GỢI Ý SUY NIỆM
LỄ CHÚA NHẬT XXVII THƯỜNG NIÊN - NĂM B
Lời Chúa: St 2, 18-24; Dt 2,9-11; Mc 10,2-16
KÍNH TRỌNG THỂ ĐỨC MẸ MÂN CÔI
Lời Chúa : Lc 1,26-38
Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay có hai phân đoạn, phân đoạn thứ nhất là câu hỏi về có được phép ly dị hay không của người do thái và câu trả lời của Chúa Giêsu.
Phân đoạn hai là nói về việc đón tiếp trẻ nhỏ.
Nếu đọc sơ qua chúng ta thấy hai phân đoạn này dường như rời rạc nhau.
Nhưng nếu tìm hiểu sâu thì hai phân đoạn này có mối liên hệ với nhau, vậy nó liên hệ ở chỗ nào?
Phân đoạn 1 nói về việc ly dị mà luật Môse cho phép, sách đệ nhị luật cho biết: “Nếu một người đàn ông đã lấy vợ và đã ăn ở với nàng rồi, mà sau đó nàng không đẹp lòng người ấy nữa, vì người ấy thấy nơi nàng có điều gì chướng, thì sẽ viết cho nàng một chứng thư ly dị, trao tận tay và đuổi ra khỏi nhà. Ra khỏi nhà người ấy, nếu nàng đi lấy chồng khác, mà người chồng sau lại ghét bỏ nàng, viết cho nàng một chứng thư ly dị, trao tận tay và đuổi ra khỏi nhà, hoặc nếu người chồng sau đã lấy nàng làm vợ mà chết, thì người chồng đầu tiên đã đuổi nàng đi không thể lấy nàng làm vợ một lần nữa, sau khi nàng đã ra ô uế. Đó là điều ghê tởm trước nhan ĐỨC CHÚA; anh (em) không được làm cho miền đất mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), ban cho anh (em) làm gia nghiệp, phải mang tội.” (Đnl 24,1-4).
Như vậy nguyên nhân của ly dị là do người do thái lòng chai dạ đá, hay nói cách khác ly dị mà một cách thức không chấp nhận người khác, muốn đẩy người khác ra khỏi cuộc đời của mình, để mình được tự do.
Còn phân đoạn thứ hai thì Chúa Giêsu dạy phải đón tiếp trẻ nhỏ, đón tiếp trẻ nhỏ không chỉ là đón tiếp các em ở sự dễ thương mà đón tiếp sự trái tính trái nết của các em, để biến đổi cái trái tình trái nết đó thành thuận tính thuận nết.
Bên cạnh đó, ở phân đoạn 2, Chúa Giêsu cũng mời gọi phải có tâm tình của trẻ thơ, chúng ta biết trẻ thơ thì nó cần điều gì? Thưa nó cần người khác đón nhận mình, nên có tâm tình của trẻ thơ là nghĩ chính mình cần được người khác đón nhận, chứ đừng nghĩ rằng người khác cần mình đón nhận.
Tâm tình của trẻ thơ là tâm tình của sự dễ thương mà làm cho người ta không thể từ chối được, hay người lớn phải hồi tâm chuyển ý về tâm tình vô tư của trẻ con.
Có một câu chuyện kể về một người phụ nữ đi chợ ngang qua hàng ăn thấy một bé trai khoảng bốn tuổi cứ nắm áo mẹ thút thít khóc tôi ngạc nhiên đứng lại nhìn.
- Có ăn không thì bảo ? Người mẹ quát to
Đứa bé lắc đầu - Con không ăn, con ghét mẹ.
- À không ăn thì mẹ mua cho bố đừng có mà đòi phần nhé !
Hai chân dậm liên tục, cháu nức nở khóc - Mẹ mua phần cho bà Nội rồi con mới chịu.
Chị ta lắc đầu - Nhưng hết tiền rồi, không đủ mua cho bà Nội.
Cháu chỉ vào chiếc bóp - Còn nhiều trong này, con thấy rồi mẹ đừng nói dối, bà Nội dặn con không được nói dối . .. Con biết bà nội rất thích ăn phở.
