
GỢI Ý SUY NIỆM
LỄ CHÚA NHẬT XXX TN - NĂM A
Xh 22,20-26; 1Tx 1,5c-10; Mt 22,34-40
Lm Trầm Phúc
Ai trong chúng ta cũng đều biết hai điều răn Chúa Giêsu nhắc lại cho đám Pharisêu. Nhưng chúng ta có giữ đúng như Chúa muốn không? Đây là dịp tốt để chúng ta xét và nhìn lại cuộc sống của chúng ta: chúng ta đã giữ luật Chúa như thế nào? Chúng ta có yêu mến Chúa như Chúa muốn không? Nếu mọi người chúng ta yêu mến Chúa thật tình thì chúng ta đã nên thánh cả rồi. Nhưng thành thật mà nói: chúng ta chưa yếu mến Chúa và nhiều người trong chúng ta đang sống như kẻ thù của thập giá, như thánh Phaolô đã nói.
Tại sao những người Do thái lại hỏi Chúa một câu hỏi xem ra như thừa thãi vậy? Họ nghiên cứu Luật Chúa ngày đêm, tại sao lại không biết điều luật nào quan trọng hơn? Chúng ta không ở trong hoàn cảnh của người Do thái. Những thượng tế và kinh sư đưa ra một rừng lề luật, có thể nói là hàng ngàn luật về đủ mọi thứ, vì thế người Do thái không còn biết luật nào là quan trọng hơn.
Mấy người chất vấn Chúa Giêsu có ác ý chứ không phải vì muốn tìm hiểu, nhưng nhờ đó, Chúa nhắc cho chúng ta điều quan trọng nhất trong luật Chúa.
Chúng ta không thể yêu mến Chúa Cha, vì chúng ta không bao giờ thấy được Ngài. Vì thế, Chúa Giêsu đã đến dẫn chúng ta đến với Chúa Cha như Ngài đã nói: “Không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Thầy…Thầy là Đường, là sự thật và là sự sống”. Noi gương Chúa Giêsu, chúng ta đến với Chúa Cha với tất cả sự nhỏ bé của chúng ta. Yêu mến Chúa Cha như Chúa Giêsu, với Chúa Giêsu và nhờ Chúa Giêsu. Và yêu tức là vâng phục. Chúa Giêsu đã yêu Chúa Cha, đã vâng phục Ngài cho đến chết và chết trên thập giá. Chúng ta phải cố gắng đi theo Ngài đến đỉnh đồi Canvê, nghĩa là dám cho đi tất cả, kể cả mạng sống. Các thánh tử đạo đã dám làm như thế. Các thánh như Têrêxa Hài Đồng Giêsu, như Phanxicô Atsisi cũng dám bỏ tất cả để yêu Chúa. Như thế mới gọi là yêu hết lòng, hết sức, hết linh hồn.
Chúa Giêsu không dừng lại ở tình yêu Chúa Cha. Ngài đòi hỏi phải yêu mến mọi người như yêu Chúa. Yêu mến mọi người cũng quan trọng như yêu mến Chúa. Đây là vấn đề gai góc. Yêu mến Chúa cũng khó, chúng ta nhờ Chúa Giêsu, nhưng yêu thương mọi người càng khó hơn. Con người không dễ thương, nhưng chúng ta không thể nào thối thoát. Vì chúng ta là con của một Cha duy nhất, là anh em một nhà.
Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta trước. Ngài là Thiên Chúa, nhưng Ngài đã mang lấy thân phận con người như chúng ta. Ngài chịu chết để cứu chúng ta. Ngài bảo chúng ta: “Khi anh em làm một điều gì cho một người anh em là làm cho chính Thầy”. Yêu nhau chính là yêu Chúa vậy.
Mỗi ngày, chúng ta được quyền ăn lấy Chúa. Chúa đến với chúng ta dù chúng ta không xứng đáng. Phải chăng vì thương chúng ta mà Chúa sẵn sàng biến mình thành một miếng bánh, thì chúng ta hãy noi gương Ngài trở thành một của ăn cho mọi người anh em, sẵn sàng phục vụ với tất cả nhiệt tình. Nhờ đó tình yêu Chúa sẽ lan rộng ra trong mọi nơi. Chúng ta dám yêu như Chúa yêu không?
