29/10/2024
454
Bài giảng Lễ Chúa Nhật XXXI Thường Niên - Giáo phận Mỹ Tho




















GỢI Ý SUY NIỆM

LỄ CHÚA NHẬT XXXI THƯỜNG NIÊN - NĂM B

Lời Chúa: Đnl 6,2-6; Dt 7,23-28; Mc 12,28b-34

Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay có một người kinh sư hỏi Chúa Giêsu đó là trong các giới răn, giới răn nào quan trọng nhất, Chúa Giêsu trả lời đó là mến Chúa và yêu người.

Chúng ta biết mến Chúa và yêu người, yêu người là hành động cụ thể hóa để nói lên lòng yêu mến Chúa, vì thánh Gioan đã nói: “Nếu ai nói: "Tôi yêu mến Thiên Chúa" mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy.” (1Ga 4,20).

Hay trong dụ ngôn phán xét chung, chính Chúa Giêsu đã nói điều này, đó là: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy." (Mt 25,40); hay “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy." (Mt 25,45).

Nhưng yêu người như thế nào? Thường chúng ta nghĩ yêu người là giúp đỡ họ về vật chất đó là hành động cụ thể của yêu người, rồi giúp đỡ họ về đời sống thiêng liêng là yêu người.

Hôm nay dựa vào lời Chúa chúng ta sẽ chia sẻ với nhau về yêu người như thế nào?

Chúng ta thấy người kinh sư hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu?"

Và Chúa Giêsu trả lời cho ông ta là: “Điều răn đứng đầu là: Nghe đây, hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó."

Lúc này ông kinh sư trả lời Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, hay lắm, Thầy nói rất đúng. Thiên Chúa là Đấng duy nhất, ngoài Người ra không có Đấng nào khác. Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ."

Như vậy qua câu hỏi và câu trả lời cho chúng ta thấy được điều gì? Thưa cho chúng ta thấy được đó là không biết thì hỏi, và người trả lời cũng phải là người có kiến thức có hiểu biết nên mới trả lời được.

Vậy yêu người ở chỗ nào? Thưa yêu người ở chỗ biết và không biết, đó là nếu biết thì giúp cho người khác biết, còn nếu không biết thì nói không biết để tránh cho người khác hiểu lầm, vì nếu không biết mà làm như mình biết thì sẽ dẫn người khác đi sai lầm thì lúc đó không còn yêu người nữa mà là hại người.

Nếu mở rộng ra đó là yêu người cần phải có sự hiểu biết, vì nếu không có sự hiểu biết thì sẽ là hại người.

Có một câu chuyện mang tên Cái khố của thầy tu được chia sẻ như sau:

Một đệ tử quyết tâm cầu đạo, xin học với một đạo sư. Sau thời gian học hành chăm chỉ, một hôm sư phụ có việc phải đi xa nên dặn học trò ở lại chăm lo tu hành. Học trò nghe theo lời thầy, thiền định sớm hôm không hề bê trễ.

Vì nếp sống tu hành thanh bần, tu sĩ chỉ có độc hai miếng khố che thân. Nhưng chiếc khố cứ bị chuột cắn rách hoài, nên tu sĩ cứ lâu lâu lại phải đi xin một mảnh vải che thân khác.

Dân làng thấy vậy, bèn biếu tu sĩ một con mèo để trừ lũ chuột. Tu sĩ đem con mèo về nuôi, từ đó chuột không dám lộng hành nữa, nhưng tu sĩ lại phải lo thêm một phần ăn. Ngoài thực phẩm chay tịnh, tu sĩ phải xin sữa để nuôi con mèo.

Một tín đồ thấy vậy bèn tặng tu sĩ một con bò cái để có sữa nuôi mèo. Tu sĩ vui vẻ nhận con bò, nhưng nuôi được mèo lại không có rơm cho bò ăn. Do đó, ngoài tu sĩ lại phải thêm việc đi xin rơm về nuôi bò.