Tự nhiên tôi thấy mặt người phụ nữ giãn ra, không còn giận dữ như lúc đầu, đưa tay xoa đầu con chị nói với người bán phở - Gói thêm cho tôi một phần nữa nhé !
Đứa bé vừa khóc vừa hỏi - Mẹ mua cho ai ?
Người mẹ cười -Mẹ mua cho bà Nội.
Cháu ôm chầm hai chân của Mẹ reo lên- Con thương Mẹ nhất...
Tôi quay đi mà nước mắt bỗng rơi. Ôi tấm lòng đứa trẻ đã lay động người con dâu vô tình với mẹ chồng làm cho mọi người đang ngồi ăn quanh đó chắc cũng có người bừng tỉnh... Thế đấy ! Đừng tưởng con nít không biết gì nhé.
(Hay chuyện xin cha để cái sọt lại)
Nên chúng ta thấy tâm tình của trẻ thơ là như vậy vô tình, vô tư, nhưng đôi lúc cũng hữu ý, cũng đánh động tâm hồn của người khác.
Trở lại vấn đề của chúng ta, như thế hai phân đoạn kết nối với nhau đó là phân đoạn thứ hai như là cách thức, là phương pháp mà Chúa Giêsu giúp cho con người sống tương quan gia đình của mình, nếu như ở trên ly dị là đẩy người khác ra khỏi cuộc đời của mình, thì bên dưới là đón nhận người khác, phải làm cho mình thấy mình thật sự cần người khác, và để như vậy cần có tâm tình của trẻ thơ, cần đón nhận trẻ thơ, như đón nhận Chúa.
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta có được tâm tình đó, để sống điều Chúa dạy không chỉ trong đời sống hôn nhân gia đình, mà còn trong mọi hoàn cảnh sống của cuộc đời của mỗi người chúng ta, để đời sống của chúng ta sinh được nhiều hoa trái tốt đẹp. Amen.
Lm Trầm Phúc
Hôm nay Giáo Hội tôn vinh Mẹ Maria trong mầu nhiệm Mân Côi. Chúng ta vui mừng tạ ơn Chúa vì Mẹ là một hồng ân cao quí mà Chúa đã ban cho chúng ta. Mẹ là Mẹ Chúa Giêsu đồng thời cũng là Mẹ chúng ta. Vinh dự cho chúng ta biết bao khi chúng ta được Mẹ làm Mẹ chúng ta ! Chúng ta làm Ngài vui khi chúng ta nhìn ngắm Chúa Giêsu qua trung gian của Mẹ. Chúng ta không những chiêm ngắm Chúa Giêsu mà thôi, chúng ta bước theo Ngài từng bước trên con đường Ngài đi, từ khi thiên thần loan báo cho Mẹ ý định của Chúa Cha chọn Mẹ làm Mẹ Ngài cho đến khi Mẹ được đưa lên trời vinh hiển. Chúng ta cùng đi với Mẹ qua những niềm vui thánh thiện, qua những đau buồn của cuộc tử nạn và cái chết nhục nhã của Chúa, qua niềm vui phấn khởi của việc phục sinh và lên trời. Có thể nói, kinh Mân Côi giúp cho chúng ta sống lại với Mẹ, những biến cố của cuộc đời trần thế của Chúa, nhờ đó, cuộc đời của chúng ta thấm nhập càng ngày càng sâu những tâm tình của Mẹ và nhờ Mẹ chúng ta càng cảm thấy tình yêu Chúa rõ nét trong cuộc đời chúng ta hơn.
Chúng ta thấy rằng mọi sự đều tốt đẹp, nếu chúng ta trung thành lần chuỗi Mân Côi. Nhưng mọi sự đều có giá của nó. Lần chuỗi, đối với tu sĩ là một việc không khó vì họ có đủ thì giờ. Nhưng đối với những người có gia đình, nghèo đói, đông con là cả một hy sinh lớn. Nhưng chúng tôi nhìn thấy một số các bà mẹ luôn có tràng chuỗi trên tay. Rảnh một chút là lần chuỗi.
