19/09/2024
560
Bài giảng Lễ Chúa Nhật XXV Thường Niên - Giáo phận Mỹ Tho




















GỢI Ý SUY NIỆM

LỄ CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN - NĂM B

Lời Chúa: Kn 2,12.17-20; Gc 3,16-4,3; Mc 9,30-37


Lm. Đaminh Lê Minh Cảnh

Khiêm Nhường và Phục Vụ

Chuyện kể rằng: Có một anh chàng thanh niên nọ học cao, hiểu rộng, và có điều kiện, nên đi chu du khắp nơi trên thế giới. Sau đó, anh tự tin cho là mình đã hiểu biết được hết mọi thứ trên đời, nên đến lúc phải về quê nghỉ ngơi. Vừa về đến đầu làng, thấy 1 cụ nông dân đang lượm củi dưới chân núi, anh mon men tới bắt chuyện với ý muốn khoe vốn kiến thức của mình.

Bước đến gần, anh vỗ nhẹ vai bác nông dân và nói: “Chào bác, cháu đi nhiều nơi rồi, và cũng đã học được rất nhiều kiến thức. Hôm nay, cháu về thăm lại quê hương xem coi có gì thay đổi không”. Ông lão trả lời: “thế à!”, rồi cụ tiếp tục khom lưng kiếm củi. Điều đó khiến cho anh chàng này cảm thấy khó chịu, vì cụ chẳng ngó ngàng gì tới anh, nên anh đưa ra 1 lời thách đố để gây chú ý: “Này bác, nếu bác hỏi cháu 1 câu mà cháu không trả lời được, cháu sẽ thua bác 100.000đ; còn nếu cháu hỏi mà bác bị bí không trả lời được, bác chỉ thua 10.000đ thôi, bác chịu hôn.” Ông lão ngẩng đầu lên suy nghĩ 1 chút, rồi trả lời: “à hả, vậy cũng được”. Chàng thanh niên vui vẻ nói: “dạ, kính lão đắc thọ mời bác ra câu đố trước ạ!

Thế là, cụ đưa tay chỉ lên dãy núi cao rồi đố: “con gì khi lên núi thì đi bằng 4 chân, nhưng khi xuống núi chỉ bằng 2 chân?” Chàng thanh niên bắt đầu bối rối (gãi đầu, bứt tóc) suy nghĩ mãi vẫn không biết, nên cuối cùng phải móc 100.000đ đưa cho bác nông dân.

Vừa đưa tiền xong, anh ta gặng hỏi lại: “nó là, con gì dzậy bác?” Ông lão với thái độ rất thong thả lấy 90.000đ đút vào túi, rồi đưa lại cho anh ta 10.000đ và nói: “rất tiếc, tôi cũng không có câu trả lời! nên, tôi thua anh 10.000đ nè, hi hi

Anh chàng “cao ngạo” kia “ngớ người ra” một lúc, mới hiểu ra vấn đề, rồi cảm thấy xấu hổ, lầm lủi, và nhanh chân bỏ đi. Đúng là “cao nhơn tất hữu cao nhơn trị”, ta giỏi sẽ có người giỏi hơn ta.

Bản tính tự cao, tự cho mình là tài giỏi, và quan trọng cũng đã từng xuất hiện, trong nhóm các tông đồ của Chúa Giêsu. Cụ thể là trong Tin Mừng Thánh Marcô vừa cho ta thấy, cảnh tượng như 1 đoạn phim: suốt đoạn đường dài đi bộ, thầy trò Giêsu từ trên núi xuống ngang qua thị trấn Galilêa, để về nơi tạm trú là Caphanaum. Các tông đồ cứ mãi tranh luận về cái chuyện “ai lớn, ai nhỏ, ai quan trọng, ai không” đã khiến cho Thầy Giêsu rất là buồn lòng nhưng lại không nói ra, nên các tông đồ cứ thoải mái tranh luận, mạnh ai nấy lớn tiếng giành nhau chỗ nhất. Sao Thầy Giêsu lại im lặng suốt cả một chặng đường như vậy?

Có lẽ, Thầy muốn lắng nghe và để ý xem coi có chú học trò nào biết khiêm tốn trong cách ăn nói của mình không? (và hầu như thất vọng). Về đến nhà nhưng vẫn chưa nghe được một câu khiêm tốn nào của các môn đệ, nên Chúa Giêsu đến lúc phải lên tiếng: “Có phải dọc đường các con cãi nhau về cái chuyện ai lớn hơn ai, đúng không?” Tất cả đều xanh mặt nín thinh, chẳng ai dám nói một lời nào. Với thái độ nghiêm túc Chúa gọi các tông đồ lại, dạy cho các ông một bài học nhớ đời rằng: "Ai trong các con muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người!”. Đến lúc đó các tông đồ mới chợt nhận ra một bài học khiêm nhường để đời.

