GỢI Ý SUY NIỆM
LỄ CHÚA NHẬT XXVIII THƯỜNG NIÊN - NĂM B
Lời Chúa: Kn 7,7-11; Dt 4,12-13; Mc 10,17-30
Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy việc có một thanh niên giàu có đến với Chúa Giêsu để hỏi Chúa Giêsu: “Lạy Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sống đời đời?”.
Chúa Giêsu nói, anh phải tuân giữ các giới răn. Anh cho biết, anh đã giữ từ khi còn trẻ.
Sau đó, Chúa Giêsu nói một điều gì đó mà chàng không mong đợi, “Anh chỉ thiếu một điều, là hãy đi bán tất cả gia tài, đem bố thí cho người nghèo khó và anh sẽ có một kho báu trên trời, rồi đến theo Tôi”. Nghe vậy, anh buồn rầu bỏ đi, vì anh có nhiều của cải.
Chúng ta thấy ngay từ đầu người thanh niên này chỉ vì mình, đến để hỏi xem Chúa Giêsu làm gì để có được sự sống đời đời là vì mình, rồi giữ những điều luật từ thuở bé cũng là vì mình, vì giữ luật trọn thì đâu có đụng chạm đến người nào, chính vì thế khi Chúa Giêsu đề nghị anh bán tất cả tài sản cho người nghèo thì anh lại từ chối, nghĩa là cũng vì mình.
Hình ảnh của anh thanh niên này sống một cuộc đời chỉ biết vì mình, chúng ta cũng thấy nơi Phêrô cũng như các môn đệ khác, đó là sau câu chuyện đó, Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao!" thì Phêrô lên tiếng thưa với Chúa Giêsu: "Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy!", nghĩa là các môn đệ theo Chúa cũng là vì mình để được điều gì đó mà thôi.
Nhưng nói một cách công bằng thì chúng ta thấy khi con người sống vì mình thì cũng không có gì là sai cả, nếu chúng ta đi khảo sát, đi hỏi ý kiến thì ai cũng như vậy thôi, vì nếu không yêu mình, không vì mình thì làm sao có thể yêu người khác được, chính Chúa đã nói: “Hãy yêu người thân cận như chính mình”, nghĩa là yêu mình làm sao thì yêu người thân cận y như vậy. Chính vì thế, mà Chúa đã nói: “Không có tình yêu nào cao trọng bằng tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình”, yêu người thân thân như chính mình là được rồi, là tốt rồi, nhưng hy sinh mạng sống cho người mình yêu đó là một tình yêu cao cấp hơn nữa.
Nhưng đằng này người thanh niên chỉ có yêu mình mà thôi, chứ không yêu người thân cận.
Chúng ta thấy nếu như con người của chúng ta chỉ vì mình mà không vì người khác thì điều gì sẽ xảy ra?
Như trang tin mừng hôm nay nói là anh thanh niên bỏ đi, nghĩa là anh từ bỏ ước muốn có được sự sống đời đời, từ bỏ ước muốn có được hạnh phúc thiên đàng.
Còn ngược lại nếu vì người khác sẽ hưởng được hạnh phúc thiên đàng, sẽ được ơn cứu độ. Trong tin mừng Luca có câu chuyện của ông Dakeu ông không chỉ ao ước gặp Chúa, mà khi gặp được rồi, ông còn làm điều hơn điều mà Chúa đòi hỏi ông nữa, cụ thể là khi Chúa ngỏ ý muốn đến ở nhà ông thì ông nói: Tôi xin bán tất cả tài sản mình có mà cho người nghèo, còn tôi làm thiệt hại ai điều gì, thì tội xin đền gấp bốn, và Chúa đã nói với Dakeu: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham. Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất." (Lc 19,9-10).