Lm. Đaminh Lê Minh Cảnh
Ngày kia, ông Macsa, một nhà văn người Nga, đi ngang qua một sân chơi, ông dừng lại để quan sát một đám trẻ con, độ khoảng 7, 8 tuổi, đang chơi đùa với nhau. Thấy chúng chơi trò gì mà lạ quá, nên ông lên tiếng hỏi: “Này các cháu, các cháu đang chơi trò gì thế?”. Đám trẻ nhốn nháo đua nhau trả lời: “Dạ, chúng cháu chơi trò chơi đánh nhau ạ!”. Nghe nói thế, ông Macsa tỏ vẻ ngạc nhiên, lại vừa trầm buồn, rồi tìm cách giải thích và dạy dỗ các bé. Với giọng nhỏ nhẹ, ôn tồn ông bảo: “Tại sao các cháu lại chơi trò đánh nhau? Gây sự, đánh nhau, chiến tranh, có gì hay, có gì đẹp đâu mà các cháu chơi? Bây giờ các cháu thử chơi trò chơi hòa bình đi.” Ông Macsa vừa dứt lời, thì có một cậu bé reo lên: “Ok hay quá, tụi mình thử chơi trò hòa bình một lần xem nào”. Thế là cả bọn trẻ kéo nhau ra sân, cùng reo lên: “Hòa bình, hòa bình, hòa bình...” Thấy bọn nhỏ chấp nhận ý kiến của mình, nhà văn hài lòng mỉm cười, rồi tiếp tục đi. Nhưng đi mới được vài bước, thì ông lại nghe có tiếng bước chân chạy phía sau. Và chưa kịp quay lại, ông đã nghe tiếng của một cậu bé hỏi: “Ông ơi, trò chơi hòa bình, chơi như thế nào? Ông chỉ cho chúng cháu đi, vì tụi cháu không biết chơi.”
Kính thưa anh chị em,
Câu chuyện kết thúc, để nhường chổ cho chúng ta tiếp tục suy gẫm: Làm sao người ta biết đến hòa bình, khi thế giới cứ mãi gây ra chiến tranh? Làm sao trẻ em biết được hòa bình, khi trong nhà, cha mẹ, anh chị em ruột thịt luôn sống bất hòa, tranh giành nhau từng tí một. Làm sao người ta có sự hòa bình, khi người cùng làng cùng xóm, lại hơn thua nhau từng câu nói, thậm chí chửi rủa nhau, coi nhau như kẻ thù? Làm sao cảm nhận được sự hòa bình, khi ta vẫn thấy trên Tivi, báo chí, những cảnh chiến tranh khốc liệt, khủng bố và chém giết dã man?
Có lẽ con người thời nay, chỉ muốn giải quyết những tranh chấp, những xung đột bằng bạo lực, bằng chiến tranh, mặc dù đang có trong tay sức mạnh vạn năng của “tình yêu”, nhưng chỉ một số ít người biết sử dụng đến nó.
Chẳng hạn như: Mục sư Luther King, người da đen, đã dùng tình yêu, để kêu gọi những người da trắng, đừng phân biệt chủng tộc mà coi thường, khinh dễ người da đen. Vào ngày 4/4/1968, ông đã bị ám sát bởi một thế lực ngầm của người da trắng. Sau cái chết của ông, hàng triệu người da đen, đã được đứng lên làm người, bớt bị kỳ thị hơn, sống nhẹ nhàn thoải mái hơn.
-Ông Mahatma Gandhi cũng đã dùng tình yêu, bất bạo động để giành lại được quyền độc lập cho Ấn Độ khỏi tay đế quốc Anh. Nhưng cuối cùng, ông đã bị một thanh niên thuộc Ấn giáo quá khích ám sát, khi đang trên đường đi tới đền thờ để cầu nguyện như mọi ngày.
-Mẹ Têrêsa thành Calcutta cũng đã dùng tình yêu, để gom tất cả những con người không nhà không cửa, nghèo khổ ở đầu đường xó chợ về mà phục vụ, để chứng minh cho Thế giới biết được được “thế nào là tình yêu!”.