Trong cuộc sống, sự khiêm nhường rất dễ bị hiểu sai về ý nghĩa của nó, bởi vì nhiều người nghĩ rằng khiêm nhường là một sự hèn nhát, yếu đuối, và bất lực. Và ai sống khiêm nhường, người đó sẽ bị người khác chèn ép, đàn áp một cách vô tội vạ (nhục lắm!).

Nhưng thực ra không phải như vậy! Người khiêm nhường luôn chiếm 1 vị trí đặc biệt, trong cái nhìn của Chúa Giêsu. Những người tự cao tự đại, không thể có “ai khiêm nhường hạ mình xuống thì sẽ được nâng lên, còn ai tự nâng mình lên thì sẽ bị hạ xuống”. Người khiêm nhường là người biết khiêm tốn phục vụ người khác, do tấm lòng đức độ sẵn có, hoặc do cái tâm vốn dĩ rất yêu người.

Như bộ phim nổi tiếng của Trung Quốc, mang tựa đề “Khang Hy di hành”, được rất nhiều người ưa thích. Vua Khang Hy là ông vua biết thương, và coi người dân như con của mình; nên vua sẵn sàng hạ mình giả dạng làm người dân thường, để vạch mặt và trừng phạt những ông quan tham ô, chuyên ức hiếp những người dân lành vô tội. Phải nói rằng đây là 1 hình ảnh yêu thương, khiêm tốn, và phục vụ rất tuyệt vời.

Một hình ảnh khiêm nhường tương tự khác. Hình ảnh Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cúi xuống ôm hôn một đứa bé Châu Phi nghèo hèn và bệnh tật, cũng nói lên một sự khiêm nhường yêu thương. Từ đó suy ra một người cao sang quyền quý, mà hạ mình xuống tỏ thái độ yêu thương đối với kẻ thấp hèn, đó là 1 bản phôtô rõ nét từ Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu vốn dĩ là Thiên Chúa, nhưng ngài tự hạ mình xuống sống kiếp phàm nhân, để nâng loài người lên tầm cao mới để hưởng ơn cứu độ. Cho nên, “đức khiêm nhường” xuất phát từ Chúa Giêsu, và tự bản chất bên trong của đức khiêm nhường là một đức tính rất cao quý.

Thánh Bernarđô, khi Ngài được người ta hỏi bốn đức tính căn bản của con người là gì? Thay vì trả lời như giáo lý dạy:

1. là khôn ngoan,

2. là công bình,

3. là can đảm và

4. là tiết độ

nhưng Ngài lại trả lời rằng bốn đức tính căn bản là: “khiêm nhường, khiêm nhường, khiêm nhường và khiêm nhường”.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con đức tính khiêm nhường, để chúng con luôn sẵn lòng hạ mình phục vụ tha nhân. Vì trong cuộc sống có những lúc, con không muốn phục vụ người khác; bởi tính kiêu ngạo của con lớn hơn tình thương, mà con dành cho Chúa và cho anh em. Amen



Tôma Lê Duy Khang

Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy việc Chúa Giêsu loan báo cuộc khổ nạn lần thứ 2 cho các môn đệ, và tin mừng nói rõ là Chúa Giêsu chỉ nói riêng với các môn đệ mà thôi, Ngài không muốn cho ai biết chuyện này.

Điều này cho chúng ta thấy, chỉ có những người thân tín người ta mới dám tiết lộ những bí mật mà đối với người khác thì người ta lại không tiết lộ.

Thế nhưng các môn đệ lại không hiểu được tâm tình của Chúa Giêsu bởi vì các ông đang tranh giành với nhau xem ai là người lớn nhất, chính vì thế Chúa Giêsu mới dạy cho các ông bài học: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người phục vụ mọi người”.

Nếu đào sâu thêm chúng ta thấy lời dạy của Chúa Giêsu, không chỉ đơn thuần là dạy các môn đệ khi các ông tranh giành xem ai là người lớn nhất, mà lời dạy đó cũng muốn nói cho các môn đệ biết một điều như thế này, đó là để có thể hiểu được người khác, để có thể cảm nhận được tâm tư tình cảm của người khác dành cho mình, mà cụ thể là tâm tư tình cảm của Chúa Giêsu khi loan báo cuộc khổ nạn, thì phải là người có thái độ đơn sơ khiêm nhường, còn ngược nếu mang tâm tình háo thắng, kiêu ngạo, thì sẽ bị sự háo thắng kiêu ngạo đó che mất lý trí của mình thì sẽ không bao giờ hiểu được người khác.

Chúng ta thấy Đức Mẹ là một mẫu gương tuyệt vời cho chúng ta.

Chúng ta hãy nhớ lại 2 câu chuyện trong tin mừng nói về việc Mẹ Maria sống và thực hành lời Chúa.

Câu chuyện thứ nhất, khi Chúa Giêsu đang giảng dạy thì: “Có kẻ nói với Người rằng: "Thưa Thầy, có mẹ và anh em chị em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy! " Nhưng Người đáp lại: "Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi? " Rồi Người rảo mắt nhìn những kẻ ngồi chung quanh và nói: "Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi." (Mc 3, 32-35)

Câu chuyện thứ hai: “Khi Đức Giê-su đang giảng dạy, thì giữa đám đông có một người phụ nữ lên tiếng thưa với Người: "Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm! " Nhưng Người đáp lại: "Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11,27-28).

