24/09/2024
758
Bài giảng Lễ Chúa Nhật XXVI Thường Niên - Giáo phận Mỹ Tho




















GỢI Ý SUY NIỆM

LỄ CHÚA NHẬT XXVI THƯỜNG NIÊN - NĂM B

Lời Chúa: Ds 11,25-29; Gc 5,1-6; Mc 9,38-48


Lm Trầm Phúc

Các môn đệ Chúa Giêsu theo Chúa và cảm thấy như mình là những người có đặc quyền làm những việc lạ lùng như chữa bệnh, trừ quỉ. Vì thế, khi thấy người khác làm những việc đó thì ái ngại. Chúa Giêsu, ngược lại, Ngài không cảm thấy  bị thua thiệt khi thấy người khác làm những việc mà Ngài quen làm. Ngài không muốn giữ độc quyền về một vấn đề gì cả. Ai làm được việc gì tốt đều bởi Thiên Chúa.

Óc độc quyền nầy luôn ngự trị trong Giáo Hội. Những ai cầm quyền hay giữ một vai trò lãnh đạo nào dù là ca đoàn hay hội đoàn hay hội đồng giáo xứ đều sợ người khác tranh quyền. Vì thế, trong giáo xứ nào cũng có ít nhiều tranh chấp về quyền bính.  Lãnh đạo, đối với Chúa Giêsu, là phục vụ và phục vụ trong công bằng và bác ái, trong khiêm tốn và bỏ mình.

Phục vụ người khác, theo phương thức của Chúa Giêsu, là phục vụ chính Chúa. Chúa đã nói : “ Ai phục vụ một người nhỏ nhất trong anh em là phục vụ chính Ta”. “Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Kytô, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu”. Chúng ta không cần phần thưởng, chúng ta chỉ cần yêu mến Chúa là đủ rồi. Chúa chính là phần thưởng cho chúng ta.

Một vấn đề hệ trọng mà Chúa Giêsu lưu ý đó là vấn đề làm cớ cho người khác sa ngã. Chúa dùng những lời hết sức mạnh mẽ khi đề cập đến vấn đề nầy : “ Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn”. Chúng ta thấy Chúa quí trọng tâm hồn con người như thế nào. Ngài đã đổ máu để cứu chuộc thì mỗi tâm hồn là giá máu của Ngài. Thay vì làm mất môt linh hồn, chúng ta hãy dùng mọi khả năng để cứu vớt các linh hồn cho Chúa. Chúa đang cần những con người dám xả thân cứu các linh hồn. Chúng ta đừng ngại dấn thân để mang lại nhiều linh hồn cho Chúa. Chúng ta dễ nhường danh dự nầy cho các linh mục và tu sĩ làm như việc cứu rỗi các linh hồn là việc riêng của các ngài. Ai cũng có thể cứu các linh hồn. Ai cũng là một tông đồ. Có nhiều cách rao giảng : rao giảng bằng lời hay rao giảng bằng chính cuộc sống. làm sao cho người khác thấy được con đường sự thật, con đường sự sống, làm sao người ta nhận biết Chúa là hạnh phúc của con người, ngoài Chúa không thể có sự sống và hạnh phúc.

Chúa còn cho thấy sự quí giá của Nước Trời. Thà chặt một tay, một chân, mất một mắt mà vào Nước Trời còn hơn là đủ mọi chi thể mà phải vào lửa hỏa ngục. Nơi khác, Chúa Giêsu đã nói : “ Dù lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào được ích gì ?”. Chúng ta dám hy sinh tất cả để đoạt lấy Nước Trời không ? Chúa Giêsu cho thấy, Ngài không ngại xuống thế làm người, mang thân phận con người với tất cả những phiền toái của nó và chấp nhận cái chết đau thương trên thập giá để cứu chúng ta, mang lại cho chúng ta hạnh phúc của Ngài. Chúng ta quí giá đối với Ngài như thế nào ! Hơn nữa, Ngài đến với chúng ta bằng một phương thế lạ thường, là trở nên một tấm bánh cho chúng ta ăn. Chúng ta được vinh dự ăn lấy Chúa chúng ta ? Đây phải chăng là một hồng ân quí báu hơn mọi hồng ân ?