Dân làng thấy vậy bèn biếu tu sĩ một mảnh đất và dụng cụ canh nông để tu sĩ trồng trọt, nuôi bò. Tu sĩ ra công cày cấy nên rau trổ thật nhiều, bò ăn không hết, phải mang bán ngoài chợ. Miếng đất thật mầu mỡ sinh hoa lợi quá nhiều, tu sĩ làm không xuể, phải gọi người đến làng giúp. Lạ thay, miếng đất cứ thế sinh sôi nẩy nở, trồng gì cũng tươi tốt và chả mấy chốc trở nên một đồn điền trù phú.

Tu sĩ có nhiều hoa lợi, bèn xây một đền thờ to lớn, đẹp đẽ, thuê thợ khắc tượng, đúc chuông thật vĩ đại… nhưng thời gian tu hành không còn là bao vì tu sĩ phải lo trông nom đồn điền, lo sổ sách giao dịch buôn bán, kiểm soát nhân công trồng tỉa, rồi có tiền bạc phải lo đầu tư, bỏ vốn mua thêm đất đai, khai khẩn thêm nữa.

Một hôm, sư phụ trở về, không thấy túp lều đơn sơ nữa, mà thay vào đó một ngôi đền tráng lệ, nô nức khách hành hương, trong đền ồn ào những tín đồ vừa cúng bái vừa buôn bán.

Trông thấy sư phụ, tu sĩ mừng rỡ chạy ra chào. Sư phụ ôn tồn hỏi tại sao lại có sự thay đổi như thế. Tu sĩ trả lời: “Thưa thầy, thật tâm con muốn tu hành, nhưng tại lũ chuột cứ cắn rách khố hoài. Để bảo vệ cái khố, con nuôi mèo. Để có sữa cho mèo ăn, con phải nuôi bò, và để có rau nuôi bò, con phải canh tác. Rồi thì trúng mùa liên tiếp, sức con làm không xuể nên phải gọi thêm người làm giúp, rồi thì buôn bán thành công, tiền bạc nhiều thêm, con phải đích thân trông nom mọi việc. Sau đó con cho xây cất đền thờ to tát, đúc tượng thật vĩ đại, con còn mướn người lo việc cúng tế, nhang đèn cẩn thận”.

Sư phụ thở dài: “Xây cất đền thờ thật to chỉ là trói buộc, nào phải giải thoát. Tụ tập tín đồ cho đông, ồn ào phức tạp, chỉ gây trở ngại cho việc thanh tu. Chỉ vì một cái khố rách mà con đã đi thật xa, xa hẳn con đường mà ta đã chỉ dạy nhằm việc giải thoát. Con chỉ lầm lẫn một chút mà đã đi lệch lúc nào không hay, trói buộc vào các thứ đó rồi làm sao có thể thoát được?”.

Xin cho mỗi người chúng ta hiểu được như vậy để yêu người bằng sự hiểu biết, đừng yêu người vì sự mù quáng, vì mù quáng không phải là yêu nữa mà là hại. Amen.



Lm Trầm Phúc

Chúng ta khi nghe tường thuật của thánh Maccô về người kinh sư đến hỏi Chúa Giêsu một câu:“Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng hàng đầu?” chúng ta có ngạc nhiên không? Vì một kinh sư là một nhà thông luật và có bổn phận giải thích luật cho mọi người. Vậy sao ông nầy còn cần phải hỏi Chúa?

Trước hết, chúng ta cần biết thái độ thù nghịch của đám Pharisêu và kinh sư đối với Chúa Giêsu. Họ thường tìm cách gài bẫy Chúa để hạ uy tín của Ngài. Nhưng thái độ của nhà kinh sư nầy không có tính cách tranh luận mà thành thật. Tại sao ông là nhà thông luật mà lại đi hỏi như thế? Chúng ta không biết luật Do thái rườm rà không tưởng được. Gồm hơn 600 điều luật buộc và hơn 6000 điều khuyên. Như vậy, làm sao biết điều luật nào quan trọng hơn?

