22/10/2024
813
Bài giảng Lễ Chúa Nhật XXX Thường Niên - Giáo phận Mỹ Tho




















GỢI Ý SUY NIỆM

LỄ CHÚA NHẬT XXX THƯỜNG NIÊN - NĂM B

Lời Chúa: Gr 31,7-9; Dt 5,1-6; Mc 10,46-52

Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy sự kiên định của anh mù Bartime.

Chúng ta thấy, giống như hai ly nước một ly nước có cặn cáu và một ly nước trong veo, ly nước cặn cáu chúng ta để đó một chút xíu nữa thì cặn nó lắng xuống nó cũng trong như ly nước trong kia.

Nhưng khi chúng ta cầm lên chúng ta lay động thì ly nước cặn cáu sẽ sẽ nổi cặn lên, còn lý nước trong thì cứ làm như thế nào đi chăng nữa thì nó cũng y như vậy.

Anh mù này cũng vậy, dù dân chúng có ngăn cản cách nào đi chăng nữa nhưng anh vẫn một lòng một dạ hướng về Chúa, chỉ mong Chúa chữa lành cho anh.

Còn đám đông dân chúng đi theo Chúa thì tâm hồn giống như ly nước đầy cặn cáu, ngăn cản rào đón người khác, khi được Chúa bảo đem anh ta đến thì thay đổi thái độ.

Nhưng sự kiên định của anh mù chỉ là sự kiên định vì để được Chúa chữa lành, nghĩa là để được điều gì đó, nên sự kiên định này chỉ ở mức trung bình.

Chúng ta thấy con người của chúng ta thường chỉ dừng lại ở sự kiên định như vậy mà thôi, mà nếu chỉ có kiên định như vậy thì chưa phải là kiên định thật sự, mà nó còn sự vướng mắc, vì nếu như Chúa không chữa lành thì sao? Thưa thì không còn kiên định nữa.

Giống như một trong những nguyên nhân mà Giuda bán Chúa đó là có người cho rằng ông là một người thuộc trường phái Zêlốt, đó là những người nhiệt thành về đạo. Nhóm này rất khao khát sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế. Như vậy, có lẽ ngay từ đầu, động cơ đi theo Chúa của Giuđa là vì ông nghĩ Ngài sẽ là Đấng đến để lập lại trật tự xã hội; để giải phóng con người theo nghĩa chính trị, bởi vì, lúc này đất nước Do Thái đang bị đế quốc Rôma thống trị. Và đây có thể là động cơ phía sau mà Giuđa bán Thầy, vì ông muốn dồn Thầy vào chân tường, để buộc Thầy phải đứng lên khởi nghĩa.

Vậy làm sao để có thể kiên định đây?

Thưa lòng phải hướng về Thiên Chúa, chúng ta hãy nhớ lại câu chuyện Chúa Giêsu chịu cám dỗ (Lc 4, 1-12). Chúa Giêsu đã chiến thắng các cơn cám dỗ nhờ hướng về Thiên Chúa Cha.

Hay nói một cách khác đó là con người cần phải biết mình, thánh Phaolo nói: Ai tưởng mình đứng vững coi chừng kẻo ngã, hay đừng giơ chân đạp mũi nhọn, giơ chân đạp mũi nhọn thì khốn cho các ngươi.

Chắc chúng ta đã nghe câu nói của người xưa: “Tọa hoài bất loạn”, ý chỉ người đàn ông chính trực, dù trong hoàn cảnh bị thử thách, ở trước cám dỗ của người phụ nữ mà tâm không nảy sinh ý đồ xấu. Câu thành ngữ này có liên quan đến một nhân vật tên là Liễu hạ Huệ như thế này:

Liễu Hạ Huệ là một người sống ở nước Lỗ vào thời Xuân Thu. Một hôm vào đêm đông giá rét, có một người phụ nữ vô gia cư đến nhà ông tìm nơi trú ẩn nhờ. Liễu Hạ Huệ lo ngại rằng cô gái này có thể sẽ chết vì lạnh, nên ông đã để cô vào trong nhà mình.

Hơn nữa, do tình trạng sức khỏe của cô gái ấy, ông đã để cô ngồi trên đùi, quấn áo mình quanh người của cô và áp cơ thể của cô vào mình để cô gái đỡ lạnh. Họ đã ngồi như vậy suốt đêm và ông đã không làm bất kỳ điều gì không đứng đắn. (Người quân tử gặp “sắc dục” mà tâm không bị nhiễu loạn. Trích nguồn trithucvn.co.)

