22/10/2024
172
Bài giảng Lễ Chúa Nhật XXX Thường Niên - Giáo phận Mỹ Tho




















GỢI Ý SUY NIỆM

LỄ CHÚA NHẬT XXX THƯỜNG NIÊN - NĂM B

Lời Chúa: Gr 31,7-9; Dt 5,1-6; Mc 10,46-52

Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy sự kiên định của anh mù Bartime.

Chúng ta thấy, giống như hai ly nước một ly nước có cặn cáu và một ly nước trong veo, ly nước cặn cáu chúng ta để đó một chút xíu nữa thì cặn nó lắng xuống nó cũng trong như ly nước trong kia.

Nhưng khi chúng ta cầm lên chúng ta lay động thì ly nước cặn cáu sẽ sẽ nổi cặn lên, còn lý nước trong thì cứ làm như thế nào đi chăng nữa thì nó cũng y như vậy.

Anh mù này cũng vậy, dù dân chúng có ngăn cản cách nào đi chăng nữa nhưng anh vẫn một lòng một dạ hướng về Chúa, chỉ mong Chúa chữa lành cho anh.

Còn đám đông dân chúng đi theo Chúa thì tâm hồn giống như ly nước đầy cặn cáu, ngăn cản rào đón người khác, khi được Chúa bảo đem anh ta đến thì thay đổi thái độ.

Nhưng sự kiên định của anh mù chỉ là sự kiên định vì để được Chúa chữa lành, nghĩa là để được điều gì đó, nên sự kiên định này chỉ ở mức trung bình.

Chúng ta thấy con người của chúng ta thường chỉ dừng lại ở sự kiên định như vậy mà thôi, mà nếu chỉ có kiên định như vậy thì chưa phải là kiên định thật sự, mà nó còn sự vướng mắc, vì nếu như Chúa không chữa lành thì sao? Thưa thì không còn kiên định nữa.

Giống như một trong những nguyên nhân mà Giuda bán Chúa đó là có người cho rằng ông là một người thuộc trường phái Zêlốt, đó là những người nhiệt thành về đạo. Nhóm này rất khao khát sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế. Như vậy, có lẽ ngay từ đầu, động cơ đi theo Chúa của Giuđa là vì ông nghĩ Ngài sẽ là Đấng đến để lập lại trật tự xã hội; để giải phóng con người theo nghĩa chính trị, bởi vì, lúc này đất nước Do Thái đang bị đế quốc Rôma thống trị. Và đây có thể là động cơ phía sau mà Giuđa bán Thầy, vì ông muốn dồn Thầy vào chân tường, để buộc Thầy phải đứng lên khởi nghĩa.

Vậy làm sao để có thể kiên định đây?

Thưa lòng phải hướng về Thiên Chúa, chúng ta hãy nhớ lại câu chuyện Chúa Giêsu chịu cám dỗ (Lc 4, 1-12). Chúa Giêsu đã chiến thắng các cơn cám dỗ nhờ hướng về Thiên Chúa Cha.

Hay nói một cách khác đó là con người cần phải biết mình, thánh Phaolo nói: Ai tưởng mình đứng vững coi chừng kẻo ngã, hay đừng giơ chân đạp mũi nhọn, giơ chân đạp mũi nhọn thì khốn cho các ngươi.

Chắc chúng ta đã nghe câu nói của người xưa: “Tọa hoài bất loạn”, ý chỉ người đàn ông chính trực, dù trong hoàn cảnh bị thử thách, ở trước cám dỗ của người phụ nữ mà tâm không nảy sinh ý đồ xấu. Câu thành ngữ này có liên quan đến một nhân vật tên là Liễu hạ Huệ như thế này:

Liễu Hạ Huệ là một người sống ở nước Lỗ vào thời Xuân Thu. Một hôm vào đêm đông giá rét, có một người phụ nữ vô gia cư đến nhà ông tìm nơi trú ẩn nhờ. Liễu Hạ Huệ lo ngại rằng cô gái này có thể sẽ chết vì lạnh, nên ông đã để cô vào trong nhà mình.

Hơn nữa, do tình trạng sức khỏe của cô gái ấy, ông đã để cô ngồi trên đùi, quấn áo mình quanh người của cô và áp cơ thể của cô vào mình để cô gái đỡ lạnh. Họ đã ngồi như vậy suốt đêm và ông đã không làm bất kỳ điều gì không đứng đắn. (Người quân tử gặp “sắc dục” mà tâm không bị nhiễu loạn. Trích nguồn trithucvn.co.)

Cũng từ câu chuyện này mà người ta lại kể một câu chuyện khác, đó là cũng có một người đàn bà trong một đêm mưa sấm sét, nhà bà ta bị sập không có nơi trú ngụ, người đàn bà này mới chạy đến nhà của một người đàn ông trong vung để xin tá túc nhưng người đàn ông này nhất quyết không cho vào, người đàn ông nói nam nữ thọ thọ bất tương thân, không thể cho vào được sợ tổn hại danh tiếng của cô, cô gái này nói chỉ xin vào trú mưa thôi mà, đâu có gì đâu mà phải sợ, người đàn ông nhất quyết không chịu. cuối cùng cô gái này mới lấy tích của Liễu Hạ Huệ ra để mà nói, ngày xưa Liễu Hạ Huệ không chỉ cho người ta vào nhà mà còn dùng thân thể để mà sưởi ấm nữa, mà ông ta đâu có động tâm đâu, anh hãy làm như Liễu Hạ Huệ đi.

Người đàn ông mới nói: Liễu Hạ Huệ khác, còn tôi khác, Liễu Hạ Huệ là bậc thánh nhân nên không động tà tâm, còn tôi, tôi chỉ là con người phàm nhân thôi, bây giờ tôi không có tà tâm, nhưng cho cô vào tôi động tà tâm thì biết làm sao đây, nên tốt nhất cô hãy đi nơi khác.

Câu chuyện này cho thấy người đàn ông biết mình là ai, và người ta đánh giá người đàn ông này ngang với Liễu Hạ Huệ, Liễu Hạ Huệ biết mình là ai nên đã làm như vậy, người đàn ông này biết mình là ai, nên đã không làm giống như Liễu Hạ Huệ.

Như vậy, để có thể kiên định chúng ta cần biết mình là ai, chúng ta cần biết mình cần gì, nếu không chúng ta sẽ không bao giờ kiên định được, nếu không cuộc đời của chúng ta chỉ giống như ly nước trong bên trên, nhưng bên dưới thì đầy những cặn cáu mà thôi. Amen.