Nếu chúng ta yêu mến Mẹ Maria thật lòng thì việc lần chuỗi là một niềm vui. Chúng ta luôn gần bên Mẹ, làm việc gì cũng làm với Mẹ. Gặp khó khăn, chúng ta chạy đến với Mẹ. Với Mẹ, chúng ta trở thành tôi tớ Thiên Chúa như Mẹ đã thưa với thiên thần ngày nào.
Lần chuỗi Mân Côi, chúng ta lặp đi lặp lại những lời của thiên thần truyền tin cho Mẹ, những lời của bà Êlisabet chào mừng Mẹ khi Mẹ đến thăm bà. Chúng ta tưởng nhớ đến cuộc đối thoại đầy khôn ngoan và lòng khiêm tốn của Mẹ với thiên thần. Mẹ tự xem mình như nữ tỳ của Thiên Chúa mà thôi. Xin Mẹ cho chúng ta biết noi gương Mẹ trong đời sống hằng ngày của chúng ta, luôn tuân phục ý Chúa như Mẹ.
Một điều đáng ghi nhớ là Mẹ được đầy ơn phước, nhưng hơn thế nữa Mẹ được đầy ơn Thánh Thần : Thiên thần nói với Mẹ : “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà”. Chúng ta xin Mẹ giúp chúng ta luôn trung thành với Thánh Thần vì nếu không nhờ Thánh Thần, chúng ta không thể nào trung thành với Chúa được.
Chúa Giêsu, Đấng đã nhờ Mẹ đến trong trần gian, vẫn luôn đến với chúng ta. Ngài mặc lấy thân phận hèn mọn của chúng ta để cứu vớt và trở nên nguồn hạnh phúc bất diệt cho chúng ta. Hôm nay, Ngài vẫn có mặt để ban cho chúng ta một hồng ân cao quí, đó là thịt máu Ngài làm của ăn. Xưa kia, Ngài xuống thai trong lòng Mẹ Maria, thì hôm nay, Ngài đến với chúng ta, nhập thể trong mỗi người chúng ta như xưa Ngài đã nhập thể trong Mẹ Maria. Hãy vui mừng đón tiếp Ngài với tâm tình khiêm nhượng và yêu mến như Mẹ đã đón tiếp Ngài. Đó là nguồn hạnh phúc hiện nay của chúng ta.
Lm. Đaminh Lê Minh Cảnh
Vào thế kỷ 13, bè rối Albigeois nổi lên ở miền nam nước Pháp, gây nhiều thiệt hại cho Giáo hội. Và theo truyền thuyết, chính Đức Mẹ đã hiện ra và truyền dạy thánh Đa Minh phép lần hạt Mân côi, như là một phương cách tuyệt vời để cảm hóa bè rối này. Kết quả, chỉ sau một thời gian ngắn với việc quảng bá lần chuỗi Mân côi, thánh Đa Minh đã đưa được 150.000 người theo bè rối trở về với Giáo hội. Và đó chính là nguồn gốc của kinh Mân Côi.
Tiếp đến, vào thế kỷ 16, vua Thổ Nhĩ Kỳ đem một đạo quân Hồi giáo khổng lồ, đến xâm chiếm cả Âu Châu. Ông vua này tuyên bố rằng: Ông sẽ biến đền thờ thánh Phêrô thành chuồng ngựa. Trước sự tấn công như vũ bão của quân Hồi giáo, các ông vua Công Giáo ở Châu Âu, đã phải liên kết với nhau để chống lại. Khi đó, Đức Giáo Hoàng kêu gọi giáo dân ăn chay, cầu nguyện; đặc biệt là lần chuỗi Mân côi. Và cuối cùng, dân Công giáo đã chiến thắng Hồi giáo, tại vịnh Lépante. Để cám ơn Đức Mẹ về cuộc chiến thắng lịch sử này, Đức Giáo Hoàng Piô V đã lập ra lễ kính Mẹ Mân Côi như hôm nay. Kể từ ngày lịch sử đó, kinh Mân côi như trở nên một việc đạo đức quen thuộc đối với rất nhiều người giáo dân.