Tất cả những tấm gương đó, phản chiếu một tình yêu trọn vẹn. Đó là tình yêu của Chúa Giêsu đã chịu chết cho người mình yêu. Và chính Ngài đã dạy cho chúng ta một điều luật căn bản của trò chơi hòa bình. Đó là luật “Mến Chúa và yêu người”. Khi Chúa Giêsu trả lời cho những người Pharisêu về điều luật trọng nhất: “Yêu Chúa với tất cả trái tim và yêu người như yêu mình”, dường như Chúa đã chỉ cho ta thấy rõ nét độc đáo liên kết không thể tách rời của Giới Luật “Kính Chúa, yêu người” rồi. Thế nhưng mà, trong cuộc sống hằng ngày, ta thường phân biệt và tách rời “Mến Chúa” ra khỏi “yêu người”, như thể là ta chỉ cần yêu mến Chúa là đủ, chớ không bị buộc là phải yêu tha nhân.
Thực ra, yêu mến Chúa buộc phải biết yêu tha nhân, giống như thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ dạy: “Nếu ai nói mình yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, thì là người nói dối. Vì người anh em mình xem thấy mà không thương yêu họ được, thì làm sao yêu mến Thiên Chúa là Ðấng mình không thấy?” (1 Ga 4, 20). Như vậy, yêu tha nhân là cách để ta tỏ lòng yêu mến Chúa, và đó cũng là điều mà chúng ta cần phải tập làm hằng ngày.
Hằng ngày, nếu biết tập yêu thương tha nhân, thì trái tim của ta sẽ không bị chay cứng, mà dần dần mở ra, trở nên giống như trái tim Chúa Giêsu hơn.
Câu chuyện: “Phở nóng chiều mưa” của tác giả Bút Bi, được kể: “Tại tiệm phở A đường Kỳ Đồng, chiều hôm kia mưa như trút nước. Một cụ già khoảng 70 tuổi, tay lần dò chiếc gậy, tay xách chiếc gà men cũ kỹ, lập cập bước vào quán mua phở mang về. Lúc ông đang lóng ngóng lấy tiền (được gói cẩn thận trong hai ba lớp bịch ni lông) ra để trả. Một trong hai thanh niên đang ngồi ăn phở ở chiếc bàn ngoài cùng, bảo rằng: đã trả tiền phở cho ông rồi. Ông già lãng tai ngớ ra như không hiểu. Người thanh niên vừa nói vừa chỉ người bạn đang cắm cúi ăn: “Thằng này trả chứ không phải cháu đâu”. Rồi anh nói thêm có lẽ để câu chuyện được tự nhiên hơn: “Nó hỏi bác có con gái không?” Ông già dường như vẫn còn chưa hết ngạc nhiên, thật thà nói “có”. Thế là, anh bạn kia bật cười với vẻ hơi ngại ngùng tí, và bảo: “nó nói chơi đó bác ơi”. Bút Bi tình cờ có mặt ở đó cũng bật cười. Mấy cô phục vụ trong quán cũng cười ầm lên. Ông già hiểu ra, hoạt bát hẳn lên, nói vài câu vui vẻ rồi chống gậy đi về.
Chỉ một ít tiền cho bát phở, cũng đủ làm ấm lòng một cụ già. Chỉ một chút tình yêu thương chia sẻ, cũng sẽ đủ làm cho con người xích lại gần nhau.
Có thể nói được rằng: Mỗi người Kitô hữu chúng ta, là một dấu chứng của tình yêu, mà chính Đức Kitô chịu đóng đinh, đã khắc ghi khi ta chịu Phép rửa tội. Cho nên, dấu chứng tình yêu trong ta, phải mang một ý nghĩa cao đẹp, có đủ Thanh dọc và Thanh ngang. Thanh dọc của thập giá: để vươn lên cao, yêu mến Thiên Chúa, còn Thanh ngang: để vươn ra xa, mà yêu thương mọi người.
Nếu có thanh dọc mà không có thanh ngang, thì đâu phải là cây thập giá. Nếu có mến Chúa mà không có yêu người, thì chưa phải là Kitô hữu.
Khi nào ta biết sống yêu thương, khi đó, trẻ thơ mới biết thế nào là trò chơi hòa bình. Khi đó, gia đình và xã hội mới có một tương lai tuyệt đẹp: Thay vì hận thù chia rẽ, người người sẽ sống hoà bình yêu thương.
Ước gì cuộc sống của ta được như vậy! Lạy Chúa, xin cho con biết yêu thương hết thảy mọi người, như yêu thương chính Chúa vậy. Amen.