Cũng từ câu chuyện này mà người ta lại kể một câu chuyện khác, đó là cũng có một người đàn bà trong một đêm mưa sấm sét, nhà bà ta bị sập không có nơi trú ngụ, người đàn bà này mới chạy đến nhà của một người đàn ông trong vung để xin tá túc nhưng người đàn ông này nhất quyết không cho vào, người đàn ông nói nam nữ thọ thọ bất tương thân, không thể cho vào được sợ tổn hại danh tiếng của cô, cô gái này nói chỉ xin vào trú mưa thôi mà, đâu có gì đâu mà phải sợ, người đàn ông nhất quyết không chịu. cuối cùng cô gái này mới lấy tích của Liễu Hạ Huệ ra để mà nói, ngày xưa Liễu Hạ Huệ không chỉ cho người ta vào nhà mà còn dùng thân thể để mà sưởi ấm nữa, mà ông ta đâu có động tâm đâu, anh hãy làm như Liễu Hạ Huệ đi.

Người đàn ông mới nói: Liễu Hạ Huệ khác, còn tôi khác, Liễu Hạ Huệ là bậc thánh nhân nên không động tà tâm, còn tôi, tôi chỉ là con người phàm nhân thôi, bây giờ tôi không có tà tâm, nhưng cho cô vào tôi động tà tâm thì biết làm sao đây, nên tốt nhất cô hãy đi nơi khác.

Câu chuyện này cho thấy người đàn ông biết mình là ai, và người ta đánh giá người đàn ông này ngang với Liễu Hạ Huệ, Liễu Hạ Huệ biết mình là ai nên đã làm như vậy, người đàn ông này biết mình là ai, nên đã không làm giống như Liễu Hạ Huệ.

Như vậy, để có thể kiên định chúng ta cần biết mình là ai, chúng ta cần biết mình cần gì, nếu không chúng ta sẽ không bao giờ kiên định được, nếu không cuộc đời của chúng ta chỉ giống như ly nước trong bên trên, nhưng bên dưới thì đầy những cặn cáu mà thôi. Amen.



Lm Trầm Phúc

Chúa Giêsu chữa cho một anh mù được sáng mắt. Đây là một trong những dấu chứng quyền năng của Ngài. Nhưng Ngài chỉ tỏ quyền năng đó của Ngài khi Ngài gặp được lòng tin vô điều kiện mà thôi. Ngài đã nói với những người tin Ngài: “Lòng tin của con đã cứu lấy con”.

Anh mù nầy, khi nghe tiếng người đi qua đông đảo thì hỏi xem tại sao có đông người như thế, và người ta nói cho anh biết rằng, ông Giêsu đang đi ngang qua, anh liền kêu lên: “Lạy ông Giêsu, Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi”. Người ta bảo anh im đi, nhưng anh càng la to hơn: “Lạy con vua Đavít, xin thương tôi”. Tước hiệu con vua Đavít trong Kinh Thánh là tước hiệu của Đấng Cứu Thế. Anh mù nầy tin rằng ông Giêsu là Đấng Cứu Thế khi anh gọi Ngài là con vua Đavít.

Lòng tin của anh đã được đền đáp. Chúa Giêsu dừng lại và truyền đưa anh đến với Chúa, Anh mừng quá, vứt cả áo choàng, đi đến với Chúa. Ngài hỏi: “Anh muốn tôi làm gì cho anh?" Anh đáp: “Thưa Thầy, xin cho tôi thấy được”. Anh mù nầy dám xin một điều mà không ai nghĩ tới. Anh có chắc rằng ông Giêsu nầy có thể làm cho anh thấy được không? Khi xin như vậy, anh mù đã tin rằng Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế.  Người nói: “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh”. Phải, chỉ có lòng tin mới cứu chúng ta. Chúng ta dám tin như anh mù nầy không?

Chúng ta không mù về phần xác, nhưng có thể chúng ta mù về phần tinh thần. Chúng ta mù khi chúng ta không thấy được tình yêu của Chúa đối với chúng ta. Chúng ta không thấy được những việc kỳ diệu Chúa làm cho chúng ta, nhất là trong bí tích Thánh Thể. Chúng ta ăn lấy Chúa hằng ngày mà chúng ta không cảm thấy gần Chúa hơn. Chúng ta mù khi chúng ta không thấy được bàn tay Chúa vẫn hoạt động che chở và hướng dẫn chúng ta. Chúng ta mù khi chúng ta không thấy được những nỗi khổ và sự nghèo đói của người thân cận, khi chúng ta không biết thông cảm với người anh em yếu đuối, khi chúng ta lên án người anh em.