Tuy nhiên, theo thời gian, cuộc sống càng hiện đại, việc lần chuỗi Mân Côi trở nên ít dần, và thậm chí nhiều người không còn ham thích lần chuỗi Mân côi, một việc đạo đức truyền thống tốt lành này nữa?
Điều này, có phần đúng như lời một ông trùm nói với cha sở trong một câu chuyện đời thường:
- Thưa cha, chỉ tại cái tivi, (Điện thoại Smartphone quẹt quẹt), mà gia đình con không còn lần hạt chung với nhau vào mỗi tối nữa. Cuộc sống càng hiện đại, con người ta chỉ thích ngồi bên nhau để giải trí, tán ngẫu hơn là để đọc kinh và lần hạt. Có lần con nhắc con trai của con, khi đi xem lễ con nhớ vào nhà thờ sớm để cùng đọc kinh và lần hạt với cộng đoàn nha. Con cảm thấy đau lòng khi nghe nó trả lời: “đọc kinh lần hạt lâu quá, chán lắm. Đi lễ là con đợi cha bước ra bàn thờ thì con vào, còn khi cha vào phòng thánh thì con về. Khoẻ re như con bò kéo xe”. Ông trùm tâm sự với cha sở, trong tâm trạng vừa tiếc vừa thương cho đứa con của mình, thiếu một nền tảng đạo đức căn bản.
Lời tâm sự đầy tiếc xót này, phản ánh được phần nào thái độ tâm tình hiện nay của không ít người đối với việc đọc kinh Mân côi; tại gia đình cũng như ở nhiều xứ đạo, khiến chúng ta phải suy nghĩ.
Kính thưa quý ông bà và anh chị em,
Để phục hồi lại lòng tôn sùng kính mến Mẹ qua việc đọc kinh Mân côi, tôi thiết tưởng nên nhắc lại cho rõ những hiệu quả to lớn mà kinh Mân côi có thể đem lại cho chúng ta. Vậy chuỗi Mân côi đem lại những kết quả nào? Theo như lời của Cha Lacordaire:
- Con đường bảo đảm nhất để về trời là con đường của các bà già, bởi vì các bà luôn có cỗ tràng hạt trong tay.
- Ngày xưa, khi Đức Mẹ hiện ra tại Fatima với ba trẻ (Luxia, Phanxicô và Giaxinta), Đức Mẹ có hứa với cậu bé Phanxicô rằng: Phanxicô con sẽ được lên thiên đàng, nhưng con phải lần hạt thật nhiều trước đã.
Từ hai điều này, ta có thể nói: Những ai siêng năng lần chuỗi và sống kinh Mân côi càng nhiều; thì kinh Mân côi như là một báu vật, giúp cho chúng ta được phần rỗi linh hồn. Không những được phần rỗi ở đời sau, mà ngay từ đời này, kinh Mân côi còn đem lại cho chúng ta nhiều niềm an ủi và sự bình an trong cuộc sống. Tháng 10, là tháng Giáo Hội nhắc nhỡ giáo dân lần hạt, theo lời khuyên của Đức Mẹ Maria, để được ơn bình an trong tâm hồn.
Có một câu chuyện về hai ngôi làng có đạo gần nhau, tranh chấp với nhau về một mảnh đất giáp ranh. Thỉnh thoảng xảy ra những cuộc chiến tranh lạnh, chiến tranh nóng. Kẻ u đầu, người sứt trán. Cuối cùng cha xứ phải giải hòa và ngài dựng một tượng đài Đức Mẹ ở đó. Phía dưới có ghi một hàng chữ: Lạy Nữ Vương Hoà Bình, xin ban bình an cho chúng con. Thế là, giáo dân của hai làng, không ai dám to tiếng nữa, mà tự động mỗi tối quây quần bên nhau, lần hạt chung với nhau một cách vui vẻ.
Mỗi khi gặp khó khăn trong cuộc sống, ta cũng nên lặp lại lời nguyện này trong lòng, để xin Mẹ luôn phù hộ và chở che cho chúng ta: Lạy Đức Mẹ Mân Côi, là Nữ Vương Hoà Bình, xin ban bình an cho chúng con. Amen.