Chúng ta là gì mà được ăn lấy Chúa, nuốt Chúa vào trong chúng ta ? Chúng ta chỉ là tro bụi, nhưng tro bụi nầy được yêu thương. Vì yêu chúng ta, Chúa Giêsu dám liều thân làm của ăn cho chúng ta, sống trong xương thịt chúng ta, hoà mình vào cuộc sống khổ nhọc của chúng ta, chia xẻ kiếp người của chúng ta. Chúng ta phải đối xử với Ngài như thế nào cho xứng với tình yêu của Ngài ? Ngài không đòi hỏi chúng ta gì cả. Ngài chỉ muốn chúng ta yêu mến Ngài như Ngài đã yêu mến chúng ta. Vinh dự cho chúng ta biết bao khi chúng ta được vinh dự sống với Ngài, trong Ngài ngay hôm nay, ngay trong trần gian nầy. Như thế, sau nầy chúng ta sẽ cùng Ngài sống muôn đời trong yêu thương.

 



Tôma Lê Duy Khang

Bài đọc 1 trích sách dân số, kể câu chuyện Môse tập họp 70 người, trong số các kỳ mục của dâ và đặt họ đứng chung quanh lều. Đức Chúa nói chuyện với Môse và lấy một phần thần khí đang đậu trên ông, đặt trên 70 kỳ mục.

Lúc đó, ông En đát và Mê đát cũng được ghi danh trong danh sách kỳ mục, nhưng không đến lều. tuy nhiên thần khí cũng đậu xuống trên các ông. Thấy vậy, ông Giôsue thhuwa với ông Mose: “Xin ngăn cản họ”. Ông Môse trả lời: “Anh ghen giùm tôi à, chớ gì Đức Chúa ban thần khí trên toàn thể dân Ngài, để họ đều làm ngôn sứ”.

Tin mừng hôm nay cũng là một diễn từ tương tự như vậy đó là việc ông Gioan ngăn cản một người không thuộc nhóm, đã nhân danh Chúa trừ quỷ và Chúa bảo Gioan: “đừng ngăn cấm y”.

Sau đó Chúa Giêsu nói: “Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Ki-tô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.”

Những lời Chúa Giêsu nói cho chúng ta thấy được điều gì? Thưa cho chúng ta thấy được nếu chỉ làm điều tốt, thì chưa chắc đã thuộc về Chúa, vì người đời có những người họ cũng làm điều tốt, nhưng họ là cho họ, họ làm vì tôn giáo của họ, chứ họ đâu có làm vì Chúa hay làm cho Chúa, nên họ không thuộc về Chúa, chính vì thế mà Chúa nói như vậy, để ai làm điều tốt lành vì danh của Chúa, thì người đó chứng tỏ thuộc về Chúa.

Chúng ta hãy nhớ trong tin mừng Luca cũng có trường hợp tương tự như vậy, thánh Luca kể về câu chuyện Chúa Giêsu ban cho 12 tông đồ sức mạnh và quyền năng trên mọi ma quỷ và được chữa lành các bệnh tật, đó cũng là dấu chỉ để cho thấy các tông đồ thuộc về Chúa.

Nhưng sau đó Chúa Giêsu lại bảo các tông đồ thêm rằng: “Anh em đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo. Khi anh em vào bất cứ nhà nào, thì ở lại đó và cũng từ đó mà ra đi. Hễ người ta không đón tiếp anh em, thì khi ra khỏi thành, anh em hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ." (x. Lc 9,1-6).

Tại sao Chúa Giêsu lại nói thêm với các tông đồ như thế, phải chăng khi ban sức mạnh và năng quyền trên các thần ô uế không đủ để chứng minh các ông thuộc về Chúa?

Thưa đúng như vậy, nếu chỉ có sức mạnh và khả năng trừ quỷ, khả năng chữa lành bệnh tật thì chưa đủ để chứng mình là thuộc về Chúa.

Chúng ta hãy nhớ đến câu chuyện của Môse trong Cựu Ước Môse và Aharon ném cây gậy của mình xuống đất trước mặt vua Pharaon và bề tôi của vua, thì cây gậy hóa thành rắn, nhưng các thầy phù thủy của vua Pharaon cũng làm được điều đó. Hay khi Môse và Aharon làm cho nước hóa thành máu, thì các thầy phù thủy của vua Pharaon cũng làm được như vậy, nên Pharaon trở nên cứng lòng, vì ai làm cũng được.

Hiểu được như vậy, khi chúng ta làm việc tốt, thì hãy làm nhân danh Chúa, làm vì Chúa, điều đó mới chứng tỏ chúng ta thuộc về Chúa.