Chúa Giêsu đã từng nói: “Ta là ánh sáng thế gian. Ai đi trong Ta sẽ không đi trong tăm tối, nhưng sẽ được ánh sáng ban sự sống”. Khi chúng ta ăn lấy Chúa, hãy xin Chúa mở mắt chúng ta, cả mắt tâm hồn và mắt thể xác, để chúng ta thấy rõ hơn những gì phải thấy và biết đứng dậy đi theo Chúa trên con đường Ngài đi, để chúng ta biết nhìn mọi sự như Chúa, để đời sống chúng ta chan hoà tình thương, để chúng ta biết thân phận bọt bèo của mình và tin cậy Chúa hơn.


 

Lm. Đaminh Lê Minh Cảnh

Kính thưa quý ông bà và anh chị em,

Nhạc sĩ Xuân Hồng sáng tác bài hát “Đôi Mắt”, với những ca từ rất dễ thương: Mẹ cho em, đôi mắt sáng ngời, để nhìn đời và để làm duyên. Mẹ cho em đôi mắt màu đen, để thương để nhớ, để ghen để hờn. Đôi mắt em là cửa ngỏ tâm hồn, là bài thơ hay nhất, là lời ca không dứt, là tuyệt tác của thiên nhiên.

Vâng, đôi mắt là tuyệt tác mà Thượng Đế ban tặng cho con người và nó trở thành một nguồn cảm hứng cho các thi sĩ làm thơ, và nhạc sĩ phổ nhạc. Cho nên, trong văn chương nghệ thuật, đôi mắt bao giờ cũng đẹp. Thế nhưng, trong Kinh Thánh đã có nhiều lần nói tới những đôi mắt mù.

Đọc lại những trang đầu của sách Sáng thế, khi con rắn cám dỗ bà Evà, với những lời đường mật và đầy hứa hẹn: Ngày nào, các ngươi ăn trái cấm, mắt các ngươi sẽ mở ra, các ngươi sẽ được bằng Thiên Chúa, và các ngươi sẽ biết tất cả mọi sự, điều tốt lẫn điều xấu. Lời dụ dỗ của Satan khá thuyết phục, và cũng rất hấp dẫn. Nhưng thực tế bằng Thiên Chúa đâu chẳng thấy, mà chỉ thấy rằng: Hai ông bà vừa ăn xong trái cấm, mắt của hai người mở ra để nhận biết rằng, mình đang trần truồng với một cảm giác thẹn thùng xấu hổ. Thánh Kinh diễn tả khá tinh tế là khi đôi mắt mở ra, cũng là lúc đóng lại. Mắt của ông Adong và bà Êva mở ra để đi tìm lá làm khố che thân và rồi sau đó khép lại không còn được nhìn thấy Thiên Chúa (mặt đối mặt) nữa. Đúng như lời tiên tri Isaia phán “các ngươi, có lắng tai nghe cũng chẳng hiểu, có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy, vì lòng ngươi đã ra chai đá rồi”.

Anh chị em thân mến,

Bước sang câu chuyện trong đoạn Tin Mừng Thánh Marcô, chúng ta vừa nghe kể lại câu chuyện về một người mù, anh tên là Batimê, ngồi ăn xin bên vệ đường. Đôi mắt thân xác của anh bị mù, không thấy đường do bẩm sinh, nhưng đôi mắt tinh thần của anh rất sáng. Vì anh tin rằng, Chúa Giêsu sắp đi ngang qua chỗ của anh là một Thiên Chúa đầy quyền năng, có thể chữa lành đôi mắt cho anh. Thế nên bằng mọi giá, dù anh bị đám đông ngăn cản không cho kêu tên, cũng như cản bước anh tới gần Ngài; nhưng càng cấm anh lại càng quyết liệt, muốn đến gần và la to hơn: “Lạy ông Giêsu, con vua Đavit, xin dủ lòng thương tôi”. Tiếng van xin đáng thương của anh, ẩn chứa một niềm tin mạnh mẽ, phá đỗ mọi hàng rào cản trở của đám đông, để rồi chạm được trái tim nhân hậu của Chúa. Ta thấy Chúa dừng lại và mời anh đến gặp. Được Chúa gọi, anh mừng lắm, chiếc áo choàng cần thiết cho những đêm trời lạnh giá, anh vứt bỏ chẳng cần nữa; điều quan trọng đối với anh bây giờ là gặp được Chúa Giêsu.