Lm. Thái Nguyên
Luật Cựu Ước gồm 613 điều: 365 điều cấm làm và 248 điều phải làm. Giữa một rừng điều răn như thế, người thông luật đã hỏi Đức Giêsu: “Điều răn nào trọng nhất trong Luật Môsê?”. Ngài đã trả lời bằng một câu trong kinh Shema mà người Do thái đọc mỗi ngày, và một câu trong Sách Thứ luật là: phải yêu mến Thiên Chúa hết mình (Tl 6, 5), và yêu thương tha nhân như chính mình. (x. Lv 19, 18). Tất cả mọi điều răn được tóm trong một động từ “Yêu”. Tình yêu là cốt lõi của đời Kitô hữu, vì Thiên Chúa là Tình Yêu (x. 1 Ga 4,8).
Yêu và được yêu là nhu cầu tối hảo chi phối toàn diện đời sống làm người. Nơi mỗi người chỉ có một tình yêu duy nhất dành cho cả Thiên Chúa và cho mọi người. Sự tóm gọn này xuất hiện rõ rệt nơi thánh Gioan, là chuyên gia nói về “yêu”, mà thường không phân biệt đâu là yêu Thiên Chúa và đâu là yêu tha nhân. Tình yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân trong chúng ta đã hòa quyện nên một Vì thế, không thể yêu mến Thiên Chúa mà không yêu thương tha nhân, “vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy.” (1Ga 4, 20).
Ai cũng muốn yêu và muốn được yêu, nhưng mấy ai đã tập yêu và biết yêu? Yêu là bước vào một khung trời bao la luôn tươi mới, là mở ra một chặng đường dài trong sự dấn thân và không ngừng chinh phục chính mình. Đó là điều ít ai ý thức được nên thường lầm lạc và gây vấp phạm khi yêu. Chúng ta chẳng bao giờ thấy mình có thể yêu cho đủ, vì tình yêu vẫn luôn vẫy gọi ở phía trước, và đưa bước ta đi qua những nẻo đường luôn mới lạ. Giới hạn tình yêu là bóp chết tình yêu.
Đối với Kitô hữu, tiếp nhận Thiên Chúa và tiếp nhận tha nhân cũng như nhau (x. Mt 10, 40). Càng yêu thương tha nhân càng chứng tỏ mình yêu mến Thiên Chúa. Làm ơn cho tha nhân là làm cho chính Chúa. Mình với Chúa và tha nhân là một trong nhau, hay nói cách khác là Ba trong Một. Tình yêu Chúa mời ta mở lòng ra để đón nhận những tư duy mới, các khả năng mới như một cách thức của Lời Chúa. Khép kín trước thực tại hay bất cứ ai, là khép kín khả năng có thể tái sinh chính mình. Không thể rút lui khỏi cuộc đời để đi tìm kiếm Chúa.
Cần nghe tiếng Chúa nơi tiếng người khác, thấy bóng dáng Chúa nơi anh em, biết ý Chúa qua ý người bên cạnh, phục vụ Chúa bằng phục vụ tha nhân, sống với Chúa qua việc sống với mọi người. Chính nơi mỗi người, dù với diện mạo tầm thường và tính cách hèn kém, Thiên Chúa vẫn luôn có thể tỏ lộ cho ta huyền nhiệm của Ngài. Ta nên kính trọng và tập nhìn mọi người anh em bằng con mắt đức tin, để cảm nhận sự hiện diện của Chúa đang sống động trong từng người, và Ngài luôn có những điều muốn nói với ta trong mọi hoàn cảnh.
Người ta tìm thấy trong trang nhật ký cuối cùng của một vị tu sĩ già khi qua đời như sau: “Tôi đi tìm kiếm linh hồn tôi, nhưng tôi không thấy. Tôi đi tìm Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa vượt khỏi tầm tay tôi. Tôi đi tìm người anh em tôi, tôi đã gặp Chúa và linh hồn tôi”. Qua đó ta hiểu được khi từ chối tha nhân cũng là từ chối Thiên Chúa. Con người không thể gặp gỡ và yêu mến Thiên Chúa một cách mơ hồ, mà là nơi chính tha nhân. Thiên Chúa và tha nhân hòa hợp làm một trong cõi lòng ta. Ta yêu tha nhân trong Chúa, và yêu Chúa nơi tha nhân. Cầu nguyện là đặt mình trong Chúa để có thể yêu tha nhân đến vô cùng.