Nếu đào sâu thêm nữa thì khi chúng ta làm vì Chúa, nghĩa là làm vì yêu thì chắc chắn chúng ta mới có thể trung thành với công việc mình làm, chúng ta hãy nhớ lại Chúa Giêsu khi Chúa Giêsu xuống thế làm người là vì vâng lời Chúa Cha, thì hành ý muốn của Chúa Cha, để rồi những lúc Chúa Giêsu xao xuyến, Chúa Giêsu nhớ lại việc mình làm là vì ai, nên Chúa Giêsu đã trung thành đến cùng: “Lạy Cha, nếu có thể được xin cất chén này khỏi con, nhưng đừng theo ý con, mà theo ý Cha.”, nếu chúng ta có được ý hướng như thế thì chúng ta sẽ làm được.

Một tín đồ người Ấn Độ đi bộ đến chùa ở Hymalaya. Đường đi thì xa xôi, đường núi vô cùng khó đi, không khí thì loãng. Ông ta tuy mang theo đồ đạt rất ít, nhưng vẫn cất bước không nổi, vừa đi vừa thở hổn hển.

Ông ta đi rồi nghỉ, nghỉ rồi lại đi… không ngừng nhìn về phía trước, hy vọng mục tiêu đi đến sẽ sớm xuất hiện. Thình lình ông thấy phía trước có một bé gái chưa đầy 10 tuổi, trên lưng cõng một em bé đang từ bước từ bước… từng bước về phía trước. Cô bé thở hổn hển, mồ hôi đầm đìa nhưng hai tay vẫn ôm cứng đứa trẻ trên lưng.

Tìn đồ người Ấn Độ đi đến bên cô bé, rất đồng cảm nói: Cháu của ta, cháu cũng giống như ta, cháu nhất định mệt rồi, cháu cõng nặng quá !

Cô bé nghe xong, không vui, trả lời: Cái ông cõng là sức nặng, nhưng cái cháu cõng không phải là sức nặng, nó là em trai của cháu. Người cảm thấy nặng vì không có tình yêu.

Xin cho mỗi người chúng ta khi làm điều gì thì hãy làm nhân danh Chúa, nghĩa làm làm vì lòng yêu mến Chúa, thì chắc chắn điều đó chứng tỏ chúng ta thuộc về Chúa, và điều chúng ta làm mới có thể đạt được mục đích cuối cùng.Amen.

 
 


Lm. Thái Nguyên

Làm cớ sa ngã

Cuộc sống dù trong tập thể nào vẫn luôn có những gương xấu. Gương xấu gây ra một bầu khí ô nhiễm tinh thần. Một trong những khuynh hướng xấu rất thông thường nơi con người là óc bè phái và muốn độc quyền. Sợ người khác hơn mình, làm mất ảnh hưởng và uy tín của nhóm mình, nên có lần các môn đệ cũng đã dùng quyền để hạn chế hoạt động của người khác. Đức Giêsu không chấp nhận điều đó. Ngài đã đưa ra một cái nhìn lạc quan và tích cực để xóa bỏ sự phân biệt, kỳ thị, phe nhóm. “Ðừng ngăn cản người ta… ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta”. Với con tim rộng mở, với cái nhìn thanh thoát, Đức Giêsu chủ trương tiếp nhận tất cả, hòa hợp tất cả, gần gũi tất cả, yêu thương tất cả. Nếu có loại trừ thì phải loại trừ sự kỳ thị, phân chia, ngăn cách, tranh giành và và chống chọi với nhau.

Trong buổi tiếp kiến các nhà giáo dục của các tôn giáo mới đây, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi mọi người cùng nỗ lực trong một liên minh giáo dục rộng lớn để đào tạo những con người trưởng thành, có khả năng vượt qua sự phân mảnh và đối lập, và xây dựng lại các tương quan vì một nhân loại huynh đệ hơn. Ngài nhắc lại sự khác biệt làm cho các tôn giáo đối kháng nhau trước đây, thì ngày nay trái lại, sự khác biệt làm nên sự phong phú trên con đường đến với Thượng Đế, và để giáo dục các thế hệ mới chung sống hòa bình trong sự tôn trọng nhau. Do đó, trong giáo dục không bao giờ dùng danh Thiên Chúa để biện minh cho bạo lực và thù hận đối với các truyền thống tôn giáo.