Gặp được Chúa Giêsu, sự khao khát, niềm ước mơ trong anh, như trở thành hiện thực. Chúa “giống như một ông bụt” đứng trước mặt anh ta và hỏi: “Con ước điều gì, con muốn điều gì?”. Không cần suy nghĩ anh ta thổ lộ ra điều mơ ước duy nhất của anh là được nhìn thấy. Điều anh xin, đối với Chúa là khá đơn giản, nhưng đối với anh lại cực kỳ quan trọng.

Chúa Giêsu hiểu rỏ lòng tin và sự khao khát trong anh, muốn có đôi mắt sáng. Nên Ngài không để anh ta chờ đợi một giây phút nào nữa, Chúa nói ngay: “anh hãy đi, lòng tin của anh đã chữa anh”. Thế là anh nhìn thấy được, và từ nay anh có một cuộc sống mới, không còn ngồi ăn xin ở bên đường nữa; mà là đứng lên, bước đi trên con đường theo Chúa rất tuyệt vời. Đúng không, thưa anh chị em, tuyệt vời vì từ nay cách sống của anh đã hoàn toàn thay đổi:

1- Tâm hồn luôn hướng lên cao để cảm tạ tình thương của Thiên Chúa được thực hiện, khi Chúa cho anh có đôi mắt sáng.

2- Thái độ luôn hướng về tha nhân, mở rộng tình anh em, liên kết mọi người bằng tình yêu thương, như Chúa Giêsu đã yêu thương anh.

3- Cái cách anh cảm nhận về thế giới vật chất cũng thay đổi, vì anh từ bỏ mọi sự để làm môn đệ cho Chúa Giêsu.

Kính thưa quý ông bà và anh chị em,

Nhìn vào cuộc sống thực tế hiện tại, với lối sống đầy đủ tiện nghi, dường như con người ta tự thỏa mãn với với những gì họ đang sở hửu, không biết hướng lên trời để cảm tạ ơn Chúa ban. Con người không muốn mở lòng ra với những người xung quanh bằng một tình người nên có, mà chỉ thích khép mình hưởng thụ vật chất trong cái vỏ sò ích kỷ của mình. Trong trường hợp đó, tôi tạm gọi là một người bị mù tâm linh. Bởi vì khi sống, mà không biết trời cao đất thấp, chẳng biết Thiên Chúa là ai? Và cũng hờ hửng, chẳng màng nhìn thấy những người sống bên cạnh; như thế, giống như là bức tranh đã nhuộm màu đen u tối và buồn bã, không còn ý nghĩa gì.

Thưa anh chị em,

Đời có bao nhiêu mà hửng hờ, cứ vui lên đi cho cuộc đời tươi sáng. Vì sự hạnh phúc, sự vui vẻ, không phải từ trời rơi xuống, mà do ta tạo ra. Khi biết đón nhận và trao ban những điều tốt đẹp, thì sẽ đón nhận những điều tốt đẹp như một định luật nhân quả “gieo trái nào, thì gặt quả đó. Gieo niềm vui sẽ nhận được niềm hạnh phúc”.

Giống như chuyện Mẹ Têrêsa Calcutta kể: “Có một người đàn ông bị phong cùi, sống một mình trong một túp lều nhỏ tối om. Ông xa lánh thế giới, và hận thù mọi người. Ngày đầu tiên tôi đến thăm, người đàn ông này không bao giờ muốn ra khỏi túp lều tăm tối của mình. Tôi tiến lại gần ông ta và đưa tay nâng ông ta đứng dậy, rồi dìu ông bước ra khỏi túp lều tăm tối đó. Vừa ra đến cửa, tỏ vẻ ngạc nhiên ông ấy la to lên: “Tôi thấy, tôi thấy và tôi đã thấy rồi!””.

Thưa anh chị em, hình ảnh Mẹ Têrêsa giúp một người đàn ông cô đơn và bệnh tật, sống trong tăm tối bước ra ánh sáng; một cách nào đó, diễn tả lại cách thức Chúa Giêsu chữa lành người mù, ở thành Giêrikhô.

Nhìn lại bản thân, đôi khi ta bị mù đôi mắt tâm linh cần được chữa lành, bởi ta đã từng vô cảm với những người xung quanh. Khi đó, ta nên bắt chước anh mù trong Tin Mừng mạnh dạn đến thân thưa với Chúa rằng: “Lạy Chúa, xin cho con nhìn thấy được thế giới chung quanh, để con góp phần tô điểm thêm cho cuộc sống, để mọi người biết ca tụng Chúa và biết yêu thương nhau hơn”. Amen.