Hai câu chuyện đó đều quy hướng về Đức Mẹ là người đã biết lắng nghe và thực hành lời Chúa.

Nhưng tại sao Mẹ Maria lại có thể lắng nghe và thực hành lời Chúa? Thưa vì Mẹ có sự hiền lành và khiêm nhường, không nóng nảy.

Nếu đọc lại tin mừng chúng ta sẽ thấy được đức tính đó của mẹ, chẳng hạn như khi Chúa Giêsu được sinh ra ở Bêlem có những người chăn chiên đến họ liền kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi này. Nghe các người chăn chiên thuật chuyện, ai cũng ngạc nhiên. Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng. (Lc 2, 18-19)

Hay khi lạc mất Chúa Giêsu trong đền thờ, thánh Giuse và Mẹ đi tìm Chúa Giêsu, khi tìm gặp rồi thì Mẹ nói: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con! " Người đáp: "Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao? " Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói. Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài. Riêng Mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng.” (Lc 2, 48-51).

Chúng ta thấy Đức Mẹ không có gì là vội vã, chỉ biết suy đi nghĩ lại trong lòng, chính vì thế mà đã nghe được tiếng Chúa, và thực thi thánh ý Chúa trong cuộc đời của Mẹ.

Chúng ta cũng được mời gọi như thế, để có thể lắng nghe và thực hành thánh ý Chúa trong cuộc đời của mình. Amen.


 

Lm. Trầm Phúc

Chúa Giêsu tiên báo cuộc khổ nạn của Ngài: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết Người, và ba ngày sau Ngài sẽ sống lại”. Thánh Maccô ghi lại rằng các ông không hiểu lời nói đó và sợ không dám hỏi Ngài. Làm sao họ có thể hiểu những điều như thế? Thầy của họ là một người làm nhiều dấu lạ, đang được dân chúng ca tụng và ủng hộ, làm sao có thể như thế được! Thế là họ làm thinh, không dám hỏi Thầy.

Con đường đến Caphácnaum cũng khá xa, và dọc đường, các ông tranh nhau chỗ đứng, địa vị. Về đến nhà, Chúa Giêsu hỏi các ông dọc đường các ông nói với nhau điều gì mà xem ra cũng khá hăng say. Các ông làm thinh vì vấn đề khó nói quá! Nhưng Chúa Giêsu vẫn biết các ông đã tranh nhau điều gì. Ngài gọi mấy ông lại và dạy cho các ông một phương thức lãnh đạo mới: “ Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người”. Phương thức nầy đi ngược với phương thức của xã hội. Trong xã hội loài người ngược lại: người đầy tớ mới phục vụ, người có địa vị thì chỉ cần chỉ tay năm ngón. Chúa Giêsu thì ngược lại, Ngài đã phục vụ như Ngài đã nói: “Thầy đến để phục vụ và ban mạng sống cho muôn người”. Trước khi bắt đầu ăn lễ Vượt Qua, Ngài đã rửa chân cho các môn đệ. Và cuối cùng, Ngài đã chết cho mọi người.

Hãy nhìn Ngài và nhìn bản thân chúng ta. Chúng ta đã đối xử với anh em chúng ta như thế nào? Đa số chúng ta theo thói thế gian, thích ăn trên ngồi trước, thích đè đầu cởi cổ thiên hạ. Chúa Giêsu là Thiên Chúa, chủ tể mọi sự, nhưng Ngài đã đến thế gian, mang thân phận người tôi hèn, sinh ra trong máng cỏ, sống lam lũ nghèo khó ở Nadaret, ra đi rao giảng Tin Mừng, “không có nơi tựa đầu”, chết treo trên thập giá, là một người tử tội. Ngài dám cho đi tất cả, không dành cho mình một tấm áo cũng không. Vì Ngài là Tình Yêu. Vì thế, Ngài đã bảo: “Ai muốn theo Ta, hãy bỏ mình, vác thập giá mà theo”.

Ngài không ép buộc ai. Ngài mời gọi. Ngài mong ước có những người dám liều mất tất cả như Ngài, trở thành những người phục vụ không công như Ngài. Con đường Ngài đi có lẽ khó đấy, nhưng ai dám liều sẽ gặt hái được điều mà không ai có thể tưởng tượng được, đó là tìm được lẽ sống và hạnh phúc mà ai cũng mơ ước. Lẽ sống đó là đây, là Thiên Chúa đến với chúng ta, đi vào xương thịt chúng ta, chia xẻ cuộc sống nhọc nhằn của chúng ta. Thiên đàng là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Thiên đàng chính là tình yêu Chúa tràn ngập tâm hồn chúng ta, cuộc sống chúng ta. Hãy cám ơn Chúa và đi theo Ngài trên con đường phục vụ. Ngài sẽ không bao giờ bỏ quên những người dám từ bỏ mọi sự và đi theo Ngài, sống chết với Ngài.