Có khi chính chúng ta cũng rơi vào não trạng bè phái và muốn chiếm hữu độc quyền trong việc hành thiện và nắm giữ chân lý. Ngay trong Kitô giáo cũng chia thành nhiều giáo phái. Điều trớ trêu là các giáo phái nói xấu lẫn nhau, mạt sát lẫn nhau, kết án lẫn nhau, có khi khủng bố lẫn nhau. Ngay trong Hội Thánh cũng không thiếu những gương xấu, khiến cho nhiều người thất vọng đi tìm con đường khác, đời sống đức tin gặp khủng hoảng. Ðức Giêsu tỏ thái độ không khoan nhượng đối với kẻ nào gây ra gương xấu: “... thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn”.

Gương xấu làm cớ cho người khác sa ngã, và có khi là nguyên do gây ra một phản ứng quá đà mang tính xã hội, trong đó có trách nhiệm của chúng ta. Trong Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng, Công Đồng cũng đã thú nhận các tín hữu chúng ta có thể chịu trách nhiệm một phần không nhỏ trong việc khai sinh vô thần. Có thể bản thân ta cũng đã từng gây dịp tội khiến cho người khác phải sa ngã. Thân xác ta cũng có thể là dịp tội cho chính mình. Ðức Giêsu đòi chặt tay, chặt chân, móc mắt, nếu những bộ phận đó làm ta phạm tội. Không thể hiểu những điều đó theo nghĩa đen, nhưng cũng không thể coi nhẹ tính chất quyết liệt của những đòi hỏi mà Chúa Giêsu đã nêu lên, để không làm hư hại đời sống nhau.

Chúng ta đã biết có nhiều người vì bệnh tiểu đường dám cắt bỏ một phần thân thể để cứu lấy sinh mạng của mình. Loại bỏ một điều quý giá để giữ lại một điều quý giá hơn. Cuộc sống là điều quí giá trên mọi điều quí giá, đáng cho chúng ta phải loại bỏ một phần thân thể đã bị hoại tử. Nếu cần một cuộc giải phẫu để cứu lấy thân xác, thì càng cần hơn nữa một cuộc cắt bỏ những điều xấu xa để cứu lấy linh hồn mình. Đó là cuộc thanh lọc để làm mới bản thân mình cho cuộc sống mai sau.  

Chúng ta có thể cắt bỏ một tật xấu, cắt bỏ một lời nói cay độc, cắt bỏ một ánh mắt căm hờn, cắt bỏ một cử chỉ khinh thị, cắt bỏ một lối sống buông tuồng, cắt bỏ một mối quan hệ bất chính… Cắt bỏ như thế có khi còn đau hơn “móc con mắt, chặt cánh tay”. Đau vì nó quá thân thiết với cuộc đời ta; đau vì nó quá gắn liền với bản thân ta; đau vì nó quá ăn sâu trong bản chất con người mình. Nhưng nếu can đảm vượt thắng nỗi đau, chúng ta sẽ lớn lên trong phẩm cách làm người, đạt tới sự tự do và trưởng thành hơn trong địa vị làm con cái Thiên Chúa.

Tuy nhiên, giải phẫu không chỉ là cắt bỏ, mà còn là thay thế: thay trái tim sỏi đá căm hờn bằng trái tim dịu hiền yêu thương; thay bộ óc với tầm nhìn hẹp hòi, cạn cợt, bằng bộ óc rộng mở, thoáng đạt và hồn nhiên; thay cái nhìn đầy thành kiến về người khác bằng cái nhìn hiểu biết và cảm thông, để khám phá ra những điều tốt lành nơi họ, thay thái độ phản ứng bằng thái độ đáp ứng, lắng nghe, đón nhận. Cuộc sống mới sẽ triển nở khi ta đoạn tuyệt với lối sống cũ, không còn sống chung với lũ hay ru ngủ đời mình cách ngây ngô. Chúa Giêsu đưa ra những đòi hỏi tận căn, vì nếu muốn vươn tới Tuyệt Ðối, phải hy sinh cái tương đối; muốn đạt tới Thiên Chúa, phải loại trừ mọi thứ thần tượng.

Cầu nguyện 

Lạy Chúa Giêsu!
Vẫn có những gương xấu trong Hội Thánh
không tránh được bè phái và phân tranh,
những chia rẽ và lạm dụng quyền hành,
cả ganh ghét và tranh giành địa vị.