Vậy làm sao để có thể sống vì mình, và sống vì người khác? Chúng ta thấy sở dĩ anh thanh niên giàu có chỉ biết nghĩ đến mình, vì anh ta không nghĩ rằng tất cả những gì anh ta có, anh ta giữ đều là của Chúa ban cho anh ta, 10 điều răn cũng là điều luật Thiên Chúa ban, của cải anh đang có cũng là Thiên Chúa ban, anh không nghĩ ra được điều đó nên chỉ muốn nắm giữ, không muốn để lại cho người khác.
Có một câu chuyện kể về một cụ già đang lom khom miệt mài làm việc trong vườn cây ăn trái, tình cờ ông chủ tịch xã đi ngang qua.
“Chào cụ. Chắc hẳn cụ đã nhiều tuổi lắm?” – ông chủ tịch lên tiếng.
“À, tôi năm nay gần trăm tuổi rồi đấy” – cụ già trả lời.
“Ồ! Thế mà cụ vẫn đang trồng cây ăn trái?”
“Đúng vậy” – cụ già gật đầu.
“Này cụ” – ông chủ tịch lắp bắp, rất đỗi ngạc nhiên – “Chắc là cụ không nghĩ mình sẽ được hái quả của những cây mà cụ đang trồng đấy chứ? Tôi không hiểu cớ gì cụ phải tự hành khổ mình như vậy?!”.
“Dĩ nhiên, đây là công việc nhọc nhằn. Nhưng ông thử nghĩ xem, khi tôi đến với cuộc đời này, thì lúc ấy đã có sẵn bao nhiêu thứ tốt lành chờ đón tôi. Tôi muốn khi mình từ giã cuộc đời này, cũng có sẵn nhiều thứ tốt lành đón chờ bao người khác.”
Nên chúng ta thấy, chỉ khi nào con người của mình nghĩ được rằng mình đã lãnh nhận quá nhiều, nghĩa là tất cả những gì mình lãnh nhận đều là do Chúa ban cho mình, thì lúc đó chúng ta mới sẵn sàng cho đi, mới sẵn sàng để lại những thứ tốt đẹp cho cuộc đời như bà cụ trong câu chuyện.
Chúng ta thấy, có những người trúng số cứ sài xả láng vậy, vì không phải tiền mình làm ra không biết cực, nên không biết trân trọng, còn chúng ta thì khác, chúng ta biết trân trọng, biết cho đi, biết để lại những điều tốt đẹp cho cuộc đời chứ không phải ăn chơi xả láng.
Xin cho chúng ta hiểu được như vậy để sẵn sàng cho đi, chẳng sàng giúp đỡ, biết để lại những giá trị tốt đẹp cho cuộc đời này, để cùng giúp nhau trong đời sống hằng ngày, và trong đời sống đức tin. Amen.
Lm. Đaminh Lê Minh Cảnh
Báo “Tuổi Trẻ Cười” có đăng một bài thơ, trong đó có một câu “châm biếm” khiến cho người đọc cảm thấy tức cười, vì thần thánh như bị xúc phạm. Đó là câu: “Ông Tiền, ông Phật, ông Tiên. Ba ông đứng cạnh, ông Tiền cao hơn. Nói như thế, có vẻ như Ông Tiên, Ông Phật bị “lép vế” so với ông “Tiền”. Đúng là trớ trêu, như người đời vẫn thường hay ví von: “Có tiền mua tiên cũng được”.
Dẫu cho, người ta có thể dùng “đồng tiền” để đổi lấy “ông tiên”, hay để làm mọi sự theo ý riêng của mình, nhưng thực tế, tiền không thể mua được niềm hạnh phúc thật ở đời này, và càng không thể mua được hạnh phúc đời đời ở đời sau.
Ta thử nghe “tâm sự” của một nhà tỷ phú nổi tiếng ở Mỹ, tên là Paul Getty. Với khối tài sản khổng lồ 4 tỷ đô la, mà ông vẫn không thể che đậy được tâm trạng đau buồn của mình. Có lần ông tâm sự rằng: “Tôi muốn dùng tài sản của tôi để đổi lấy một gia đình hạnh phúc, nhưng không thể, vì tôi đã bốn lần ly dị vợ”. Đúng là “Tiền” không thể mua được hạnh phúc cho một gia đình. Và rồi ông nói tiếp: “Để có được nhiều tiền, đôi khi tôi lại đánh mất tình yêu thường, sự chia sẻ, niềm hạnh phúc..., là những thứ quý hơn tiền bạc gấp bội phần.”