Trong Chúa, ta nhận ra tha nhân là anh em con một Cha, là hình ảnh Đức Kitô đang lê bước trong đời. Trong Chúa, ta nhận ra phẩm giá của một người, dù đó là một thai nhi, một phạm nhân hay người mất trí. Tình yêu mến Chúa đích thực luôn đưa ta đến với cuộc sống của anh em. Tình yêu thương anh em chân thực lại đưa ta đến bên Chúa, để kín múc nơi Ngài nguồn sinh lực hầu tiếp tục hiến trao. Cuối cùng tình yêu ấy quay trở về với chính Thiên Chúa như cùng đích tối hậu của nó, và như vậy phát sinh sự “hợp nhất” toàn hảo, mà Đức Kitô đã thực hiện giữa Thiên Chúa, chính Ngài và các kẻ tin (x. Ga 17, 21...).
Tóm lại, trong Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa và tha nhân đã hòa quyện làm một trong trái tim tôi. Yêu là ra khỏi cái tôi đóng kín và có khả năng cho đi chính mình. Con đường tình yêu là con đường dành cho những người thánh thiện, dám đặt Chúa lên trên hết, và dám cúi xuống để phục vụ anh chị em. Tình yêu đích thực biến tha nhân thành “một nửa của hồn tôi”. Tình yêu ấy làm cho chúng ta nên giống Đức Kitô, Đấng “yêu mến các kẻ thuộc về Ngài cho đến cùng” (Ga 13, 1).
Cầu nguyện
Lạy Thiên Chúa là Cha!
Cha đã yêu con trước từ muôn thuở,
đến bây giờ muôn kiếp chẳng hề vơi,
dù can qua hay vật đổi sao dời,
tình Cha vẫn rạng ngời cao sáng mãi,
cho con luôn hy vọng ở ngày mai.
Ngày hôm nay Cha gọi con vào đời,
không phải để làm được những điều chi,
mà là để con sống một cuộc tình,
là cuộc tình của chính Chúa Giê-su,
vì yêu thương nhân loại đã hiến mình.
Ai cũng thích yêu và muốn được yêu,
bởi vì là hạnh phúc của đời người,
con chưa thể nói được mình biết yêu,
nếu như con đã chưa từng được yêu.
Nhưng nếu như đời con muốn được yêu,
con cần phải trở nên thật đáng yêu,
để được yêu và biết yêu hơn nữa,
chứ không thể lần lữa hay chần chừ.
Xin dạy con mở rộng trái tim mình,
yêu cuộc đời yêu vạn vật khắp nơi,
yêu tha nhân như Chúa đã gọi mời,
yêu cao vời như Chúa đã yêu con.
Con chẳng thể làm được việc lớn lao,
như bao người có tài cao đức trọng,
cũng chẳng dám mơ cao hay ước rộng,
chỉ biết làm điều nho nhỏ Chúa mong.
Đó chính là tha thiết sống tình yêu,
để con được dâng hiến Chúa thật nhiều,
là điều mà đời con luôn còn thiếu,
nên con chưa giống Chúa được bao nhiêu,
xin cho con một tình mến cao siêu,
để mai ngày đạt tới phúc thiên triều. Amen.
Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy có một người thông luật đến hỏi thử Chúa Giêsu điều răn nào quan trọng nhất, Chúa Giêsu trả lời: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả Luật Mô-sê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy.” Sau đó Tin mừng không nói gì thêm.
Còn đối chiếu với tin mừng Macco thì cũng là một người trong số nhóm thông luật đến hỏi Chúa Giêsu và Ngài cũng trả lời y như vậy. Sau khi Chúa Giêsu trả lời, ông luật sĩ cũng đồng tình với câu trả lời của Chúa, ông nói: “Thưa Thầy, hay lắm, Thầy nói rất đúng. Thiên Chúa là Đấng duy nhất, ngoài Người ra không có Đấng nào khác. Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ.” Và Chúa Giêsu trả lời ông: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu!” (Mc 12, 28b-34).
Như vậy qua câu trả lời của Chúa Giêsu chúng ta thấy để có được Thiên đàng cần có lòng yêu mến Chúa và yêu mến anh chị em của mình, nghĩa là Thiên đàng thực sự của con người không đóng lại ở bản thân mình, nhưng có tương giao với Thiên Chúa và tha nhân, nếu không thì điều mà chúng ta nghĩ là thiên đàng, thật ra không phải là Thiên đàng.
