình trạng tôn giáo đã bị tha hóa và xuống cấp trầm trọng, con người đã đánh mất tấm lòng, chỉ còn lại luật lệ và hình thức bên ngoài, như có lần Chúa Giêsu đã nhắc lại lời ngôn sứ Isaia:“Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta” (Mt 15, 8).

Đi ngược với sự tham lam và giả hình của các kinh sư là hình ảnh một bà góa nghèo, nhưng rộng lượng và đơn sơ chân thành. Đức Giêsu thấy bà rón rén đến bỏ một phần tư xu vào thùng tiền của Đền thờ. Số tiền quá ít ỏi chẳng đáng gì, nhưng Ngài gọi các môn đệ lại và cho họ biết bà góa nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết” vì đó là “tất cả những gì bà có để sống”. Trước mặt Chúa, cái nhỏ nhất lại thành cái lớn nhất, cái người ta coi là tầm thường lại trở nên phi thường.

Bà góa trong bài Tin Mừng này cũng giống như bà góa thành Sarépta trong bài đọc thứ nhất, đã dám bỏ phần ăn cuối cùng của mình để cứu giúp tiên tri Isaia, rồi sẵn sàng chờ đợi cái chết đến. Nhưng cái chết đã không đến mà là sự sống đã đến. Hành động của hai bà góa đều nói lên một đức tin phi thường. Lối đánh giá của Đức Giêsu đòi ta xét lại lối đánh giá của mình về người khác. Chúng ta thường dựa vào cái bề ngoài để đánh giá đúng-sai hay tốt-xấu, mà ít khi xét đến cái giá trị cốt lõi bên trong; dựa vào số lượng công việc hay thành tích mà ít khi xét đến chất lượng hay chiều sâu của vấn đề. Bản thân ta cũng thế, xem ra vẫn bị xáo trộn trước những lời khen chê. Thích khen và sợ chê khiến ta dễ trở nên nô lệ cho dư luận, cứ phải chịu tác động của người khác, không có tự do để hành động. Hãy tập nhận diện mình dưới cái nhìn của Chúa, vì dưới lăng kính của Chúa, mọi sự đều sáng tỏ.

Thế nhưng câu chuyện bà góa nghèo bị đặt vấn đề: phải chăng cứ sống thiếu thốn nghèo nàn để được Chúa khen thưởng? Phải chăng bỏ cả những nhu cầu thiết yếu để được vào nước Trời? Chắc chắn Tin Mừng không bao giờ đề cao sự bần cùng. Đức Giêsu đến để con người được sống và sống dồi dào. Ơn cứu độ không chỉ là “phần hồn” nhưng toàn vẹn, đồng thời bắt đầu chớm nở ngay tại thế chứ không phải giấc mơ xa xôi. Tuy nhiên, với tâm hồn yêu mến, người ta muốn dâng hiến cách quảng đại, không chỉ dâng nhiều hơn mà còn là nhiều nhất. Tất cả và trọn vẹn, chính là điều Thiên Chúa muốn nơi con người. Đừng quá bận tâm việc người khác nghĩ gì về mình. Điều quan trọng là Chúa nghĩ gì về ta, ta đã sống cho Chúa như thế nào và cư xử với mọi người ra sao?

Thật ra, sự nghèo túng tự nó không đem lại hạnh phúc cho ai, nhưng hạnh phúc là vì người nghèo biết vui lòng đón nhận hoàn cảnh hiện tại, bình an sống cuộc đời thanh bạch mà không ham hố lợi lộc, và điều quan trọng là biết chờ đợi mọi sự nơi Chúa. Chúng ta không xây dựng đời mình trên vật chất hay chiếm hữu, nhưng trên tình yêu, để sẵn sàng cho đi và dâng hiến. Và như vậy mới thật là những người khôn ngoan đích thực (Lc 1, 49), một sự khôn ngoan của con cái Thiên Chúa.

Với lời khen ngợi hành động của bà góa nghèo, phải chăng Chúa Giêsu muốn cổ võ một lối sống siêu thoát, đồng thời muốn thiết lập một xã hội công chính và nền văn minh tình thương, nhờ biết cho đi và chia sẻ. Và qua đó, Ngài muốn thay đổi cái nhìn của chúng ta về giá trị nhân sinh, để hướng tới một sự sống mới trong Nước Trời. Không thể sống theo quan niệm phàm tục của người đời mà có thể vào Nước Trời, nhưng là sống theo Lời Chúa dạy, Lời đem lại cho chúng ta cuộc sống đẹp ngời và hạnh phúc muôn đời.  

Cầu nguyện

Lạy Chúa!
Suy niệm Lời Chúa làm cho con nhớ,
chuyện một người hành khất đi từng nhà,
chợt thấy xe của Vua đến từ xa.
biết đó là Đức Vua sắp đi qua,
niềm hy vọng trong anh bừng sáng dậy,
mong từ đây kiếp nghèo không còn nữa.

Anh đang đợi chờ Vua bước xuống xe,
sẽ ban phát cho anh nhiều vàng bạc,
để đời anh chấm dứt cảnh lang thang,
không còn phải hoang mang theo ngày tháng.

Thấy Vua đang đi tới và mỉm cười,
khiến lòng anh cảm thấy sướng vui thay,
thế nhưng Vua lại tiến đến chìa tay,
hỏi xem anh có gì đây cho Ngài?

Quá sửng sờ khiến lòng anh bối rối,
đâu thể ngờ Ngài lại đến xin mình,
thôi thì đây chỉ có hạt lúa này,
anh đành phải lấy để dâng tặng Ngài,
Vua lên xe xa khuất trên đường dài,
anh lại lang thang miệt mài như xưa.

Thế rồi khi chiều về dốc túi ra,
bất ngờ anh trông thấy một điều lạ,
giữa những hạt lúa lại có hạt vàng,
anh lặng người trong cảm xúc xuyến xao…

Lệ rưng rưng nghẹn ngào anh nhủ bảo:
phải chi tôi dâng trao hết cho Ngài,
để chẳng còn lại gì cho bản thân,
thì giờ đây đã vui sướng vô ngần.

Lạy Chúa đã bao lần con lưỡng lự,
muốn cho đi nhưng rồi lại muốn giữ,
xin cho con hoàn toàn dám buông xả,
để Chúa là tất cả của đời con. Amen.