Giống như lời bài hát “Éo le cuộc tình” của tác giả Thái Khang, có câu: “Đâu phải có tiền mua được hạnh phúc, đâu phải tình yêu đổi lấy bằng tiền”. Phải chăng do “quá” chú trọng đến giá trị của đồng tiền, để rồi bản thân ông Paul Getty mang nặng trái tim khô cằn, sỏi đá. Dù cho có nhiều tiền, lắm của, nhưng lại thiếu bóng dáng của tình yêu thương, cuộc đời ông chẳng mấy khi vui, không hề hạnh phúc!
Tương tự như vậy, theo đoạn Phúc Âm mà chúng ta vừa nghe, Thánh Marcô kể: Đang lúc Chúa Giêsu đi đường, thì bỗng dưng có một chàng thanh niên “đại gia” giàu có, chạy đến trước mặt Chúa Giêsu, rồi quỳ gối xuống với thái độ rất tha thiết, anh hỏi Chúa rằng: “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?”(Mc 10,17). Khi nghe đến đây, tôi có cảm tưởng rằng: anh nhà giàu này muốn sở hữu thêm “sự sống đời đời” cho riêng mình. Rõ ràng anh rất thông minh, biết nhìn xa để lo cho cuộc sống tương lai của mình.
Trước tấm lòng khao khát hướng thiện của anh, Chúa Giêsu khuyên: “Anh không được giết người, không được ngoại tình, không được trộm cắp, không được làm chứng gian, không được làm hại ai, và hãy biết thờ cha kính mẹ.” (Mc 10,19). Lời khuyên của Chúa có vẻ như dư thừa đối với anh, khi nghe anh trình bày: “Thưa Thầy tất cả những điều đó, con đã giữ từ nhỏ rồi”.
Nghe nói thế, Chúa Giêsu lại có cảm tình và thương mến anh ta nhiều hơn. Bắt đầu, Chúa muốn hướng dẫn anh ta “bước đi” trên con đường trọn lành, khi ta nghe Ngài mở lời chỉ dẫn: “Vậy anh chỉ còn thiếu có một điều nữa thôi. Là hãy về bán những gì anh đang sở hữu, lấy tiền, bố thí cho người nghèo, rồi anh sẽ được một kho tàng trên trời, và anh sẽ được sự sống đời đời” (Mc 10, 21).
Tưởng chừng như dễ ăn, nào ngờ vừa nghe đến chữ “bố thí”, anh như bị sét đánh ngang tai, gương mặt ụ xuống, không cần suy nghĩ, đôi chân anh vội vàng bỏ đi không hẹn ngày gặp lại. Có lẽ, kể từ ngày đó, niềm vui trong lòng anh chợt vụt tắt, ước muốn sống đời đời của anh cũng mất dần theo thời gian. Bởi vì đối với anh cuộc sống là phải “gắn bó” với tiền bạc, chứ không phải là bỏ tiền ra giúp người nghèo khổ như Chúa Giêsu gợi ý.
Quả thật anh không dám chia sẻ “cái gọi là tình yêu thương” cho những người nghèo, không dám buông bỏ “của cải vật chất”, để đổi lấy sự sống đời đời. Thế nên, anh phớt lờ tiếng Chúa mời gọi.