Gương xấu làm cho nhiều người thất vọng,
có khi gây khủng hoảng mất đức tin,
nên nhiều kẻ đi theo con đường khác,
để tìm cho đời mình sự bình an.

Xem ra gương xấu vẫn lan tràn,
làm bao người tốt phải hoang mang,
nhưng rồi chẳng ai là vô tội,
nên bản thân con cần sám hối,
biết tập thêm nhân đức để tài bồi,
làm cho niềm tin mến được lên ngôi.

Chúa lên án ai gây ra gương xấu,
là bởi vì hậu quả quá lớn lao,

tạo nên điên đảo cho kiếp người,
khiến ai tin vào Chúa phải hổ ngươi,
nên con đây phải cương quyết khử trừ,
tất cả những thói hư và tật xấu.

Cám ơn Chúa vẫn còn nhiều gương sáng,
để điểm tô cho cuộc sống trần gian,
dù bóng tối vẫn còn trong Giáo Hội,
những vết nhăn trên mặt vẫn in hằn.

Nhưng Giáo Hội không cần phải che chắn,
không sợ gì phải hạ thấp bản thân,
vì con tin dưới ánh sáng Tin Mừng,
Giáo Hội lại đẹp ngời đời nhân chứng,
xin cho con sống theo Lời Chúa dạy,
là mọi sự sẽ đổi mới từ đây. Amen.



 

Lm. Đaminh Lê Minh Cảnh

Cha dòng Tên Anthony De Mello, người Ấn Độ, đã tưởng tượng ra câu chuyện “Chúa Giêsu đi xem bóng đá”. Chuyện kể về một trận bóng đá gay go, khá hấp dẫn diễn ra giữa hai đội tuyển “Tin Lành” và “Công Giáo”. Khi đội Công Giáo ghi bàn trước, Đức Giêsu hoan hô vang dội và tung cả nón lên trời, tỉ số một không (1-0) cho đội Công giáo. Vài phút sau, trong một đợt phản công đẹp mắt, đội Tin Lành đã gỡ lại một đều (1-1), Đức Giêsu cũng reo hò và tung nón lên trời. Một khán giả ngồi bên cạnh lấy làm khó chịu về thái độ của Chúa Giêsu, ông ta hỏi Ngài: “Này ông bạn, ông ủng hộ bên nào vậy, đội nào thắng ông cũng vui, là sao?” Chúa Giêsu trả lời: “Ô! Tôi hả, tôi không ủng hộ bên nào cả. Tôi đến đây là để thưởng thức những pha bóng đẹp thôi”. Người khán giả nầy tỏ vẻ khó chịu về thái độ của Chúa Giêsu, nên ông quay sang một khán giả bên cạnh khác và nói nhỏ: “Ông ta là một tên vô thần!”. Nghĩa là họ nói Chúa Giêsu không theo đạo nào hết. Nhiều người nghĩ rằng: Một khi Chúa Giêsu đứng về phía nào, là Ngài sẽ ủng hộ phía đó và loại bỏ phe khác, như người đời thường làm. Thật ra, Chúa hoàn toàn khác, Ngài không theo một phe nhóm nào cả, mà Ngài chỉ muốn tất cả đều hợp tác với nhau để tô thêm vẻ đẹp cho đời.

Câu chuyện phần nào diễn tả đúng với tâm trạng của các Tông đồ ngày xưa. Ai không thuộc nhóm 12, mà nhân Danh Thầy Giêsu để trừ quỷ, thì các Tông đồ cảm thấy khó chịu lắm. Bằng chứng là Gioan đã lên tiếng ngăn cản họ. Theo ý của Gioan, thì họ không được phép trừ quỷ và nói tiên tri, vì những việc “cao quý này”, như thể là một “Thương hiệu độc quyền”, chỉ giành cho 12 học trò của Thầy Giêsu thôi.

Sau khi Gioan khoe với Thầy Giêsu rằng là Gioan cấm họ; tưởng là được Thầy khen, không ngờ Thầy lại có những tư tưởng rất thoáng: “Các con đừng cản họ nói tiên tri! Vì không ai nhân danh Thầy làm phép lạ, rồi sau đó lại có thể nói xấu Thầy. Ai không chống đối chúng ta là ủng hộ chúng ta” (Mc 9,39-40).