Thấy vị kinh sư thành thật, Chúa Giêsu trà lời không nghi ngại và dựa trên Kinh Thánh: “Điều răn  đứng đầu là: Nghe đây, hỡi Itraen, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết sức lực ngươi. Điều răn thứ hai là: ngươi hãy yêu người thân cận như chính mình. Không có điều răn nào khác quan trọng hơn các điều răn đó”. Nghe Chúa nói, vị kinh sư mới biết rằng mình cũng nghĩ như vậy nhưng không dám chắc, hôm nay nghe Thầy nói ông mới cảm thấy  an lòng. Ông nói: “Thưa Thầy, hay lắm. Thầy nói rất đúng.” Và ông nói thêm những gì ông nghĩ: “Thiên Chúa là Đấng duy nhất, ngoài Ngài ra, không có Đấng nào khác. Yêu mến Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực và yêu người thân cận như chính mình, là điều quí hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ”.

Hôm nay, nhờ vị kinh sư, chúng ta nghe nhắc lại điều luật quan trọng nhất. Nhiều người trong chúng ta cũng không đến nỗi nguội lạnh, nhưng lâu ngày, giữ đạo như một thói quen. Cần thì đi lễ, đọc kinh, nhưng không chú trọng đến vấn đề nào ưu tiên phải chú ý, cũng không chú trọng gia tăng lòng sốt sắng. Thói quen bào mòn tất cả, làm cho cuộc sống đạo đức của chúng ta trở nên quen thuộc và dần dần sẽ trở nên nhàm chán.

Mấy người trong chúng ta còn nhớ đến điều răn trọng nhất nầy là yêu mến Chúa trên hết mọi sự? Và chúng ta có cố thực hành như chúng ta nghe nói không?

Điều răn thứ hai là yêu người thân cận như chính mình. Có lẽ chúng ta yên tâm khi thấy mình chẳng làm mất lòng ai, sống hoà thuận với mọi người và yên lòng vì mình không lỗi phạm điều gì, không làm hại ai. Nhưng chúng ta không  chú ý đến ai, chúng ta yên phận. Chúng ta chỉ sống cho chính mình mà không nghĩ đến ai cả. Như thế có gọi là yêu người như chính mình không?

Chúng ta muốn yêu người, cần phải biết người. Hãy nhìn  quanh chúng ta, chúng ta mới khám phá ra  những hoàn cảnh nghèo  khổ cô đơn, bệnh hoạn thiếu thốn của biết bao nhiêu người quanh ta. Chúng ta có thông cảm những khổ đau tinh thần và vật chất của người anh em không? Thường đau khổ rất im lặng. Phải tìm kiếm mới có thể gặp. Chính chúng ta lại gây đau khổ cho người khác mà không hay.

Chúng ta hãy nhìn Chúa Giêsu. Ngài chính là mẫu gương sống động cho chúng ta. Ngài là Tình Yêu tự bản thể. Ngài yêu mến chúng ta với tất cả quyền năng của Ngài. Ngài yêu mến Chúa Cha và vâng phục Ngài cho đến chết và chết trên thập giá. Ngài yêu mến chúng ta đến nỗi quên mình, nhập thể và sống kiếp người như chúng ta và sau cùng, chết đau thương trên thập giá cho chúng ta. Và ngày nay, Ngài vẫn có mặt cho chúng ta nơi phép Thánh Thể nuôi chúng ta bằng chính thịt máu Ngài. Còn gì mà Ngài không làm cho chúng ta, vì yêu chúng ta?

Hãy ăn lấy Ngài để yêu mến Ngài như Ngài đã yêu mến chúng ta. Nhờ ăn lấy Ngài, mang Ngài trong con người chúng ta, chúng ta mới có thể sống với Ngài và nhờ đó Ngài dẫn chúng ta vào tình yêu của Ngài, giúp chúng ta yêu mến Ngài với tất cả tâm hồn sức lực của chúng ta. Nhờ đó, chúng ta mới tìm thấy niềm vui trong sáng của Ngài trong cuộc đời đầy thử thách cam go của chúng ta.