Thực ra, nếu xét về khía cạnh cá nhân, thì anh thanh niên này là một người thành công trong cuộc sống. Anh thành công là bởi vì anh ra sức lao động, chịu đẫm mồ hôi với nhiều khó khăn lắm anh mới tích trử được một kho tàng nhiều của cải đến như thế. Còn xét về mặt đạo đức, anh là một chàng thanh niên hiền lành, tốt bụng theo một nghĩa nào đó, bởi vì Chúa Giêsu khá hài lòng về cách “giữ luật” của anh. Tuy nhiên, xét về “tinh thần dấn thân” làm môn đệ cho Chúa Giêsu, từ bỏ mọi sự (của cải vật chất) để đi theo Chúa, thì anh còn rất hạn chế, nếu không muốn nói là anh chưa có đủ tinh thần hy sinh. Vì đối với anh lúc này, đồng tiền gắn liền khúc ruột, nên khó từ bỏ lắm! Chính vì thế, Chúa Giêsu quay sang các Tông đồ, và khẳng định rằng: “Con lạc đà chui qua lỗ kim, còn dễ hơn người giàu được vào nước Thiên Chúa.” (Mc 10,25).
Qua câu chuyện “Chàng thanh niên giàu có trong Phúc âm”, ta rút ra được bài học là: “Của cải vật chất” là rào cản con đường dẫn đến Nước Trời của chàng thanh niên, như muốn nhắc lại Lời Chúa Giêsu: "Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo" (Mt 16, 24).
Nói đến đây, tôi nhớ đến câu chuyện kể về ông Tỷ phú Bill Gates rằng: Có lần, lúc Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận còn sống, ngài có nhắc nhở ông Bill Gates bằng một câu thế này: “Sự văn minh giàu có đích thực là không để ai ở lại phía sau”. Tức là, hãy đưa cả những người nghèo khổ cùng tiến lên phía trước. Ông Bill Gates trả lời: “Sẽ có một ngày, tôi trả lại cho thế giới những gì mà tôi đã thu lại hôm nay”. Câu nói của Đức cố Hồng Y Thuận, như đánh thức lòng nhân ái của ông Bill Gates, nên vào năm 1994, ông bán số cổ phiếu của Tập đoàn Microsoft (Vi tính) để tạo một ngân sách cho “Quỹ từ thiện”, mang tên “Bill Gates”, công khai hoạt động lớn nhất thế giới hiện nay. Số tiền trong ngân sách lên tới 28 tỷ đô la Mỹ. Hơn 90% tài sản, ông dành cho việc bác ái, từ thiện.
Rồi một câu chuyện khác: trong chuyến thăm mục vụ của Đức Giáo Hoàng tại Mỹ, phương tiện truyền thông đã vô tình quay được một hình ảnh đơn sơ, giản dị, khiêm tốn và gần gũi của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, khi ngài chỉ tay vào những em bé và những người khuyết tật, và nói: “Đây là những người quan trọng nhất”. Và rồi, ngài thể hiện một tình yêu và lòng thương xót đối với họ bằng những cái hôn đầy tình thương và lòng nhân ái.
Ước gì từ hình ảnh người thanh niên giàu có trong Tin Mừng, cũng như những câu chuyện thực tế trong đời thường, ta có thể rút ra cho mình một phương châm để sống, mà tôi dựa vào câu thơ trong tờ báo “Tuổi trẻ cười” rồi tự chế ra rằng: “Ông tiền, ông phật, ông tiên. Ba ông đứng cạnh, ông tiền thấp hơn”.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con đừng quá chú trọng đến của cải vật chất, mà hãy biết hy sinh, dám từ bỏ cái thuộc về mình, sẵn sàng bước theo con đường Chúa mời gọi, làm môn đệ cho Ngài và đem niềm vui đến cho người khác. Amen.
Lm. Thái Nguyên
Qua bài Tin Mừng, ta thấy người thanh niên có đời sống luân lý thật tốt. Anh ta còn cả một ước mơ cao vời là muốn có “được sự sống đời đời làm gia nghiệp”. Một thanh niên có được đời sống tốt lành như vậy trong xã hội hôm nay quả thật rất hiếm. Bao nhiêu thông tin hằng ngày cho thấy bộ mặt giới trẻ thật đáng ngại: trong đời sống luân lý thì phóng túng; trong quan hệ tình yêu thì gian dối; trong giao dịch kinh tế thì mánh mung lừa đảo; trong bổn phận thì thiếu trách nhiệm; trong việc chung thì đùn đẩy; trong học hành thì đối phó, gian lận… Những gì là đạo đức, hiền lành, chân thật, dường như không còn nữa.