Trong bài đọc thứ I: Vào thời ông Môisê cũng có những ý muốn “độc quyền”, khi ông Giôsuê muốn “quyền nói tiên tri” chỉ dành cho nhóm bảy mươi vị Kỳ mục; nên ông xin ông Môisê lên tiếng cấm hai ông Elđát và Mêđát nói tiên tri. Nhưng ông Môisê không chịu: “Anh ghen giùm tôi à? Tôi còn muốn Chúa ban Thần Khí trên toàn dân để họ cùng nói tiên tri!” (Ds 11, 25-29).

Điều đó để thấy cả trong Tân Ước, lẫn trong Cựu Ước đều lên án thái độ phe nhóm, kỳ thị và phân biệt giai cấp. Bởi vì sự phân biệt đối xử sẽ không hợp với tinh thần của đạo Công giáo. Vì Thiên Chúa đã cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (Mt 5,45).

Tuy vậy trong lịch sử Giáo Hội (trước năm 1965), Giáo lý Hội thánh Công giáo số 846 có ghi: “Ngoài Giáo hội, không có ơn cứu độ”. Điều này khiến cho nhiều người hiểu nhầm là: “Chỉ người Công giáo mới được cứu độ, lên thiên đàng, còn các đạo khác thì không!”. Chỗ này nên hiểu đúng rằng: “Không có Giáo Hội thì cũng không có ơn cứu độ”. Nghĩa là Giáo Hội là phương tiện mà Thiên Chúa dùng, để chuyển tải ơn cứu độ cho hết thảy mọi loài, không phân biệt chủng tộc, giai cấp, và giàu nghèo. Cho nên, tất cả mọi người phải có tinh thần “hợp tác” để làm những việc bác ái; luôn sống “tử tế” với nhau, để giúp cho con người và xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.

Như gương sáng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô: Vào 23/9/2015, ngài sang nước Mỹ, gặp Tổng thống Obama và hàng triệu người dân trong sự gần gũi và thân thiện; đến nổi có một nhà báo nói rằng: “Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang “phân phát Tin Mừng Tình thương” cho mọi người, vì cách sống của ngài như đang diễn tả một cách rõ nét về Lòng thương xót của Thiên Chúa”.

Quả thực, càng sống với tinh thần đơn sơ trong tình yêu thương, thì hình ảnh của Chúa nhân từ càng được nổi bật thêm. Nó giống như là những hương hoa tốt lành, được lan toả đến hết mọi người.

Để chứng minh cho sự lan toả của tình yêu thương, tôi xin kể câu chuyện sau: Trong thế chiến thứ II, ba vị tuyên úy: Công giáo, Tin lành và Do thái là những người bạn thân của nhau. Họ thân đến nỗi, thề hứa nếu một người trong nhóm bị giết chết, thì hai người còn sống sót phải báo tin cho gia đình của người qua đời và lo việc chôn cất. Thế rồi, vị tuyên úy Do thái bị giết chết. Hai người còn lại lo hậu sự cho bạn. Vì không tìm thấy Thầy Rabbi cũng như hội đường Do thái nào, nên buộc lòng họ xin chôn bạn mình ở đất thánh của người Công giáo. Khi đến gặp Cha sở để xin; Cha sở rất muốn giúp, nhưng ngài lại sợ Luật lệ của Giáo xứ không cho phép chôn người không có đạo vào đất thánh. Nên ngài nói: “Ngày mai, các ông trở lại đây đi, tôi tìm cách giải quyết cho”. Suốt đêm, Cha sở mở sách luật để xem lại, nhưng không có kết quả. Hôm sau, ngài nói với hai người bạn: “Các ông hãy chôn ông ấy sát hàng rào đất thánh này, tôi hứa sẽ chăm sóc đặc biệt cho ngôi mộ ông ta”. Khi chiến tranh kết thúc, hai người bạn quay lại, tìm mộ bạn bên ngoài hàng rào đất thánh không thấy, nên họ đến nhà xứ hỏi. Cha sở cười và nói: “Tôi thấy ngôi mộ nằm bên ngoài nghĩa trang trông cô độc quá, cho nên tôi đã dời hàng rào đất thánh ra bên ngoài ngôi mộ, vì luật không có cấm dời hàng rào, nên bây giờ ngôi mộ đó trở thành bên trong”.

Ước gì mỗi người chúng ta, biết sống thật thoáng, đừng ganh tị và cũng đừng phân biệt tôn giáo, giai cấp, và giàu nghèo; nhưng hãy đối xử với nhau bằng tình yêu thương, như anh em cùng một cha trên trời. Amen.