 



Lm. Thái Nguyên

Điều răn trọng nhất

Đức Giêsu đã tóm Luật Môsê trong động từ yêu mến. Trước tiên là yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực, vì Ngài là căn cội và cùng đích của đời sống con người. Tình yêu không thể nài ép mà là nhận ra và đáp trả. Chính sự đáp trả này làm cho con người là người, là con cái của Thiên Chúa và là anh em với nhau. Vì vậy, điều răn đứng đầu gắn liền với điều răn thứ hai:Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình”. Chính trong Chúa, ta nhận ra phẩm giá đích thực của một con người, dù đó là một thai nhi, một phạm nhân hay người mất trí. Chỉ trong Chúa, ta mới yêu thương đến cùng, vì nhận ra mỗi người là hình ảnh của Ðức Kitô đang sống.

Có một người kia sau khi ăn chay 70 tuần, thì xin Chúa cho mình hiểu ý nghĩa vài câu trong Kinh Thánh, nhưng Chúa không trả lời. Cuối cùng, người đó phải tìm đến với người anh em để xin giải thích. Khi người đó lên đường, Chúa gửi một thiên thần xuống nhắn nhủ rằng:“Bảy mươi tuần ăn chay của con cũng không làm cho con đến gần Chúa. Nhưng bây giờ con có lòng khiêm tốn đến với người anh em, nên ta được Chúa gởi đến để nói cho con ý nghĩa các lời thánh”.

Nhân danh lòng tin vào Chúa mà không mở lòng mình ra với tha nhân, phải chăng là một thứ kiêu ngạo thiêng liêng? Đó không phải là tin vào Chúa mà là tin vào sự thánh thiện của mình. Tiếng nói của Chúa trong ta không phải là tiếng nói duy nhất của Ngài, mà Ngài còn nói với ta qua sự khôn ngoan và nhãn quan thiêng liêng của người khác. Ta cần mở lòng ra để đón nhận những tư duy mới, các khả năng mới như một cách thức của Lời Chúa. Khép kín với bất cứ một cái gì, hay bất cứ ai, là khép kín khả năng có thể tái sinh chính mình.

Luật thánh Bênêđictô dạy, khi có ai gõ cửa thì phải nói: “Benedicite”, có nghĩa sâu xa rằng: cảm tạ Chúa vì có người đến làm phong phú lương tri của con, chỉ dẫn con cách suy nghĩ, cách sống, và làm cho con vượt ra khỏi thế giới chật hẹp của mình. Mỗi ngày ta cần mở lòng để đón tiếp một kinh nghiệm mới, một tư duy mới, một cái gì đó nơi người khác để khai sáng trí não mình.

Cũng có một giai thoại khác kể rằng, đêm nọ xuyên qua cửa sổ, một tu sĩ già bỗng nhìn thấy thiên thần đang ngồi ghi tên những ai yêu mến Chúa vào cuốn sách vàng. Ông hỏi thử xem có tên mình không. Thiên thần giở ra nhưng không thấy. Ông nài nỉ thiên thần: “Xin Ngài ghi tên tôi là người lúc nào cũng yêu mến tha nhân”. Thiên thần cũng chiều ý ông, thế là tên ông được ghi vào sổ vàng. Tối hôm sau, giữa ánh trăng sáng, thiên thần lại hiện ra và mở cuốn sổ vàng cho vị tu sĩ xem. Lần này, ông thấy tên của mình dẫn đầu trong danh sách những người yêu mến Chúa. Sau khi vị tu sĩ già qua đời, các anh em trong tu viện xem lại nhật ký của ông, thấy câu đầu tiên là câu trích dẫn từ thư 1Ga 4, 20: “Ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy”. Tiếp theo, ông ghi chú như sau: “Tôi đi tìm kiếm linh hồn tôi, nhưng tôi không thấy. Tôi đi tìm Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa vượt khỏi tầm tay tôi. Tôi đi tìm người anh em tôi, tôi đã gặp Chúa và linh hồn tôi”.