Đối với phái nam như trung, hiếu, hay nhân, lễ, nghĩa, trí, tín, xem ra đã lạc hậu; đối với phái nữ thì công, dung, ngôn, hạnh, có lẽ đã lỗi thời. Có nhiều lý do bức bách giới trẻ, làm cho họ bị tha hóa. Đúng hơn đó là hậu quả của một xã hội hay một lối sống vô thần, chỉ biết gia tăng kinh tế mà không biết gia tăng đạo đức, chỉ biết tôn thờ khoa học kỹ thuật mà không biết đến Đấng chí tôn, nên tạo ra một lớp người hỗn loạn, yêu cuồng sống vội, nóng ruột kiếm tiền, mê man hưởng thụ, và sẵn sàng đánh đổi tất cả để có được những gì mình muốn. Trong bối cảnh như vậy, chủ nghĩa duy lợi lên ngôi, là con đẻ của chủ nghĩa duy vật. Nhưng dù sao thì mỗi người vẫn có tự do để sống cuộc đời mình, không thể đổ trách nhiệm cho xã hội hay một lớp người nào.
Dù sao giữa đám rừng vẫn có những bông hoa đẹp như người thanh niên trong bài Tin Mừng hôm nay. Gặp được Đức Giêsu, anh ta vui mừng hỏi… Nghe Đức Giêsu trả lời, anh ta càng vui mừng hơn vì thấy mình đã sống tốt mọi đòi hỏi của giới luật. Nhưng khi nghe Đức Giêsu mời gọi từ bỏ tất cả để đi theo Ngài… thì anh ta sa sầm nét mặt xuống, và buồn rầu bỏ đi. Không những thế mà xem ra anh ta còn có đau sâu hơn, vì thấy mình có lý tưởng sống mà lại không sống lý tưởng. Anh anh ta bị tiền của trói buộc, không có can đảm thoát ra. Biết rằng sự sống đời đời là trên hết, nhưng đành thúc thủ. Anh ta rất buồn và Đức Giêsu cũng thật buồn. Tình huống đáng buồn này sẽ còn tái diễn mãi mỗi khi ta yêu mình hơn yêu Chúa, yêu của cải hơn yêu con người.
Đức Giêsu cho thấy người giàu có khó vào Nước Thiên Chúa biết bao! Vào thời Chúa Giêsu, giàu có được coi là một phúc lành, vậy mà Ngài lại coi đây là một cản trở nguy hiểm. Của cải tiền bạc dễ làm người ta khép kín trước Thiên Chúa và tha nhân. Trong một sứ điệp Mùa Chay, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng: “Việc coi trọng tiền bạc quá đáng không những làm ta xa lìa tha nhân nhưng còn làm cho con người mình trở nên trống rỗng, bất hạnh, sống ảo tưởng, vì đã thay thế Thiên Chúa bằng các của cải vật chất. Làm sao ta có thể hiểu được lòng nhân từ của Thiên Chúa nếu tâm hồn ta đầy tự mãn và những dự phóng riêng của mình, tưởng mình có thể đảm bảo tương lai cho mình?”
Bi kịch của thanh niên trong Phúc Âm cũng là bi kịch của mỗi người chúng ta, vì ai cũng từng bị giằng co giữa ước mơ bay cao và sự kéo ghì của vật chất, giữa lý tưởng và thực tế, giữa cao thượng và tầm thường. Không thể có chuyện lựa chọn mà lại không từ bỏ, muốn được mà lại không chịu mất. Không chịu mất điều chi thì cũng chẳng được điều gì. Cuộc sống là một cuộc trao đổi, cái gì cũng phải trả giá. Đó là quy luật tự nhiên của đời sống con người, những gì đi ngược lại sẽ bị đào thải. Không biết người thanh niên giàu có này sẽ như thế nào, nhưng trước mắt khó mà hạnh phúc, cho dù nỗi buồn kia anh ta có tìm cách quên đi, nhưng sự khao khát vô biên vẫn không ngừng ray rứt.