Chúng ta hãy nhớ lại câu chuyện của anh thanh niên đến hỏi Chúa Giêsu làm thế nào để có được sự sống đời đời làm gia nghiệp, Chúa cũng chỉ anh phải giữ các điều răn, và bên cạnh đó là bán tất cả tài sản của mình để cho người nghèo, nhưng anh ta đã không làm được vì anh ta có nhiều của cải, nên không thể có được sự sống đời đời.
Bên cạnh đó, chúng ta được mời gọi suy tư thêm một điều nữa đó là chúng ta giữ luật Chúa ngoài việc để có được hạnh phúc thiên đàng, thì chúng ta còn giữ luật Chúa vì điều gì nữa hay không?
Nếu chỉ vì được lên Thiên đàng, để được hạnh phúc, vậy thì khi không còn được lên Thiên đàng, không còn hạnh phúc, chắc chúng ta sẽ không giữ luật của Chúa nữa.
Chúng ta hãy nhớ câu chuyện của Phêrô là một minh họa cho chúng ta, đó là khi anh thanh niên đến hỏi Chúa Giêsu làm gì có được sự sống đời đời, Chúa Giêsu mời gọi anh ta giữ các điều răn và bán tài sản cho người nghèo, anh ta buồn rầu bỏ đi, vì có nhiều của cải, lúc bấy giờ Chúa Giêsu mới nói: “Người giàu khó vào Nước Trời”, và Phêrô đã hỏi Chúa Giêsu: “thưa Thầy, phần chúng con, chúng con bỏ mọi sự mà theo Thầy chúng con sẽ được gì? (x. Mt 19,16-27). Nghĩa là với Phêrô, theo Chúa là để được cái gì đó, nếu không được sẽ không theo, và sự thật đã chứng minh, khi Chúa Giêsu bị bắt ông đã chối Chúa, và các môn đệ khác cũng bỏ Chúa mà về quê, một số thì sợ hãi đóng kín cửa.
Vậy theo Chúa vì điều gì, để có thể trung thành với Chúa?
Trong sách Giôsue có một chi tiết như là câu trả lời cho chúng ta, đó là ở đại hội Sikhem, Giôsue đã nói với dân chúng: “Bây giờ anh em hãy kính sợ ĐỨC CHÚA, hãy chân thành và trung tín phụng thờ Người. Anh em hãy vất bỏ các thần cha ông anh em đã phụng thờ bên kia Sông Cả và ở Ai-cập, và hãy phụng thờ ĐỨC CHÚA. Nếu anh em không bằng lòng phụng thờ ĐỨC CHÚA, thì hôm nay anh em cứ tuỳ ý chọn thần mà thờ hoặc là các thần cha ông anh em đã phụng thờ bên kia Sông Cả, hoặc là các thần của người E-mô-ri mà anh em đã chiếm đất để ở. Về phần tôi và gia đình tôi, chúng tôi sẽ phụng thờ ĐỨC CHÚA.”
Dân đáp lại: “Chúng tôi không hề có ý lìa bỏ ĐỨC CHÚA để phụng thờ các thần khác! Vì chính ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của chúng tôi, đã đem chúng tôi cùng với cha ông chúng tôi lên từ đất Ai-cập, từ nhà nô lệ, đã làm trước mắt chúng tôi những dấu lạ lớn lao đó, đã gìn giữ chúng tôi trên suốt con đường chúng tôi đi, giữa mọi dân tộc chúng tôi đã đi ngang qua. ĐỨC CHÚA đã đuổi cho khuất mắt chúng tôi mọi dân tộc cũng như người E-mô-ri ở trong xứ. Về phần chúng tôi, chúng tôi sẽ phụng thờ ĐỨC CHÚA, vì Người là Thiên Chúa của chúng tôi” (Gs 24, 14-18).
Chúng ta thấy dân chúng nói: “Chúng ta sẽ phụng thờ Đức Chúa, vì Người là Thiên Chúa của chúng tôi”, cũng vậy, chúng ta cũng hãy giữ các giới răn của Chúa, đặc biệt là hai giới răn quan trọng đó là mến Chúa và yêu người, vì đó là Chúa của chúng ta, và yêu thương anh em của chúng ta, chắc chắn khi chúng ta có được tâm tình như thế, chúng ta sẽ trung thành giữ luật của Chúa. Amen.