Ta không thể gặp gỡ và yêu mến Thiên Chúa trong tâm tưởng hay trong ước muốn, mà là nơi chính tha nhân, nơi những hành động cụ thể trong những tương quan hằng ngày. Thiên Chúa và tha nhân hòa hợp làm một trong cõi lòng ta. Ta yêu tha nhân trong Chúa, và yêu Chúa nơi tha nhân. Tuy nhiên, điều này không dễ chút nào. Chúng ta có thể cầu nguyện để làm tăng triển mối liên hệ với Chúa, nhưng rồi đối với chính mình thì ta có thể bất mãn, than thân, trách phận. Còn đối với tha nhân thì lại bất nhẫn, nói hành, nói xấu, hận thù... Lòng đạo đức như vậy có thể là một thứ đạo đức bệnh hoạn. Và yêu Chúa như vậy cũng có thể là một thứ tình yêu lệch lạc. Chỉ khi nào ta chấp nhận bản thân, hoàn cảnh và giới hạn của mình với những khuyết điểm, những lỗi lầm của mình, rồi nhờ ơn Chúa cải thiện dần dần, thì ta mới có thể yêu mến Chúa và thương mến tha nhân.

Cầu nguyện là đặt mình trong Chúa để có thể yêu tha nhân như chính mình. Tình yêu với Thiên Chúa đưa ta vào cuộc sống với anh em. Tình yêu thương anh em đòi ta chìm sâu trong Thiên Chúa, để kín múc nguồn sinh lực hầu tiếp tục hiến trao. Cuối cùng tình yêu ấy lại quay trở về với Thiên Chúa như cùng đích tối hậu của nó, và như vậy phát sinh sự “hợp nhất” toàn hảo, mà Đức Kitô đã ao ước thực hiện giữa Thiên Chúa với chính Ngài và các kẻ tin (Ga 17, 21). Đẹp biết bao vương quốc của Thiên Chúa, nơi chỉ có tình yêu chiếu sáng rạng ngời, dành cho tất cả những ai đã một đời biết sống trọn vẹn cho tình yêu.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Yêu Chúa lúc bình thường thì không khó,
nhưng yêu khi sóng gió thì không dễ,
nhất là khi gặp khốn khó ê chề,
sa cơ thất thế trở về tay không,
nhưng con vẫn cậy trông và hy vọng,
vì tin Chúa hằng khơi sâu nới rộng,
bằng ân ban và sức sống của Ngài.

Yêu mến Chúa xem ra là điều dễ,
vì dù sao Ngài cũng vẫn là tình yêu,
yêu tha nhân như chính mình mới khó,
nhất là khi bị phủ nhận khinh chê,
bị bất công loại trừ và thay thế,
là những lúc con đau buồn vô kể,
nỗi thù hằn như khống chế tim con,
thấy bao nhiêu thiện chí bị xói mòn.

Nhưng khi con bình tâm suy nghĩ lại,
những tổn thương xem ra cũng rất cần,
để con có kinh nghiệm sống tình thân,
vì nhiều lần con cũng xử vô nhân.

Tình con yêu luôn mang tính hỗ tương,
cả trong những đau thương và hạnh phúc,
muốn yêu thương mà không chịu đau thương,
thì đời con quả thật là ảo tưởng.

Chúa đã sống tất cả mọi tình trường,
muốn cho con nhìn ngắm để noi gương,
trong an vui khiêm nhường mà tiến bước,
để con là nhân chứng của tình thương.

Xin cho con biết sống con người mới,
bằng tình yêu mà Chúa đã gọi mời,
để bừng lên ánh sáng ở mọi nơi,
là niềm vui hạnh phúc đến muôn đời. Amen.