Theo Đức Giêsu không chỉ dừng lại ở chỗ ăn ngay ở lành, chu toàn mọi bổn phận và các đòi hỏi của đời sống luân lý, chẳng bao giờ làm điều gì xấu… mà điều quan trọng là bước đi theo Chúa mỗi ngày. Mà để theo Chúa, thì cần phải sống tinh thần từ bỏ, không chỉ không ham mê vật chất tiền tài danh vọng, mà còn biết dâng hiến đời mình cho Chúa một cách nào đó theo ơn gọi và bậc sống của mình.
Theo Đức Giêsu là chấp nhận mọi tình trạng, có thể là trắng tay, nhưng lạ thay lại được gấp trăm ngay từ đời này. Đó là điều mà Ngài đã quả quyết với các môn đệ, nhưng điều cao quí nhất vẫn là sự sống đời đời, là chính Thiên Chúa. Thực ra, người theo Chúa mất quá ít mà được thì quá nhiều. Thân phận con người ngay từ bản chất cũng đã gắn liền với mất mát và khổ đau, nên dù có bị ngược đãi hay bách hại vì Chúa Giêsu thì cũng chẳng đáng là gì. Thánh Phaolô đã nói lên điều đó:“Những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta.” (Rm 18, 18).
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu!
Là người ai cũng ươm mơ dệt mộng,
ai cũng muốn sống an vui và hy vọng,
đều muốn đạt được những ước mong,
Chúa còn đặt nơi lòng người một khát vọng,
muốn sống hoài trong hạnh phúc hiệp thông.
Như người thanh niên giàu đã hỏi Chúa,
phải làm gì để được sống đời đời?
Nghe Chúa trả lời, anh ta chới với,
vì phải bán hết của cải đem bố thí,
rồi lên đường và tiến bước theo Ngài.
Biết rằng sự sống đời đời là trên hết,
nhưng anh không muốn bị mất hết,
nên lặng lẽ cúi đầu rồi quay gót,
anh rất buồn và Chúa cũng thật buồn.
Tình huống này sẽ còn luôn tái diễn,
khi con yêu thân mình hơn yêu Chúa,
yêu của cải hơn yêu con người,
yêu đời này hơn sự sống đời sau.
Thực tế từng ngày con theo Chúa,
cuộc đời con vẫn có những giằng co:
ước mơ bay cao và vật chất kéo ghì,
muốn cho đi nhưng cũng muốn giữ lại;
muốn dâng trao nhưng cũng muốn thu vào,
nên tim con vẫn có những xuyến xao.
Xin cho con có được lòng can đảm,
bán dần đi mọi sở hữu trong đời,
biết dâng trao trên con đường đi tới,
dám bước theo chân Chúa khắp mọi nơi,
như Chúa vẫn kêu mời và mong đợi,
vì duy Ngài là tất cả Chúa ơi! Amen.
Lm Trầm Phúc
Chúa Giêsu đang đi trên đường, một chàng thanh niên đến quì xuống trước mặt Ngài và nói : “ Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp ?” Một câu hỏi rất chí lý. Chàng thanh niên nầy tỏ ra rất khiêm tốn. Anh đến với Chúa Giêsu và quì gối trước mặt Ngài. Câu hỏi của anh chứng tỏ anh đang mong ước sống một đời sống đạo đức chân chính. Chúa Giêsu đáp trả bằng cách nói với anh về mười giới răn. Và anh đã nói rằng anh đã giữ mười giới răn từ thuở còn bé. Một người tốt như thế không nhiều đâu ! Chúa Giêsu nhìn anh và đem lòng yêu mến. Ngài nói với anh : “ Anh chỉ còn thiếu môt điều thôi, hãy đi bán hết của cải của anh và phân phát cho người nghèo rồi đến đây theo Ta”.
Chàng thanh niên đó chỉ thiếu một điều thôi. Còn chúng ta, chúng ta chắc còn thiếu rất nhiều. Hãy nhìn vào tâm hồn chúng ta xem chúng ta còn thiếu điều gì ? Có mấy khi chúng ta dám nhìn thẳng vào tâm hồn chúng ta để biết chúng ta đang còn thiếu điều gì ?
Chúa Giêsu nhìn chàng thanh niên tốt lành ấy và đem lòng thương. Ngài nói với anh : “ Anh chỉ còn thiếu một điều thôi. Hãy đi bán hết những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng ở trên trời. Rồi hãy đến đây theo Tôi”. Nghe lời ấy, chàng thanh niên sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh có nhiều của cải. Anh không đủ can đảm để bước thêm một bước nữa.
Còn chúng ta ? Chúng ta dám bỏ mọi sự để theo Ngài không ? Chúa không đòi hỏi chúng ta bỏ mọi sự để theo Ngài, điều Ngài mong ước là chúng ta dám yêu Ngài hơn mọi của cải hay người thân. Ngài phải được yêu trên hết mọi sự. Ngài đã từng nói : “ Ai muốn theo Tôi, phải bỏ mình, vác thập giá mà theo”.
Chàng thanh niên đi rồi, Chúa Giêsu mới cho các môn đệ thấy, sự nguy hại của tiền bạc của cải. Thế giới hôm nay chỉ biết lo gom cho thật nhiều tiền bạc của cải mà quên đi hạnh phúc đời đời. Người ta chỉ lo xây dựng nhà cửa thành thị mà quên rằng mọi sự chỉ là tro bụi. Những cơn bão đang hoành hành khắp nơi trên thế giới cho chúng ta thấy điều đó. Nhưng người đời thích thứ tro bụi nầy hơn mọi thứ. Đồng tiền hôm nay đang làm vua trong thế giới. Có tiền thì mua tiên cũng được cơ mà !
Nhưng đối với Chúa Giêsu thì khác. Chúng ta sống ở đời nầy là để chuẩn bị cho mai sau. Hạnh phúc của chúng ta không ở trong đời tạm nầy, nhưng là ở trong Chúa. Nhưng cám dỗ của tiền bạc vẫn là một đe doạ hằng ngày cho người tín hữu và nhiều người đã thờ tiền hơn thờ Chúa. Chính Chúa đã nói : “ Vào Nước Trời khó biết bao ! Con lạc đà chui qua lỗi kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Trời”. Chỉ có Chúa mới giúp chúng ta vào Nước Trời, mới mở cho chúng ta con đường vào Nước Trời. Và Chúa Giêsu đã dùng một phương tiện hết sức lạ lùng để dẫn đưa chúng ta vào hạnh phúc của Ngài. Chính Ngài trở nên nghèo khó đến tột cùng để cho chúng ta kho tàng của Ngài. Kho tàng đó chính là Ngài. Ngài cho chúng ta ăn lấy Ngài, nuốt Ngài vào trong chúng ta. Ăn lấy Ngài để làm gì ? Thánh Phaolô đã thấy rõ điều đó. Ngài nói : “ Chúa Giêsu đã lấy cái nghèo của Ngài để làm cho chúng ta sung mãn”. Phải, chỉ có Chúa mói là sự giàu có sung mãn của chúng ta mà thôi. Cầu xin cho chúng ta luôn chọn Ngài, sống với Ngài liên lỉ để nhờ đó, Ngài sẽ dẫn chúng ta vào tình yêu của Ngài. Lúc đó chúng ta mới biết được tình yêu Chúa ngọt ngào sung mãn như thế nào. Lúc đó, chúng ta sẽ không còn ước mơ điều gì khác mà chỉ mong yêu mến Chúa mà thôi.